Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam

Trong xu hướng hiện nay, tài chính toàn diện (TCTD) được coi là một trong

những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững,

từ đó giảm bớt tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, khoảng

cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo, giữa người dân ở nông

thôn và thành thị ngày càng gia tăng. Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế

giới (Worldbank- WB) công bố trong các năm 2011, 2014 và 2017, nghiên

cứu đánh giá thực trạng phát triển TCTD ở Việt Nam, cho thấy vẫn còn ở

mức khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Từ đó nghiên cứu đề ra

các khuyến nghị, giải pháp phù hợp nhằm phát triển TCTD ở nước ta trong

thời gian tới.

Từ khóa: Tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, tổ chức tài chính

pdf 11 trang phuongnguyen 60
Bạn đang xem tài liệu "Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam

Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
9
© Học viện Ngân hàng
ISSN 1859 - 011X 
Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
Số 214- Tháng 3. 2020
Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
Nguyễn Thị Như Quỳnh
Khoa Tài chính, Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM
Ngày nhận: 30/08/2019 Ngày nhận bản sửa: 10/09/2019 Ngày duyệt đăng: 18/09/2019
Trong xu hướng hiện nay, tài chính toàn diện (TCTD) được coi là một trong 
những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, 
từ đó giảm bớt tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, khoảng 
cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo, giữa người dân ở nông 
thôn và thành thị ngày càng gia tăng. Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế 
giới (Worldbank- WB) công bố trong các năm 2011, 2014 và 2017, nghiên 
cứu đánh giá thực trạng phát triển TCTD ở Việt Nam, cho thấy vẫn còn ở 
mức khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Từ đó nghiên cứu đề ra 
các khuyến nghị, giải pháp phù hợp nhằm phát triển TCTD ở nước ta trong 
thời gian tới.
Từ khóa: Tài chính toàn diện, dịch vụ tài chính, tổ chức tài chính
Financial inclusion in Vietnam 
In the current trend, financial inclusion has played important roles in economic development and sustainable 
poverty reduction, thereby reducing social inequality. However, the income gap between rich and poor, between 
rural and urban people is increasing. Based on Worldbank data published in 2011, 2014 and 2017 (Global 
findex), the study shows that the situation of financial inclusion development in Vietnam is still lower than 
other countries in the region, then the study evaluates the achievements and some limitations in improving 
finacial inclusion in Vietnam, after, the paper suggests some recommendations to develop financial inclusion 
in my country in the future.
Keywords: Financial inclusion, financial services, financial institutions
Quynh Thi Nhu Nguyen
Email: quynhntn@buh.edu.vn
Faculty of Finance, Banking University Hochiminh city
1. Đặt vấn đề
TCTD (financial inclusion hay financial 
exclusion) (Gopalan & Kikuchi, 2016) 
đang là chủ đề quan tâm của toàn thế giới. 
Theo số liệu của G. WorldBank (2014) 
trong những năm gần đây đã có trên 50 
quốc gia đặt mục tiêu chính thức phát triển 
TCTD. Tại Việt Nam, đã có một số nghiên 
cứu và hội thảo khoa học liên quan đến chủ 
đề này, dù vậy các câu hỏi như làm thế nào 
để phát triển TCTD bền vững ở Việt Nam; 
TCTD tại Việt Nam đang phát triển trong 
giai đoạn nào vẫn cần được giới nghiên cứu 
Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
10 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 214- Tháng 3. 2020
giải đáp để đưa ra các chính sách phù hợp. 
Bài viết dựa trên dữ liệu Global Findex 
database (2017) (WB) (Demirgüç-Kunt, 
Klapper, Singer, Ansar, & Hess, 2018) 
về tiếp cận TCTD của cá nhân tại hơn 
140 quốc gia trong các năm 2011, 2014, 
2017 và dữ liệu của IMF Financial Access 
