Quản lý rừng cộng đồng và sinh kế của nông hộ ở thôn Thuỷ Yên Thượng, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
TÓM TẮT
Quản lý rừng cộng đồng được thí điểm và nhân rộng trên địa bàn nhiều tỉnh ở nước ta.
Việc đánh giá những thành công và hạn chế của quản lý rừng cộng đồng góp phần hoàn thiện
và nâng cao hiệu quả của quản lý rừng cộng đồng là hết sức cần thiết. Nghiên cứu này phân
tích tác động sinh kế và sử dụng tài nguyên của quản lý rừng cộng đồng ở thôn Thủy Yên
Thượng, mô hình thí điểm đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm
2000 đến năm 2008, sinh kế của các hộ tham gia quản lý rừng cộng đồng có thay đổi tích cực,
thu nhập bình quân đạt 22.315 nghìn đồng/hộ, tăng gần 2 lần so với trước khi thực hiện dự án
rừng cộng đồng. Thu nhập từ lâm sinh chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu và tạo điều kiện thúc đẩy
các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi phát triển. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý rừng,
khai thác rừng tự nhiên trái phép không xảy ra. Xu hướng sinh kế từ khai thác rừng tự nhiên
dần chuyển và thay thế sang rừng trồng, điều này giảm gánh nặng và áp lực đối với rừng tự
nhiên.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Quản lý rừng cộng đồng và sinh kế của nông hộ ở thôn Thuỷ Yên Thượng, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
119 TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, Số 62, 2010 QUẢN LÝ RỪNG CỘNG ĐỒNG VÀ SINH KẾ CỦA NÔNG HỘ Ở THÔN THUỶ YÊN THƯỢNG, PHÚ LỘC, THỪA THIÊN HUẾ Bùi Dũng Thể, Lê Thanh An, Hồng Bích Ngọc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế TÓM TẮT Quản lý rừng cộng đồng được thí điểm và nhân rộng trên địa bàn nhiều tỉnh ở nước ta. Việc đánh giá những thành công và hạn chế của quản lý rừng cộng đồng góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của quản lý rừng cộng đồng là hết sức cần thiết. Nghiên cứu này phân tích tác động sinh kế và sử dụng tài nguyên của quản lý rừng cộng đồng ở thôn Thủy Yên Thượng, mô hình thí điểm đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2008, sinh kế của các hộ tham gia quản lý rừng cộng đồng có thay đổi tích cực, thu nhập bình quân đạt 22.315 nghìn đồng/hộ, tăng gần 2 lần so với trước khi thực hiện dự án rừng cộng đồng. Thu nhập từ lâm sinh chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu và tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi phát triển. Tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý rừng, khai thác rừng tự nhiên trái phép không xảy ra. Xu hướng sinh kế từ khai thác rừng tự nhiên dần chuyển và thay thế sang rừng trồng, điều này giảm gánh nặng và áp lực đối với rừng tự nhiên. Từ khóa: Quản lý rừng cộng đồng, sinh kế, Thủy Yên Thượng. 1. Đặt vấn đề Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp nước ta đã và đang từng bước hội nhập trong xu hướng phát triển của khu vực và trên thế giới, chuyển đổi dần sang lâm nghiệp xã hội. Xu thế phát triển này đã tạo ra nhiều nhân tố tích cực, đa dạng hoá các hình thức quản lý và phương thức tiếp cận mới đối với quản lý tài nguyên rừng [1]. Một trong những hình thức đó là quản lý rừng cộng đồng, nhằm thúc đẩy việc sử dụng đất và tài nguyên rừng hiệu quả và bền vững, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân. Quản lý rừng cộng đồng hiện đã được thực hiện ở nhiều địa phương dưới nhiều cách thức quản lý khác nhau. Nhiều nghiên cứu và hội thảo các cấp về quản lý rừng cộng đồng được tổ chức nhằm đánh giá tác động và hiệu quả bền vững của mô hình, chẳng hạn như: “Hội thảo quốc gia về khuôn khổ chính sách hỗ trợ cho quản lý rừng cộng đồng, Hà Nội (2001)”, “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rừng dựa vào cộng đồng, Thừa Thiên Huế (2005)”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về quản lý rừng cộng đồng và các nhà chính sách vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về vai trò của quản lý rừng cộng đồng [4]. 