Một số đặc trưng của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam

Tóm tắt: Bài viết này bước đầu luận giải một số đặc trưng của

nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam như: nhân sinh quan Phật

giáo Việt Nam có sự hòa quyện với văn hóa và các hình thức thờ

cúng bản địa; sự tương đồng giữa nhân sinh quan Phật giáo

Việt Nam với quan niệm nhân sinh người Việt Nam; tinh thần

nhập thế của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam.

Từ khóa: Nhân sinh quan Phật giáo, nhân sinh quan Phật giáo

Việt Nam, quan niệm nhân sinh người Việt Nam.

pdf 10 trang phuongnguyen 3100
Bạn đang xem tài liệu "Một số đặc trưng của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số đặc trưng của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam

Một số đặc trưng của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 25 
NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG(*) 
MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG 
CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO VIỆT NAM 
Tóm tắt: Bài viết này bước đầu luận giải một số đặc trưng của 
nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam như: nhân sinh quan Phật 
giáo Việt Nam có sự hòa quyện với văn hóa và các hình thức thờ 
cúng bản địa; sự tương đồng giữa nhân sinh quan Phật giáo 
Việt Nam với quan niệm nhân sinh người Việt Nam; tinh thần 
nhập thế của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam. 
Từ khóa: Nhân sinh quan Phật giáo, nhân sinh quan Phật giáo 
Việt Nam, quan niệm nhân sinh người Việt Nam. 
Nhân sinh quan Phật giáo là quan niệm của Phật giáo về con người, 
cuộc sống con người, bản chất con người, thái độ và hành vi tu tập của 
con người nhằm mục đích giải thoát. Nói cách khác, mục đích cuối cùng 
và tư tưởng chủ đạo của nhân sinh quan Phật giáo là giải thoát chúng sinh 
khỏi kiếp trầm luân đau khổ. Để đạt được sự giải thoát, Phật giáo nêu ra 
bốn chân lý (tứ diệu đế) cho mọi người thực hiện. Từ khi du nhập đến 
nay, Phật giáo đã để lại nhiều dấu ấn cho dân tộc Việt Nam, từ tín 
ngưỡng đến văn hóa, từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ tư tưởng 
đến tình cảm. Nhiều vấn đề của lịch sử dân tộc và văn hóa dân tộc Việt 
Nam sẽ không sáng rõ nếu không hiểu được Phật giáo Việt Nam. Mặt 
khác, văn hóa Việt Nam cũng góp phần biến đổi Phật giáo, làm cho Phật 
giáo Việt Nam có những đặc trưng riêng so với Phật giáo Ấn Độ hay Phật 
giáo Trung Quốc. 
Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tồn tại xã hội giữ vai trò 
quyết định đối với ý thức xã hội. Ý thức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã 
hội, phụ thuộc vào tồn tại xã hội. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi đất nước và 
mỗi tộc người khác nhau sẽ có những tư tưởng khác nhau do sự khác 
* ThS., Khoa Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. 
26 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 
nhau của tồn tại xã hội quy định. Mặc dù tính kế thừa tạo thành dòng 
chảy chung trong mạch nguồn tư tưởng nhân loại, song không thể phủ 
nhận tác động to lớn của tồn tại xã hội làm khúc xạ sự phản ánh của ý 
thức xã hội. Phân tích sự khúc xạ của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam 
so với nhân sinh quan Phật giáo Ấn Độ có thể thấy khá rõ điều này. 
Trên cái nền của nhân sinh quan Phật giáo Ấn Độ với những phạm trù 
cơ bản như Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Lục độ khi vào Việt Nam, Phật 
giáo đã có những biến đổi cho phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống 
của con người Việt Nam. Những nội dung cơ bản của nhân sinh quan 
Phật giáo Nguyên thủy vẫn được kế thừa ở nhân sinh quan Phật giáo Việt 
Nam như: quan niệm về cuộc đời con người là khổ, nguyên nhân của khổ 
do Tam độc: Tham - Sân - Si, con đường thoát khổ bằng Giới - Định - 
Tuệ Đích đến của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam vẫn là giải thoát, 
nhưng khi Phật giáo được ươm mầm và phát triển trên đất Việt thì vị giải 
thoát không còn hoàn toàn như trên đất Ấn. 
