Giá trị đạo đức của tin lành đối với việc xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích giá trị đạo đức của Tin Lành ở các

phương diện như đức tin hướng đến cái thiện, sự hoàn thiện bản

thân và sống tận tụy vì người khác, lối sống tích cực và năng động

tiến về phía trước, sự tích cực tự nguyện tham gia từ thiện xã hội,

tình yêu thương bản thân và tình yêu thương người khác, lòng nhiệt

tình và trách nhiệm trong lao động, lối sống giản dị và tiết kiệm,

con cái hiếu kính với cha mẹ, hôn nhân chung thủy một vợ một

chồng, v.v. bài viết này đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát

huy giá trị đạo đức của Tin Lành đối với việc xây dựng đạo đức và

lối sống con người Việt Nam hiện nay.

pdf 9 trang phuongnguyen 820
Bạn đang xem tài liệu "Giá trị đạo đức của tin lành đối với việc xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giá trị đạo đức của tin lành đối với việc xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay

Giá trị đạo đức của tin lành đối với việc xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 – 2014 55 
VŨ THỊ THU HÀ(*) 
GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CỦA TIN LÀNH 
 ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG 
 CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY 
Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích giá trị đạo đức của Tin Lành ở các 
phương diện như đức tin hướng đến cái thiện, sự hoàn thiện bản 
thân và sống tận tụy vì người khác, lối sống tích cực và năng động 
tiến về phía trước, sự tích cực tự nguyện tham gia từ thiện xã hội, 
tình yêu thương bản thân và tình yêu thương người khác, lòng nhiệt 
tình và trách nhiệm trong lao động, lối sống giản dị và tiết kiệm, 
con cái hiếu kính với cha mẹ, hôn nhân chung thủy một vợ một 
chồng, v.v... bài viết này đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát 
huy giá trị đạo đức của Tin Lành đối với việc xây dựng đạo đức và 
lối sống con người Việt Nam hiện nay. 
Từ khóa: Giá trị đạo đức, Tin Lành, Kinh Thánh, người Việt Nam. 
Việt Nam là một quốc gia có hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng. 
Tính đến năm 2013, ở nước ta có 13 tôn giáo và 40 tổ chức tôn giáo được 
Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy phép hoạt động. Tôn 
giáo là bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa truyền thống của dân tộc 
Việt Nam, là nơi lưu giữ những giá trị đạo đức nhân văn. Triết lý các tôn 
giáo, tín ngưỡng ảnh hưởng lớn đến tư duy, nhận thức, tư tưởng của dân 
tộc Việt Nam qua bao thế hệ. Không những thế, tôn giáo là một trong 
những nhân tố quan trọng tạo nên hệ giá trị xã hội mà trước hết là giá trị 
đạo đức. 
Khi tìm hiểu mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức, cũng như ảnh 
hưởng của nó đối với cộng đồng dân cư, đa số các nhà nghiên cứu ở Việt 
Nam cho rằng, đạo đức tôn giáo góp phần vào việc ổn định trật tự xã hội, 
duy trì truyền thống đạo lý của dân tộc. Nguyễn Tài Thư nhận định: 
“Thực tế cho thấy, quan niệm đạo đức của hầu hết các tôn giáo, ngoài 
những giá trị đặc thù bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng còn đề cập đến 
*. ThS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 56 
những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại như: sống hiếu thảo với 
cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác Hơn 
nữa, ở các tôn giáo, những quy định, quy phạm, những lời răn dạy, cấm 
đoán ngoài sự chế ước bởi những hình phạt nhất định, còn được chế ước 
bởi một đức tin vô hình giữa hi vọng và sợ hãi. Điều này phần nào giải 
thích được một thực tế rằng, những vùng có đông đồng bào theo tôn giáo 
