Quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa (Phần 1)
Tóm tắt: Trong khi các nhà Mác-xít coi tôn giáo là một hình
thái ý thức xã hội, thì từ đầu thế kỷ XX, cùng với các nhà xã hội
học, văn hóa học tiền bối như Max Weber, Alfred Weber và
Christopher Dawson, nhà thần học, nhà triết học nổi tiếng Paul
Tillich (1886 - 1965) có cách tiếp cận khác với tôn giáo, nhấn
mạnh tôn giáo là hạt nhân của văn hóa. Từ góc độ này, quan hệ
tôn giáo với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội được nhìn
nhận khách quan hơn. Bài viết này nêu và phân tích quan niệm
của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa ở một số phương diện
như: các khái niệm tôn giáo và văn hóa, mối quan hệ tôn giáo
và văn hóa, sự thống nhất giữa tôn giáo và văn hóa, sự xung đột
giữa tôn giáo và văn hóa, thần học văn hóa, v.v.
Bạn đang xem tài liệu "Quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa (Phần 1)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa (Phần 1)
14 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 NGUYỄN QUANG HƯNG (*) QUAN NIỆM CỦA PAUL TILLICH VỀ TÔN GIÁO VÀ VĂN HÓA (Phần 1) Tóm tắt: Trong khi các nhà Mác-xít coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, thì từ đầu thế kỷ XX, cùng với các nhà xã hội học, văn hóa học tiền bối như Max Weber, Alfred Weber và Christopher Dawson, nhà thần học, nhà triết học nổi tiếng Paul Tillich (1886 - 1965) có cách tiếp cận khác với tôn giáo, nhấn mạnh tôn giáo là hạt nhân của văn hóa. Từ góc độ này, quan hệ tôn giáo với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội được nhìn nhận khách quan hơn. Bài viết này nêu và phân tích quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa ở một số phương diện như: các khái niệm tôn giáo và văn hóa, mối quan hệ tôn giáo và văn hóa, sự thống nhất giữa tôn giáo và văn hóa, sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa, thần học văn hóa, v.v... Từ khóa: Paul Tillich, tôn giáo, văn hóa, tôn giáo và văn hóa, thần học văn hóa. 1. Dẫn nhập Từ bấy lâu nay, giới nghiên cứu tôn giáo học ở Việt Nam vẫn quen thuộc với quan niệm Mác-xít coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội. Đó là đóng góp không thể phủ nhận của các nhà Mác-xít trong nghiên cứu tôn giáo. Tuy vậy, cách tiếp cận này mới chỉ làm rõ một vài khía cạnh của tôn giáo, nhấn mạnh tôn giáo như một hệ thống tư tưởng, quan niệm của con người về thực thể siêu nhiên, bản chất của ý thức tôn giáo. Tuy nhiên, tôn giáo còn bao gồm một hệ thống lễ nghi và thiết chế tổ chức giáo hội, can dự vào mọi lĩnh vực của đời sống cá nhân và xã hội. Sự phát triển của tôn giáo học hiện đại có bề dày hơn một thế kỷ qua đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn, nhìn nhận tôn giáo như một bộ phận hay hạt nhân của văn hóa. Quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa cổ xưa như bản thân *. PGS.TS., Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 15 15 hai phạm trù trên, nhưng phải tới đầu thế kỷ XX mới được giới nghiên cứu quan tâm. Năm 1905, trong tác phẩm Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Max Weber (1864 - 1920) đã sử dụng cụm từ “tôn giáo văn hóa” (tiếng Đức là Religionskultur) chỉ một thực thể đan xen giữa tôn giáo và văn hóa(1). Từ cách tiếp cận này, trong quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa, Max Weber cho rằng, người Mác-xít đã sai lầm khi tuyệt đối hóa sự chi phối của điều kiện kinh tế - xã hội đối với tôn giáo. Trong khi đó, theo ông, tôn giáo có lịch sử riêng, có đời sống riêng, rằng các ý tưởng tôn giáo không thể được rút ra đơn thuần từ điều kiện kinh tế. Những nghiên cứu tiếp theo của ông về Nho giáo, Ấn Độ giáo, Kitô giáo cũng toát lên ý tưởng đó. Sau đó, nhà kinh tế học, xã hội học và lý luận tôn giáo Alfred Weber (1868 - 1958) lần đầu tiên trình bày trực diện mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa