Về khái niệm giáo phận công giáo

Tóm tắt: Giáo phận là một cấp hành chính đạo của Giáo hội Công giáo, có vị trí và vai trò đặc biệt đoi với tôn giáo này. Dựa trên cơ sở “Bộ Giáo luật 1983”, một sổ văn kiện của Công đồng Vatican II và nhận thức thực tiễn ở Việt Nam của tác giả, bài viết này bàn thêm về khái niệm giáo phận Công giáo.

Từ khóa: Công giáo, giáo phận, Giáo hội riêng rẽ, Giáo hội địa phương.

 

doc 5 trang phuongnguyen 1840
Bạn đang xem tài liệu "Về khái niệm giáo phận công giáo", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Về khái niệm giáo phận công giáo

Về khái niệm giáo phận công giáo
TRẦN THANH HÙNG(*)
Tôn giáo
Số 12 (126), 2013,115-119
VỀ KHÁI NIỆM GIÁO PHẬN CÔNG GIÁO
Tóm tắt: Giáo phận là một cấp hành chính đạo của Giáo hội Công giáo, có vị trí và vai trò đặc biệt đoi với tôn giáo này. Dựa trên cơ sở “Bộ Giáo luật 1983”, một sổ văn kiện của Công đồng Vatican II và nhận thức thực tiễn ở Việt Nam của tác giả, bài viết này bàn thêm về khái niệm giáo phận Công giáo.
Từ khóa: Công giáo, giáo phận, Giáo hội riêng rẽ, Giáo hội địa phương.
Dẩn nhập
Công giáo là một tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn cầu, gồm ba cấp hành chính đạo: Giáo triều Roma (Roma Curia), giáo phận (địa phận) và giáo xứ. Trong đó, giáo phận là một cấp tương đối độc lập trên cả ba mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Giám mục giáo phận là người có toàn quyền quyết định về tổ chức và hoạt động trong giáo phận, miễn là không trái với giáo luật. Vì vậy, nghiên cứu giáo phận Công giáo là một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu tôn giáo.
Giáo phận trong cơ cấu tổ chức của Giáo hội Công giáo
Trong ba cấp hành chính đạo của Giáo hội Công giáo, cấp giáo phận hay địa phận có vị trí, vai trò và chức năng đặc biệt, vừa là một tổ chức trực thuộc Giáo triều Roma, vừa là một giáo hội hoàn chỉnh. Bởi vì, “Giáo phận là một phần Dân Chúa được trao phó cho một giám mục chăn dắt, với sự cộng tác của linh mục đoàn, nhờ sự gắn bó với chủ chăn của mình và được Ngài tập hợp trong Chúa Thánh thần nhờ Phúc âm và Thánh thể, phần dân ấy tạo thành một giáo hội địa phương, trong đó giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Đức Kitô hiện diện và hoạt động thật sự”(1).
Sau Công đồng Vatican II, khi tu chỉnh Bộ giáo luật 1917 để ban hành Bộ Giáo luật 1983, Ban Soạn thảo đã cân nhắc kỹ về hai từ Ecculessia particularis (Giáo hội riêng rẽ) và Ecculessia localis (Giáo
*. ThS., Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai. 
hội địa phương) khi định danh, xác định tính chất, vị trí và chức năng của cấp giáo phận. Cuối cùng, Ban Soạn thảo đã trình và được Giáo hoàng quyết định sử dụng từ Ecclesia particularis(2).
Điều đó có nghĩa là, sau Công đồng Vatican II, với tinh thần canh tân và xu hướng giảm sự tập trung quyền lực về Giáo triều Roma, giáo phận đã được Giáo hội Công giáo xác định là một giáo hội riêng, tất nhiên “riêng” nhưng không “rẽ”, riêng nhưng không tách rời mà vẫn là một bộ phận độc lập tương đối của Giáo hội; có cơ cấu tổ chức đồng bộ và toàn diện, được điều hành như một “giáo hội riêng”.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, khi dịch Bộ Giáo luật 1983, Hội đồng Giám mục Việt Nam lo ngại từ “Giáo hội riêng rẽ” dễ dẫn đến nhận thức cho rằng, “Giáo hội riêng rẽ” sẽ đối lập với “Giáo hội phổ quát”, dẫn đến sự hiểu sai về tính chất “duy nhất” của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, nên đã quyết định dùng từ “Giáo hội địa phương” làm danh xưng cho cấp giáo phận.
Giáo phận vừa là một cấp hành chính đạo trực thuộc Giáo triều Roma, vừa là một giáo hội tương đối độc lập nếu xét mối quan hệ của nó trong hệ thống tổ chức của Giáo hội Công giáo, cụ thể:
