Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế-xã hội là sai lầm?
Tóm tắt: Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau phủ định học thuyết hình
thái kinh tế - xã hội của C.Mác, nhưng tựu chung lại những quan điểm này đều
phủ định tính khách quan của quy luật xã hội, hoặc cho rằng thực tiễn đã đổi
thay, nên học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là sai lầm. Bằng các
luận cứ về mặt lý luận, về mặt thực tiễn và về thực tế lịch sử, bài viết khẳng
định tính đúng đắn của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác.
Từ khóa: C.Mác, hình thái kinh tế - xã hội.
Bạn đang xem tài liệu "Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế-xã hội là sai lầm?", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế-xã hội là sai lầm?
Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là sai lầm? 47 CÓ PHẢI HỌC THUYẾT CỦA C.MÁC VỀ HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI LÀ SAI LẦM? TRẦN VĂN PHÒNG* Tóm tắt: Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác, nhưng tựu chung lại những quan điểm này đều phủ định tính khách quan của quy luật xã hội, hoặc cho rằng thực tiễn đã đổi thay, nên học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là sai lầm. Bằng các luận cứ về mặt lý luận, về mặt thực tiễn và về thực tế lịch sử, bài viết khẳng định tính đúng đắn của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Từ khóa: C.Mác, hình thái kinh tế - xã hội. Các quan điểm phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác thường bắt đầu từ phủ định tính khách quan của quy luật xã hội mà học thuyết này phát hiện ra. Những người theo quan điểm này cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là lỗi thời vì thực tiễn đã đổi thay, v.v. Thực ra điều này không mới. C.Pốppơ cũng đã từng bác bỏ học học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác trong “Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử”. Ông ta cho rằng, sự khái quát quy luật phải dựa trên sự lặp đi lặp lại của các sự kiện. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong khoa học tự nhiên, nhưng không thể thực hiện trong khoa học xã hội, vì xã hội vẫn đang trong trạng thái sinh thành liên tục, chưa có kết thúc. Hơn nữa, xã hội là kết quả của vô số những cá nhân hoạt động vì lợi ích của mình, với vô số quan hệ chằng chịt và các sự kiện không thể dự đoán trước. Cho nên, con người không thể nắm bắt được trạng thái và xu hướng vận động của xã hội, quy luật xã hội. Để phản bác lại những quan điểm này, chúng ta cần căn cứ vào lý luận, thực tiễn và thực tế lịch sử. 1. Căn cứ về mặt lý luận(*) Thứ nhất, các quy luật xã hội giống các quy luật tự nhiên cũng tồn tại khách quan và có thể được nhận thức bởi con người. Trước C.Mác, Hêghen đã đặt nhiệm vụ phát hiện ra quy luật xã hội, lịch sử; nhưng Hêghen đã không giải quyết được triệt để nhiệm vụ này. C.Mác đã giải quyết được nhiệm vụ này khoa học hơn, duy vật hơn, đúng đắn hơn so với Hêghen. Ph.Ăngghen trong “Chống Đuy-rinh” đã chỉ rõ: “Nền triết học mới của Đức đã đạt tới đỉnh cao của nó trong hệ thống của Hêghen, trong đó lần đầu tiên - và đây là công lao to lớn của ông - toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch (*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (69) - 2013 48 sử và tinh thần được trình bày như một quá trình, nghĩa là luôn luôn vận động, biến đổi, biến hóa và phát triển, và ông đã cố vạch ra mối liên hệ nội tại của sự vận động và sự phát triển ấy. Theo quan điểm ấy, lịch sử loài người đã không còn thể hiện ra là một mớ hỗn độn ghê gớm của những hành vi bạo lực vô nghĩa, đáng bị kết tội trước tòa án của lý tính triết học ngày nay đã trưởng thành, chẳng kém gì đáng phải quên đi cho thật nhanh; ngược lại nó là một quá trình phát triển của bản thân loài người, và nhiệm vụ của tư duy hiện nay là phải theo dõi bước tiến tuần tự của quá trình ấy qua tất cả những khúc quanh co của nó và chứng minh tính quy luật bên trong của nó qua tất cả những cái ngẫu nhiên bề ngoài”(1). Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác dựa trên cơ sở các quan hệ kinh tế hiện thực, các mâu thuẫn hiện thực giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa các giai cấp đối kháng nhau trong xã hội có đối kháng giai cấp của mỗi thời đại mà giải thích đời sống xã hội; từ đó đã tìm ra quy luật vận động khách quan của xã hội, lịch sử. Đây là cách tiếp cận hoàn toàn có căn cứ khoa học. Các quy luật tự nhiên và quy luật xã hội đều có cơ sở chung, đó là tính thống nhất vật chất của thế giới. Bản thân con người và xã hội loài người, xét đến cùng cũng chỉ là một bộ phận của thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, xã hội là lĩnh vực tự nhiên đặc thù với hình thức vận động đặc biệt; hơn nữa các quy luật xã hội chỉ được hình thành, vận động, phát triển thông qua hoạt động thực tiễn của con người. Con người không tự tiện xóa bỏ được quy luật, nhưng thông qua hoạt động thực tiễn của mình có thể làm cho quy luật nhanh diễn ra hoặc chậm diễn ra hơn. Vì vậy, các quy luật xã hội khác quy luật tự nhiên ở chỗ, chúng mang tính xu hướng. Vì tính xu hướng đó cho nên việc nhận thức, kiểm nghiệm các quy luật xã hội khó khăn hơn so với các quy luật của tự nhiên. Nhưng như vậy không có nghĩa là con người không thể nhận thức được quy luật xã hội.(1) Thứ hai, quan điểm coi sản xuất vật chất là nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội; biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng là nền tảng của sự vận động, phát triển xã hội là không hề sai lầm, lỗi thời. Thực tế lịch sử loài người đã chứng tỏ, sản xuất vật chất là phương thức tồn tại của xã hội loài người, không có sản xuất vật chất, xã hội loài người không thể tồn tại, vận động và phát triển được. Thông qua sản xuất vật chất, con người chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội, hoàn thiện bản thân. Cũng nhờ sản xuất vật chất mà xã hội loài người vận động, phát triển. Các quan điểm phủ định học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác cho rằng, sự phát triển của trí tuệ, khoa học, công (1) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 39 - 40. Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là sai lầm? 49 nghệ, chứ không phải sản xuất vật chất, mới là tiêu chí, động lực cho sự vận động, phát triển của xã hội. Các quan điểm ấy là không toàn diện, không khoa học và thiếu cơ sở khách quan. Bởi lẽ, chính thực tiễn phát triển của lịch sử loài người cho thấy, không thể tách trí tuệ, khoa học, công nghệ ra khỏi sản xuất vật chất và thiếu sản xuất vật chất thì trí tuệ, khoa học, công nghệ không thể phát triển được, mặc dù chúng có đóng vai trò quan trọng. Thứ ba, những người bác bỏ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác cho rằng, học thuyết này là một hình thức của thuyết quyết định luận lịch sử. Thực chất không phải vậy. Bởi lẽ, tính tất yếu của sự ra đời xã hội mới từ trong lòng xã hội cũ là do sự vận động của sản xuất vật chất, của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, v.v.; đặc biệt là do sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Về điều này C.Mác đã viết: “Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó - mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất, khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội”(2). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: “Một sự thay đổi của các quan hệ sản xuất không thể đơn giản được giải thích bằng việc lực lượng sản xuất phát triển. Cũng không phải sự thay đổi mang tính đột phá trong lực lượng sản xuất nhất thiết đưa đến quan hệ sản xuất mới, như cuộc cách mạng công nghiệp đã chứng minh. Cùng một lực lượng sản xuất có thể tồn tại với những quan hệ xã hội khác nhau”(3). Sự khác biệt trong quan điểm của C.Mác với thuyết quyết định luận lịch sử đúng như Terry Eagleton nhận định: “C.Mác không cho rằng, tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả chúng ta cứ việc ngủ yên”(4). Đồng thời, lý luận của C.Mác chỉ rõ rằng, chỉ có con người mới có khả năng tự làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức. Trong Biện chứng của tự nhiên, Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “Con người càng cách xa con vật, hiểu theo nghĩa hẹp của từ này bao nhiêu thì con người lại càng tự mình làm ra lịch sử của mình một cách có ý thức bấy nhiêu; ảnh hưởng của những hậu quả không dự kiến trước, của những lực lượng không kiểm soát được, đối với lịch sử đó lại càng ít đi bấy nhiêu thì kết quả của lịch sử lại càng phù hợp một cách chính xác hơn bấy nhiêu với mục (2) C.Mác và Ph.