Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích nội dung của chủ nghĩa nhân văn và dòng

chảy của chủ nghĩa nhân văn ở phương Tây, tác giả bài viết cho rằng, chủ

nghĩa nhân văn là bản chất của triết học Mác; chủ nghĩa nhân văn của triết học

Mác không những đoạn tuyệt với chủ nghĩa nhân văn của L.Phoiơbắc, mà còn

biến chủ nghĩa nhân văn từ lý luận trừu tượng thành thực tiễn, nhằm cải tạo thế

giới. Triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung sở dĩ có sức sống

mạnh mẽ vì bản chất của nó là chủ nghĩa nhân văn.

pdf 8 trang phuongnguyen 3740
Bạn đang xem tài liệu "Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác

Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 
 50
CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN CỦA TRIẾT HỌC MÁC 
TRỊNH VĂN TOÀN* 
Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích nội dung của chủ nghĩa nhân văn và dòng 
chảy của chủ nghĩa nhân văn ở phương Tây, tác giả bài viết cho rằng, chủ 
nghĩa nhân văn là bản chất của triết học Mác; chủ nghĩa nhân văn của triết học 
Mác không những đoạn tuyệt với chủ nghĩa nhân văn của L.Phoiơbắc, mà còn 
biến chủ nghĩa nhân văn từ lý luận trừu tượng thành thực tiễn, nhằm cải tạo thế 
giới. Triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung sở dĩ có sức sống 
mạnh mẽ vì bản chất của nó là chủ nghĩa nhân văn. 
Từ khóa: Chủ nghĩa nhân văn, L.Phoiơbắc, tha hóa, tự do, chủ nghĩa xã hội 
không tưởng, triết học Mác, chủ nghĩa Mác. 
Mở đầu 
Một trong những đặc điểm quan 
trọng nhất và mang tính bản chất của 
triết học Mác nói riêng và chủ nghĩa 
Mác nói chung là chủ nghĩa nhân văn. 
Bởi vì, xét đến cùng, triết học Mác chỉ 
có một mục đích duy nhất là trở thành 
phương tiện hữu hiệu, nhằm giải phóng 
con người khỏi những lực lượng nô dịch 
con người. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen 
cũng đã khẳng định điều này trong tác 
phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” 
rằng: “tự do của mỗi người là điều kiện 
cho sự phát triển tự do của mọi người, 
và ngược lại, tự do của mọi người là 
điều kiện cho sự phát triển tự do của 
mỗi người”(1). Khi nghiên cứu triết học 
Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác nói 
chung, chúng ta phải làm sáng tỏ được 
bản chất nhân văn đó. Để bảo vệ chủ 
nghĩa Mác thì cần chỉ ra bản chất nhân 
văn của chủ nghĩa Mác; nhưng để làm 
rõ được bản chất nhân văn của chủ 
nghĩa Mác thì chúng ta cần chỉ rõ mối 
liên hệ của chủ nghĩa nhân văn đó với 
truyền thống nhân văn chủ nghĩa 
phương Tây, mà cụ thể là chủ nghĩa 
nhân văn cận hiện đại, cũng như điểm 
mới mà C.Mác đã đem lại cho chủ nghĩa 
nhân văn này.(*) 
1. Khái quát về chủ nghĩa nhân văn 
Để hiểu được bản chất nhân văn của 
triết học Mác thì chúng ta cần phải khảo 
cứu và trình bày nó trong dòng chảy liên 
tục phát triển của chủ nghĩa nhân văn 
Châu Âu cận hiện đại, bởi vì chủ nghĩa 
nhân văn đó là cái phản ánh phong trào 
giải phóng con người dưới dạng các 
quan điểm triết học đa dạng. 
Thuật ngữ "chủ nghĩa nhân văn" (bắt 
nguồn từ tiếng La tinh là humanus, từ 
này có nghĩa là con người, tính người) 
(*) Đại học Điện lực. 
(1) Xem: C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, 
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 590. 
Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác 
 51
được sử dụng để chỉ hệ thống quan điểm 
triết học lạc quan, đầy sức sống, thừa 
nhận hạnh phúc của cá nhân phát triển 
hài hoà là giá trị tối cao và là tiêu chí 
của tiến bộ xã hội. Khái niệm này được 
sử dụng rộng rãi trong các khoa học về 
con người, cũng như trong các khoa học 
xã hội và nhân văn (bản thân tên gọi 
“khoa học xã hội nhân văn” đã nói lên 
điều đó). Xét về mặt lịch sử và về mặt 
thuật ngữ, khái niệm "chủ nghĩa nhân 
văn" bắt nguồn từ thời Phục hưng, chính 
xác hơn là từ thời Phục hưng Italia, khi 
đó chủ nghĩa nhân văn thể hiện dưới 
hình thức một thế giới quan có hình thức 
tư tưởng và toàn vẹn, quy định nội dung 
cơ bản của các trào lưu tư tưởng thống 
trị trong xã hội. Song, nếu chủ nghĩa 
nhân văn được hiểu theo nghĩa rộng như 
là sự quan tâm cao quý đến con người, 
đến thế giới tinh thần và mục đích sống 
của con người, thì nhiều hệ thống triết 
học cũng đã có sự quan tâm như vậy. 
Với nghĩa rộng đó thì các tư tưởng của 
chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt toàn bộ 
lịch sử văn hoá của nhân loại. 
Trong dòng chảy của chủ nghĩa nhân 
văn có chủ nghĩa nhân văn cận hiện đại. 
Chủ nghĩa nhân văn cận hiện đại có các 
đặc điểm điển hình là: ý thức tự do tư 
tưởng, chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn trần 
tục, tự do tư tưởng về chính trị - xã hội 
và công dân, tự do tư tưởng tiến bộ về 
mặt lịch sử, nhấn mạnh phương diện 
thực tiễn và đạo đức của tự do tư tưởng. 
Ở đây, cũng cần phải kể tới một số đặc 
điểm khác như tinh thần của Tin Lành 
giáo, thái độ sẵn sàng phản kháng và 
đấu tranh nhằm thực hiện lý tưởng, đặc 
biệt là ý thức về sự hạn chế của con 
người biệt lập. 
Chủ nghĩa nhân văn cận hiện đại 
nhấn mạnh nhu cầu tự bộc lộ và tự 
khẳng định của cá nhân; hoàn toàn 
không loại bỏ, mà còn thường xuyên đặt 
ra vấn đề về tính bi kịch của con người 
cá thể bị hạn chế và bất lực trong tính 
biệt lập của mình. Chủ nghĩa nhân văn 
đó là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử 
nhân loại; nó sản sinh ra hai truyền 
thống cơ bản của chủ nghĩa nhân văn đã 
tồn tại trong suốt thời cận hiện đại cho 
đến tận giữa thế kỷ XIX là chủ nghĩa 
nhân văn cá nhân tư sản và chủ nghĩa 
nhân văn xã hội không tưởng. 
Chủ nghĩa nhân văn cá nhân tư sản 
căn cứ trên học thuyết về quyền tự nhiên 
và khế ước xã hội; hướng tới quyền đầy 
đủ của mỗi cá nhân về sự sống, tự do và 
khát vọng hạnh phúc. Các đại diện của 
chủ nghĩa nhân văn cá nhân tư sản như 
Lôccơ, Spinôda, Russô, Điđơrô đã xem 
con người với tư cách là cá nhân tự trị 
và coi sự tự chủ là nguyên tắc tối cao 
của chủ nghĩa nhân văn. Trở ngại đối 
với họ là vấn đề kết hợp lợi ích cá nhân 
với các giá trị xã hội. Đỉnh điểm của chủ 
nghĩa nhân văn cá nhân tư sản là tư 
tưởng cải tạo chế độ phong kiến, phục 
hồi chủ quyền của nhân dân, thiết lập 
chế độ xã hội bình quân chủ nghĩa. Điều 
này quy định tính hạn chế của chủ nghĩa 
nhân văn cá nhân tư sản khi đã tận dụng 
hết động lực phát triển cơ bản của mình 
sau thắng lợi của cách mạng tư sản ở các 
nước phương Tây. Thay cho thời Khai 
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 
 52
sáng, thời đại lãng mạn tiếp tục giữ lại 
các tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn cá 
nhân tư sản, song có một sắc thái bi kịch 
hơn do không dung hợp được với quan 
hệ xã hội hiện thực thời đó. 
