Tôn giáo và nhà nước pháp quyền nhìn từ xã hội dân sự

Tóm tắt: Bài viết này trình bày khái lược về quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với các tôn giáo nhìn từ xã hội dân sự, với mong muốn góp thêm một góc nhìn với thực tế chính trị - xã hội - tôn giáo đang diễn ra để lựa chọn con đường giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước trong việc xây dựng chính sách pháp luật.

doc 7 trang phuongnguyen 3700
Bạn đang xem tài liệu "Tôn giáo và nhà nước pháp quyền nhìn từ xã hội dân sự", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tôn giáo và nhà nước pháp quyền nhìn từ xã hội dân sự

Tôn giáo và nhà nước pháp quyền nhìn từ xã hội dân sự
Tôn giáo SỐ12 (126), 2013,44-49 NGUYÊN THỊ VÂN HÀ( NCS., Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
)
TÔN GIÁO VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
NHÌN TỪ XÃ HỘI DÂN Sự
Tóm tắt: Bài viết này trình bày khái lược về quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với các tôn giáo nhìn từ xã hội dân sự, với mong muốn góp thêm một góc nhìn với thực tế chính trị - xã hội - tôn giáo đang diễn ra để lựa chọn con đường giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước trong việc xây dựng chính sách pháp luật.
Từ khóa: Tôn giáo, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Dẩn nhập
Niềm tin tôn giáo làm con người gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng cũng làm phân ly mạnh mẽ các cộng đồng, quốc gia, tộc người. Tính đa dạng và đòi hỏi của hệ thống công ước quốc tế về nhân quyền, tôn giáo và điều kiện, quan niệm của mỗi quốc gia đặt ra những thách thức trong việc giải quyết mối quan hệ tôn giáo với pháp quyền ở mỗi nước.
Tại Diễn đàn Đối thoại Việt - Mỹ về tự do tôn giáo tại Washington DC ngày 19/6/2013, GS.TS. Đỗ Quang Hưng khẳng định: “Các kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sẽ rất khó có thể giải quyết những khúc mắc trong quan hệ giữa tôn giáo, xã hội dân sự và nhà nước nếu thiếu vắng vai trò của một nhà nước pháp quyền về tôn giáo”(1). Chúng tôi nhất trí với luận điểm trên và trong bài viết này đặt ra thêm hai vấn đề có liên quan: Một là, nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng luật pháp, nên hoạt động tôn giáo, một lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng phải như vậy. Hai là, làm rõ mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước pháp quyền nhìn từ xã hội dân sự để có cái nhìn thích hợp về chính sách, pháp luật và ứng xử phù hợp với xã hội dân sự nói chung, tôn giáo nói riêng.
Luật pháp về tôn giáo
Tôn giáo không chỉ là một hình thái ý thức xã hội mà còn là thực thể xã hội với những hoạt động đặc thù đan xen với các xã hội, đa dạng xâm nhập vào mọi phương diện của đời sống.
Tôn giáo hay tín ngưỡng tự nó không cấu thành một khái niệm xác định về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong hoạt động pháp lý, có nhiều phạm trù liên quan đến các tổ chức tôn giáo. Nhiều nguyên tắc pháp lý cơ bản liên quan đến tôn giáo trước hết và chủ yếu là các hoạt động công cộng của nó.
Dưới góc độ Luật học, chúng tôi cho rằng, luật pháp về tôn giáo được hiểu là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế.
Việc các nhà nước ban hành hệ thống quy phạm pháp lý để điều chỉnh các hoạt động tôn giáo là tất yếu. Vấn đề là ở chỗ, các văn bản pháp lý đó có đáp ứng các giá trị, chuẩn mực và yêu cầu của nhà nước pháp quyền trong mối quan hệ biện chứng với đời sống tôn giáo quốc gia hay chưa.