Đổi với Giáo triều Roma: Theo quan điểm thần học Công giáo về mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội hiện diện qua những cộng đồng địa phương, gồm những con người cụ thể làm nên Dân Chúa. Bởi vì: “Giáo hội phổ quát không phải là một cơ cấu đứng ở bên ngoài và ở trên các giáo hội địa phương, nhưng giáo hội phổ quát thành hình qua sự thông hiệp giữa các giáo hội địa phương”(3).
Nhưng với tính cách một “giáo hội riêng”/giáo phận thì: “Nếu nhìn vào góc độ tổ chức hành chính đạo của Giáo hội Công giáo, giáo phận là một cơ cấu của giáo hội toàn cầu, trực thuộc Giáo triều Roma. Nếu nhìn về góc độ thực tế, giáo phận là một giáo hội tại địa phương được cai quản bởi giám mục chính tòa, có chức năng như là một Giáo hoàng tại địa phương. Một giáo hội, có tính độc lập tương đối”(4).
Giáo hội Công giáo hoàn vũ hợp nên nhờ mối dây hiệp thông giữa các giáo hội địa phương. Trong phạm vi giáo phận, Giám mục Chính tòa có toàn quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Giáo hoàng tuy là người đứng đầu Giáo hội Công giáo hoàn vũ, nhưng cũng chỉ là Giám mục Giáo phận Roma.
Giáo triều Roma vừa là cơ quan điều hành cao nhất của Giáo hội Công giáo, vừa là một nhà nước thế tục. Trong Giáo triều Roma, Giáo hoàng như Quốc trưởng, Quốc vụ khanh như Thủ tướng Chính phủ của Nhà nước Vatican. Do vậy, mối quan hệ giữa giáo phận với Giáo triều Roma là mối quan hệ giữa giáo hội địa phương với cơ quan điều hành cao nhất của Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
Giáo hoàng dùng Giáo triều Roma để giải quyết những vấn đề của Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Giáo triều Roma thực thi nhiệm vụ nhân danh Giáo hoàng. Trong khi đó, Giáo hoàng nhận lĩnh quyền trọn vẹn và tối cao không những trên Giáo hội phổ quát, mà còn có quyền tối cao trên tất cả các giáo hội địa phương, không một ai trong Giáo hội có thể kháng cáo hoặc chống lại một phán quyết hay một sắc lệnh của Giáo hoàng.
Đổi với Hội đồng Giám mục cấp quốc gia: Hội đồng Giám mục là một định chế có tính cách thường trực, là một đoàn thể của các giám mục trong một quốc gia hay một vùng nhất định, cùng nhau thi hành nhiệm vụ mục vụ cho Kitô hữu trong phạm vi của Hội đồng Giám mục do Giáo hoàng thành lập. Về quyền hạn, tùy theo quy chế của từng Hội đồng Giám mục được Giáo triều Roma chuẩn y, nhưng nguyên tắc cơ bản là Hội đồng Giám mục chỉ có thể ra sắc luật có tính cách bắt buộc các thành viên phải tuân theo, một khi sắc luật là những vấn đề do giáo luật quy định, do Tòa Thánh cho phép, do một ủy nhiệm đặc biệt, hoặc do chính đề nghị của Hội đồng Giám mục.
Bởi vì, “Hội đồng Giám mục là một thể chế ra đời hoàn toàn do nhu cầu thực tiễn khiến các giám mục thấy cần bàn thảo với nhau, thì Hội đồng Giám mục không có quyền gì để ra một nghị quyết bắt buộc các giám mục phải tuân theo, xét vì không giám mục nào có thể bắt buộc một đồng nghiệp phải tuân theo ý kiến của mình, mỗi giám mục có toàn quyền tự do để theo hay không theo ý kiến của đa số”(5).
Đổi với Giáo tỉnh - Giáo miền: Theo Điều 431, Bộ Giáo luật 1983: “Để cổ vũ hoạt động mục vụ chung giữa nhiều giáo phận gần nhau, tùy theo hoàn cảnh con người và địa phương, cũng như để thắt chặt mối quan hệ tương trợ giữa các giám mục giáo phận hơn nữa, các Giáo hội địa phương gần nhau phải được kết hợp thành các Giáo tỉnh được giới hạn trong một địa hạt nhất định”.
Đứng đầu Giáo tỉnh là vị Trưởng Giáo tỉnh. Vị này là Tổng Giám mục của Giáo phận đã được trao cho. Nhưng “Vị Trưởng Giáo tỉnh không có một quyền lãnh đạo nào trong các giáo phận thuộc giáo tỉnh; tuy có thể cử hành các nghi lễ thánh trong tất cả mọi nhà thờ như Giám mục trong giáo phận riêng của mình, sau khi đã thông báo cho Giám mục Giáo phận biết, nếu ngài cử hành trong nhà thờ chính tòa”.(6)