thì các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, đánh chửi nhau giảm so với 
các vùng khác. Nét đặc thù riêng này của tôn giáo ngăn chặn các hành vi 
xấu xa, góp phần ổn định đời sống xã hội”(1). 
Như nhiều tôn giáo khác, bên cạnh một số mặt hạn chế do bản chất 
của Tin Lành quy định, tôn giáo này có nhiều giá trị đạo đức phù hợp với 
giá trị của thời đại mới cần được phát huy trong công cuộc xây dựng xã 
hội ở Việt Nam hiện nay. 
Quan điểm thần học của Tin Lành thể hiện qua ba điều cơ bản “chỉ có 
Đức Chúa Trời”, “chỉ có Kinh Thánh” và “chỉ có ân điển”(2). Tôn giáo 
này đề cao vị trí quan trọng của Kinh Thánh, coi đó là quy luật đức tin và 
chuẩn mực đạo đức cao nhất; có quyền lực tối cao để xác định những gì 
con người tin cậy và lối sống của họ. Cho nên, người Tin Lành dù theo hệ 
phái nào cũng tin rằng, Kinh Thánh có thẩm quyền cao nhất. 
Nền đạo đức Kinh Thánh tập trung vào mười điều răn được Chúa Trời 
ban cho dân tộc Do Thái nhằm giữ gìn và bảo đảm không gian sinh sống 
an toàn cho con người giữa cộng đồng xã hội. Mặc dù đã đưa ra từ rất lâu, 
nhưng giá trị của những điều răn này được minh chứng qua lịch sử, vẫn 
được áp dụng và có tác dụng tích cực cho đến ngày nay. Về vấn đề này, 
chúng tôi có mấy nhận định sau đây: 
Một là, đạo đức Tin Lành được hình thành trên cơ sở đức tin. Theo 
Tin Lành, đức tin có sức mạnh cực kỳ to lớn biến những hi vọng và ước 
mong của con người thành hiện thực. Đức tin liên quan đến tình cảm, ý 
chí và lý trí của con người, là khởi nguồn làm nên sự thành đạt. Sẽ 
không có người nào trở thành lương thiện, nhân ái, chính trực nếu 
không có đức tin hướng đến cái thiện. Tín đồ Tin Lành tin vào Chúa 
Trời và Kinh Thánh. Họ cho rằng, ân sủng là điều mà mọi tín hữu có thể 
đạt được trực tiếp qua đức tin. Kinh Thánh có câu: “Người công chính 
sống bởi đức tin” (Roma 1: 17). Trong mười điều răn có 4 điều đầu tiên 
gắn với Chúa Trời: 
Vũ Thị Thu Hà. Giá trị đạo đức của Tin Lành 57 
 57 
“1/ Ta là Giê Hô Va Đức Chúa Trời người đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê 
dip-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có thần khác. 
2/ Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào 
giống những vật trên trời cao kia, hoặc dưới đất thấp này, hoặc trong 
nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước những hình tượng đó, cũng đừng 
hầu việc chúng nó. Vì, ta là Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức 
Chúa Trời kị tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến 
ba bốn đời, sẽ làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các 
điều răn ta. 
3/ Ngươi chớ lấy danh Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi làm chơi. Vì, 
Đức Giê Hô Va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi. 
4/ Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày Thánh. Ngươi hãy làm hết 
công việc của mình trong 6 ngày, nhưng ngày thứ 7 là ngày nghỉ của Giê 
Hô Va Đức Chúa Trời ngươi. Trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi 
trai tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà ngươi, 
đều chớ làm công việc chi hết, vì trong sáu ngày Đức Giê Hô Va đã dựng 
nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ 
và làm nên ngày Thánh” (Xuất Edipto 20: 1 - 11). 
Xuất phát từ đức tin, tín đồ Tin Lành tìm thấy ở đó mối ràng buộc về 
tâm linh. Từ đó, họ thực hiện những lời răn dạy của Chúa Trời về đạo 
đức và lối sống hay tham gia vào tổ chức xã hội, từ thiện với tinh thần tự 
nguyện. Lương tâm của mỗi tín đồ Tin Lành ngoan đạo thôi thúc họ tự áp 
dụng những điều răn vào cuộc sống của mình mà không cần chế tài pháp 
luật nào. 