Bản chất của luật pháp nói chung, luật pháp về tôn giáo nói riêng phản ánh bản chất của nhà nước đặt ra nó. Chính vì vậy, luật pháp có tính giai cấp. Song vì là công cụ để quản lý xã hội, nên luật pháp còn phải có tính xã hội. Bởi vì, nó chứa đựng những chuẩn mực chung được số đông trong xã hội ủng hộ. Luật pháp có tính dân tộc, nghĩa là phù hợp với truyền thống, tập quán, giá trị đạo đức của các dân tộc trong đất nước. Bản chất này cho phép luật pháp gần gũi với dân chúng, được dân chúng ủng hộ, do đó có hiệu quả điều chỉnh các quan hệ xã hội. Luật pháp có tính thời đại, nghĩa là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có khả năng hội nhập với luật pháp quốc tế.
Trong mối quan hệ với tôn giáo, các nhà nước thường căn cứ trên hai nhóm quan hệ làm cơ sở cho việc xây dựng luật pháp tôn giáo: bảo vệ quyền tự do tôn giáo - cá nhân, và điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với các tổ chức tôn giáo. Dựa trên tiêu chí đó, nội dung của luật pháp tôn giáo chia thành hai nhóm quy phạm có mối quan hệ hữu cơ: các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động tôn giáo của các cá nhân với tư cách là quyền cơ bản của con người, và các quy phạm pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tổ chức tôn giáo.
Tôn giáo nhìn từ đối tượng của luật pháp về tôn giáo
Không thể bàn đến luật pháp về tôn giáo, công cụ để quản lý của nhà nước pháp quyền về tôn giáo, nếu chưa nói đến khái niệm “tôn giáo”. Trong cuốn về tôn giáo, nhà xã hội học tôn giáo nổi tiếng người Pháp Y.
Lambert đã diễn tả sự phức tạp trong định nghĩa về tôn giáo bằng hình tượng “Tháp Babel”. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào việc bàn luận khái niệm đó, mà chủ yếu lựa chọn một định nghĩa thích hợp trên bình diện luật pháp tôn giáo ở Việt Nam.
Với tính cách là một thực thể, “tôn giáo” được dùng để chỉ “tổ chức tôn giáo”. Một số quốc gia vận dụng định nghĩa của É. Durkheim trong việc xác định “tổ chức tôn giáo”. Ví dụ như Trung Quốc với “thuyết 4 yếu tố”: giáo lý, giáo luật, tổ chức và nghi lễ. Từ năm 1982, khi Trung Quốc đổi mới về chính sách tôn giáo, nội dung 2 văn bản quan trọng là Pháp lệnh đất đai, tài sản tôn giáo và Quan hệ quốc tế của các tôn giáo đã không trực tiếp định nghĩa tôn giáo mà ngầm công nhận những thực tại được xã hội xác tín và gọi là “tôn giáo”- tức là có những thay đổi to lớn về mặt nhận thức. Tuy nhiên, sự diễn đạt chính trị còn những khoảng cách với thực tế đời sống. “Đổi mới chính sách tôn giáo” ở Trung Quốc hiện nay vẫn là chính sách thiết chế hóa tôn giáo bởi nhà nước, tức là vẫn rất chặt chẽ trong việc công nhận các tổ chức tôn giáo. Việc nhà nước ẩn giấu quyền định nghĩa “tôn giáo” không đồng nghĩa với việc nhà nước trao quyền công nhận các tổ chức tôn giáo cho xã hội.
Ở Việt Nam, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: “Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được nhà nước công nhận” (Khoản 3, Điều 3). Như vậy, theo quan điểm chính thống hiện nay, Việt Nam cũng vận dụng định nghĩa của É. Durkheim, song công khai khẳng định giới hạn yếu tố quan trọng: “được nhà nước công nhận”.
Vấn đề nhà nước pháp quyền
Nhà nước pháp quyền là một học thuyết chính trị pháp lý và triết học xuất hiện ở Tây Âu vào các thế kỷ XVII - XVIII. Khi nói đến nhà nước pháp quyền là nói đến một phương thức dân chủ trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước; vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo thực hiện các thiết chế dân chủ; vai trò tối thượng của hiến pháp và các đạo luật trong hệ thống pháp luật.
