Giá trị tôn giáo từ phương diện triết học

Tóm tắt: Trên cơ sở trình bày một số vấn đề lý luận chung về giá

trị từ phương diện triết học, bài viết này bước đầu nhận diện giá trị

tôn giáo, phân biệt giá trị tôn giáo với giá trị nói chung.

pdf 11 trang phuongnguyen 3060
Bạn đang xem tài liệu "Giá trị tôn giáo từ phương diện triết học", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giá trị tôn giáo từ phương diện triết học

Giá trị tôn giáo từ phương diện triết học
30 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
CHU VĂN TUẤN(*) 
GIÁ TRỊ TÔN GIÁO 
TỪ PHƯƠNG DIỆN TRIẾT HỌC 
Tóm tắt: Trên cơ sở trình bày một số vấn đề lý luận chung về giá 
trị từ phương diện triết học, bài viết này bước đầu nhận diện giá trị 
tôn giáo, phân biệt giá trị tôn giáo với giá trị nói chung. 
Từ khóa: Giá trị, triết học, tôn giáo, giá trị tôn giáo, giá trị đạo đức. 
1. Khái quát về giá trị 
Giá trị là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Mỗi ngành 
khoa học nghiên cứu về các giá trị khác nhau, ở các góc độ khác nhau. 
Trong đó, giá trị luận, giá trị học (còn gọi là triết học giá trị) nghiên cứu 
giá trị với tính cách là một học thuyết nhằm tìm ra bản chất của giá trị. 
Một sự vật, hiện tượng có thể bao gồm nhiều giá trị khác nhau: giá trị vật 
chất, giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục, giá trị lịch sử, v.v... 
Các giá trị này không tách rời nhau, mà hòa quyện để tạo nên giá trị 
chung của sự vật, hiện tượng. 
Cho đến nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về giá trị. Theo Từ điển 
Bách khoa Toàn thư (Liên Xô): “Giá trị là sự khẳng định hoặc phủ định ý 
nghĩa của các đối tượng thuộc thế giới xung quanh đối với con người, 
giai cấp, nhóm hoặc toàn bộ xã hội nói chung. Giá trị được xác định 
không phải bởi bản thân các thuộc tính tự nhiên, mà là bởi tính chất cuốn 
hút (lôi cuốn) của các thuộc tính ấy vào phạm vi hoạt động sống của con 
người, phạm vi các hứng thú và nhu cầu, các mối quan hệ xã hội, các 
chuẩn mực và phương thức đánh giá ý nghĩa nói trên được biểu hiện 
trong các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, trong lý tưởng, tâm thế và 
mục đích”(1). 
Còn theo Từ điển Triết học (Liên Xô), giá trị nói lên ý nghĩa về mặt xã 
hội của các khách thể trong thế giới xung quanh, nhằm nêu bật tác dụng 
tích cực hoặc tiêu cực của các khách thể ấy đối với con người và xã hội 
(lợi, thiện và ác, cái đẹp và cái xấu nằm trong những hiện tượng của đời 
sống xã hội hoặc của tự nhiên). Xét bề ngoài, các giá trị là các đặc tính 
*. TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
Chu Văn Tuấn. Giá trị tôn giáo 31 
31 
của sự vật hoặc hiện tượng. Tuy nhiên, chúng không phải cái vốn có do 
thiên nhiên ban cho sự vật hoặc hiện tượng, không phải đơn thuần do kết 
cấu bên trong của bản thân khách thể, mà do khách thể bị thu hút vào 
phạm vi tồn tại xã hội của con người và trở thành cái mang những quan 
hệ xã hội nhất định. Đối với chủ thể (con người), các giá trị là những đối 
tượng lợi ích của nó. Còn đối với ý thức của nó, chúng đóng vai những 
vật định hướng hằng ngày trong thực tại vật thể và xã hội, biểu thị các 
quan hệ thực tiễn của con người đối với các sự vật và hiện tượng xung 
quanh(2). 
Giá trị, theo Từ điển Bách khoa Văn hóa học, là tính chất của một vật 
thể, một hiện tượng xã hội nào đó, nhằm thỏa mãn một nhu cầu, một 
mong muốn, một lợi ích của chủ thể xã hội. Khái niệm “giá trị” thể hiện ý 
nghĩa của một vật thể hoặc một hiện tượng thực tiễn nào đó đối với một 
người hoặc ý nghĩa lịch sử - xã hội của nó đối với một xã hội. Giá trị có 
thể lớn hoặc nhỏ, vật chất hoặc tinh thần, v.v... 
