Những thách thức và đói sách của Trung Quốc đối với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay

Tóm tắt: Toàn cầu hóa là xu hướng tẩt yếu của thế giới hiện nay. Trong điều kiện toàn cầu hóa với nhiều biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vẩn đề tôn giáo trở nên vô cùng phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Bài viết này tập trung đề cập những thách thức và đối sách của Trung Quốc đối với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.

Từ khóa: tôn giáo Trung Quốc, chính sách tôn giáo của Trung Quốc, công tác tôn giáo của Trung Quốc.

 

doc 11 trang phuongnguyen 1200
Bạn đang xem tài liệu "Những thách thức và đói sách của Trung Quốc đối với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Những thách thức và đói sách của Trung Quốc đối với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay

Những thách thức và đói sách của Trung Quốc đối với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay
Tốn giáo Số 10 (124), 2013,15-25 PHẠM THANH HẰNGW
NHỮNG THÁCH THỨC VÀ ĐỐI SÁCH
CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI TÔN GIÁO TRONG TIẾN TRÌNH
TOÀN CẦU HÓA HIỆN NAY
Tóm tắt: Toàn cầu hóa là xu hướng tẩt yếu của thế giới hiện nay. Trong điều kiện toàn cầu hóa với nhiều biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, vẩn đề tôn giáo trở nên vô cùng phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Bài viết này tập trung đề cập những thách thức và đối sách của Trung Quốc đối với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.
Từ khóa: tôn giáo Trung Quốc, chính sách tôn giáo của Trung Quốc, công tác tôn giáo của Trung Quốc.
Đặt vấn đề
Tiến trình toàn cầu hóa đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội quốc tế, tạo nên những biến đổi nhanh chóng trên nhiều phương diện như kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo của các nước. Hiện nay, tôn giáo trên thế giới đang có những xu hướng phát triển mới hết sức đa chiều và phức tạp. Đó là sự hồi sinh của các tôn giáo truyền thống và sự bùng nổ của các hiện tượng tôn giáo mới; thế tục hóa tôn giáo theo hướng ngày càng gần với đời sống hiện thực; chính trị hoá tôn giáo và tôn giáo hóa chính trị; xung đột tôn giáo tăng lên rõ rệt; đối thoại tôn giáo tiếp tục được thúc đẩy,v.v... Trung Quốc cũng không nằm ngoài dòng xoáy của toàn cầu hóa.
Kể từ sau cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. về lĩnh vực tôn giáo, Trung Quốc đã khôi phục được chính sách đúng đắn và áp dụng được những biện pháp hiệu quả nhằm ứng phó với tình hình biến đổi trong nước và quốc tế, đưa tôn giáo vào quỹ đạo phát triển bình thường, duy trì được sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, trước những tác động của tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, tôn giáo Trung Quốc cũng đang phải đương đầu với nhiều thách thức to lớn.
* NCS., Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Một số thách thức của tôn giáo Trung Quốc trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay
Cục diện tôn giáo cơ bản của Trung Quốc đang phải đoi. mặt với sự công kích lớn
Từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, 5 tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo, Islam giáo, Công giáo và Tin Lành cùng tồn tại trở thành cục diện tôn giáo cơ bản và tương đối ổn định ở Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, các thế lực bên ngoài đã lợi dụng tôn giáo để tiến hành can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Các thế lực này lợi dụng cả các tôn giáo vốn có, lẫn những tôn giáo chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Trong số những người nước ngoài công tác, học tập và du lịch tại Trung Quốc, không ít người tin theo các tôn giáo ngoài 5 tôn giáo lớn hiện có ở Trung Quốc. Họ yêu cầu phải được duy trì tín ngưỡng, phải có cơ sở hoạt động hợp pháp, thậm chí phải được tự do truyền bá tín ngưỡng. Một số người dân Trung Quốc học tập và công tác ở nước ngoài cũng tin theo các tôn giáo ngoài 5 tôn giáo lớn nêu trên. Những tổ chức tôn giáo nước ngoài luôn muốn tranh thủ thành phần này để khi trở về nước, họ sẽ tuyên truyền tôn giáo của tổ chức mình. Điều đáng lưu ý là, một số hiện tượng tôn giáo mới ở nước ngoài, thậm chí là tà giáo, đã bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc. Hàng chục loại tà giáo được phát hiện ở Trung Quốc gần đây đại bộ phận có quan hệ trực tiếp với các tổ chức nước ngoài.
