Bài giảng Chủ thể kinh doanh - Chương IV: Công ty cổ phần

Công ty cổ phần (CTCP) là một trong năm loại hình doanh nghiệp

(DN) trong pháp luật DN Việt Nam hiện nay, là một trong bốn loại

hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm

2005 (LDN 2005). Xét về mặt số lượng, CTCP không phổ biến

như công ty TNHH hay DNTN, nhưng đại đa số các công ty có

quy mô lớn lại là CTCP. Loại hình CTCP còn đóng vai trò đặc biệt

quan trọng trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà

nước

pdf 58 trang phuongnguyen 4800
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Bài giảng Chủ thể kinh doanh - Chương IV: Công ty cổ phần", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Bài giảng Chủ thể kinh doanh - Chương IV: Công ty cổ phần

Bài giảng Chủ thể kinh doanh - Chương IV: Công ty cổ phần
 98 
CHƯƠNG IV 
CÔNG TY CỔ PHẦN 
 T.s Phan Huy Hồng 
Công ty cổ phần (CTCP) là một trong năm loại hình doanh nghiệp 
(DN) trong pháp luật DN Việt Nam hiện nay, là một trong bốn loại 
hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 
2005 (LDN 2005). Xét về mặt số lượng, CTCP không phổ biến 
như công ty TNHH hay DNTN, nhưng đại đa số các công ty có 
quy mô lớn lại là CTCP. Loại hình CTCP còn đóng vai trò đặc biệt 
quan trọng trong quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà 
nước 
Văn bản pháp luật quan trọng nhất điều chỉnh CTCP là Luật doanh 
nghiệp . Tuy nhiên, đối với một số trường hợp, các cam kết của 
Việt Nam đối với WTO nêu tại đoạn 502 và 503 Báo cáo của Ban 
công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ được áp dụng thay vì 
áp dụng các quy định của Luật doanh nghiệp về cùng một vấn đề 
(xem mục 5.2.3). Ngoài ra, CTCP đại chúng và CTCP niêm yết 
còn chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán ngày 29/6/2006 
(70/2006/QH11) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này. 
Trong chương này, những vấn đề pháp lý của CTCP được trình 
bày theo các nội dung sau đây: (1) Khái niệm, đặc điểm và lịch sử 
phát triển, (2) Chức năng, vai trò và phương pháp điều chỉnh, (3) 
Quy chế cổ đông, (4) Các vấn đề tài chính, (5) Tổ chức quản lý, 
(6) Đại chúng hóa CTCP và (7) CTCP và thị trường chứng khoán. 
Trong đó các nội dung từ mục (1) đến mục (5) là các nội dung căn 
bản, các nội dung tại mục (6) và (7) là các nội dung mở rộng để 
tham khảo thêm. 
1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN 
 99 
1.1. Khái niệm 
Công ty CP là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ 
được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, được phép 
phát hành các loại chứng khoán để huy động vốn; cổ đông có thể 
là tổ chức, cá nhân, số lượng tối thiểu là ba và không hạn chế số 
lượng tối đa; cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các 
nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn cổ phần 
đã góp, có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình ngoại trừ 
một số trường hợp. 
1.2. Đặc điểm 
Từ khái niệm nêu trên và từ các quy định cụ thể về Công ty CP, ta 
thấy loại công ty này có các đặc điểm như sau. 
Thứ nhất, vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần 
bằng nhau gọi là cổ phần. 
Vốn điều lệ của CTCP được thể hiện bằng một chỉ số tiền đồng, 
chẳng hạn 100 tỉ đồng. Chỉ số tiền đồng này được chia thành nhiều 
phần bằng nhau, chẳng hạn 1 triệu phần, mỗi phần như vậy bằng 
100.000 đồng. Một triệu phần đó được gọi là 1 triệu cổ phần; 
100.000 đồng được gọi là mệnh giá cổ phần (Luật Chứng khoán 
gọi là mệnh giá cổ phiếu). 
Luật doanh nghiệp 2005 không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu 
(vốn pháp định) mà một CTCP phải có. Tuy nhiên, CTCP kinh 
doanh một số ngành nghề nhất định mà pháp luật quy định vốn 
pháp định, thì vốn điều lệ không được thấp hơn chỉ số vốn pháp 
định đó.1 
Luật doanh nghiệp 2005 cũng không quy định vốn điều lệ của 
công ty CP phải được chia thành bao nhiêu phần, mỗi phần phải có 
 100 
giá trị bao nhiêu. Nhưng khoản 1 Điều 9 Nghị định số 
109/2007/NĐ-CP2 lại quy định công ty CP được cổ phần hóa từ 
doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có vốn điều lệ được chia thành 
nhiều phần bằng nhau có mệnh giá là 10.000 đồng. Còn Luật 
Chứng khoán quy định mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra 
công chúng là 10.000 đồng, như vậy công ty CP nào muốn chào 
bán cổ phiếu ra công chúng thì trước đó phải thực hiện việc quy 
mệnh giá cổ phiếu về 10.000 đồng. 
