Ận thức về “văn hóa du lịch” và “du lịch văn hóa”

TÓM TẮT: Du lịch là một ngành công nghiệp đặc biệt, được ví von là ngành “công

nghiệp không khói”, “con gà đẻ trứng vàng”. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành

du lịch trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, Nhà nước ta đã đề ra chiến lược để phát triển du

lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Việc hiểu rõ các thuật ngữ chuyên ngành du lịch

để làm việc hiệu quả là một nhu cầu thiết thực đối với các nhà quản lý du lịch, những

người công tác trong ngành du lịch. Lâu nay, nhiều người công tác trong ngành du lịch

còn có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ văn hóa du lịch và du lịch văn hóa, nhưng thực ra

chúng khác nhau về nội hàm của khái niệm. Nhận diện và phân biệt rõ hai thuật ngữ này

là một nhu cầu cần thiết trong phát triển du lịch, đặc biệt là vấn đề văn hóa du lịch đang

đặt ra đối với ngành du lịch Việt Nam. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi bàn về thuật

ngữ văn hóa du lịch và du lịch văn hóa cũng như đề cập đến hệ giá trị của văn hóa du lịch

được tích lũy và sáng tạo trong hoạt động du lịch.

Từ khóa: văn hóa du lịch, du lịch văn hóa, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của văn hóa du

lịch

pdf 7 trang phuongnguyen 3740
Bạn đang xem tài liệu "Ận thức về “văn hóa du lịch” và “du lịch văn hóa”", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Ận thức về “văn hóa du lịch” và “du lịch văn hóa”