Trăn trở về kiếp nhân sinh của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt 
Nam giống nhau, nhưng góc nhìn nỗi khổ và nguyên nhân nỗi khổ thì 
ngoài những nét tương đồng còn có những điểm dị biệt. Thêm một cách 
lý giải nữa là khi nghiên cứu một hệ tư tưởng nào đó không thể không 
thấy sự tương tác giữa nó với các hệ tư tưởng và hình thái ý thức xã hội 
khác. Khi Phật giáo du nhập vào Giao Châu, ở đây đã có nhiều hình thức 
thờ cúng như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng nữ thần, thờ cúng các vị nhiên 
thần, v.v... 
Yếu tố quyền năng trong các hình thức thờ cúng bản địa khiến cho tư 
duy người Việt Nam dễ dàng chấp nhận tinh thần giải thoát bằng tha lực 
của Phật giáo, đồng thời làm tăng thêm màu sắc phép lạ cho Phật giáo ở 
Giao Châu. Tư duy của người Việt Nam vốn là tư duy biện chứng mềm 
dẻo, linh hoạt cộng với thái độ bao dung, cởi mở nên dễ dàng dung nạp, 
thích ứng và chung sống hòa bình với các tư tưởng, tôn giáo không gây 
hại cho sự phát triển đất nước. Trong nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam 
có sự dấn thân và nhập thế của Nho giáo, có sự tiêu dao và tự tại của Đạo 
giáo, có bóng dáng quyền năng của các hình thức thờ cúng bản địa1. Như 
vậy, cái làm nên sự khác biệt ở Phật giáo mỗi nước là do hoàn cảnh lịch 
sử, truyền thống dân tộc, tâm lý dân tộc, mang lại. “Nó như một thứ 
chất lỏng, chui vào bình chứa hình gì thì nó theo bình ấy mà liền ngay”2. 
Nguyễn Thị Thu Hằng. Một số đặc trưng 27 
27 
Từ đó, chúng ta thấy, nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam có một số nét 
đặc trưng sau: 
Thứ nhất, nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam có sự hòa quyện với 
văn hóa và các hình thức thờ cúng bản địa. Văn hóa và các hình thức thờ 
cúng của người Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Vào thế kỷ đầu 
trước Công nguyên, mặc dù nội thuộc nhà Hán, nhưng các hình thức thờ 
cúng của người Giao Châu rất phong phú và thiết thực, gắn với điều kiện 
địa lý tự nhiên và phương thức trồng trọt, chủ yếu là cấy lúa nước. Người 
Việt Nam không đi theo hướng nhận thức để đối phó với tự nhiên, chế 
ngự và làm chủ nó. Ngược lại, họ tìm cách thích ứng với tự nhiên, tôn 
trọng tự nhiên. Đất Việt không chỉ đơn giản là địa bàn làm ăn sinh sống 
có thể dễ làm khó bỏ, mà còn là sản phẩm gắn bó máu thịt với con người 
được trao truyền từ đời này qua đời khác. Con người sống với đất nước 
bằng cả ý thức trách nhiệm và tình cảm được vun đắp theo bề dày lịch sử, 
tạo thành tâm thức cộng đồng, thành cái thiêng liêng chi phối cách sống 
của họ. Nếu non sông đất nước là ngọn nguồn đầu tiên của ý niệm thiêng 
liêng nối liền niềm tin vào nhiều vị thần, từ quan niệm hồn linh giáo đến 
quan niệm địa linh nhân kiệt, khí thiêng sông núi, thì niềm tự hào về nòi 
giống Tiên Rồng là ngọn nguồn thứ hai tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi con 
dân Đất Việt. 
Trong bối cảnh thờ cúng ấy, Phật giáo đã thấm sâu vào văn minh Giao 
Châu dễ dàng và tự nhiên “như nước thấm vào lòng đất”3. Nhìn chung, 
người bình dân Việt Nam không đi sâu nghiên cứu kinh điển Phật giáo. 