Cũng bắt nguồn từ thời Phục hưng, 
truyền thống thứ hai (chủ nghĩa nhân 
văn xã hội không tưởng) gắn liền với 
chủ nghĩa xã hội không tưởng. Chủ 
nghĩa xã hội không tưởng đặt lên hàng 
đầu các nguyên tắc của chủ nghĩa tập 
thể và tính chất xã hội của con người. 
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội 
không tưởng xem bản tính con người 
như là bản tính tập thể chủ nghĩa, thể 
hiện ở lao động trung thực và phân phối 
công bằng sản phẩm. Chủ nghĩa nhân 
văn xã hội không tưởng liên hệ mật thiết 
với các khái niệm về bình đẳng, lao 
động và hạnh phúc. Người nào không 
lao động thì theo họ, không có quyền 
hợp pháp hưởng thụ sản phẩm lao động. 
Nguyên tắc này cũng cho rằng, việc 
người bóc lột người là vô đạo đức. Đặc 
trưng trong tư tưởng của các đại biểu 
của chủ nghĩa xã hội không tưởng sơ kỳ 
là ở chỗ, họ phê phán chế độ tư hữu và 
kêu gọi thay thế nó bằng chế độ có khả 
năng đem lại cho con người hạnh phúc 
chân thực và sự phát triển hài hoà, có 
đạo đức. 
Các mâu thuẫn kinh tế - xã hội, chính 
trị và tinh thần dẫn tới sự tha hoá của 
con người chính là nguồn gốc cho cảm 
hứng nhân văn chủ nghĩa của các nhà xã 
hội chủ nghĩa không tưởng. Các tư 
tưởng của họ về con người và loài người 
bao hàm tư tưởng biến xã hội thành liên 
hiệp những người lao động tự do, áp 
dụng nguyên tắc lao động; tư tưởng đó 
đã tạo ra điều kiện để làm bộc lộ những 
tiềm năng sáng tạo và đạo đức vốn có 
trong mỗi con người, để cải biến nhà 
nước thành uỷ ban quản lý sản xuất và 
cuối cùng, để xác lập liên hiệp các dân 
tộc cùng chung sống hoà bình. 
Triết học xã hội của các nhà xã hội 
chủ nghĩa không tưởng thấm nhuần tinh 
thần của chủ nghĩa nhân văn và chính 
chủ nghĩa nhân văn thể hiện bản chất 
sau xa hệ tư tưởng của họ. Song, chủ 
nghĩa duy tâm trong quan niệm về tiến 
trình lịch sử đã không cho phép học 
thuyết của họ trở thành khoa học. Chủ 
nghĩa xã hội không tưởng không giải 
thích được bản chất của tình cảnh nô lệ 
làm thuê trong chủ nghĩa tư bản, không 
phát hiện ra được các quy luật phát triển 
khách quan của nó, không tìm ra lực 
lượng xã hội có khả năng sáng tạo ra xã 
hội mới. Các nhà xã hội chủ nghĩa 
không tưởng xuất phát từ các nguyên tắc 
nhân văn chung nhân loại, có nguyện 
vọng xây dựng một xã hội lý tưởng, 
nhưng họ nhận thức thiếu phê phán tiến 
trình lịch sử. Mặc dù có mâu thuẫn trong 
quan điểm của các nhà xã hội chủ nghĩa 
không tưởng, song triết học của họ đã 
thực hiện một điều quan trọng là thúc 
đẩy chủ nghĩa nhân văn khi hợp nhất 
các khái niệm lao động, bình đẳng, công 
bằng, tự do. 