Giá trị được hình thành do kết quả của chủ thể ý thức được mối tương 
quan giữa nhu cầu bản thân với khả năng thỏa mãn nhu cầu đó, tức là do 
kết quả nhận thức về giá trị. Nhận thức về giá trị chỉ xuất hiện khi chủ thể 
nhận ra được sự khó khăn trong việc thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Khó 
khăn càng lớn, đối tượng của sự thỏa mãn càng có giá trị cao. Mức độ giá 
trị tùy thuộc đối tượng cần được thỏa mãn và cách đánh giá của chủ thể 
(cá nhân, nhóm xã hội, toàn thể xã hội)(3). 
Từ điển Triết học (tiếng Trung) cho rằng, giá trị là sự phản ánh thuộc 
tính của khách thể, là sự ứng dụng và đánh giá thuộc tính của khách thể. 
Giá trị là điểm giao nhau việc những nhu cầu của con người và việc thỏa 
mãn các nhu cầu đó bởi những hình thức đặc thù. Quan hệ giá trị giữa 
con người và khách thể thể hiện trong quá trình tác động qua lại giữa hiện 
thực của con người và thực tế của khách thể, nghĩa là giá trị được xác lập 
trong thực tiễn xã hội(4). 
Có thể thấy rõ, điểm chung của các định nghĩa nêu trên là giá trị được 
xác định trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, trong sự đánh giá 
của chủ thể đối với khách thể. Nghĩa là, giá trị không phải là phạm trù 
thuộc về lĩnh vực bản thể luận, mà thuộc về lĩnh vực nhận thức luận. Giá 
trị có một số tính chất và đặc điểm sau đây: 
Thứ nhất, giá trị gắn với thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Các thuộc 
32 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
tính quy định nên giá trị riêng của sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, 
thuộc tính của sự vật, hiện tượng là yếu tố quan trọng quy định giá trị của 
sự vật, hiện tượng, làm cho các sự vật, hiện tượng khác nhau có các giá 
trị khác nhau. Nhưng thuộc tính của sự vật, hiện tượng không phải là yếu 
tố duy nhất quyết định giá trị. 
Thứ hai, giá trị gắn với thuộc tính của sự vật, hiện tượng, nhưng chỉ có 
thể trở thành giá trị khi nằm trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, 
hay mối quan hệ giữa con người và các sự vật, hiện tượng của thế giới 
xung quanh. Nói cách khác, giá trị không phải là một thực thể tồn tại độc 
lập ở bên ngoài mối quan hệ của con người và xã hội loài người. 
Thứ ba, trong mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, giá trị được bộc 
lộ ra như là sự thỏa mãn nhu cầu của khách thể đối với chủ thể. Nói cách 
khác, khách thể càng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể bao nhiêu, càng mang 
lại ích lợi cho chủ thể bao nhiêu thì càng có giá trị cao bấy nhiêu. 
Thứ tư, giá trị mang lại cho con người ý nghĩa hay ích lợi nào đó. Cần 
lưu ý rằng, con người ở đây gồm cả con người cá nhân và con người xã 
hội. Nhưng xét đến cùng, cá nhân đều nằm trong các mối quan hệ xã hội, 
đều thuộc về một cộng đồng xã hội nhất định. Như vậy, giá trị mang bản 
chất xã hội. Điều đó có nghĩa rằng có những giá trị cá nhân, nhưng không 
phải giá trị cá nhân nào cũng được xã hội thừa nhận. Chỉ những giá trị 
nào được xã hội chấp nhận thì mới có thể trở thành giá trị đúng nghĩa. 
Thứ năm, cộng đồng hay xã hội là một phạm trù lịch sử, vì vậy, giá trị 
cũng mang tính lịch sử. Điều này có hai ý nghĩa: một là, một giá trị có thể 
được thừa nhận ở cộng đồng này, xã hội này, nhưng không được thừa nhận 
ở cộng đồng khác, xã hội khác; hai là, có giá trị được thừa nhận ở giai 
đoạn này, nhưng không được công nhận ở giai đoạn khác. Tóm lại, vì là 
một phạm trù có tính lịch sử, nên giá trị chịu sự chi phối của tồn tại xã hội. 
