Một số nhân tố ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi của các hộ điều tra ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Trong những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực thì nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm đã và đang phát triển mạnh mẽ, thu hút không những sự chú ý của người sản xuất, của các nhà đầu tư mà còn lôi cuốn các nhà nghiên cứu. Huyện Phú Vang là huyện trọng điểm của vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế, có tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với chiều dài 40 km bờ biển, diện tích mặt nước đầm phá đến 7.400 ha, chiếm 33,64% diện tích đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trong những năm gần đây, phong trào nuôi tôm của huyện phát triển mạnh mẽ từ 1.367,7 ha năm 2002 lên 1.838,1 ha năm 2004, nâng sản lượng tôm nuôi từ 727 tấn năm 2002 lên 1.830,5 tấn năm 2004, góp phần quan trọng trong việc xóa thế độc canh cây lúa, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, lao động. ở địa phương, tăng khối lượng sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập, từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn.

doc 7 trang phuongnguyen 1820
Bạn đang xem tài liệu "Một số nhân tố ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi của các hộ điều tra ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số nhân tố ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi của các hộ điều tra ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Một số nhân tố ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi của các hộ điều tra ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 28, 2005
MỘT SỐ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN 
NĂNG SUẤT TÔM NUÔI CỦA CÁC HỘ ĐIỀU TRA 
Ở HUYỆN PHÚ VANG, THỪA THIÊN HUẾ
 Phan Văn Hòa
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế
Trong những năm gần đây, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực thì nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm đã và đang phát triển mạnh mẽ, thu hút không những sự chú ý của người sản xuất, của các nhà đầu tư mà còn lôi cuốn các nhà nghiên cứu. Huyện Phú Vang là huyện trọng điểm của vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên Huế, có tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với chiều dài 40 km bờ biển, diện tích mặt nước đầm phá đến 7.400 ha, chiếm 33,64% diện tích đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trong những năm gần đây, phong trào nuôi tôm của huyện phát triển mạnh mẽ từ 1.367,7 ha năm 2002 lên 1.838,1 ha năm 2004, nâng sản lượng tôm nuôi từ 727 tấn năm 2002 lên 1.830,5 tấn năm 2004, góp phần quan trọng trong việc xóa thế độc canh cây lúa, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, lao động... ở địa phương, tăng khối lượng sản phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu, tạo việc làm và tăng thu nhập, từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, do nuôi tôm ở đây phần lớn mang tính tự phát, có chú trọng đầu tư thâm canh nhưng không đồng bộ, các hộ nuôi tôm còn lúng túng trong việc tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng sản xuất kinh doanh nên năng suất tôm nuôi thấp. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã chọn đề tài “Thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi tôm Ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Mục đích thực hiện đề tài nhằm: Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về thực trạng nuôi tôm nói chung và thực trạng nuôi tôm ở địa phương nói riêng; đánh giá thực trạng sản xuất, kết quả và hiệu quả nuôi tôm, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả nuôi tôm; đưa ra định hướng và giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm ở huyện Phú Vang. 
	Để đạt mục tiêu đặt ra, nghiên cứu tập trung ở 2 xã là xã Phú Xuân, Xã Phú Đa và thị trấn Thuận An. Ngoài thông tin, số liệu thứ cấp thu thập từ các sở, ban ngành và cơ quan ở địa phương, nghiên cứu còn tập trung điều tra 90 hộ nuôi trồng thủy sản ở 3 xã, thị trấn được chọn. Mỗi xã, thị trấn chọn 30 hộ để điều tra. Sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi theo các hình thức nuôi của các hộ điều tra. Trên cơ sở đó, phân tích ảnh hưởng cận biên của các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến năng suất tôm nuôi và xác định hiệu quả kinh tế của từng yếu tố đầu tư theo từng hình thức nuôi cụ thể. 
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Qua ba năm, từ năm 2002 đến năm 2004, diện tích nuôi tôm của huyện Phú Vang đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2002, diện tích nuôi tôm của huyện chỉ đạt 1.367,7 ha, thì đến năm 2004, diện tích nuôi tôm đã là 1.838,1 ha (tăng 470,4 ha), trong đó hình thức nuôi bán thâm canh tăng 546,9 ha, tức tăng 77,86%; hình thức nuôi thâm canh tăng 41,1 ha, tức tăng 104,58%, trong khi đó hình thức nuôi quảng canh cải tiến giảm 117,6 ha, tức giảm 18,79%. Điều đó cho thấy, nếu hình thức nuôi quảng canh cải tiến là chủ yếu của huyện trong những năm 1997-2001, thì giai đoạn 2002-2004, chủ yếu là hình thức nuôi bán thâm canh, năm 2004 hình thức nuôi bán thâm canh chiếm 67,97% trong tổng diện tích nuôi tôm của huyện. 
