Quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
Tóm tắt: Trong khi các nhà mác xít coi tôn giáo là một hình thái ý
thức xã hội, thì từ đầu thế kỷ XX, cùng với các nhà xã hội học, văn
hóa học tiền bối như Max Weber, Alfred Weber và Christopher
Dawson, nhà thần học, nhà triết học nổi tiếng Paul Tillich (1886 -
1965) có cách tiếp cận khác với tôn giáo, nhấn mạnh tôn giáo là
hạt nhân của văn hóa. Từ góc độ này, quan hệ tôn giáo với các lĩnh
vực khác của đời sống xã hội được nhìn nhận khách quan hơn. Bài
viết này nêu và phân tích quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và
văn hóa ở một số phương diện như: các khái niệm tôn giáo và văn
hóa, mối quan hệ tôn giáo và văn hóa, sự thống nhất giữa tôn giáo
và văn hóa, sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa, thần học văn
hóa, v.v.
Bạn đang xem tài liệu "Quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa (Tiếp theo kỳ trước)
14 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 – 2014 NGUYỄN QUANG HƯNG(*) QUAN NIỆM CỦA PAUL TILLICH VỀ TÔN GIÁO VÀ VĂN HÓA (Tiếp theo kỳ trước) Tóm tắt: Trong khi các nhà mác xít coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, thì từ đầu thế kỷ XX, cùng với các nhà xã hội học, văn hóa học tiền bối như Max Weber, Alfred Weber và Christopher Dawson, nhà thần học, nhà triết học nổi tiếng Paul Tillich (1886 - 1965) có cách tiếp cận khác với tôn giáo, nhấn mạnh tôn giáo là hạt nhân của văn hóa. Từ góc độ này, quan hệ tôn giáo với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội được nhìn nhận khách quan hơn. Bài viết này nêu và phân tích quan niệm của Paul Tillich về tôn giáo và văn hóa ở một số phương diện như: các khái niệm tôn giáo và văn hóa, mối quan hệ tôn giáo và văn hóa, sự thống nhất giữa tôn giáo và văn hóa, sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa, thần học văn hóa, v.v... Từ khóa: Tôn giáo, văn hóa, tôn giáo và văn hóa, thần học văn hóa, Paul Tillich 4. Thần học văn hóa - cầu nối tôn giáo và văn hóa Paul Tillich tâm sự, vấn đề quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa được ông lần đầu tiên đề cập trong một bài giảng tại thành phố Berlin ngay khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II mang tiêu đề Ý tưởng về một nền thần học văn hóa. Ông bộc bạch ý tưởng một nền văn hóa thần định hay diễn giải văn hóa dưới góc độ tôn giáo (Theonome Kultur) xuất hiện tương ứng với mục đích thực hiện việc xóa bỏ nguyên tắc ngăn cách từ cả hai phía triết học tôn giáo và triết học văn hóa. Ông chủ trương xây dựng một nền thần học văn hóa như cầu nối giữa tôn giáo và văn hóa. Những luận chứng về thần học văn hóa được ông đề cập ngay trong phần đầu của tác phẩm. Paul Tillich đi vào lịch sử như một trong những nhà thần học văn hóa vĩ đại của thế kỷ XX. “Lúc này đây, tôi cho rằng những gì có trong * PGS.TS., Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 15 15 dự định tâm khảm trong đạo đức thần học chỉ có thể được thực hiện trong thần học văn hóa vốn không chỉ can dự tới đạo đức mà còn cả toàn bộ các chức năng văn hóa nữa. Không phải đạo đức thần học (Theologische Ethik) mà chính là thần học của văn hóa (Theologie der Kultur). Điều đó cần có một vài chú giải về quan hệ tôn giáo và văn hóa”1. Paul Tillich không thỏa mãn với thực trạng phát triển của thần học văn hóa giữa thế kỷ XX khi nền thần học này đương thời không có được những luận chứng khả dĩ và chưa đóng góp được nhiều trong việc ngăn cản xu hướng thế tục cũng như xu hướng chạy theo văn hóa tiêu dùng, coi trọng các giá trị vật chất của xã hội công nghiệp hiện đại. Đôi