Thứ sáu, giá trị gắn chặt với mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, 
giữa con người và các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh. Chủ 
thể không thể áp đặt ý chí chủ quan đối với khách thể, tức là áp đặt cho 
khách thể có giá trị này hay giá trị khác, mà phải dựa trên mức độ thỏa 
mãn nhu cầu của khách thể, ý nghĩa mà khách thể mang lại cho chủ thể. 
Điều này lại do tính chất, đặc điểm, thuộc tính của khách thể quy định. 
Tức là, giá trị là sự tương tác giữa chủ quan và khách quan. Như thế, giá 
trị vừa có tính chủ quan vừa có tính khách quan. 
Chu Văn Tuấn. Giá trị tôn giáo 33 
33 
Ở đây cần lưu ý đến thuộc tính, chức năng của khách thể và việc đánh 
giá đối với thuộc tính và chức năng đó. Thuộc tính, chức năng thuộc về 
khách thể, theo nghĩa đó, nó là khách quan, tồn tại không phụ thuộc vào ý 
chí chủ quan của con người. Nhưng việc đánh giá các thuộc tính, chức 
năng đó lại thuộc về chủ thể, tức là mang yếu tố chủ quan. Nói cách khác, 
vấn đề thuộc tính là cái thuộc về khách thể, nhưng ý nghĩa, tác dụng tích 
cực hay tiêu cực của nó đối với con người và xã hội lại không phải là cái 
vốn có của khách thể. Đây là điều cần chú ý khi nói về giá trị. 
Thứ bảy, giá trị là mục tiêu, lý tưởng không chỉ của các chủ thể sáng 
tạo ra giá trị, mà còn của mọi người với tư cách là chủ thể thụ hưởng giá 
trị. Với ý nghĩa như thế, giá trị mang tính định hướng cho hoạt động của 
con người. Tính định hướng được thể hiện trên hai phương diện. Một là, 
các giá trị trở thành mục tiêu, lý tưởng để con người hướng đến. Vì thế, 
nó cũng có tác dụng điều chỉnh hành vi của cá nhân và xã hội, hướng con 
người đến với Chân - Thiện - Mỹ. Hai là, với tính cách là một chủ thể 
sáng tạo, con người có thể tạo ra những giá trị mới, nhằm đáp ứng nhu 
cầu, mục tiêu, lý tưởng mới của mình. Trong các lĩnh vực kinh tế, sản 
xuất, nghiên cứu..., chúng ta dễ dàng nhận thấy những giá trị mới liên tục 
được tạo ra, biểu hiện qua các sản phẩm mới, kỹ thuật mới, công nghệ 
mới, phương pháp mới liên tục ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng 
cao của con người và xã hội loài người. Trên các lĩnh vực chính trị, đạo 
đức, nghệ thuật..., chúng ta cũng nhận thấy điều tương tự. Nhìn lại lịch sử 
phát triển của xã hội loài người, chúng ta thấy, các thiết chế chính trị 
ngày càng được củng cố và hoàn thiện, các chuẩn mực đạo đức ngày 
càng cao, các quyền con người ngày càng được mở rộng. 
Thứ tám, giá trị có tính hai mặt. Bởi vậy, không nên chỉ coi những 
trường hợp định hướng tích cực cho hoạt động của con người nhằm mục 
đích nhân đạo, cao đẹp của đời sống (thiện, đẹp, tiến bộ,...) là giá trị, còn 
những trường hợp định hướng ngược lại (ác, xấu, lạc hậu,...) không phải 
là giá trị(5). 
Thứ chín, con người là giá trị cao nhất. Con người là chủ thể sáng tạo 
ra mọi giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Con người cũng là chủ thể 
hưởng thụ, đánh giá những giá trị do mình tạo ra. 
2. Nhận diện giá trị 
Giá trị có nhiều loại: giá trị chung, giá trị riêng, giá trị vật chất, giá trị 
34 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
tinh thần, giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, giá trị tôn giáo, giá trị giáo dục, 
giá trị phổ quát, giá trị quốc gia, giá trị khu vực, v.v... Cho nên, nhận diện 
giá trị là một vấn đề phức tạp, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau 
trong các nghiên cứu ở Việt Nam. Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng, giá 
trị vật lý thì hữu hạn, còn giá trị xã hội là vô hạn(6). Trong khi đó, có quan 
điểm lại cho rằng, mọi giá trị đều là giá trị xã hội, hay giá trị mang tính 
xã hội(7). Tuy nhiên, chưa thấy công trình nào bàn đến các nguyên tắc 
nhận diện giá trị. Chúng tôi cho rằng, giá trị có thể nhận diện được qua 
một số nguyên tắc căn bản sau đây: 
Thứ nhất, sự vật, hiện tượng có chức năng gì thì sẽ mang đến những giá 
trị đó. Chẳng hạn, sự vật, hiện tượng có chức năng giáo dục sẽ mang đến giá 
trị giáo dục, có chức năng nhận thức sẽ mang đến giá trị nhận thức, v.v... 