Ận thức về “văn hóa du lịch” và “du lịch văn hóa”
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk 
121 
NHẬN THỨC VỀ “VĂN HÓA DU LỊCH” 
VÀ “DU LỊCH VĂN HÓA” 
AWARENESS ON “TOURISM CULTURE” 
AND “CULTURAL TOURISM” 
PHAN HUY XU
 và VÕ VĂN THÀNH 
 PGS.TS. Trường Đại học Văn Lang, Email: xuphanhuy@gmail.com 
 ThS. Trường Đại học Văn Lang, Email: vonhanchi@gmail.com 
TÓM TẮT: Du lịch là một ngành công nghiệp đặc biệt, được ví von là ngành “công 
nghiệp không khói”, “con gà đẻ trứng vàng”. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành 
du lịch trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, Nhà nước ta đã đề ra chiến lược để phát triển du 
lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Việc hiểu rõ các thuật ngữ chuyên ngành du lịch 
để làm việc hiệu quả là một nhu cầu thiết thực đối với các nhà quản lý du lịch, những 
người công tác trong ngành du lịch. Lâu nay, nhiều người công tác trong ngành du lịch 
còn có sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ văn hóa du lịch và du lịch văn hóa, nhưng thực ra 
chúng khác nhau về nội hàm của khái niệm. Nhận diện và phân biệt rõ hai thuật ngữ này 
là một nhu cầu cần thiết trong phát triển du lịch, đặc biệt là vấn đề văn hóa du lịch đang 
đặt ra đối với ngành du lịch Việt Nam. Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi bàn về thuật 
ngữ văn hóa du lịch và du lịch văn hóa cũng như đề cập đến hệ giá trị của văn hóa du lịch 
được tích lũy và sáng tạo trong hoạt động du lịch. 
Từ khóa: văn hóa du lịch, du lịch văn hóa, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của văn hóa du 
lịch. 
ABSTRACT: Tourism is a special industry, the industry is similar as “the smokeless 
industry”, “the chicken laying golden egg”. Recognizing the importance of the tourism 
industry, Vietnam have set out a strategy to develop tourism industry into a spearhead 
economic sector. Understanding the terms of tourism industry in other to work effectively 
as a practical demand for tourism managers or for whom work in the tourism industry. 
However, such a long time, many people who are working in the tourism industry have 
been confused the two terms of Tourism culture. We thought they are synonymous, but in 
fact they are quite different in connotation of the concept. Identifying and distinguishing 
two these terms are a necessity in other to develop tourism, especially tourism culture is a 
matter of Vietnam tourism industry. In this paper, we try to clarify the function of the two 
terms Tourism culture and Cultural tourism as well as the value system of tourism culture 
which is accumulated and created by who involve in tourism activities. 
Key words: tourism culture, culture tourism, value system of culture, value system of 
tourism culture. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 01 / 2017 
122 
1. VĂN HÓA DU LỊCH LÀ GÌ 
Văn hóa du lịch được một số nhà nghiên 
cứu trong các ngành văn hóa, du lịch đề cập, 
thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một 
công trình nghiên cứu mang tính chất lý luận 
nền tảng về văn hóa du lịch. Và với tư cách là 
một bộ môn khoa học, văn hóa du lịch chưa 
được giảng dạy rộng rãi tại các trường đại 
học, cao đẳng và trung cấp có đào tạo về du 
lịch. Vấn đề xác định đối tượng nghiên cứu, 
nội dung cần nghiên cứu của Bộ môn Văn 
hóa du lịch vẫn chưa có sự thống nhất giữa 
các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong 
ngành du lịch. 
Thiên về cách tiếp cận ứng xử và kết 
hợp với cách tiếp cận giá trị (triển khai 
trong công trình nghiên cứu Bàn về văn hóa 