Đại đa số Phật tử và quần chúng ưa thích tiếp nhận Phật giáo dưới dạng 
đơn giản và rút gọn trong giáo lý, phù hợp với quan niệm của họ về thế 
giới siêu nhiên che chở con người, góp phần nhân đạo hóa cuộc sống con 
người. Nhân sinh quan Phật giáo được đơn giản hóa phù hợp với các hình 
thức thờ cúng của người Việt Nam. Từ khi Phật giáo vào Việt Nam, trong 
hệ thống thần linh của người Việt Nam có thêm một ông Bụt. Ông Bụt 
của người Việt Nam không phải là ông tổ của Phật giáo, mà có tư cách 
một vị thần tiêu biểu cho đức tính hiền lành, giàu lòng thương người, sẵn 
sàng giúp đỡ, an ủi người nghèo khổ gặp hoạn nạn. Phật giáo đã làm 
phong phú và nâng cao quan niệm của người Việt Nam về cái Thiêng 
trong đời sống tôn giáo của họ. Sau này, qua nhiều thế kỷ, Phật giáo từng 
bước cắm rễ bền gốc vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, để đến 
28 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 
thời Lý - Trần, tôn giáo này có vai trò rất lớn trong việc phát sáng nền 
văn hóa Đại Việt buổi đầu độc lập. 
Phật giáo đời Lý, và sau đó đời Trần là một nền Phật giáo độc đáo với 
sự thịnh đạt của Phật giáo Trúc Lâm. Phật giáo Đại Việt khi ấy tiếp nhận 
không chỉ Phật giáo Ấn Độ mà còn Phật giáo Trung Hoa. Nhưng Phật 
giáo Trúc Lâm với những nét bản địa hóa về tư tưởng cũng như hành trì 
đã làm thành một Phật giáo Việt Nam duy trì và bồi đắp cá tính Việt 
Nam, tạo nên một thời đại văn hóa Lý - Trần rực rỡ với rất nhiều danh 
tăng. Họ tạo thành giới trí thức đầu tiên có vai trò to lớn trong công cuộc 
xây dựng nền văn hóa dân tộc. Khi vào Việt Nam, do tính lịch sử cụ thể, 
Phật giáo chú trọng phát huy tinh thần nhập thế. Tinh thần nhập thế, 
khoan dung và mềm dẻo của Phật giáo đã gắn với tinh thần tự lực tự 
cường và tiến thủ vốn là cốt tủy của nền văn hóa Đại Việt. Nếu Nho giáo 
còn chưa tác động đến văn hóa Đại Việt một cách rõ rệt đương thời, thì 
chính Phật giáo đã góp phần to lớn duy trì tính cách độc lập văn hóa, 
nâng cấp phong tục tập quán và thờ cúng trong nhân dân trên cơ sở quan 
niệm về cái Thiêng gắn với ý thức quốc gia dân tộc. Phật giáo vừa là một 
kênh truyền giáo, vừa là một kênh truyền bá văn hóa và nâng cao dân trí. 
Trừ tầng lớp trí thức uyên thâm giáo lý nhà Phật, đại đa số Phật tử và 
người dân tiếp nhận Phật giáo như một phương thức ứng xử làm giàu hơn 
cuộc sống tinh thần, làm đẹp hơn quan hệ tình cảm giữa con người với 
con người theo nguyên tắc ở hiền gặp lành, sống nhân từ để phúc đức cho 
con cháu. Nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam quan niệm phần thưởng 
cao nhất là được làm người, sống no đủ về vật chất và hạnh phúc trong 
tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thương người như thể thương thân. 
Người Việt Nam trước hết quan tâm đến cuộc sống thực tại, sẵn sàng 
biên chế Phật ông, Phật bà vào hệ thống phúc thần luôn che chở và phù 
hộ cho cuộc sống của họ. Một số lượng khá lớn từ ngữ, khái niệm của 
Phật giáo gia nhập vào lời ăn tiếng nói hằng ngày, thành phương tiện diễn 
đạt quan niệm đạo đức truyền thống của người Việt như “cứu nhân độ 
thế”, “phúc đẳng hà sa”, “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “tu nhân tích 
đức”, “nhân nào quả ấy” với cách hiểu không còn nguyên theo lý 
thuyết Phật giáo. Do phù hợp với lẽ sống của người Việt Nam, chúng trở 
thành ngôn ngữ đạo đức thực tiễn, biểu hiện phương thức ứng xử nhân ái, 
hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội, giữa con người với con 
người như những giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam - một nền 
Nguyễn Thị Thu Hằng. Một số đặc trưng 29 
29 
văn hóa lấy con người và cuộc sống thực tại làm mục đích. Người Việt 
Nam nhìn nhận Tăng ni với thái độ yêu mến giữa con người với con 
người, nhiều hơn là kính nể như những vị thông giao giữa con người với 
thần linh. Đến chùa chiền hay đền miếu, họ đều sử dụng một ngôn ngữ 
cầu cúng như nhau, chủ yếu quan tâm đến mong muốn của mình, hiểu rất 
chung về đối tượng cầu khấn. Trong đối tượng thờ cúng của Phật giáo 
Việt Nam, phổ biến nhất là vị Quán Thế Âm Bồ tát được nữ hóa và 
thượng được gọi là Phật Bà Quan Âm. Nhân vật Phật giáo này được thờ 
cúng không chỉ trong các ngôi chùa, mà còn trong mỗi gia đình Phật tử. 
