Phong trào chống phá “ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963

TÓM TẮT

“Ấp chiến lược” là quốc sách của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn ttrong quá trình thực hiện

chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, trong đó có tỉnh Trà Vinh - địa

bàn có đông đảo đồng bào Khmer Nam Bộ. Quốc sách này được triển khai trên quy mô lớn

với nhiều thủ đoạn nhằm tiêu diệt các lực lượng cách mạng miền Nam nói chung và ở Trà

Vinh nói riêng. Trong giai đoạn 1961 – 1963 bằng nhiều hình thức, quân và dân Trà Vinh

đã nổi dậy phá tan từng mảng Ấp chiến lược, góp phần cùng với quân dân miền Nam đánh

bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn.

pdf 9 trang phuongnguyen 3140
Bạn đang xem tài liệu "Phong trào chống phá “ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Phong trào chống phá “ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963

Phong trào chống phá “ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016) 
107 
PHONG TRÀO CHỐNG PHÁ “ẤP CHIẾN LƯỢC” Ở TRÀ VINH 
GIAI ĐOẠN 1961-1963 
Phạm Đức Thuận 
Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ 
Email: pdthuan@ctu.edu.vn 
TÓM TẮT 
“Ấp chiến lược” là quốc sách của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn ttrong quá trình thực hiện 
chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, trong đó có tỉnh Trà Vinh - địa 
bàn có đông đảo đồng bào Khmer Nam Bộ. Quốc sách này được triển khai trên quy mô lớn 
với nhiều thủ đoạn nhằm tiêu diệt các lực lượng cách mạng miền Nam nói chung và ở Trà 
Vinh nói riêng. Trong giai đoạn 1961 – 1963 bằng nhiều hình thức, quân và dân Trà Vinh 
đã nổi dậy phá tan từng mảng Ấp chiến lược, góp phần cùng với quân dân miền Nam đánh 
bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn. 
Từ khóa: Ấp Chiến lược, Chiến tranh đặc biệt, Trà Vinh, 1961 -1963 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Trong quá trình xâm lược miền Nam Việt Nam, Mỹ cùng với chính quyền Sài Gòn 
(CQSG) xem việc bình định - lập Ấp chiến lược (ACL) là quốc sách có ảnh hưởng quan trọng 
đến sự thành bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965). Mục đích của quốc sách 
này là nhằm “tát nước bắt cá”, chia rẽ quần chúng nhân dân với lực lượng cách mạng, tách cán 
bộ cách mạng ra khỏi nhân dân, mưu đồ cô lập và tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam 
nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. 
Đối với Trà Vinh, một tỉnh thuộc vùng miền Tây Nam Bộ tương ứng với tỉnh Vĩnh 
Bình theo cách gọi của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đây vốn là địa bàn chiến lược quan 
trọng, trong hai tỉnh có dân số là người Khmer cao nhất cả nước, là điểm đến của các đoàn tàu 
không số đưa vũ khí từ Bắc vào Nam, là chiến trường mà các lực lượng vũ trang cách mạng 
miền Nam và quân đội Sài Gòn (QĐSG) đấu tranh quyết liệt. Riêng trong giai đoạn 1961- 1963, 
dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam, Khu 
ủy miền Tây Nam Bộ và Tỉnh ủy Trà Vinh thì phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược ở 
Trà Vinh đã diễn ra rất quyết liệt. Thắng lợi của phong trào chống phá ấp chiến lược ở Trà Vinh 
trong giai đoạn 1961 - 1963 đã góp phần quan trọng đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” 
với quốc sách ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ. 
Phong trào chống phá “Ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963 
108 
2. NỘI DUNG 
2.1. Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện quốc sách Ấp chiến lược 
Từ giữa năm 1961, Mỹ áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” vào miền Nam Việt 
Nam hòng dập tắt phong trào cách mạng, cứu nguy cho CQSG sau thất bại của “Chiến tranh 
một phía” (1955-1960). Theo đó, “Chiến tranh đặc biệt” (còn gọi là “Chiến tranh chống lật đổ”) 
lấy lực lượng CQSG làm lực lượng chủ yếu, dưới sự lãnh đạo và chi viện của Mỹ, dùng biện 
pháp quân sự kết hợp với chính trị, tình báo, cảnh sát và chiến tranh tâm lý nhằm tiêu diệt lực 
lượng vũ trang cách mạng, tiêu diệt cơ sở Đảng, giành lại trận địa nông thôn, kết hợp ngăn chặn 
biên giới, phong tỏa vùng biển, cắt nguồn chi viện từ miền Bắc vào để cuối cùng đánh bại chiến 
tranh cách mạng, bóp chết phong trào quần chúng cách mạng hòng giành thắng lợi trong thời 
gian ngắn, mở đầu bằng việc triển khai thực hiện kế hoạch Staley1 - Taylor2. 
Tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ đã đúc rút từ những kinh nghiệm trong 
các cuộc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở Malaysia, Philippines ... và qua việc nghiên 
cứu những đặc điểm của chiến tranh du kích ở một số nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Mỹ cho 
rằng sức mạnh của lực lượng du kích ở các nước nông nghiệp lạc hậu chủ yếu là xuất phát từ 
phong trào nông dân, du kích nằm trong nhân dân chẳng khác như cá lội trong nước. Từ đó, Mỹ 
- CQSG đi đến kết luận rằng muốn thắng được du kích cách mạng thì phải: "tát nước để bắt cá". 
Biện pháp chính của "Chiến tranh đặc biệt" là hành quân càn quét của quân đội kết hợp với bình 
định gom dân lập ấp chiến lược của lực lượng bảo an, dân vệ ở địa phương để làm nhiệm vụ 
bình định, khống chế ấp chiến lược. Sau khi tiếp nhận những ý kiến của các chuyên gia Anh, 
Mỹ đứng đầu là R. Thompson thì CQSG đã bắt tay vào các kế hoạch xây dựng ACL: “Quốc 
sách ấp chiến lược là một chính sách của Quốc gia, lấy ấp làm căn bản để vãn hồi an ninh trật 
tự , thực thi dân chủ và bao trùm lên mọi kế hoạch chính trị, quân sự, kinh tế cũng như xã hội. 
Nếu chiến thuật thắng một trận thì chiến lược thắng cuộc chiến tranh. Ấp chiến lược theo ý 
niệm đó sẽ giúp ta chiến thắng trong cuộc chiến tranh hiện nay”[9, tr.3]. 
Tháng 2 - 1962, chính quyền Sài Gòn chọn Ấp Phước Ngươn B3 (xã Phước Hậu, huyện 
Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long) làm mô hình “Ấp Chiến lược kiểu mẫu”, để từ đó lan ra toàn tỉnh 
Vĩnh Long và các tỉnh khác ở miền Tây Nam Bộ trong đó có Trà Vinh. Trong chính sách thiết 
lập ACL ở miền Tây Nam Bộ, Ngô Đình Nhu đã chỉ rõ: “Trong giai đoạn đầu, ta phải nỗ lực 
để nắm vững các tỉnh Vĩnh Bình, Vĩnh Long, An Giang và Kiên Giang, lưu ý đặc biệt thiết lập 
một hàng rào kiên cố (bằng Ấp Chiến lược và Biệt cách) theo đường Rạch Giá, Long Xuyên cho 
đến sông Hậu Giang, đồng thời tảo thanh đảo Phú Quốc” [4]. 