du lịch Việt Nam) sẽ phù hợp hơn đối với 
vấn đề văn hóa du lịch. Chúng tôi đưa ra 
khái niệm văn hóa du lịch như sau: Văn 
hóa du lịch là một hệ thống các giá trị được 
du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, 
cộng đồng dân cư và nhà nước tích lũy, 
sáng tạo qua biểu hiện tương tác giữa các 
thành tố trên trong hoạt động du lịch và với 
tài nguyên du lịch. 
Khái niệm văn hóa du lịch nêu trên bao 
gồm 5 thành tố có mối quan hệ biện chứng 
với nhau mà nếu thiếu bất kỳ một thành tố 
nào trong hệ thống đó sẽ dẫn đến việc hiểu 
chưa chính xác về văn hóa du lịch. Năm 
thành tố của văn hóa du lịch đó là Tài 
nguyên du lịch (còn gọi là khách thể trong 
hoạt động du lịch, gọi tắt là khách thể du 
lịch); du khách (chủ thể của hoạt động du 
lịch, gọi tắt là chủ thể du lịch); các tổ chức 
và cá nhân kinh doanh du lịch có liên quan 
đến việc điều hành, phối hợp và tạo ra các 
sản phẩm du lịch cụ thể (gọi tắt là nhà cung 
ứng dịch vụ du lịch); cộng đồng dân cư với 
tư cách là chủ thể văn hóa tại chỗ và Nhà 
nước với vai trò quản lý và giám sát mọi 
hoạt động du lịch. Ba nhóm đối tượng đầu 
của văn hóa du lịch nghiên cứu văn hóa 
ứng xử của các nhóm đối tượng (du khách, 
nhà cung ứng dịch vụ du lịch và cộng đồng 
địa phương) => Nghiên cứu nhận thức, thái 
độ và hành vi rất cụ thể (cái vi mô). Trong 
khi đó, Nhà nước đưa ra các chính sách, 
chủ trương nhằm định hướng và điều chỉnh 
hành vi văn hóa (văn hóa ứng xử) trong du 
lịch sao cho phù hợp với đạo đức của xã 
hội, luật pháp và hội nhập quốc tế (cái vĩ 
mô). Tuy nhiên, trong mối tương quan giữa 
cái vi mô và cái vĩ mô, chính cái vĩ mô sẽ 
tác động nhiều đến cái vi mô và ngược lại. 
Cụ thể trong trường hợp nghiên cứu văn 
hóa ứng xử trong du lịch: nội dung nghiên 
cứu văn hóa du lịch là việc kỳ vọng xây 
dựng nên giá trị cốt lõi về du lịch của quốc 
gia, địa phương và điểm đến nhằm phát 
triển du lịch một cách bền vững (hướng đến 
việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển). 
Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ 
trương, chính sách và định hướng quản lý 
phát triển du lịch của Nhà nước. Thậm chí, 
một số chủ trương và chính sách của Nhà 
nước trở thành những căn cứ để xây dựng 
bộ quy tắc ứng xử trong phát triển du lịch. 
Như thế, rõ ràng hệ giá trị (Value System) 
của quản lý Nhà nước trong phát triển du 
lịch gặp gỡ hệ giá trị văn hóa du lịch. Qua 
đó có thể nhận thấy văn hóa du lịch hướng 
đến nghiên cứu những cái cụ thể (cái vi 
mô) trên cơ sở tham chiếu các quy định 
chuẩn mang tầm vĩ mô. 
Có thể sơ đồ hóa các thành tố của văn 
hóa du lịch như sau: 
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk 
123 
Sơ đồ. Các thành tố cấu thành văn hóa 
du lịch 
Như vậy, thực chất của văn hóa du lịch 
là mối quan hệ ứng xử giữa các thành tố: 
tài nguyên du lịch, du khách, nhà cung ứng 
dịch vụ du lịch, cộng đồng địa phương và 
nhà nước nhằm tạo ra một hệ thống giá trị, 
từ đó nó thỏa mãn các đối tượng tham gia 
vào hoạt động du lịch. Trong bài viết này, 
chúng tôi không có điều kiện bàn chi tiết 
đến mối quan hệ giữa các thành tố cấu 
thành nên văn hóa du lịch [1, tr.46-59]. Chỉ 
xin nói thêm về giá trị văn hóa và giá trị 
văn hóa du lịch là gì. 
Nói tới văn hóa là nói tới thành quả mà 
một dân tộc, một cộng đồng người hay 
thậm chí một con người đã đạt được trong 
quan hệ với thiên nhiên, với xã hội và sự 
phát triển của chính bản thân mình. Văn 
hóa còn là thái độ, trách nhiệm và những 
quy tắc ứng xử của mỗi người trong quan 
hệ giữa bản thân mình với những người 
xung quanh, gia đình bè bạn, xã hội, môi 
trường và giao lưu quốc tế... Giá trị văn hóa 