khi, ông còn nặng lời phê phán hiện trạng nền thần học văn hóa đương thời; cho rằng đây không phải là thần học văn hóa mà đúng ra là thần học cáo chung văn hóa không phải theo nghĩa là xã hội hiện đại không có văn hóa mà hình thành một khoảng trống tinh thần trong các hình thức biểu cảm văn hóa. Văn hóa đương thời chỉ còn đọng lại một ít giá trị tinh thần. Người ta chạy theo những cái hiện đại mà quên mất những giá trị truyền thống. Paul Tillich phân biệt thần học văn hóa khác với tôn giáo học. Thần học văn hóa không phải là khoa học nghiên cứu về văn hóa. Thần học văn hóa nghiên cứu những trải nghiệm tôn giáo cụ thể trong những biểu hiện văn hóa, có những phương pháp và đối tượng nghiên cứu riêng như nhiều lĩnh vực khoa học khác. Đó là sự vận dụng phương pháp thần học trong nghiên cứu các giá trị văn hóa. Trên cơ sở hệ thống lại các khái niệm tôn giáo và triết học phổ quát, thần học văn hóa sắp xếp, phân loại (Einordnung), đưa ra một nhãn quan thần học rõ ràng và có hệ thống về các giá trị, chuẩn mực văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Theo Paul Tillich, thần học văn hóa phải thực hiện ba nhiệm vụ chính: Một là, phân tích khái quát về văn hóa dưới nhãn quan thần học. Hai là, phân loại thần học hay phân loại học mang tính tôn giáo (Religioese Typologie) và nghiên cứu lịch sử triết học về văn hóa dưới nhãn quan thần học. Ba là, hệ thống hóa một cách cụ thể về văn hóa dưới góc độ thần học. Ba nhiệm vụ này liên quan chặt chẽ với nhau; không thể giải quyết riêng biệt nhiệm vụ này với các nhiệm vụ khác2. Paul Tillich cảnh báo sự xuống cấp văn hóa sẽ làm tha hóa con người, rằng sự suy giảm tôn giáo trong xã hội Châu Âu từ sau Cách mạng Tư sản Pháp theo một khía cạnh nào đó đồng nghĩa với suy giảm văn hóa, tạo ra một khoảng trống trong văn hóa nhân loại. Khắc phục tình trạng 16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 16 này trong khả năng có thể là một nhiệm vụ chính của thần học văn hóa. Nhưng lịch sử đã diễn ra theo con đường khác và không thể giải đáp vấn đề tôn giáo và văn hóa chỉ đơn thuần với những khái niệm biệt lập, tương tác, thần học biệt lập. “Nhà thần học văn hóa có thể trở thành nhà hệ thống hóa văn hóa tới mức độ nào? Vấn đề này trước tiên hướng tới sự trả lời theo cách phản chứng: Nhà thần học văn hóa không thể trở thành nhà hệ thống văn hóa từ phía hình thức chức năng văn hóa (Form der Kulturfunktion) (...). Nhà thần học văn hóa không phải là những người trực tiếp sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Kể cả trong các lĩnh vực khoa học, hay đạo đức, hay luật pháp, hay nghệ thuật, thì nhà thần học văn hóa đều không phải là người sáng tạo theo cách như vậy. Nhưng nhà thần học văn hóa lấy cái sản phẩm biệt lập trên cơ sở nhãn quan thần học cụ thể của mình (...). Với những tư liệu văn hóa có trong tay, nhà thần học văn hóa phác họa một hệ thống văn hóa thuộc về tôn giáo bằng cách đúc kết và phối hợp tương ứng với nguyên tắc thần học của mình”3. Trên cơ sở những nguồn tư liệu hiện có, nhà thần học văn hóa phác họa hệ thống văn hóa mang tính tôn giáo theo nguyên lý thần học của mình. Xác định đặc trưng của mỗi nền văn hóa tôn giáo là một trong những công việc chính khác của thần học văn hóa. Vấn đề được đặt ra nhiều lần cần giải quyết là từ đâu có thể rút ra những đặc trưng của văn hóa tôn giáo: từ trong tín lý, trong sự thờ cúng, trong sự thánh hóa, trong cộng đồng tín hữu hay giáo hội? Phạm vi thánh hóa có trong chừng mực nào? Thực tế, các thành tố phàm tục và tôn giáo không bao giờ tách biệt nhau. Sự khác biệt giữa chúng chẳng qua