Tín đồ Tin Lành hướng đến Chúa Trời với mục tiêu thay đổi cuộc 
sống. Theo Max Weber, tín đồ Tin Lành sống đạo đức để tìm kiếm sự hài 
hòa, đồng nhất giữa ý nguyện con người trong cuộc sống hiện tại và ý chí 
Thượng Đế cho tương lai. Cuộc sống đạo hạnh của họ mang tính tích cực, 
năng động tiến về phía trước và hướng đến tương lai. Vì thần học luân lý 
của Martin Luther và George Calvin khai triển và nhấn mạnh đến chủ thể 
hành động đạo đức là con người phải được biến đổi tâm linh để xây dựng 
hạnh phúc bền vững(3). Tín đồ Tin Lành tin tưởng và thực hiện lối sống 
công chính theo chuẩn mực của Chúa Trời sẽ hướng đến sự hoàn thiện 
bản thân, sống tận tụy vì người khác, xây đắp tình yêu thương, hướng đến 
một thế giới tốt lành. 
58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 58 
Hai là, đạo đức Tin Lành được hình thành trên cơ sở tình yêu thương. 
Nói cách khác, tình yêu thương là giá trị cốt lõi của Kitô giáo nói chung, 
Tin Lành nói riêng. Chúa Jesus khi tổng kết các điều răn của Chúa Trời 
chỉ gói gọn trong 2 điều: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu 
mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất. Còn điều 
răn thứ hai đây cũng như vậy. Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết 
thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra” (Ma-Thi-ơ 22: 
37 - 40). 
Trong đạo đức Tin Lành, con người trước hết phải yêu Thiên Chúa, 
yêu thương bản thân, từ đó thực hiện tình yêu thương đối với người khác. 
Tình yêu thương trong đạo đức Tin Lành phải được thể hiện bằng những 
việc làm cụ thể. Kinh Thánh có câu “Đức tin không hành động là đức tin 
chết” (Giacôbê 2: 17). 
Có thể thấy, tình yêu thương trong đạo đức Tin Lành phù hợp với 
truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. 
Đặc biệt, hiện nay, con người sống trong áp lực từ nhiều phía. Họ bị cuốn 
vào guồng quay của nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa con người với 
con người bị xói mòn, tình trạng vô cảm xuất hiện ngày càng nhiều. Tình 
yêu thương thực sự là giá trị cần được phát huy và nhân rộng. 
Thứ ba, Tin Lành nhấn mạnh đạo đức, trách nhiệm cá nhân. Tín đồ 
Tin Lành biểu hiện đức tin qua tinh thần phục vụ và thái độ ứng xử với 
nhau trong thực tiễn cuộc sống theo những lời răn trong Kinh Thánh xuất 
phát từ nhận thức đức tin cá nhân. Từ điều răn thứ 5 đến điều răn thứ 10 
là phép tắc điều chỉnh hành vi cá nhân trong quan hệ giữa người với 
người: 
“5/ Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất 
mà Giê Hô Va Đức Chúa trời ngươi ban cho. 
6/ Ngươi chớ giết người 
7/ Ngươi chớ phạm tội tà dâm 
8/ Ngươi chớ trộm cướp 
9/ Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình 
10/ Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người 
hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa hay vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi” (Xuất 
Edipto 20: 12 - 17). 
Vũ Thị Thu Hà. Giá trị đạo đức của Tin Lành 59 
 59 
Đây là những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa định hướng 
nhằm giữ gìn trật tự xã hội truyền thống; cũng là những chuẩn mực đạo 
đức trong xã hội ngày nay. 
Mỗi tín đồ Tin Lành có trách nhiệm xã hội như một sứ mệnh do Chúa 
Trời giao cho. Max Weber tóm tắt quan niệm đạo đức của giáo phái 
Calvin như sau: “Cách duy nhất để có một cuộc sống đẹp lòng Thiên 
Chúa không phải là vượt lên trên nền đạo đức của đời sống trần thế bằng 
lối sống khổ hạnh trong tu viện, mà chính là chu toàn trong thế gian các 
bổn phận tương ứng với chức phận mà cuộc sống dành cho mỗi người 
trong xã hội. Chính vì thế mà các bổn phận trở thành thiên chức của mỗi 