Thứ hai, sự vật, hiện tượng có thể thỏa mãn nhu cầu nào của con 
người và xã hội thì sẽ mang giá trị đó. Chẳng hạn, sự vật, hiện tượng có 
thể thỏa mãn nhu cầu vật chất, tức là mang giá trị vật chất; có thể thỏa 
mãn nhu cầu tinh thần, tức là mang giá trị tinh thần; có thể thỏa mãn nhu 
cầu thẩm mỹ, tức là mang giá trị thẩm mỹ, v.v... 
Thứ ba, mỗi cách tiếp cận khác nhau sẽ giúp nhận diện những giá trị 
khác nhau. Chẳng hạn, cách tiếp cận triết học sẽ nhận diện những giá trị 
triết học, cách tiếp cận văn hóa sẽ nhận diện những giá trị văn hóa, cách 
tiếp cận xã hội học sẽ giúp nhận diện những giá trị xã hội, cách tiếp cận 
lịch sử sẽ giúp nhận diện những giá trị lịch sử, cách tiếp cận tôn giáo học 
sẽ giúp nhận diện những giá trị tôn giáo, v.v... 
Thứ tư, một trong những yếu tố quan trọng hình thành giá trị là yếu tố 
văn hóa, cụ thể là môi trường văn hóa, bối cảnh văn hóa, đặc điểm văn 
hóa tộc người, v.v... Chính yếu tố văn hóa tham gia vào quá trình đánh 
giá của các chủ thể đối với các sự vật, hiện tượng xung quanh. Nó giải 
thích tại sao cùng một sự vật, hiện tượng, một sự kiện xã hội lại được 
đánh giá khác nhau, tức là có giá trị khác nhau. 
Ngoài ra, phải chú trọng nhận diện những giá trị căn bản, giá trị cốt lõi 
của các sự vật, hiện tượng. Trong số các giá trị cụ thể của sự vật, hiện 
tượng, có những giá trị quan trọng và có những giá trị thứ yếu; có những 
giá trị cốt lõi và có những giá trị không cốt lõi. Việc nhận diện giá trị nào 
là cốt lõi cần căn cứ vào hai yếu tố: Thứ nhất, cần xem xét chức năng, 
thuộc tính căn bản nhất của sự vật, hiện tượng, quyết định giá trị cốt lõi 
Chu Văn Tuấn. Giá trị tôn giáo 35 
35 
của sự vật, hiện tượng. Thứ hai, cần xem xét mức độ thỏa mãn nhu cầu 
con người của sự vật, hiện tượng đó. Nói cách khác, cần căn cứ vào ý 
nghĩa mà sự vật, hiện tượng đó mang lại cho con người, mang lại cho chủ 
thể. Chẳng hạn, chức năng, thuộc tính quan trọng nhất của chiếc cốc là 
chứa đựng một thứ gì đó (nước, rượu, gạo, v.v...). Chiếc cốc thỏa mãn 
nhu cầu sử dụng để đựng một thứ gì đó của con người. Điều này tạo nên 
giá trị cốt lõi của chiếc cốc. Bên cạnh đó, chiếc cốc còn các chức năng, 
thuộc tính khác như làm cái chặn giấy, làm lọ hoa, v.v... Đây không phải 
là chức năng căn bản của chiếc cốc. Con người cũng không thường xuyên 
sử dụng chiếc cốc vào những việc như vậy. Cho nên, những cái đó chỉ tạo 
nên giá trị không cốt lõi, hay giá trị thứ yếu của chiếc cốc. 
Nhận diện giá trị của sự vật, hiện tượng thuộc thế giới vật chất không 
phức tạp bằng việc nhận diện giá trị của sự vật, hiện tượng thuộc thế giới 
tinh thần. Chẳng hạn, khi nhận diện giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, 
một công trình nghiên cứu..., người ta không thể căn cứ vào chức năng, 
bản chất hay thuộc tính của tác phẩm hay công trình nghệ thuật, mà phải 
căn cứ vào sự lao động sáng tạo để tạo nên sản phẩm đó, đồng thời phải 
căn cứ vào mức độ thỏa mãn nhu cầu tinh thần, hay ý nghĩa mà sản phẩm 
đó mang lại cho con người. 