do tư duy con người trừu tượng, phân biệt trong ý thức để chiêm nghiệm được các giá trị tôn giáo trong một nền văn hóa. Cũng nhờ đó, chúng ta có thể làm sống lại thần học văn hóa, từ đó phân biệt và đặt tên cho những thành tố tôn giáo trước khi một nền văn hóa tôn giáo đặc thù được tạo ra. Nói cách khác, trong từng hoạt động văn hóa, từng nghi lễ thờ cúng cũng như mọi biểu hiện của đời sống văn hóa đều chứa đựng các thành tố phàm tục và thánh thiêng4. Sứ mệnh cơ bản của thần học văn hóa là phát hiện những giá trị tôn giáo ẩn chứa trong các loại hình văn hóa. Việc phân tích thần định (Theonome Analyse) về văn hóa chỉ ra rằng, chiều sâu của mỗi nền văn hóa là một cái gì đó có tính khép kín. Đó là những giá trị thánh thiện. Nhiệm vụ ở chỗ phải tìm cho ra kiểu cách để giải mã một nền văn hóa tách biệt trong tất cả hình thức biểu lộ đặc trưng của nó và tìm ra ý nghĩa, giá trị tôn giáo ẩn chứa trong nó5. Chỉ có một nền thần học văn hóa thực thụ và Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 17 17 vững mạnh giải quyết ba nhiệm vụ cơ bản trên đây, thì quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa mới được giải quyết thỏa đáng. “Bằng cách này, thần học văn hóa đã thực sự bắc cây cầu vượt qua được khoảng cách giữa tôn giáo và văn hóa. Tôn giáo không chỉ là một hệ thống các biểu trưng đặc thù với các lễ nghi và cảm xúc hướng tới một bản thể tối cao, mà còn là bản thể vô điều kiện, trạng thái siêu phàm, cái tuyệt đối, cái thần thánh”6. Ngoài tác phẩm mà chúng ta đang đề cập, Paul Tillich còn có nhiều tác phẩm khác bàn về nhiều vấn đề của thần học văn hóa bên cạnh những nền thần học tín lý, thần học thực hành, thần học hệ thống, thần học đạo đức, v.v... như những phân ban của khoa thần học hiện đại. 5. Các khía cạnh phân tích thần học (tôn giáo) về văn hóa. Tổ chức giáo hội - chủ thể và cơ chế thực thi quan hệ tôn giáo và văn hóa Paul Tillich bàn tới các khía cạnh khác nhau của tôn giáo về văn hóa chủ yếu dựa vào trường hợp Kitô giáo. Ông đúc kết ba khía cạnh trong phân tích tôn giáo về văn hóa. Thứ nhất, dẫn câu nổi tiếng trong Đệ nhị luật của Moise: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Dnl. 6, 5), Paul Tillich cho rằng, nếu tách riêng câu này khỏi ngữ cảnh sẽ thấy không có yếu tố thánh thiêng nào cả. Đức tin là xúc cảm trong mỗi người về một cái gì đó tất yếu chi phối hoạt động con người. Bản thân Đức Kitô cũng là con người, là đối tượng chân chính của đức tin. Trong trường hợp này, tôn giáo và văn hóa không có sự khác biệt. Thứ hai, cách hiểu tôn giáo là đức tin về những lực lượng siêu nhiên thánh thiêng, tuyệt đối hóa cái thánh thiêng tới mức tách biệt tôn giáo với văn hóa, đối lập cái thánh thiêng với cái thế tục, theo Paul Tillich là chủ nghĩa thế tục cực đoan hay chủ nghĩa giáo hội. Ông phê phán mạnh mẽ quan điểm này. Thứ ba, theo Paul Tillich, tôn giáo là đức tin vào những lực lượng [thần thánh] chi phối và tác động tới con người, là bản thể giá trị mang lại của văn hóa; còn văn hóa là tổng thể những hình thái, hình thức mà trong đó nền tảng của tôn giáo tìm thấy sự biểu lộ của nó. Ông nhấn mạnh một lần nữa: “Nói một cách ngắn gọn, tôn giáo là bản thể (Substanz) của văn hóa, còn văn hóa là hình thái (Form) của tôn giáo. Quan điểm đó dứt khoát xóa bỏ một cách triệt để nhị nguyên luận giữa tôn giáo và văn hóa. Mỗi hành vi tôn giáo, không chỉ những tôn giáo có tổ chức, mà còn cả ở những góc sâu thẳm nhất trong tâm hồn chúng ta đều được tạo dựng mang tính văn hóa”7. 