trong tác phẩm Religion und Kultur xuất bản năm 1912 tại Đức. Tác phẩm này tuy không lớn nhưng khởi thảo nghiên cứu vấn đề quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa. Giữa thế kỷ XX, Christopher Dawson (1889 - 1970) có những đóng góp đáng kể với tác phẩm Religion and Culture xuất bản năm 1948 ở Anh, đồng thời có một loạt khảo cứu về mối quan hệ này trên một bình diện rộng lớn qua lăng kính quan hệ giữa Nho giáo và văn hóa Trung Hoa, Kitô giáo và văn hóa Phương Tây, Ấn Độ giáo và văn hóa Ấn Độ, Islam giáo và văn hóa Ả rập, v.v... Quan hệ này thể hiện rõ ở cả những hình thức tôn giáo nguyên thủy như Shaman, ma thuật, v.v... Christopher Dawson còn là tác giả của hàng chục công trình khác, trong đó phải kể tới tác phẩm Religion and the Rise of Western Culture xuất bản sau đó hai năm như sự tiếp nối những nghiên cứu của ông về chủ đề này(2). Bài viết này tập trung phân tích quan điểm của nhà thần học hệ thống, thần học văn hóa, nhà triết học hiện sinh nổi tiếng Paul Tillich (1886 - 1965) trong tác phẩm Bản thể tôn giáo của văn hóa. Những bài viết về thần học văn hóa như Die Religioese Substanz der Kultur, Schriften zur Theologie der Kultur xuất bản năm 1967 ở Cộng hòa Liên bang Đức như một sự tiếp nối những nghiên cứu lý thuyết của giới nghiên cứu Phương Tây về quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa(3). Khác với các bậc tiền bối, Paul Tillich chỉ có điều kiện minh chứng qua trường hợp Kitô giáo cho những nghiên cứu lý thuyết của ông. Bài viết này đưa nhiều trích dẫn từ nguyên tác của Paul Tillich để chúng ta hiểu hơn quan điểm của ông(4). 16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 16 2. Các khái niệm tôn giáo và văn hóa Trước hết, cần khảo cứu quan niệm về tôn giáo của Paul Tillich. Ở đây, Paul Tillich, cũng như Christopher Dawson, không đi sâu phân tích cấu trúc của một tôn giáo. Tôn giáo được hiểu theo nghĩa rộng, là niềm tin của con người hướng tới những hiện thực linh thiêng, siêu phàm chi phối hoạt động hằng ngày của con người. Theo ông, tôn giáo bao giờ cũng gắn với tính linh thiêng: “Trên thực tế không có tôn giáo đích thực nào mà trong đó trải nghiệm linh thiêng (Sakramentale Erfahrung) về thần linh (das Goettliche) trong hình thức hiện thời của nó cả về không gian và thời gian lại không tạo nên nền tảng của tất cả hình thái khác của đời sống tôn giáo cả”(5). Paul Tillich phân chia tôn giáo theo nghĩa hẹp và theo nghĩa rộng. Thứ nhất, tôn giáo được hiểu theo nghĩa rộng, cũng là nghĩa cơ bản nhất, đó là niềm tin, tình cảm đối với lực lượng siêu nhiên, lực lượng chi phối hoạt động hằng ngày của con người: “Người ta chỉ có thể nói rằng, nếu như phân biệt khái niệm tôn giáo theo hai nghĩa (...). Tôn giáo theo nghĩa rộng và nền tảng nhất chính là sự cảm kích, niềm tin (cảm xúc, động lòng) đối với tất cả những gì tất yếu tác động tới con người”(6). Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo khái niệm niềm tin (Glaube, Belief) dễ gây hiểu lầm vì tính đa nghĩa của nó. Người ta có thể hiểu đây là niềm tin vào quan hệ bạn bè, đồng nghiệp..., vốn không liên quan gì tới tôn giáo. Ở đây, Paul Tillich ám chỉ niềm tin (Glaube, Faith) vào những lực lượng siêu nhiên chi phối cuộc sống hằng ngày của con người (Paul Tillich lưu ý tiếng Đức chỉ có một từ Glaube diễn tả nên dễ nhầm lẫn, trong khi tiếng Anh có hai từ: Belief và Faith). Thứ hai, tôn giáo được hiểu theo nghĩa hẹp, cụ thể là những quan niệm, thần thoại, đức tin vào thần linh và những hành vi thờ cúng thần linh. Điều này xảy ra với mọi hình thức của văn hóa nhân loại, trong mọi hình thức, tôn giáo đều liên quan tới tinh thần con người: có ngôn ngữ tôn giáo, có quan niệm tôn giáo, có nghệ thuật tôn giáo, có biểu trưng tôn giáo, có sự trình diễn cá nhân và xã hội của tôn giáo. Tất cả điều này đều có trong từng tôn giáo cụ thể và tất cả chúng tập hợp lại cấu thành một tôn