Ngôn từ và vật thiêng của Phật giáo được sử dụng rộng rãi trong đời sống 
tôn giáo của người Việt Nam. Ngôi chùa thờ phụng không chỉ Đức Phật 
và các nhân vật liên quan đến Phật giáo, mà còn nhiều vị thần linh của 
người Việt Nam. Phật giáo làm phong phú hơn ngôn ngữ của người Việt 
Nam trong giao tiếp với thần linh, hội nhập vào phong tục, nghi lễ và 
diễn xướng dân gian. Mặt khác, văn hóa dân gian là phương thức truyền 
tải những yếu tố Phật giáo thành các hình thức thờ cúng bản địa, nếp ứng 
xử của cộng đồng với thần linh, với tự nhiên, xã hội và con người, cấp 
cho nó sức sống trường tồn trong văn hóa dân tộc. 
Từ ngôi chùa đến cuộc sống đời thường không cách nhau bao xa. 
Người Việt Nam tìm thấy ở nhân sinh quan Phật giáo nhiều nét tương 
đồng với văn hóa, phong tục tập quán của mình. Qua nhân sinh quan Phật 
giáo, người Việt Nam tìm thấy lòng hướng thiện. Ngược lại, thông qua 
văn hóa truyền thống Việt Nam, nhân sinh quan Phật giáo đã bén rễ, lan 
rộng trong đời sống của người Việt Nam. Khi đã bén rễ, lan rộng trong 
đời sống tinh thần của người Việt Nam, nhân sinh quan Phật giáo 
Nguyên thủy không còn là nó nữa, mà đã được Việt Nam hóa, là của Việt 
Nam, nằm trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. 
Thứ hai, sự tương đồng giữa nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam với 
quan niệm nhân sinh của người Việt Nam. Thực tiễn đối mặt thường 
xuyên với giặc ngoại xâm và “giặc thiên nhiên”, người Việt Nam đã xây 
dựng cho mình một triết lý sống thể hiện trong ứng xử giữa con người 
với thiên nhiên, con người với con người, quá khứ với hiện tại... Điểm 
nổi bật trong triết lý sống ấy là chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước 
là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam từ truyền thống đến 
hiện đại, là dòng chủ lưu của đời sống người dân Việt Nam, trở thành 
một dạng triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn người Việt Nam. 
30 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 
Lòng yêu nước có nguồn gốc sâu xa từ ý thức gắn kết mối quan hệ nhà - 
làng - nước. Yêu nước là đặt lợi ích trong mối quan hệ hài hòa giữa ba 
nhân tố cơ bản đó, chăm lo xây dựng đất nước, sẵn sàng chống ngoại 
xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 
Trong quan niệm phổ biến của người Việt Nam, lợi ích của Tổ quốc 
bao giờ cũng lớn hơn lợi ích của cá nhân, quyền lợi của gia đình, dòng 
họ, ngai vàng của vua chúa. Ngoài chủ nghĩa yêu nước, lòng thương 
người cũng là một quan niệm sống của người Việt Nam. Lòng thương 
người của người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ trong thời kỳ công xã 
nông thôn còn thịnh hành, chế độ ruộng công được củng cố và phát triển 
qua quá trình khai phá giang sơn, giữ gìn đất nước. Tình thương yêu con 
người của người Việt Nam thấm đượm trong mối quan hệ giữa các thành 
viên trong gia đình, được phát triển trong quan hệ giữa gia đình với làng 
xóm và mở rộng ra cộng đồng dân tộc. Lấy tình thương yêu làm cơ sở 
cho cách xử thế là triết lý sống của người Việt Nam. Người Việt Nam coi 
trọng tình nghĩa, sự dung hòa “chín bỏ làm mười” để tạo nên sự gắn bó 
lâu dài, nhất là với hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau”. 
