Bảo tồn cảnh quan văn hóa lăng tẩm Huế

Tóm tắt: Từ năm 2007, UNESSCO đã đưa ra các khuyến nghị đối với Thành phố Huế nhằm mở rộng ranh

giới vùng đệm, tái đề cử khu vực để trở thành cảnh quan văn hóa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các khu vực

được bảo vệ của di sản vẫn còn hạn chế trong các khu vực tiếp giáp trực tiếp với công trình. Đặc biệt, đối với

các lăng tẩm tại Huế, ranh giới bảo vệ được tính theo hai vùng: vùng 1 bao gồm khu vực bên trong La Thành

và khu vực trong vòng bán kính 30 m tính từ La Thành; vùng 2 bao gồm khu vực trong vòng 70 m tính từ La

Thành. Cách xác định ranh giới này mang tính cứng nhắc, không bảo vệ được các giá trị lịch sử văn hóa,

đồng thời không cân nhắc đến các yếu tố kinh tế, xã hội, hiện trạng xây dựng của khu vực xung quanh. Bài

báo lựa chọn nghiên cứu cảnh quan văn hóa khu vực lăng Tự Đức làm trường hợp nghiên cứu cụ thể. Hai

phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng bao gồm khảo sát thực địa và áp dụng phần mềm QGIS. Mục

tiêu bài báo nhằm xác định yếu tố cấu thành cảnh quan văn hóa khu vực, đề xuất ranh giới vùng 2 mở rộng,

và đề xuất các giải pháp quản lý phát triển. Các kết quả của bài báo sẽ là tài liệu tham khảo để thiết lập và

điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế cũng như quy hoạch bảo tồn khu vực lăng tẩm.

pdf 6 trang phuongnguyen 3680
Bạn đang xem tài liệu "Bảo tồn cảnh quan văn hóa lăng tẩm Huế", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Bảo tồn cảnh quan văn hóa lăng tẩm Huế