2. Chủ nghĩa nhân văn của L.Phoiơbắc 
Một giai đoạn quan trọng trong tiến 
trình phát triển của chủ nghĩa nhân văn 
trước Mác là chủ nghĩa nhân văn của 
Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác 
 53
L.Phoiơbắc. Kế tục các truyền thống 
Khai sáng ở Đức, L.Phoiơbắc đặt vấn đề 
con người vào trung tâm toàn bộ hệ 
thống triết học của mình. Chính con 
người - "đối tượng duy nhất, phổ quát, 
cao nhất của triết học"- đã trở thành vấn 
đề trung tâm trong lý luận của 
L.Phoiơbắc, đưa ông đến với học thuyết 
nhân học triết học thấm nhuần chủ nghĩa 
nhân văn cao cả. L.Phoiơbắc luôn lo 
lắng về đạo đức chân thực khi xem xét 
các hiện tượng tiêu cực trong xã hội 
đương thời, như cảnh bần cùng, sự suy 
thoái của cá nhân, sự triệt tiêu tư tưởng 
tự do và tha hoá tinh thần. L.Phoiơbắc 
nhận thấy thực chất của tha hoá tinh 
thần là ở chỗ con người chuyển những 
phẩm chất và hoài bão tốt đẹp nhất của 
mình sang một thực thể lý tưởng nào đó. 
Qua đó, cá nhân bị biến thành vật phụ 
thuộc của cỗ máy xã hội phi nhân cách. 
Nhiệm vụ của thế giới quan nhân văn 
chủ nghĩa theo L.Phoiơbắc là ở chỗ, 
hoàn trả cho con người và nhân loại bản 
chất nhân văn đã bị đánh mất, đưa con 
người từ thực thể siêu việt ở phía bên 
kia xuống thế giới xã hội hiện thực trần 
tục, biến con người thành trung tâm của 
lý tưởng. Nói cách khác, ông đã thần 
thánh hoá con người theo lối nhân văn 
chủ nghĩa. 
Chủ nghĩa nhân bản của L.Phoiơbắc 
vừa cụ thể lại vừa trừu tượng. Tính trừu 
tượng của nó được quy định bởi việc 
phê phán một cách sống động, từ lập 
trường công dân, các hình thức tha hoá 
và suy đồi của cá nhân trong xã hội 
đương thời, mà trước hết là các hình 
thức tha hoá tôn giáo. Song, khi phân 
tích tha hoá về mặt triết học và chỉ ra 
các con đường khắc phục nó, L.Phoiơbắc 
đã đánh mất cơ sở vững chắc của chủ 
nghĩa phê phán nhân văn chủ nghĩa và 
bị rơi vào lĩnh vực chủ nghĩa nhân bản 
trừu tượng. Ông nhận thấy bản chất tình 
cảm, cảm xúc của con người là “thực 
thể” của xã hội. Với nghĩa đó thì việc 
vạch ra bản chất của con người và khắc 
phục sự tha hoá diễn ra ở chừng mực mà 
con người có khả năng bộc lộ cơ sở tộc 
loại của nó. Chính quan niệm trừu tượng 
như vậy về chủ nghĩa nhân văn đã buộc 
Phoiơbắc phải đưa ra một cá nhân trừu 
tượng, biệt lập, và do vậy bản chất con 
người ở ông chỉ có thể được xem như là 
"loài", như cái chung gắn liền vô số cá 
nhân với nhau chỉ bằng những quan hệ 
tự nhiên. 
3. Chủ nghĩa nhân văn của C.Mác 
trong dòng chảy của chủ nghĩa nhân 
văn ở phương Tây 
Thái độ của chủ nghĩa Mác đối với 
chủ nghĩa nhân văn là đối tượng của 
những cuộc tranh luận gay gắt. Một số 
tác giả cho rằng, chủ nghĩa Mác và chủ 
nghĩa nhân văn loại trừ lẫn nhau. Luận 
cứ được đưa ra ở đây là, sau khi phê 
phán chủ nghĩa nhân bản của L.Phoiơbắc, 
C.Mác dường như đã hoàn toàn đem đối 
lập mình với truyền thống nhân văn chủ 
nghĩa nhiều thế kỷ của nền văn hoá 
Châu Âu. Số khác lại cho rằng, tinh hoa 
của chủ nghĩa nhân văn của C.Mác thể 
hiện ở các tác phẩm đầu tay và trước hết 
là trong tác phẩm "Bản thảo kinh tế - 
triết học năm 1844" của ông. Theo họ, 
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 
 54
tác phẩm này chịu ảnh hưởng sâu sắc 
của những tư tưởng nhân văn chủ nghĩa 
và sau này, C.Mác đã khước từ tư tưởng 
nhân văn chủ nghĩa khi ông xây dựng 
học thuyết kinh tế, học thuyết đấu tranh 
giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp 
công nhân. Cuối cùng, số thứ ba cho 
rằng dường như "Bản thảo kinh tế - triết 
học năm 1844" không những là tín điều 
của chủ nghĩa nhân văn của C.Mác, mà 
nhìn chung còn là chủ nghĩa Mác chân 
chính và đã bị hoạt động chính trị sau 
này của C.Mác xuyên tạc. 