1 Eugene Staley – Tiến sĩ kinh tế học – Đại học Stanford – California, USA. 
2 Maxwell.D. Taylor – Đại tướng quân đội Mỹ – Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. 
3 Ấp chiến lược Phước Nguơn B nằm dọc theo liên tỉnh lộ 7 (nay là quốc lộ 53) Vĩnh Long đi Trà Vinh, 
gần thị xã Vĩnh Long, nằm ở trung tâm giữa thị xã Vĩnh Long và huyện Châu Thành (Long Hồ). Đây là 
vành đai chiến lược để bảo vệ cơ quan đầu não của tiểu khu Vĩnh Long là vùng tranh chấp giữa ta và 
địch. Tỉnh trưởng Vĩnh Long - Lê Văn Phước đã trực tiếp đứng ra chỉ huy, đôn đốc thực hiện việc xây 
dựng ấp chiến lược thí điểm này. 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016) 
109 
Mặt khác để bảo đảm cho sự thành công của Ấp chiến lược, ở địa bàn miền Tây Nam 
Bộ, QĐSG còn tổ chức các chiến dịch lớn đánh vào các cơ sở cách mạng như thực hiện kế 
hoạch “bạch hóa”ở hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình, đồng thời làm thí điểm khuôn mẫu cho 
các nơi khác. Trong kế hoạch hành quân “bạch hóa” của Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật đệ trình 
lên Ngô Đình Nhu vào tháng 4 - 1963 đã chỉ rõ: “Vĩnh Long – Vĩnh Bình là 1 vuông đất chia 2 
Tiền Giang và Hậu Giang, cho nên nếu chúng ta bạch hóa được 2 tỉnh này thì nhất định chúng 
ta sẽ bạch hóa được cả miền Tây. Chúng tôi xin tăng cường 1 Trung đoàn bộ binh cho khu 
chiến thuật Tiền Giang để yểm trợ Vĩnh Long, Vĩnh Bình trong 3 tháng (tháng 5, 6, 7) và 1 
trung đội giang thuyền cho Vĩnh Bình, và cũng xin khai quang 1 diện tích lối 12 cây số ven biển 
Long Toàn, Long Vĩnh” [5]. 
Qua bảng thống kê, có thể nhận ra quy mô của ấp chiến lược trên địa bàn Vĩnh Bình: 
Bảng 1. Thống kê ấp chiến lược ở Trà Vinh (Vĩnh Bình) tính đến tháng 11-1962 
STT TỈNH Số ACL phải 
thực hiện 
Số ACL đã 
thực hiện 
Số ACL đang 
thực hiện 
Số dân toàn 
tỉnh 
Số dân trong 
ACL 
1 Vĩnh Bình 570 367 15 537.677 372.027 
Nguồn: Ủy ban liên bộ đặc trách Ấp Chiến lược (1962), Biên Bản phiên họp ngày 14/12/1962 về 
ấp chiến lược, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh. 
Tại Trà Vinh, từ nửa cuối năm 1961, Mỹ - CQSG bắt đầu triển khai chương trình ACL 
tại Trà Vinh. Cũng như địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Ba Xuyên), Mỹ - CQSG chọn những địa bàn có 
đông người Khmer để lập ACL thì điểm như ở các xã Long Hiệp, Phước Hưng, Tập Sơn (huyện 
Trà Cú), Nhị Trường (huyện Cầu Ngang) rồi từ đó mở rộng đến các xã, các huyện khác. Ở 
một số nơi, chúng cho máy bay rải chất độc hóa học triệt phá ruộng đồng, hoa màu, cây rừng 
như ở các xã Long Hữu, Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải) Tháng 11 - 1961, QĐSG mở các 
cuộc hành quân lớn là “Đống Đa 1” và “Đống Đa 2” để đánh phá vào vùng ven biển Trà Vinh, 
thực hiện ý đồ “tát dân” vào các ACL [6]. Riêng các ACL tại Cầu Ngang, do là địa bàn có đông 
đồng bào Khmer điển hình, các ACL tại Cầu Ngang được xây dựng rất kiên cố và canh phòng 
cẩn mật. Trong giai đoạn hình thành, đích thân Ngô Đình Diệm đã đến thị sát việc xây dựng các 
ACL tại huyện Cầu Ngang vào tháng 7 - 1961. 
2.2. Phong trào chống phá Ấp chiến lược ở Trà Vinh (1961 – 1963) 
Tháng 4 - 1962, Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã họp hội nghị mở rộng 
xác định rõ tầm quan trọng và vị trí hàng đầu của nhiệm vụ chống phá ACL: “Việc chống, phá 
kế hoạch khu, ấp chiến lược và gom dân của địch là một vấn đề quyết định cho việc duy trì, mở 
rộng phong trào. Đó là một các đấu tranh trung tâm hàng đầu của các cấp, các vùng, các lực 
lượng chính trị, vũ trang và các ngành công tác của Đảng. Cuộc đấu tranh này nhất định sẽ 
giằng co lâu dài, quyết liệt cho đến khi có sự thay đổi lớn về so sánh lực lượng giữa ta và địch 
mới hoàn toàn đánh bại âm mưu này của địch” [10]. 