người”(4). Theo Max Weber, đây là một trong những nhân tố góp phần 
tạo nên tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Với tinh thần trách nhiệm cá nhân, 
tín đồ Tin Lành thể hiện sự năng động trong cuộc sống với mục đích đem 
lại lợi ích cho xã hội bằng sự nhiệt tình trong lao động, lối sống thanh 
bạch và tiết kiệm. Những quy tắc ứng xử cá nhân cùng với lòng nhiệt tình, 
trách nhiệm trong lao động và lối sống giản dị, tiết kiệm của tín đồ Tin 
Lành phù hợp với xã hội hiện đại, phù hợp với quan điểm của Đảng và 
Nhà nước Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, cần được 
khuyến khích và phát huy trong giai đoạn hiện nay. 
Thứ tư, Tin Lành đưa ra những chuẩn mực ràng buộc cuộc sống gia 
đình. Theo đó, gia đình là tế bào của xã hội loài người, có vai trò quan 
trọng trong việc định hướng phẩm chất đạo đức của con người. Kinh 
Thánh có nhiều lời răn liên quan đến chuẩn mực đạo đức gia đình như 
mối quan giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, v.v... Chẳng hạn: 
“Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con” 
(Châm ngôn 1: 8). “Hỡi các con hãy nghe lời khuyên dạy của một người 
cha, khá chủ ý vào, hầu cho biết sự thông sáng” (Châm ngôn 4: 1). “Kẻ 
hãm hại cha mình, và xô đuổi mẹ mình là một con trai gây hổ ngươi và 
chiêu sỉ nhục” (Châm ngôn 19: 26). “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình 
sẽ tắt giữa vùng tối tăm mờ mịt” (Châm ngôn 20: 20). “Hãy nghe lời cha 
đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu” (Châm 
ngôn 23: 22). 
Trong mười điều răn của Chúa Trời, điều răn thứ năm dạy người làm 
con phải hiếu kính cha mẹ mình. Kinh Thánh cho biết, những người con 
khôn ngoan là niềm vui cho cha mẹ: “Cha người công bình sẽ có sự vui 
60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 60 
vẻ lớn và người nào sinh con khôn ngoan sẽ khoái lạc nơi nó” (Châm 
ngôn 23: 24). 
Đạo hiếu có vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ gia đình. Thước 
đo văn hóa và nền nếp gia phong thể hiện ở sự hiếu thảo, kính trọng của 
con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Đây là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” 
mà người Việt Nam nào cũng được học khi ngồi trên ghế nhà trường. 
Hôn nhân một vợ một chồng của người Tin Lành có điểm tương đồng 
với hôn nhân của người Việt Nam và phù hợp với chủ trương, chính sách 
của Đảng và Nhà nước Việt Nam. 
Điều răn thứ bảy và thứ mười trong mười điều răn cấm các hành vi 
làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Điều 69, Hiến chương của Hội 
Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) quy định: “Mọi người phải tôn 
trọng hôn nhân, chung thủy một vợ một chồng; Hội Thánh không chấp 
nhận ly hôn, ngoại trừ trường hợp ngoại tình; Lời Chúa lên án những 
hình thức luyến ái như đồng tính, tiền hôn nhân, ngoại hôn nhân, đa thê, 
loạn luân, vô luân; Vợ chồng, cha mẹ, con cái và mọi người trong gia 
đình phải có lòng hiếu thảo, vâng phục, thương yêu, trung tín, thủy 
chung và tôn trọng nhau”. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật 
Việt Nam: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng 
bình đẳng” và “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc 
chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa 
có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có 
chồng, có vợ”(5). 
Sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đã kéo theo 
sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ các tầng lớp trong xã 
hội; sự lệch lạc, buông thả trong lối sống của không ít người, nhất là thế 
hệ trẻ, sự bùng phát của các tệ nạn xã hội, những tình cảm tốt đẹp trong 
