Nhận thức mới về Phật giáo của Hải lượng Ngô Thì Nhậm qua tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
Tóm tắt: Phật giáo Đại Việt đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Phật giáo nhất tông, mang đậm bản sắc Việt, chủ trương nhập thế, cư trần lạc đạo, dung hợp và Việt hóa ba hệ tư tưởng Phật - Nho - Đạo. Tinh thần dung hợp và Việt hóa của Thiền phái Trúc Lâm đến cuối thế kỷ XVIII đã được Ngô Thì Nhậm và các đạo hữu truyền bá và phát triến trong tác phàm “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”. Tác phàm này đã được các nhà nghiên cứu tìm hiếu ở nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này xin được luận giải thêm đế làm sáng rõ nhận thức mới của Ngô Thì Nhậm về Phật giáo trong trước tác nói trên.
Bạn đang xem tài liệu "Nhận thức mới về Phật giáo của Hải lượng Ngô Thì Nhậm qua tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Nhận thức mới về Phật giáo của Hải lượng Ngô Thì Nhậm qua tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
^TliThTrgjT Tôn giáo Số 10 (124), 2013,43-57 TRẦN HOÀNG HÙNG(*) NHẬN THỨC MỚI VỀ PHẬT GIÁO CỦA HẢI LƯỢNG NGÔ THÌ NHẬM QUA TÁC PHẨM TRÚC LẨM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH Tóm tắt: Phật giáo Đại Việt đời Trần với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Phật giáo nhất tông, mang đậm bản sắc Việt, chủ trương nhập thế, cư trần lạc đạo, dung hợp và Việt hóa ba hệ tư tưởng Phật - Nho - Đạo. Tinh thần dung hợp và Việt hóa của Thiền phái Trúc Lâm đến cuối thế kỷ XVIII đã được Ngô Thì Nhậm và các đạo hữu truyền bá và phát triến trong tác phàm “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”. Tác phàm này đã được các nhà nghiên cứu tìm hiếu ở nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này xin được luận giải thêm đế làm sáng rõ nhận thức mới của Ngô Thì Nhậm về Phật giáo trong trước tác nói trên. Từ khóa: Ngô Thì Nhậm, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Phật giáo Đại Việt. 1. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được Ngô Thì Nhậm và các đạo hữu hoàn thành tại Thiền viện Trúc Lâm, phường Bích Câu, kinh đô Thăng Long vào năm 1896. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại luận thuyết triết lý tôn giáo. Bên cạnh nhan đề Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là tên gọi chính thức, tác phẩm này còn được gọi là Đại chân Viên giác thanh, Nhị thập tứ thanh, Kinh Nhị thập tứ chương, Kinh Viên giác. Về diện mạo kết cấu và các tác giả của tác phẩm. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh có cấu trúc hơi lạ. Ngoài bài tựa mang tên Trúc Lâm đại chân viên giác thanh tự do Bảo Chân Phan Huy Ích (em rể của Ngô Thì Nhậm) viết, nội dung tác phẩm này gồm các phần Thanh dẫn, Chính văn, Thanh chú và Thanh tiếu khẩu. Thanh dẫn là phần giới thiệu chung, do Hải Huyền Ngô Thì Hoàng (em trai của Ngô Thì Nhậm) viết. Chính văn gồm 24 thanh, có tên Đại chân Viên giác thanh, mang tư tưởng cốt lõi của tác phẩm, do Hải Lượng Ngô Thì Nhậm viết. Thanh chú là phần chú giải các thanh do Hải Âu Vũ Trinh và Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở viết (hai *. NCS., Thích Hạnh Tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. vị này là bạn của Ngô Thì Nhậm). Thanh tiểu khẩu là phần tóm tắt yếu chỉ của các thanh, do Hải Điền Nguyễn Đàm (cháu ruột của Nguyễn Du) viết. Phần sau tác phàm còn có Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ (biểu đồ 24 thanh phối với các tiết trong năm), Tướng thanh nhị thập tứ bồ tát (diện mạo và bản chất của 24 thanh). Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông (đầu mối, điều kiện làm nên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh), và Tam tổ hành trạng (hành trạng của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm). Có lẽ, do Ngô Thì Nhậm viết phần Chính văn để truyền bá và phát triển tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, nên ông được đệ tử và đạo hữu tôn vinh là đệ tứ tổ của Thiền phái này. Pháp hiệu của các tác giả tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh cho thấy, họ đều xuất thân là nhà Nho chính thống, có nghiên cứu và hành trì Phật giáo Thiền tông và tu tập theo Đạo giáo. Như vậy, họ vừa là Nho sĩ, vừa là Thiền sư và Đạo sĩ, tức có sự dung hợp cả ba hệ tưởng Nho - Phật - Đạo trong một tác phẩm. Ngô Thì Nhậm có tên là Phó, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (tức ngày 25 tháng 10 năm 1746), mất năm 1803; người Làng Tó, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) trong một “thế gia vọng tộc” có truyền thống đạo đức, khoa bảng, văn võ song toàn. Đặc biệt, nhờ được sự giáo huấn nghiêm minh của thân phụ là Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà quân sự, nhà chính trị, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Lê trung hưng, nên Ngô Thì Nhậm đã sớm mang trong mình trách nhiệm nặng nề của dòng họ Ngô Thì và một hoài bão kinh bang tế thế. Vấn đề này thể hiện rõ trong tên húy và tên tự của ông: “Thì Nhậm” có nghĩa là “gánh vác đúng lúc”, “Hy Doãn” là “mong ước được như Y Doãn của nhà Thương”. Pháp danh của Ngô Thì Nhậm là Hải Lượng. Căn cứ vào pháp danh, có thể truy tìm dòng Thiền mà Ngô Thì Nhậm tu tập. Theo truyền thống của nhà Phật, pháp danh của đệ tử là do sư phụ dựa theo bài kệ truyền pháp của tổ sư mà đật cho. Chữ “Hải” trong pháp danh của Ngô Thì Nhậm, có thể nhận ra ông là đệ tử truyền thừa của một trong ba dòng kệ sau: Một là dòng kệ của Thiền sư Minh Hành Tại Tại (1596 - 1659), một đệ tử của Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết: “Minh chân như tính hải/Kim tường phổ chiếu thông/Chí đạo thành chính quả/Giác ngộ chứng chân không”(1). Hai là dòng kệ của Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 - 1742): “Thiệt tế đại đạo/Tính hải thanh trừng/Tâm nguyên quảng nhuận/Đức bổn từ phong/Giới định phúc tuệ/Thể dụng viên thông/Vĩnh siêu trí quả/Một khế thành công/Truyền trì diệu lý/Diễn xướng chính tông/Hành giải tương ứng/Đạt ngộ chân không”(2). Ba là dòng kệ của Thiền sư Trí Bản Đột Không: “Trí huệ thanh tịnh/Đạo đức viên minh/Chân như tính hải/Tịch chiếu phổ thông/Tâm nguyên quảng tục/Bản giác xương long/Năng nhân thánh quả/Thường diễn khoan hằng/Tính truyền pháp ấn/Chứng ngộ hội dung/Truyền trì giới định/Vĩnh kế tổ tông”(3). Như vậy, chắc chắn là bổn sư truyền pháp cho Hải Lượng Ngô Thì Nhậm thuộc thế hệ chữ “Tính”. Căn cứ vào tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, có thể nói, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm là đệ tử truyền thừa theo dòng kệ của Thiền sư Minh Hành Tại Tại, cùng môn phái với Thiền sư Chân Nguyên. Bởi vì, trong chương 11 Trác thanh, Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở có nhắc đến chi tiết: “Chuyết công (tức Thiền sư Chuyết Chuyết) ta đi bộ đến phương Nam, ở lộ thiên dưới gốc cây ba tháng trời mới đến trụ trì ở chùa Nhạn Tháp ở Siêu Loại, sau đó phò mã Quốc công phải cờ quạt đến đón rước. Nay ở chùa còn thờ làm Tổ”(4). Trong khi đó, theo Lê Mạnh Thát, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm là đệ tử của Thiền sư Tính Quảng: “Việc trình bày lịch sử phát triển của Thiền phái Trúc Lâm qua ba vị tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang có thể nói là một sáng tạo đạc biệt của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII, khi Tính Quảng và người học trò của mình là Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm đã sao trích những mảng tư liệu khác nhau, để tập hợp lại và cho ra đời sách Tam tổ thực lục”5. Còn theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Thiền sư Tính Quảng cũng được nhắc đến với vai trò là người đề tựa sách Thánh đăng lục. Như vậy, vấn đề hệ phái truyền thừa dòng thiền của Ngô Thì Nhậm có lẽ cần phải tìm thêm những chứng cứ mới có thể khẳng định được. Ngô Thì Nhậm là một danh nhân trong lịch sử văn hoá và văn học Việt Nam cuối thời Trung đại. Ông đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: triết học, văn học, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoai giao... Chỉ xét riêng về lĩnh vực văn học, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại khác nhau. Về thơ có các tác phàm: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Hoàng hoa đồ phả, Cam đường nhàn thoại. về văn có các tác phấm: Bang giao hảo thoại, Xuân thu quảng kiến, Hào mân ai lục, Hàn các anh hoa, Kim mã hành dư, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. 2. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, tác phẩm cuối cùng của Ngô Thì Nhậm, là sự kết tinh chín muồi về tư tưởng lẫn bút pháp nghệ thuật của vị danh sĩ này. Tác phẩm này giống như “bài kệ truyền pháp” của các thiền sư lúc sắp viên tịch. Bởi vì, tất cả những gì tinh túy nhất, tâm huyết nhất và kỳ vọng nhất của một đời được tác giả gửi gắm hết vào tác phẩm này. Nội dung tư tưởng của tác phẩm thể hiện rõ ở nhan đề Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (giáo lý chân truyền của Thiền phái Trúc Lâm). Chữ “thanh” ở đây chỉ giáo lý, học thuyết. Nhan đề tác phẩm có chủ đích là truyền bá và phát triển tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Nhưng nội dung tư tưởng của tác phẩm hướng đến sự dung hợp tư tưởng Phật - Nho - Đạo trên quan niệm Tam giáo đồng nguyên. Cụ thể, tư tưởng cốt yếu trong các bộ kinh Phật giáo Đại thừa như: Kim cương, Viên giác, Bát nhã, Lăng già, Pháp hoa, Hoa nghiêm và các bộ kinh sách quan trọng của Nho giáo như: Tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử), Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu) được tác giả khai thác một cách hữu hiệu nhằm luận giải sự tương quan nhất trí giữa Phật và Nho. Có thể thấy, những cốt lõi tinh túy của cả ba hệ tư tưởng Phật - Nho - Đạo đều được tác giả thể hiện trong tác phẩm. Những tư tưởng uyên áo và hàm súc đó được truyền tải và thể hiện bằng những hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi cảm, qua một nghệ thuật ngôn từ tuyệt diệu, bút pháp đạt đến mức tinh tế như hoán dụ, thậm xưng, ẩn dụ, so sánh, sử dụng điển cố, điển tích,v.v... Chẳng hạn như phần thuyết giảng về Lý và Dục của tác giả trong chương Không thanh ở phần Chính văn. Trước hết, cách lý giải mới của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm thể hiện ở hai phạm trù quan trọng trong tư tưởng của nhà Phật cũng như của nhà Nho là Lý và Dục. Từ điên Phật học Huệ Quang định nghĩa về Lý như sau: Lý là đạo lý, tức phép tắc làm tiêu chuẩn cho sự tồn tại biến hóa của tất cả sự vật; là lý tính, tức là lý chân thật bình đẳng nhất như, là bản thể của vạn tượng sai biệt. Lý có hai đức tùy duyên và bất biến, tức là tùy duyên mà biến hóa ra vạn pháp sai biệt, nhưng tính của nó vẫn thường trụ bất biến. Vì nó vượt ra ngoài tri thức tương đối của phàm phu, cho nên không thể dùng ngôn ngữ văn tự để biểu hiện”(6). Khi bàn về Lý, nhà Phật thường xem xét dưới góc độ lý thuyết, triết lý (ngược lại với Sự là thực hành, thực hiện). Phật gia nói “Lý sự viên dung”, nghĩa là lý thuyết và thực hành đều đầy đủ trọn vẹn. Tìm hiểu về Lý nghĩa là tìm ra bản chất của vạn vật, thực tướng của vạn pháp nói chung, bản lai tự tính của con người nói riêng. Đây là vấn đề quan trọng nhất, mấu chốt nhất nhất của bản thể luận và giải thoát luận trong Phật giáo. Con người chỉ giải thoát khỏi khổ đau khi đã triệt ngộ về Lý. Theo nhà Phật, Dục là một trong những nguyên nhân chính dẫn con người đến con đường khổ đau. Dục là ham muốn, thuộc về Tham trong Tam độc (Tham, Sân, Si). Có rất nhiều loại Dục, nhưng nhà Phật chia ra thành năm thứ chính (Ngũ dục) bao gồm: Tài dục (ham muốn tiền tài), Sắc dục (ham muốn sắc đẹp), Danh dục (ham muốn danh lợi), Thực dục (ham muốn ăn ngon, ăn nhiều), Thụy dục (ham muốn ngủ nhiều). Trong năm thứ này, Sắc dục là thứ dễ làm mê lòng người nhất, khiến người tu đạo khó vượt qua nhất. Người xưa từng nói: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, Sắc bất ba đào dị nịch nhân. (Mưa không bao vây mà vẫn giữ được khách, Sắc chẳng phải là sóng gió mà dễ đắm lòng người). Trong Kinh Trung A Hàm, Đức Phật dạy: “Ma Ha Nam, ta biết là dục không có lạc mà chỉ vô lượng khổ hoạn. Biết như thật rồi, Ma Ha Nam, ta không bị dục phủ kín, cũng không bị pháp ác quấn