Bảo tồn cảnh quan văn hóa lăng tẩm Huế
17TẬP 11 SỐ 509 - 2017
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG
BẢO TỒN CẢNH QUAN VĂN HÓA
LĂNG TẨM HUẾ
Lê Quỳnh Chi1* 
Tóm tắt: Từ năm 2007, UNESSCO đã đưa ra các khuyến nghị đối với Thành phố Huế nhằm mở rộng ranh 
giới vùng đệm, tái đề cử khu vực để trở thành cảnh quan văn hóa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các khu vực 
được bảo vệ của di sản vẫn còn hạn chế trong các khu vực tiếp giáp trực tiếp với công trình. Đặc biệt, đối với 
các lăng tẩm tại Huế, ranh giới bảo vệ được tính theo hai vùng: vùng 1 bao gồm khu vực bên trong La Thành 
và khu vực trong vòng bán kính 30 m tính từ La Thành; vùng 2 bao gồm khu vực trong vòng 70 m tính từ La 
Thành. Cách xác định ranh giới này mang tính cứng nhắc, không bảo vệ được các giá trị lịch sử văn hóa, 
đồng thời không cân nhắc đến các yếu tố kinh tế, xã hội, hiện trạng xây dựng của khu vực xung quanh. Bài 
báo lựa chọn nghiên cứu cảnh quan văn hóa khu vực lăng Tự Đức làm trường hợp nghiên cứu cụ thể. Hai 
phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng bao gồm khảo sát thực địa và áp dụng phần mềm QGIS. Mục 
tiêu bài báo nhằm xác định yếu tố cấu thành cảnh quan văn hóa khu vực, đề xuất ranh giới vùng 2 mở rộng, 
và đề xuất các giải pháp quản lý phát triển. Các kết quả của bài báo sẽ là tài liệu tham khảo để thiết lập và 
điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế cũng như quy hoạch bảo tồn khu vực lăng tẩm.
Từ khóa: Bảo tồn; cảnh quan văn hóa; lăng tẩm; Huế.
Cultural landscape conservation in imperial tombs in Hue city
Abstract: Since 2007, UNESSCO has made the suggestion to nominate Hue as cultural landscape by 
expanding the conservation area. However, until now, the conservation area has been limited in the adjacent 
area of the heritage. Especially, with regard to the King’s tomb, the conservation area has been protected 
with two areas: Core zone within radius of 30 m from the wall, buffer zone within radius of 70 m from the 
wall; which has resulted in the degradation of cultural landscape. The paper selected Tu Duc King’s tomb 
as a case study. Two main research methods to be used include on-site survey and using QGIS. The 
objective is to define the components of cultural landscape, propose the expanding of the buffer zone, and 
the development management. The result will be used as the reference for Hue Construction Master Plan 
and conservation plan.
Keywords: Conservation; cultural landscape; King’s tomb; Hue city.
Nhận ngày 5/9/2017; sửa xong 19/9/2017; chấp nhận đăng 26/9/2017 
Received: September 5th, 2017; revised: September 19th, 2017; accepted: September 26th, 2017
1. Giới thiệu
Vào năm 1992, Ủy ban Di sản Thế giới trở thành cơ quan pháp lý quốc tế đầu tiên có chức năng 
công nhận và bảo vệ cảnh quan văn hóa. Cuộc họp lần thứ 16 của Ủy ban đã đưa ra hướng dẫn liên quan 
đến việc xếp hạng trong Danh mục Di sản thế giới: Ủy ban xác nhận rằng cảnh quan văn hóa đại diện cho 
“các công trình có sự kết hợp giữa năng lực của con người và tự nhiên” được nêu rõ trong Điều 1 của Công 
ước. Đó là sự minh chứng cho sự phát triển và ổn định của xã hội loài người qua thời gian, dưới tác động 
của những trở ngại và/hoặc cơ hội về vật chất thông qua môi trường tự nhiên hoặc các lực lượng văn hóa, 
kinh tế và xã hội qua các thời kỳ, từ bên trong và bên ngoài. Khái niệm “cảnh quan văn hóa” thể hiện sự hiểu 
biết đa dạng các mối liên hệ giữa con người và môi trường tự nhiên. Cảnh quan văn hóa thường phản ánh 