Chủng loại nuôi trồng thủy sản của 90 hộ điều tra chủ yếu là tôm và là tôm sú, cụ thể là tôm sú nước lợ với các hình thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh và chủ yếu là nuôi hạ triều, vì tôm là loài dễ nuôi, phù hợp với nhiều vùng cả vùng nước ngọt và vùng nước lợ, có thể nuôi chắn sáo ven sông, đầm, có thể thả nuôi ở ruộng lúa, trong các hồ đào và nuôi tôm công nghiệp hay nuôi tôm thâm canh trên cát, nuôi cao triều... Nhờ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, nâng cao đê đập, tăng mật độ giống thả... năng suất, sản lượng tôm nuôi năm 2004 của các hộ điều tra đạt cao, bình quân chung đạt 0,96 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất tôm nuôi theo hình thức thâm canh là 2,23 tấn/ha, bán thâm canh là 1,16 tấn/ha và hình thức quảng canh cải tiến chỉ đạt 0,22 tấn/ha. Năng suất tôm nuôi theo hình thức thâm canh cao hơn các hình thức khác do đầu tư vốn và chi phí cho hình thức này rất cao. Bình quân/ha nuôi tôm, vốn bỏ ra là 45,41 triệu đồng, trong đó thâm canh là 102,1 triệu đồng, tỷ lệ vốn vay là 45,31%; bán thâm canh là 65,59 triệu đồng, tỷ lệ vốn vay là 43,2% và nuôi quảng canh cải tiến là 22,91 triệu đồng với tỷ lệ vay là 42%. Số liệu điều tra cũng cho thấy, chi phí trung gian bình quân/ha là 44,68 triệu đồng, trong đó thâm canh là 97,59 triệu đồng, bán thâm canh 54,03triệu đồng và quảng canh cải tiến là 11,63 triệu đồng. Trong chi phí trung gian, tỷ trọng chi phí thức ăn là cao nhất, bình quân chung chiếm 48,28% tổng chi phí trung gian. Chi phí thức ăn quảng canh cải tiến chỉ chiếm 36,01% thì ở bán thâm canh và thâm canh tương ứng là 47,05% và 56,35% trong tổng chi phí.
	Bình quân một ha nuôi tôm, giá trị gia tăng từ nuôi tôm tạo ra được 20,17 triệu đồng, tuy nhiên của hình thức thâm canh đạt 43,59 triệu đồng/ha, bán thâm canh đạt 23,67 triệu đồng/ha và quảng canh cải tiến chỉ đạt 6,06 triệu đồng/ha. Bình quân 01 đồng chi phí trung gian bỏ ra nuôi tôm sẽ tạo ra được 0,45 đồng giá trị gia tăng và 1,45 đồng giá trị sản xuất. Nhưng xét về sức sinh lợi thì 01 đồng chi phí bỏ ra với hình thức nuôi thâm canh sẽ thu được 0,23 đồng lợi nhuận; hình thức nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến tương ứng thu được 0,18 đồng và 0,16 đồng lợi nhuận. Hàm sản xuất Cobb-Douglas của các hộ nuôi tôm được điều tra có dạng:
	Trong đó, Y: Năng suất tôm nuôi (tấn/ha); X1: Giống (1000con/ha); X2: Lao động (công /ha); X3: Thức ăn tự sản xuất (kg/ha); X4: Thức ăn công nghiệp(kg/ha); D1: Vụ sản xuất (D1=1: vụ 1; D1=0: vụ khác); D2: Hình thức nuôi (D2 =1: quảng canh cải tiến; D2=0: hình thức khác); D3: Hình thức nuôi (D3 =1: bán thâm canh; D3=0: nuôi thâm canh). 