Survey (FAS) (công bố ngày 28/12/2018) 
về đo lường và giám sát TCTD để phân 
tích thực trạng phát triển TCTD của Việt 
Nam, từ đó đề ra một số giải pháp, khuyến 
nghị nhằm phát triển TCTD ở nước ta 
trong giai đoạn tới. Để thực hiện mục tiêu 
này, cấu trúc bài viết gồm: Tổng quan về 
TCTD bao gồm khái niệm, vai trò và các 
chỉ tiêu đo lường TCTD; Thực trạng về 
phát triển TCTD ở nước ta trong các năm 
gần đây; Phân tích, đánh giá thực trạng 
phát triển TCTD thông qua kết quả đạt 
được và một số vấn đề còn tồn tại để làm 
cơ sở đề ra các giải pháp và khuyến nghị.
2. Tổng quan về tài chính toàn diện
2.1. Khái niệm về tài chính toàn diện
Cho đến nay, khái niệm về TCTD vẫn 
chưa được một sự thống nhất chung. Theo 
Worldbank (2018), TCTD có nghĩa là các 
cá nhân và doanh nghiệp có quyền truy 
cập vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính 
hữu ích với giá cả phải chăng nhằm đáp 
ứng nhu cầu của họ như: Giao dịch, thanh 
toán, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, đồng 
thời được cung cấp các dịch vụ này một 
cách có trách nhiệm và bền vững. 
Một trong những tác giả đề cập đầu tiên về 
TCTD là Leyshon and Thrift (1995) cho 
rằng, TCTD đề cập đến các quy trình để 
các nhóm xã hội nghèo và thiệt thòi tiếp 
cận với hệ thống tài chính, nó có ý nghĩa 
quan trọng đối với sự phát triển không 
đồng đều do khuếch đại sự khác biệt về 
thu nhập và sự phát triển kinh tế. Sinclair 
(2001) lại cho rằng TCTD là khả năng tiếp 
cận các dịch vụ tài chính cần thiết ở dạng 
thích hợp do nhiều lý do khác nhau như 
khác nhau về quyền truy cập, điều kiện, 
giá cả, tiếp thị hoặc tự loại trừ để đáp ứng 
với trải nghiệm hoặc nhận thức tích cực. 
Theo Allen, Demirguc-Kunt, Klapper, and 
Martinez Peria (2016), TCTD là việc sử 
dụng các tài khoản chính thức có thể mang 
lại nhiều lợi ích cho cá nhân.
Theo báo cáo của Ủy ban TCTD Ấn Độ, 
TCTD là quy trình đảm bảo quyền truy 
cập vào các dịch vụ tài chính- tín dụng 
kịp thời, đầy đủ cho những nhóm dễ bị 
tổn thương như nhóm có thu nhập thấp 
với chi phí phải chăng (Kumar & Mishra, 
2011). Theo Sarma (2016), TCTD là một 
biểu hiện của toàn xã hội, chủ yếu là giữa 
những người ở “bên lề xã hội” (margins of 
the society) (Gopalan & Kikuchi, 2016). 
Tại Việt Nam, theo Vân, Hường, and Hà 
(2018), TCTD là quá trình đảm bảo khả 
năng tiếp cận, tính sẵn sàng và khả năng 
sử dụng hệ thống tài chính chính thức cho 
tất cả mọi thành phần kinh tế.
Như vậy, từ những cách tiếp cận trên, có thể 
thấy TCTD có tính chất đa chiều, cung cấp 
các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, 
chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) 
một cách thuận tiện cho tất cả các tầng lớp 
dân cư, nhất là người dân có thu nhập thấp, 
tạo cơ hội đồng đều và hạn chế bất bình 
đẳng trong nền kinh tế với chi phí hợp lý.
2.2. Vai trò của tài chính toàn diện
Từ khái niệm về TCTD, có thể thấy TCTD 
nhấn mạnh vào khả năng tiếp cận, tính 
sẵn sàng và khả năng sử dụng các dịch 
vụ tài chính với chi phí hợp lý dành cho 
mọi người dân. Vai trò của TCTD trong 
NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH
11Số 214- Tháng 3. 2020- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
việc phát triển bền vững kinh tế xã hội đã 
được WB và các nghiên cứu như Park and 
Mercado (2015), Sarma and Pais (2011), 
Chibba (2009) thể hiện. Số liệu của WB 
(2018) cho thấy, 1,2 tỷ người trưởng thành 
trên toàn thế giới đã có quyền truy cập 
vào một tài khoản từ năm 2011, tuy nhiên 
vẫn còn khoảng 31% người trưởng thành 
trên thế giới chưa có bất kỳ một tài khoản 
tại ngân hàng nào. Cũng theo WB (2014), 
trên thế giới ước tính một nửa số người 
trưởng thành chưa có tài khoản tại một tổ 
chức tài chính chính thức. Trong số những 
người có tài khoản, chỉ có 9% đi vay được 
ở ngân hàng và 22% có tiền tiết kiệm gửi 
ở ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu của 
tình trạng này là do chi phí giao dịch, 
khoảng cách địa lý và thủ tục hành chính, 