Khi du nhập vào nước ta, với quan niệm nhân sinh sâu sắc về con 
người và cuộc đời con người, Phật giáo đã tìm thấy sự tương đồng với 
nhân sinh quan của người dân bản địa như một hạt giống tốt được gieo 
trồng trên một mảnh đất màu mỡ nên dễ dàng đơm hoa kết trái. Nhân 
sinh quan Phật giáo phù hợp với tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng của 
người dân Việt Nam; ảnh hưởng sâu rộng đến đạo đức, thích ứng với 
điều kiện kinh tế xã hội và với đời sống phong hóa của người Việt Nam. 
Tư tưởng đạo đức trong nhân sinh quan Phật giáo kết hợp với giá trị đạo 
đức truyền thống của người Việt Nam tạo nên những khác biệt cho nhân 
sinh quan Phật giáo Việt Nam. Không những vậy, nhân sinh quan Phật 
giáo còn góp phần nâng cao, làm phong phú hơn và nhân văn hơn những 
giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam. Đạo đức truyền 
thống của dân tộc với nét nổi bật là chủ nghĩa yêu nước có nhiều điểm 
tương đồng với đạo đức từ bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo. Đạo đức 
Phật giáo đã hòa quyện vào chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Hai chữ “từ 
bi” của nhà Phật đã hòa với hai chữ “nhân nghĩa” của Việt Nam. 
Triết lý nhân sinh Phật giáo về chúng sinh bình đẳng Phật tính, về từ 
bi, về nghiệp báo, về nhân quả... tương đồng với đạo đức “Nhiễu điều 
phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, có giá 
Nguyễn Thị Thu Hằng. Một số đặc trưng 31 
31 
trị tích cực đối với cuộc sống của quần chúng nhân dân lao động. Đạo 
đức Phật giáo và đạo đức người Việt đã hòa quyện tới mức khó phân 
định. Đã từ lâu, trong nhân gian lưu truyền nếp nghĩ, nếp sống: “ở hiền 
gặp lành”, “ác giả ác báo”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “một 
con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, 
“thương người như thể thương thân”,... Những triết lý đó đã thấm sâu vào 
tâm thức của người dân Việt Nam khiến họ nói đến những điều đó một 
cách rất tự nhiên, có khi không nghĩ rằng đó là triết lý nhân quả của nhà 
Phật. Triết lý này trở thành nhân sinh quan của đại đa số người Việt Nam, 
có tác dụng khuyến thiện trừng ác rất lớn. 
Thực tế hơn 2.000 năm qua cho thấy, tuy vị trí và vai trò từng thời kỳ 
có khác nhau, song Phật giáo vẫn sống trong lòng dân tộc Việt Nam, vừa 
cải biến cho phù hợp với tâm thức người Việt Nam, vừa dung hợp với 
các hình thức tôn giáo cổ truyền. Khi đã thấm sâu vào tôn giáo dân gian, 
Phật giáo có vai trò quan trọng trong lối sống của người Việt Nam. Với 
triết lý đề cao cái Tâm, hạn chế sát sinh và mở rộng lòng từ bi đến với 
muôn loài, nhân sinh quan Phật giáo đã góp phần tạo nên đạo đức, lối 
sống của người Việt Nam; hướng con dân Đất Việt đến với Chân, Thiện, 
Mỹ; giúp họ không chỉ hiểu đạo mà còn hành đạo, không chỉ xuất thế mà 
còn nhập thế. 
Thứ ba, tinh thần nhập thế của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam. 
Từ hơn 2.000 năm về trước, khi vào Việt Nam với tư cách sứ giả của hòa 
bình và tình thân ái, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã được coi như một 
chuẩn mực tối cao của việc hành đạo rồi. Nếu không nhập thế, các sứ giả 
của Đức Phật khó có thể truyền bá đức tin trên mảnh đất thiên nhiên thì 
khắc nghiệt, người dân thì bị đô hộ. Nếu không nhập thế, các tăng sĩ tiên 
phong ấy khó có thể hoạt động có kết quả giữa những người dân Việt 
Nam cần cù, dũng cảm, coi trọng đời sống tâm linh nhưng cũng rất gắn 
bó với cuộc sống xã hội hiện thực. 