Các hiện tượng tôn giáo mới ra đời trong xã hội hiện đại không chỉ đưa ra những lời tiên tri về ngày tận thế, mà còn đôi khi khuyến khích tinh thần “tử vì đạo” dẫn đến những hành vi bạo lực, tự sát tập thể hoặc khủng bố hàng loạt. Tiêu biểu như “Giáo phái của Jim Jone (Ngôi đền Nhân dân) gây ra vụ tự tử tập thể ở Guyana năm 1978, khiến 918 người chết; hiện tượng đạo David của David Koresh với sự tự sát hàng loạt vào ngày 19/4/1993 ở Bang Texas (Mỹ) làm 86 người chết. Ngoài ra còn có giáo phái Kaban do P.S. Berg hướng về Kinh Kaban của đạo Do Thái, phái Trào lưu mới, phái Cổng Thiên Đường, Ngôi đền Mặt Trời gây ra vụ tự tử của 40 người. Phái Đội quân của Chúa mục đích muốn chém giết bất kỳ ai nếu được Chúa Giêsu báo mộng”(1). Sự phát triển của các hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới hiện nay đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc.
Nguyên tẳc kiên trì độc lập, tự xây dựng giáo hội gặp phải những thách thức nghiêm trọng
Sau khi các tôn giáo Trung Quốc bước vào con đường độc lập, tự xây dựng giáo hội, các tổ chức tôn giáo nước ngoài luôn nỗ lực khống chế tôn giáo Trung Quốc một lần nữa. Vatican trong một thời gian dài một mặt mong muốn cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, mặt khác lại tăng cường lợi dụng tôn giáo để can thiệp vào nội chính Trung Quốc, lôi kéo nhân viên giáo chức, nuôi dưỡng lực lượng ngầm, âm mưu nắm quyền lãnh đạo Giáo hội Công giáo Trung Quốc.
Các thế lực thù địch nước ngoài hao tổn một lượng lớn nhân lực và vật lực để bồi dưỡng các thế lực phản đối phong trào vận động yêu nước Tam Tự tại Trung Quốc. Các thế lực này đã dùng nhiều phương thức tìm kiếm những người mềm yếu về ý chí làm người đại diện cho chúng trong nội bộ Tin Lành Trung Quốc, phân hóa lực lượng Tin Lành yêu nước Tam Tự. Một số tổ chức Tin Lành Phương Tây âm mưu khôi phục lại mối quan hệ lệ thuộc của các hệ phái cũ, một lần nữa khống chế Tin Lành Trung Quốc. Trong Tin Lành Trung Quốc có một số người bao gồm nhân viên giáo chức thuộc tầng lớp thanh niên và trung niên không ủng hộ việc tự xây dựng giáo hội mà muốn nhấn mạnh tính phổ thế của tôn giáo. Các tôn giáo Trung Quốc đang ở vào giai đoạn then chốt chuyển giao giữa hai thế hệ già trẻ. Trong bối cảnh đối ngoại ngày càng rộng mở như hiện nay, sự nghiệp tự xây dựng giáo hội ở Trung Quốc đang gặp phải thách thức mang tính lịch sử.
Những khó khăn trong việc chống lại sự can thiệp về tôn giáo của các thế lực nước ngoài
Hiện nay, các thế lực thù địch đang tích cực lợi dụng tôn giáo để can thiệp vào chính trị Trung Quốc. Lợi dụng tôn giáo để can thiệp vào chính trị là điểm đột phá quan trọng của chiến lược “Tây hóa”, “phân hóa” mà các nước Phương Tây đang tiến hành đối với Trung Quốc. Các tổ chức tôn giáo nước ngoài tiến hành truyền giáo ở Trung Quốc là một điểm rất đáng chú ý trong hoạt động thâm nhập về tư tưởng của các thế lực thù địch. Thời kỳ đầu của cải cách mở cửa, hoạt động thâm nhập chủ yếu được tiến hành thông qua giao lưu tôn giáo, về sau dần chuyển sang các lĩnh vực như giao lưu thương mại, giao lưu văn hóa, giao lưu thể dục thể thao, giao lưu giáo dục, giao lưu khoa học kỹ thuật, giao lưu y tế,v.v... Điều này đã gây ra khó khăn lớn cho Trung Quốc trong công tác đấu tranh chống lại sự can thiệp về tôn giáo của nước ngoài.