120 Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích đất có rừng chiếm 45% diện tích đất tự nhiên, phần lớn là rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng [3]. Rừng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ môi trường cho các hoạt động sản xuất và đời sống của các cộng đồng. Do mối tương tác giữa hệ sinh thái rừng tự nhiên và hệ thống xã hội trong vùng chặt chẽ, mất rừng làm hệ sinh thái bị phá vỡ và các hoạt động sản xuất của con người và sự sống của các loài sinh vật khác sẽ gặp nhiều bất lợi. Nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên rừng, cải thiện đời sống cộng đồng sống gần rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, từ năm 2000 đến 2009, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao 18.999,5 ha rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn bản, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý [6]. Các mô hình quản lý rừng cộng đồng khác nhau đã được thử nghiệm ở các địa phương của tỉnh [7]. Đến nay, việc đánh giá các mô hình quản lý rừng cộng đồng này vẫn chưa được thực hiện. Chính vì vậy, đánh giá ảnh hưởng sinh kế của quản lý rừng cộng đồng là thực sự cần thiết. Mô hình quản lý rừng cộng đồng ở thôn Thuỷ Yên Thượng, xã Lộc Thuỷ được chọn để nghiên cứu. Đây là mô hình quản lý thí điểm đầu tiên ở Thừa Thiên Huế được thực hiện từ năm 2000 do Hạt Kiểm lâm Phú Lộc và Chương trình về rừng – PROFOR (PROGRAMME ON FOREST) khởi xướng và thúc đẩy [9]. Thôn Thủy Yên Thượng được giao 404,5 ha rừng phòng hộ với các quy định về quyền và nghĩa vụ từ rừng [5]. Việc phân tích các tác động từ mô hình ở Thủy Yên Thượng sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện và nâng cao tác động về kinh tế, xã hội và môi trường theo chiều hướng tích cực của quản lý rừng cộng đồng của thôn Thuỷ Yên Thượng, đồng thời, nghiên cứu đề xuất các điều chỉnh, và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm hoàn thiện công tác quản lý rừng cộng đồng. 2. Cơ sở lý luận, nội dung và phương pháp nghiên cứu 2.1. Cơ sở lý luận Quản lý rừng cộng đồng đã hình thành và phát triển lâu dài gắn liền với đời sống, văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư [2]. Mô hình này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, rừng được giao cho thôn bản, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý. Quản lý rừng cộng đồng nhằm tăng cường lợi ích của người dân trong vùng rừng và duy trì tính bền vững của tài nguyên rừng. Qua đó, phát huy được vai trò của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các hộ gia đình và cộng đồng dân cư sống trong hoặc gần rừng, có đời sống phụ thuộc vào rừng tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Chính phủ Việt Nam cũng đã xây dựng, ban hành và hoàn thiện các khung pháp lý nhằm thúc đẩy thực thi quản lý rừng cộng đồng bền vững. Chẳng hạn, “Luật Đất đai năm 2003”, “Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004”, Quyết định 178/2001/QĐ-TTg