của một con người hay của một dân tộc là 
những giá trị không phải có được trong một 
sớm một chiều, song nó cũng không phải là 
hoàn toàn bất biến. Nó luôn phát triển cùng 
với sự phát triển của kinh tế, cách thức tổ 
chức xã hội và sự phát triển trong nội tại 
của mỗi con người cả về vật chất lẫn tinh 
thần [9, tr.37]. Giá trị của văn hóa du lịch là 
một tiểu hệ thống của giá trị văn hóa do các 
đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch 
tích lũy và sáng tạo trong quá trình hoạt 
động du lịch. Do đó, nói đến giá trị của văn 
hóa du lịch là muốn nói đến giá trị mà các 
đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch 
tạo ra, đó là: sự tương tác giữa du khách 
với tài nguyên du lịch, tổ chức cung ứng du 
lịch và cộng đồng dân cư; ứng xử giữa 
cộng đồng dân cư với tài nguyên du lịch, 
du khách và nhà cung ứng dịch vụ du lịch; 
ứng xử giữa nhà cung ứng dịch vụ du lịch 
với du khách với vai trò là khách hàng, 
giữa nhà cung ứng dịch vụ du lịch với việc 
khai thác tài nguyên du lịch và mối liên kết 
với cộng đồng dân cư để tạo ra sản phẩm 
du lịch hấp dẫn, độc đáo và đặc thù. Hơn 
thế nữa, sự tương tác giữa các nhóm đối 
tượng trên là đa chiều nhằm nhận thức, bảo 
tồn, làm giàu, khai thác và thụ hưởng các 
giá trị tài nguyên du lịch. Du khách đạt 
được mục đích của chuyến đi là thụ hưởng 
các giá trị tài nguyên du lịch tại các điểm 
đến. Nhà cung ứng dịch vụ du lịch đạt được 
mục đích là bán được sản phẩm có chất 
lượng cao, thu lợi nhuận chính đáng và góp 
phần tôn tạo tài nguyên du lịch và chia sẻ 
lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội với cộng 
đồng địa phương. Cộng đồng địa phương 
thu được lợi ích kinh tế được trả bằng tiền 
hoặc hiện vật trực tiếp từ du khách hoặc 
thông qua nhà cung ứng dịch vụ du lịch và 
hơn thế nữa, họ còn giao lưu, tiếp biến văn 
hóa với du khách, góp phần bảo tồn, làm 
giàu và phát huy các giá trị của thiên nhiên 
và văn hóa nơi cộng đồng của họ đang sinh 
sống. Đối với tài nguyên du lịch, nó được 
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 01 / 2017 
124 
các nhóm đối tượng tham gia vào hoạt 
động du lịch bảo tồn, tôn tạo để phát huy 
giá trị lâu dài. Nhà nước có chức năng điều 
hòa mối quan hệ giữa các nhóm đối tượng 
có liên quan trong hoạt động du lịch nhằm 
quảng bá giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên 
và nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường 
quốc tế. Chúng tôi cho rằng, đó là hệ giá trị 
của văn hóa du lịch. 
2. DU LỊCH VĂN HÓA LÀ GÌ 
Để có cái nhìn rộng hơn về du lịch văn 
hóa là gì, chúng tôi nêu lên một số ý kiến 
của các chuyên gia và các tổ chức trong 
lĩnh vực du lịch. 
Theo nhóm tác giả Trần Thúy Anh 
trong giáo trình Văn hóa du lịch – Những 
vấn đề lý luận và ứng dụng: “du lịch văn 
hóa là một loại hình chủ yếu hướng vào 
việc quy hoạch, lập trình, thiết kế các tour 
lữ hành tham quan các công trình văn hóa 
cổ kim” [9, tr.22]. 
“Du lịch văn hóa là du lịch dựa trên 
các chương trình, sản phẩm du lịch chủ yếu 
khai thác các giá trị, các loại hình văn hóa 
như di tích, lễ hội, nghệ thuật, tín ngưỡng, 
tôn giáo, ẩm thực nhằm tạo điều kiện cho 
du khách tìm hiểu, khám phá về các nền 
văn minh, văn hóa dân tộc, địa phương 
vùng, miền... hệ thống giá trị lịch sử - văn 
hóa của các địa danh như đã nêu ở trên rõ 
ràng là cơ sở nền tảng vững chắc để có thể 
“thiết kế” thành những “điểm đến” hấp dẫn 
với những chương trình sản phẩm dịch vụ 
du lịch mang hàm lượng văn hóa cao” [4, 
tr. 290]. 
Theo Dương Hồng Hạnh: “du lịch văn 
hóa bao gồm hoạt động của những người 