GS.TS. Nguyễn Duy Quý cho rằng: “Ngoài các giá trị phổ biến, nhà nước pháp quyền còn bao hàm các giá trị đặc thù. Tính đặc thù của nhà nước pháp quyền được xác định bởi nhiều yếu tố. Các yếu tố này, về thực chất, là hết sức đa dạng, phong phú và rất phức tạp, được xác định bởi các điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa, tâm lý xã hội và môi trường địa lý của mỗi quốc gia dân tộc. Chúng không chỉ tạo ra cái đặc sắc, tính riêng biệt của mỗi dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và phát triển, mà còn quyết định mức độ tiếp thu và dung nạp các giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền. Việc thừa nhận tính đặc thù của nhà nước pháp quyền có ý nghĩa nhận thức luận quan trọng. Với ý nghĩa này, nhà nước pháp quyền là một phạm trù vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù; vừa là giá trị chung của nhân loại, vừa là giá trị riêng của mỗi dân tộc, quốc gia”(2).
Theo chúng tôi, việc thừa nhận quan hệ giữa các giá trị phổ biến và giá trị đặc thù là tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là sự dung nạp, gắn kết giữa các giá trị phổ biến trong tư duy và hành động không chỉ đối với vấn đề nhà nước pháp quyền, mà còn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Khó có thể nói, việc xây dựng và hoàn thiện luật pháp nói chung, luật pháp tôn giáo nói riêng theo hướng hội nhập quốc tế nếu các giá trị phổ biến luôn bị che lấp bởi giá trị đặc thù. Trong một số trường hợp, nếu lạm dụng những giá trị được coi là đặc thù sẽ dẫn đến trạng thái vừa từ chối tiếp thu các giá trị phổ quát, vừa thiếu sức sáng tạo ở bên trong.
Quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với các tôn giáo nhìn từ xã hội dân sự
Các tổ chức tôn giáo là một bộ phận đặc thù của xã hội dân sự. Sự phát triển của các tổ chức xã hội chính trị dân sự, hàm chứa các tổ chức tôn giáo, là xu thế tất yếu. Sự phát triển của thực tiễn xã hội đòi hỏi hệ thống luật pháp và thể chế quản lý có cơ cấu điều hành thích hợp với tính đa dạng của không gian đó. Để xã hội phát triển bình thường, nhà nước cần giải quyết những thử thách của xã hội dân sự, trong đó có các tổ chức tôn giáo một cách thỏa đáng.
Phát triển xã hội dân sự là một xu hướng tất yếu. TS. Trần Anh Tuấn, trong bài viết Một sổ vẩn đề cần lưu ý về xã hội dân sự, thừa nhận sự tồn tại khách quan, vai trò, tác dụng của các tổ chức xã hội dân sự và đưa ra quan điểm: “Xã hội dân sự ở nước ta bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích, câu lạc bộ,...; các tổ chức dịch vụ công và các quỹ không phải do Nhà nước lập ra, hoạt động phi lợi nhuận, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật và tích cực phối hợp hoạt động với Nhà nước nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(3). Trong bài viết này, tác giả cũng lưu ý những hạn chế do các mối quan hệ và liên kết mềm, tự quản, không thuần nhất,... của xã hội dân sự.
về mặt cấu trúc, xã hội dân sự được cấu thành bởi các nhóm được vận hành với văn hóa dân chủ, tôn trọng nguyên tắc đối thoại trong tinh thần duy lý. Không xây dựng được một xã hội như vậy, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, mỗi khi khó khăn, khó có cơ hội đối thoại với nhà nước hoặc nhóm xã hội liên quan để được chia sẻ. Tổn thương và mâu thuẫn sẽ tích tụ, dồn nén, bùng phát trong những bối cảnh và điều kiện nhất định.