quy định rõ quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm phát huy các vai trò và tác động tích cực của quản lý rừng cộng đồng, và sự phối kết 121 hợp của các bên liên quan trong hoạt động quản lý tài nguyên rừng [4]. Vai trò và tác động của quản lý rừng cộng đồng thường được đánh giá trên nhiều tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí này tập trung trên các khía cạnh về kinh tế, môi trường và xã hội. Quản lý rừng cộng đồng cần phải đảm bảo cho cộng đồng tham gia quản lý rừng sống được nhờ rừng cũng như duy trì được tính bền vững của nguồn tài nguyên. 2.2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các tác động sinh kế chính của quản lý rừng cộng đồng, gồm tác động thu nhập, cơ cấu thu nhập và cách thức sử dụng tài nguyên rừng. Qua đó, đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của cộng đồng, và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng cộng đồng. Để thực hiện nội dung nghiên cứu, nhóm tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành và có sự tham gia. Vấn đề nghiên cứu được xem xét từ các khía cạnh và góc độ khác nhau. Sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong quá trình nghiên cứu cho phép đánh giá khách quan, đúng đắn và không thiên lệch về ảnh hưởng sinh kế của quản lý rừng cộng đồng. Nghiên cứu sử dụng một số kỹ thuật và công cụ của phương pháp nghiên cứu nông thôn có sự tham gia, thu thập thông tin từ các bên liên quan như người dân địa phương, các tổ chức cộng đồng xã hội ở địa phương, và chính quyền các cấp trong quản lý rừng cộng đồng. Phương pháp điều tra nông hộ và phương pháp so sánh được sử dụng. Nghiên cứu tiến hành điều tra 80 nông hộ, gồm các hộ tham gia quản lý rừng cộng đồng (nhóm hộ dự án) và nhóm hộ không tham gia quản lý rừng cộng đồng (nhóm hộ ngoài dự án). Sau đó, tiến hành so sánh những thay đổi sinh kế của những nhóm hộ này. Kết quả so sánh cho thấy những thay đổi và ảnh hưởng sinh kế của quản lý rừng cộng đồng lên các nhóm hộ. Số liệu năm 2000 được thu thập tổng hợp từ điều tra ban đầu của dự án thí điểm. Số liệu năm 2008 được thu thập thông qua phỏng vấn trực tiếp hộ gia đình. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1. Tác động thu nhập Quản lý rừng cộng đồng thực sự đã góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ tham gia. Việc so sánh thu nhập trung bình, trước sau khi thực hiện quản lý rừng cộng đồng, của các nhóm hộ cho thấy thu nhập của các nông hộ tăng lên đáng kể khi tham gia vào quản lý rừng cộng đồng (Bảng 1). Bảng 1. Thu nhập bình quân của nhóm hộ điều tra Thu nhập (nghìn đồng/hộ) Trước (năm 2000) Nhóm hộ dự án 11398(a1) Nhóm hộ ngoài dự án 10891 122 Sau (năm 2008) Nhóm hộ dự án (A1) 22315(a2) Nhóm hộ ngoài dự án (A2) 16790(a1) Nguồn: Số liệu điều tra ban dầu của dự án và điều tra Chú ý: a1 – Sự sai khác có nghĩa tương ứng với mức thu nhập trung bình của A1 tại mức 95%. a2 – Sự sai khác có nghĩa tương ứng với mức thu nhập trung bình của A2 tại mức 95%. Trước khi tham gia dự án, thu nhập của hai nhóm không có sự khác biệt lớn. Tuy nhiên, 9 năm sau khi quản lý rừng cộng đồng được áp dụng, thu nhập giữa hai nhóm đã có sự khác biệt ý nghĩa. Thu nhập trung bình của nhóm hộ dự án sau khi tham gia dự án tăng lên rất nhiều so với nhóm hộ đối chứng và có ý nghĩa thống kê tại mức 95% bằng kiểm định một phía. Nhóm dự án có mức thu nhập trung bình đạt 22.315 nghìn đồng/hộ, tăng 1,96 lần so với trước khi tham gia. Quản lý rừng