giáo. Tuy khác nhau về cách diễn đạt, nhưng Paul Tillich và Christopher Dawson không khác biệt nhiều trong quan niệm về tôn giáo: “Tất cả tôn Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 17 17 giáo trong lịch sử, từ những tôn giáo nhỏ bé cho tới những tôn giáo cao siêu, đều thống nhất ở hai đặc điểm cơ bản sau đây: Thứ nhất, đó là niềm tin vào sự tồn tại của các lực lượng siêu nhiên hay thần linh mà bản chất của các lực lượng này là một sự kỳ bí nhưng lại có một sức mạnh chi phối thế giới và cuộc sống của con người. Thứ hai, đó là sự gắn kết những lực lượng trên với những cá nhân siêu phàm hay những sự vật bất thường hoặc những địa danh, lễ nghi đặc biệt được coi như những đường dẫn hay cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh. Do vậy, chúng ta tìm thấy ở trong tầng bậc văn hóa thấp nhất của Shaman giáo những linh vật, hình tượng hay những điệu múa thần thánh, trong khi ở các tầng bậc cao siêu hơn thì phải có các nhà tiên tri hay chức sắc tôn giáo biểu trưng cho sự linh thiêng, rồi các đền đài, lễ thánh thể hiện sự linh thiêng”(7). Theo Paul Tillich, tôn giáo không phải đơn thuần là thứ tình cảm, mà là hoạt động tinh thần như một chỉnh thể thống nhất sống động gắn kết chặt chẽ về cảm xúc, lý trí và hoạt động thực tiễn. Thông qua sự gắn kết giữa nguyên tắc tôn giáo và chức năng văn hóa mới có thể xuất hiện môi trường văn hóa tôn giáo và nhận thức tôn giáo đặc thù, đó là thần thoại hay niềm tin tôn giáo. Rồi mới có một lĩnh vực thẩm mỹ tôn giáo thể hiện qua nghi lễ thờ cúng. Rồi một cấu hình văn hóa nhân cách được nhào nặn nên, đó là sự thần thánh hóa. Rồi đến một thiết chế xã hội của tôn giáo, đó là giáo hội với bộ giáo luật riêng và kỹ năng quan hệ cộng đồng riêng. Trong các hình thái đó, tôn giáo luôn hiện hữu và nguyên tắc tôn giáo cùng tồn tại trong sự gắn kết với chức năng văn hóa ngoài tôn giáo(8). Paul Tillich phân tích tôn giáo thuộc lĩnh vực thăng hoa của tinh thần. Ông chia sẻ, quan niệm Mác-xít nhấn mạnh khía cạnh quan trọng của tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội. Nhưng theo ông, tôn giáo không chỉ có vậy. Paul Tillich nhấn mạnh bản chất văn hóa của tôn giáo. Về nguồn gốc của tôn giáo, ông lý giải như sau: “Có một cái gì đó trong cấu trúc của tinh thần và của thế giới hiện thực cho phép người ta có thể thăng hoa, từ chính hiện thực và tinh thần đó thăng hoa hướng tới một cái gì đó không phải thuộc lĩnh vực khác cao siêu hơn, mà hướng tới một phẩm chất đặc thù bao gồm những thành tố tiền lý trí và lý trí, nghĩa là hướng tới tôn giáo. Cũng như tôn giáo không phải là lĩnh vực nằm ngoài tinh thần, tương tự như cái tuyệt đối không phải là một hiện thực nằm ngoài cái tương đối [nằm ngoài cái thực tại bị quy ước], thì cái giá trị tuyệt đối, 18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 18 cái thực tại tận cùng cũng không phải là một bậc thang (Stufe) cao hơn những thực tại đang diễn ra. Tôn giáo là một phẩm chất của tinh thần, cái tuyệt đối là một chiều kích của cái tương đối (...). Tất cả những gì do tinh thần sáng tạo ra chứa đựng trong nó cả thành tố tôn giáo chừng nào chúng có cái giá trị tuyệt đối và ý nghĩa tận cùng nhất”(9). Khác với tôn giáo, khái niệm văn hóa đa nghĩa hơn nhiều. Paul Tillich cũng đề cập tới văn hóa ở nhiều góc độ. Đương nhiên, về phạm vi, văn hóa rộng hơn tôn giáo. Khái niệm văn hóa mang nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Người ta có thể nói văn hóa cổ đại, văn hóa hiện đại; văn hóa thế tục, văn hóa thánh thiêng; văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, v.v... Với các cách hiểu khác của văn hóa, chẳng hạn văn hóa có thể chỉ đặc tính con người khi chúng ta nói “người có văn hóa”, hay văn hóa vùng miền chẳng hạn “văn hóa đô thị”, “văn hóa nông thôn”. Người ta cũng dùng văn hóa theo những nghĩa khác hẳn khi nói “tai nạn văn hóa”. Trong nhiều trường hợp, khái