giấy tờ phức tạp. Ngoài ra, còn một số lý 
do khác bao gồm nhận thức của người dân 
trong việc sử dụng tiện ích của các dịch 
vụ tài chính, hay một số khác không muốn 
tiết lộ thông tin cá nhân. Nhóm người 
không tiếp cận với dịch vụ tài chính chính 
thức thường là những người nghèo, người 
trẻ tuổi, người thất nghiệp hoặc những 
người thiếu giáo dục hay sống ở vùng 
nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ở khía cạnh đối với các cơ cấu thành 
phần trong xã hội, TCTD giúp cho các cá 
nhân và doanh nghiệp gia tăng quản lý 
tài chính, gia tăng tiết kiệm, tạo điều kiện 
thanh toán, chuyển tiền an toàn, tiện lợi. 
Tạo điều kiện cho các cá nhân và doanh 
nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vốn tín 
dụng, chủ động trong các kế hoạch chi 
tiêu, đầu tư để phục vụ sản xuất tiêu dùng. 
Một minh chứng có thể thấy, vay vốn 
ngân hàng là một trong những kênh giúp 
cho người nông dân hay người nghèo có 
thể tự bảo vệ mình trước những cú sốc hay 
rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh 
tật, từ đó khiến họ tránh phải đi vay ở 
khu vực không chính thức với lãi suất “cắt 
cổ” để rồi nghèo chồng chất nghèo.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài 
chính, TCTD giúp cho các tổ chức này 
có thể mở rộng thị trường, đa dạng hóa 
cơ cấu khách hàng và sản phẩm dịch vụ. 
Đồng thời giảm bớt rủi ro trong quá trình 
hoạt động, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Đối với Chính phủ, TCTD giúp cho Chính 
phủ giảm bớt chi phí cho các chương trình 
trợ cấp an sinh xã hội thông qua việc chi 
trả qua tài khoản ngân hàng, từ đó gia tăng 
sự minh bạch, phòng chống tham nhũng. 
Bên cạnh đó, TCTD được áp dụng sẽ cải 
thiện công bằng, bình đẳng, từ đó năng lực 
của toàn xã hội cũng được nâng lên.
2.3. Các chỉ tiêu phản ánh tiếp cận tài 
chính toàn diện
Theo Gortsos and Panagiotidis (2017), 
TCTD được đo lường dựa trên ba chỉ tiêu 
(i) mức độ tiếp cận của các tổ chức tín 
dụng, (ii) mức độ sử dụng các sản phẩm 
và dịch vụ tài chính và (iii) chất lượng của 
sản phẩm dịch vụ. Đồng quan điểm này, 
Sarma (2016) cũng cho rằng TCTD được 
thể hiện thông qua ba khía cạnh là khả 
năng thâm nhập ngân hàng, tính khả dụng 
của các dịch vụ ngân hàng và việc sử dụng 
hệ thống ngân hàng (Gopalan & Kikuchi, 
2016). Để phân tích thực trạng về tiếp cận 
TCTD ở Việt Nam, tác giả cũng dựa trên 
các khía cạnh này để phân tích, cụ thể 
gồm mức độ tiếp cận dịch vụ của người 
dân, mức độ sử dụng dịch vụ tín dụng và 
tiết kiệm, mức độ sử dụng các phương tiện 
thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận 
tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và 
vừa, các chỉ số về điểm tiếp cận dịch vụ.
3. Thực trạng về phát triển tài chính 
toàn diện ở Việt Nam
Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
12 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 214- Tháng 3. 2020
3.1. Mức độ tiếp cận dịch vụ của người 
dân
Theo Worldbank (2017), sở hữu tài khoản 
tại các tổ chức tài chính là bước đầu tiên 
quan trọng đối với TCTD. Việc có tài 
khoản sẽ là bước tiền đề giúp cho người 
dân có thể sử dụng vào các dịch vụ khác 
của tổ chức tài chính. Theo số liệu khảo 
sát của Global findex, trung bình trên thế 
giới, trong năm 2011 tỷ lệ người trưởng 
thành có tài khoản là 51%, đến năm 2014 
số lượng này lên đến 62% và 2017 là 69%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành 
có tài khoản tại các tổ chức tài chính còn 
khá khiêm tốn, nếu năm 2011 tỷ lệ người 
trưởng thành có tài khoản là 21%, đến 
năm 2014 là 31% và con số đó được giữ 
nguyên trong năm 2017, nguyên nhân 
là do trước đây, các tổ chức tài chính có 
chính sách phát triển khách hàng mới, 
dẫn đến tình trạng một người dân có thể 
sở hữu nhiều tài khoản, nhưng thực tế họ 
chỉ có nhu cầu sử dụng từ một đến hai tài 
khoản. Do đó, trong các năm qua, mặc dù 
lượng người trưởng thành có tài khoản 
tại các tổ chức tài chính ở nước ta tăng, 
nhưng do số lượng hủy và đóng các tài 
