Thần hóa và vương quyền qua bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư

Tóm tắt: Vu sử là một khái niệm dùng để chỉ bút pháp tự sự trong

việc ghi chép cổ sử với đặc trưng là liên hệ các hiện tượng tai dị,

điềm lành, giấc mộng với đời sống và công cuộc cai trị đế vương,

từ đó tôn vinh và bảo vệ hoàng thất. Chịu ảnh hưởng truyền thống

vu sử của Trung Hoa qua nghìn năm Bắc thuộc cùng với niềm tin

bách thần sẵn có của người Việt, các sử quan phong kiến Việt Nam

khi chép sử cũng sử dụng bút pháp vu sử nhằm thần thánh hóa

vương triều và chế độ, dự trắc kịp thời để nhắc nhở quân vương

tránh khỏi họa lớn. Bài viết tìm hiểu truyền thống vu sử ở Việt Nam

qua khảo cứu bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”

pdf 13 trang phuongnguyen 2360
Bạn đang xem tài liệu "Thần hóa và vương quyền qua bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Thần hóa và vương quyền qua bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư

Thần hóa và vương quyền qua bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư
100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
NGUYỄN HỮU SỬ* 
TRẦN QUANG ĐỨC** 
THẦN HÓA VÀ VƯƠNG QUYỀN 
QUA BÚT PHÁP VU SỬ TRONG BỘ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ 
Tóm tắt: Vu sử là một khái niệm dùng để chỉ bút pháp tự sự trong 
việc ghi chép cổ sử với đặc trưng là liên hệ các hiện tượng tai dị, 
điềm lành, giấc mộng với đời sống và công cuộc cai trị đế vương, 
từ đó tôn vinh và bảo vệ hoàng thất. Chịu ảnh hưởng truyền thống 
vu sử của Trung Hoa qua nghìn năm Bắc thuộc cùng với niềm tin 
bách thần sẵn có của người Việt, các sử quan phong kiến Việt Nam 
khi chép sử cũng sử dụng bút pháp vu sử nhằm thần thánh hóa 
vương triều và chế độ, dự trắc kịp thời để nhắc nhở quân vương 
tránh khỏi họa lớn. Bài viết tìm hiểu truyền thống vu sử ở Việt Nam 
qua khảo cứu bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”. 
Từ khóa: Vu sử, thần hóa, vương quyền, Đại Việt sử ký toàn thư. 
1. Đặt vấn đề 
Sử thực là những sự kiện lịch sử tồn tại chân thực, khách quan, còn sử 
liệu là những ghi chép sự kiện lịch sử thông qua cách nhìn chủ quan của 
người chép sử. Từ sử liệu đến sử thực luôn tồn tại khoảng cách. Công 
việc quan trọng của người nghiên cứu lịch sử là phân tích, phê phán, 
khảo đính tài liệu một cách thận trọng, từ đó xác định tính chân xác và độ 
tin cậy của sử liệu để tiệm cận với sử thực. Với truyền thống văn sử bất 
phân, truy xa hơn là vu sử đồng nguyên của các nước Á Đông, các trước 
tác sử học không chỉ thực hiện chức năng lưu giữ ký ức, mà còn được 
dùng để giáo huấn, củng cố tính chính thống của triều đại đang trị vì. Nhà 
viết sử phong kiến trước tiên là nhà văn (văn sử), đồng thời kiêm công 
việc của vu sư (thầy mo) chiêm tinh giải mộng, bói điềm lành dữ (vu sử) 
để kịp thời cảnh báo quân vương. Với mục đích phục vụ vương triều, 
việc lựa chọn và xử lý thông tin đưa vào sử sách in đậm dấu ấn của sử 
quan. Không ít thông tin mang tính vu thuật, chiêm bốc, được viết bằng 
*
 NCV., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
**
 NCV., Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền 101 
bút pháp vu sử chứa đựng những ý nghĩa ẩn dụ, không nên được coi là sử 
thực. Đại Việt sử ký toàn thư là một trong những trước tác sử học của 
Việt Nam nhiều lần sử dụng bút pháp này. 
2. Khái quát truyền thống vu sử trong việc chép sử tại Trung Quốc 
Vu sư chuyên phụ trách việc thờ cúng, bói toán, được cho là những 
người có pháp lực, có thể kết nối Cõi Thần và Cõi Người, dự đoán việc 
lành dữ, chữa trị bệnh tật. Sau đó, do nhu cầu công việc, vu sư phải ghi 
chép phả hệ, lịch sử của bộ tộc cùng các hiện tượng tự nhiên, sự kiện 
diễn ra trong từng ngày. Vô hình trung, vu sư thực hiện nhiệm vụ của sử 
quan. Chức danh sử quan lần đầu tiên xuất hiện vào thời Thương (1766 - 
1122 trước Công nguyên). Song, do sử quan luôn kiêm nhiệm công việc 
của vu sư, nên thường được người đời sau gọi chung là vu sử. “Sự chia 
tách giữa sử quan và vu sử bắt đầu từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (722 - 
221 trước Công nguyên) đến thời Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau 
Công nguyên) thì hoàn thành. Văn hóa sử quan được sản sinh ra từ mẫu 
thể là văn hóa vu quan”1. 