chặt, vì vậy đạt được xả lạc, vô thượng tịch tĩnh”(7). Trong Kinh Tứ thập nhị chương, Đức Phật chỉ ra hậu quả của sự đắm nhiễm ái dục: “Chính ái dục làm cho con người bị ngu thế vậy”(8). Trong Kinh Viên giác, Đức Phật nhấn mạnh, Ái và Dục là gốc rễ của sinh tử luân hồi: “Các ông nên biết, gốc rễ của sinh tử luân hồi là Ái và Dục vậy. Vì có dục cho nên mới sinh ra ái luyến, do luyến ái nên mới sinh tử, tử sinh nối luân không dứt”(9). Vì nhận ra nguồn gốc của khổ đau là Ái và Dục cho nên: “Chúng sinh nào muốn thoát ly sinh tử luân hồi, thì trước phải đoạn trừ các tham dục và tâm luyến ái”(10). Khi người học đạo hỏi thế nào là Lý và Dục? Hải Lượng Ngô Thì Nhậm trả lời: “Lý giống như lý lẽ của cây có đốt. Dục như nước muốn chảy xuống, như lửa nóng bốc lên”(11). Xưa nay, khi đề cập đến Lý, nhà Phật thường luận về thể tính và phương pháp tu tập nhằm giác ngộ lý tính; đề cập đến Dục là chỉ ra nguồn gốc và phương pháp đoạn diệt tham dục. Đức Phật từng dạy: “Những người xuất gia phải cắt đứt dục vọng, xả bỏ ái dục, nhận biết nguồn tâm, hiểu thấu giáo lý Phật, tỏ ngộ pháp vô vi”(12). Còn Hải Lượng Ngô Thì Nhậm góp phần làm rõ về Lý, Dục bằng cách chỉ ra hình thức, đặc tính và quá trình biểu hiện của hai phạm trù này hết sức hàm súc. Theo ông, bản năng (thuộc về Dục) của con người là một trong những dấu ấn của Nghiệp và nó hoạt động có quy luật, nếu không hiểu thì rất khó chuyển hóa. Người tu học một khi thấu rõ được quy luật của nó thì sẽ tìm ra phương pháp đối trị hợp lý. Ông đã chỉ ra quy luật của Dục: “Dục như nước chảy xuống, như lửa bốc lên”; và đưa ra phương thức đối trị với Dục: “Không cắt đứt thì đứt, muốn cắt đứt thì lại không đứt. Nước chảy cuồn cuộn, chảy đi thì cạn. Dập lửa lốm đốm, dập thì bùng lên”(13). Trả lời câu hỏi “Thế nào là Lý?” không khác gì tìm hiểu các công án “Phật là gì?” hay “Thế nào là đạo?” trong Phật giáo Thiền tông, chẳng hạn như công án của Thiền sư Vân Môn: “Hỏi: Phật là gì? Đáp: Que cứt khô”(14). Người nào chấp vào ngữ nghĩa thì không bao giờ đạt được Lý của thiền sư. Câu trả lời này không chuyên chở một ý nghĩa nào hết, mà nhằm dồn ép người học vào tuyệt lộ của tư duy lôgic, có công năng đập nát màn vô minh, khai thông trí tuệ, đưa người học vào thẳng thực tại của tuệ giác, không thông qua cánh cửa suy luận. Nói theo ngôn ngữ nhà Thiền là “đương cơ trực ngộ”. Nhưng theo thiển kiến của chúng tôi, cách thức này chỉ phù hợp với những bậc thượng căn, thượng trí, còn đại đa số là không thích hợp và không hiệu quả. Khoảng trống này được Hải Lượng Ngô Thì Nhậm san lấp qua phương thức giảng giải, gợi mở với những hình ảnh và ý tưởng đầy sáng tạo. Cách giảng giải về “Lý” của ông trong chương Không thanh cho thấy rõ điểm này. Hải Lượng Ngô Thì Nhậm nói “Lý giống như lý lẽ của cây có đốt”, tức là chỉ ra quy luật của tự nhiên. Đốt cây thể hiện ra bên ngoài cho chúng ta nhìn thấy được đương nhiên là do sự vận hành, sinh trưởng và phát triển ở bên trong. Nghĩa là nó có thứ tự đầu đuôi; có trong, có ngoài; có cái thấy được và có cái không thấy được. Ông nói tiếp “Lý không thể nào theo hết được”, là muốn cho người nghe thấy được Lý có tương đối và tuyệt đối. Nếu muốn xiển dương cái Lý tuyệt đối, ông đã không ngồi thuyết pháp và giải thích cho người học. Bởi vì, ngôn ngữ thông thường không thể diễn đạt được cái Lý tuyệt đối. Các vị thiền sư hay dùng những phương pháp đạc biệt, kể cả dùng Thiền ngữ dồn thúc đệ tử vào đường cùng của tư duy lôgic, giúp họ bừng vỡ chân lý tuyệt đối, ngộ được chân tâm, Phật tính. Trong khi đó, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm từ từ dẫn dắt người học vào con đường tu nhân đạo, tu tâm dưỡng tính, nên mới nói cái Lý tương đối. Khi ông giảng “Lý không thể nào theo hết được” là nói cái Lý tương đối, các vị tăng sĩ ngồi quay lưng vào án thư, thầy khẽ thở ra và co một chân lại. Ông lại gợi cho người học nhận ra rằng co, duỗi; thở ra, hít vào; nói năng hay im lặng cũng đều không ngoài cái Lý. Lý có giống và khác được Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở diễn đạt bằng hai