Những quan niệm như vậy đã hoài 
nghi chủ nghĩa nhân văn của C.Mác, 
cũng như luận chứng cho huyền thoại về 
hai C.Mác. C.Mác thứ nhất là người 
theo chủ nghĩa nhân văn đích thực, còn 
C.Mác thứ hai là nhà kinh tế học và 
chính khách lạnh lùng, tỉnh táo. Đương 
nhiên, với tư cách một nhà tư tưởng, 
C.Mác đã trải qua các giai đoạn hình 
thành và phát triển tư tưởng của mình. 
Cụ thể là, tác phẩm "Bản thảo kinh tế - 
triết học năm 1844" cho chúng ta thấy 
sự phát triển tư tưởng của C.Mác trên 
con đường tới quan niệm duy vật về lịch 
sử. Nhưng điều đó hoàn toàn không có 
nghĩa rằng, dường như C.Mác hậu kỳ đã 
khước từ định hướng tư tưởng và nguồn 
cảm hứng nhân văn chủ nghĩa vốn có ở 
các tác phẩm đầu tay của ông. Ngược 
lại, giữa các tác phẩm đầu tay và tất cả 
mọi tác phẩm sau này của C.Mác đều có 
một tính kế thừa hữu cơ. Sau khi khắc 
phục chủ nghĩa nhân bản siêu hình của 
L.Phoiơbắc, C.Mác đã đi tới luận điểm: 
chủ nghĩa nhân văn đích thực gắn liền 
với việc phát hiện ra các quy luật hiện 
thực của xã hội, làm chủ chúng và tạo ra 
mọi tiền đề vật chất và tinh thần cần 
thiết để cải tạo toàn bộ hệ thống quan hệ 
xã hội, hình thành cá nhân tự do và sáng 
tạo. Quá trình thật sự nhân văn này chỉ 
được thực hiện trong lịch sử khi giai cấp 
vô sản giải phóng mình và qua đó giải 
phóng toàn thể xã hội. 
Học thuyết của C.Mác là thống nhất 
xét về bản chất tư tưởng sâu xa của 
mình. Chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt 
và thâm nhập khắp nơi trong "Bản thảo 
kinh tế - triết học năm 1844" và hoàn 
toàn biểu thị định hướng tư tưởng chủ 
đạo của C.Mác. 
Như chúng ta đã biết, khi phân tích 
tình cảnh của người công nhân làm thuê 
trong xã hội tư sản, C.Mác đã xuất phát 
từ hiện tượng tha hoá, là hiện tượng biến 
người công nhân thành phương tiện phi 
cá tính của sản xuất và thành phi nhân 
văn hoá cá nhân. Theo C.Mác, tha hoá 
là hình thức biểu thị phổ biến về mặt xã 
hội tính không tương dung về lợi ích của 
giữa ông chủ và người công nhân làm 
thuê. Hơn nữa, quan hệ sản xuất tư sản 
không những làm tha hoá công nhân 
khỏi sản phẩm lao động, mà còn biến 
lao động thành cái đáng ghét và không 
có ý nghĩa nhân văn. C.Mác nhận thấy 
chính tha hoá là nguồn gốc và nội dung 
của sự bóc lột cá nhân một cách phản 
nhân văn ở chủ nghĩa tư bản, vì bản chất 
của con người bị tha hoá khỏi con người 
và con người trở thành xung đột với 
hiện thực và với chính bản thân mình. 