với động cơ chủ yếu là nghiên cứu, khám 
phá về văn hóa như các chương trình 
nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật biểu 
diễn, về các lễ hội và các sự kiện văn hóa 
khác nhau, thăm các di tích và đền đài, du 
lịch nghiên cứu thiên nhiên, văn hóa hoặc 
nghệ thuật dân gian và hành hương” [2, 
tr.165]. 
Như vậy, du lịch văn hóa là loại hình 
du lịch mà khách muốn tìm hiểu và thẩm 
nhận về văn hóa, lịch sử dân tộc của nước 
sở tại thông qua di sản văn hóa, di tích lịch 
sử văn hóa, lễ hội truyền thống, làng nghề, 
những phong tục tập quán, cách tổ chức 
cộng đồng, lối sống của một dân tộc v.v... 
du lịch văn hóa về cơ bản mà nói, nó sử 
dụng nguồn tài nguyên du lịch văn hóa để 
làm nền tảng xây dựng nên sản phẩm du 
lịch. Về tài nguyên du lịch văn hóa, Luật du 
lịch Việt Nam [5] gọi là tài nguyên du lịch 
nhân văn bao gồm “Truyền thống văn hóa, 
các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di 
tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, 
các công trình lao động sáng tạo của con 
người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật 
thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục 
đích du lịch” [5, tr. 17]. Trong loại hình du 
lịch văn hóa có thể được chia nhỏ thành 
nhiều loại du lịch khác như: du lịch di tích 
lịch sử, du lịch phố cổ, du lịch lễ hội, du 
lịch di sản văn hóa... Ngoài ra, chúng ta còn 
có du lịch văn hóa đại trà cho nhiều đối 
tượng và du lịch văn hóa chuyên sâu cho 
một vài loại khách đặc biệt muốn tìm hiểu 
sâu về văn hóa. Cũng theo Luật du lịch Việt 
Nam [5]: “du lịch văn hóa là hình thức du 
lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự 
tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và 
phát huy các giá trị truyền thống” [5, tr. 
11]. Dương Văn Sáu cho rằng: “du lịch văn 
hóa là loại hình du lịch khai thác giá trị của 
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk 
125 
các thành tố trong kho tàng di sản văn hóa 
Việt Nam nhằm đáp ứng và thỏa mãn các 
nhu cầu của du khách mà vẫn bảo tồn và 
phát huy giá trị của văn hóa dân tộc” [3]. 
Theo Tổ chức du lịch Thế giới 
(UNWTO): “du lịch văn hóa bao gồm hoạt 
động của những người với động cơ chủ yếu 
là nghiên cứu, khám phá về văn hóa như 
các chương trình nghiên cứu, tìm hiểu về 
nghệ thuật biểu diễn, về các lễ hội và các 
sự kiện văn hóa khác nhau, thăm các di tích 
và đền đài, du lịch nghiên cứu thiên nhiên, 
văn hóa hoặc nghệ thuật dân gian và hành 
hương”. Hội đồng Quốc tế các di chỉ và di 
tích (ICOMOS) thì lại cho rằng: “du lịch 
văn hóa là loại hình du lịch mà mục tiêu là 
khám phá những di tích và di chỉ. Nó mang 
lại những ảnh hưởng tích cực bằng việc 
đóng góp vào việc di tu, bảo tồn. Loại hình 
này trên thực tế đã minh chứng cho những 
nổ lực bảo tồn và tôn tạo, đáp ứng nhu cầu 
của cộng đồng vì những lợi ích văn hóa - 
kinh tế - xã hội” [10, tr.7]. 
Như vậy, du lịch văn hóa trước hết là 
một loại hình du lịch (như đã đề cập) cũng 
như nhiều loại hình du lịch khác. Du lịch 
văn hóa lấy chỗ dựa cơ bản là tài nguyên 
du lịch văn hóa, đó là bản sắc văn hóa dân 
tộc, nhưng nói rộng ra là dựa vào văn hóa 
mà văn hóa là tất cả những gì con người 
sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình sống 
của mình [7],[8]. Nói đến du lịch văn hóa, 
chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc thẩm 
nhận, thụ hưởng các giá trị văn hóa tại chỗ 
của du khách tại các điểm đến mang đậm 
chất văn hóa do con người sáng tạo và tích 
lũy trong suốt quá trình lịch sử của họ. 
Du lịch văn hóa tận dụng tất cả các giá 
trị văn hóa vật thể và phi vật thể có sức hấp 