câu thơ đầy hình tượng và sinh động: “Vạn thủy giai đông nhược thủy tây, Cúc hoa bất dữ bách hoa tề”(15). (Tất cả các con sông đều chảy về Đông, riêng nhược thủy chảy về Tây. Hoa cúc không nở cùng lúc với trăm hoa). Nước của các dòng sông luôn chảy xuôi về hướng Đông, nhưng nhược thuỷ lại chảy ngược về hướng Tây. Tây Phương là cõi Phật, đất Thánh, chỉ có nước hoàn toàn thanh khiết mới chảy ngược dòng. ở đây, nhược thủy chỉ cho người tu hành thanh tịnh, tâm không ngũ dục làm cho mê mờ, đắm nhiễm. Cũng như trăm hoa đua nở vào mùa Xuân tiết trời trong lành, ấm áp, mùa Đông sương gió rét lạnh thì trăm hoa héo tàn, chỉ có hoa cúc mớ ... lý của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần. Trong phần Thanh chú, Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở đã làm sáng tỏ thêm cái “Lý tự tại” của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm: “Thầy ta xử thế bằng đạo Nho, xuất thế bằng đạo Thiền, há phải biện luận quá làm cho người đời kinh hãi. Vì rằng thầy ta ung dung trong cái Lý ấy, rồi vượt ra ngoài cái Lý ấy. Chỉ có thầy ta mới thấy được cái đúng, nên nói ra được gãy gọn”(22). Có thể thấy cái mới của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm trong việc giảng giải Phật lý qua sự so sánh của Hải Hòa Nguyễn Đăng Sở: “Xưa kia, Đức Bản sư nhón tay cầm hoa giơ lên, chỉ có Ca Diếp mỉm cười, đó là khế cơ lĩnh hội được ý chỉ, không đợi truyền thụ bằng lời. Nay chân không chẳng còn chướng ngại, Phật thuyết pháp với đồ đệ phải lộ ra chút thần sắc, phát ra thành lời. Chúng nhân công hành chưa sâu, ma chướng còn nặng, mới vừa nghe thầy nói mà đến nỗi ngồi quay lưng vào án thư. Nếu không cố sức nói thì làm sao lĩnh hội được? Cho nên đặt ra vấn đề vấn đáp để biện minh nghi hoặc với chúng nhân, đó cũng là một điều khổ tâm của đức từ bi”(23). Trong chương Định thanh, phần Thanh dẫn, Hải Huyền Ngô Thì Hoàng có nhận xét rất đáng lưu ý: “Giáo lý nhà Phật chưa sáng rõ, nên làm cho người đời báng bổ xằng bậy, chỉ biết nhìn vào hình thức thô sơ của cái đó (bắt cá), cái dò (bắt thỏ), vì vậy mà bàn luận rối mù, không có một chuẩn mực nào cả”(24). Xưa nay, chỉ nghe nhà Nho nói đến khái niệm Nho quân tử và Nho tiểu nhân, chưa từng nghe nhà Phật bàn về quân tử và tiểu nhân. Bởi vì, chủ trương Trung đạo của nhà Phật cho rằng, đi vào hướng phân tích nhị nguyên, đối đãi thì càng xa rời tự tính thanh tịnh, không có lợi cho con đường tu hành giải thoát. Hải Lượng Ngô Thì Nhậm mạnh dạn đưa ra cách giải thích mới về Thích quân tử và Thích tiểu nhân trong sự đối sánh với khái niệm Nho gia: “Nho thì có Nho quân tử, Nho tiểu nhân; Thích thì có Thích quân tử, Thích tiểu nhân. Nho quân tử thì vị kỷ, Nho tiểu nhân thì vị nhân. Thích quân tử thì vị nhân, Thích tiểu nhân thì vị kỷ. Nhà Nho bàn về chữ Kỷ và chữ Nhân là nhìn nhận về mặt tâm tính. Thích quân tử xả Kỷ để cứu vớt người. Thích tiểu nhân dọa người để nuôi mình. Đứng về mặt Lý và Dục mà phân chia, thì chữ Nhân và chữ Kỷ của đàng này (Phật) so với chữ Nhân và chữ Kỷ đàng kia (Nho) công phu tác dụng tuy không giống nhau nhưng quy kết lại về tâm tính, thì chỉ một mà thôi. Vì vậy cho nên nhà Nho nói Chính tâm, nói Thành tính; nhà Phật nói Minh tâm, nói Kiến tính đều là nói: Đạo người quân tử rộng khắp mà kín đáo”(25). Đứng về mặt Lý (tức là mặt tu tâm) mà xét, thì vị kỷ (vì mình) mới là quân tử, còn vị nhân (vì người) là tiểu nhân. Nhưng từ góc độ Dục (ham muốn) mà nhìn, thì vị kỷ là tiểu nhân, còn vị nhân là quân tử. Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều mình không muốn thì đừng thi hành cho người khác). Thiền sư Quy Sơn Đại Viên nhấn mạnh bổn phận của người xuất gia tu theo Phật: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức”(26) (Bản thân mình gắng công tu tập. Với người ngoài thì không tranh hơn thua). Thấu rõ điểm này mới thấy sự trải nghiệm sâu sắc và cách giải thích chí lý của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm. Xu hướng thực tiễn hóa lý luận Phật giáo là xu hướng chính trong cách giảng giải cho đồ đệ của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm. Khi học trò hỏi những vấn đề liên quan đến các khái niệm Tưởng, Phi tưởng, Phi phi tưởng, ông lấy cớ bản thân mình chưa đạt đến Phi phi tưởng để giảng tiếp vấn đề tu thân trong mức độ Nhân thừa. Nhà Phật chia cảnh giới tu hành ra năm cấp (Ngũ thừa) gồm: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Bồ tát thừa và Phật thừa. Nhân thừa là thấp nhất, bàn về cách thức tu tập trong cõi người, ví dụ như muốn làm người tốt phải giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nói đến Phi phi tưởng là luận đến những vấn đề ngoài Nhân thừa. Khi học trò hỏi đến chuyện người chết thì làm dê, dê chết thì làm người, ông viện dẫn sách Nho giáo để làm sáng tỏ: “Nho nói: Thấy lợn đội bùn, chở ma một xe thì nhà ngươi cho đó là ma thật, lợn thật hay sao? Mắt vốn sáng mà hoa, tai vốn tỏ mà ù, mắt hoa thì không có bóng, tai ù thì không có vang”, rồi khẳng định: “Người là người, ma là ma, súc sinh là súc sinh”(27). Rõ ràng, không phải Hải Lượng Ngô Thì Nhậm không hiểu về luân hồi, nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật, mà ông muốn đơn giản hoá những vấn đề dễ gây hiểu nhầm và khó giải thích tường tận bằng cách thức thông thường. Đây cũng là một vấn đề đáng lưu ý của các pháp sư Phật giáo trong nhiều thế hệ. Trong chương Hưởng thanh, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm không đồng tình với những việc quái dị, làm mê hoặc quần chúng: “Nước Nam cao tăng rất nhiều, danh Nho cũng rất nhiều. Nhưng các cao tăng thích làm những chuyện quái dị bí hiểm như Không Lộ, Đại Điên, Đạo Hạnh, Vạn Hạnh, pháp thuật rất cao, nay còn truyền lại những việc như vết sét đánh ở cây gạo, dấu chân in ở trên đỉnh hang Sài Sơn đều do các sư tự làm ra... Những việc như thế các bậc chân tu không làm. Chân tu như Trúc Lâm tam tổ chưa hề làm điều gì quái gở truyền lại đời sau”(28). Luân hồi là một phần quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Thuyết luân hồi của nhà Phật chủ yếu đề cập đến việc chúng sinh sau khi chết, tuỳ theo hành nghiệp thiện hay ác của chính bản thân họ mà sau này sẽ tái sinh vào cõi tốt hay xấu. Nghiệp (hành động tạo tác) là nhân tố quyết định sự tốt hay xấu của cuộc sống sau khi tái sinh. Nhà Phật cho rằng, chúng sinh do si mê, từ Thân - Khẩu - Ý tạo ra nhiều nghiệp ác, nên theo luật nhân quả phải luân hồi trong các đường xấu ác, chịu khổ, không bút mực nào tả xiết. Chỉ có tu hành theo con đường giác ngộ của Phật, chấm dứt tất cả các việc làm ác, siêng làm tất cả các việc tốt, ngộ được bản tính, thấu rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng, mới thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt được an vui tịch diệt. Tức là thuyết Luân hồi nhà Phật chú trọng ở các khía cạnh liên quan đến các vấn đề nhân quả, nghiệp báo và tái sinh. Hải Lượng Ngô Thì Nhậm triển khai vấn đề này theo hướng thực tiễn: “Một năm có cái luân hồi của một năm, một tháng có cái luân hồi của một tháng, một ngày có cái luân hồi của một ngày. Vì Luân (bánh xe) cho nên Hồi (xoay tròn), cũng như nhà Nho nói tuần hoàn, vì Hoàn (cái vòng) cho nên Tuần (ven theo), không phải cái vòng thì không xoay”(29). Vấn đề thần thông biến hóa cũng được ông hiện thực hóa: “Bốn mùa không thay đổi, thì công dụng của năm không thể thành được, vạn vật không biến hóa thì phẩm loại không sinh sôi. Người biết đạo thì thông, người không biết đạo thì không thông. Kẻ nào thông thì sống, kẻ nào không thông thì chết. Vì vậy sống thuộc về thần, chết thuộc về hình”(30). Hải Lượng Ngô Thì Nhậm đã dùng sách Nho gia để giải thích thuyết Nhân quả của nhà Phật một cách rõ ràng, dễ hiểu: “Đây là chữ Quả trong Quả nhiên, như chữ Tất của nhà Nho trong Tất nhiên. Nhà Nho nói: Nhà nào tích thiện, tất có thừa phúc; nhà nào tích bất thiện tất có thừa ương. Quả có cái ấy, thì được cái ấy, đó tức là Quả. Thạc quả giống hệt với Công quả, Phúc quả. Vì vậy cho nên phúc không nên hưởng hết, công không nên kể hết, Quả không nên ăn hết”(31). Thế giới quan của nhà Phật được ông làm rõ qua nhận thức về quy luật khách quan chi phối sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ. Thấu suốt bản chất và quy luật của vạn hữu là điều kiện thiết yếu đưa con người đến tự do, an lạc và giải thoát. Người biết đạo là người thông suốt bản chất và các quy luật chi phối các pháp. Người không biết đạo là người không thông suốt bản chất và quy luật chi phối vạn vật, sẽ bị trôi lăn trong lục đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Nhân, Atula, Thiên) luân hồi, chịu khổ vô cùng. Trong chương Biểu lý thanh, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm bộc lộ quan điểm của mình về cách thức diễn giải giáo lý qua lời nhận xét về kinh điển Phật giáo Đại thừa như sau: “Cương yếu của đạo lý là ở Lăng già, Lăng già giảng chữ rất rạch ròi. Đại để Phật gia thích dùng chữ nghĩa sâu kín, không có sức hiểu biết sắc bén thì không hiểu được, mà đã hiểu được thì hiểu sâu sắc”(32). Ông cho rằng, tiến trình nhận thức cũng có quy luật: “Nếu không bắt đầu từ cái thô thì cái tinh của đạo lý không do đâu mà vào được”(33). Xưa nay, người đọc thông hiểu những bộ kinh điển Phật giáo Đại thừa và những bộ ngữ lục của các thiền sư thật không nhiều lắm, phải chăng là do nhà Phật thích dùng chữ sâu kín, làm cho nhiều người không hiểu được hoặc hiểu sai lệch, tác hại vô cùng. Ngay cả một danh sĩ như Bùi Dương Lịch cũng hiểu lầm tinh thần phá chấp của Phật giáo, nên trong thư Đáp lại lời biện thuyết về Phật và Lão của Ngô Thì Nhậm có đoạn: “Nhà Phật bảo giết mẹ, giết những người sư làm hại, tức là chỗ khắc phục, tôi thật không hiểu. Đặt lối giáo huấn để dạy người, thì tại sao lại dùng những lời mờ tối ấy. Nếu cần dùng những lời mờ tối thì tại sao lại dùng những câu ghê rợn như vậy? Tôi sợ đó không phải là những câu mà người con hiếu hay người nhân muốn nghe”(34). Đối với những người chấp trước vào văn tự, chữ nghĩa, không khỏi không có quan điểm như trên. Đây là bài học kinh nghiệm cho những người có trọng trách hoằng dương Phật pháp. Đóng góp của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm về cách giảng giải Phật lý qua tác phàm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được Bảo Chân Phan Huy Ích tán dương: “Ông anh vợ tôi là Hy Doãn Công, quan Thị trung Đại học sĩ, học thức cao rộng, hơn hẳn người thường. Kinh nghiệm đúc kết càng uyên thâm, sự nghiệp càng thêm tinh túy, Tam giáo cửu lưu, Bách gia chư tử không gì là không thâu tóm được đầy đủ, hợp với tấm lòng rộng lớn, đủ để điều khiển được muôn vật, nắm vững được Tam huyền. Bộ sách Hai mươi bốn thanh âm của ông soạn ra đã đem hết những chỗ mà lời lẽ của nhà Phật còn lờ mờ huyền bí, chia cắt thành từng đoạn, thâu tóm, tập hợp thành đầu mối theo thứ tự từng tiết, cho nên những gì là tinh túy, uẩn súc đã được mở rộng ra, rồi đem công hành trên bản in để tỏ rõ cho rừng Thiền được biết”(35). 3. Tóm lại, có thể nói, một số phạm trù cơ bản trong giáo lý Phật giáo như: Lý, Dục, Luân hồi, Nhân quả, Thần thông, Tịch diệt, Phá chấp,... được Hải Lượng Ngô Thì Nhậm thực tiễn hoá, đơn giản hóa một cách rạch ròi, khúc chiết, làm cho người học dễ dàng nắm bắt được đường hướng và tông chỉ tu tập. Đây là nhận thức mới, lý giải mới của ông về Phật, về Thiền. Ông vận dụng nhuần nhuyễn và khéo léo những tri thức Nho học vào việc giảng giải một cách dễ hiểu những phạm trù uyên áo của nhà Phật. Để ứng dụng tư tưởng nhà Phật vào trong đời sống, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay một cách hữu hiệu, thì những nhận thức mới và lý giải mới của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm là bài học mà những ai quan tâm đến tiền đồ của Phật giáo cũng đều phải suy nghĩ./. CHÚ THÍCH Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luân, tập I-II-III, Nxb. Văn học, Ha Nội: 538. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I-II-III, sách đã dẫn: 603. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Te Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông: 557. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 263. Lê Mạnh Thát (2006), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh: 291. Thích Minh Cảnh chủ biên (2009), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh: 2416. Tuệ Sỹ dịch và chú, Kinh Trung A Hàm, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh: 216. Hòa thượng Tuyên Hóa (1999), Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh, Ban Phiên dịch Việt ngữ, Tổng hội Phật giáo Pháp giới, CA xuất bản: 67. Thích Thiện Hoa phiên dịch và lược giải (1993), Kinh Viên giác, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành: 75. Thích Thiện Hoa phiên dịch và lược giải (1993), Kinh Viên giác, sách đã dẫn: 77. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 125. Hoà thượng Tuyên Hoá (1999), Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh, sách đã dẫn: 63. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 144. Trần Tuấn Man dịch và chú (1995), Vô môn quan, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: 71. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 125. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội: 145. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 126. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, sách đã dẫn: 131-132. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, sách đã dẫn: 235. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, sách đã dẫn: 236. Trí Quang dịch (1993), Luật Sa di và Sa di ni (Quy Sơn cảnh sách), tập 3: 1006. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: 193. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, sách đã dẫn: 373. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội: 217. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, sách đã dẫn: 217. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, sách đã dẫn: 221. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, sách đã dẫn: 193. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, sách đã dẫn: 193. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, sách đã dẫn: 134. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 37-38. TÀI LIỆU THAM KHẢO Thích Minh Cảnh chủ biên (2009), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Lâm Giang chủ biên (2006), Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Thích Thiện Hoa phiên dịch và lược giải (1993), Kinh Viên giác, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Hòa thượng Tuyên Hóa (1999), Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh, Ban Phiên dịch Việt ngữ, Tổng hội Phật giáo Pháp giới, CA xuất bản. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luân, tập I-II-III, Nxb. Văn học, Hà Nội. Mai Quốc Liên chủ biên (2002), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, Nxb. Văn học, Hà Nội. Trần Tuấn Man dịch và chú (1995), Vô môn quan, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Trí Quang dịch (1993), Luật Sa di và Sa di ni (Quy Sơn cảnh sách), tập 3. Tuệ Sỹ dịch và chú, Kinh Trung A Hàm, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. Lê Mạnh Thát (2006), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Te Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông. NEW PERSPECTIVES ON BUDDHISM OF HẢI LƯỢNG NGÔ THÌ NHẢM THROUGH THE TRÚC LẤM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH The Đại Việt Buddhism with Trúc Lâm Yên Tử Dhyana school was only a Siddhanta Buddhism in Tran Dysnasy. It brought a deep tradition of the Vietnamese, especially synthesized the Vietnamese fusion three ideologies among Buddhism, Confucianism and Taoism. According to the Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, Ngô Thì Nhậm and his brethren preached the religious syncretism and the Vietnamese fusion of Trúc Lâm Yên Tử dhyana school at the end of the 18th century. This work has been researched from many different issues. This article would clarify a new perspectives of Ngô Thì Nhâm through the Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh. Key words: Ngô Thì Nhậm, Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, Trúc Lâm Yên Tử Dhyana school, the Đại Việt Buddhism.
File đính kèm:
- nhan_thuc_moi_ve_phat_giao_cua_hai_luong_ngo_thi_nham_qua_ta.doc