niệm văn hóa mang cả những nghĩa dường như không liên quan với nhau. Theo Paul Tillich, nếu văn hóa được hiểu theo những cách như vậy dường như ít liên quan, hoặc không liên quan tới tôn giáo. Những diễn đạt của ông toát lên quan niệm văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, điều mà chúng ta cũng thấy trong cách hiểu văn hóa ở Max Weber, Christopher Dawson và Samuel Hungtington. Văn hóa là phương thức sống (như Christopher Dawson hay dùng cụm từ Life Form), phương thức tồn tại của con người và của nhân loại. Văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao trùm nhất của danh từ này, đó là văn hóa Trung Hoa, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Ả rập, văn hóa Phương Tây, v.v... Cho dù được dùng theo nhiều cách khác nhau, nhưng chỉ khi gắn với tôn giáo, thì sự thống nhất của văn hóa nhân loại, hay ở quy mô hẹp hơn là văn hóa của một quốc gia dân tộc, mới được đảm bảo. Văn hóa nhân loại được phân thành năm hoặc sáu nền văn hóa lớn trên cơ sở tiêu chí các tôn giáo lớn để phân định. Paul Tillich tỏ ra e ngại trước khuynh hướng thế tục hóa, kéo theo đó là sự suy giảm vai trò của tôn giáo trong văn hóa Châu Âu từ sau Cách mạng Tư sản Pháp. Ông chỉ ra những hệ lụy xã hội, những hệ quả của xã hội công nghiệp và sự phát triển các tư tưởng duy vật và xã hội chủ nghĩa ở các nước xã hội chủ nghĩa và các phong trào cánh tả Châu Âu giữa thế kỷ XX tìm cách hạ thấp vai trò của tôn giáo, cổ vũ cho những giá trị duy Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 19 19 vật, tuyệt đối hóa những giá trị phàm tục có nguy cơ đưa nhân loại tới những khoảng trống trong văn hóa tinh thần, phá vỡ nhiều giá trị văn hóa mà nhân loại xây đắp trong cả nghìn năm qua. Cũng như Christopher Dawson, Paul Tillich cho rằng, nhân loại sẽ phải trả giá nếu như đẩy những sự thế tục hóa này tới cực đoan, bòn rút những giá trị văn hóa của nhân loại, làm xé lẻ các nền văn hóa. Điều đó sẽ làm con người tha hóa vô độ. 3. Tôn giáo là bản thể của văn hóa, văn hóa là hình thức của tôn giáo: mệnh đề cơ bản trong quan hệ tôn giáo và văn hóa Trong bối cảnh đó, Paul Tillich thấy cần thiết phải nhận thức lại mối quan hệ tôn giáo và văn hóa. Ông hiểu sự gắn kết giữa văn hóa và tôn giáo thuộc về bản chất, mang tính khách quan chứ không phải xuất phát từ ý chí của nhà nghiên cứu. Chỉ có gắn với tôn giáo, văn hóa mới đảm bảo được sự thống nhất, trở thành một chỉnh thể thống nhất. Với cách hiểu theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là phương thức tồn tại, phương thức sống của con người theo cả chiều kích cá nhân lẫn chiều kích xã hội (nhân loại), quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa có thể được diễn tả là quan hệ giữa Kitô giáo với văn hóa Phương Tây, Islam giáo với văn hóa Ả rập, Ấn Độ giáo với văn hóa Ấn Độ, v.v...(10) Để diễn tả các tình huống trong quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa, Paul Tillich đề cập tới ba quan điểm khác biệt. Quan điểm biệt lập (Autonomie) chủ trương tách biệt tôn giáo và văn hóa, cho rằng chúng tồn tại biệt lập với nhau. Đối lập với cách nhìn nhận trên là quan điểm tương tác (Heteronomie) nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, giao thoa giữa tôn giáo và văn hóa. Paul Tillich công khai đứng về phía quan điểm thần định (Theonomie) trong phân tích văn hóa: một mặt, ủng hộ quan hệ hữu cơ giữa tôn giáo và văn hóa; mặt khác, nhấn mạnh sự quy định của tôn giáo đối với văn hóa, sự chi phối của các lực lượng siêu nhiên mang tính thiêng liêng đối với các giá trị văn hóa trong mối quan hệ này. Quan hệ tôn giáo và văn hóa đôi chỗ được Paul Tillich mô tả dưới ngôn ngữ của một nhà biện chứng theo cách hiểu của Friedrich Hegel và các nhà Mác-xít, rằng trong cái này có cái kia, tuy bản thân ông có nhiều điểm không tán thành với các nhà mác xít, cho rằng họ là những nhà ảo tưởng. Paul Tillich sử dụng