	Qua phân tích hàm sản xuất cho ta mô hình trên là phù hợp với thực tế với mức ý nghĩa 99%. Hệ số tương quan điều chỉnh (R2 điều chỉnh) là 89%, có nghĩa là 89% sự biến động năng suất tôm nuôi của các hộ điều tra là do các yếu tố trong mô hình tạo ra. Còn 11% sự biến động của năng suất tôm nuôi của các hộ điều tra là do các yếu tố ngoài mô hình tạo ra như yếu tố thủy hóa sinh trong ao nuôi, khí hậu, thời tiết, nguồn nước... Hệ số hồi quy của biến thức ăn công nghiệp là 0,278144 với mức ý nghĩa 99%, tức khi cố định các yếu tố đầu vào trong mô hình ở mức trung bình, nếu tăng thức ăn công nghiệp lên 1% so mức trung bình của mẫu thì năng suất tôm tăng lên 0,278144 %. Tương tự, hệ số hồi quy của biến thức ăn tươi là 0,178681 với mức ý nghĩa 99%. Thức ăn công nghiệp có ảnh hưởng lớn hơn thức ăn tươi, tuy nhiên, trong thực tế, do giá thức ăn tươi rẻ hơn nên nhiều hộ nuôi tôm vẫn sử dụng thức ăn tươi nhiều hơn. Tuy nhiên, thức ăn tươi dễ làm tôm bị dịch bệnh, ô nhiễm ao nuôi. Tỷ lệ giữa thức ăn tươi và thức ăn công nghiệp mà các hộ nuôi thường sử dụng là 40%-50%: 60%-50%, trong khi đó, tỷ lệ cho phép của Sở thủy sản là 20%: 80%. 
	Kết quả phân tích trên cũng cho ta thấy hệ số hồi quy của biến giả D1 (vụ nuôi) là 0,168519 với mức ý nghĩa 95%, điều này chứng tỏ rằng nuôi tôm vụ 1 đạt năng suất bình quân trên một ha/vụ cao hơn nuôi tôm vụ hai. Hệ số hồi quy của biến giả D2, D3 (hình thức nuôi) (hình thức nuôi quảng canh cải tiến D2=1, hình thức nuôi bán thâm canh D3=1) tương ứng (-0,844275) và (-0,413272) với mức ý nghĩa 99% và 99%, mang dấu âm, chứng tỏ khi tăng các hình thức nuôi quảng canh cải tiến hoặc bán thâm canh lên 1% làm giảm năng suất tôm 0,844275% và 0,413272% tương ứng cho mỗi phần trăm tăng lên trên mỗi hình thức. Điều đó có nghĩa là hình thức nuôi thâm canh tác động làm tăng năng suất tôm nuôi, đây cũng là xu hướng phát triển chung của nghề nuôi tôm ở huyện Phú Vang.
Phân tích hàm sản xuất Cobb-Douglas cho thấy năng suất cận biên của giống, thức ăn tươi ở hình thức thâm canh là cao nhất cho tất cả các vụ. Nếu nuôi thâm canh, tăng 1000 con giống, năng suất cận biên ở vụ 1 là 1,52 kg tôm sản phẩm, ở vụ 2 là 1,28 kg tôm sản phẩm, trong khi đó hình thức nuôi bán thâm canh chỉ đạt 1,01 kg ở vụ 1 và 0,85 kg ở vụ 2. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư các yếu tố đầu vào có sự khác nhau đáng kể, thức ăn tươi là yếu tố đầu vào tạo ra hiệu quả cao nhất. Đối với hình thức nuôi tôm thâm canh, khi tăng 1 kg thức ăn tươi trong điều kiện cố định các yếu tố đầu vào khác ở mức trung bình của mẫu, giá trị tăng thêm mà hộ nông dân thu được là 39.580 đồng ở vụ 1 và 31.440 đồng ở vụ 2; ở hình thức nuôi tôm bán thâm canh, giá trị tăng thêm mà hộ nông dân thu được là 22.560 đồng ở vụ 1 và 17.380 đồng ở vụ 2; còn ở hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến, giá trị tăng thêm mà hộ nông dân thu được là 11.460 đồng ở vụ 1 và 7.760 đồng ở vụ 2. Tiếp đến là thức ăn công nghiệp, nếu tăng 1 kg thức ăn công nghiệp trong điều kiện cố định các yếu tố đầu vào khác ở mức trung bình của mẫu, giá trị tăng thêm mà hộ nông dân thu được ở hình thức nuôi thâm canh là 28.940 đồng ở vụ 1 và 22.280 đồng ở vụ 2; ở hình thức nuôi tôm bán thâm canh, con số này tương ứng là 14.140 đồng ở vụ 1 và 9.700 đồng ở vụ 2; còn ở hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến, con số này tương ứng là 3.780 đồng ở vụ 1 và 820 đồng ở vụ 2. Trong khi đó, giống và công lao động đầu tư ở hình thức nuôi thâm canh còn có hiệu