cộng đồng đã góp phần gia tăng việc làm cho người dân thông qua các hoạt động chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Cơ chế hưởng lợi cũng góp phần rất lớn trong việc gia tăng thu nhập của nông hộ. Đồng thời, các hộ tham gia được nhận được hỗ trợ bên ngoài (hỗ trợ kỹ thuật, vốn đầu tư) để tiến hành trồng rừng và đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp. 3.2. Tác động cơ cấu thu nhập Nhằm làm sáng tỏ tác động của quản lý rừng cộng đồng đến cơ cấu sinh kế, nghiên cứu tiến hành phân tích cơ cấu thu nhập trước và sau khi tham gia dự án của các nhóm hộ. Bảng 2 cho thấy, cơ cấu thu nhập của các hộ có sự thay đổi rõ nét khi tham gia vào quản lý rừng cộng đồng. Trước khi tham gia, cơ cấu thu nhập của hai nhóm hộ khá tương đồng. Trong đó, thu nhập về lâm nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 34% tổng thu nhập) và thấp nhất là thu nhập từ chăn nuôi (dưới 15% tổng thu nhập của hộ). Thu nhập từ lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên. Tình trạng khai thác rừng, thậm chí cả khai thác trái phép đã ảnh hưởng cả số lượng lẫn chất lượng rừng. Bảng 2. Thu nhập và cơ cấu thu nhập của các hộ điều tra Thu nhập (nghìn đồng/hộ) Cơ cấu (%) Trồng trọt Chăn nuôi Lâm nghiệp Khác Trước (năm 2000) Nhóm hộ dự án 11398 24,01 14,82 34,95 26,22 Nhóm hộ ngoài dự án 10891 21,05 12.79 33.78 32.38 123 Sau (năm 2008) Nhóm hộ dự án (A1) 22351 24,88 20,83 31,83 22,46 Nhóm hộ ngoài dự án (A2) 16790 28,38 22,92 12,33 36,37 Nguồn: Số liệu điều tra. Sau khi thực hiện quản lý rừng cộng đồng tại thôn Thuỷ Yên Thượng, cơ cấu thu nhập giữa hai nhóm hộ đã có sự thay đổi lớn. Trong đó, thu nhập từ lâm nghiệp là nguyên nhân gây ra sự khác biệt lớn giữa hai nhóm, nhóm dự án 31,83%, (mức thu nhập chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng thu nhập) và 12,33% tổng thu nhập của nhóm đối chứng (mức thu nhập chiếm tỷ lệ thấp nhất trong tổng thu nhập). Thu nhập lâm nghiệp của nhóm hộ dự án tăng lên là do trồng rừng sản xuất và một phần từ rừng cộng đồng. So với trước đây, thu nhập từ lâm nghiệp (chủ yếu khai thác rừng tự nhiên) của nhóm đối chứng giảm 2,74 lần. Nguyên nhân chính tạo nên điều này là do các hộ tham gia quản lý rừng cộng đồng nhận được hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để trồng rừng. Rừng cộng đồng được quản lý và bảo vệ tốt và chặt chẽ hơn, tình trạng khai thác rừng trái phép bị hạn chế, lợi ích từ rừng được chia sẻ bởi các bên tham gia. Đồng thời, những người tham gia quản lý rừng cộng đồng bước đầu nâng cao nhận thức, thay đổi cơ cấu và phương thức sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống và đa dạng trong sinh kế. Những thay đổi này làm thay đổi sinh kế của người dân. 3.3. Tác động sử dụng tài nguyên Bảng 3. Tình hình khái thác rừng tự nhiên của các hộ điều tra Số ngày khai thác bình quân hộ/năm (ngày người ) Trước (năm 2000) Nhóm hộ dự án 87(b1) Nhóm hộ ngoài dự án 75 Sau (năm 2008) Nhóm hộ dự án (A1) 20(b2) Nhóm hộ ngoài dự án (A2) 35(b1) Nguồn: Số liệu điều tra ban đầu của dự án và điều tra nông hộ năm 2009. Chú ý: b1 – Sự sai khác có nghĩa tương ứng với mức thu nhập trung bình của A1 tại mức 95%. b2 – Sự sai khác có nghĩa tương ứng với mức thu nhập trung bình của A2 tại mức 95%. 