Phong trào chống phá “Ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963 
110 
Ngày 18 – 7 – 1962, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gửi thư đến Trung ương Cục góp ý chỉ 
đạo chống chiến lược Chiến tranh đặc biệt và quốc sách ấp chiến lược, theo đó: “một mặt phải 
phá cho được ấp chiến lược của địch, một mặt phải biết xây dựng lực lượng ngày càng mạnh, 
đặc biệt là lực lượng quân sự” [7, tr. 67]. Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Chống lại ấp chiến 
lược của địch là lực lượng của quần chúng, lực lượng chính trị và quân sự. Nếu không lấy lực 
lượng quần chúng là chính để chống lại việc lập ấp chiến lược của địch thì nhất định không thể 
phá được ấp chiến lược” [7, tr. 67]. 
Xuất phát từ tình hình trên, Hội nghị Tỉnh ủy Trà Vinh được triệu tập, hội nghị đã xác 
định nhiệm vụ và phương châm phá ACL trong thời gian tới, cụ thể là: “Xác định phá Ấp chiến 
lược với nhiệm vụ trung tâm, trọng điểm là vùng dân tộc Khmer, vùng tôn giáo và các tuyến 
hành lang giao thông. Yêu cầu cấp thiết là các Ấp chiến lược tại Duyên Hải và Cầu Ngang làm 
thế tiến công vào các Ấp chiến lược còn lại trên địa bàn phương thức phá Ấp chiến lược lấy 
phá nội dung làm chủ yếu (khống chế địch, diệt đồn bốt) và hình thức là quan trọng (phá 
hàng rào, đạp đổ các pa-nô, biểu ngữ) biến Ấp chiến lược thành ấp chiến đấu. Phương châm 
phá Ấp chiến lược là có điểm và có diện, tiến hành thường xuyên chuẩn bị tốt kết hợp ngoài 
tiến công, trong nổi dậy”[2, tr. 125]. 
Trà Vinh là tỉnh có phong trào chống, phá ACL sớm nhất ở miền Tây Nam Bộ do các 
ACL ở Trà Vinh được xây dựng rất sớm tại những vùng nông thôn có đông đảo đồng bào 
Khmer. Cộng đồng này thường tập trung quanh các chùa vì vậy mà phong trào chống phá ACL 
ở Trà Vinh trong giai đoạn này có những đặc thù với sự tham gia của đông đảo đồng bào Khmer 
và các vị sư cả trong các ngôi chùa. Tiêu biểu là vào cuối tháng 6 - 1961, trên 1.000 đồng bào 
Khmer và các sư sãi ở các chùa Châu Điền, Tam Ngãi, Hòa Ân, Phong Phú vùng lên đấu tranh, 
kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đòi thả sư cả Thạch Xom, trụ trì chùa Ô Mịt, đang bị giam giữ vì bị 
khép tội chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Dưới sức ép của quần chúng, chính quyền 
Vĩnh Bình buộc phải thả sư cả Thạch Xom nhưng cho quân bao vây chùa Ô Mịt nơi ông trụ trì. 
Các sư sãi lập tức huy động đồng bào Khmer “tản cư tượng Phật” ra khỏi chùa Ô Mịt mang về 
các chùa ở xã Phong Phú, Hòa Ân cất giữ, sau đó dùng dầu hỏa đốt nhà trong ACL, đồng thanh 
hô lớn “phá bỏ ấp chiến lược” buộc địch phải can thiệp mạnh, chiếm giữ chùa Ô Mịt để tiếp tục 
thực hiện việc xây dựng các ACL vùng ven thị xã Trà Vinh. Ngày 29 – 9 – 1961, quân dân nơi 
đây tấn công vào chùa Ô Mịt tiêu diệt 40 tên địch, QĐSG dùng máy bay yểm trợ, tiếp tục chiếm 
giữ chùa Ô Mịt. Để đánh đòn quyết định, biệt động thị xã Trà Vinh đột nhập trụ sở đồn tề thị xã 
Vĩnh Bình giết tên đồn trưởng, khiến lính tại nơi đây hoang mang bỏ đồn chạy trốn, lực lượng 
đang chiếm đóng chùa Ô Mịt cũng rút chạy. Sư cả Thạch Xom trụ trì chùa Ô Mịt sau đó được 
tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh [2, tr. 116-
117]. 