quả nhưng ở hình thức bán thâm canh và quảng canh cải tiến thì không có hiệu quả, ngược lại, người nuôi tôm càng đầu tư càng bị lỗ. Cụ thể, ở vụ 1, nếu tăng 1000 con giống, đối với hình thức thâm canh giá trị còn tăng thêm được 28.440 đồng nhưng ở hình thức bán thâm canh lại phải chịu lỗ 9.300 đồng và quảng canh cải tiến chịu lỗ đến 35.940 đồng. Còn ở vụ 2, con số này tương ứng đối với hình thức thâm canh giá trị còn tăng thêm được 10.680 đồng và ở hình thức bán thâm canh lại phải chịu lỗ 21.140 đồng và quảng canh cải tiến chịu lỗ đến 43.340 đồng. Tương tự, đối với công lao động, ở vụ 1, nếu tăng thêm 1 công lao động, đối với hình thức thâm canh giá trị còn tăng thêm được 11.990 đồng nhưng ở hình thức bán thâm canh lại phải chịu lỗ 4.290 đồng và quảng canh cải tiến chịu lỗ đến 15.390 đồng. Còn ở vụ 2, con số này tương ứng đối với hình thức thâm canh giá trị còn tăng thêm được 4.590 đồng và ở hình thức bán thâm canh lại phải chịu lỗ 8.730 đồng và quảng canh cải tiến chịu lỗ đến 18.350 đồng. Như vậy, trong điều kiện hiện nay đối với các hộ điều tra ở Phú Vang, đối với các hình thức nuôi, đầu tư thêm thức ăn tươi hộ nuôi tôm còn có thể tạo thêm giá trị lớn. Tuy nhiên, đầu tư thức ăn tươi dễ gây nên dịch bệnh và có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường nước nặng. Cần thiết phải có biện pháp thích đáng cải tạo môi trường khi sử dụng nhiều thức ăn tươi. 
Với hình thức nuôi tôm thâm canh, hộ nuôi tôm nên đầu tư thêm các yếu tố đầu vào như thức ăn, giống, lao động còn có hiệu quả kinh tế cao. Đối với hình thức nuôi bán thâm canh và quảng canh cải tiến, hộ nuôi tôm nên đầu tư thêm thức ăn vì còn tạo ra hiệu quả kinh tế, riêng đối với yếu tố giống và lao động, cần thiết hộ phải giảm đầu tư, vì hiện tại nếu đầu tư thêm không những không đạt hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra thua lỗ trong đầu tư ở các vụ.
 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
	Nuôi tôm hiện nay đã phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Phú Vang, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác có hiệu quả tài nguyên, giải quyết việc làm tăng thu nhập. Xu hướng nuôi tôm của huyện theo hướng giảm dần diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến và tăng diện tích nuôi tôm bán thâm canh và thâm canh. 
Năng suất nuôi tôm của các hộ điều tra ở huyện Phú Vang chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó chủ yếu là thức ăn tươi, thức ăn công nghiệp, vụ nuôi, con giống và công lao động. Thức ăn công nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất tôm của các hộ nuôi; thứ đến là biến thức ăn tươi, vụ nuôi, hình thức nuôi và ảnh hưởng thấp nhất là công lao động. 
Tuy nhiên, qua phân tích hiệu quả kinh tế khi đầu tư các yếu tố đầu vào của các hộ nuôi tôm ở Phú Vang hiện nay chúng tôi nhận thấy: đối với các hộ nuôi tôm ở huyện Phú Vang hiện nay việc đầu tư thức ăn tươi sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất đối với mọi hình thức và cả hai vụ nuôi. Đầu tư thêm 1 kg thức ăn tươi trên một ha nuôi tôm ở vụ 1, nuôi thâm canh, giá trị tăng thêm sẽ là 39.580 đồng; nuôi bán thâm canh sẽ được 22.560 đồng và nuôi quảng canh cải tiến sẽ được 11.460 đồng. Đầu tư tăng thêm 1 kg thức ăn tươi trên một ha nuôi tôm ở vụ 2, nuôi thâm canh, giá trị tăng thêm sẽ là 31.440 đồng, nuôi bán thâm canh sẽ được 17.380 đồng và nuôi quảng canh cải tiến sẽ được 7.760 đồng. Đối với thức ăn công nghiệp, các hộ tăng thêm đầu tư vẫn còn tạo ra giá trị gia tăng cao. 