Chính quan niệm từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo đã dẫn 
dắt sự nhập thế và đã đưa ảnh hưởng của tôn giáo này lan tỏa một cách 
mạnh mẽ và sâu rộng trong dân gian. Giá trị tinh thần nhập thế của Phật 
giáo Việt Nam cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Do điều 
kiện lịch sử quy định, các Phật tử Việt Nam không chỉ biết tụng kinh, gõ 
mõ, lo cho việc giải thoát của bản thân, mà còn thực sự quan tâm đến vận 
mệnh chung của dân tộc. Quan niệm về nhân sinh không dừng lại ở kinh 
32 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 
sách, mà thực sự lan tỏa vào trong cuộc sống một cách sinh động. Phật 
giáo Việt Nam quan niệm, con đường đi đến giác ngộ chính là thông qua 
các hoạt động thực tiễn hằng ngày. Phật tử Việt Nam quan niệm Chân 
Như, Niết Bàn, Bồ Đề, Châm Tâm, Phật không phải ở đâu xa mà ngay 
trong tâm mỗi người. “Niết Bàn nằm trong thế giới trần tục, vậy con 
người trần tục muốn đạt đến cái nằm trong thế giới trần tục (Niết Bàn), 
tốt nhất nên bằng con đường trần tục như giã gạo, bổ củi, gánh nước, quét 
dọn...”4. Con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân quần xã hội. 
Trong quá trình đó, tâm con người ngày càng mở rộng. Tâm càng mở 
rộng bao nhiêu thì càng đi đến giác ngộ bấy nhiêu. Trên con đường giác 
ngộ bằng cứu nhân độ thế, tâm con người ngày càng khai mở bao trùm 
thiên hạ, muôn loài vạn pháp, tức là đạt đến tâm Phật. Điều này hoàn 
toàn khác với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc. 
Nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam mang trong mình tinh thần yêu 
nước và tinh thần nhập thế. Thời Lý - Trần là thời kỳ Phật giáo phát triển 
cực thịnh. Vì cứu dân tộc khỏi thảm họa ngoại xâm, nhiều Tăng ni và 
Phật tử sẵn sàng cầm gươm lên ngựa với tinh thần giết một người để cứu 
muôn người. Khi đất nước lâm nguy, những người con Phật không thể 
giáo điều máy móc ôm khư khư giới luật không được giết hại chúng sinh, 
trong đó có quân xâm lược đang giết hại đồng bào mình. Không vì một 
điều thiện nhỏ cho cá nhân mà quên điều thiện lớn cho dân tộc. Đây là sự 
phá giới theo tinh thần phá chấp. 
Chính vì vậy, khi bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam có nhiều biến động 
lớn, tinh thần nhập thế của Phật giáo lại có cơ hội để bộc lộ rõ hơn. Trong 
giai đoạn Việt Nam nằm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc 
Mỹ, Phật giáo Việt Nam lại đồng hành cùng dân tộc, là một bộ phận 
không thể thiếu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia kháng 
chiến để giành lại nền độc lập nước nhà. Trong cuộc kháng chiến chống 
thực dân Pháp, nhà sư Thiện Chiếu5 đã viết câu đối trước cửa chùa Linh 
Sơn, Sài Gòn, nơi ông làm giáo thụ như sau: “Phật pháp thị nhập thế nhi 
phi yếm thế/Từ bi nãi sát sinh dĩ độ chúng sinh” (Phật giáo là nhập thế 
chứ không phải yếm thế/ Từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh)6. Quan 
niệm từ bi của nhà sư Thiện Chiếu nói riêng và nhân sinh quan Phật giáo 
Việt Nam nói chung hoàn toàn khác so với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo 
Trung Quốc. Đây là điểm đặc sắc trong nhân sinh quan Phật giáo Việt 
Nam. Điểm đặc sắc này ngoài tinh thần sáng tạo của người Việt Nam, 
Nguyễn Thị Thu Hằng. Một số đặc trưng 33 
33 
còn được quy định bởi hoàn cảnh chính trị, xã hội của đất nước. Vì vậy, 
dễ lý giải vì sao phong trào yêu nước của giới Phật giáo Miền Nam năm 
1963 chống chính quyền Ngô Đình Diệm lại diễn ra mạnh mẽ, gây được 
tiếng vang không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước, điển hình là tấm 
gương tự thiêu vì đạo pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Lần đầu 
tiên trong lịch sử dân tộc, phương pháp bất bạo động được sử dụng để 
đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Tăng ni và Phật tử Miền 
Nam khi ấy chấp nhận hy sinh làm rung động lòng người chứ không phải 
chỉ là sự rung động thay đổi chính sách. 