Tháng 7 – 1961, đại đội 501 tỉnh đội Trà Vinh cùng quân dân huyện Cầu Ngang và du 
kích xã Hiệp Mỹ chặn đánh đoàn xe của địch chuẩn bị dọn đường cho chuyến thăm của Ngô 
Đình Diệm đến thị sát việc xây dựng các ACL tại Cầu Ngang. Trận phục kích diễn ra tại ấp Lồ 
Ô đã phá hủy 3 xe GMC, thu trên 30 khẩu súng của địch. Cuối tháng 7-1961, đại đội 501 hỗ trợ 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016) 
111 
đồng bào Khmer nổi dậy phá kìm kẹp tại ACL Căn Nom buộc địch phải mở 8 cổng ra vào ACL 
Căn Nom thay vì 2 cửa như trước, phá lỏng ACL Căn Nom đã tạo điều kiện cho lực lượng cách 
mạng dễ dàng ra vào khu vực này [2, tr. 118]. 
Tháng 2 – 1962, nhân dân xã Tân An Luông - huyện Vũng Liêm biểu tình chặn đầu 
đoàn xe M113 chạy qua cánh đồng lúa để xây dựng ACL. Tại chùa Vĩnh Lạc, hơn 2.000 tín đồ 
người Khmer biểu tình chống gom dân lập ACL Đến tháng 11-1962, riêng tại địa bàn giáp 
ranh giữa 2 huyện Vũng Liêm và Cầu Ngang, quân dân nơi đây đã phá được 32/35 ACL mà 
địch xây dựng trong hơn một năm, chỉ còn lại 3 ACL là Giồng Ké, Phú Tiên và Trường Hội [3, 
tr.193]. 
Ngày 4-4-1962, QĐSG hành quân càn quét vào cù lao Long Hòa, phá hủy 7 điểm vựa 
lúa và khủng bố quần chúng, gây cho ta nhiều thiệt hại. Ngày 3-9-1962, du kích xã Đức Mỹ - 
huyện Cầu Ngang tiêu diệt đồn Rạch Bàng, diệt 12 tên địch, phá ACL Rạch Bàng Tháng 11-
1962, du kích xã An Phú Tân (Cầu Kè) đào hầm tấn công đồn Vàm và bức rút đồn Bến Cát 
khiến bọn địch tại các ACL Bến Cát hoang mang tạo điều kiện cho nhân dân phá lỏng các ACL 
tại đây. Ngày 1-12-1962, bộ đội tỉnh Trà Vinh và du kích xã tấn công đồn Mé Láng và cây Xoài 
(Ngũ Lạc – Cầu Ngang) tạo điều kiện cho nhân dân nơi đây nổi dậy phá kìm, phá lỏng ACL, 
đồng bào Khmer kết hợp địa phương quân buộc địch phải rút khỏi các chùa, thành lập các đội tự 
vệ ngăn cản địch tái chiếm. 
Những sự kiện trên cho thấy sự phát triển của chiến tranh du kích trên chiến trường Trà 
Vinh phối hợp với hoạt động của bộ đội địa phương và phong trào đấu tranh chính trị của quần 
chúng đã diễn ra liên tục, quyết liệt. Nhiều nơi ta đã phá tan, phá rã, phá lỏng nhiều ACL. Tuy 
nhiên do lực lượng ta ở Trà Vinh lúc này còn mỏng nên địch nhanh chóng thiết lập lại các ACL, 
đến cuối năm 1962 địch đã lập và tái lập được hơn 400 ACL trên toàn tỉnh Trà Vinh, CQSG ra 
sức củng cố hệ thống ACL theo chiều sâu. 
Ngày 2 – 1 – 1963, chiến thắng Ấp Bắc ở Trung Nam Bộ (Khu 8) gây tiếng vang lớn 
trên toàn miền Nam và trên cả nước. Đây là chiến thắng quan trọng, là dấu mốc lịch sử đánh dấu 
sự phát triển của phong trào chống phá ACL trên chiến trường miền Nam, là kết quả của sự vận 
dụng tốt ba mũi giáp công, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại 
hoàn toàn chiến lược chiến tranh đặc biệt với quốc sách ACL của Mỹ và CQSG. Đồng chí Lê 
Duẩn đã nhận định: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được” [7, tr. 69]. 
Tháng 7 – 1963, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết về công tác chống phá khu 
ACL, gom dân của địch, đây là Nghị quyết quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam 
trong những ngày phong trào chống, phá ACL diễn ra sôi nổi, quyết liệt trên địa bàn miền Nam. 