dẫn du khách và trở thành một bộ phận của 
tài nguyên du lịch. Du lịch văn hóa còn là 
phương thức để đánh thức giá trị văn hóa 
tiềm năng của một dân tộc. Thông qua du 
lịch, các giá trị văn hóa phát lộ và đem lại 
lợi ích thiết thực cho quốc gia và dân tộc. 
Nhờ có du lịch nói chung và du lịch văn 
hóa nói riêng mà nhiều quốc gia và dân tộc 
trên thế giới đã tiến hành trùng tu, tôn tạo 
các di tích lịch sử văn hóa vật chất và phục 
nguyên các giá trị văn hóa tinh thần (văn 
hóa phi vật thể) vốn lâu nay bị lãng quên 
hay chìm đắm trong nhiều sự kiện khác của 
quốc gia và dân tộc. Nhờ có du lịch văn 
hóa mà các di sản văn hóa được bảo vệ, 
trùng tu, tôn tạo đồng thời với việc xây 
dựng mới các công trình văn hóa đương 
đại, làm phong phú thêm giá trị văn hóa, 
văn minh đương đại của quốc gia và dân 
tộc. 
Từ những lập luận trên chúng ta muốn 
khẳng định lại rằng, du lịch văn hóa là một 
loại hình du lịch trong nhiều loại hình du 
lịch khác có thể kể ra đây như du lịch sinh 
thái, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, 
du lịch khám phá, du lịch MICE v.v. Nó là 
một sản phẩm cụ thể của quá trình kết hợp 
tài nguyên du lịch văn hóa và các dịch vụ 
cần thiết như cơ sở hạ tầng, phương tiện 
vận chuyển, quảng bá sản phẩm v.v... 
3. KẾT LUẬN 
Từ ngày đổi mới cho đến nay, du lịch 
nước ta đang từng bước phát triển đáng 
khích lệ. Về doanh thu, lượng khách, nhiều 
người nước ngoài biết đến Việt Nam là một 
đất nước có nhiều danh lam thắng cảnh, có 
nền văn hóa lâu đời, con người hiếu khách 
và thân thiện, giúp nâng cao vị thế nước ta 
trên trường quốc tế. Tiềm năng du lịch lớn, 
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Số 01 / 2017 
126 
nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa 
mang tầm cỡ thế giới, dân tộc Việt Nam 
thân thiện, mến khách nhưng ngành du lịch 
nước ta phát triển chưa tương xứng với 
tiềm năng và cho đến nay du lịch Việt Nam 
chưa thực sự trở thành một ngành kinh tế 
mũi nhọn như được kỳ vọng. Hơn nữa, so 
với các nước trong khu vực, du lịch Việt 
Nam có số lượng khách tăng chậm, doanh 
thu chưa cao, du khách nước ngoài ít trở lại 
Việt Nam. 
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một 
nguyên nhân chủ yếu là văn hóa ứng xử 
trong du lịch còn nhiều bất cập. Phó Thủ 
tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến 6 điều 
đáng sợ với du khách khi đến Việt Nam, 
đó là tình trạng “làm giá, chặt chém”, giao 
thông Việt Nam không an toàn, tình trạng 
ăn xin, ăn cắp vặt, vệ sinh an toàn thực 
phẩm kém, vệ sinh môi trường bẩn. Suy 
đến cùng, đó là văn hóa du lịch của chúng 
ta còn nhiều vấn đề bất cập đã ảnh hưởng 
đến sự phát triển du lịch Việt Nam trong 
thời kỳ hội nhập quốc tế. Do đó, công việc 
cần thiết và cấp bách hiện nay là nhận thức 
đúng đắn về tầm quan trọng của văn hóa du 
lịch, cũng như hệ giá trị của nó như một lý 
luận nền tảng cho sự phát triển du lịch Việt 
Nam và triển khai nó trong thực tế phát 
triển. 
Hơn nữa, ngày nay du lịch không chỉ 
còn “ngắm cảnh” hoặc “viếng thăm” mà du 
khách đến Việt Nam cần tìm hiểu sâu và 
thụ hưởng những giá trị văn hóa đặc sắc 
của dân tộc Việt Nam và đó là vấn đề của 
du lịch văn hóa. Du lịch Việt Nam trước 
đây nặng về khai thác tài nguyên du lịch 
sẵn có hay thậm chí còn có tình trạng lẫn 
lộn giữa tài nguyên du lịch và sản phẩm du 
lịch. Với tình hình hội nhập quốc tế hiện 
nay, du lịch Việt Nam cần phải có sự “lột 
xác” căn bản, phải có bước “đột phá” về 
chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và 
dịch vụ du lịch, đậm tính văn hóa. Suy cho 
cùng, mọi mục đích của du lịch đều hàm 