3. Về giá trị tôn giáo 
Đề cập đến giá trị tôn giáo, đa số nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng, tôn 
giáo có các giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn,... Tuy vậy, hầu như chưa 
có công trình nào chỉ ra sự hình thành giá trị tôn giáo; giá trị tôn giáo là 
những giá trị cụ thể hay là sự tổng hòa của các giá trị cụ thể thành một 
giá trị chung. Các giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn của tôn giáo cũng 
chưa được trình bày một cách rõ nét. 
Theo chúng tôi, để làm rõ giá trị tôn giáo, cần đặt tôn giáo là khách 
thể trong mối quan hệ với chủ thể, trước hết xuất phát từ những thuộc 
tính, chức năng của tôn giáo. Bởi vì, đây là cơ sở để hình thành nên giá 
trị tôn giáo. Khi đặt tôn giáo trong mối quan hệ với chủ thể, chúng ta thấy, 
chủ thể đánh giá hay nhận thức đối với giá trị tôn giáo gồm ba loại khác 
nhau: chủ thể là các cá nhân, chủ thể là cộng đồng các tôn giáo và chủ thể 
là cộng đồng xã hội. 
Chủ thể là các cá nhân: Mỗi cá nhân đều có niềm tin và nhu cầu tôn 
giáo khác nhau. Do đó, mỗi cá nhân đều có xu hướng muốn thỏa mãn 
36 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
nhu cầu của mình ở các mức độ khác nhau và theo những cách thức khác 
nhau. Có những cá nhân hướng đến các tôn giáo khác nhau để thỏa mãn 
nhu cầu của mình, nhưng cũng có những cá nhân tìm cách thỏa mãn nhu 
cầu của mình không ở một tôn giáo cụ thể nào. Trong những trường hợp 
này, giá trị tôn giáo được nhìn nhận ở góc độ thỏa mãn nhu cầu tôn giáo 
của cá nhân, có ý nghĩa đối với cuộc sống của cá nhân, có ảnh hưởng đến 
đời sống tinh thần và đời sống vật chất của cá nhân. Vì thế, giá trị tôn 
giáo được nhìn nhận trên phương diện cá nhân là phong phú và đa dạng. 
Điều đó dẫn đến một thực tế là có những giá trị tôn giáo được cá nhân 
này thừa nhận, nhưng không được cá nhân khác chấp nhận. 
Chủ thể là cộng đồng các tôn giáo (cộng đồng người theo một tôn 
giáo, cùng chung đức tin tôn giáo): Sự thỏa mãn nhu cầu tôn giáo ở đây 
không mang tính đơn lẻ, tính cá nhân mà mang tính cộng đồng. Các 
thành viên cộng đồng đạt được sự nhận thức chung về giá trị tôn giáo tin 
theo, nhưng lại có cách nhìn nhận khác về giá trị của các cộng đồng tôn 
giáo khác. Chẳng hạn, cộng đồng Công giáo và cộng đồng Tin Lành có 
những nhận thức khác nhau về giá trị tôn giáo. Việc nhận thức về giá trị 
tôn giáo ở mỗi cộng đồng tôn giáo có đặc thù riêng và không phải lúc nào 
cũng trùng với nhận thức của toàn xã hội về giá trị tôn giáo. 
Chủ thể là cộng đồng xã hội (toàn thể xã hội): Khi chủ thể là cộng 
đồng xã hội, giá trị tôn giáo được thừa nhận phải phù hợp với lợi ích 
chung, văn hóa chung, đạo đức chung, thẩm mỹ chung và giá trị chung 
của xã hội. 
Từ ba phương diện trên đây, có thể thấy, có những giá trị tôn giáo 
được cá nhân thừa nhận, nhưng có thể không được cộng đồng và xã hội 
chấp nhận. Tương tự, có những giá trị tôn giáo được cộng đồng chấp 
nhận nhưng không được xã hội chấp nhận. Nói cách khác, những giá trị 
này không mang tính đại diện toàn xã hội. Những giá trị nào được cộng 
đồng xã hội thừa nhận mới mang tính đại diện của toàn xã hội. Giá trị cá 
nhân, giá trị cộng đồng và giá trị toàn xã hội có thể ví như nằm trong mối 
quan hệ giữa cái chung và cái riêng, trong đó giá trị cá nhân, giá trị cộng 
đồng là cái riêng, giá trị toàn xã hội là cái chung. Trong giá trị riêng có 
chứa giá trị chung, trong giá trị chung có giá trị riêng, không thể khẳng 
định cái riêng mà phủ định cái chung và ngược lại. 