Văn hóa vu thuật và sử quan được coi là cội nguồn văn hóa và tư 
tưởng biện chứng của Trung Quốc thời Cổ đại. Trong đó, văn hóa vu 
thuật chủ yếu thể hiện ở học thuyết Âm Dương, Thiên Mệnh cùng 
phương thức tư duy suy diễn từ Thiên Đạo sang Nhân Đạo, mượn các 
hiện tượng tự nhiên để giải thích việc người. Văn hóa sử quan chủ yếu 
thể hiện ở việc quan sát và tổng kết kinh nghiệm thịnh suy, thành bại, tồn 
vong trong quá trình phát triển và biến đổi của lịch sử xã hội, từ đó khái 
quát thành hệ thống lý thuyết2. 
Trước khi có văn tự, vu sử chủ yếu dựa vào hình thức truyền miệng để 
lưu truyền các câu chuyện thần thoại của bộ tộc. Để thu hút người nghe, 
thần thoại được hư cấu, sau khi chữ viết xuất hiện, được lựa chọn để trở 
thành sử liệu. Trong bộ Sử Ký có không ít nội dung bắt nguồn từ những 
câu chuyện thần thoại như việc mẹ của Tiết, tổ nhà Thương, nuốt trứng 
chim thần mà mang thai; mẹ của Hậu Tắc, tổ nhà Chu, giẫm lên vết chân 
người khổng lồ mà có chửa, v.v Những câu chuyện này nhằm tạo vòng 
hào quang thần thánh về nguồn gốc xuất thân của các vị đế vương. Đây 
được coi là một trong những bút pháp vu sử tiêu biểu. Khái niệm bút 
pháp vu sử của chúng tôi sử dụng chỉ bút pháp tự sự dùng trong việc ghi 
chép cổ sử với đặc trưng là liên hệ các hiện tượng tai dị, điềm lành, giấc 
mộng với đời sống và công cuộc cai trị đế vương, từ đó tôn vinh và bảo 
102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
vệ hoàng thất. Xuân Thu, Tả Truyện là những bộ sử quan trọng có tầm 
ảnh hưởng sâu nặng tới truyền thống viết sử tại các quốc gia Đông Á, 
cũng là những tác phẩm mang đậm dấu ấn vu sử. 
Xuân Thu ghi chép ba nội dung lớn, bao gồm: việc người (hơn 1.000 
lần: triều cống, tuyên thệ, chiến tranh, sinh tử, hôn thú của vua và chư 
hầu, việc xây dựng công trình thổ mộc,); việc Trời (gần 250 lần: các 
hiện tượng thiên nhiên, thiên tai,); việc cúng tế (gần 60 lần: tế Giao, tế 
tông miếu, cúng rằm, mùng một,) được xâu chuỗi lại với hình thức sử 
biên niên. Biểu hiện quan trọng nhất của tính vu sử trong Xuân Thu là kết 
cấu quan hệ thần hóa - vương quyền. Các sử quan ghi chép Xuân Thu 
không những phải thu lục những việc diễn ra trong cuộc sống thường 
nhật, việc cúng tế ma chay, mà còn xuất phát từ tín kính thần hóa. Họ 
phải kính sợ Trời, phải cầm bút ghi chép thiên tượng. Thông qua quan sát 
thiên tượng cũng như các điềm tai dị, sử quan kịp thời nhắc nhở quân 
vương thận trọng hành xử, noi theo phép tắc của các vị hiền vương. Nói 
một cách tổng quan, toàn bộ nội dung và hình thức của Xuân Thu đều 
phản ánh, củng cố vương quyền; cố gắng thần thánh hóa chế độ nhà nước 
và quân chủ3. 
Được coi là tác phẩm trần thuật, diễn dịch lại Xuân Thu, tuy nhiên Tả 
Truyện tập hợp gần 50 thông tin liên quan đến việc bói toán trong các 
trường hợp yến hội, hôn nhân, sinh con, địa vị, chiến sự, cúng tế, cầu 
mưa, dời đô, bệnh tật, cư trú, chiêm tinh, nhật thực mà Xuân Thu không 
chép4. Bên cạnh đó, tác giả Tả Truyện sử dụng triệt để mô thức chiêm 
mộng, biến chiêm mộng trở thành một trong những công cụ đấu tranh 
chính trị quan trọng5. Ngoài ra, đặc điểm nổi bật của phương thức tự sự 
trong Tả Truyện là việc đạo đức hóa, thần bí hóa mối quan hệ nhân quả 
của sự kiện. Các nhân tố đạo đức như Lễ, Nghĩa được đề cập trong Tả 
Truyện đều được tác giả coi là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến 
sự thành bại. Chẳng hạn, điềm báo xuất hiện trong Tả Truyện hầu hết 
mang khuynh hướng đạo đức hóa. Những việc phù hợp với Lễ, Nghĩa thì 
xuất hiện điềm lành, những việc trái với Lễ, Nghĩa thì xuất hiện điềm dữ. 
Những điềm báo này có khi là lời nói của bậc trí giả, cũng có khi là sự 
ám thị thần bí của việc bói toán, mộng cảnh và hiện tượng thiên nhiên6. 
Vào thời Tần Hán, chức năng của sử quan đã phân hóa rõ ràng, tính 
chất vu sử trong trước thuật của sử quan đã giảm. Song việc chép sử vẫn 
chú trọng ở việc triển khai, làm rõ mối quan hệ thần hóa và vương quyền, 
Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền 103 
đồng thời cũng quan tâm hơn tới chi tiết của sự kiện lịch sử. Điều này 
một mặt do tầm ảnh hưởng sâu nặng của Xuân Thu, Tả Truyện, Sử Ký 
tới truyền thống chép sử đời sau, mặt khác do tư tưởng Nho giáo hấp thu 
phần lớn tư tưởng Xuân Thu, cho nên sử quan sau này vẫn kiêm nhiệm 
một số nhiệm vụ của vu sư. Truyền thống vu sử này tiếp tục được duy trì 
tại các nước sử dụng chữ Hán đến hết thời phong kiến quân chủ, thậm chí 
vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới tư tưởng, văn hóa của các quốc gia 
này đến tận ngày hôm nay. 