Sau khi gia nhập WTO, cũng như nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc đã tiến sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, hòa vào với thị trường quốc tế. Do đó, sự mở rộng ngày càng lớn trên các lĩnh vực hợp tác, giao lưu trong nước và ngoài nước là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây cũng chính là cầu nối lý tưởng để cho các thế lực thù địch lợi dụng, can thiệp bằng tôn giáo. Bước đột phá vĩ đại trong công nghệ thông tin điện tử, cùng với nó là toàn cầu hóa về thông tin, đã làm thay đổi phương thức truyền giáo truyền thống. Do tính phi tập trung, sáng tạo và năng động, các “giáo hội điện tử” đã vận dụng tối đa thông tin đại chúng và cả lợi thế của cách mạng tin học vào việc truyền đạo(2).
Các tôn giáo hiện nay đang triệt để khai thác những tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin và internet, để hiện đại hóa tôn giáo, quảng bá hình ảnh tôn giáo của mình đến với công chúng và để duy trì mối liên hệ giữa giáo hội với cộng đồng tín đồ. Văn kiện Giáo hội và Internet của Tòa Thánh Roma viết: “Một con số ngày càng đông đảo những giáo xứ, những giáo phận, những dòng tu và các cơ quan có liên quan với Giáo hội, các chương trình và các tổ chức đủ loại đang tận dụng internet cho những mục đích nêu trên và những mục đích khác nữa. Những đề án sáng tạo do Giáo hội bảo trợ đang hiện diện tại nhiều nơi ở cấp quốc gia và khu vực. Tòa Thánh đã rất tích cực trong lĩnh vực này và đang tiếp tục mở rộng và phát triển sự hiện diện của mình trên internet. Các nhóm có liên quan đến Giáo hội mà chưa bước vào không gian điện toán được khuyến khích hãy xem xét khả năng thực hiện điều này trong thời gian ngắn. Chúng tôi mạnh mẽ khuyến khích sự trao đổi ý tưởng và thông tin về internet giữa những ai có kinh nghiệm trong lĩnh vực này với những người mới làm quen”(3).
Trong khoảng hơn 20 năm gần đây, các tổ chức tôn giáo nước ngoài đã xây dựng 10 trạm ở xung quanh Trung Quốc để tiến hành “truyền giáo trên không”, làm cho công tác truyền giáo đối với Trung Quốc vượt ra khỏi trở ngại về không gian và thời gian, tiến vào thời đại “truyền giáo điện tử”, gây ảnh hưởng lớn đến một bộ phận quần chúng tín đồ trong nước. Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, mạng thông tin bắt đầu phổ cập ở Trung Quốc, số lượng mạng máy tính và số hộ gia đình sử dụng tăng đáng kể, văn hóa tôn giáo nhờ đó mà nối liền với văn hóa của các nước Phương Tây. Thông qua đường biển, hệ thống mạng lưới thông tin thâm nhập vào Trung Quốc với số lượng và tốc độ nhanh chưa từng có. Số lượng trang web về tôn giáo đã lên tới con số hàng nghìn. Các nước Phương Tây vẫn đang ấp ủ kế hoạch “tin tức lan truyền không giới hạn” và “tự do trao đổi thông tin” trên phạm vi toàn cầu. Hệ thống mạng thông tin điện tử rõ ràng đã cung cấp một con đường mới hết sức quan trọng để các nước Phương Tây tiến hành thâm nhập tôn giáo ở Trung Quốc. Có thể thấy, tác dụng của công nghệ thông tin và internet đối với tôn giáo diễn ra ở tất cả các lĩnh vực quan trọng như truyền giáo, giáo dục tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, tổ chức tôn giáo,... Ngày nay, việc kết hợp phương thức truyền giáo truyền thống với công nghệ thông tin và internet đã trở nên phổ biến đối với tất cả tôn giáo ở Trung Quốc. Do khả năng kiểm soát thông tin điện tử và năng lực cất giữ thông tin còn khá yếu, nên thời gian tới, Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Cuộc đẩu tranh trên lĩnh vực nhân quyền tôn giáo ngày càng gay gắt
Lịch sử tôn giáo Mỹ gắn liền với lịch sử chủ nghĩa tư bản Mỹ và phục vụ đắc lực cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, giới cầm quyền Mỹ luôn ủng hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Điều đó nói lên rằng, việc tách Tôn giáo khỏi Nhà nước ở Hoa Kỳ chỉ mang tính hình thức và có sự khác biệt so với một số nước Tây Âu(4). Việc tôn giáo có vị trí và vai trò to lớn trong đời sống chính trị - xã hội ở Mỹ đã đưa đến cách nhìn nhận rất riêng của quốc gia này về tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ. Mỹ lập ra cơ quan Tự do Tôn giáo Quốc tế, hằng năm cáo buộc nhiều quốc gia, trong đó có cả các quốc gia Châu Âu, vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền, từ đó xếp những nước này vào diện các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Trong Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2013, Mỹ đã xếp 15 quốc gia vào diện xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do tôn giáo, trong đó Trung Quốc đứng vị trí thứ hai sau Myanmar.
Kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Mỹ và một số nước Phương Tây tập trung tấn công lĩnh vực nhân quyền tôn giáo của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1990, liên tục trong 10 lần hội nghị nhân quyền Liên Hợp Quốc tổ chức hằng năm, Mỹ luôn cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền tôn giáo. Trong thời gian tới, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc, việc lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây áp lực với Trung Quốc không ảnh hưởng đến lợi ích căn bản của Mỹ, nên chiến lược của Mỹ vẫn sẽ đưa vấn đề tôn giáo trở thành một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện ngoại giao nhân quyền đối với Trung Quốc, nhưng phương thức và phương pháp thì sẽ có những điều chỉnh thích hợp dựa trên tình hình cụ thể(5).
Những đối sách của Trung Quốc với tôn giáo trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay
Quan sát những vẩn đề tôn giáo bằng nhãn quan thế giới
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân nhiều lần nhấn mạnh việc phải chú ý nghiên cứu vấn đề dân tộc và tôn giáo trên thế giới đương đại, đồng thời phải làm tốt công tác dân tộc và tôn giáo trong nước. Trong điều kiện đối ngoại rộng mở, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa với thái độ tích cực, sự phát triển của tôn giáo Trung Quốc không thể hoàn toàn độc lập với sự phát triển của tôn giáo thế giới. Đại bộ phận nhân tố bất ổn định tồn tại trong tôn giáo Trung Quốc đều do có sự can thiệp từ nước ngoài. Do vậy, có thể nói, trên một phương diện nào đó, “công tác tôn giáo trong nước” đơn thuần đã không còn tồn tại, mà biến thành một khái niệm tương đối. Ngày nay, ảnh hưởng của sự phát triển tôn giáo trên thế giới đối với sự phát triển của tôn giáo Trung Quốc là rất lớn và không thể so sánh với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử, bất luận là chiều rộng hay chiều sâu. Vì vậy, Trung Quốc cho rằng, cần phải quan sát, tìm hiểu, nắm bắt được hiện trạng quy luật biến đổi và phát triển của tôn giáo thế giới, đồng thời đi sâu nghiên cứu vai trò và ảnh hưởng của tôn giáo trong quan hệ quốc tế đương đại. Chỉ có như vậy, Trung Quốc mới có thể có tầm nhìn chiến lược và nắm bắt được toàn cục, giữ được thế chủ động, xử lý thỏa đáng vấn đề tôn giáo và làm tốt công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Đứng vững trên “hai quan điểm cơ bản”
“Hai quan điểm cơ bản” mà Trung Quốc cho rằng cần kiên trì trong tình hình mới hiện nay là kiên trì tự do tín ngưỡng tôn giáo, và kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, tự xây dựng.
Tự do tôn giáo tín ngưỡng là quyền lợi cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp của Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là chính sách đúng đắn duy nhất để xử lý thỏa đáng vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc. Trên thế giới, tự do tôn giáo, tín ngưỡng được đưa vào Hiến chương Liên Hợp Quốc và những văn bản quốc tế có liên quan, ngày càng trở thành nhận thức chung và nguyên tắc hành động cho xã hội quốc tế. Trung Quốc xác định, bất luận tình hình thế giới và trong nước có biến động gì, vẫn luôn kiên định giương cao ngọn cờ tự do tôn giáo tín ngưỡng, quán triệt chính sách căn bản tự do tôn giáo tín ngưỡng. Đây là nguyên tắc không thể dao động và không thể thay đổi.