các chiến lược cụ thể về sử dụng đất bền vững, có xem xét đến các đặc điểm và giới hạn của môi trường 
tự nhiên, và trong mối liên hệ về mặt tâm linh đối với tự nhiên. Việc bảo vệ cảnh quan văn hóa có thể mang 
lại những kỹ thuật mới hiện đại trong việc sử dụng đất đai bền vững và duy trì, tăng cường các giá trị thiên 
1 TS, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng. 
* Tác giả chính. E-mail: lequynhchi233@gmail.com
18 TẬP 11 SỐ 509 - 2017
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG
nhiên trong khu vực cảnh quan. Sự tồn tại của các hình thức sử dụng đất đai truyền thống giúp tăng tính đa 
dạng sinh học của nhiều nơi trên thế giới” [1].
Khái niệm cảnh quan văn hóa này đã được ICOMOS khuyến nghị Huế trong quá trình tái đề cử di 
sản vào năm 1993. Tuy nhiên, khu vực được bảo vệ của di sản vẫn còn hạn chế trong các khu vực tiếp giáp 
trực tiếp với công trình. Từ năm 2007, UNESCO đã đưa ra các khuyến nghị đối với thành phố Huế nhằm xây 
dựng một kế hoạch quản lý di sản bao gồm: “ các khu vực lõi và vùng đệm được mở rộng hơn, hướng đến 
việc tái đề cử khu vực trở thành cảnh quan văn hóa thông qua một báo cáo được hoàn thiện hơn về những 
giá trị nổi bật mang tính toàn cầu” [2].
Trong giới hạn bài báo, nghiên cứu tập trung vào cảnh quan văn hóa của lăng Tự Đức, vùng cảnh 
quan được lưu giữ khá trọn vẹn, tuy nhiên hiện nay đang đối mặt với sức ép của quá trình đô thị hóa. Các 
phân tích và đề xuất của bài báo là cơ sở cho việc nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Huế, và quy 
hoạch bảo tồn khu lăng tẩm. Mục tiêu của bài báo bao gồm: (1) Xác định các yếu tố cấu thành cảnh quan 
văn hóa khu vực lăng Tự Đức (2); Xác định và đề xuất điều chỉnh ranh giới vùng đệm trong quy hoạch bảo 
tồn; (3) Phân vùng cảnh quan văn hóa vùng đệm cho mục đích quản lý phát triển. Phương pháp nghiên cứu 
tập trung vào hai phương pháp chính: khảo sát thực địa nhằm xác định các nhân tố có ý nghĩa lịch sử văn 
hóa của khu vực lân cận lăng Tự Đức; sử dụng phần mềm QGIS để xây dựng cơ sở dữ liệu và tiến hành 
phân tích. QGIS hay Quantum GIS là phần mềm tự do về hệ thống thông tin địa lý, với tính năng chính là 
thao tác trên các lớp bản đồ dạng vector. Các dữ liệu khảo sát được đưa vào bản đồ thông tin địa lý, trên cơ 
sở các lớp thông tin đó, tác giả chồng lớp và hệ thống hóa các giá trị cảnh quan văn hóa của lăng Tự Đức.
2. Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức là quần thể kiến 
trúc đồng thời là một vùng cảnh quan 
được xây dựng vào năm 1864 và 
hoàn thành vào năm 1873 trên diện 
tích 475 ha [2]. Với cái nhìn tổng quát 
về địa thế, các bậc tiền nhân đã lựa 
chọn một khu đất có địa thế rất đẹp 
để xây dựng quần thể kiến trúc thơ 
mộng, hài hòa. Cấu trúc lăng vua Tự 
Đức gồm có hai khu vực chính: khu 
vực bên trong La Thành, khu phụ trợ 
bên ngoài La Thành.
Khu vực trong La Thành gồm 
hai phần chính, bố trí trên hai trục 
dọc song song nhau, cùng lấy núi 
Giáng Khiêm phía trước làm tiền án 
(thế đất làm án che phía trước), núi 
Dương Xuân làm hậu chẩm (thế đất 
có điểm tựa phía sau), hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường (chỗ đất bằng phẳng, sáng sủa phía trước). 
Trục thứ nhất bao gồm Dũ Khiêm Tạ - Khiêm Cung Môn - Hòa Khiêm Điện - Lương Khiêm Điện - Ích Khiêm 
Các. Trục thứ hai bao gồm Bi Đình - Hồ Tiểu Khiêm - Mộ vua Tự Đức. Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công 
viên rộng lớn, yếu tố được tôn trọng triệt để là sự hài hòa đường nét, không có những con đường thẳng tắp 
hay đầu góc cạnh như các lăng tẩm khác (Hình 1-2).