3. Bút pháp vu sử trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư 
Thời Cổ đại, nỗi sợ hãi trước thiên nhiên là một trong những nguyên 
nhân chính khiến con người tin vào thần linh, ma quỷ, dẫn đến sự xuất 
hiện của những thầy mo kết nối hai thế giới Thần - Người. Ở nhiều nơi, 
thầy mo đồng thời đóng vai trò thủ lĩnh bộ lạc, liên kết các bộ lạc bằng 
chính khả năng vu thuật của họ. Tại Trung Quốc, hiện tượng vu là vua, 
vua kiêm vu cùng hệ thống vu vương tồn tại khoảng những năm 2514 - 
1800 trước Công nguyên7. 
Tại Việt Nam, do thiếu khuyết tư liệu, niên đại chính xác của thời đại 
Hùng Vương (tương truyền kéo dài từ năm 2879 đến năm 258 trước 
Công nguyên) cũng chưa thể xác định được. Song theo ghi chép của bộ 
sử Việt có niên đại sớm nhất là Đại Việt sử lược: “Bộ Võ Ninh có dị 
nhân, có thể dùng ảo thuật thu phục các bộ lạc, tự xưng Hùng Vương”8. 
Hùng Vương xuất hiện với dáng dấp của vu sư có khả năng dị thường, 
dùng vu thuật làm công cụ chính trị, thu phục các bộ lạc để dựng nước 
xưng vương. Thông tin về Hùng Vương ghi lại trong Đại Việt sử lược 
cần tiếp tục được nghiên cứu, phê khảo. Riêng hoạt động của các vu sư 
Việt, muộn nhất vào khoảng ba trăm năm trước Công nguyên đã hết sức 
phong phú. Theo Tư Mã Thiên, tại khu vực Đông Âu Việt, về sau là cả 
khu vực nước Nam Việt, đã xuất hiện hệ thống các vu sư thờ Thượng Đế, 
thánh thần, ma quỷ, xem bói bằng chân gà, được gọi là Việt vu. Tư Mã 
Thiên cho biết: “Bấy giờ (110 trước Công nguyên) đã diệt nước Nam 
Việt. Người Việt là Dũng Chi bèn nói: Tục người Việt tin ma quỷ, đền 
thờ đều thấy ma quỷ, khấn vài lần đều linh nghiệm. Xưa vua Đông Âu 
kính ma quỷ, thọ đến một trăm sáu mươi tuổi. Đời sau khinh mạn nên 
suy tổn. Đoạn bèn sai Việt vu dựng đề thờ Việt, đặt bệ thờ, không có đàn 
tế, cũng thờ thần, Thượng Đế, trăm ma, dùng gà để bói. Hoàng thượng 
tin. Đền thờ Việt, phép bói gà bắt đầu sử dụng từ đây”9. 
104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
Như vậy, hệ thống Việt vu hẳn đã hình thành và phát triển từ rất sớm, 
đồng thời có những ảnh hưởng nhất định tới triều đình các nước Đông 
Âu Việt, Nam Việt. Tuy nhiên, hệ thống Việt vu không trực tiếp sản sinh 
ra sử quan, mà phải đợi tới gần 1.000 năm sau, khi nhà nước của người 
Việt được thành lập và củng cố, vận hành theo bộ máy chính quyền kiểu 
Trung Hoa, chức vụ sử quan mới được xác lập. Những câu chuyện ma 
quỷ, thần thoại dĩ nhiên vẫn tiếp tục được sáng tác và lưu truyền tại Việt 
Nam, trở thành một trong những nguồn tư liệu cổ sử quan trọng cung cấp 
cho sử quan khi trước thuật. Lúc này văn hóa Hán đã có những ảnh 
hưởng mạnh mẽ tới triều đình của người Việt. Sử quan Việt do học tập 
sách vở Trung Quốc, nên cũng chịu ảnh hưởng truyền thống viết sử kiểu 
Trung Quốc, trong đó có truyền thống vu sử. Đại Việt sử ký toàn thư ghi 
nhận việc các quan triều Lê Sơ: “Tâu xin bỏ tang phục mặc cát phục, căn 
cứ theo lời chiêm đoán các việc âm dương tai dị của Thái Sử Viện”10; 
trường hợp Thái sử Bùi Thì Hanh “cậy có pháp thuật, ra vào các nhà đại 
thần đều gần gũi”11. Thái sử Bùi Thì Hanh còn từng “bí mật tâu rằng, 
ngày mồng 1 tháng 5 có tinh vượng đen ăn Mặt Trời, hôm ấy sẽ có nhật 
thực. Có nhật thực thì trong nước có tai biến. Nếu bắt được vượn sống 
đem giết để trấn yểm thì có thể chấm dứt được tai biến”12. Nhưng sau 
cùng, ông ta lại bị cách chức vì “tâu bậy là đến giờ Mão ngày 16 tháng ấy 
sẽ có nguyệt thực. Vua ra lệnh cho các quan đến cả cửa Thừa Thiên để 
cứu Trăng, nhưng không thấy nguyệt thực”. 