cách hiểu phép biện chứng của Friedrich Hegel và các nhà Mác-xít để diễn tả quan hệ tôn giáo và văn hóa. Chúng 20 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 20 đối lập nhau, nhưng đồng thời lại thống nhất với nhau, đó là hai mặt của mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa. Cái này phủ định biện chứng cái kia, đồng thời lại tồn tại thông qua cái kia: “Mạc khải (Offenbarung) phát lộ ở nơi cái linh thiêng xuất hiện không phải với tính cách tôn giáo mà với tính cách là sự phủ định [biện chứng] (Aufheben) của tôn giáo cũng như nơi phủ định [biện chứng] sự đối lập giữa tôn giáo và văn hóa. Điều này xảy ra ở nơi mà một thực tại hoàn toàn mới được thiết lập (...). Tôn giáo và văn hóa, giáo h ... đó liên quan tới vấn đề là chúng ta có thể tiếp nhận nền tảng, tư duy triết học đương đại nào để diễn giải những biểu trưng thần học Kitô giáo. Giáo lý, nền tảng đức tin của bất kể tôn giáo nào cũng cần có sự diễn giải, luận chứng triết học. Thiếu cơ sở triết học này, đức tin tôn giáo sẽ khó đứng vững, mà triết học hay khoa học cũng đều là sản phẩm của văn hóa, thuộc các lĩnh vực văn hóa. Chúng ta không thể hình dung đức tin Kitô giáo liệu có thể đứng vững với thời gian cả nghìn năm nếu như không được luận chứng bởi cả một nền thần học và triết học thời Trung cổ với những nhân vật tiêu biểu như Augustino, Bonaventura, Thomas Aquino, v.v... Mà triết học và thần học lại là sản phẩm của văn hóa tinh thần. Paul Tillich nhấn mạnh, nếu chấp nhận một cách nghiêm túc sự phản kháng đang hiện hữu chống lại tinh thần của xã hội công nghiệp, thì 24 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 24 chúng ta phải từ bỏ công cụ của chủ nghĩa tự nhiên (Naturalismus) và chủ nghĩa duy tâm cho những luận chứng thần học. Thay vào đó, chúng ta phải sử dụng sự phân tích thần học của tất cả tài sản trong mọi lĩnh vực văn hóa bao gồm cả tâm lý học chiều sâu (Tiefenpsychologie). Vấn đề trên không để ngỏ câu trả lời mà dành cho mọi người, nhưng không phải do con người đặt ra. Trong vấn đề này, chủ nghĩa hiện sinh cũng không thể giải đáp được, mà chỉ đưa ra hình thức cho sự giải đáp. Giáo hội phải gánh vác trách nhiệm giải đáp này(20). Chúng ta sẽ đề cập tới vai trò của Giáo hội như một tham chiếu cơ bản trong giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa ở phần dưới đây. 4. Xung đột giữa tôn giáo và văn hóa: một chiều kích trong quan hệ tôn giáo và văn hóa Bên cạnh sự thống nhất, giữa tôn giáo và văn hóa cũng nảy sinh không ít xung đột. Xung đột tôn giáo và văn hóa được Paul Tillich đề cập ngay trong lúc nhấn mạnh sự thống nhất hữu cơ giữa chúng như để minh chứng rằng, thống nhất và xung đột là hai mặt của mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa. Paul Tillich lý giải nguyên nhân sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa xuất phát trong một số trường hợp từ những xu hướng, lợi ích ngược chiều nhau của chúng. Theo đó, xung đột tôn giáo và văn hóa trong nhiều trường hợp là khó tránh khỏi: “Nguồn gốc những xung đột này là gì? Cơ sở của nó nằm cả trong tôn giáo lẫn trong văn hóa. Tôn giáo tiếp cận với những cái tất nhiên can hệ tới con người - những lĩnh vực của thần linh, lĩnh vực nền tảng và vực thẳm của mọi tồn tại, trong đó có cả tồn tại của mỗi chúng ta (...). Nói cách khác, tôn giáo đem lại những hình thức biểu cảm văn hóa (Kulturelle Form) những giá trị tuyệt đối, chẳng hạn như tôn giáo mang lại một luật định đặc thù nào đó. Trong lịch sử Kitô giáo, luật định này vẫn được gọi là pháp điển (Kanonisches Recht) và luật định này lại hay xung khắc với luật dân sự”(21). Trong khi đó, về phía văn hóa sáng tạo cũng lại có những đòi hỏi tương tự đối với tôn giáo và như vậy khó tránh khỏi xung đột trong nhiều trường hợp: “Văn hóa sáng tạo đòi hỏi những điều kiện tương tự rằng, bản thân nó, chứ không phải chỉ là những nội dung đặc thù của nó, phải