mối quan hệ giữa người với người bị xói mòn, mối quan hệ giữa người 
với người trở nên lạnh nhạt, vô cảm. Trong một xã hội như vậy, việc xây 
dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam trở thành một vấn đề có tính 
thời sự. Những giá trị phù hợp với văn hóa truyền thống, phù hợp với giá 
trị của thời đại mới, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà 
nước Việt Nam của tôn giáo nói chung, Tin Lành nói riêng rất cần được 
phát huy nhằm xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay, 
góp phần tạo nên sự ổn định xã hội và phát triển bền vững đất nước. 
Vũ Thị Thu Hà. Giá trị đạo đức của Tin Lành 61 
 61 
Để phát huy được giá trị của Tin Lành nhằm góp phần xây dựng đạo 
đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, cần phải có 
sự nỗ lực từ phía chức sắc và tín đồ Tin Lành, cũng như từ phía Nhà 
nước Việt Nam. 
Về giới chức sắc Tin Lành: thông hiểu không chỉ về thần học, thấm 
nhuần tinh thần đạo đức trong Kinh Thánh, mà còn về văn hóa truyền 
thống dân tộc, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam 
và có lòng yêu nước. Trên cơ sở đó, họ biết phát triển thần học trong bối 
cảnh của văn hóa Việt Nam, phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà 
nước. Thực tế cho thấy, tôn giáo ra đời và phát triển trong những hoàn 
cảnh nhất định, với những cá nhân và tổ chức nhất định. Tôn giáo có vai 
trò tích cực hay tiêu cực, đồng hành theo xu hướng phát triển của xã hội 
hay không phụ thuộc không chỉ vào bản chất tôn giáo ấy, mà còn vào 
nhân cách, phẩm hạnh, mục đích hành đạo của giới chức sắc đại diện cho 
tôn giáo ấy. Họ chính là tấm gương cho tín đồ noi theo, là người hướng 
dẫn lẽ sống cho tín đồ. Hiện nay, đội ngũ chức sắc của Tin Lành chưa 
đáp ứng được nhu cầu phát triển đạo. Trình độ thần học, học vấn của đội 
ngũ này không đồng đều, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Không ít chức sắc Tin Lành có trình độ học vấn lớp 2, lớp 3, có khả 
năng diễn đạt lưu loát, học qua vài khóa thần học là có thể quay về truyền 
đạo, hướng dẫn một điểm nhóm sinh hoạt. 
Về phía tín đồ Tin Lành: cần được thấm nhuần tinh thần đạo đức trong 
Kinh Thánh, được trang bị kiến thức văn hóa, xã hội, đặc biệt là kiến thức 
về pháp luật để thực hiện sống đạo trên cơ sở tôn trọng pháp luật, thực sự 
“Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”. 
Hiện nay, việc thực hành đức tin trong tín đồ Tin Lành là vấn đề cần 
được quan tâm. Trong quá trình khảo sát thực địa tại Tây Nguyên năm 
2013, chúng tôi gặp không ít tín đồ Tin Lành dân tộc thiểu số, nhất là giới 
trẻ, theo đạo nhưng không hiểu nhiều về Kinh Thánh. Ngày Chủ nhật, 
nếu có người rủ đi săn thú hay đi uống rượu, họ đi ngay, thậm chí có 
trường hợp không biết trưởng điểm nhóm của mình. 
Về phía chính quyền các cấp: cần tạo môi trường thích hợp để tín đồ 
Tin Lành sinh hoạt tôn giáo thuần túy; phát huy được giá trị của Tin Lành; 
biểu dương và nhân rộng những trường hợp cá nhân hoặc cộng đồng Tin 
Lành điển hình phát huy giá trị của tôn giáo này. Thực tế cho thấy, Tin 
Lành có tạo được ảnh hưởng tích cực trong xã hội hay không phụ thuộc 
62 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 62 
nhiều vào thái độ chính trị tại quốc gia đó như trường hợp Tin Lành tại 
Hàn Quốc và Trung Quốc. 
Ý thức được việc cần phát huy những giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong 
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung và sự nghiệp xây dựng 
đạo đức, con người Việt Nam nói riêng, ngay từ năm 1990, trong Nghị 
quyết 24/NQ, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những nhận thức mới 