Thứ hai, số lượng cổ đông ít nhất là ba và không bị hạn chế tối 
đa 
Luật doanh nghiệp 2005 quy định số lượng cổ đông tối thiểu của 
một CTCP ít nhất phải là ba. Con số ba này là sự lựa chọn của nhà 
lập pháp Việt Nam. Không có lý do bắt buộc nào để ấn định số 
lượng tối thiểu là ba.3 
Công ty CP không bị hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Như vậy 
Công ty CP có thể chỉ có chưa đầy một chục, hàng chục, hàng 
trăm, hàng ngàn, hàng vạn hoặc thậm chí hàng triệu cổ đông. 
Cổ đông Công ty CP có thể là tổ chức, cá nhân. Tổ chức phải có tư 
cách chủ thể của pháp luật sở hữu mới có thể trở thành cổ đông, vì 
cổ đông là đồng chủ sở hữu Công ty CP. Như vậy, công ty TNHH, 
công ty HD, hợp tác xã và Công ty CP có thể trở thành cổ đông 
Công ty CP. Nhưng doanh nghiệp TN lại không thể trở thành cổ 
đông Công ty CP vì doanh nghiệp TN không có tư cách chủ thể 
của pháp luật sở hữu, nên chủ doanh nghiệp TN sở hữu các tài sản 
đầu tư vào doanh nghiệp TN và tài sản có được từ hoạt động của 
doanh nghiệp TN, còn bản thân doanh nghiệp TN không sở hữu 
các tài sản này.4 
 101 
Thứ ba, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các 
nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn cổ phần đã 
góp vào công ty. 
Mỗi cổ đông có thể sở hữu một hoặc nhiều cổ phần của Công ty 
CP. Tuy nhiên, điều lệ công ty có thể quy định số lượng cổ phần 
tối thiểu mà mỗi cổ đông phải nắm giữ. 
Quy định “cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các 
nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn cổ phần đã 
góp vào công ty” thể hiện chế độ trách nhiệm hữu hạn của Công 
ty CP. 
Tuy nhiên, quy định này chỉ có ý nghĩa đối với cổ đông sáng lập, vì 
chỉ có cổ đông sáng lập có thể nợ vốn cổ phần,5 còn nhà đầu tư 
đăng ký mua cổ phần được quyền chào bán của công ty đều phải 
thanh toán đủ ngay một lần cho công ty (họ chỉ trở thành cổ đông 
khi đã thanh toán hết tiền mua cổ phần). 
Thứ tư, cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ hai ngoại lệ 
Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ hai ngoại lệ. Ngoại lệ thứ 
nhất là cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng 
(khoản 3 Điều 81). Ngoại lệ thứ hai là cổ phần phổ thông của cổ 
đông sáng lập có thể được chuyển nhượng cho các cổ đông sáng 
lập khác của công ty mà không phải đáp ứng thêm một điều kiện 
nào; nhưng việc chuyển nhượng loại cổ phần này cho người không 
phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của Đại hội 
đồng cổ đông, tuy nhiên điều kiện này chỉ áp dụng trong thời hạn 3 
năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh . 
Đây chính là đặc điểm quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt giữa 
loại hình Công ty CP với loại hình công ty TNHH. Bởi vì loại hình 
công ty TNHH được thiết kế phù hợp cho doanh nghiệp thông 
 102 
thường có quy mô vừa và nhỏ, có số lượng thành viên ít và có 
quan hệ gắn bó với nhau, nên luật quy định các thành viên công ty 
có quyền được ưu tiên nhận chuyển nhượng phần vốn góp của 
thành viên muốn bán phần vốn góp của mình. 
Khả năng tự do chuyển nhượng cổ phần giúp các nhà đầu tư dễ 
dàng tham gia vào và rút ra khỏi công ty bằng cách mua hay 
chuyển nhượng cổ phần, đồng thời giúp công ty thu hút vốn đầu tư 
một cách thuận lợi hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. 
Thứ năm, CTCP được phát hành chứng khoán các loại để huy 
động vốn 
Đặc điểm này chỉ khác đối với loại công ty TNHH ở chỗ, trong khi 
Công ty CP có thể phát hành cổ phần để huy động vốn, còn công 
ty TNHH thì không. Nhưng cả hai loại công ty này đều được 
quyền phát hành các loại chứng khoán khác theo quy định của 
pháp luật chứng khoán. 
Thứ sáu, CTCP có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy 
chứng nhận ĐKKD 
 Công ty CP có tư cách pháp nhân, bởi vì - như công ty TNHH - 
nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với pháp nhân quy định trong 
Bộ luật dân sự 2005. Ở đây giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 
có giá trị như giấy khai sinh công ty với tư cách là một chủ thể 
pháp lý độc lập. Các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng 
phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp do các cổ đông sáng lập 
hoặc người đại diện theo uỷ quyền của nhóm cổ đông sáng lập ký 
kết được tự động chuyển giao cho công ty (Điều 14). 