Xác định giá trị tôn giáo cần phải xuất phát từ tính chất, thuộc tính, 
chức năng, vai trò, vị trí của tôn giáo. Về vấn đề này, đa số đều nhất trí 
Chu Văn Tuấn. Giá trị tôn giáo 37 
37 
rằng, tôn giáo có nhiều chức năng khác nhau như chức năng nhận thức, 
chức năng giáo dục, chức năng thế giới quan, chức năng liên kết xã hội, 
chức năng bù đắp, v.v Về khía cạnh thuộc tính, bản chất của tôn giáo, 
đa số ý kiến cho rằng, tôn giáo bao gồm một hệ thống các quy chuẩn đạo 
đức, tôn giáo thuộc về văn hóa hay tôn giáo chính là văn hóa, v.v.. Theo 
chúng tôi, tôn giáo có những chức năng và thuộc tính gì, thì những chức 
năng và thuộc tính đó là nền tảng hình thành giá trị tôn giáo. Chẳng hạn, 
từ những chức năng và thuộc tính đã nêu, tôn giáo có giá trị nhận thức, 
giá trị giáo dục, giá trị thế giới quan, giá trị liên kết xã hội, giá trị bù đắp, 
giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, v.v... Ngoài ra, cần căn cứ vào việc thỏa 
mãn nhu cầu của con người để nhận diện giá trị tôn giáo. Từ nguyên tắc 
có tính chất phương pháp luận này, chúng ta có thể nhận diện các giá trị 
tôn giáo khác. Dưới đây, chúng tôi tập trung phân tích giá trị đạo đức của 
tôn giáo để minh họa. 
Như chúng ta đã biết, tôn giáo có một hệ thống chuẩn mực đạo đức, lý 
tưởng đạo đức, quy tắc ứng xử giữa con người với con người, con người 
với xã hội, con người với môi trường tự nhiên. Không những thế, tôn 
giáo còn có hệ thống quy tắc giúp cho mỗi cá nhân tự ứng xử với bản 
thân mình, hay nói cách khác là những quy tắc giúp mỗi cá nhân trở 
thành một con người có đạo đức. 
Nhưng những điều này chưa nói lên được sự khác biệt giữa đạo đức tôn 
giáo và đạo đức xã hội, vì đạo đức xã hội cũng có các quy tắc đó. Vậy thì 
điểm khác biệt nằm ở đâu? Theo chúng tôi, đó là tất cả quy chuẩn đạo đức 
tôn giáo đều quy chiếu vào Đấng Tối Cao, vào Thượng Đế, vào thần linh. 
Bởi lẽ, những quy chuẩn đạo đức tôn giáo không chỉ giúp cá nhân và cộng 
đồng ứng xử với nhau, với môi trường tự nhiên, xã hội mà còn ứng xử với 
Đấng Tối Cao, với Thượng Đế, với thần linh. Đối với hầu hết các tôn giáo, 
nguồn gốc của các quy chuẩn đạo đức đều xuất phát từ Đấng Tối Cao, từ 
thần linh siêu việt. Do vậy, có thể nói, đối với tôn giáo, đạo đức là “tiên 
thiên”, “tiên nghiệm”, không phải là kết quả của quá trình nhận thức hay 
hoạt động thực tiễn của con người. Tín đồ tôn giáo, khi thực hiện các quy 
chuẩn đạo đức không chỉ đơn thuần là sự điều chỉnh hành vi cho phù hợp 
với cộng đồng, mà hơn thế là một phương thức biểu hiện của niềm tin tôn 
giáo. Giữa việc thực hiện đạo đức tôn giáo và niềm tin tôn giáo có sự gắn 
kết chặt chẽ lẫn nhau. Niềm tin tôn giáo càng sâu sắc bao nhiêu, sự thực 
hiện đạo đức tôn giáo càng “tự giác” bấy nhiêu. 
38 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
Một đặc thù nữa của đạo đức tôn giáo đó là dường như mọi vấn đề 
đều được quy chiếu vào Thượng Đế, Đấng Tối Cao hay thần linh, v.v... 