18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 18 Từ việc nhấn mạnh ba khía cạnh trong phân tích tôn giáo về văn hóa nêu trên, Paul Tillich đề cập tới vai trò của giáo hội đối với văn hóa nói chung, văn hóa hiện đại nói riêng. Tôn giáo hiểu theo nghĩa hiện đại bao gồm một thiết chế tổ chức cộng đồng tín đồ, đó là giáo hội. Giáo hội đóng vai trò thiết yếu trong giải quyết quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa, có thể làm gia tăng hay giảm nhẹ sự xung đột giữa tôn giáo và văn hóa. Giáo hội chỉ có thể là đại diện cho tất cả các cá nhân khi “giáo hội là một cộng đồng văn hóa mở rộng, nơi mà luôn có một nền văn hóa được chỉ dẫn bởi giáo hội; không chỉ có đạo đức học, mà còn cả khoa học, nghệ thuật và đời sống xã hội cũng được chỉ dẫn bởi giáo hội, do giáo hội kiểm duyệt, hệ thống hóa và hạn định”8. Chi phối đáng kể quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa là mối quan hệ giữa giáo hội và văn hóa. “Tôn giáo và văn hóa, Chúa Trời và thế giới, các cặp đối lập này ẩn giấu đằng sau sự đối lập giữa giáo hội và văn hóa (...). Chúa Trời và thế giới, tôn giáo và văn hóa đương nhiên là những thể tương liên với nhau. Nhưng giáo hội và văn hóa lại không hẳn như vậy. Giáo hội là một tổ chức xã hội can hệ tới tôn giáo thì tương xứng như vậy cũng phải tạo dựng một tổ chức xã hội chuyển tải văn hóa”9. Như vậy, tổ chức giáo hội đóng vai trò quan trọng trong định hướng và giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa. Paul Tillich nhận thấy sự trái ngược, tương phản giữa giáo hội và các phong trào thế tục trong xã hội hiện đại. Trong khi các giáo hội phê phán sự biệt lập, tách biệt văn hóa và tôn giáo, chủ trương thế tục hóa của văn hóa hiện đại, thì các phong trào cách mạng lại đả phá tính siêu việt của giáo hội. Quan điểm biệt lập [ủng hộ sự tách biệt tôn giáo và văn hóa] chủ trương, con người là chủ thể của lý trí toàn năng, nên con người chỉ tuân thủ luật của chính con người, không cần tới luật của Đấng Tối Cao. Trái lại, quan điểm tương tác [ủng hộ sự thống nhất tôn giáo và văn hóa] lại cho rằng, tự bản thân con người không có khả năng sống phù hợp với những chuẩn mực của lý trí phổ quát. Bổ trợ cho quan niệm này là quan điểm thần định (Theonomie) mà Paul Tillich chủ trương, nhấn mạnh luật của Đấng Tối Cao cũng chính là quy luật nội tâm của bản thân con người. Nghĩa là, con người vừa phải tuân thủ luật của con người, vừa phải tuân thủ luật của Chúa. Luật của Chúa cũng làm cho con người hướng thiện, yêu thương nhau, lấy tình yêu thương đồng loại làm căn bản10. Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 19 19 Như vậy, giáo hội không chỉ là một thiết chế tôn giáo, mà còn là chủ thể duy trì mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa, có trách nhiệm tạo ra cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa. Giáo hội với tính cách là thiết chế tôn giáo không được lộng quyền, mà chịu sự phán xét của Chúa Trời. Tương tự, xã hội cũng bình đẳng với giáo hội, không được lấn át giáo hội. “Cái thần linh (das Heilige) trong tôn giáo và trong giáo hội mang một ý nghĩa siêu việt, thậm chí là cả ý nghĩa có giá trị thích ứng đối với cái phàm tục trong văn hóa và xã hội (...). Cái thần linh là việc của Chúa Trời (Tat Gottes), là mạc khải, sự đối lập tôn giáo với [văn hóa] tương tự như sự đối lập giáo hội với xã hội vậy (...). Chúng ta cũng biết rằng, nhìn nhận từ Chúa Trời thì giáo hội không có ưu thế gì so với xã hội cả. Nghĩa là, với tính cách là giáo hội, thuộc lĩnh vực thánh thiêng thì bản thân đằng sau giáo hội là tòa án phán xét của Chúa Trời rồi”11. Chức năng của tôn giáo là trả lời cho những câu hỏi mà sự tồn tại của con