Bút pháp vu sử theo truyền thống vu sử của Trung Quốc từ thời Tần 
Hán trở về sau chủ yếu thể hiện ở việc ghi chép và tiên đoán và các điềm 
tai dị, điềm lành, thần thánh hóa các sự kiện liên quan đến đế vương, từ 
đó liên hệ với nền đức chính của đế vương. Bút pháp vu sử thể hiện trong 
Đại Việt sử ký toàn thư cũng không nhằm ngoài nội dung này. Tuy nhiên, 
qua thống kê các thông tin ghi chép điềm tai dị, điềm lành, chiêm mộng 
trong Đại Việt sử ký toàn thư có thể thấy, bút pháp vu sử được sử dụng 
nhiều nhất ở giai đoạn Lý - Trần và giảm dần vào thời Lê. Điều này, phần 
nào thể hiện sự thay đổi tư duy của sử quan. Song dù giảm bớt các ghi 
chép về điềm lành, sử quan thời Lê vẫn tin vào Thiên Mệnh, vào sự hô 
ứng, giao cảm giữa thần hóa và vương quyền, như Ngô Sĩ Liên quan 
niệm: “Người làm vua biết giữ tín đạt thuận, tới được mức trung hòa, cho 
nên bấy giờ Trời không tiếc đạo, Đất không tiếc của báu, móc ngọt tuôn 
sa, rượu thơm suối chảy, cỏ chi nảy mọc, vác vật điềm lành như rồng, 
Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền 105 
phượng, rùa, lân, không giống gì không đến. Thời (Lý) Nhân Tông, sao 
các vật điềm lành nhiều đến thế? Là vì nhà vua thích, cho nên bề tôi dâng 
xằng mà thôi [...]. Những chuyện như dấu về người thần, ánh sáng xá lỵ, 
cây ưu đàm nở hoa, tượng Phật cổ nổi lên đều do bọn nhà sư ra cả. Người 
cầm bút chép sử đương thời không xét lý lẽ, cứ theo thế mà chép vào sử 
sách”13. 
3.1. Điềm tai dị 
Tai dị là những hiện tượng tự nhiên dị thường tai hại, được coi là sự 
răn đe của trời đất. Đổng Trọng Thư quan niệm: “Vạn vật trong trời đất 
mà có sự biến đổi bất thường thì gọi là Dị. Sự thay đổi nhỏ thì gọi là Tai. 
Tai thường đến trước mà Dị thì theo sau. Tai là sự khiển trách của Trời. 
Dị là uy của Trời vậy. Khiển trách mà vẫn không biết thì sẽ dọa nạt bằng 
uy”14; “Gốc của điềm tai dị đều nảy sinh ở sự sai trái của nhà nước. Sự 
sai trái của nhà nước mới nhen nhóm, Trời liền hiện ra điềm tai hại để 
cảnh cáo. Cảnh cáo mà vẫn không biết thay đổi thì lại hiện ra điềm quái 
dị để dọa nạt. Dọa nạt mà vẫn không biết kinh sợ thì tai ương sẽ ập tới”15. 
Trong đó, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, Sao Chổi xuất hiện, động 
đất được cho là những điềm báo hung dữ bậc nhất trong các hiện tượng 
tai dị. Đặc biệt là, các hiện tượng liên quan tới Mặt Trăng, Mặt Trời, bởi 
quan niệm xưa cho rằng: “Mặt Trời là tinh của thái dương, chủ việc sinh 
dưỡng ân đức, tượng trưng cho bậc quân vương [...]. Nhật thực, âm xâm 
phạm dương, là tượng bề tôi lấn át vua, có họa vong quốc [...]. Mặt Trăng 
là tinh của thái âm, phối với Mặt Trời, tượng trưng cho bậc nữ chủ. Đem 
so với nền đức chính thì mang nghĩa hình phạt. Đem liệt vào triều đình 
thì tương tự phận bề tôi”16. 
Tại Việt Nam, các hiện tượng như nhật thực, nguyệt thực, Sao Chổi 
mọc, động đất, sao sa,... đều được coi là hiện tượng tai dị, có liên hệ trực 
tiếp tới chính trị và sự tồn vong của vương triều. Lời tấu của các quan 
triều Lê Kính Tông ghi nhận: Tai biến không phải bỗng dưng mà có, hẳn 
là bên trong có lỗi đức, bên ngoài có lỗi chính, kỷ cương lỏng lẻo, pháp 
lệnh trễ nải, quan lại hà khắc, dân chúng dao động, việc người có nhiều 
sự bất hòa mà đến thế chăng? Kính xét Chu Thư có nói: “Vua thì xem 
vào sao Tuế, các khanh sĩ thì xem vào Mặt Trăng, thứ dân thì xem vào 
các sao” là nói việc người có điềm được mất, tốt xấu đều ứng hiện theo 
loại cả17. Một khi các hiện tượng tai dị liên tiếp xảy ra, Thái Sử Viện 
buộc phải cảnh báo quân vương “thận trọng trước sự răn bảo của Trời, 
106 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
làm hết phận sự của người” để cứu vãn thiên tai18. Triều đình Việt Nam 
và Trung Quốc còn đặt riêng một thứ lễ nhạc để hộ cứu Mặt Trăng, Mặt 
Trời mỗi khi có nhật thực và nguyệt thực19. Tại Việt Nam, theo lệ cũ, sét 
đánh cung điện, đường vũ, còn phải làm chay cầu phúc  ... này, và cho rằng, đó là điềm hai vua tranh 
nhau. Song, chắc chắn rằng, hiện tượng hai Mặt Trời xuất hiện là không 
có thực, nếu có thì đó hẳn là hiện tượng phản xạ hoặc khúc xạ ánh sáng 
xảy ra ở một địa điểm nào đó, khiến người quan sát sinh ra ảo giác21. Cần 
lưu ý rằng, thông tin được ghi lại ngay sau hiện tượng hai Mặt Trời cùng 
rung là thông tin hai vị vua Trần Minh Tông và Trần Dụ Tông cùng đi 
tuần biên giới, đến Nghệ An. 