chứa yếu tố văn hóa, nếu không muốn nói 
là rất văn hóa vì: mục đích trí tuệ (hiểu 
biết), mục đích tinh thần (vui vẻ, sảng 
khoái, tận hưởng), mục đích tình cảm, mục 
đích nhân bản (yêu con người, yêu thiên 
nhiên, yêu hòa bình, đoàn kết hữu nghị các 
dân tộc...), mục đích vì sức khỏe... Ứng xử 
là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa 
dân tộc. Bất cứ dân tộc nào cũng có hiện 
tượng tiếp nhận nhiều yếu tố văn hóa ngoại 
sinh nhưng vẫn có bản sắc riêng phong 
phú. Nhờ bản sắc đó mà hình thành sự khác 
biệt giữa văn hóa dân tộc này và văn hóa 
dân tộc khác [9]. 
Chúng tôi bàn về văn hóa du lịch và du 
lịch văn hóa như đã trình bày trên với 
mong muốn được các nhà nghiên cứu bàn 
bạc, mổ xẻ thêm để có một nhận thức 
(Epistemology) hợp lý nhất về chúng cũng 
như giải quyết tốt mối quan hệ giữa khách 
thể du lịch, du khách, nhà cung ứng dịch vụ 
du lịch, cộng đồng dân cư và nhà nước. 
Mục tiêu sau cùng của việc nhận thức về lý 
luận là áp dụng chúng vào thực tiễn để tạo 
ra một hệ giá trị của văn hóa du lịch nhằm 
nâng cao sức cạnh tranh cùng thắng cảnh 
của du lịch Việt Nam với các nước trong 
khu vực ASEAN cũng như trên phạm vi 
quốc tế rộng lớn hơn, thúc đẩy du lịch nước 
ta phát triển ở một tầm cao mới. Một vấn 
đề nữa tuy không liên quan đến vấn đề 
đang bàn bạc cụ thể ở đây nhưng chúng tôi 
cũng muốn phát biểu, đó là, hiện nay, nhiều 
TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC VĂN LANG Phan Huy Xu và tgk 
127 
cơ sở đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng về 
du lịch vẫn chưa đưa bộ môn văn hóa du 
lịch vào giảng dạy và thực hành nhằm nâng 
cao hiệu quả của hoạt động du lịch. Chúng 
tôi mong muốn bộ môn Văn hóa du lịch 
sớm được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở 
đào tạo về du lịch. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Bàn về khái niệm văn hóa du lịch, Tạp chí Văn hóa & Nguồn lực, số 5/2016 và công 
trình mới nhất Bàn về văn hóa du lịch Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí 
Minh. 
2. Dương Hồng Hạnh (2015), Du lịch văn hóa Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa, in 
trong Toàn cầu hóa du lịch và Địa phương hóa du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Thành 
phố Hồ Chí Minh. 
3. Dương Văn Sáu, Văn hóa du lịch: Sản phẩm của Văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội 
nhập, toàn cầu hóa hiện nay, đăng trên website: dulichsaigonact.vn và website: Văn 
hóa học. 
4. Huỳnh Quốc Thắng (2015), Địa danh với toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch, in 
trong Toàn cầu hóa du lịch và Địa phương hóa du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Thành 
phố Hồ Chí Minh. 
5. Luật du lịch Việt Nam (2005) và văn bản hướng dẫn thi hành (2013), Nxb. Chính trị 
Quốc gia. 
6. Phan Huy Xu & Võ Văn Thành 2016a: “Bàn về khái niệm văn hóa du lịch”, tạp chí Văn 
hóa & Nguồn lực, số 5/2016. 
7. Trần Ngọc Thêm 2004: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố 
Hồ Chí Minh. 
8. Trần Ngọc Thêm 2013: Những vấn đề về Văn hóa học – Lý luận và ứng dụng, NXb. Văn 
hóa - Văn nghệ. 
9. Trần Thúy Anh (cb) 2010: Ứng xử văn hóa trong du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà 
Nội. 
10. Trần Thúy Anh (Chủ biên, 2014). Giáo trình du lịch văn hóa – Những vấn đề lý luận 
và nghiệp vụ, Nxb. Giáo dục Việt Nam. 
11. Trần Thúy Anh, Ứng xử văn hóa trong du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội. 
Ngày nhận bài: 07-11-2016. Ngày biên tập xong: 27-11-2016. Duyệt đăng: 15/12/2016 

File đính kèm:

  • pdfan_thuc_ve_van_hoa_du_lich_va_du_lich_van_hoa.pdf