Nghị quyết nêu rõ: “Ra sức đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang, đặc biệt là đẩy 
mạnh phong trào du kích chiến tranh chống càn quét mạnh mẽ, chống và phá ấp chiến lược 
Kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng bên trong và bên ngoài, bên trên và bên dưới, địa phương này 
với địa phương khác. Kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công, kết hợp đấu tranh quân sự và chính 
trị phải đặt công tác phá ấp chiến lược là nhiệm vụ trong tâm hàng đầu của toàn Đảng, toàn 
Phong trào chống phá “Ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963 
112 
dân, toàn quân, làm thất bại âm mưu gom dân lập ấp chiến lược, phá tan kế hoạch Staley – 
Taylor” [1, tr.247]. 
Sau khi có Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam về công tác chống, phá khu 
ACL, gom dân của địch, tháng 8-1963 Khu ủy miền Tây Nam Bộ họp bàn về kế hoạch chống, 
phá ACL trên địa bàn miền Tây Nam Bộ. Hội nghị Khu ủy chỉ rõ: “Muốn phá ấp chiến lược, 
cách mạng phải kết hợp được hai lực lượng chính trị và quân sự, sử dụng ba mũi giáp công, 
phát động nhân dân tại chỗ nổi dậy với sự yểm trợ của lực lượng bên ngoài, tạo thành sức 
mạnh tổng hợp phá kìm kẹp, tiêu diệt đồn bốt đối phương, diệt bọn ác ôn, bọn chỉ huy ngoan cố 
và đánh bại quân cứu viện” [1, tr. 249]. 
Trong năm 1963, QĐSG đã tổ chức 3.772 cuộc hành quân càn quét từ cấp Đại đội đến 
cấp Trung đoàn, dồn 2 vạn dân vào 515 ACL và khu tập trung tại Trà Vinh [2], vì thế mà cuộc 
đấu tranh chống địch dồn dân lập ACL ở nơi đây cũng đã diễn ra quyết liệt không kém so với 
các địa bàn khác ở miền Tây Nam Bộ. Do địa thế nơi đây còn có vùng biển thuộc huyện Duyên 
Hải, là một trong những điểm chi viện của các đoàn tàu không số đưa vũ khí từ Bắc vào Nam 
nên phong trào chống phá ACL ở Duyên Hải là hướng quan trọng nhất trong đấu tranh chống 
phá ACL trên địa bàn Trà Vinh. Tháng 3 – 1963, dưới sự hỗ trợ của bộ đội tỉnh và huyện, nhân 
dân huyện Cầu Ngang nổi dậy bức rút hàng loạt đồn bốt tạo điều kiện cho các cơ sở Đảng và tổ 
chức quần chúng phát động nhân dân nổi dậy phá vỡ các mảng ACL ở xã Long Hữu, Ngũ Lạc, 
Mỹ Long tạo được vùng giải phóng liên hoàn tiếp giáp vùng căn cứ Duyên Hải. Tháng 7 – 
1963, Tỉnh ủy Trà Vinh phát động cao trào chống phá ACL ở huyện Duyên Hải, bộ đội địa 
phương huyện bức rút đồn Ba Động tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giải phóng xã Trường 
Long Hòa, Hiệp Thạnh, Long Vĩnh và Mỹ Long, phá rã một bộ phận lớn các ACL tại đây. 
Tháng 10 – 1963, phát huy những thành quả đạt được, du kích và nhân dân địa phương nổi dậy 
phá hàng loạt ACL của địch tại xã An Trường, Đại An, Hiệp Mỹ, Trung Ngãi. 
Trong tháng 11 – 1963, các xã Hiếu Phụng, Quới An và Quới Thiện (huyện Vũng 
Liêm) đã vận động quần chúng nổi dậy bao vây tiêu diệt đồn bốt và ACL trên địa bàn xã nhưng 
không thành công. Từ ngày 15 đến 20 – 12 – 1963, quân địa phương Vũng Liêm đánh tiêu diệt 
đồn Bến Đò (xã Trung Hiệp) hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá banh ACL Quang Đước (12 – 11 – 
1963), đồng thời phối hợp với du kích xã Trung Ngãi, phá rã và phá lỏng các ACL: Giồng Ké, 
Phú Tiên và Trường Hội. Cùng thời gian này, các xã Trung Thành, Hiếu Thành và Tân An 
Luông (Vũng Liêm) đã tiến công và nổi dậy phá tan các ACL, giải phóng cơ bản 6 ấp xã Tân 
An Luông góp phần cùng toàn huyện đã tiêu diệt hoàn toàn 16 đồn bốt và phá tan 30-35 ACL 
của địch [3, tr. 197]. 