Tần suất các hiện tượng tai dị trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư 
Hiện tượng tai dị Tần số xuất hiện 
Nhật tượng 87 
Nhật thực 70 
Nguyệt tượng 38 
Nguyệt thực 31 
Tinh tượng 75 
Sao Chổi 40 
Động đất 13 
Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền 107 
Chúng tôi cho rằng, việc ghi chép hơn 20 lần nhật thực là thông tin 
duy nhất của cả năm ở giai đoạn Bắc thuộc, cũng như thông tin hai Mặt 
Trời cùng mọc ứng với thời kỳ suy vi của nhà Lý và sự trỗi dậy của 
chúa Trịnh thời Lê; Mặt Trời cùng rung ứng với việc hai vua Trần đi 
tuần biên giới đều chứa đựng ngụ ý của sử quan. Không loại trừ khả 
năng một số thông tin trong đó chỉ mang bút pháp văn học thuần túy, 
không phải sử thực. 
3.2. Điềm lành 
Hán nho Đổng Trọng Thư quan niệm: “Vua ngay thì nguyên khí hòa 
thuận, mưa gió đúng lúc, sao sáng hiện, rồng vàng bay xuống. Vua không 
ngay thì trên trở trời, tặc khí xuất hiện”22, “Việc tốt kéo theo điều tốt, 
việc xấu kéo theo điều xấu, cùng phẩm loại thì tương ứng dấy lên [...]. Đế 
vương sắp nổi lên thì điềm tốt đẹp thấy trước, đế vương sắp diệt vong thì 
sự yêu nghiệt cũng thấy trước”23. Chính vì vậy, các ghi chép về điềm 
lành cũng tương tự như ghi chép về điềm tai dị, đều được liên hệ trực tiếp 
tới nền đức chính của quân vương. 
Có thể nói, trong tổng số các ghi chép về điềm lành ở Đại Việt sử ký 
toàn thư, điềm lành xuất hiện nhiều nhất vào thời Lý, chủ yếu gồm rồng 
hiện, vết chân thần hiện, có người dâng cống voi trắng, hổ trắng, hươu 
trắng, chim sẻ trắng, quạ trắng, rùa có chữ Hán trên mai. Trong đó mô típ 
rồng vàng hiện chiếm tỷ lệ tuyệt đối, tổng cộng 24 lần (Đại Việt sử lược 
ghi nhận 59 lần). Cần lưu ý rằng, Tam Quốc sử ký được viết vào năm 
1145 thời Triều Tiên cũng nhiều lần đề cập đến sự xuất hiện của rồng 
vàng. Song rồng thường chỉ xuất hiện một lần ở mỗi đời vua, trước hoặc 
ngay sau khi vị vua hiền lên ngôi24. Trong khi chúng ta thấy mô típ rồng 
hiện có vẻ như được lạm dụng trong những phần sử liệu chép về triều nhà 
Lý ở Việt Nam. Nguyên do có thể như Ngô Sĩ Liên nhận định, các vị vua 
triều Lý đều ưa thích điềm lành, đặc biệt là các vua Lý Nhân Tông “Mộ 
đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt”25; Lý Thần Tông 
“quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng quý gì”26. 
Rõ ràng rồng không có thật, cho nên việc ghi chép hiện tượng rồng 
hiện rất có thể chỉ là sản phẩm tưởng tượng của sử quan. Tuy nhiên, 
không loại trừ khả năng, sự vận động của sấm sét mây mưa cũng được 
coi là một trong những hiện tượng rồng hiện như cách lý giải của vua 
Triều Tiên, Thế Tông (Sejong Deawang). Triều Tiên vương triều thực 
lục chép: “Khi giảng đến câu nói của Tống Huy Tông: rồng vàng, rồng 
108 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
xanh là điềm lành; rồng trắng, rồng đen là tai biến. Trẫm sau khi lên 
ngôi thì thấy rồng đen là tai biến vậy. Vua (Sejong) nói: Có người nào 
được thấy rồng chưa? Quan Kiểm Thảo Kim Tẫn đáp rằng: Ngày xưa 
có rồng hiện ở Long Đường, quận Lương Sơn, người ta thấy lưng nó, 
không thấy đầu đuôi. Vua nói, trong khoảng mây mưa có vật hình thành 
chuyển động, người ta bảo là rồng chầu Thiên Tử. Ta cho rằng, đó 
không phải là rồng mà là cái khí của mây móc sấm mưa, ngẫu nhiên 
hình thành nên vậy thôi27. 