người đặt ra - câu hỏi về nghĩa lý của sự tồn tại người (Dasein), nghĩa lý của cuộc đời con người. Một trong những câu trả lời mà giáo hội có thể mang lại là Phúc âm hóa (Evangelisation), truyền bá tinh thần Phúc âm cho tất cả mọi người. “Đối diện với giáo hội theo hướng tương tác [tôn giáo và văn hóa] cho thấy rằng, tất cả các lễ nghi, tín lý, thiết chế và biểu trưng của một hệ thống tôn giáo bao giờ cũng kiến lập nên một nền văn hóa tôn giáo. Nền văn hóa tôn giáo này được bóc tách ra từ nền văn hóa nói chung bao bọc lấy nó”12. Paul Tillich nhấn mạnh, không có một tôn giáo mới nào tự nó ra đời từ một tôn giáo, cũng như không có nền văn hóa mới nào lại sinh ra từ bản thân nền văn hóa ấy, cũng như không có sự thống nhất mới nào giữa chúng lại được sinh ra từ bản thân sự thống nhất giữa chúng. Tất cả mọi cái đều sinh ra từ sự mạc khải. Giáo hội mới và nền văn hóa mới cũng như sự thống nhất của chúng nảy nở từ sự mạc khải mới này. Các cá nhân tiên tri, không phải là chức sắc tôn giáo cũng không phải nhà lãnh đạo văn hóa, được tạo ra từ những biểu trưng. Nhưng với sự trợ giúp của các biểu trưng mới, thì một giáo hội mới hay một nền văn hóa mới có thể được tạo ra, đó là cách trải nghiệm mạc khải13. Chức năng của giáo hội đối với văn hóa được Paul Tillich đề cập khá cụ thể: “Những biến đổi văn hóa xuất hiện thông qua cơ chế động (Dynamik) từ bên trong bản thân nền văn hóa đó. Giáo hội tham dự vào quá trình này, và đôi khi còn đóng vai trò chủ đạo, nhưng chỉ với tư cách 20 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 20 là một lực lượng văn hóa bên cạnh những lực lượng khác, chứ không phải với tính cách đại diện cho một hiện thực mới trong lịch sử (...). Giáo hội hướng (điều chỉnh) văn hóa bao gồm cả các hình thái đời sống nội tâm của nó, bởi những hình thái này được tạo ra từ văn hóa. Tương tự ngược lại, bản thể tôn giáo của văn hóa đang sáng tạo ra. Giáo hội và văn hóa nằm trong nhau [đan xen nhau - NQH] chứ không phải nằm bên cạnh nhau. Nước Trời bao trọn cả hai và siêu việt hóa chúng”14. Lo ngại về xu hướng thế tục hóa, suy giảm vai trò của tôn giáo trong xã hội như một hệ quả của xã hội công nghiệp hiện đại, Paul Tillich tìm kiếm vai trò của giáo hội trong việc khắc phục tình trạng trên. Giáo hội có vai trò gì trong bối cảnh xã hội công nghiệp hiện đại khi xu thế thế tục hóa ngày càng phát triển? Liệu giáo hội có nhiệm vụ và có lực lượng để chống lại tinh thần của xã hội công nghiệp hóa và biến đổi lại hay không? Để trả lời các câu hỏi trên, Paul Tillich nhận định rằng, chắc chắn giáo hội không thể thay thế hiện thực xã hội hiện tại bằng một hiện thực xã hội khác gần với sự kiến lập Nước Trời hơn được. Giáo hội cũng không thể vứt bỏ cấu trúc xã hội hay đề xuất những cuộc cải cách cụ thể. Sự biến đổi văn hóa chỉ xảy ra trong nội tại cơ chế động của văn hóa mà thôi. Giáo hội sẽ tham dự vào quá trình đó và trong một số trường hợp có thể đóng vai trò quyết định nhưng chỉ với tính cách là một sức mạnh hay một phương tiện văn hóa bên cạnh những phương tiện khác chứ không đại diện cho một hiện thực khác trong lịch sử. Với vai trò tiên tri, giáo hội thể hiện như một người thức tỉnh và canh giữ cho các cấu trúc xã hội không bị những quỷ dữ [chữ của Paul Tillich chỉ những thế lực chống lại tôn giáo như quỷ Satan - NQH], bị những kẻ thù của giáo hội gặm nhấm. Bản thân giáo hội giữ chức năng như vậy. Và trong việc thực hiện chức năng này, giáo hội sử dụng những tiếng nói tiên tri từ bên ngoài và lẽ dĩ nhiên cả những cảnh tỉnh từ phía bản thân nền văn hóa, bởi vì bản thân những tiếng nói tiên