Trong khi các yếu tố kiến trúc bên trong La Thành được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm phục vụ cho mục 
đích bảo tồn, các yếu tố phụ trợ bên ngoài La Thành cũng như các nhân tố cảnh quan văn hóa vẫn chưa 
được đề cập đến. 
Bên cạnh đó, hiện nay lăng Tự Đức được khoanh vùng bảo vệ theo hai vùng, bao gồm: Vùng 1 (vùng 
lõi): Là ranh giới trực tiếp chứa di sản vật thể, vùng 1 bao gồm khu vực bên trong La Thành và 30 m tính từ 
La Thành ra; Vùng 2: Được khoanh vùng trong bán kính giới hạn 70 m từ La Thành. Việc khoanh vùng hiện 
nay được nhìn nhận mang tính chủ quan, không tính đến giá trị lịch sử văn hóa cũng như hiện trạng xây 
dựng, đặc điểm dân cư của khu vực phụ cận. Để nhận diện các nhân tố có giá trị tại vùng phụ cận, bài viết 
tiến hành phân tích trên hai giá trị chính, bao gồm: Tính xác thực về cấu trúc và Tính xác thực về cảnh quan.
Hình 1. Vị trí lăng Tự Đức 
trong đô thị di sản Huế [2]
Hình 2. Sơ đồ tổng thể 
lăng Tự Đức [2]
19TẬP 11 SỐ 509 - 2017
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG
3. Tính xác thực về cấu trúc
3.1 Mộ phần của thành viên trong gia tộc
Vùng đất Thủy Xuân được bắt đầu biết đến khi vua Tự Đức chọn dải đất phía Bắc của làng làm “ngôi 
sinh phần”. Kể từ đó, vùng đất này là nơi triều đình và Hoàng gia chọn lựa để xây dựng lăng mộ cho các 
thành viên trong gia tộc. Kể từ sau khi lăng Tự Đức được xây năm 1864 - 1867, lăng Đồng Khánh (con nuôi 
vua Tự Đức) xây năm 1888 - 1923. Ngoài ra còn năm lăng Hoàng tộc khác bao gồm Lăng Kiên Thái Vương 
(cha đẻ vua Đồng Khánh), Lăng Vĩnh Thới, Vĩnh Cơ, Lăng Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại), 
lăng Thánh Cung (chính thất của Đồng Khánh Hoàng Đế). Lăng Học Phi và lăng 15 thiếp (vợ vua Tự Đức) 
cũng được bố trí kề cận lăng vua Tự Đức. Việc bố trí lăng mộ Hoàng tộc gần nhau là minh chứng cho sức 
mạnh mối quan hệ gia đình trong xã hội Việt Nam (Hình 3).
3.2 Công trình phụ trợ lăng Tự Đức: Bình An Đường, Nhà Quan Xá
Bình An Đường tuy chỉ là di tích có giá trị kiến 
trúc khiêm nhường nếu so sánh với cung điện, lăng 
tẩm nguy nga, đồ sộ, đây lại là các công trình có giá 
trị nếu tính đến tính xác thực của cấu trúc. Bình An 
Đường đóng vai trò là “bệnh viện cung đình” đặc biệt, 
chỉ dành riêng cho các thái giám, cung tần, mỹ nữ. 
Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu của 
lăng, là nơi điều trị, an dưỡng cho những người phục 
dịch cho cung đình, là nơi các thái giám ăn ở, chờ 
được khám bệnh. Bình An Đường của Lăng Tự Đức 
hiện chỉ còn dấu vết một cổng vào còn khắc dòng chữ 
Bình An Đường Môn. Tương tự như Bình An Đường, 
Nhà Quan Xá đóng vai trò là nơi các quan lại chờ 
vào được gặp vua, có giá trị kiến trúc khiêm nhường, 
nhưng lại có giá trị lớn khi tính đến tính nguyên vẹn 
của cấu trúc. Do đó, Bình An Đường và Nhà Quan Xá 
cần được nghiên cứu và có giải pháp bảo tồn, khôi 
phục thích hợp (Hình 3).
3.3 Chùa chiền, tịnh thất 
Sự tồn tại của 2 ngôi chùa (chùa Hương Lâm, chùa Tranh) và tịnh thất Diệu Thanh nằm kề cận lăng 
Tự Đức phản ánh cuộc sống sinh hoạt tâm linh, đạo Phật trong cuộc sống Việt thông qua sự gắn kết giữa 
chùa chiền với các phần mộ, đồng thời thể hiện triết lý nhân sinh và tinh thần khoan dung, hòa hợp trong 
đời sống tín ngưỡng dân tộc. Ngôi chùa là thiết chế văn hóa không thể thiếu, như dân gian vẫn thường nói 
"chùa chiền là tổ mộ của dân thôn". Chùa cũng là nơi thể hiện chủ trương từ bi và trí tuệ, hướng con người 
đến chân, thiện, mỹ của các vị vua (Hình 3).
4. Tính xác thực về cảnh quan
4.1 Cảnh quan phong thủy