1.3 Lịch sử phát triển 
 103 
Trên thế giới, loại hình Công ty CP xuất hiện từ đầu thế kỷ 17. Ban 
đầu đó là các công ty được các nhà nước thực dân thành lập để 
khai thác các thuộc địa mới ở châu Mỹ và Ấn Độ, như Công ty cổ 
phần Anh-Ấn thành lập năm 1600, hay Công ty cổ phần Hà Lan – 
Đông Ấn thành lập năm 1602. Đây là các công ty thuộc địa, có tư 
cách pháp nhân, được thành lập hoặc được công nhân bởi nhà 
nước thực dân và chịu sự kiểm soát toàn diện của nhà nước đó. 
Sang thế kỷ 18, xuất hiện các Công ty CP tư nhân trong các lĩnh 
vực ngân hàng, hàng hải. Cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 
đã làm loại hình Công ty CP phát triển nở rộ, vì nhu cầu vốn của 
các ngành sản xuất công nghiệp trở nên rất lớn. Từ đó đến nay, 
Công ty CP luôn tiếp tục phát triển về số lượng và quy mô. Các 
công ty lớn chủ yếu là Công ty CP, các công ty đa quốc gia đều là 
Công ty CP. 
Với đặc điểm nổi bật là khả năng tự do chuyển nhượng cổ phần, 
Công ty CP trở thành loại công ty có các mối quan hệ pháp lý 
phức tạp và thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà lập pháp. Bên 
cạnh các loại hình công ty đối nhân, Công ty CP là loại hình công 
ty đối vốn được điều chỉnh sớm nhất. Có thể kể đến các luật đầu 
tiên điều chỉnh loại công ty này như Bubble Act năm 1720 của 
Anh, Bộ luật thương mại năm 1807 của Pháp (Code de commerce) 
hay Bộ luật Thương mại chung của Đức năm 1861 (Allgemeines 
Deutsches Handelsgesetzbuch). Tuy nhiên, khác với pháp luật điều 
chỉnh công ty TNHH, pháp luật các nước điều chỉnh loại hình 
Công ty CP có nhiều điểm khác biệt đáng kể, tùy thuộc vào điều 
kiện kinh tế xã hội, truyền thống pháp lý và quan điểm pháp lý của 
các nhà lập pháp. Nhưng ngày nay, trong xu thế khu vực hóa và 
toàn cầu hóa kinh tế, cũng có các nỗ lực hài hòa hóa pháp luật 
công ty nói chung và pháp luật Công ty CP nói riêng. Chẳng hạn 
Liên minh châu Âu đã ban hành rất nhiều quy định dưới hình thức 
chỉ thị (directive) về Công ty CP mà các quốc gia thành viên có 
nghĩa vụ nội luật hóa các quy định đó trong vòng 2 năm. Thậm chí 
 104 
Liên minh châu Âu còn tiến tới ban hành quy định về loại Công ty 
cổ phần châu Âu (Societas Europaea), theo đó các quốc gia thành 
viên nội luật hóa quy định này thành quy định điều chỉnh thống 
nhất một loại công ty cổ phần mới.6 
Trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam hiện đại, loại hình Công 
ty CP được quy định lần đầu tiên một cách khá sơ lược trong Luật 
Công ty 1990 với vỏn vẹn 14 điều. Luật doanh nghiệp 1999 kế 
thừa và phát triển một cách đáng kể loại hình công ty này với “mật 
độ quy định” dày hơn lên tới 44 điều. Việc xóa bỏ cơ chế cấp phép 
thành lập và chuyển sang cơ chế đăng ký kinh doanh đã dẫn đến 
làn sóng thành lập doanh nghiệp từ các nhà đầu tư tư nhân. Loại 
hình Công ty CP được lựa chọn ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh 
đó, việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp NN làm xuất 
hiện nhiều Công ty CP có quy mô vừa. Việc khai trương thị trường 
chứng khoán với sự niêm yết cổ phần của bảy Công ty CP vào 
năm 2000 đã bước đầu tạo điều kiện phát huy lợi thế của loại công 
ty này từ đặc điểm “cổ phần được tự do chuyển nhượng”. 
Năm 2003, một mặt để từng bước thực hiện các cam kết quốc tế 
trong quá trình hội nhập7, mặt khác để từng bước xây dựng một 
pháp luật doanh nghiệp thống nhất cho các nhà đầu tư thuộc các 
thành phần kinh tế, Chính phủ đã cho phép thí điểm chuyển đổi 
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động dưới hình 
thức 8 Công ty CP. 