Ăngghen (1993), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 15. (3) Terry Eagleton (2012), Tại sao Mác đúng? Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr. 59. (4) Terry Eagleton (2012) Tại sao Mác đúng? Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr. 63. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (69) - 2013 50 đích đã xác định trước”(5). Tuy nhiên, C.Mác và Ph.Ăngghen không cho rằng con người có thể “tiên đoán” được mọi thứ ngay: “Nhưng nếu chúng ta đã phải trải qua hàng nghìn năm lao động mới có thể, trong một chừng mực nào đó, đánh giá trước được những hậu quả tự nhiên xa xôi của những hành động sản xuất của chúng ta, thì chúng ta lại càng phải trải qua nhiều khó khăn hơn nữa, mới có thể hiểu biết được những hậu quả xã hội xa xôi của những hành động ấy”(6). Quy luật xã hội vận động, biến đổi, phát triển phức tạp hơn quy luật tự nhiên. Bởi lẽ, quy luật xã hội phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người mới bộc lộ, vận động, phát triển. Con người có ý thức, tình yêu, lòng căm thù, lợi ích, v.v.. Thông qua những lăng kính này, nhất là lợi ích và bằng hoạt động thực tiễn, con người có thể tác động đến quy luật xã hội. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà con người không nhận thức được quy luật xã hội. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác chính là kết quả của tư duy khoa học để khái quát quy luật xã hội. Đúng như Ph.Ăngghen đã nhận định: “Nếu như chúng ta muốn đợi cho đến khi những tài liệu cần thiết cho quy luật trở nên thuần khiết thì như thế có nghĩa là tạm đình chỉ những sự tìm tòi của tư duy cho tới lúc đó, và như thế cũng đủ để cho chúng ta không bao giờ có được quy luật”(7). Thứ tư, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác là khoa học còn bởi lẽ, C.Mác đã chọn đúng điểm xuất phát cho sự phát triển của xã hội là sản xuất vật chất, là trình độ của lực lượng sản xuất và cùng với lực lượng sản xuất là quan hệ sản xuất và toàn bộ kiến trúc thượng tầng. Bởi lẽ, sản xuất vật chất theo đúng nghĩa của nó, xét về bản chất, bao giờ cũng mang tính xã hội. Do vậy, khi nghiên cứu xã hội thì không thể chỉ nghiên cứu lực lượng sản xuất, mà còn phải nghiên cứu quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội; phải chỉ ra trong các quan hệ xã hội chằng chịt ấy, quan hệ xã hội nào là chi phối. C.Mác đã tìm ra quan hệ sản xuất (quan hệ vật chất, quan hệ giữa người với người trong sản xuất vật chất) đóng vai trò chi phối và linh hồn của quan hệ sản xuất lại là quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Xuất phát từ quan hệ sản xuất này, C.Mác nghiên cứu kiến trúc thượng tầng - những quan điểm, những tư tưởng và các thiết chế xã hội (như đảng phái, nhà nước, giáo hội, hiệp hội, v.v.).(5)Như vậy, đây là phương pháp tiếp cận toàn diện, hệ thống, nhất quán theo một lôgíc nội tại đi từ sản xuất vật chất đến sản xuất tinh thần, từ đời sống kinh tế đến đời sống chính trị, từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng. Trong học thuyết của mình, C.Mác còn nhấn mạnh chiều tác (5) C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 476. (6) C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 655 - 656. (7) C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 733. Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là sai lầm? 51 động trở lại của sản xuất tinh thần đến sản xuất vật chất; của chính trị đối với kinh tế; của quan hệ sản xuất đến lực lượng sản xuất; của kiến trúc thượng tầng đến cơ sở hạ tầng. Rõ ràng, cách tiếp cận xã hội như vậy của C.Mác là biện chứng, khoa học, không thể là sai lầm. 2. Căn cứ về mặt thực tiễn Thứ nhất, sự ra đời của chế độ phong kiến là do chính sự phát triển của kinh tế trong lòng chế độ chiếm hữu nô lệ quy định. Cụ thể là, khi chế độ chiếm hữu nô lệ đang lụi tàn xuất hiện một số chủ nô dân chủ, tiến bộ thay đổi cách quản lý kinh tế từ phương thức đánh đập, ép buộc nô lệ làm việc sang phương thức “khoán” sản phẩm trên một đơn vị đất canh tác. Chính phương thức “khoán” này đã làm nảy sinh địa tô - một nhân tố kinh tế quan trọng mở đường cho cách thức bóc lột địa tô phong kiến và phương thức sản xuất phong kiến ra đời. Thứ hai, sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa cũng là do nguyên nhân kinh tế từ trong lòng hình thái kinh tế - xã hội phong kiến. Ph.Ăngghen, trong Lutvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức cũng chứng minh rõ, nguồn gốc và sự phát triển giai cấp tư sản và giai cấp vô sản là do nguyên nhân thuần túy kinh tế(8). Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng ra đời từ trong lòng phương thức sản xuất phong kiến. Chính bước chuyển từ thủ công nghiệp phường hội lên công trường thủ công, rồi từ công trường thủ công lên đại công nghiệp cùng sự phân công lao động và nhu cầu trao đổi do lực lượng sản xuất phát triển tạo ra đã trở nên không tương dung với những đặc quyền phong kiến. “Những lực lượng sản xuất, do giai cấp tư sản đại biểu, nổi dậy chống lại chế độ sản xuất do bọn chiếm hữu ruộng đất phong kiến và bọn trùm phường hội đại biểu”(9). Kết quả là, những xiềng xích phong kiến đã bị đập tan dù là dần dần như ở Anh hay một lần là xong như ở Pháp để nhường chỗ cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời. Thứ ba, ngay trong lòng của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã xuất hiện các điều kiện, tiền đề kinh tế, vật chất chuẩn bị cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội. Các xí nghiệp, hợp tác xã tự quản của người lao động là một trong những phương thức phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các “công ty cổ phần dưới chủ nghĩa tư bản được C.Mác và Ph.Ăngghen xem là xu hướng xã hội hóa tư bản, là một trong những dữ kiện chứng minh tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội”(10). Đây là một trong những tiền đề kinh tế quan trọng cho sự ra đời của phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn phát triển của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa đã xác nhận lý (8) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 439. (9) C.Mác và Ph.Ăngghen, (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 440. (10) Nguyễn Ngọc Long (chủ biên) (2010), Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội hiện thực, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 498. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (69) - 2013 52 luận của C.Mác về mâu thuẫn cơ bản của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa: mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa của quan hệ sản xuất. Chính mâu thuẫn này có vai trò như một động lực phát triển đưa loài người từ lao động thủ công với nền sản xuất phân tán, manh mún, tự cung, tự cấp lên lao động cơ khí trong nền kinh tế thị trường và giờ đây đang đưa con người lên trình độ lao động tri thức trong nền kinh tế tri thức. Đúng như C.Mác đã khẳng định: “Tri thức xã hội phổ biến (Wissen, knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp,”(11). Thực tế cho thấy, kinh tế tư bản chủ nghĩa đang tiến tới giai đoạn kinh tế tri thức và cổ phần hóa phổ biến. Mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính chất tư nhân tư bản chủ nghĩa của quan hệ sản xuất đã ở nấc thang buộc phải chuyển hướng phát triển phiến diện chạy theo lợi nhuận của nhà tư bản, gây ra những hậu quả về môi trường, xã hội quá sức chịu đựng sang hướng phát triển “đồng thuận” hơn giữa kinh tế với môi trường và xã hội. Sự phát triển của các lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng đưa đến sự biến đổi về sở hữu: “Từ sở hữu tư nhân tư bản sẽ chuyển hóa thành sở hữu xã hội (chứ không phải sở hữu nhà nước) và sở hữu cá nhân (chứ không phải sở hữu tư nhân) như một tất yếu kinh tế. Giai đoạn công ty cổ phần chính là mở đầu sự hình thành sở hữu xã hội với sở hữu cá nhân - thành quả kép của quá trình xã hội hóa”(12) lực lượng sản xuất. Đây cũng là sự phủ định biện chứng để tạo ra cơ sở, tiền đề cho phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa mới ra đời từ trong lòng chủ nghĩa tư bản. Điều này càng chứng tỏ những dự báo mà lý luận hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đưa ra là hoàn toàn khoa học, không hề sai lầm và lỗi thời. 3. Căn cứ về mặt thực tế lịch sử Thứ nhất, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác vẫn hoàn toàn đứng vững trước thực tế lịch sử phát triển hiện thực của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Tính lịch sử trong sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác chỉ ra rằng, sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội diễn ra một cách khách quan nhưng gắn liền với những điều kiện lịch sử - cụ thể của từng quốc gia dân tộc. Nói khác đi, sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội mang tính khách quan - lịch sử và lịch sử - khách quan, chứ không đơn thuần chỉ là khách quan, hay chỉ là lịch sử thuần túy. Do các điều kiện lịch sử - văn hóa, truyền thống, chính trị, nên ở mỗi quốc gia sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội có thể diễn ra tuần tự từ thấp lên cao hoặc “bỏ qua” một hoặc vài hình thái kinh tế - xã hội trong trật tự phát triển của mình. Chẳng hạn, (11) C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Toàn tập, tập 46, phần II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 372 - 373. (12) Hoàng Chí Bảo (chủ biên), (2010), Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 271. Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là sai lầm? 53 Autralia, các quốc gia Mỹ La tinh đều bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội phong kiến trong quá trình phát triển của mình. Việt Nam không trải qua hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ và hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Việc các quốc gia này bỏ qua một hình thái kinh tế - xã hội nào đó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, mà do các điều kiện lịch sử khách quan quy định. Tính lịch sử còn thể hiện ở chỗ, trong cùng một thời đại, nhưng các quốc gia khác nhau có thể không ở cùng một hình thái kinh tế - xã hội như nhau. Hoặc trong cùng một hình thái kinh tế - xã hội, tính chất kinh tế - xã hội ở các quốc gia khác nhau cũng có sự khác nhau. Chẳng hạn, cùng hình thái kinh tế - xã hội phong kiến nhưng đặc trưng của hình thái kinh tế - xã hội phong kiến Châu Âu là phân quyền, còn đặc trưng của hình thái kinh tế - xã hội phong kiến phương Đông là tập quyền. Điều này không trái với tính khách quan của sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, việc “bỏ qua” một hay vài hình thái kinh tế - xã hội trong trật tự phát triển của một quốc gia nào đó, xét đến cùng, cũng do những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể quy định. Nghĩa là, tính lịch sử này cũng bị chi phối bởi tính khách quan, do điều kiện khách quan quy định. Rõ ràng việc “bỏ qua” một hình thái kinh tế - xã hội nào đó trong trật tự phát triển của một quốc gia nào đó cũng không thể tùy tiện, mà phải tuân theo quy luật khách quan. Thứ hai, lý luận của C.Mác về con đường lịch sử - tự nhiên từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và lý luận về con đường phát triển rút ngắn lên chủ nghĩa xã hội của V.I.Lênin không hề mâu thuẫn nhau. Bởi lẽ, lý luận của C.Mác về con đường lịch sử - tự nhiên từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội của các nước công nghiệp được C.Mác rút ra từ nghiên cứu kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và lý luận về con đường phát triển rút ngắn của những nước chưa