có tự do bất khả xâm phạm. Chỉ có ở nơi có tự do thì ở đó mới có sáng tạo một cách thật sự. Không có nhà nghệ thuật nào có thể thực sự sáng tạo nếu như nhà nghệ thuật đó không hề có tự do (...). Cũng không có triết gia nào có thể sáng tạo nếu như triết gia đó không được tự mình Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 25 25 chứng kiến và chiêm niệm thực tại như bản thân nó vốn có. Cũng không có chính trị gia nào có thể làm việc được nếu như bản thân chính khách đó không được luôn tạo lập ra những hình thái mới và ý tưởng mới về nhà nước, sống và trải nghiệm với những hình thái và ý tưởng mới được tạo lập này”(22). Paul Tillich cảnh báo những nguy cơ dễ xảy ra xung đột giữa tôn giáo và văn hóa: “Nhưng cũng chính dưới danh nghĩa hay nhân danh sự tự do này của văn hóa thì lại hay xảy ra xung đột với những phong trào tôn giáo nào tìm cách ngăn trở sự tự do đó. Vậy tại sao tôn giáo lại tìm cách ngăn trở sự tự do đó? (...). Tôi đưa ra một câu trả lời có lẽ làm mọi người ngạc nhiên: do sự sợ hãi. Quả đúng vậy, cũng như sợ tâm lý, chính việc sợ hãi sẽ tạo ra sự xâm lược và sự thù nghịch. Tương tự như vậy đối với tôn giáo. Cái tôn giáo lo sợ, đúng ra, những người giao giảng tôn giáo lo sợ mất đi chiều kích sâu xa của nó nếu như một hình thái xác định nào đó, một thần học nào đó, một nghệ thuật nào đó, một nền đạo đức nào đó bị đặt trước vành móng ngựa chịu sự phán xét của văn hóa mới được tạo ra này. Tương tự như vậy đối với văn hóa. Sự e ngại xuất hiện. Không khác gì một cơ thể sống sẽ phải đào thải khi trong mình nó xuất hiện một vật thể mới lạ”(23). Trong thực tế lịch sử, chúng ta chứng kiến xảy ra không ít xung đột giữa tôn giáo và văn hóa. Bất kể tôn giáo nào cũng vậy, không dễ dàng chấp nhận khi một văn hóa ngoại lai du nhập truyền bá cho tín đồ của tôn giáo đó. Ngược lại, nền văn hóa nào cũng vậy, không dễ dàng chấp nhận sự du nhập của một tôn giáo mới đem đến cho nó những hệ giá trị mới làm biến đổi căn tính của văn hóa đó. Tương tự, không ít xung đột tôn giáo cũng xuất phát từ xung đột các giá trị văn hóa mà chúng chuyển tải. Paul Tillich cảnh báo không được đồng nhất tôn giáo với văn hóa. Chúng là hai sự vật móc xích với nhau, nhưng không thể thay thế cho nhau: “Nếu chúng ta hiểu tôn giáo như một chiều kích sâu xa [của văn hóa - NQH] thì không nhất thiết phải đồng nhất nó với một dạng văn hóa đặc thù nào đó. Cả truyền thống tôn giáo thiêng liêng nhất trong tư duy, trong nghệ thuật, trong đạo đức, trong chính trị cũng không bao giờ là tuyệt đối và cũng không bao giờ có giá trị tuyệt đối cả. Mặt khác, hình thức của tôn giáo, ngôn ngữ của tôn giáo, sự biểu lộ của tôn giáo trong mọi lĩnh vực văn hóa cũng bị chi phối, chinh phục bởi luật định của phong trào văn hóa. Tự do của văn hóa bao giờ cũng đem lại cho tôn giáo 26 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 26 những hình thức biểu lộ mới mẻ. Chiều sâu của tôn giáo đem lại cho văn hóa một ý nghĩa bất tận. Đó là dàn hòa cơ bản cuộc xung đột, nhưng điều đó không có nghĩa là xung đột [giữa chúng - NQH] đã chấm dứt”(24). Tuy vậy, cũng không nên thổi phồng sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa tới mức triệt tiêu sự thống nhất giữa chúng. Suy cho cùng, tôn giáo vừa tạo ra, vừa là tiêu chí để phân loại văn hóa. Văn hóa tôn giáo chính là điểm giao nhau giữa tôn giáo và văn hóa. Các tôn giáo lớn tạo ra cả một nền văn hóa, văn minh lớn của nhân loại như văn hóa Kitô giáo, văn hóa Islam giáo, văn hóa Nho giáo, văn hóa Ấn Độ giáo, v.v... Thống nhất và xung đột là hai mặt của mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa: “Bản thân tôn giáo bao hàm trong nó cả những hình thái của văn hóa (Kulturelle Form) cho dù những hình thái văn hóa này có ủng hộ hay phản kháng lại tôn giáo đi chăng nữa. Như vậy, chúng ta lại quay trở về với điểm xuất phát của tôi. Tôi cần phải đề cập tới ranh