Trải dài theo diễn trình lịch sử dân tộc, xuất phát từ nguyên lý cứu khổ 
cứu nạn, từ khi du nhập đến nay, Phật giáo luôn gắn bó với lợi ích dân 
tộc, tham gia vào quá trình giành độc lập cho dân tộc và thống nhất đất 
nước. Trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, Phật giáo cũng không 
giảm đi tính nhập thế khiến Phật giáo đi vào đời sống người dân Việt 
Nam sâu sắc hơn. Tinh thần nhập thế là nét độc đáo thể hiện sâu sắc 
những nội dung của nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam. Thực tiễn cuộc 
sống tích cực của con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì một 
quốc gia độc lập, thống nhất là mảnh đất tốt cho sự phát sinh những 
quan niệm tích cực của Phật giáo Việt Nam. Minh Chi từng nhận định 
xác đáng rằng: “Nhân sinh quan Phật giáo Việt Nam trên thực tế là 
một nhân sinh quan yêu đời, tích cực và chủ động cho nên đã tạo ra cả 
một thế hệ thiền sư, cao tăng, Phật tử của hai triều đại Lý - Trần, lăn 
lộn giữa đời để cứu người nhưng không bị thế tục làm thấp nhân 
phẩm, lên tới đỉnh tột cùng của danh lợi thế gian mà coi thường danh 
lợi ấy như bèo bọt, như sương mai, sống giữa bùn lầy như hoa sen mà 
vẫn không hôi tanh mùi bùn”7. 
Với những đặc điểm đó, Phật giáo trở thành một tôn giáo đóng vai trò 
quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam; góp phần 
định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị đạo đức văn hóa Việt 
Nam. Những giá trị mà Phật giáo mang lại trong đời sống tinh thần của 
người Việt Nam trải dài từ Bắc chí Nam, từ quá khứ đến hiện tại và chắc 
chắn cả trong tương lai nữa./. 
CHÚ THÍCH: 
1 Nguyễn Thị Toan (2010), Giải thoát luận Phật giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia, 
Hà Nội: 135. 
2 Walpola Rahula (1994), Lời Phật dạy, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 302. 
34 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 
3 Xem Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội. 
4 Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. 
Khoa học xã hội, Hà Nội: 395. 
5 Thiện Chiếu (1898 - 1974) vừa là một nhà sư, vừa là một chiến sĩ cộng sản. Xem 
Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2006), Thiện Chiếu: Nhà sư - Chiến sĩ Cách mạng, 
Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
6 Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, sđd: 400. 
7 Minh Chi (2005), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 
Hà Nội: 75. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Minh Chi (2005), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, 
Hà Nội. 
2. Nguyễn Hùng Hậu (2002), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. 
Khoa học xã hội, Hà Nội. 
3. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội. 
4. Walpola Rahula (1994), Lời Phật dạy, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 
5. Nguyễn Thị Toan (2010), Giải thoát luận Phật giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia, 
Hà Nội. 
6. Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2006), Thiện Chiếu: Nhà sư - Chiến sĩ Cách mạng, 
Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
Abstract 
SOME SPECIAL CHARACTERS OF VIETNAM BUDDHIST 
OUTLOOK ON LIFE 
This article initially interpreted some special characters of Vietnam 
Buddhist outlook on life: Vietnam Buddhist outlook on life has integrated 
into national culture and native forms of worship; the similarity of 
Vietnam Buddhist outlook on life with the view on outlook on life of 
Vietnamese; the spirit of entering into life of Vietnam Buddhist outlook 
on life. 
Key words: Buddhist outlook on life, Vietnamese Buddhist outlook 
on life, the view of outlook on life of Vietnamese. 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_dac_trung_cua_nhan_sinh_quan_phat_giao_viet_nam.pdf