Lăng Tự Đức được đảm bảo những đặc thù chính của khu lăng mộ, khi xây dựng khu “vạn niên cát 
địa” này, yếu tố phong thủy được đặt lên hàng đầu. Với quan niệm "Tức vị trị lăng", ngay khi tại vị, vua đã 
cho tiến hành khảo sát địa thế, lập đồ án xây dựng lăng tẩm cho mình. Các quan ở Khâm Thiên Giám, bộ 
Lễ, bộ Công đi tìm cuộc đất, ngày khởi công, trình đồ án kiến trúc cho vua ngự duyệt. Các thầy địa lý nổi 
tiếng nhất phải mất hàng tháng hoặc hàng năm trời dò tìm long mạch để có địa cuộc đại cát hội đủ các yếu 
tố minh đường huyền thủy, tiền án hậu chẩm, sơn triều thủy tụ, tả thanh long, hữu bạch hổ... Huyền Cung 
(nơi đặt quan tài) phải đúng long mạch. Tuân thủ những nguyên tắc đó, Lăng Tự Đức lấy Dẫn Khiêm Sơn 
là tiền án, Lý Khiêm Sơn làm hậu chẩm, hai bên có Đạo Khiêm Sơn làm tả thanh long và Lao Khiêm Sơn 
làm hữu bạch hổ. Những ngọn núi bao quanh có tác dụng che chắn cho lăng khỏi những tác động xấu bên 
ngoài, đồng thời điều hòa nhiệt độ cho khu lăng. Dẫn Khiêm Sơn đóng vai trò là ngọn núi chủ, cung cấp 
nước cho lăng, đồng thời sử dụng làm nước tưới trong nông nghiệp (Hình 4).
Hình 3. Các nhân tố đảm bảo tính xác thực 
về mặt cấu trúc lăng Tự Đức
20 TẬP 11 SỐ 509 - 2017
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG
Trong bản Khiêm Cung Ký (do vua Tự Đức 
viết năm 1871) được dịch giả Phan Hứa Thụy dịch 
có đoạn ghi rằng: “chỗ nước lớn gọi là hồ Lưu Khiêm 
quanh co uốn khúc từ phải sang trái sâu vào trong, 
mùa hạ không cạn, mùa thu không tràn vì đây vốn 
là ruộng sâu mà đào nên, lại xây một cái cống thông 
ra ruộng bên ngoài để vừa giữ vừa tháo nước”. Hồ 
Lưu Khiêm là “minh đường” của điện Hòa Khiêm - nơi 
ngày xưa Vua làm việc khi xa giá đến đây và bây giờ 
là nơi thờ bài vị của Vua và Hoàng hậu. Phía trước 
lăng có một khe nước lớn chảy qua đóng vai trò minh 
đường của toàn bộ lăng. Khe nước này dù có trước 
khi xây dựng lăng (tức là nó được tận dụng để làm 
minh đường), hay được tạo nên sau khi lăng đã hoàn 
tất với mục đích “dẫn thủy nhập điền” (bởi khe nước 
này nằm trong khu ruộng lúa trước mặt lăng) thì nó 
cũng có vai trò lớn trong việc điều hòa lưu lượng nước 
từ lăng dẫn ra. Đáng chú ý, khe nước này đóng vai trò 
minh đường đối với chuỗi công trình lăng tẩm lân cận 
như lăng Thánh Cung và Từ Cung (Hình 4).
4.2 Cảnh quan nông nghiệp
Nền văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp. 
Cuộc sống của mỗi người Việt Nam đều gắn bó mật thiết với xóm làng, quê hương, ruộng nương là nhân tố 
quyết định cuộc sống của con người, là thứ gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống từ khi sinh ra đến 
khi mất đi. Do đó, khi mất đi, con người luôn có xu hướng trở về với thiên nhiên, tổ tiên và an táng nơi ruộng 
đồng sản xuất. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh nông nghiệp, những vị vua triều Nguyễn cho phép 
quanh lăng có những khu ruộng đồng canh tác. Một phần là để tiện cho việc cử hành những nghi lễ cầu 
an cho quốc gia như Lễ Tịch Điền, Lễ Thanh Minh phần khác là mong muốn được thấy hình ảnh an bình 
của sự giao hòa giữa thiên nhiên cùng con người lao động, thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc (Hình 5).
Hình 4. Vị trí các ngọn núi và yếu tố 
minh đường trong mối quan hệ với lăng Tự Đức
Hình 5. Mối quan hệ giữa đồng ruộng và lăng vua Tự Đức
5. Đặc điểm xây dựng của khu vực lân cận
Dân cư khu vực xã Thủy Xuân là 18.308 với 3.544 hộ. Dân số sống rải rác với mật độ thưa thớt (Hình 
7). Nghề nghiệp chính là làm vườn, làm ruộng, thu nhập bình quân thấp, tình trạng phổ biến là nhà tạm bợ. 