Trong quan hệ đối ngoại, các tôn giáo Trung Quốc đều phải kiên trì nguyên tắc độc lập, tự xây dựng. Đây là điều kiện cần thiết để các tôn giáo Trung Quốc sinh tồn và phát triển trên mảnh đất dân tộc và duy trì sự tôn nghiêm trên vũ đài tôn giáo thế giới. Ý thức được điều đó, Trung Quốc luôn xác định, chủ quyền tôn giáo là bộ phận hợp thành không thể phân tách của chủ quyền quốc gia, duy trì chủ quyền tôn giáo là biểu hiện quan trọng của sự duy trì chủ quyền quốc gia. Chính nhờ nguyên tắc độc lập, tự xây dựng mới có thể làm cho tôn giáo Trung Quốc có được ảnh hưởng và địa vị quốc tế như ngày nay. Vứt bỏ nguyên tắc độc lập, tự xây dựng có nghĩa là các tôn giáo Trung Quốc tự đánh mất bản thân và bị lệ thuộc vào các tổ chức tôn giáo nước ngoài. Trung Quốc cần phải học hỏi kinh nghiệm quản lý và tư tưởng thần học của nước ngoài, nhưng phải giữ gìn được nét đặc sắc và phẩm chất độc lập của dân tộc.
Đẩy mạnh xây dựng pháp chế tôn giáo
Từ sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã hình thành một hệ thống quan điểm và chính sách cơ bản về xử lý vấn đề tôn giáo, tích lũy được những kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc và đạt được những thành tựu to lớn. Nhưng cùng với tiến trình xây dựng pháp chế dân chủ ở Trung Quốc, mức độ cải cách mở cửa ngày càng rộng mở, việc quản lý nhà nước đối với các sự vụ tôn giáo vào quỹ đạo của pháp chế đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Thực tiễn cho thấy, thông qua công tác lập pháp tôn giáo để đưa chủ trương của Đảng đối với vấn đề tôn giáo và nguyện vọng của nhân dân trở thành ý chí và chuẩn tắc xã hội của Trung Quốc là sự bảo đảm quan trọng cho việc củng cố và cải thiện sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Xem xét từ tình hình thế giới, việc cân nhắc một quốc gia liệu có thực thi những quy định và nhận thức chung của công ước quốc tế về bảo đảm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của công dân hay không cần phải dựa trên một tiêu chuẩn quan trọng, đó là quốc gia đó trong quá trình lập pháp liệu đã có những quy định tương ứng hay chưa. Dựa trên hình thức lập pháp cố định, chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng giúp cho việc thiết lập một hình tượng tốt đẹp về Chính phủ Trung Quốc trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, đồng thời chứng minh cho cả thế giới rằng, Chính phủ Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy sự nghiệp tự do tôn giáo tín ngưỡng. Điều đó có lợi cho việc Trung Quốc có thể giành thế chủ động trong cuộc đấu tranh nhân quyền tôn giáo quốc tế. Năm 1994, Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành pháp quy hành chính Quy định quản lý hoạt động tôn giáo của người nước ngoài tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Điều lệ quản lý cơ sở hoạt động tôn giáo, đã thu được những kết quả đáng kể. Thông qua nỗ lực nhiều năm, các tỉnh thành của Trung Quốc liên tục chế định một loạt pháp quy địa phương và điều lệ Chính phủ về tôn giáo, bước đầu làm thay đổi cục diện không có pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Xuất phát từ tình hình trong nước và thực tiễn tôn giáo, Trung Quốc thấy rằng, trước mắt cần phải giữ vững việc chế định pháp quy hành chính mang tính tổng hợp, giúp cho các ban ngành quản lý sự vụ tôn giáo có thể dựa vào pháp luật để hoạt động. Trong thời gian tới, Trung Quốc xác định cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa mới có thể căn bản hình thành một hệ thống pháp quy tôn giáo tương đối hoàn chỉnh.