Một mặt, lao động thể hiện là phương 
Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác 
 55
tiện sinh tồn và phương thức tự thực 
hiện của cá nhân; nhưng mặt khác, lao 
động không phục tùng người công nhân, 
không phải là nhu cầu, mà là sự trừng 
phạt. Người công nhân vừa hướng tới 
lao động, vừa chạy trốn khỏi lao động 
như một lực lượng xa lạ. 
Theo C.Mác, lao động tha hoá sinh 
ra thế giới các hình thức thù địch với 
con người, trong đó bao gồm các giá trị 
tinh thần giả dối, các nền tảng đạo đức 
hủ lậu. Rốt cuộc, nền sản xuất tư bản 
chủ nghĩa "sản sinh ra con người không 
chỉ với tính cách là hàng hoá, không chỉ 
với tính cách là con người hàng hoá, 
con người với sự quy định của hàng 
hoá; nó sản xuất ra con người theo sự 
quy định ấy, như là một thực thể mất 
tính chất người cả về mặt tinh thần lẫn 
thể xác"(2). Con người bị hạ thấp xuống 
mức sinh tồn thú vật vì mục đích của 
nó là duy trì hoạt động sống của mình 
trong khuôn khổ các nhu cầu thể xác. 
Thế giới các giá trị tinh thần đã đánh 
mất ý nghĩa của mình, và cùng với nó 
là thế giới những người khác cũng 
không còn có ý nghĩa. 
Theo C.Mác, việc khắc phục tha hoá 
chỉ diễn ra ở nơi sở hữu tư nhân bị xoá 
bỏ. Sự giải phóng xã hội khỏi sở hữu tư 
nhân "trở thành hình thức chính trị của 
sự giải phóng công nhân"(3). Đạt tới tự 
do chính trị nhờ thủ tiêu chế độ tư hữu, 
giai cấp vô sản cũng tiến hành "giải 
phóng toàn thể nhân loại", chính điều 
này biểu thị sứ mệnh giải phóng lịch sử 
toàn cầu của nó. Vì vậy, C.Mác coi lý 
tưởng nhân văn về loài người được giải 
phóng là "sự xoá bỏ một cách tích cực 
chế độ tư hữu"(4). Và khi đó sẽ diễn ra 
quá trình con người chiếm hữu một cách 
thực sự bản chất của mình, con người 
"hoàn toàn quay trở lại chính mình với 
tính cách là con người xã hội, nghĩa là 
có tính người"(5). Với nghĩa đó thì việc 
thủ tiêu chế độ tư hữu và chương trình 
xây dựng xã hội công bằng của chủ 
nghĩa nhân văn là đồng nhất với nhau. 
Khi xem chủ nghĩa nhân văn như quá 
trình tự nhận thức của nhân loại, đang 
trải qua lò lửa của những đối kháng giai 
cấp và các cuộc cách mạng xã hội, 
C.Mác nhận thấy một tất yếu khoa học 
là con người quay lại với bản thân mình 
nhờ cải tạo chế độ xã hội. 
Chỉ bằng con đường như vậy thì mới 
có thể xác lập được quan hệ có nhân 
tính đích thực giữa con người và xã hội, 
giữa con người và thế giới bên ngoài. 
Xã hội phát triển hài hoà và sẽ làm cho 
con người trở nên hài hòa hơn. C.Mác 
viết: "Nếu anh muốn ảnh hưởng tới 
những người khác thì anh phải là người 
thực sự kích thích và thúc đẩy những 
người khác. Mối quan hệ của anh đối 
với con người và đối với giới tự nhiên 
phải là một biểu hiện của đời sống cá 
nhân hiện thực của anh, một biểu hiện 
xác định, đáp ứng đối tượng của ý muốn 
của anh”(6). 
Chủ nghĩa nhân văn tích cực trong 
(2) C.Mác, Ph.Ăngghen (2000), Toàn tập, tập 42, 
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 149. 
(3) Sđd, tr. 143. 
(4), (5) Sđd, tr. 167. 
(6) Sđd, tr. 216. 