mang tính bước ngoặt về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó nêu rõ, 
đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với quá trình xây dựng chủ 
nghĩa xã hội ở nước ta. Nhiều văn bản của Đảng sau đó như Nghị quyết 
Hội nghị Trung ương lần thứ V, Chỉ thị 37 năm 1998, Nghị quyết số 25 
Hội nghị Trung ương lần thứ VII (khóa IX) năm 2005, đã bổ sung và 
phát triển thêm luận điểm này, trong đó nhấn mạnh đến việc phát huy và 
khuyến khích những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín 
ngưỡng. 
Những quan điểm mới về tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng được cụ thể 
hóa trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo của Ủy ban Thường vụ Quốc 
hội năm 2004. Điều 5 của pháp lệnh này ghi rõ: “Nhà nước bảo đảm 
quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp 
luật; tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo; giữ gìn và phát huy 
những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và 
tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần 
củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của 
nhân dân”. 
Gần đây nhất, nội dung văn kiện Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt 
Nam nhấn mạnh thêm: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín 
ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá 
trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. 
Mặc dù các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước 
đã chỉ rõ cần phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, nhưng 
trên thực tế, vấn đề này chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Do 
vậy, chính quyền các cấp cần có những biện pháp cụ thể, phù hợp với 
từng địa phương để phát huy một cách có hiệu quả những giá trị tôn giáo 
nói chung và Tin Lành nói riêng./. 
Vũ Thị Thu Hà. Giá trị đạo đức của Tin Lành 63 
 63 
CHÚ THÍCH 
1. Nguyễn Tài Thư chủ biên (1997), Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo 
đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 104. 
2. Jean Baubérot (2006), Lịch sử đạo Tin Lành, Nxb. Thế giới, Hà Nội: 9 - 22. 
3. Max Weber (2008), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, 
Nxb. Tri thức, Hà Nội. 
4. Max Weber (2008), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, 
sách đã dẫn: 142. 
5. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (2001), Điều 2, Điều 4. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Jean Baubérot (2006), Lịch sử đạo Tin Lành, Nxb. Thế giới, Hà Nội. 
2. Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
3. Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam (2001). 
4. Nguyễn Tài Thư chủ biên (1997), Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo 
đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
5. Trương Như Vương (2005), Tìm hiểu tư tưởng đạo đức trong Kinh Thánh, Nxb. 
Tôn giáo, Hà Nội. 
6. Max Weber (2008), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, 
Nxb. Tri thức, Hà Nội. 
Abstract 
THE ETHICAL VALUES OF PROTESTANTISM TO 
BULIDING MORALITY AND LIFESTYLE OF THE 
VIETNAMESE PEOEPLE AT PRESENT 
Basing on analyzing the ethnical values of Protestantism in following 
aspects: faith toward the good; constantly perfecting personality; 
devotion; taking part in charitable organizations; simple and economical 
life; respect for parents; faithful marriage this article puts forward 
some proposals to promote the ethnical values of Protestantism to 
building Vietnamese morality and lifestyle at present. 
Key words: Ethnical values, Protestantism, Bible, Vietnamese. 

File đính kèm:

  • pdfgia_tri_dao_duc_cua_tin_lanh_doi_voi_viec_xay_dung_dao_duc_l.pdf