124 Kết quả nghiên cứu cho thấy, quản lý rừng cộng đồng ảnh hưởng lớn đến việc khai thác, sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên. Bảng 3 cho thấy, trước và sau khi áp dụng quản lý rừng cộng đồng, việc khai thác/sử dụng rừng tự nhiên của hai nhóm giảm đi rất nhiều. Trước khi thực hiện dự án, mức độ khai thác rừng tự nhiên của các nhóm hộ là như nhau. Hàng năm, bình quân mỗi hộ thực hiện khai thác rừng tự nhiên khoảng 80 ngày/người. Sau khi thực hiện quản lý rừng cộng đồng được 8 năm, tình hình khai thác rừng tự nhiên đã có nhưng thay đổi tích cực. Hoạt động khai thác từ rừng tự nhiên giảm mạnh, nhất là những hộ tham gia vào quản lý rừng cộng đồng. Số ngày/người khai thác rừng tự nhiên sau khi thực hiện quản lý rừng cộng đồng của nhóm họ dự án và nhóm hộ đối chứng là 20 ngày/người và 35 ngày/người, một cách tương ứng. Các quy định về quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi rừng được xác định rõ, các kế hoạch về quản lý và bảo vệ rừng được sự nhất trí toàn cộng đồng và thực hiện nghiêm ngặt. Nghiên cứu nhận thấy, các hộ có xu hướng giảm khai thác các sản phẩm từ rừng tự nhiên và tập trung chủ yếu vào rừng trồng. Các sản phẩm khai thác từ rừng tự nhiên chủ yếu được dùng cho đời sống gia đình và không đem bán [8]. Tình hình khai thác rừng trái phép giảm mạnh. Theo số liệu thu thập, từ năm 2004 cho tới nay, tình hình vi phạm pháp luật trên các khu rừng cộng đồng không có. Như vậy, quản lý rừng cộng đồng đã thúc đẩy công tác bảo vệ rừng và nâng cao khả năng phục hồi rừng, rừng hầu như không bị chặt phá và ngày càng tăng trưởng, áp lực lên rừng tự nhiên giảm mạnh, rừng trồng được chú trọng đầu tư. 4. Kết luận và kiến nghị 4.1. Kết luận Sau hơn 8 năm áp dụng (2000 – 2009), quản lý rừng cộng đồng tại Thủy Yên Thượng đã tác động tích cực đến đời sống, sinh kế của người dân. Thu nhập của các nhóm tham gia quản lý rừng tăng, bình quân đạt 22.315 nghìn đồng/hộ, tăng 1,96 lần so với trước khi tham thực hiên quản lý rừng cồng đồng. Hỗ trợ thực hiện quản lý rừng cộng đồng thúc đẩy tăng thu nhập từ rừng trồng, trồng trọt, chăn nuôi và các ngành nghề khác. Tình trạng khai thác và sử dụng rừng tự nhiên giảm và thay thế vào đó là sinh kế dựa vào rừng trồng. Quản lý rừng cộng đồng không những tạo viêc làm và tăng thu nhập trực tiếp và gián tiếp, cải thiện đời sống cho cộng đồng mà góp phần xã hội hóa nghề rừng, tăng cường quản lý và phát triển vốn rừng theo hướng bền vững. Quản lý rừng cộng đồng thực sự có ảnh hưởng tích cực tới sinh kế của người dân thôn Thuỷ Yên Thượng. Kết quả của nghiên cứu góp phần khẳng định vai trò và tiềm năng to lớn của quản lý rừng cộng đồng. 4.2. Kiến nghị Nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hơn nữa tác động sinh kế của quản lý rừng cộng đồng ở Thủy Yên Thượng, dựa trên kết quả điều tra phỏng vấn các bên liên quan trong quản lý rừng cộng đồng ở Thuỷ Yên Thượng, nhóm tác giả đưa ra một số 125 kiến nghị sau: - Hương ước về quản lý và sử dụng rừng cộng đồng cần được hoàn thiện theo hướng thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng trong quản lý rừng cộng đồng đối với sinh kế và sử dụng tài nguyên rừng bền vững. - Tăng cường hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý rừng cho cộng đồng thông qua các hoạt động tập huấn về kỹ thuật lâm sinh, làm giàu rừng, công tác phòng cháy chữa cháy, phương pháp đánh giá trữ lượng rừng, khai thác rừng bền vững. Điều này cho phép cộng đồng quản lý sử dụng vùng rừng được giao bền vững về kinh tế và môi trường. - Tạo điều kiện và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đa dạng hóa ngành nghề và thu nhập. Hiện tại rừng cộng đồng của