Với Luật doanh nghiệp 2005, một mặt quá trình thống nhất pháp 
luật doanh nghiệp hoàn thành, mặt khác quy định về cách loại hình 
công ty cũng tiếp tục được hoàn thiện. Riêng loại hình Công ty CP 
được quy định bởi 53 điều luật, chi tiết hơn nhiều so với Luật 
doanh nghiệp 1999. 
Tuy nhiên, sự phát triển pháp luật về loại hình Công ty CP chắc 
chắn sẽ không dừng lại ở đó. Quy mô các Công ty CP ở Việt Nam 
 105 
hiện nay chủ yếu ở mức nhỏ và vừa. Luật doanh nghiệp 2005 
cũng chỉ mới dừng ở mức nhận diện và điều chỉnh các mối quan hệ 
trong các công ty ở quy mô này. Trong khi đó các mối quan hệ có 
thể phát sinh trong các Công ty CP lớn, bao gồm loại Công ty CP 
đại chúng, chưa hoàn toàn được nhận diện và điều chỉnh đầy đủ 
(về vấn đề Công ty CP đại chúng xem mục 6). Các mối quan hệ 
pháp luật của Công ty CP tham gia vào thị trường chứng khoán 
mặc dù chủ yếu thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chứng 
khoán, nhưng có quan hệ mật thiết với các quy định thuộc phạm vi 
điều chỉnh của pháp luật về tổ chức doanh nghiệp, cũng chưa được 
quan tâm đầy đủ (về vấn đề Công ty CP trên thị trường chứng 
khoán xem mục 7). 
2. CHỨC NĂNG CỦA LOẠI HÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN 
VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT 
2.1 Chức năng và vai trò của loại hình CTCP 
Chức năng kinh tế: Khả năng tự do chuyển nhượng cổ phần tạo 
ra một kênh đầu tư vốn linh hoạt. Các nhà đầu tư có thể tham gia 
đầu tư vào và rút khoản đầu tư của mình ra khỏi công ty một cách 
thuận lợi thông qua việc mua và chuyển nhượng cổ phần một cách 
tự do. Công ty CP có thể huy động được khoản vốn lớn mà không 
phải trả lãi như đối với tín dụng ngân hàng hay trái phiếu. Như 
vậy, tCông ty CP ạo một kênh huy động vốn hiệu quả góp phần 
nâng cao tỉ lệ vốn tái đầu tư trong tổng sản phẩm quốc nội. 
Chức năng chính trị - xã hội: Công ty CP còn là một công cụ để 
thực hiện chính sách “xã hội hóa sở hữu đối với tư liệu sản xuất”. 
Bằng việc đầu tư vào cổ phần, đông đảo nhân dân thuộc các tầng 
lớp xã hội có cơ hội sở hữu đối với tư liệu sản xuất (đồng sở hữu 
đối với các công ty) và trực tiếp hưởng lợi từ thành quả của hoạt 
động kinh doanh. Khi đạt đến một quy mô nhất định, một Công ty 
CP có thể thu hút nhiều lao động mọi trình độ; có thể đủ năng lực 
 106 
tài chính để đào tạo nguồn nhân lực (đào tạo nghề), tiến hành 
nghiên cứu và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến. 
công ty CP còn là công cụ pháp lý hữu hiệu để thực hiện chính 
sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước . Công ty CP cũng là 
hình thức doanh nghiệp hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, vì khả 
năng chuyển nhượng khoản đầu tư dễ dàng hơn so với loại công ty 
TNHH. 
2.2 Nhiệm vụ và phương pháp điều chỉnh pháp luật đối với 
CTCP 
Bởi chức năng và vai trò đã trình bày trên của loại hình công ty 
CP, quy phạm pháp luật điều chỉnh loại hình công ty này có các 
nhiệm vụ và phương pháp điều chỉnh đặc thù như sau: 
Thứ nhất, luật cần tạo được tính hấp dẫn của việc đầu tư vào cổ 
phần. Đầu tư vốn vào doanh nghiệp, hứa hẹn lợi tức cao hơn so 
với các hình thức đầu tư kinh điển là gửi gắm vốn vào ngân hàng, 
nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao hơn. Bởi vậy luật 
cũng còn cần đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Khác với việc đầu 
tư vào công ty TNHH, đại đa số người đầu tư cổ phần không có cơ 
hội trực tiếp tham gia quản lý điều hành công ty. Bởi vậy, luật cần 
đảm bảo cho họ được thông tin đầy đủ để ra quyết định đầu tư hay 
chấm dứt đầu tư. Tính tự do chuyển nhượng của cổ phần trên 
nguyên tắc cũng cần phải được đảm bảo thực hiện trên thực tế, như 
việc tạo điều kiện cho công ty cp niêm yết trên thị trường chứng 
khoán. 
Thứ hai, các quy phạm pháp luật còn có nhiệm vụ bảo vệ hài hòa 
các nhóm lợi ích khác nhau, đó là nhóm cổ đông lớn, cổ đông nhỏ, 
người quản lý công ty và người lao động. Mặc dù các nhóm lợi ích 
này - dưới điều kiện lý tưởng - đều mong muốn công ty kinh 
doanh hiệ ... át hành ra công chúng trước hết là cổ 
phiếu và trái phiếu. 