phát triển lên chủ nghĩa xã hội được V.I.Lênin rút ra từ thực tiễn nước Nga. Sở dĩ, có hai lý luận về hai con đường phát triển trên là vì C.Mác và V.I.Lênin nghiên cứu chủ nghĩa tư bản ở hai trạng thái phát triển lịch sử - cụ thể khác nhau, hai thực tiễn cụ thể khác nhau. Hơn nữa, bản thân con đường phát triển rút ngắn của V.I.Lênin cũng mang tính lịch sử - tự nhiên, nghĩa là cũng do những điều kiện khách quan quy định, không thể tùy tiện, chủ quan. Vì vậy, hai con đường phát triển này bổ sung cho nhau, làm giàu, làm phong phú lẫn nhau, làm điều kiện cho nhau. Như vậy là, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác được V.I.Lênin bổ sung, làm giàu bằng thực tiễn mới. Điều đó chứng tỏ sức sống mới của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Thứ ba, do quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và các quy luật xã hội khác chỉ bộc lộ thông qua hoạt động thực tiễn của con người, nên chủ nghĩa tư bản hiện đại thông qua Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 (69) - 2013 54 hoạt động của mình đã có những điều chỉnh nhất định để những mâu thuẫn này tạm thời không trở nên gay gắt, nằm trong tầm kiểm soát của họ. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không thể là vĩnh viễn. Đúng là, công nhân hiện đại trong các nước tư bản hiện nay có thể mua cổ phiếu của các công ty. Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu của công nhân chưa chứng minh được rằng, tính xã hội hóa của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tương thích tính xã hội hóa của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa, giữa lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không còn mâu thuẫn. Ngày nay, có nhiều người cho rằng, việc công nhân có cổ phiếu là chứng tỏ tính xã hội hóa cao của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và tính “dân chủ hóa tư bản” của nền sản xuất tư bản hiện đại; công nhân bây giờ là những người đồng sở hữu với nhà tư bản; do vậy, ngày nay không thể nói công nhân bị bóc lột nữa. Quan điểm này hoàn toàn là ngụy biện. Bởi lẽ, người công nhân trong các nhà máy của nhà tư bản hiện nay tuy có cổ phiếu, nhưng với giá trị quá nhỏ bé của những cổ phiếu ấy, người công nhân không bao giờ có quyền tham gia quyết định quá trình sản xuất. Hơn nữa, cũng không phải tất cả công nhân hiện đại ở các nước tư bản chủ nghĩa đều có thể mua cổ phiếu. Ngay từ năm 1916, trong tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, việc cổ phần hóa công ty với những cổ phiếu giá thấp mà người lao động có thể mua được đang được “bọn ngụy biện tư sản và bọn cơ hội cũng tự xưng là những người “dân chủ - xã hội” đang hy vọng (hoặc đang quả quyết rằng chúng hy vọng) là sẽ dẫn đến chỗ “dân chủ hóa tư bản”, tăng cường vai trò và ý nghĩa của sản xuất nhỏ, v v., - thật ra chỉ là trong những phương pháp tăng thêm uy lực cho bọn đầu sỏ tài chính”(13). Như vậy, xét từ lý luận hay từ lịch sử và thực tiễn, thì học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác hiện tại không hề sai lầm, lỗi thời. Tài liệu tham khảo 1. Hoàng chí Bảo (chủ biên) (2010), Bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 2. Terry Eagleton (2012), Tại sao Mác đúng? Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội. 3. C.Mác và Ph.Ăngghen (1993), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 4. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 5. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 6. C.Mác và Ph.Ăngghen (2000), Toàn tập, tập 46, phần II; Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 7. V.I.Lênin (1985), Toàn tập, tập 27, Nxb Tiến Bộ Mátxcơva. 8. Nguyễn Ngọc Long (chủ biên) (2010), Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội hiện thực, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. (13) V.I.Lênin (1985), Toàn tập, tập 27, Nxb Tiến Bộ Mátxcơva, tr. 439. Có phải học thuyết của C.Mác về hình thái kinh tế - xã hội là sai lầm? 55
File đính kèm:
- o_phai_hoc_thuyet_cua_c_mac_ve_hinh_thai_kinh_te_xa_hoi_la_s.pdf