Để ổn định xã hội, nhà nước cần phải tạo một không gian pháp lý cởi mở để các nhóm xã hội ra đời, tồn tại và phát triển lành mạnh chứ không phải cấm đoán hoặc hạn chế. Thời đại của xã hội công dân là thời đại mà nhà nước pháp quyền và các nhóm xã hội cùng tồn tại. Nhưng nhà nước sẽ, tùy theo nhịp trưởng thành của xã hội, từng bước trao dần sức mạnh cho các nhóm xã hội.
Các tổ chức tôn giáo, mặc dù có những đặc trưng riêng, song trên một phương diện căn bản cũng thuộc về và vận hành cùng với xã hội dân sự. Việc bình thường hóa các hoạt động của xã hội dân sự là điều kiện không thể thiếu cho việc tạo ra nền tảng cho sự tôn trọng một cách đầy đủ các chuẩn mực đạo đức mới trong một xã hội hiện đại.
Tinh thần cơ bản của xã hội dân sự là tôn trọng các quyền tự do và sự phát triển ý thức trách nhiệm của công dân. Nhà nước tạo điều kiện cho công dân đóng góp trực tiếp phần mình vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc biệt được đảm trách bởi nhà nước. Các công dân tham gia một cách tích cực vào việc xây dựng xã hội. Sự lớn lên của ý thức công dân, sự trưởng thành mạnh mẽ của xã hội sẽ khiến cho các hoạt động vị tha, vì cộng đồng trong xã hội tăng lên và có tác động vào việc tạo nên thế cân bằng động với những đóng góp xã hội của các tôn giáo.
Nhìn chung, ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo, dù đã được công nhận về mặt tổ chức tôn giáo, vẫn chưa thật sự được coi như những tổ chức xã hội thông thường về mặt dân sự, chưa được hòa nhập thật sự vào các lĩnh vực hoạt động như giáo dục, y tế, từ thiện, kinh tế,... với tư cách của một chủ thể pháp nhân. Hiện nay, mức độ được tham gia vào các lĩnh vực xã hội của các tôn giáo ở Việt Nam còn hạn chế.
Sự lớn mạnh của các nhóm xã hội là xu thế tất yếu, bình thường. Việc lựa chọn biện pháp giải quyết những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội bằng con đường hoàn thiện pháp luật, cải cách thể chế và cải cách kinh tế không chỉ là sự “kê đơn chẩn bệnh” đúng đắn mà còn thể hiện tầm nhìn, đối sách chính trị thích hợp của các nhà hoạch định chính sách, thực thi pháp luật.
Với những phân tích trên đây, chúng tôi hy vọng góp thêm một cách nhìn với thực tế chính trị - xã hội - tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay để lựa chọn con đường giải quyết hài hòa các mối quan hệ, đồng thời có thái độ đúng đắn khi xử lý các vấn đề tôn giáo./.
CHÚ THÍCH
%20nuoc%20VNXHCN.html
 v-n-d-c-n-l-u-y-v-xa-h-i-dan-s.aspx
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lưu Bành (Trần Nghĩa Phương dịch, 2009), Tôn giáo Mỹ đương đại, Nxb. Tôn giáo - Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
Trần Ngọc Hiên (2008). “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta”, Cộng sản, số 10.
Đặng Nghiêm Vạn (2003), “Bàn về tín đồ và tổ chức của một tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 2.
 v-n-d-c-n-l-u-y-v-xa-h-i-dan-s.aspx
RELIGION AND STATE OF LAW
FROM THE ASPECT OF CIVIL SOCIETY
This article presents briefly the relation between state of law and religions from aspect of civil society. The writer hopes to contribute her views to political, social and religious realities at present so we can find the appropriate method to resolve the relation between religion and state in building law policy.
Key words: Religion, State of law, Civil Society.

File đính kèm:

  • docton_giao_va_nha_nuoc_phap_quyen_nhin_tu_xa_hoi_dan_su.doc
  • pdf22621_75553_1_pb_2824_556372.pdf