Đối với phát hành cổ phiếu, Luật Chứng khoán phân biệt giữa sự 
chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ 
phiếu ra công chúng, tuy nhiên không còn quy định điều kiện riêng 
rẽ đối với hai hình thức khác nhau này. Về nguyên tắc, công ty CP 
chỉ được phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng khi đã bước 
sang ít nhất là năm kinh doanh thứ hai, bởi vì pháp luật CK quy 
định “hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký phát 
hành phải có lãi”. Ngoài ra công ty CP phải có mức vốn điều lệ đã 
 147 
góp tại thời điểm đăng ký phát hành cổ phiếu tối thiểu là 10 tỷ 
đồng, có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được 
từ đợt chào bán được ĐHĐCĐ thông qua. Pháp luật CK chỉ cho 
phép phát hành cổ phiếu ra công chúng để có vốn thành lập CTCP 
mới hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ 
cao. Trong trường hợp này pháp luật CK chỉ đòi hỏi các cổ đông 
sáng lập trình được phương án khả thi về việc sử dụng vốn thu 
được từ đợt phát hành cổ phiếu. 
Đối với phát hành trái phiếu ra công chúng, pháp luật CK đòi hỏi 
công ty CP có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký phát 
hành tối thiểu là 10 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh của năm liền 
trước năm đăng ký phát hành phải có lãi, có phương án khả thi về 
việc sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu và 
phải có tổ chức bảo lãnh phát hành. 
Như vậy pháp luật CK Việt Nam áp dụng chế độ quản lý chất 
lượng đối với phát hành CK ra công chúng. Trong chế độ quản lý 
chất lượng, pháp luật quy định cụ thể tiêu chuẩn cho tổ chức phát 
hành, và việc phát hành CK ra công chúng phải được cấp phép. 
Chế độ quản lý chất lượng cũng được áp dụng trong pháp luật CK 
của các nước thuộc Liên minh Châu Âu.19 Trong khi đó Mỹ quản 
lý việc phát hành CK ra công chúng theo chế độ đăng ký, theo đó 
pháp luật không quy định các điều kiện cho CK được phát hành, 
mà quy định chi tiết về nghĩa vụ công bố thông tin.20 
công ty CP còn có thể sử dụng TTCK để cơ cấu lại cổ đông bằng 
cách mua lại cổ phần đã phát hành của chính mình. Việc mua lại 
cổ phần đã phát hành của chính mình có thể nhằm tránh sự mua 
thu gom của các tổ chức không thân thiện có ý định tạo ảnh hưởng 
đến hay thâu tóm công ty, hoặc nhằm thu lại cổ phần để bán cho 
(các) nhà đầu tư khác phù hợp với chiến lược của công ty. Thông 
qua TTCK, cổ phiếu của công ty có thể được mua lại một cách dễ 
 148 
dàng hơn so với áp dụng thủ tục mua lại quy định tại khoản 2, 3 
Điều 91 Luật doanh nghiệp 2005. 
Tất cả các cổ phần được mua lại nhằm các mục đích trên được coi 
là cổ phần thu về và thuộc số cổ phần được quyền chào bán 
(khoản 2 Điều 92 LDN 2005). Pháp luật CK gọi cổ phiếu (cổ 
phần) được mua lại trên TTCK là cổ phiếu quỹ (khoản 4 Điều 3 
Nghị định 144/2003/NĐ-CP). 
Việc mua lại cổ phần đã phát hành cũng còn có thể nhằm cơ cấu 
lại vốn cổ phần. Đặc biệt, sau khi hoàn thành kế hoạch đầu tư được 
thực hiện bằng nguồn vốn thu được từ việc phát hành cổ phần ưu 
đãi cổ tức, công ty có thể tiến hành mua lại một phần hoặc toàn bộ 
loại cổ tức này như một biện pháp hoàn vốn. 
Mặc dù trong trường hợp này cổ phần ưu đãi cổ tức được mua lại 
vẫn được xem là cổ phần thu về và thuộc cổ phần được quyền chào 
bán, nhưng công ty không nhất thiết phải bán lại hay phải bán lại 
trong một thời hạn nào cả. 
Thay vì phát hành cổ phần, công ty CP cũng có thể phát hành trái 
phiếu các loại để huy động vốn đầu tư. Trái phiếu thông thường là 
loại chứng khoán ghi nợ, và trong chừng mực đó có bản chất pháp 
lý như tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tùy điều kiện phát hành, trái 
phiếu có thể được chuyển nhượng trao tay hoặc được niêm yết và 
có thể chuyển nhượng thông qua TTCK. công ty CP cũng có thể 
hấp dẫn công chúng đầu tư bằng việc phát hành trái phiếu kèm 
theo quyền mua cổ phiếu (còn gọi là chứng quyền) hay trái phiếu 
chuyển đổi (là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ 
thông theo những điều kiện được xác định trước). 