Tín đồ tôn giáo khi thực hành đạo đức giống như đang thực hiện “mệnh 
lệnh tuyệt đối”, tức là không thể không làm. Việc không thực hiện đầy đủ 
hay vi phạm quy chuẩn đạo đức của các tín đồ không chỉ bị “trừng phạt” 
bằng hình thức “cắn rứt lương tâm”, mà hơn thế còn là sự “trừng phạt” 
của Đấng Tối Cao, của thần linh. Tóm lại, việc thực hành đạo đức tôn 
giáo có ba vấn đề đáng lưu ý: Một là, sự thực hiện “mệnh lệnh tuyệt đối”. 
Hai là, sự hướng đến cái siêu việt. Ba là, gắn với sự “thưởng”, “phạt” của 
Thượng Đế, Đấng Tối Cao, thần linh. 
Ngoài ra, đặc thù của đạo đức tôn giáo còn thể hiện ở chỗ rất chú 
trọng đến cách thức thực hành các quy chuẩn đạo đức. Những đặc thù 
này đã tạo nên giá trị đạo đức tôn giáo. Điều đó góp phần lý giải vì sao 
đạo đức tôn giáo, việc thực hành đạo đức tôn giáo thì lâu bền, nghiêm túc, 
trong khi đạo đức xã hội bị suy thoái, bị coi thường; vì sao các quy chuẩn 
đạo đức tôn giáo tương đối ổn định. 
Những đặc thù vừa nêu là cơ sở hình thành giá trị đạo đức tôn giáo. 
Mặt khác, tôn giáo giúp con người thỏa mãn nhu cầu điều chỉnh hành vi 
của cá nhân, cộng đồng và xã hội trong mối quan hệ lẫn nhau và trong 
mối quan hệ với Thượng Đế, thần linh. Đây là cơ sở thứ hai hình thành 
nên giá trị đạo đức tôn giáo. Giá trị đạo đức tôn giáo giúp từng cá nhân 
hoàn thiện đạo đức; góp phần xây dựng đạo đức của cộng đồng, tạo nên 
một cộng đồng đạo đức, cộng đồng tinh thần; bổ sung những quy chuẩn 
đối với đạo đức xã hội, góp phần xây dựng mô hình lý tưởng (mô hình 
nhân cách, đạo đức lý tưởng của con người), mô hình lý tưởng của đạo 
đức xã hội. 
Như vậy, việc nhận diện giá trị tôn giáo căn cứ vào những đặc thù của 
tôn giáo và sự thỏa mãn nhu cầu của con người. Bên cạnh đó, giá trị tôn 
giáo còn có thể được nhận diện thông qua cách tiếp cận. Từ cách tiếp cận 
lịch sử, chúng ta nhận diện giá trị lịch sử của tôn giáo. Từ cách tiếp cận 
triết học, chúng ta nhận diện giá trị triết học của tôn giáo. Từ cách tiếp 
cận xã hội học, chúng ta nhận diện giá trị xã hội của tôn giáo, v.v... Đây 
cũng là một nguyên tắc có tính phương pháp luận để nhận diện giá trị tôn 
giáo. Nguyên tắc này và nguyên tắc trình bày ở trên quan hệ chặt chẽ với 
nhau, cùng hỗ trợ nhau để nhận diện giá trị tôn giáo. 
Chẳng hạn, từ cách tiếp cận lịch sử, tôn giáo là một sản phẩm do con 
Chu Văn Tuấn. Giá trị tôn giáo 39 
39 
người tạo ra, gắn liền với lịch sử xã hội con người. Qua tôn giáo, có thể 
hiểu biết một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về lịch sử xã hội loài người. 
Lịch sử loài người nếu chỉ nhìn dưới góc độ lịch sử kinh tế, lịch sử chính 
trị..., thì chắc chắn không thể đầy đủ. Vì vậy, tôn giáo mang giá trị lịch sử. 
Giá trị lịch sử của tôn giáo, theo chúng tôi, biểu hiện trên hai phương 
diện chính: Một là, tôn giáo góp phần tạo nên lịch sử nhân loại. Những sự 
kiện của tôn giáo cũng là một phần của lịch sử. Hai là, qua tôn giáo, 
chúng ta có thể hiểu biết về lịch sử nhân loại. 