Ra sức bồi. dưỡng và tăng cường lực lượng yêu nước trong giới tôn giáo
Kỹ thuật thông tấn hiện đại đã phá vỡ những trở ngại về thời gian và không gian, sự giao lưu giữa các quốc gia ngày càng được mở rộng. Trên lĩnh vực tôn giáo, các cuộc đấu tranh liên quan đến vấn đề dân tộc và tôn giáo ngày càng gay gắt. Trong tình hình mới, liệu giới tôn giáo Trung Quốc có thể giữ được đầu óc tỉnh táo, kiên định lập trường nguyên tắc để loại bỏ được xung đột một cách hiệu quả? Thực tiễn mấy chục năm qua ở Trung Quốc đã chứng minh, chỉ cần quyền lãnh đạo các tôn giáo Trung Quốc được nắm vững trong tay những nhân sĩ yêu nước, hình thành nên một lực lượng trung kiên yêu nước trong nhân viên giáo chức tôn giáo thì sẽ bảo đảm được sự đoàn kết và ổn định. Trung Quốc xác định, giới nhân sĩ tôn giáo yêu nước thế hệ trước phần lớn có tính nhạy cảm chính trị, có thể phân biệt rõ thị phi, vẫn là trụ cột của giới tôn giáo Trung Quốc. Đội ngũ nhân viên giáo chức tôn giáo thế hệ trẻ chủ yếu là tốt, nhưng không ít người có vấn đề tư tưởng rất đáng suy nghĩ. Do vậy, hiện nay và sau này, Trung Quốc cần phải ra sức bồi dưỡng và đào tạo một đội ngũ nhân tài yêu Tổ quốc, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên trì con đường độc lập, tự xây dựng giáo hội, có trình độ học thức tôn giáo cao, có khả năng liên hệ với quần chúng tín đồ để bảo đảm các tôn giáo Trung Quốc có thể thực hiện thuận lợi chuyển giao thế hệ, quá độ ổn định. Đây là vấn đề lớn liên quan tới diện mạo chính trị tương lai của tôn giáo Trung Quốc. Hiện nay, việc giáo dục chính trị, tư tưởng ở các trường tôn giáo Trung Quốc đều tồn tại một số vấn đề. Vấn đề này cần phải được coi trọng ở tầm nhìn chiến lược, quyết tâm giải quyết một cách thận trọng, nếu không hậu quả sẽ rất đáng lo ngại. Đồng thời, cần coi trọng mở rộng các hoạt động giáo dục chủ nghĩa yêu nước trong nhân viên giáo chức tôn giáo và quảng đại quần chúng tín đồ, tăng cường sự đồng tình và đoàn kết của họ đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lấy “bốn bảo vệ” (bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhân dân, bảo vệ sự thống nhất Tổ quốc, bảo vệ sự đoàn kết dân tộc) làm chuẩn tắc căn bản, lấy lợi ích tối cao của quốc gia và dân tộc làm trọng, kiên trì con đường thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa. Những người làm công tác tôn giáo cần phải có tri thức tôn giáo tương đối; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với giới nhân sĩ tôn giáo; kết giao bằng hữu, xây dựng mối quan hệ chân thành, tin tưởng lẫn nhau.
Phát huy vai trò xây dựng trong lĩnh vực nhân quyền tôn giáo quốc tế
Các nước Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, luôn lợi dụng vấn đề nhân quyền tôn giáo để công kích và gây áp lực với các nước, trong đó có Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong lĩnh vực nhân quyền tôn giáo quốc tế. Tình hình đó đòi hỏi Trung Quốc phải lợi dụng thời cơ để vạch trần vấn đề nhân quyền và mục đích chính trị của đối phương, từ đó đập tan thế công kích của đối phương để giành thế chủ động lớn hơn. Chủ động công kích cần phải hướng vào việc dùng sự thực để vạch trần sự lừa bịp và giả tạo của đối phương trong vấn đề tôn giáo, đồng thời phải coi trọng xây dựng lý luận nhân quyền tôn giáo, dần dần hình thành lý luận nhân quyền tôn giáo có thể phản ánh quan niệm cơ bản của đại bộ phận quốc gia đang phát triển và mang đặc sắc Trung Quốc, thông qua tuyên truyền và khởi xướng không ngừng, từng bước gây ảnh hưởng với xã hội quốc tế, làm cho toàn cục có lợi cho phương hướng chuyển hóa của Trung Quốc.