Bên cạnh đó, CTCP cũng có thể mua cổ phần, trái phiếu, chứng 
chỉ quỹ đầu tư của các công ty, tổ chức phát hành khác như là các 
công cụ góp vốn đầu tư hay công cụ tài chính. Cũng như các chủ 
 149 
thể khác trên thị trường CK, CTCP cũng còn có thể tham gia giao 
dịch khác như giao dịch kỳ hạn, quyền chọn v.v.. như là các công 
cụ tài chính. 
7.2.2 Thị trường CK tác động tới công ty CP 
Việc niêm yết cổ phần của công ty CP trên TTCK tác động mạnh 
mẽ trở lại đối với sự tồn vong và phát triển của công ty. Lúc này 
“giá trị cổ phần” của công ty là giá giao dịch thực tế của nó trong 
một giao dịch cụ thể trên TTCK. Giá giao dịch được xác định 
trong mỗi phiên giao dịch cung cấp cho công ty và công chúng đầu 
tư một thông số giá trị tương đối của cổ phần đó. 
Một công ty CP được đánh giá là có thực lực và tiềm năng thì giá 
(trị) cổ phần ngay sau khi niêm yết có thể đã cao hơn nhiều so với 
mệnh giá cổ phần. Điều đó làm tăng giá trị sở hữu cổ phần (theo 
tính toán) của cổ đông, điều mà mỗi nhà đầu tư cổ phần đều muốn 
đạt được. Giá trị tăng lên của cổ phần được niêm yết thoạt đầu 
không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty. Nhưng nó 
tạo nên sự hấp dẫn của cổ phần đó đối với nhà đầu tư, tạo nên hình 
ảnh tốt đẹp của công ty trong công chúng đầu tư và trong quan hệ 
với đối tác kinh doanh. Giá trị tăng lên của cổ phần trên TTCK còn 
có thể được công ty nắm bắt như một cơ hội thuận lợi để phát hành 
một đợt cổ phần mới nhằm huy động thêm vốn cổ phần. Khoản thu 
đạt được từ việc phát hành cổ phần mới như vậy có thể cao hơn 
nhiều tổng mệnh giá số cổ phần thực tế phát hành được. 
Tuy nhiên, biểu đồ phát triển giá trị cổ phần cũng rất nhạy cảm với 
các sự kiện chính trị, kinh tế. Các sự kiện hay xu hướng chính trị, 
kinh tế có thể tác động tới ngành, lĩnh vực hay toàn bộ nền kinh tế. 
Các thông tin về các sự kiện đó có thể ảnh hưởng tức thì đến biểu 
đồ phát triển trị giá của các chỉ số CK trên một TTCK hoặc nhiều 
TTCK trong một khu vực hoặc thậm chí tác động đến các TTCK 
trên toàn cầu. Như vậy, xét về ngắn hạn một cổ phần được niêm 
 150 
yết thường phải gánh chịu cả xu hướng tiêu cực của TTCK nói 
chung. Một kế hoạch huy động vốn cổ phần có thể vì thế mà phải 
hoãn lại hoặc thậm chí bị hủy bỏ. Nhưng trung hạn hay dài hạn thì 
biểu đồ phát triển của một loại cổ phần vẫn có thể khẳng định 
được xu hướng ngược lại, nếu công ty vẫn có được những chỉ số 
phát triển tốt. Tuy nhiên điều đó đòi hỏi nỗ lực cao trong thực thi 
chính sách thông tin đến công chúng đầu tư. 
7.3 Công ty cổ phần “minh bạch” 
Công ty CP là loại hình công ty được thiết kế phù hợp để huy động 
vốn từ công chúng đầu tư, bởi vậy luật đồng thời phải chú trọng 
đến việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư vốn vào loại công ty 
này. Giữa việc tạo điều kiện để công ty huy động vốn và sự bảo vệ 
nhà đầu tư tồn tại một mối quan hệ biện chứng. 
Bởi vậy đối với loại , công ty CP ngay bản thân Luật doanh nghiệp 
cũng đã định ra chế độ “công khai thông tin”. 
7.3.1 Công khai thông tin đối với cổ đông 
Trước hết luật đặt ra các yêu cầu để các cổ đông (là các nhà đầu tư 
vốn cổ phần vào công ty) có thể có được thông tin đầy đủ và chính 
xác về tình hình cũng như triển vọng kinh doanh, tài chính và năng 
lực quản trị của bộ máy công ty. Theo đó HĐQT phải lập và trình 
Báo cáo về tình hình kinh doanh của công ty, Báo cáo tài chính và 
Báo cáo đánh giá công tác quản lý và điều hành công ty cho BKS 
thẩm định. Riêng Báo cáo tài chính của công ty CP phát hành 
chứng khoán hoặc niêm yết còn phải được kiểm toán trước khi 
trình ĐHĐCĐ. Các báo cáo đó cũng như các báo cáo thẩm định và 
báo cáo kiểm toán phải có ở trụ sở chính của công ty và các chi 
nhánh ít nhất 7 ngày trước khi khai mạc Đại hội thường niên của 
ĐHĐCĐ nếu điều lệ công ty không quy định một thời hạn khác. 