Ngược lại, các hộ đầu tư thêm giống và công lao động sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Nếu hộ nuôi tôm đầu tư thêm 1.000 con giống trên một ha nuôi tôm ở vụ 1, nuôi bán thâm phải chịu lỗ 9.300 đồng và nuôi quảng canh cải tiến sẽ là 35.940 đồng; ở vụ 2 mức độ lỗ còn nặng hơn. Tương tự, đối với công lao động, nếu hộ nuôi tôm thuê thêm 1 công lao động trên một ha nuôi tôm ở vụ 1, nuôi bán thâm phải chịu lỗ 4.290 đồng và nuôi quảng canh cải tiến sẽ là 15.350 đồng; tương tự ở vụ 2 mức độ lỗ cao hơn. 
Như vậy, trong điều kiện hiện nay đối với các hộ nuôi tôm được điều tra ở Phú Vang, để có năng suất tôm nuôi và hiệu quả kinh tế cao, các hộ nuôi tôm nên đầu tư nuôi tôm theo hình thức thâm canh, nuôi ở vụ 1 và sử dụng nhiều thức ăn tươi. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra cho các hộ ở đây là hình thức nuôi thâm canh đòi hỏi vốn đầu tư quá cao, sử dụng thức ăn tươi lại gây ô nhiễm môi trường lớn. Vì vậy, để giải đáp những vấn đề này, công tác quy hoạch vùng nuôi tôm, công tác xử lý môi trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như điện, nguồn nước cung cấp, kênh nước thoát, đê ngăn mặn; phòng trừ dịch bệnh, cho vay vốn với mức vay lớn là những vấn đề nổi cộm, chính quyền địa phương cần tập trung giải quyết, để nghề nuôi tôm ở huyện Phú Vang phát triển mạnh và vững chắc, xứng đáng là ngành mũi nhọn tạo ra nhiều giá trị kinh tế cho địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở Thủy Sản Thừa Thiên Huế. Khái quát về hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang (1999)
Dự án tăng cường công tác quản lý hệ thống bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Chiến lược hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 (2003) 
Phòng Thống kê huyện Phú Vang (2002, 2003, 2004, 2005), Niêm giám thống kê huyện Phú Vang các năm 2001, 2002, 2003, 2004.
Phạm Quyền. Xây dựng phương án sử dụng hợp lý đất, ruộng nhiễm mặn bãi biển và mặt nước để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản ở một số vùng trọng điểm (2002)
SOME FACTOS WHICH INFLUENCED THE PRODUCTIVITY 
OF SHRIMP RAISING FROM HOUSEHOLD SURVEYED IN 
PHU VANG DISTRICT, THUA THIEN HUE PROVINCE
Phan Van Hoa
College of Economics, Hue University
SUMMARY
Nowadays, shrimp raising has been developed into the key economics of Phu Vang district, Thua Thien Hue province, it has contributed in transferring the structure of agricultural and rural production turning toward goods production, exploitation with efficient of natural resources in order to solve daily job and increase income. The trend of shrimp raising from the district gradually reduces area of shrimp raising in extensive farming improvement and increases area of shrimp raising in half-intensive farming and intensive farming.
The result of analysing function of Cobb-Douglas production has been seen that the productivity of shrimp raising from the households surveyed in Phu Vang district has been acted upon by a lot of factors among these factors, fresh food, industrial food, raising crops, breed and daily labour have player an important role. Industrial food has influenced the productivity of shrimp the most. However, investing more fresh food has brought the highest economic efficient for households raising shrimps. These, to get high productivity and efficient, shrimp raising households of Phu Vang district need to invest the intensive farming; raising shrimps in the first crop and increasing fresh food. Therefore, all levels of local government early need to solve the scheme of raising region, environment management, infrastructure perfectibility such as electricity, water provision, canals, dykes for preventing salt water, epidemic disease-prevention, loan borrowed with the high level are main problems which the local government has to concentrate to solve. So that the shrimp raising of Phu Vang district can develop strongly and unshakably, to be worthy of being the key trade which will create a lot of economic value for locality.

File đính kèm:

  • docmot_so_nhan_to_anh_huong_den_nang_suat_tom_nuoi_cua_cac_ho_d.doc