Tiến hành hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo
Trung Quốc cho rằng, trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, để xóa bỏ sự can thiệp của tôn giáo nước ngoài, đập tan công kích cường quyền thì một trong những con đường có hiệu quả là tiến hành hợp tác quốc tế rộng mở. Nền tảng của hợp tác quốc tế là quan hệ song phương. Đồng thời với việc tăng cường mối quan hệ thương mại, đôi bên cần nỗ lực tìm kiếm điểm chung trong lĩnh vực nhân quyền, trong đó bao gồm cả vấn đề tôn giáo, đưa nó vào khung hợp tác chung, từ đó củng cố và tăng cường nền tảng hợp tác quốc tế.
Trong hội nghị nhân quyền Liên Hợp Quốc tổ chức hàng năm, Trung Quốc đã thiết lập liên minh vững chắc với nhiều nước phát triển và đang phát triển trên thế giới. Đó chính là ví dụ cho việc Trung Quốc tiến hành có hiệu quả hợp tác quốc tế và vận dụng tốt quy tắc quốc tế.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đã đạt được nhận thức chung khi chống lại “ba thế lực ác” (khủng bố quốc tế, cực đoan tôn giáo và chia rẽ dân tộc) và đang tiếp tục thực hiện những biện pháp cụ thể. Điều này sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Đây là ví dụ thành công điển hình trong hợp tác khu vực của Trung Quốc.
Một trong những hậu quả của toàn cầu hóa là việc xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức phi chính phủ quốc tế, đóng vai trò ngày càng linh hoạt trong nền chính trị quốc tế. Nhìn về tương lai phát triển, có thể thấy, không gian hoạt động và ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ sẽ ngày càng được mở rộng. Do vậy, Trung Quốc đang khuyến khích giới tôn giáo tham gia vào các tổ chức tôn giáo quốc tế một cách có chọn lọc và có trọng điểm, đồng thời chủ yếu giao thiệp và làm việc với các tổ chức phi chính phủ quốc tế, từ đó giành được địa vị và quyền phát ngôn tương ứng với địa vị quốc tế của Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác tôn giáo quốc tế.
Tạm kết
Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của thế giới đương đại. Trong điều kiện toàn cầu hóa với nhiều biến động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thì vấn đề tôn giáo trở nên vô cùng phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà Trung Quốc không phải là một ngoại lệ. Giải quyết tốt vấn đề tôn giáo sẽ góp phần giúp cho Trung Quốc giữ vững được an ninh chính trị và chủ quyền quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế rộng mở như hiện nay./.
CHÚ THÍCH
Hà Lý (2003), Hỏi đáp về tôn giáo và chính sách tôn giáo (Sách phục vụ đồng bào dân tộc thieu so và miền núi), Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
Nguyễn Thái Hợp (2006), “Tôn giáo đối diện với toàn cầu hóa”, Công giáo và Dân tộc, số 144: 48.
Nguyễn Nghị Thanh (2009), “Công nghệ thông tin và tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 10: 18.
Nguyễn Văn Dũng (2007), “Bước đầu tìm hiểu vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ XX”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 7.
Xem: Vương Tác An (2010), Những vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, Bắc Kinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vương Tác An (2010), Những vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Tôn giáo, Bắc Kinh.
Nguyễn Văn Dũng (2007), “Bước đầu tìm hiểu vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ nửa sau thế kỷ XX”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 7.
NguyễnThái Hợp, “Tôn giáo đối diện với toàn cầu hóa”, Công giáo và Dân tộc, số 144.
Hà Lý (2003), Hỏi đáp về tôn giáo và chính sách tôn giáo (Sách phục vụ đồng bào dân tộc thieu so và miền núi), Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
Nguyễn Nghị Thanh (2009), “Công nghệ thông tin và tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 10.
CHALLENGES AND RELIGIOUS POLICY OF CHINA
IN THE GLOBALIZATION PROCESS TODAY
Globalization is the inevitable trend of the contemporary world. Issues related to religion has been led to an extremely complex question in the context of globalization with fluctuations in economy, politics, culture, and society in many countries around the world, including China. The article focuses on challenges of China's policy toward religion in the process of globalization today.
Key words: Chinese religions, religious policy of China, religious work of China.

File đính kèm:

  • docnhung_thach_thuc_va_doi_sach_cua_trung_quoc_doi_voi_ton_giao.doc
  • pdf22579_75431_1_pb_6385_556379.pdf