khoản không sử dụng nên tỷ lệ này không 
thay đổi. Hình 1 cho thấy, so với các nước 
trong khu vực Châu Á, tỷ lệ người trưởng 
thành có tài khoản tại Việt Nam khá khiêm 
tốn, chỉ cao hơn Cambodia. Nếu so sánh 
với Indonesia, trong năm 2011, tỷ lệ người 
trưởng thành có tài khoản tại tổ chức tài 
chính cũng khoảng 20%, đến năm 2014 
con số này tăng vọt lên 36% và 2017 con 
số này là 49%. Khi so sánh với mặt bằng 
chung các quốc gia Đông Á và Thái Bình 
Dương, tỷ lệ này thấp hơn đáng kể.
3.2. Mức độ sử dụng dịch vụ tín dụng và 
tiết kiệm
Con người cần tiết kiệm cho các chi phí 
trong tương lai để thực hiện một khoản 
mua lớn, hay đầu tư vào giáo dục, kinh 
doanh, phục vụ các nhu cầu về già trong 
các trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, 
Hình 1. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính trong các năm 2011, 
2014, 2017 tại một số quốc gia Châu Á
Nguồn: Worldbank findex database (2017)
NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH
13Số 214- Tháng 3. 2020- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
hoặc thậm chí phục vụ cho các nhu cầu 
phát sinh không thể lường trước trong hiện 
tại (Worldbank, 2017).
Trung bình trên thế giới, tỷ lệ người 
trưởng thành có tài khoản tiết kiệm tại 
tổ chức tài chính là 22% cho năm 2011 
và 27% cho các năm 2014 và 2017. Tuy 
nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam là 8%, 15% 
và 14% lần lượt cho các năm trên. Có 
thể thấy đây vẫn là con số còn tương 
đối khiêm tốn so với một số quốc gia 
trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, 
Indonesia, Trung Quốc 
Hình 2. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tiết kiệm tại tổ chức tài chính ở một số 
quốc gia Châu Á
Nguồn: Worldbank findex database (2017)
Hình 3. Tỷ lệ người trưởng thành có khoản vay tại các tổ chức tài chính tại một số quốc gia 
Châu Á
Nguồn: Worldbank findex database (2017)
Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
14 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 214- Tháng 3. 2020
Đối với tỷ lệ người trưởng thành có khoản 
vay tại các tổ chức tài chính (Hình 3), 
trong các năm 2011, 2014 và 2017 con 
số này của Việt Nam lần lượt là 16, 18 
và 21%, con số này cao hơn so với mặt 
bằng chung trong khu vực Đông Á Thái 
Bình Dương và trên thế giới với số liệu 
lần lượt là 9% cho năm 2011 và 11% cho 
2 năm 2014 và 2017. Nguyên nhân là do 
hiện một số tổ chức tín dụng và ngân hàng 
đang tăng cường cho khách hàng vay các 
khoản trả góp, hoặc vay tín chấp để thực 
hiện tiêu dùng.
3.3. Mức độ sử dụng các phương thức 
thanh toán không dùng tiền mặt
Hiện nay, nhằm tăng cường tính minh 
bạch của nền kinh tế và mở rộng dịch 
vụ ngân hàng - tài chính tới mọi người 
dân, đồng thời với các lợi ích mà thanh 
toán điện tử đem lại như tiết kiệm thời 
Hình 4. Tỷ lệ người trưởng thành có thẻ ghi nợ
Nguồn: Worldbank findex database (2017)
Hình 5. Tỷ lệ người trưởng thành có thẻ tín dụng
Nguồn: Worldbank findex database (2017)
NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH
15Số 214- Tháng 3. 2020- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
gian, chi phí và độ an toàn cao hơn, Ngân 
hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đang 
tích cực thực hiện Đề án phát triển thanh 
toán không dùng tiền mặt trong giai 
đoạn 2016- 2020. Theo ghi nhận của Vụ 
Thanh toán - NHNN, thanh toán điện tử 
qua Internet, điện thoại di động hiện nay 
ở Việt Nam đạt được các kết quả rất khả 
quan. Trong Quý 1 năm 2019, số lượng 
và giá trị giao dịch tài chính qua kênh 
Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng 
kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch 
tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 
97,7% và 232,3% so với cùng kỳ năm 
2018. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận 
trong nỗ lực phát triển TCTD ở nước ta.
Bên cạnh một số kết quả đạt được khi sử 
dụng phương thức thanh toán không dùng 
tiền mặt, cần phải nhìn nhận thực tiễn về 
tỷ lệ người trưởng thành nước ta có thẻ 