Từ cách tiếp cận triết học, có thể thấy, tôn giáo có giá trị thế giới quan 
và nhân sinh quan. Trước hết, tôn giáo bao gồm một hệ thống quan niệm 
về vũ trụ và vạn vật, trong đó có con người. Tôn giáo cũng đưa ra cách lý 
giải về quá trình hình thành và phát triển của thế giới, nguyên nhân của 
những mâu thuẫn giữa các sự vật hiện tượng trong thế giới, v.v... Đây là 
giá trị thế giới quan của tôn giáo. Bên cạnh đó, tôn giáo đưa ra một hệ 
thống quan niệm về con người, về cuộc đời của con người, về ý nghĩa 
của cuộc sống con người. Giống như triết học, tôn giáo cũng trả lời ba 
câu hỏi lớn: Con người được sinh ra từ đâu? Sau khi chết, con người sẽ 
về đâu? Ý nghĩa cuộc sống của con người là gì? Đó chính là giá trị nhân 
sinh quan của tôn giáo. 
Đặc điểm của giá trị tôn giáo được quy chiếu hay đánh giá qua tiêu chí 
“tính thiêng”. Tôn giáo nói chung và giá trị tôn giáo nói riêng đều được 
hình thành trong quan hệ giữa con người và đối tượng thiêng. Nghĩa là, 
giá trị tôn giáo nào cũng phải thỏa mãn tiêu chí “tính thiêng”. Dường như 
chủ thể sáng tạo cao nhất các giá trị tôn giáo là Đấng Tối Cao, là Thượng 
Đế, là thần linh, chứ không phải con người. 
4. Lời kết 
Trên đây là một số suy nghĩ bước đầu về giá trị và giá trị tôn giáo. 
Bàn về giá trị là một vấn đề khó, bàn về giá trị tôn giáo còn khó hơn 
nữa, nhất là trong điều kiện chưa có nhiều những công trình nghiên cứu 
về vấn đề này./. 
CHÚ THÍCH: 
1. Dẫn theo: Vũ Thị Phương Lê (2011), “Về đặc trưng và chức năng định hướng 
của giá trị”, Tạp chí Triết học, số 4: 60. 
2. Từ điển Triết học, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1986: 206 - 207. 
3. A. A. Radugin chủ biên (Vũ Đình Phòng dịch, 2002), Từ điển Bách khoa Văn 
40 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
hóa học, Nxb. Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội:165. 
4. Từ điển Triết học (tiếng Trung), Nxb. Từ thư Thượng Hải, Thượng Hải, 2009: 6. 
5. Hồ Sỹ Quý (2005), Về giá trị và giá trị Châu Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà 
Nội: 48 - 49. 
6. Ngô Tự Lập (2010), “Bản chất tương tác xã hội của giá trị”, Tạp chí Triết học, số 7. 
7. Xem: Đoàn Quốc Thái (2010), “Bàn thêm về khái niệm giá trị đạo đức”, Tạp 
chí Triết học, số 12: 62. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Trác Tân Bình (2007), Lý giải tôn giáo, Nxb. Hà Nội, Hà Nội. 
2. Ngô Tự Lập (2010), “Bản chất tương tác xã hội của giá trị”, Tạp chí Triết học, số 7. 
3. Vũ Thị Phương Lê (2011), “Về đặc trưng và chức năng định hướng của giá trị”, 
Tạp chí Triết học, số 4. 
4. Trương Công Minh (1972), “Vấn đề giá trị trong triết học”, Tạp chí Triết học, số 23. 
A. Radugin chủ biên (Vũ Đình Phòng dịch, 2002), Từ điển Bách khoa Văn hóa 
học, Nxb. Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội. 
5. Tưởng Vĩnh Phúc, Ngô Khả, Nhạc Trường Linh chủ biên (2000), Đại từ điển 
Triết học Đông Tây (tiếng Trung), Nxb. Nhân dân Giang Tây, Nam Xương. 
6. Hồ Sỹ Quý (2005), Về giá trị và giá trị Châu Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà 
Nội. 
7. Đoàn Quốc Thái (2010), “Bàn thêm về khái niệm giá trị đạo đức”, Tạp chí Triết 
học, số 12. 
8. Từ điển Triết học, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1986. 
9. Từ điển Triết học (tiếng Trung), Nxb. Từ thư Thượng Hải, Thượng Hải, 2009. 
Abstract 
THE VALUE OF RELIGIONS FROM PHILOSOPHICAL 
ASPECT 
After presenting some generally theoretical matters on values from 
philosophical aspect, this article firstly recognizes the values of religions 
and distinguishes religious values from other values. 
Key words: Value, philosophy, religion, religious values, ethical 
values. 

File đính kèm:

  • pdfgia_tri_ton_giao_tu_phuong_dien_triet_hoc.pdf