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 
 56
quan điểm của C.Mác, tức chủ nghĩa 
nhân văn thừa nhận sự vượt bỏ chế độ tư 
hữu, trở thành sự sáng tạo ra của cải xã 
hội và tạo nên nhu cầu quan tâm giữa 
người với người. Sự quan tâm của con 
người đến những người khác càng sâu 
sắc và càng đa dạng bao nhiêu thì con 
người càng phong phú bấy nhiêu. Hơn 
nữa, đây không đơn giản chỉ là sự quan 
tâm chủ quan đến người khác, mà trong 
quan niệm của C.Mác, đó là tổng thể 
những quan hệ xã hội có nhân cách. Do 
vậy, chủ nghĩa nhân văn hiện thực tất 
yếu phải bao hàm nhu cầu phát triển cao 
ở con người về giao tiếp với người khác, 
nhu cầu đóng góp phần mình cho tiến bộ 
xã hội. 
Trong "Bản thảo kinh tế - triết học 
năm 1844", C.Mác không những đã đoạn 
tuyệt với chủ nghĩa nhân bản L.Phoiơbắc, 
mà còn đặt ra nhiệm vụ biến chủ nghĩa 
nhân văn từ lý luận trừu tượng thành các 
luận điểm mang tính cương lĩnh, không 
tách rời công cuộc cải tạo xã hội. Chính 
công cuộc cải tạo này làm bộc lộ các đặc 
điểm có nhân tính, nhân văn của con 
người và của xã hội. 
Chính nguồn cảm hứng nhân văn này 
sẽ thể hiện xuyên suốt trong bộ "Tư 
bản", nhằm chống lại quan hệ xã hội 
biến người lao động thành công cụ phi 
cá tính của sản xuất, làm cho người lao 
động bị tha hoá khỏi quá trình lao động. 
Khi nghiên cứu cơ cấu kinh tế của xã 
hội tư bản chủ nghĩa và vạch ra sứ mệnh 
lịch sử toàn cầu của giai cấp vô sản, 
C.Mác đã không phản bội lại lý tưởng 
chủ nghĩa nhân văn của mình. Trong 
toàn bộ hoạt động sáng tạo của mình, 
C.Mác đã hướng vào việc biến chủ 
nghĩa nhân văn từ lý luận thành thực 
tiễn cải tạo thế giới. Chủ nghĩa nhân văn 
của C.Mác được biểu thị qua luận điểm 
nổi tiếng: "Sự phát triển tự do của mỗi 
người là điều kiện cho sự phát triển tự 
do của mọi người, và ngược lại, sự phát 
triển tự do của mọi người là điều kiện 
cho sự phát triển tự do của mỗi người". 
Kết luận 
C.Mác không những đã kế thừa 
truyền thống nhân văn chủ nghĩa Châu 
Âu cận hiện đại, mà còn phát triển 
truyền thống đó lên một trình độ mới về 
chất. C.Mác là người đầu tiên luận 
chứng một cách khoa học cho con 
đường hiện thực hoá lý tưởng nhân văn 
chủ nghĩa tiến bộ của nhân loại. Tư 
tưởng của C.Mác về xoá bỏ tha hoá, tạo 
điều kiện cho sự phát triển tự do của 
mỗi người và của mọi người nhờ nhân 
văn hoá quan hệ xã hội vẫn giữ nguyên 
giá trị thời sự trong thế giới hiện đại. 
Trong nghiên cứu và giảng dạy triết học 
Mác nói riêng và chủ nghĩa Mác nói 
chung, chúng ta cần phải hướng vào 
chính bản chất nhân văn này. Chính bản 
chất nhân văn đó đã gắn kết mọi vấn đề 
của chủ nghĩa Mác lại thành một chỉnh 
thể, mà hạt nhân là tư tưởng giải phóng 
con người, làm cho con người có điều 
kiện tự do phát triển nhân cách toàn vẹn 
và toàn diện của mình. Điều đó làm cho 
chủ nghĩa Mác có sức sống mạnh mẽ 
trong thời đại ngày nay. 
Chủ nghĩa nhân văn của triết học Mác 
 57

File đính kèm:

  • pdfchu_nghia_nhan_van_cua_triet_hoc_mac.pdf