ghi nợ và thẻ tín dụng vẫn còn rất khiêm 
tốn so với các quốc gia trong khu vực. So 
sánh chung về tỷ lệ người trưởng thành có 
thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng của nước ta đến 
năm 2017 tương đương với Indonesia, Ấn 
Độ, Philippines, thấp hơn so với mặt bằng 
chung trong khu vực Đông Á Thái Bình 
Dương và trên thế giới. Nguyên nhân là do 
văn hóa sử dụng tiền mặt của người dân 
vẫn còn tồn tại, đồng thời người dân khu 
vực nông thôn, miền núi, hải đảo vẫn chưa 
tiếp cận được với các dịch vụ của ngân 
hàng do khoảng cách đi lại, trình độ dân 
trí và thủ tục hành chính ngân hàng. Ngoài 
ra, một lượng lớn người già cũng không có 
nhu cầu sử dụng các dịch vụ này.
3.4. Tiếp cận tín dụng đối với các doanh 
nghiệp nhỏ và vừa
Theo số liệu Worldbank Enterprise surveys 
(2015), tuổi thọ trung bình của các doanh 
nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là 11,2 năm, 
trong khi Đông Á và Thái Bình Dương tuổi 
thọ trung bình của các doanh nghiệp này 
ở mức 13,3 và trung bình các quốc gia có 
thu nhập trung bình thấp là 16,6 năm. Cùng 
với tuổi thọ trung bình, tỷ lệ doanh nghiệp 
có tài khoản tiết kiệm ở Việt Nam trong 
năm 2015 cũng thấp hơn đáng kể so với các 
quốc gia Đông Á Thái Bình Dương và các 
quốc gia có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ 
doanh nghiệp có dư nợ tín dụng tại ngân 
hàng lại cao hơn so với mặt bằng chung 
các quốc gia Đông Á Thái Bình Dương và 
các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, 
nguyên nhân là do NHNN luôn khuyến 
khích các ngân hàng hỗ trợ cho vay đối với 
các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ để 
kích thích nền kinh tế.
3.5. Các chỉ số về điểm tiếp cận dịch vụ
Bảng 1. Các chỉ số tiếp cận sản phẩm ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa 
tính đến 31/12/2015
STT Chỉ số
Việt 
Nam 
2015
Đông Á và Thái 
Bình Dương
2015
Các quốc gia có 
thu nhập trung 
bình thấp 2015
1 Tỷ lệ doanh nghiệp có tài khoản tiết kiệm (%) 55,8 85,3 74,9
2 Tỷ lệ doanh nghiệp có dư nợ tín dụng ngân hàng (%) 40,8 26,8 25,0
3 Tỷ lệ các khoản đầu tư được tài trợ bởi ngân hàng (%) 15,4 6,2 14,6
Nguồn: Worldbank Enterprise surveys, 20151
1 Dữ liệu được thu thập tại  vào ngày 25/8/2019
Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
16 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 214- Tháng 3. 2020
Bảng 2 thể hiện một số các chỉ số về 
điểm tiếp cận dịch vụ năm 2018 của Việt 
Nam và một số quốc gia trong khu vực. 
Bảng 2 cho thấy, số lượng chi nhánh ngân 
hàng trên mỗi 1.000 km2 của nước ta chỉ 
cao hơn Cambodia và tương đương với 
Trung Quốc, tuy nhiên so với chỉ tiêu về 
số lượng chi nhánh ngân hàng trên mỗi 
100.000 người trưởng thành, số lượng 
ATM trên mỗi 1.000 km2 và số lượng 
ATM trên mỗi 100.000 người trưởng 
thành điểm tiếp cận dịch vụ năm 2008 
của nước ta lại thấp hơn Trung Quốc và 
các quốc gia khác rất nhiều (chỉ cao hơn 
Cambodia). Điều đó cho thấy mức độ tiếp 
cận dịch vụ nước ta so với các quốc gia 
trong khu vực còn tương đối thấp, cần 
phải cải thiện.
4. Đánh giá thực trạng phát triển tài 
chính toàn diện ở Việt Nam
Qua phân tích về thực trạng phát triển 
TCTD tại Việt Nam bằng các chỉ tiêu (i) 
mức độ tiếp cận dịch vụ của người dân, 
(ii) mức độ sử dụng dịch vụ tín dụng và 
tiết kiệm, (iii) mức độ sử dụng các phương 
tiện thanh toán không dùng tiền mặt, (iv) 
tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp 
nhỏ và vừa, và (v) các chỉ số về điểm tiếp 
cận dịch vụ, hiện nay phát triển TCTD ở 
Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng 
ghi nhận, song cũng còn một số hạn chế 
cần khắc phục để phát triển nhanh và bền 
vững hơn nữa về TCTD.
4.1. Một số kết quả đạt được
Một là, trong những năm vừa qua NHNN 
đã áp dụng nhiều chính sách để phát triển 
TCTD như thực hiện Đề án thanh toán 
không dùng tiền mặt, bên cạnh đó, NHNN 
đã và đang triển khai nhiều chương trình, 
dự án về nâng cấp cơ sở hạ tầng ngân 
hàng, đẩy mạnh phát triển tổ chức các 