Đối với nội bộ giáo phận: Mỗi giáo phận được Giáo hoàng bổ nhiệm một giám mục, được gọi là Giám mục Chính tòa, Giám mục Giáo phận. Giám mục Giáo phận là người có mọi quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp trong giáo phận địa phương với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó phải đích thân thi hành quyền lập pháp; đích thân hoặc nhờ tổng đại diện hay đại diện giám mục thi hành quyền hành pháp; đích thân hoặc nhờ vị đại diện tư pháp và các thẩm phán thi hành quyền tư pháp. Điều đó có nghĩa là, trong phạm vi của giáo phận, Giám mục Chính tòa là người có toàn quyền quyết định mọi vấn đề, mọi lĩnh vực miễn là không trái với giáo luật. Do vậy, người ta còn gọi Giám mục Chính tòa là “Giáo hoàng của Giáo hội địa phương”.
Nhận xét khái niệm giáo phận Công giáo
Những quy định về tổ chức cấp giáo phận trong Bộ Giáo luật 1983 cho thấy, cơ cấu tổ chức của Giáo hội Công giáo vừa đảm bảo tính chặt chẽ và sự thống nhất trên toàn thế giới, vừa thể hiện tính độc lập tương đối về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp giáo phận, vừa đáp ứng được tính đặc thù trong tổ chức và hoạt động của giáo phận trong từng quốc gia, từng địa phương và sự chuyển biến của xã hội qua từng thời kỳ.
Giáo phận là một tổ chức hành chính đạo do Giáo hoàng toàn quyền quyết định thành lập, điều chỉnh địa giới, sáp nhập, cùng với người lãnh đạo, điều hành giáo phận là các vị giám mục, cũng chính đích thân Giáo hoàng lựa chọn, sắc phong, bổ nhiệm, điều động, cho từ chức, cho nghỉ hưu. Do vậy, mối quan hệ giữa giáo phận với Giáo triều Roma là sự trực thuộc trực tiếp và toàn diện. Hội đồng Giám mục quốc gia hoặc Giáo tỉnh chỉ là tổ chức liên kết, hiệp thông trong một quốc gia, hoàn toàn không có thẩm quyền nào về mặt tổ chức và điều hành đối với các giáo phận.
Trong hệ thống hành chính đạo của Giáo hội Công giáo, giáo phận là một cấp vừa thể hiện tính thống nhất của giáo hội, vừa là một giáo hội riêng, được giao quyền chủ động cho người lãnh đạo, điều hành giáo phận là vị Giám mục Chính tòa. Cơ cấu tổ chức, nhất là chức năng của giáo phận như vậy nhằm đáp ứng được tính đặc thù của giáo phận ở từng quốc gia, từng địa phương và sự chuyển biến của xã hội qua từng thời kỳ. Ở Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Tạm kết
Công giáo tuy đã có mặt ở Việt Nam trên dưới 500 năm, nhưng cấp giáo phận của Giáo hội Công giáo thường được nghiên cứu về mặt lịch sử và mối quan hệ với chính trị. Một số vấn đề khác, nhất là cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động cấp giáo phận của Giáo hội Công giáo mới chủ yếu được khảo sát bên ngoài, mà chưa làm rõ bản chất và quy luật phát sinh, tồn tại của cấp hành chính đạo này. Thế nên, muốn hiểu rõ hơn về Công giáo nói chung, Công giáo ở Việt Nam nói riêng, thì việc nghiên cứu vị trí và vai trò cấp giáo phận của Giáo hội Công giáo cần tiếp tục trong thời gian tới./.
CHÚ THÍCH
Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983: 135.
Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa, cơ cấu phàm trật của Giáo hội, tập 2: 105 (lưu hành nội bộ).
Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa, cơ cấu phàm trật của Giáo hội, tập 2, sách đã dẫn: 106.
Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa, cơ cấu phàm trật của Giáo hội, tập 2, sách đã dẫn: 108.
Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa, cơ cấu phàm trật của Giáo hội, tập 2, sách đã dẫn: 222.
Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983: 153.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hội đồng Giám mục Việt Nam (2007), Bộ Giáo luật 1983.
Phan Tấn Thành, Dân Thiên Chúa, cơ cấu phàm trật của Giáo hội, tập 2 (lưu hành nội bộ).
ON THE CONCEPT OF CATHOLIC DIOCESE
Diocese is an administrative unit of Catholic Church. It has an important role and position in Catholic Church. Basing on “The 1983 Code of Cannon Law”, some documents of the Second Vatican Council and self-awareness of Vietnamese realities, the writer would like to discuss further the concept of Catholic Diocese.
Key words: Catholicism, Diocese, separate Church, local Church

File đính kèm:

  • docve_khai_niem_giao_phan_cong_giao.doc
  • pdf22628_75581_1_pb_1769_556371.pdf