Trong đó, trực tiếp phía trước lăng có 28 hộ chiếm diện tích 672 m2, 100% là nhà cấp 4, trong đó 20 nhà 
xây dựng sau năm 1992 [3].
Hình thái phân bố dân cư dọc theo các tuyến đường chính là Huyền Chân Công Chúa và Đoàn Nhữ 
Hải (Hình 6). Các hộ dân trước đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, sau đó khi du lịch dịch vụ phát triển 
sinh ra những hộ dân sống ven lăng và dọc trục giao thông. Sau năm 1992, mạng lưới dân cư mở rộng xuống 
phía Nam dẫn đến tốc độ tăng trưởng khu vực dân cư ven các đỉnh núi tăng mạnh và hình thành nên mô hình 
dân cư vùng gò đồi. Do thiếu quy hoạch định hướng nên dân cư khu vực xung quanh lăng Tự Đức phát triển 
tự phát, lộn xộn, gây cản trở giao thông tiếp cận và tầm nhìn từ lăng đến các ngọn núi, sông hồ xung quanh.
Bên cạnh đó, với việc xuất hiện mô hình nhà ở vùng đồi trên những đỉnh núi chủ như Dẫn Khiêm Sơn, 
Lao Khiêm Sơn, dẫn tới các mảng xanh đang dần bị thu hẹp và có nguy cơ xâm lấn do mật độ xây dựng 
21TẬP 11 SỐ 509 - 2017
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG
Hình 6. Sơ đồ phân bố dân cư và đồng ruộng 
khu vực xung quanh Lăng Tự Đức [3]
Hình 7. Sơ đồ mật độ dân cư khu vực xung quanh 
Lăng Tự Đức [3]
tăng cao. Cùng với việc thiếu quy chế quản lý, tầng cao trung bình trong khu vực đang có xu hướng chuyển 
đổi từ hai tầng lên ba, bốn tầng dưới ảnh hưởng đô thị hóa. Trong tương lai, sự phát triển của khu vực dân 
cư này sẽ gây ra nguy cơ chia cắt và phá vỡ mối quan hệ giữa lăng Tự Đức với các yếu tố sơn thủy chủ đạo.
6. Đề xuất
6.1 Đề xuất mở rộng ranh giới vùng 2 của lăng Tự Đức
Trên cơ sở về tính xác thực về cấu trúc và tính 
xác thực cảnh quan, bài viết đề xuất mở rộng ranh giới 
vùng 2, miêu tả được trọn vẹn quần thể lăng Tự Đức 
trong mối quan hệ với hệ thống công trình, lăng tẩm và 
thiên nhiên xung quanh. Ranh giới bảo vệ mới được xác 
định dựa trên những yếu tố khống chế cứng là các tuyến 
đường giao thông chính như Huyền Chân Công Chúa, 
Nguyễn Ngọc Nhữ và các ranh giới mềm là các yếu tố 
thiên nhiên như sông, hồ, chân núi, rừng cây (Hình 8).
6.2 Phân vùng quản lý phát triển
a) Vùng 1: Cảnh quan nông nghiệp: Đây là khu 
vực kết nối giữa lăng Tự Đức và Dẫn Khiêm Sơn, thể 
hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và 
nền văn minh nông nghiệp. Trong tương lai, dưới áp 
lực của đô thị hóa, khu vực này sẽ có sự thay đổi, do 
đó cần có những định hướng phát triển đúng đắn về chức năng sử dụng đất theo định hướng giữ vững cảnh 
quan nông nghiệp, phát triển những công viên chuyên đề, khu vực trải nghiệm văn hóa lúa nước (Hình 9).
b) Vùng 2: Quần thể lăng nằm xung quanh lăng Tự Đức: Đây là một tổng thể bao gồm lăng Đồng 
Khánh và các khu lăng Hoàng tộc khác, bên cạnh giá trị về kiến trúc và văn hóa, đây còn được nhìn nhận 
là sự kết hợp hài hòa với yếu tố tự nhiên và cây xanh, đặc trưng cây xanh là thông, sứ. Đề xuất bảo tồn và 
phát triển các tuyến du lịch thăm quan (Hình 9).
c) Vùng 3: Khu vực cảnh quan phía trước lăng: Đây là khu vực trực diện Vụ Khiêm Môn dẫn vào 
lăng Tự Đức. Đề xuất chỉnh trang bộ mặt kiến trúc các quầy kinh doanh dịch vụ; Kết hợp với chính quyền 
địa phương, các đại diện hộ kinh doanh để nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, hạn chế 
sự phát triển của các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ không được kiểm soát; phối hợp với cơ quan quy hoạch 
và đối tác địa phương nhằm đưa ra hướng dẫn liên quan đến thiết kế và xây dựng, tôn trọng các giá trị văn 
hóa của khu vực và ngăn chặn hiện tượng xây dựng tự phát. Đồng thời bảo tồn và cải tạo Bình An Đường, 