Tất cả các cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất 1 
 151 
năm đều có quyền tự mình hoặc cùng với luật sư hoặc kế toán và 
kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét các báo 
cáo nói trên trong thời gian hợp lý (xem Điều 128 Luật DN 2005). 
Đảm bảo quyền được thông tin của cổ đông chính là công cụ bảo 
vệ cổ đông với tư cách là nhà đầu tư. Trên cơ sở thông tin đầy đủ, 
chính xác nhà đầu tư có thể quyết định tiếp tục duy trì, tăng, giảm 
hay thậm chí hủy tài khoản cổ phần của mình. 
7.3.2 Công khai thông tin đối với công chúng đầu tư 
Bên cạnh đó, một hướng điều chỉnh khác của pháp luật đối với loại 
hình CTCP là đảm bảo thông tin về công ty cho công chúng đầu 
tư, nghĩa là cho các nhà đầu tư tiềm năng. Luật DN 2005 quy định 
điều đó dưới hình thức “mọi tổ chức, cá nhân có quyền xem hoặc 
sao chép báo cáo tài chính hàng năm của CTCP tại cơ quan đăng 
ký kinh doanh có thẩm quyền” (Điều 129). Tuy nhiên, như vậy 
luật cũng chỉ đặt ra yêu cầu tối thiểu. Còn nếu muốn thực sự thu 
hút được công chúng đầu tư thì CTCP phải có một chính sách 
thông tin tích cực, nghĩa là tự mình thông tin nhiều hơn đến công 
chúng đầu tư là theo yêu cầu của luật. Một chính sách thông tin 
tích cực có thể tạo được lòng tin từ công chúng đầu tư cũng phải là 
một chính sách thông tin trung thực. 
7.3.3 Nghĩa vụ thông tin đối với công ty phát hành CK ra công 
chúng và CTCP niêm yết 
Pháp luật CK nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. 
Bởi vậy nó đòi hỏi công ty phát hành CK ra công chúng và CTCP 
niêm yết tính minh bạch một cách triệt để. Yêu cầu về tính minh 
bạch được thể hiện ở đòi hỏi về nghĩa vụ cung cấp thông tin ở một 
cấp độ cao hơn. 
Hồ sơ đăng ký phát hành CK ra công chúng phải có Bản cáo bạch. 
Bản cáo bạch là tài liệu hoặc dữ liệu điện tử công khai những 
 152 
thông tin chính xác, trung thực, khách quan liên quan đến việc 
chào bán hoặc niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành. Bản 
cáo bạch nhằm cung cấp thông tin cho công chúng đầu tư để họ tự 
đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư. Bởi vậy pháp luật yêu 
cầu Bản cáo bạch phải có đầy đủ các thông tin cần thiết, trung 
thực, rõ ràng nhằm giúp cho người đầu tư và công ty CK có thể 
đánh giá đúng về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh 
doanh và triển vọng của tổ chức đăng ký phát hành; các số liệu tài 
chính trong Bản cáo bạch phải phù hợp với các số liệu của Báo cáo 
tài chính đã được kiểm toán trong hồ sơ đăng ký phát hành (xem 
Điều 15 Luật Chứng khoán, Thông tư 17/2007/2003 của Bộ Tài 
chính hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán CK ra công chúng). 
Sau khi phát hành CK, công ty cũng còn phải thực hiện chế độ báo 
cáo và công bố thông tin. Các quy định về chế độ báo cáo nhằm 
đảm bảo quản lý nhà nước của Ủy ban chứng khoán. Còn chế độ 
công bố thông tin nhằm đảm bảo thông tin cho nhà đầu tư đã mua 
CK của công ty cũng như cho công chúng đầu tư. Chế độ công bố 
thông tin bao gồm (i) nghĩa vụ thông tin về quyền biểu quyết, 
quyền đăng ký mua CK, quyền chuyển đổi CK và các quyền khác 
cho tất cả các cổ đông biết; về sở hữu cổ phần của các thành viên 
HĐQT, Ban Giám đốc, cổ đông lớn và những người có liên quan; 
(ii) công bố thông tin định kỳ và (iii) công bố thông tin bất thường. 
Công ty đăng ký niêm yết và công ty niêm yết cũng có nghĩa vụ 
thông tin, chế độ báo cáo và chế độ công bố thông tin tương tự. 