mạng lưới Ngân hàng Nông nghiệp và 
Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân 
hàng Chính sách Xã hội, các tổ chức tài 
chính vi mô.
Hai là, việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại 
các tổ chức tài chính chính thức của người 
dân Việt Nam đã gia tăng trong những năm 
qua, bằng chứng là tỷ lệ người trưởng thành 
có tài khoản tại các tổ chức tài chính đã 
tăng lên trong những năm vừa qua. Đây có 
Bảng 2. Các chỉ số về điểm tiếp cận dịch vụ năm 2018
Chỉ số Trung Quốc
Indo-
nesia
Ấn 
Độ
Nhật 
Bản
Cam-
bodia
Philip-
pines
Singa-
pore
Thái 
Lan
Việt 
Nam
Số lượng chi nhánh 
ngân hàng trên mỗi 
1.000 km2
10,81 
17,52 
48,11 
103,06 
4,96 
22,28 
567,00 
13,18 
9,27 
Số lượng chi nhánh 
ngân hàng trên 
mỗi 100.000 người 
trưởng thành
8,85 
16,24 
14,56 
34,07 
7,84 
9,09 
8,36 
11,69 
3,91 
Số lượng ATM trên 
mỗi 1.000 km2
118,32 
59,01 
71,80 
385,98 
12,32 
71,36 
4,506,35 
129,86 
59,94 
Số lượng ATM trên 
mỗi 100.000 người 
trưởng thành
96,82 
54,72 
21,74 
127,59 
19,45 
29,11 
66,46 
115,12 
25,28 
Nguồn: IMF data financial access servey (FAS) (2018)2
2 Số liệu cập nhật tới ngày 28/12/2018 
NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH
17Số 214- Tháng 3. 2020- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
thể coi là tiền đề để người dân tìm hiểu và 
sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng 
cũng như các tổ chức tài chính khác.
Ba là, tỷ lệ người trưởng thành có tài 
khoản tiết kiệm, có khoản vay ở nước ta 
gia tăng, điều đó cho thấy ngân hàng đã 
thay đổi phương thức giao dịch để thu hút 
được sự quan tâm của người dân, nhất là 
người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng 
xa, miền biên giới hải đảo và người có 
thu nhập không ổn định lựa chọn vay vốn 
ngân hàng thay vì các tổ chức tài chính 
không chính thức với lãi suất cao và gửi 
tiết kiệm tại ngân hàng để phục vụ chi tiêu 
và đầu tư trong tương lai.
Bốn là, tỷ lệ người trưởng thành sở hữu 
thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng tăng trong các 
năm qua, đồng thời như ghi nhận của 
NHNN giá trị các giao dịch thanh toán 
không sử dụng tiền mặt của nước ta đã 
tăng đột biến trong năm nay. Điều đó cho 
thấy nhận thức về thanh toán không sử 
dụng tiền mặt của người dân đã tăng lên 
rõ rệt.
4.2. Một số hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận 
về phát triển TCTD, cần nhìn nhận một số 
vấn đề còn tồn tại ở nước ta khi phát triển 
TCTD như sau:
Một là, nhận thức của người dân, nhất là 
người dân khu vực nông thôn, miền núi, 
biên giới, hải đảo vẫn còn hạn chế về dịch 
vụ ngân hàng, bằng chứng đến năm 2017 
tỷ lệ người dân sở hữu tài khoản tại tổ 
chức tài chính mới là 31%, mới chỉ một 
phần ba dân số Việt Nam có tài khoản.
Hai là, mặc dù có sự gia tăng đáng kể về 
thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng 
chất lượng dịch vụ ngân hàng còn thấp. 
Giao dịch qua ATM, POS còn hạn chế, 
tồn tại sai sót trong quá trình sử dụng dịch 
vụ. Hơn nữa mạng lưới máy POS, ATM 
mới được trang bị chủ yếu ở thành thị, nơi 
dân cư tập trung lớn, còn tại khu vực nông 
thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, lượng 
máy POS, ATM rất hạn chế, đây cũng là 
một phần nguyên nhân khiến người dân 
khu vực này không mặn mà với dịch vụ 
thanh toán không sử dụng tiền mặt. Bên 
cạnh đó, vấn đề đánh mất thông tin, vấn đề 
bảo mật, an toàn khi sử dụng cũng là một 
vấn đề làm cho người dân e ngại sử dụng 
các dịch vụ ngân hàng hiện đại (Anh & 
Thắng, 2019).
Ba là, so với các quốc gia trong khu vực, 
mức độ bao phủ về điểm tiếp cận tài chính 
nước ta còn tương đối thấp. Mạng lưới 
chi nhánh- phòng giao dịch ngân hàng 
phân bổ không đồng đều giữa các tỉnh 
thành, giữa các vùng miền. Đa phần các 
chi nhánh- phòng giao dịch ngân hàng tập 
trung tại địa bàn thành phố, nơi dân cư 
đông đúc và kinh tế phát triển. 
Bốn là, mặc dù trong những năm qua 
nước ta đã có những tiến bộ nhất định về 