tri đó cũng chính là sản phẩm của văn hóa. Chúng ta kêu gọi những tiếng nói tiên tri trong nền văn hóa của chúng ta. Như vậy, giáo hội hướng nền văn hóa một hình thức sống, bởi vì những hình thức này cũng là sản phẩm sáng tạo của văn hóa. Cũng như trong mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa trong đó tôn giáo là bản thể của văn hóa, thì quan hệ giáo hội và văn hóa cũng gắn kết với nhau. Giáo hội và văn hóa nằm trong nhau, chứ không phải đứng cạnh nhau. Và Nước Trời, những giá trị thánh thiêng bao gồm cả tôn giáo và văn hóa, làm cho cả hai mang tính siêu việt. Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 21 21 6. Thay lời kết luận Trong khi các nhà mác xít coi tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế - xã hội với tính cách là cơ sở hạ tầng, thì các nhà xã hội học, thần học, văn hóa học Max Weber, Alfred Weber và Christopher Dawson, Paul Tillich có cách tiếp cận khác với tôn giáo, nhấn mạnh tôn giáo là hạt nhân của văn hóa. Từ góc độ này, họ nhìn nhận quan hệ tôn giáo với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội khách quan hơn, nhấn mạnh sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa tôn giáo với các điều kiện kinh tế - xã hội. Cũng như các bậc tiền bối Max Weber, Alfred Weber và Christopher Dawson, Paul Tillich thừa nhận khái niệm văn hóa đa nghĩa, nhiều trường hợp mang những nghĩa trái ngược nhau. Trong quan hệ với tôn giáo, văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, là phương thức sống, phương thức hoạt động của tồn tại người. Con người ở đây được hiểu theo cả nghĩa cá nhân và xã hội, tức nhân loại. Các nghĩa khác của văn hóa không được bàn ở đây. Về phạm vi, đương nhiên văn hóa rộng hơn tôn giáo. Có văn hóa thế tục hay văn hóa phi tôn giáo, nhưng không có tôn giáo nào lại không chuyển tải các giá trị văn hóa cả. Văn hóa, nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này với tính cách là phương thức sống, phương thức hoạt động của tồn tại người, thì không thể tách biệt với tôn giáo. Tôn giáo mang lại căn tính cho văn hóa. Văn hóa nhân loại theo góc độ này có thể phân ra thành năm hay sáu nền văn hóa lớn như Văn hóa Trung Hoa, Văn hóa Ả rập, Văn hóa Phương Tây, v.v... Sự thế tục hóa đồng nghĩa với suy giảm tôn giáo trong văn hóa chỉ làm cho văn hóa thêm nghèo nàn và tha hóa, mất đi căn tính của nó. Thế tục hóa tới mức cực đoan sẽ đưa nhân loại tới thảm họa, khủng hoảng văn hóa. Từ Max Weber tới Christopher Dawson, từ Alfred Weber tới Paul Tillich đều nhất quán khẳng định, tôn giáo là hạt nhân, là nền tảng tinh thần của văn hóa. Quan điểm này tiếp tục được Samuel Hungtington phát triển khi có những dự báo về sự đụng độ giữa các nền văn minh hậu Chiến tranh Lạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và đề xuất các giải pháp tái phân chia quyền lực của thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh nhằm củng cố tinh thần hợp tác quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, nếu như Max Weber và Christopher Dawson cho rằng, quan hệ tôn giáo và văn hóa không giống nhau đối với các tôn giáo khác nhau, cũng như trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, minh họa quan hệ 22 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 22 giữa chúng qua phân tích hàng loạt các tôn giáo lớn, thì Paul Tillich lại tập trung vào trường hợp Kitô giáo, nhất là Tin Lành. Paul Tillich còn phân tích các lĩnh vực khác nhau trong quan hệ tôn giáo và văn hóa qua lăng kính của mối quan hệ tôn giáo với chính trị thế giới, tôn giáo với chủ nghĩa nhân đạo qua các thời kỳ từ thời Phục hưng