Trong năm 1963, toàn tỉnh Trà Vinh có trên 50.000 lượt quần chúng nổi dậy, quân và 
dân Trà Vinh đã diệt và bức rút 123 đồn bốt, phá banh và phá rã 177 ACL, giải phóng được 2/3 
đất đai với khoảng 300.000 dân [1]. Quân dân xã Mỹ Long và Huyền Hội được Khu 9 công 
nhận là xã dẫn đầu phong trào du kích chiến tranh và phong trào chống phá ACL trên toàn miền 
Tây Nam Bộ [1]. Phong trào phá ACL chuyển thành các ấp chiến đấu diễn ra sôi nổi, mỗi xã ở 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016) 
113 
Trà Vinh, nhất là trên 2 địa bàn trọng điểm là Duyên Hải và Cầu Ngang đều có ấp chiến đấu 
như xã Mỹ Long, xã trường Long Hòa (Duyên hải) 
Những thắng lợi của phong trào đấu tranh chống phá ấp chiến lược tại Trà Vinh 1962 – 
1963, đã góp phần vào những thắng lợi chung của cách mạng miền Nam trong giai đoạn 1962 – 
1963. Ngày 1 – 11 – 1963, một số tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Việt Nam Cộng hòa tiến 
hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Tháng 1 – 1964, tướng M. Taylor 
trong phần trình bày tình hình Nam Việt Nam đã nhấn mạnh "Quốc sách ấp chiến lược - xương 
sống của Chiến tranh đặc biệt thời Diệm - Nhu quá rườm rà, nặng về lý thuyết, thực tế đã không 
đạt mục tiêu; đặc biệt là đã gây quá nhiều phiền toái, kêu ca trong nhân dân. Hơn nữa, diễn 
biến tình hình của cuộc chiến đã vượt quá xa tình trạng an ninh đòi hỏi để tiếp tục xây dựng ấp 
chiến lược theo đường lối cũ" [8, tr. 154]. Ngày 9 – 3 – 1964, Chủ tịch Hội đồng Quân nhân 
cách mạng Việt Nam Cộng hòa ký sắc lệnh 103-SL/CT giải tán Ủy ban Liên bộ đặc trách Ấp 
chiến lược từ cấp Trung ương đến các khu chiến thuật. Dưới sự hỗ trợ của Mỹ, hệ thống ấp 
chiến lược được thay đổi với tên gọi mới là “ấp tân sinh” [6]. 
 Như vậy bằng sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt chỉ thị của Trung ương Đảng, Trung 
ương Cục miền Nam, Khu ủy Tây Nam Bộ và Tỉnh ủy Trà Vinh, quân dân Trà Vinh đã phát 
triển phong trào chống phá ACL lên một giai đoạn mới, quyết liệt hơn và giành nhiều chiến 
thắng vang dội hơn trước. Thắng lợi này đã góp phần cùng toàn miền Tây Nam Bộ đánh bại một 
bước cơ bản quốc sách ACL trong “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 
3. KẾT LUẬN 
Trà Vinh là một trong những chiến trường chiến lược quan trọng trong thời kỳ chống 
Mỹ cứu nước, nhất là trong giai đoạn Mỹ - CQSG thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt". 
Triển khai chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" (1961 - 1965), CQSG đã nâng việc gom dân lập ấp 
chiến lược thành quốc sách ACL với âm mưu nhằm tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân 
chúng để "tát nước bắt cá", triệt phá mọi mầm mống cơ sở cách mạng trong nhân dân. Vì thế mà 
phong trào chống phá ACL của quân và dân miền Nam nói chung và Trà Vinh nói riêng là một 
quá trình đấu tranh hết sức gay go và quyết liệt. Trong phong trào chống, phá ACL tại Trà Vinh 
giai đoạn 1961 – 1963, có thể rút ra một số nhận xét sau: 
Phong trào chống phá ACL tại Trà Vinh diễn ra sớm, quyết liệt và có sự đóng góp rất 
quan trọng của đồng bào Khmer. Thêm vào đó, Trà Vinh là một bộ phận quan trọng của vùng 
duyên hải Tây Nam Bộ, ở đây CQSG đã xây dựng sân bay Trà Vinh như một vệ tinh của sân 
bay Trà Nóc (Cần Thơ). Vì vậy, phong trào chống, phá ACL nơi đây diễn ra chủ yếu trên địa 
bàn các huyện ven biển như Tiểu Cần, Duyên Hải và vùng tiếp giáp Khu 8 – Trung Nam Bộ là 
huyện Vũng Liêm. Thắng lợi của phong trào chống, phá ACL nơi đây là một bộ phận cấu thành 
phong trào chống, phá ACL ở miền Tây Nam Bộ nói riêng và miền Nam nói chung. 