Sau sự xuất hiện của rồng vàng, loài rùa mắt có sáu ngươi, trên mai có 
viết chữ Hán cũng nhiều lần được ghi nhận, tổng cộng 13 ghi chép. Nội 
dung chữ Hán khắc trên mai rùa được diễn giải hầu hết đều mang tính 
củng cố vương quyền, tôn vinh hoàng đế như “thiên thư hạ thị thánh 
nhân vạn tuế”, “vương công dĩ pháp”, “nhất thiên vĩnh thánh”, “thiên tử 
vạn niên”... Tam Quốc sử ký của Cao Ly cũng đề cập đến việc có người 
dâng loài rùa mắt có sáu ngươi, mai có chữ Hán cho vua Tân La (Naemul 
Isageum)28. Ngô Sĩ Liên bình luận: “Rùa là vật linh thiêng, vì nó có thể 
báo điềm trước, nhưng đời nào cũng thường có, không như rồng, phượng 
và kỳ lân ít thấy. Thế mà đương thời cho rùa là điềm lành mà đem dâng 
cho nhiều thế là làm sao? Còn như trên ức có nét chữ chỉ là những vết 
trắng, nét đen xen nhau vậy mà thôi, bầy tôi nhận là văn tự, đó là chiều ý 
vua mà nói nịnh thôi, có phải thực có chữ đâu29. Các mô típ điềm lành 
tương tự có trong Đại Việt sử ký toàn thư có thể dễ dàng tìm thấy trong 
sử sách của Trung Quốc và Triều Tiên30. 
3.3. Sự thần hóa 
Sử quan theo truyền thống vu sử phải ghi chép các hiện tượng thiên 
nhiên, thần dị, liên hệ với triều chính, gắn kết mối quan hệ thần hóa - 
vương quyền. Trong nhiều trường hợp, có thể do thiếu khuyết sử liệu, 
cũng có thể nhằm mục đích thần thánh hóa, sử quan hoặc chọn lựa hoặc 
tự sáng tạo nên các câu chuyện thần thoại, linh dị để đưa vào sử liệu. Đại 
Việt sử ký toàn thư rõ ràng không hoàn toàn là sử thực. Thời gian giãn 
cách càng xa, sự thần hóa theo đó càng đậm đặc. Rất nhiều câu chuyện 
được thần hóa như chuyện về họ Hồng Bàng, về An Dương Vương xây 
thành Cổ Loa, về Triệu Việt Vương khấn xin móng rồng để đánh giặc, về 
bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà vang vọng lúc nửa đêm từ trong đền 
Trương tướng quân mà về sau được cho là ứng nghiệm, v.v... Bên cạnh 
đó, chúng ta còn bắt gặp bút pháp thần hóa trong việc ghi chép các điềm 
Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền 109 
lành ghán với nguồn gốc xuất thân, dung mạo của các vị minh quân. Nào 
là Ngô Quyền khi sinh ra có ánh sáng lạ đầy nhà; nào là mẹ vua Lê Đại 
Hành khi mang thai chiêm báo thấy trong bụng nở hoa sen; vua Lý Thái 
Tông có bảy nốt ruồi sau gáy như sao thất tinh; vua Lê Thánh Tông được 
cho là tiên đồng Thượng Đế ban tặng, v.v... Tất cả đều nhằm thần thánh 
hóa đế vương và chế độ, ngợi ca sự đặc dị của đấng minh quân. Xét trong 
toàn bộ Đại Việt sử ký toàn thư, chỉ có Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý 
Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái 
Tổ, Lê Thánh Tông mới được sử quan thần thánh hóa. Mà bản thân miếu 
hiệu của các vị vua này (Thái Tổ, Nhân Tông, Thánh Tông) đã thể hiện 
rõ sự sùng kính của sử quan. Mô típ thân mẫu nằm mơ thấy điềm lành, 
trên người đế vương có nốt ruồi quý là những mô típ tô vẽ hào quang 
khuôn sáo theo truyền thống chép sử Trung Hoa. Nhiều khi được ghán 
ghép, thần hóa đến mức gượng ép và lộ liễu như trường hợp vua Lý Thái 
Tổ, sau khi lên ngôi truy phong cho cha mình làm Hiển Khánh Vương, 
song ở phần đầu bản kỷ triều Lý, sử quan lại chép “Mẹ là Phạm thị, đi 
chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa”. Dưới 
ngòi bút thần hóa của sử quan, sử thực và sử liệu đã cách xa nhau đến 
như vậy. 
4. Kết luận 
Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc và một ngàn năm phong kiến 
quân chủ, dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống vu sử Trung 
Quốc kết hợp với niềm tin bách thần sẵn có của người Việt, các sử quan 
Việt khi ghi chép sử thực đã sử dụng bút pháp vu sử, với mục đích thần 
thánh hóa vương triều và chế độ, dự trắc kịp thời để nhắc nhở quân 
vương tránh khỏi họa lớn. Sử thực được ghi chép lại dưới ngòi bút của 
sử quan, sau khi được tô thêm lớp màu vu thuật, trở nên rất khó định 
tính, định lượng. Đại Việt sử ký toàn thư rõ ràng không hoàn toàn ghi 
chép sử thực. Tuy bút pháp vu sử dày đặc thời Lý được giảm mạnh vào 
thời Lê, sang niềm tin vào thuyết Thiên Mệnh, vào sự giao cảm giữa 
Trời và Người, vào mối liên hệ giữa thiên tượng và triều chính, xuất 
phát từ tư tưởng Xuân Thu bám rễ trong tư duy của vua quan phong 
kiến, nhưng đến nay vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới tư tưởng và 
văn hóa Việt Nam./. 
110 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
CHÚ THÍCH: 
1 Trương Cường (1994), Mối quan hệ giữa văn hóa sử quan và văn hóa vu quan 
với thần thoại tôn giáo (tiếng Trung), Nxb. Khoa học xã hội Giang Tô: 4. 