Nhà Quan Xá và lăng của các Phi tần (Hình 9). .
d) Vùng 4: Khu vực đồi núi xung quanh lăng Tự Đức: Đề xuất các mô hình nhà ở cũng như quản lý 
chiều cao để bảo tồn cảnh quan: Khu vực các núi tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ của Khiêm 
Sơn đều tập trung đông dân cư sinh sống. Do hoạt động lưu trú của khách du lịch chưa cao nên nhà cửa 
ở đây phần lớn là nhà cấp 4 và lán trại. Dưới áp lực đô thị hóa và các dự án trùng tu Lăng Tự Đức thành 
Hình 8. Ranh giới đề xuất cho vùng 2
22 TẬP 11 SỐ 509 - 2017
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG
trọng điểm du lịch, kinh tế trong khu 
vực những năm gần đây tăng 
trưởng rõ rệt. Song hành cùng 
sự tăng trưởng đó là sự xuất hiện 
của những khách sạn, nhà biệt 
thự. Nếu không có kế hoạch quản 
lý chiều cao và khống chế mật độ 
xây dựng trong khu vực, các yếu tố 
cảnh quan văn hóa sẽ bị lấn chiếm 
và thay thế bằng hình ảnh đô thị. 
Do đó, với khu vực núi Dẫn Khiêm 
Sơn và Lao Khiêm Sơn (nơi có mật 
độ xây dựng cao), đề xuất phát 
triển mô hình nhà ở vùng đồi. Tại 
khu vực thiên nhiên sát chân núi là 
nơi có những kênh nước chảy qua, 
phù hợp với việc vui chơi cắm trại, 
du lịch trải nghiệm, nhà hàng, các 
bungalow và nhà thấp tầng (2 - 3 
tầng). Lên cao hơn, các nhà vườn 
và biệt thự được đề xuất phát triển hai bên tuyến đường chạy theo các đường đồng mức. Cách bố trí giao 
thông theo đường đồng mức giúp chúng ta hạn chế tác động vào thiên nhiên và phá hủy các mảng xanh để 
thi công xây dựng. Các nhà trong cao độ này nên bố trí song song nhau để tạo tầm nhìn cho khu vực phía 
trên. Lên cao hơn, các nhà bố trí so le để tăng tầm nhìn, đặc biệt các vùng xanh so le nhau sẽ giảm tốc độ 
lưu chuyển của nước mưa (điều đặc biệt quan trọng trong khu vực nhiều mưa, lũ, như Huế) (Hình 9).
7. Kết luận
Kế hoạch quản lý di sản cần đưa vào khái niệm cảnh quan văn hóa nhằm đưa di sản được UNESSCO 
tái đề cử trở thành cảnh quan văn hóa. Kế hoạch Quản lý di sản cần được tích hợp vào khung Quy hoạch 
tổng thể thành phố Huế. Bài viết đề xuất các vấn đề sau:
- Xác định các giá trị văn hóa của di tích trong mối liên hệ với cảnh quan văn hóa lân cận đối với tất 
cả các di sản ở Huế. Ngoài ra, cần xác định các vấn đề liên quan đến áp lực đô thị hóa, quản lý đất đai và 
phát triển cơ sở hạ tầng đối với cảnh quan văn hóa.
- Sử dụng GIS như một công cụ để tích hợp các dữ liệu. Cần đưa ra phương án đánh giá các trọng 
số và mức độ ý nghĩa của các giá trị, là cơ sở khoa học cho các hoạt động bảo vệ di sản dựa trên một quy 
trình đánh giá mang tính hệ thống. Từ đó có đề xuất ranh giới bảo vệ mở rộng có tính thuyết phục cao đối 
với các cơ quan quy hoạch và cơ quan quản lý.
- Đưa ra các hướng dẫn thiết kế đô thị đối với khu dân cư, trong đó bao gồm các khu dân cư nằm 
trong ranh giới bảo vệ mở rộng đề xuất nhằm duy trì mối quan hệ hài hòa với cảnh quan văn hóa.
Để bảo tồn và quản lý hiệu quả cảnh quan văn hóa đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm bảo 
tồn di tích cố đô Huế, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong khu vực. 
Tài liệu tham khảo
1. UNESCO (2013), Operational Guideline for Cultural Landscape.
2. UNESCO (2007), Hue Conservation Report.
3. KOICA (2017), Thuyết minh Quy hoạch chung thành phố Huế.
Vùng 1 - Cảnh quan nông nghiệp Vùng 2 - Quần thể lăng nằm cạnh lăng Tự Đức
Vùng 3 - Khu vực cảnh quan trước lăng Vùng 4 - Khu vực đồi núi xung quanh lăng
Hình 9. Phân vùng quản lý phát triển 

File đính kèm:

  • pdfbao_ton_canh_quan_van_hoa_lang_tam_hue.pdf