Bên cạnh đó pháp luật CK cũng quy định chế độ công bố thông tin 
của các chủ thể khác tham gia vào hoạt động của TTCK như 
Trung tâm giao dịch CK, Sở giao dịch CK, Công ty CK, Công ty 
quản lý quỹ. 
____________________________ 
 153 
1 Ví dụ, vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định tại 
Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 về ban hành Danh mục vốn pháp 
định của các tổ chức tín dụng áp dụng cho đến 2008 là 1.000 tỷ đồng, đến năm 
2010 là 3.000 tỷ đồng. 
2 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% 
vốn nhà nước thành công ty cổ phần. 
3 Luật Công ty 1990 quy định số lượng cổ đông tối thiểu là bảy (xem Điều 30). 
Pháp luật CTCP của một số nước đã từng quy định số lượng cổ đông tối thiểu 
như Cộng hòa Pháp (xem Điều L 73 Loi n° 66-537 ngày 24.7.1966: 7 cổ đông) 
hay CHLB Đức (xem Điều 2 Aktiengesetz 1965: 5 cổ đông)... nay đã cho phép 
CTCP chỉ có một cổ đông duy nhất (Điều 2 Aktiengesetz sửa đổi năm 2000). 
4 Xem khoản 2 Điều 29 LDN 2005, khoản 1 Điều 10 Nghị định 137/2007/NĐ-
CP ngày 05/9/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của LDN. 
5 Xem khoản 1 Điều 84 LDN 2005. 
6 Xem: Council Regulation (EC) No 2157/2001 of 8 October 2001 on the 
Statute for a European company (SE), OJ L 294 10.11.2001 P. 0001 - 0021 
7 Theo mục 4.1.b Phụ lục H Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, Việt Nam có thể 
duy trì tình trạng pháp lý “công dân hoặc công ty Hoa Kỳ chưa được phép thành 
lập công ty cổ phần” trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. 
Điều đó có nghĩa là theo cam kết, Việt Nam phải xóa bỏ tình trạng pháp lý này 
sau thời hạn đó. 
8 Xem Nghị định 38/2003/NĐ-CP về việc thí điểm chuyển đổi một số doanh 
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ 
phần. 
 154 
9 Nay LDN 2005 cũng chỉ xem Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH là 
“người quản lý doanh nghiệp”, các thành viên khác không còn là “người quản lý 
doanh nghiệp” với tư cách là thành viên nữa (mục 13 Điều 4). 
10 Tuy nhiên, trước LDN 2005, Chính phủ tự hạn chế việc sử dụng loại 
CPƯĐBQ trong trường hợp CTCP được chuyển đổi từ DNNN hoạt động trong 
các ngành: (i) Tiền tệ, tín dụng và các dịch vụ tài chính khác; (ii) Bưu chính 
viễn thông; (iii) Vận tải hàng không và (iv) các ngành khác theo quyết định của 
Thủ tướng Chính phủ (xem khoản 3 Điều 30 Nghị định 03/2000/NĐ-CP (sửa 
đổi). 
11 “Cổ phần được quyền chào bán” là cổ phần đã thể hiện trong vốn điều lệ, 
nhưng chưa được bán hoặc chưa bán được. 
12 Như quy định tại các Điều 222-232 Luật Công ty cổ phần của Đức 
(Aktiengesetz). 
13 Điều 13 Luật Công ty 1990 quy định công ty (nói chung) có nghĩa vụ “trích 
5% lãi ròng hàng năm để lập quỹ dự trữ bắt buộc cho đến mức bằng 10% vốn 
điều lệ của công ty”. 
14 Ngoài ra Cộng hòa Pháp đã du nhập mô hình này bằng Luật số 66-537 ngày 
24/7/1966. Kể từ đó CTCP ở Pháp có thể lựa chọn giữa mô hình tổ chức quản lý 
truyền thống (mô hình “đơn”) và mô hình tổ chức quản lý theo kiểu Đức (mô 
hình “kép”). 
15 Xem Đoạn 502 và 503 Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập 
WTO. 
16 So sánh quy định tại Điều 3 Nghi định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về 
việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. 
 155 
17 Xem quy định tại các Điều 1 của các nghị định về cổ phần hóa như Nghị định 
28/CP ngày 7/5/1996, 44/1998/NĐ-CP, 64/2002/NĐ-CP, 187/2004/NĐ-CP, 
109/2007/NĐ-CP 
18 Về pháp luật CK của Mỹ tham khảo Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật về phát 
hành chứng khoán của Mỹ, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4/2005, tr. 21-29. 
19 Xem Chỉ thị của Ủy ban Châu Âu số 348/62 ngày 12/12/1998 (Directive No 
348/62/EC). 
20 Tham khảo Nguyễn Thanh Tú, Pháp luật về phát hành chứng khoán của Mỹ, 
Tạp chí Khoa học pháp lý số 4/2005, tr. 21-29 [23]. 

File đính kèm:

  • pdfbai_giang_chu_the_kinh_doanh_chuong_iv_cong_ty_co_phan.pdf