2 Chu Hiểu Bằng, “Văn hóa vu sử và nguồn gốc phép biện chứng của Trung Quốc 
cổ đại” (tiếng Trung), Học báo Cao đẳng Sư phạm Thẩm Dương, số 18: 24. 
3 Đàm Giai (2008), “Phân tích tính chất vu sử của Xuân Thu và ảnh hưởng của nó 
trong văn học” (tiếng Trung), Di sản Văn học, số 2: 139. 
4 Đàm Giai (2008), “Phân tích tính chất vu sử của Xuân Thu và ảnh hưởng của nó 
trong văn học” (tiếng Trung), bđd: 138. 
5 Trịnh Hiểu Phong (2012), “Điềm mộng và chiêm tượng: lý giải tính tự sự trong 
văn hóa vu sử của Tả Truyện” (tiếng Trung), Bắc Phương tùng luận, số 2: 116. 
6 Viên Hành Bái (2005), Trung Quốc văn học sử, quyển 1 (tiếng Trung), Nxb. Cao 
đẳng Giáo dục: 78. 
7 Quách Kim Tiêu (2011), “Từ khởi nguyên văn hóa vu sử nhìn nhận về nguyên 
nhân và ảnh hưởng của sự tách rời giữa vu và sử” (tiếng Trung), Văn hóa và 
Kinh tế Biên giới, số 8: 36. 
8 Những thông tin chép trong Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược đều có 
thể dễ dàng tra cứu qua bản pdf của hai cuốn sách này, nên chúng tôi không chú 
thích số trang. 
9 Tư Mã Thiên, Sử ký: Hiếu Võ bản kỷ đệ thập nhị. Nguyên văn: 是 时 既 灭 南 
越,越 人 勇 之 乃 言[越 人 俗 信 鬼,而 其 祠 皆 见 鬼,数 有 效。昔 东 
甌 王 敬 鬼,寿 至 百 六 十 岁。後 世 谩 怠,故 衰 秏
]。乃
 令 越 巫 立 
越 祝 词,安 台 无 坛,亦 祠 天 神 上 帝 百 鬼,而 以 鸡 卜。上 信 之,越 
祠 鸡 卜 始 用 焉。 
10 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
11 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
12 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
13 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
14 Xuân Thu phồn lộ: Tất nhân thả trí. Nguyên văn: 天 地 之 物,有 不 常 之 变 
者,谓 之 异
。小
 者 谓 之 灾。灾 常 先 至,而 异 乃 随 之。灾 者,天 之 
谴 也。异 者,天 之 威 也。谴 之 而 不 知,乃 畏 之 以 威。 
15 Xuân Thu phồn lộ: Tất nhân thả trí. Nguyên văn: 凡 灾 异 之 本,尽 生 于 国 
家 之 失。国 家 之 失 乃 始 萌 芽,而 天 出 灾 害 以 谴 告 之。谴 告 之,
而 不 知 变,乃 见 怪 异 以 惊 骇 之。惊 骇 之,尚 不 知 畏 恐,其 殃 咎 
乃 至。 
16 Tấn thư: Thiên văn chí. Nguyên văn: 日 为 太 阳 之 精,主 生 养 恩 德,人 
君 之 象 也。。。日 蝕,阴 侵 阳,臣 掩 君 之 象,有 亡 国。。。月 为 
太 阴 之 精,以 之 配 日,女 主 之 象;以 之 比 德,刑 罚 之 义;列 之 朝 
廷,诸 侯 大 臣 之 类. 
17 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
Nguyễn Hữu Sử, Trần Quang Đức. Thần hóa và vương quyền 111 
18 Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên bình luận: Người làm vua đạt đến 
mức trung hòa thì trời đất định vị, vạn vật sinh sôi và hai khí cũng được điều hòa. 
Nếu khi âm thịnh mà phạm bừa vào khí dương, thì trời đất tất xuất hiện tai biến 
để tỏ cho người làm vua biết. Cho nên, tai biến xuất hiện trước rồi sau đó sẽ có 
chứng nghiệm ngay. Lúc bấy giờ nào nhật thực, nào Mặt Trời lay động, nào đất 
nứt, nào mưa đá, sao sa, đều là khí âm thịnh hơn khí dương cả. Nếu không phải 
là triệu chứng tôi con mưu hại vua cha thì cũng là điềm di địch xâm lấn Trung 
Quốc. Phàm người làm vua thận trọng trước sự răn bảo của Trời, lo lắng làm hết 
phận sự của người thì đó là đạo vãn hồi tai biến của Trời vậy. 
19 Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Về nhạc thì có nhạc tế Giao, nhạc tế Miếu, nhạc 
tế Ngũ tự, nhạc cứu khi có nhật thực, nguyệt thực. Ngày 1 tháng 1 năm 1435, 
nhật thực, Bùi Thì Hanh đã mật tâu từ trước nên không hộ cứu Mặt Trời. Ngày 1 
tháng 10 năm 1631, có nhật thực, vua cho là bản mệnh cùng hợp với ngày ấy và 
năm ấy, chỉ trai giới mà không hô cứu Mặt Trời. Bùi Thì Hanh tâu bậy là đến giờ 
Mão ngày 16 tháng ấy sẽ có nguyệt thực. Vua ra lệnh cho các quan đến cả cửa 
Thừa Thiên để cứu trăng, nhưng không thấy nguyệt thực. 
20 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
21 Trần Cửu Kim (2005), Thần thoại tinh tọa Trung Quốc (tiếng Trung), Nxb. Đài 
Loan cổ tịch: 404. 