xây dựng hành lang pháp lý, nhất là pháp 
lý liên quan đến các hoạt động thanh toán 
điện tử, thanh toán qua thẻ, cho vay tiêu 
dùng, tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại 
về mặt quy định pháp lý, thủ tục giấy tờ 
trong hệ thống văn bản hiện hành dẫn đến 
hạn chế trong việc phát triển TCTD, nhất 
là đối với người dân chưa có tài khoản 
tại các tổ chức tài chính, người dân khu 
vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 
Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cách mạng 
công nghiệp 4.0 ngày càng đến gần, hành 
lang pháp lý về những vấn đề mới như 
bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài 
chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người 
Tiếp cận tài chính toàn diện tại Việt Nam
18 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 214- Tháng 3. 2020
dùng, chuẩn kết nối mở cũng chưa được 
ban hành cũng là một trong những nguyên 
nhân khiến người dân chưa thực sự tin 
tưởng vào các giao dịch tài chính, làm hạn 
chế sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của 
các tổ chức tài chính.
5. Một số giải pháp, khuyến nghị để 
phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam
Trên khía cạnh các hạn chế cần khắc phục, 
nghiên cứu đề xuất một số giải pháp, 
khuyến nghị để phát triển TCTD tại Việt 
Nam như sau:
Đối với Chính phủ- Ngân hàng Nhà nước
Một là, Chính phủ và NHNN cần ban 
hành Đề án phát triển TCTD giai đoạn 
2020-2025 và tầm nhìn 2030, trong đó 
công việc cần làm ngay là phổ cập hóa 
kiến thức về dịch vụ tài chính đến cho 
người dân, nhất là người dân khu vực 
nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua 
các buổi tập huấn, hội thảo, nói chuyện 
hoặc các chương trình trò chơi truyền 
hình Có thể đưa chương trình học ngoại 
khóa kiến thức về sản phẩm dịch vụ tài 
chính đến cho học sinh, nhất là học sinh 
cấp 3 ở các khu vực này.
Hai là, để người dân thực sự an tâm 
trong các giao dịch tài chính, Chính phủ 
và NHNN cần nghiên cứu và hoàn thiện 
khuôn khổ hành lang pháp lý về các hoạt 
động của TCTD, nhất là các hoạt động tài 
chính mang tính chất hiện đại như thanh 
toán không sử dụng tiền mặt, thanh toán 
phi tiếp xúc, QR Code, thanh toán điện tử, 
đồng thời hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho 
các công ty công nghệ (fintech) hoạt động. 
Bên cạnh đó, các quy định về văn thư lưu 
trữ, định dạng văn bản điện tử có chữ ký 
số, các quy định liên quan đến chuyển 
đổi văn bản điện tử sang văn bản giấy và 
ngược lại cũng cần hoàn thiện và ban hành 
để tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính 
mở rộng và cung ứng nhiều hơn nữa các 
dịch vụ.
Ba là, cho đến nay, việc chi trả các khoản 
trợ cấp, hỗ trợ của Chính phủ đến người 
nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang 
được thực hiện chủ yếu thông qua việc chi 
trả bằng tiền mặt. Do đó, để khuyến khích 
người dân tiếp cận TCTD, Chính phủ và 
NHNN cần từng bước tạo điều kiện để ban 
hành các quy định về chi trả các khoản trợ 
cấp, hỗ trợ, lương hưu thông qua tài khoản 
ngân hàng, đẩy mạnh chuyển khoản và các 
hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bốn là, NHNN cần tăng cường đầu tư 
cơ sở hạ tầng thông tin, dịch vụ tài chính 
nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt và 
ổn định của hệ thống tài chính trên phạm 
vi cả nước, đồng thời khuyến khích các tổ 
chức tài chính mở rộng chi nhánh, phòng 
giao dịch tại các vùng nông thôn, vùng 
sâu, vùng xa, để từ đó TCTD đến với toàn 
bộ người dân trong cả nước đặc biệt là các 
vùng này với tiêu chí tới tổ chức tài chính 
nào cũng như nhau.
Đối với các tổ chức tài chính
Một là, phối hợp với Chính phủ, NHNN 
trong việc phổ cập kiến thức cơ bản về 
dịch vụ tài chính dành cho mọi người dân, 
nhất là người dân khu vực nông thôn, 
miền núi, hải đảo bằng các hình thức 
như tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo, 
in banroll, tờ rơi
Hai là, nắm bắt tâm lý người dân để thiết 
kế những sản phẩm dịch vụ phù hợp với 
nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. 
Thực hiện đa dạng hóa tín dụng nông 
thôn nhằm đáp ứng nhu cầu đi vay, quy 
NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH
19Số 214- Tháng 3. 2020- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
mô của người nông dân và người dân có 
thu nhập thấp. Đồng thời, để phát huy 
hiệu quả đồng vốn cần tăng cường công 
tác thẩm định dự án, hướng dẫn người 
dân các phương án thực hiện một cách 
hiệu quả nhất. Ngoài ra, các tổ chức tài 
chính cần nghiên cứu và cung ứng các 
sản phẩm tiết kiệm phù hợp với những 
khách hàng này, tạo điều kiện cho người 
nghèo cũng có thể tiết kiệm để phục vụ 
nhu cầu trong tương lai.
Ba là, có thể xem xét để mở các văn 
phòng đại diện, và trong những năm tiếp 
theo có thể lắp đặt các trụ ATM, máy POS 
tại các khu vực nông thôn để người dân có 
thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ tài chính- 
ngân hàng.
Bốn là, tiếp tục phát triển các sản phẩm 
mang tính xu hướng thời đại như Internet 
banking, mobile banking Ngoài ra, có 
thể liên kết với các công ty fintech để cho 
ra đời các sản phẩm dịch vụ sáng tạo như 
ví điện tử, thanh toán bằng quét mã QR 
để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, 
kích thích phát triển TCTD ■
Tài liệu tham khảo
1. Allen, F., Demirguc-Kunt, A., Klapper, L., & Martinez Peria, M. S. (2016). The foundations of financial inclusion: 
Understanding ownership and use of formal accounts. Journal of Financial Intermediation, 27, 1-30. 
2. Anh, P. T. H., & Thắng, T. T. (2019). Tiếp cận tài chính toàn diện tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Tạp chí 
Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, Số 202, tháng 03/2019, 18-27. 
3. Chibba, M. (2009). Financial inclusion, poverty reduction and the millennium development goals. The European 
Journal of Development Research, 21(2), 213-230. 
4. Demirgüç-Kunt, A., Klapper, L., Singer, D., Ansar, S., & Hess, J. (2018). The Global Findex Database 2017: 
Measuring Financial Inclusion and the Fintech Revolution. 
5. Gopalan, S., & Kikuchi, T. (2016). Financial Inclusion in Asia: Issues and Policy Concerns: Springer.
6. Gortsos, C. V., & Panagiotidis, V. (2017). Financial Inclusion: An Overview of Its Various Dimensions and Its 
Assistance in Reducing Private Sector Insolvency Non-Performing Loans and Resolving Private Sector Insolvency (pp. 
363-393): Springer.
7. Kumar, C., & Mishra, S. (2011). Banking outreach and household level access: Analyzing financial inclusion in 
India. Paper presented at the 13th Annual Conference on Money and Finance in the Indian Economy.
8. Leyshon, A., & Thrift, N. (1995). Geographies of financial exclusion: financial abandonment in Britain and the 
United States. Transactions of the Institute of British Geographers, 312-341. 
9. Park, C.-Y., & Mercado, R. (2015). Financial inclusion, poverty, and income inequality in developing Asia. Asian 
Development Bank Economics Working Paper Series(426). 
10. Sarma, M., & Pais, J. (2011). Financial inclusion and development. Journal of international development, 23(5), 
613-628. 
11. Sinclair, S. P. (2001). Financial exclusion: An introductory survey: CRSIS, Edinburgh College of Art/Heriot Watt 
University.
12. Vân, P. T. H., Hường, T. T. T., & Hà, V. T. T. (2018). Kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện tại một số quốc 
gia trên thế giới. Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, Số 193- Tháng 6. 2018, 55-64. 
13. Worldbank. (2017). The global findex database 2017 measuring financial inclusion and the fintech revolution. 
Washington DC, USA.: The Worldbank.
14. Worldbank. (2018). Financial inclusion: overview. Retrieved from doi:https://www.worldbank.org/en/topic/
financialinclusion/overview
15. WorldBank, G. (2014). Global financial development report 2014: Financial inclusion (Vol. 2): World Bank 
Publications.

File đính kèm:

  • pdftiep_can_tai_chinh_toan_dien_tai_viet_nam.pdf