Phong trào chống phá “Ấp chiến lược” ở Trà Vinh giai đoạn 1961-1963 
114 
Phong trào chống, phá ACL tại Trà Vinh đã cho thấy ý chí quật cường và bản lĩnh đấu 
tranh cách mạng của quân dân Trà Vinh, cùng với đó là tình đoàn kết, gắn bó giữa hai cộng 
đồng dân tộc Việt – Khmer. Thắng lợi trong phong trào chống, phá ACL tại Trà Vinh đã để lại 
nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng và đã trở thành mốc son trong lịch sử kháng chiến chống 
Mỹ cứu nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, thắng lợi đó góp phần làm sụp đổ chiến lược “Chiến 
tranh đặc biệt” và quốc sách ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
[1]. Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến (2008). Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến 
(tập 2), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
[2]. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (2005). Lịch sử tỉnh Trà Vinh, Trà Vinh. 
[3]. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vũng Liêm (1986). Vũng Liêm 21 năm đánh Mỹ, Vĩnh Long. 
[4]. Bộ Công chánh và Giao thông – Việt Nam Cộng hòa (1963). Biên bản số 35 phiên họp ngày 
18/1/1963 về Ấp chiến lược, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu hồ sơ số 301. 
[5]. Bộ Công chánh và Giao thông – Việt Nam Cộng hòa (1963). Biên bản số 43 phiên họp ngày 5/4/1963 
về Ấp chiến lược, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu hồ sơ số 309. 
[6]. Bộ Đặc nhiệm Văn hóa Xã hội – Việt Nam Cộng hòa (1963). Hồ sơ lưu trữ công văn của Bộ Quốc 
phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban liên Bộ đặc trách Ấp Chiến lược và các đơn vị trực 
thuộc về Ấp Chiến lược, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu hồ sơ số 116. 
[7]. Lê Duẩn (1985). Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội. 
[8]. G.C.Herring (1998). Cuộc chiến tranh dài ngày nhất nước Mỹ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
[9]. Phủ Tổng thống đệ nhất Việt Nam Cộng hòa (1962). Đại cương về Quốc sách Ấp Chiến lược, Trung tâm 
Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu hồ sơ số 21758. 
[10]. Trung ương Cục miền Nam (1962). Chỉ thị chủ động chống hoạt động càn quét, lấn chiếm và gom dân, 
lập ấp chiến lược của Mỹ - Diệm, Tài liệu Kho lưu trữ Trung ương Đảng, Hà Nội, Hồ sơ số P 42 – 312 
(25b-98). 
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – ĐH Huế Tập 6, Số 2 (2016) 
115 
THE MOVEMENT AGAINST “STRATEGIC HAMLETS” 
IN TRA VINH (1961-1963) 
Pham Duc Thuan 
Department of Pedagogy, Can Tho University 
Email: pdthuan@ctu.edu.vn 
ABSTRACT 
“Strategic Hamlet” is the National policy of the US and the Republic of Vietnam in the 
process of implementing the strategy of “Special war” in The South of Vietnam, including 
Tra Vinh where have many Khmer ethnic people. In Tra Vinh, this plan was implemented 
on a large scale, with many dangerous plot to destroy the revolutionary forces. During 
1961-1963, under the leadership of the Workers Party of Vietnam, the uprising of military 
and the people smashed the “Strategic hamlets”, contributed to defeating the strategy 
“Special war” of the US and the Saigon government. 
Keywords: Strategic hamlet, Special war, Tra Vinh. 

File đính kèm:

  • pdfphong_trao_chong_pha_ap_chien_luoc_o_tra_vinh_giai_doan_1961.pdf