Thôn Thuỷ Yên Thượng góp phần tích cực vào việc cung cấp dịch vụ bảo vệ nguồn nước cho hoạt động du lịch ở Suối Tiên của xã Lộc Thuỷ. Để thúc đẩy hơn nữa quản lý rừng cộng đồng tại địa phương, cơ chế thanh toán/đền đáp dịch vụ môi trường giữa hoạt động kinh doanh du lịch tại Suối Tiên và thôn Thuỷ Yên Thượng cần được thiết lập. - Để có đánh giá đầy đủ hơn về tác động của quản lý rừng cộng đồng, cần thực hiện các nghiên cứu tiếp theo để đánh giá tác động môi trường và xã hội của rừng cộng đồng tại thôn Thuỷ Yên Thượng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đinh Đức Thuận. Những thay đổi trong phát triển lâm nghiệp ở một số nước châu Á, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2001. [2]. Hà Công Tuấn. Hiện trạng quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2001. [3]. Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc. Hồ sơ giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, 2003. [4]. Nguyễn Hồng Quân, Phạm Xuân Phương. Đề xuất khuôn khổ chính sách và giải pháp hỗ trợ quản lý rừng cộng đồng ở Việt Nam, Hội thảo quốc gia về Khôn khổ chính sách hỗ trợ cho CFM, Hà Nội, 2001. [5]. Nguyễn Phước Bảo Ân. Những kinh nghiệm và thực tiễn tốt về lâm nghiệp cộng đồng ở huyện Phú Lộc – Thừa Thiên Huế, Báo cáo Hội thảo Chia sẻ Kinh nghiệm về quản lý rừng dựa vào cộng đồng, Thừa Thiên Huế, 2005. [6]. Nguyễn Quang Hoà Anh. Quản lý tài nguyên rừng thông qua loại hình rừng cộng đồng ở Thừa Thiên Huế” tại 2009. 126 [7]. Trần Hữu Danh. Những ưu tiên về phát triển lâm nghiệp cộng đồng được đề cập trong chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo Hội thảo Chia sẻ Kinh nghiệm về quản lý rừng dựa vào, Thừa Thiên Huế, 2005. [8]. UBND xã Lộc Thủy. Báo cáo kết quả khai thác gỗ rừng tự nhiên giao cho cộng đồng dân cư thôn Thủy Yên Thượng, 2004. [9]. Vu Hoai Minh, Hans Warfvinge. Issues in management of natural forests by households and local communities of three provinces in Vietnam: Hoa Binh, Nghe An, and Thua Thien Hue, Asia Forest Network, Santa Barbara, California USA, 2002. COMMUNITY FORESTS AND FAMERS’ LIVELIHOOD MANAGEMENT IN THUY YEN THUONG VILLAGE, PHU LOC, THUA THIEN HUE Bui Dung The, Le Thanh An, Hong Bich Ngoc College of Economics, Hue University SUMMARY Community forest management has been piloted and replicated in many provinces in Vietnam. For the sake of improving and enhancing the effectiveness of community forest management it is very necessary to evaluate the achievements and limitations of pilot projects of community forest management. This study analyzed livelihood and natural resource impacts of the community forest management at Thuy Yen Thuong village, the first pilot project in Thua Thien Hue. It was found that, from 2000 to 2008, positive changes in the livelihood of the households participating in community forest management were observed. Average income of community forest households in 2008 was estimated as 22, 315 thousand Vietnamese Dongs, about twice as much as that before they participated in community forest management. Income from forest plantation accounted for a high share in household income, supporting crop cultivation and animal husbandry. The violation of natural forest management regulations has come to a stop. Pressure on natural forest reduced as livelihood shifted from natural forest to forest plantation.
File đính kèm:
- quan_ly_rung_cong_dong_va_sinh_ke_cua_nong_ho_o_thon_thuy_ye.pdf