giới giữa văn hóa và tôn giáo. Nhưng thực tế, tôi đã đề cập tới sự thống nhất, sự giao cắt nhau giữa văn hóa và tôn giáo rồi”(25). Nói một cách cụ thể hơn, chúng ta cũng không nên hiểu sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa như một cái gì đó cố định, bất biến mà thay đổi tùy theo từng tôn giáo và văn hóa cụ thể cũng như tùy từng giai đoạn lịch sử cụ thể: “Sự đối lập giữa tôn giáo và văn hóa sẽ được thu hẹp lại khi mà nhị nguyên luận (Dualitaet) giữa văn hóa thế tục và văn hóa tôn giáo được chuyển tiếp với vô số những khâu trung gian giữa chúng (...). Các giáo hội Tin Lành Luther chẳng hạn, đã đại diện cho một thời đại văn hóa đặc biệt, trong đó những gì cao cả tuyệt đối, nguyên tắc tôn giáo được biểu lộ thường xuyên một cách cởi mở và trực tiếp. Cả hai đều mang tính tôn giáo và đồng thời cũng mang tính văn hóa”(26). Trên đây là hai mặt của mối quan hệ đầy sống động vừa thống nhất, vừa đa dạng chứa đựng mâu thuẫn, xung đột giữa tôn giáo và văn hóa. Trong lịch sử, không ít cuộc chiến tranh tôn giáo hoặc xung đột văn hóa đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới mối quan hệ đầy phức tạp giữa tôn giáo và văn hóa này. (Kỳ sau đăng tiếp) Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 27 27 CHÚ THÍCH: 1. Ban đầu, khi đưa ra cụm từ này, Max Weber gọi đó là “tôn giáo văn hóa”. Về sau, giới nghiên cứu Phương Tây mới gọi đó là “văn hóa tôn giáo”. 2. Xem Max Weber (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch, 2008), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, Nxb. Tri thức, Hà Nội; Alfred Weber (1912), Religion und Kultur, Verlegt bei Eugen Diederichs in Jena; Christopher Dawson (1948), Religion and Culture, Scheed and Ward, London; Christopher Dawson (1950), Religion and the Rise of Western Culture, Schedd and Ward, London. 3. Thuật ngữ tiếng Đức Substanz (gốc từ tiếng Latin: Substantia, tiếng Anh: Substance) ở đây nghĩa là bản thể. Chúng ta không nên nhầm lẫn với bản thể luận (từ gốc tiếng Hy Lạp: Logos, tiếng Anh: Ontology) chỉ học thuyết về bản chất của sự vật, bản chất của tồn tại (Being). 4. Xem Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur. Schriften zur Theologie der Kultur. Paul Tillich, Gesammelte Werke, Band IX, 1. Auflage, Evangelisches Verlagswerk Stuttgart. Paul Tillich sinh ra tại một ngôi làng nhỏ Starzeldel thuộc bang Brandenburg ở Đức trong một gia đình theo Tin Lành phái Luther; từng theo học và công tác ở nhiều trường đại học của Đức như Tuebingen, Halle, Breslau, Leipzig và Dresden. Năm 1933, khi Hitler lên nắm quyền, ông bị tước bỏ hầu hết các danh vị. Cùng năm đó, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ, và từ đó, mang đồng thời cả hai quốc tịch Đức và Mỹ. 5. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 360. 6. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 94. 7. Christopher Dawson (1951), Religion und Kultur, Verlag L. Schwann, Duesseldorf: 74. 8. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 17. 9. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 284. 10. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 30 - 31. Hiểu văn hóa theo nghĩa rộng nhất của từ này khi chúng ta nói “văn hóa Việt Nam”, chỉ người Việt Nam tuy có những điểm khác nhau về lối sống cụ thể, về phong tục, tập quán vùng miền, nhưng vẫn có những nét chung về lịch sử, cội nguồn, cách thể hiện,v.v... không khó nhận ra, phân biệt với phương thức sống của các dân tộc khác. 11. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 41. Ở đây, Paul Tillich sử dụng thuật ngữ vượt bỏ (Aufheben, Aufhebung) mà Friedrich Hegel từng hay dùng, theo tiếng Đức nghĩa là phủ định, bỏ đi cái gì đó, nhưng đồng thời lại giữ lại cái gì đó, nghĩa là phủ định biện chứng. 12. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 94. Nghĩa gốc của từ phép biện chứng theo cách hiểu của người Hy Lạp thời Cổ đại chỉ nghệ thuật tranh luận để tìm ra chân lý. Đó là nghệ thuật hùng biện, chỉ ra điểm yếu của người tranh biện với mình và bảo vệ chính kiến của mình. Theo 28 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 28 người Hy Lạp thời Cổ đại, chỉ có mệnh đề nào qua tranh luận vẫn không bị bác bỏ mới được coi là chân lý. Đến thế kỷ XIX, Friedrich Hegel đưa ra cách hiểu mới, coi phép biện chứng là học thuyết về sự phát triển với hạt nhân là quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Quan điểm này được các nhà mác xít ủng hộ và nay thịnh hành ở Việt Nam. Hiện vẫn tồn tại song song hai cách hiểu trên về phép biện chứng. 13. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 94 - 95. 14. Đây là một phương pháp được Paul Tillich mô tả trong các công trình về thần học hệ thống của ông gồm 6 bước với những chỉ dẫn cụ thể. Bắt đầu bằng việc đặt các câu hỏi căn bản nhất về ý nghĩa cuộc đời: Tôi là ai? Mục đích cơ bản cuộc đời này của tôi là gì? Điều gì xảy ra sau khi con người ta chết đi? Tiếp đó là sự giải đáp bằng sự trải nghiệm, linh nghiệm dẫn con người ta tới sự mạc khải của Chúa. Các bước sau của phương pháp này hướng con người những cách chiêm niệm về sự mạc khải. 15. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 89. 16. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 42. 17. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 84. 18. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 93. 19. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 106. 20. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 106 - 107. 21. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 96 - 97. 22. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 97. 23. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 97 - 98. 24. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 99. 25. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 99. 26. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur, sách đã dẫn: 86. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Christopher Dawson (1948), Religion and Culture, Scheed and Ward, London. 2. Christopher Dawson (1950), Religion and the Rise of Western Culture, Schedd and Ward, London. 3. Samuel Hungtington (2003), Sự va chạm giữa các nền văn minh, Nxb. Lao động, Hà Nội. 4. Paul Tillich (1959), Theology of Culture, Oxford University Press. 5. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur. Schriften zur Theologie der Kultur. Paul Tillich, Gesammelte Werke, Band IX, 1. Auflage, Evangelisches Verlagswerk Stuttgart. 6. Alfred Weber (1912), Religion und Kultur, Verlegt bei Eugen Diederichs in Jena. 7. Max Weber (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch, 2008), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, Nxb. Tri thức, Hà Nội. Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 29 29 Abstract THE CONCEPTION OF PAUL TILLICH ON RELIGION AND CULTURE (Part 1) While Marxists considered religion as a social ideology, Paul Tillich (1886 - 1965), the famous philosopher and theologian, along with the pre- sociologists and culturologists such as Max Weber, Alfred Weber and Christopher Dawson from the early of the 20th century, had another approach to religion. Their approach stressed that religion was nuclear of culture. From this angle, the relation between religion and other fields of social life has been recognized more objectively. This article puts forward and analyzes Paul Tillich’s conception on religion and culture in following aspects: the concepts of religion and culture, the relation between religion and culture, the unity of religion and culture, the conflict between religion and culture, cultural theology, and so forth. Key words: Paul Tillich, religion, culture, religion and culture, cultural theology.
File đính kèm:
- quan_niem_cua_paul_tillich_ve_ton_giao_va_van_hoa_phan_1.pdf