22 Xuân Thu phồn lộ: Vương đạo. Nguyên văn: 王 正,则 元 气 和 顺,风 雨 
时,景 星 见,黄 龙 下;王 不 正,则 上 变 天,贼 气 并 见. 
23 Xuân Thu phồn lộ: Đồng loại tương động. Nguyên văn: 美 事 召 美 类,恶 事 
召 恶 类,类 之 相 应 而 起 也。帝 王 之 将 兴 也,其 美 祥 亦 先 见;其 
将 亡 也,妖 孽 亦 先 见. 
24 Kim Phú Thức (1998), Tam Quốc sử ký (chữ Hán), Nxb. Daunsaem: 36, 37, 39, 
46, 50, 59, 60, 64,v.v... 
25 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
26 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
27 Cao Ly vương triều thực lục, Thế Tông thực lục, mục ngày 19 tháng 12 nhuận 
năm Thế Tông thứ 12. Nguyên văn: 乙 卯/ 受 常 參,轮 对,经 筵。讲 至 
宋 徽 宗 云:黄 龙 青 龙,祥 瑞 也。白 龙 黑 龙,灾 变 也。朕 即 位 之 
后,一 见 黑 龙,是 变 也。(上 曰):人 可 得 见 龙 乎?检 讨 管 金 镔 
对 曰:往 者 有 龙 见 于 梁 山 郡 龙 塘,人 见 其 腰,不 见 头 尾。上 
曰:云 雨 间 有 摇 动 成 形 之 物,人 谓 之 龙 上 天 子,意 以 为 此 非 龙 
也,乃 云 雾 雷 雨 之 气,偶 尔 成 形 而 然 也。 
28 Kim Phú Thức (1998), Tam Quốc sử ký, sđd. 
29 Đại Việt sử ký toàn thư, sđd. 
30 Các bộ sử như Tả Truyện, Tư trị thông giám, Hán Thư, Tống Thư của Trung 
Quốc, hay Tam Quốc sử ký, Cao Ly vương triều thực lục đều ghi chép về các 
hiện tượng như rồng hiện, rùa sáu ngươi in chữ Hán. 
112 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. Viên Hành Bái (2005), Trung Quốc văn học sử, quyển 1 (tiếng Trung), Nxb. Cao 
đẳng Giáo dục 
2. Chu Hiểu Bằng, “Văn hóa vu sử và nguồn gốc phép biện chứng của Trung Quốc 
cổ đại” (tiếng Trung), Học báo Cao đẳng Sư phạm Thẩm Dương, số 18. 
3. Trương Cường (1994), Mối quan hệ giữa văn hóa sử quan và văn hóa vu quan 
với thần thoại tôn giáo (tiếng Trung), Nxb. Khoa học xã hội Giang Tô. 
4. Đàm Giai (2008), “Phân tích tính chất vu sử của Xuân Thu và ảnh hưởng của nó 
trong văn học” (tiếng Trung), Di sản Văn học, số 2. 
5. Trần Cửu Kim (2005), Thần thoại tinh tọa Trung Quốc (tiếng Trung), Nxb. Đài 
Loan cổ tịch. 
6. Trịnh Hiểu Phong (2012), “Điềm mộng và chiêm tượng: lý giải tính tự sự trong 
văn hóa vu sử của Tả Truyện” (tiếng Trung), Bắc Phương tùng luận, số 2. 
7. Kim Phú Thức (1998), Tam quốc sử ký (chữ Hán), Nxb. Daunsaem. 
8. Quách Kim Tiêu (2011), “Từ khởi nguyên văn hóa vu sử nhìn nhận về nguyên 
nhân và ảnh hưởng của sự tách rời giữa vu và sử” (tiếng Trung), Văn hóa và 
Kinh tế Biên giới, số 8. 
9. Đại Việt sử lược (chữ Hán), tài liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán 
Nôm, ký hiệu VHv.1521. 
10. Trần Kinh Hòa hiệu đính (1984), Đại Việt sử ký toàn thư (chữ Hán), Trung tâm 
Nghiên cứu Văn hiến Đông Dương, Nhật Bản. 
11. Xuân Thu phồn lộ (chữ Hán), Nxb. Thượng Hải cổ tịch, 1989. 
12. Tấn Thư (chữ Hán), Nxb. Trung Hoa thư cục, 1974. 
13. Tư Mã Thiên (2009), Sử ký (chữ Hán), Nxb. Trung Hoa thư cục. 
14. Triều Tiên vương triều thực lục (chữ Hán),  
Abstract 
DEIFICATION AND ROYAL AUTHORITY THROUGH 
THE NARRATIVE STYLE IN THE HISTORICAL WORKS 
“ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ” 
“Vu sử” was the narrative style in writing ancient history that 
connected a good omen or a bad omen and dreams with the 
administration of the kingdom in order to honor and to protect the royalty. 
The influence of the Chinese tradition of the narrative style in writing 
ancient history through one thousand years under the rule by Chinese 
along with the belief in Vietnamese’s dozens of divines, Vietnamese 
feudal historians used the narrative style in order to deify the royal 
authority and feudalism, to predict and help the king avoid disaster. This 
text indicates a Vietnamese tradition of narrative style in writing ancient 
history through the historical works “Đại Việt sử ký toàn thư”. 
Keywords: “Vu sử”, deification, royal authority, Đại Việt sử ký toàn thư. 

File đính kèm:

  • pdfthan_hoa_va_vuong_quyen_qua_but_phap_vu_su_trong_bo_dai_viet.pdf