đến nay, tôn giáo với sức khỏe và trị liệu trong đó nói tới vai trò của tôn giáo với việc dưỡng sinh, tôn giáo với nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác của đời sống văn hóa. Một mặt, những phân tích của ông cho thấy hình ảnh đa dạng và sống động của mối quan hệ tôn giáo và văn hóa: chúng hiện diện khắp nơi, trong mọi lĩnh vực của đời sống con người; vừa thống nhất, vừa xung đột với nhau. Mặt khác, trong công trình này, Paul Tillich có ý nhấn mạnh tới khía cạnh thống nhất giữa chúng. Tư tưởng chủ đạo của ông là: Tôn giáo và văn hóa là một. Tôn giáo là hạt nhân, là nội dung cốt tủy của văn hóa. Ranh giới giữa tôn giáo với văn hóa mang tính rất tương đối và trong nhiều trường hợp khó phân định. Ở Việt Nam, người ủng hộ quan điểm này trong quan hệ tôn giáo và văn hóa có lẽ là GS. Trần Quốc Vượng với cách nói “tôn giáo và (là) văn hóa”, ám chỉ tôn giáo và văn hóa theo một góc độ nào đó đồng nhất với nhau. Đương nhiên, một số ý kiến không hẳn đồng tình với cách giải quyết của các nhà nghiên cứu trên. Chẳng hạn, nếu xếp các nền văn hóa lớn của nhân loại theo tiêu chí tôn giáo thì nên có quan điểm thế nào về Văn hóa Châu Phi? Thực tế là, trên lãnh thổ hầu hết các quốc gia hiện nay đều tồn tại một vài tôn giáo. Và các nước ở các mức độ khác nhau đều là những quốc gia đa tôn giáo, nghĩa là không đồng nhất về tôn giáo và văn hóa. Vậy phải chăng, có tiêu chí nào phi tôn giáo để phân định văn hóa hay không? Ngoài tôn giáo có thêm những thành tố nào khác để xác định đặc tính của văn hóa, chẳng hạn Văn hóa Việt Nam hay Văn hóa Pháp không, v.v...? Giải đáp những vấn đề trên nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Trong khi Christopher Dawson thừa nhận, tôn giáo là hạt nhân của văn hóa, nhưng văn hóa có phạm vi rộng hơn tôn giáo, bởi ngoài văn hóa tôn giáo còn có văn hóa thế tục, thì Paul Tillich có ý nhấn mạnh hơn nữa sự tương liên giữa chúng khi coi tôn giáo là bản thể của văn hóa, còn văn hóa là hình thức của tôn giáo. Thiết nghĩ, mọi lý thuyết đều chỉ có giá trị tương đối trong một phạm vi nhất định. Bản thân Samuel Hungtington cũng hoàn toàn ý thức điều này và xếp Châu Phi và Châu Mỹ La tinh thuộc những nhóm văn hóa riêng. Ông cũng minh họa sự thất bại của một số quốc gia trong lịch sử từng xảy ra chuyện bị giằng xé giữa các nền văn Nguyễn Quang Hưng. Quan niệm của Paul Tillich 23 23 minh. Cũng cần nhấn mạnh, tuy có những tranh luận, nhưng quan điểm của Max Weber, Christopher Dawson và Paul Tillich khá phổ biến trong giới nghiên cứu tôn giáo nước ngoài15. Về mặt phương pháp luận, dù sử dụng thuật ngữ văn hóa trong phạm vi một quốc gia, có thể tôn giáo không hẳn là yếu tố duy nhất đóng vai trò nền tảng tinh thần, nhưng bất luận thế nào cũng không thể phủ nhận vai trò của tôn giáo trong văn hóa đó. Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo. Không có gì cường điệu nếu nói Văn hóa Việt Nam là Văn hóa Nho giáo, Văn hóa Phật giáo. Nho giáo và Phật giáo là những thành tố chủ yếu (đương nhiên không phải là duy nhất) quy định căn tính của Văn hóa Việt Nam. Bản thân Christopher Dawson cũng chấp nhận cách diễn giải trên khi phân tích mối quan hệ tôn giáo và văn hóa qua các trường hợp tôn giáo nguyên thủy và Shaman giáo. Quan hệ tôn giáo và văn hóa cũng khác biệt đối với các tôn giáo khác nhau. Không thể nói quan hệ tôn giáo và văn hóa trong trường hợp Islam giáo cũng giống như Nho giáo được. Không ai nghi ngờ văn hóa Islam giáo, nhưng không ít học giả Phương Tây hoài nghi trước câu hỏi liệu có một nền văn hóa Phật giáo hay không dù tôn giáo này có ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của Tây Tạng và một số quốc gia khác. Quan hệ tôn giáo và văn hóa cũng biến đổi ngay trong một tôn giáo ở các thời kỳ lịch sử khác nhau. Nhưng trong mọi trường hợp, tôn giáo chí ít cũng là thành tố hay khía cạnh cơ bản của văn hóa./. CHÚ THÍCH: 1 Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur. Schriften zur Theologie der Kultur. Paul Tillich, Gesammelte Werke, Band IX, 1. Auflage, Evangelisches Verlagswerk Stuttgart: 16. Xem thêm Paul Tillich (1959), Theology of Culture, Oxford University Press. 2 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 19 - 22. 3 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 21. 4 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 27. 5 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 85. 6 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 86. 7 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 101 - 102. 8 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 16. 9 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 32. 10 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 83 - 84. 11 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 37. 12 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 84. 13 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 45. 14 Paul Tillich, Die Religioese Substanz der Kultur..., sđd: 108 - 109. 24 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 2 - 2014 24 15 S. Hungtington (2003), Sự va chạm giữa các nền văn minh, Nxb. Lao động, Hà Nội: 102, 178. Một học giả khác là Markuly Mark tại Trường Đại học Seattle (Hoa Kỳ) cũng chia sẻ quan điểm này tại một cuộc hội thảo khoa học ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 10/2013. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Christopher Dawson (1948), Religion and Culture, Scheed and Ward, London. 2. Christopher Dawson (1950), Religion and the Rise of Western Culture, Schedd and Ward, London. 3. Samuel Hungtington (2003), Sự va chạm giữa các nền văn minh, Nxb. Lao động, Hà Nội. 4. Paul Tillich (1959), Theology of Culture, Oxford University Press. 5. Paul Tillich (1967), Die Religioese Substanz der Kultur. Schriften zur Theologie der Kultur. Paul Tillich, Gesammelte Werke, Band IX, 1. Auflage, Evangelisches Verlagswerk Stuttgart. 6. Alfred Weber (1912), Religion und Kultur, Verlegt bei Eugen Diederichs in Jena. 7. Max Weber (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang dịch, 2008), Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, Nxb. Tri thức, Hà Nội. Abstract THE CONCEPTION OF PAUL TILLICH ON RELIGION AND CULTURE (THE LAST PART) While Marxists considered religion as a social ideology, Paul Tillich (1886 - 1965), the famous philosopher and theologian, along with the pre-sociologists and culturologists such as Max Weber, Alfred Weber and Christopher Dawson in the early of the 20th century, had another approach to religion. Their approach stressed that religion was nuclear of culture. From this angle, the relation between religion and other fields of social life has been recognized more objectively. This article put forward and analyzed Paul Tillich’s conception on religion and culture in following aspects: the concepts of religion and culture, the relation between religion and culture, the unity of religion and culture, the conflict between religion and culture, cultural theology, and so forth. Key words: Paul Tillich, religion, culture, religion and culture, cultural theology.
File đính kèm:
- quan_niem_cua_paul_tillich_ve_ton_giao_va_van_hoa_tiep_theo.pdf