Nguyên nhân xuất hiện của Islamism hiện nay

Tóm tắt: Một sự vật, hiện tượng xuất hiện do nhiều nguyên nhân

khách quan và chủ quan khác nhau. Sự xuất hiện của Islamism

(chủ nghĩa Islam giáo) trên thế giới thời gian gần đây cũng không

phải là một ngoại lệ. Cho đến nay, có rất nhiều cách giải thích

khác nhau về sự xuất hiện của Islamism nói chung, Islam giáo

chính thống và Islam giáo cực đoan nói riêng. Bài viết này tiếp

tục góp bàn thêm về nguyên nhân xuất hiện của Islamism hiện

nay trên cơ sở phân tích các điều kiện của đời sống xã hội liên

quan đến trào lưu này như kinh tế, chính trị, tôn giáo, triết học,

văn hóa, tư tưởng

pdf 13 trang phuongnguyen 2660
Bạn đang xem tài liệu "Nguyên nhân xuất hiện của Islamism hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Nguyên nhân xuất hiện của Islamism hiện nay

Nguyên nhân xuất hiện của Islamism hiện nay
16 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
LƯƠNG THỊ THU HƯỜNG* 
NGUYÊN NHÂN XUẤT HIỆN CỦA ISLAMISM HIỆN NAY 
Tóm tắt: Một sự vật, hiện tượng xuất hiện do nhiều nguyên nhân 
khách quan và chủ quan khác nhau. Sự xuất hiện của Islamism 
(chủ nghĩa Islam giáo) trên thế giới thời gian gần đây cũng không 
phải là một ngoại lệ. Cho đến nay, có rất nhiều cách giải thích 
khác nhau về sự xuất hiện của Islamism nói chung, Islam giáo 
chính thống và Islam giáo cực đoan nói riêng. Bài viết này tiếp 
tục góp bàn thêm về nguyên nhân xuất hiện của Islamism hiện 
nay trên cơ sở phân tích các điều kiện của đời sống xã hội liên 
quan đến trào lưu này như kinh tế, chính trị, tôn giáo, triết học, 
văn hóa, tư tưởng. 
Từ khóa: Islamism, Islam giáo chính thống, Islam giáo cực đoan. 
1. Dẫn nhập 
Islam giáo tuy xuất hiện muộn, nhưng lại phát triển nhanh và trở thành 
một trong những tôn giáo có ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới hiện nay. 
Thế giới hiện có khoảng hơn một tỉ người theo Islam giáo. Điều đáng 
quan tâm là Islam giáo tỏ ra khó hội nhập vào đời sống nhân loại hơn so 
với những tôn giáo lớn khác, mà biểu hiện cụ thể là phản ứng bài ngoại 
và làn sóng cực đoan của một số nhóm tín đồ. Có nhiều cách lý giải khác 
nhau, thậm chí trái ngược nhau, về động thái nói trên của Islam giáo. 
Trong khi những cuộc tranh luận học thuật còn đang tiếp tục, thì về 
mặt thực tiễn, thế giới Islam đang trỗi dậy và trở thành điểm nóng trong 
đời sống chính trị - xã hội quốc tế hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc tiếp 
tục lý giải sự xuất hiện Islam giáo chính thống và Islam giáo cực đoan 
hiện nay, từ đó chỉ ra hai trào lưu này không thể đại diện cho nền văn 
minh Islam giáo là một việc làm cần thiết. 
Có quan điểm cho rằng, Islamism hình thành từ lịch sử truyền bá của 
Islam giáo, nhất là giai đoạn đầu. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt 
động cưỡng bức bằng chiến tranh với khuyến khích vật chất và sức ép về 
*
 TS., Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội. 
Lương Thị Thu Hường. Nguyên nhân sự xuất hiện 17 
17 
tâm lý, giữa sự truyền bá dai dẳng với sự suy tàn của các hình thức tôn 
giáo địa phương, sự trùng hợp giữa quyền lợi của giai cấp thống trị với kẻ 
xâm lược1. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, Islamism là hệ quả 
của thời kỳ thống trị của thực dân Phương Tây và việc Islam giáo phải 
đối mặt với hiện đại hóa và thế tục hóa trong xu thế toàn cầu hóa. 
Không thể phủ nhận, Islamism là trào lưu hiện thực. Vì vậy, nó tất 
phải nảy mầm từ mảnh đất của đời sống xã hội, bao gồm các yếu tố kinh 
tế, chính trị, triết học, tôn giáo, văn hóa, tư tưởng. Do vậy, động cơ thúc 
đẩy sự xuất hiện của Islamism hiện nay sẽ không nằm ngoài những điều 
kiện này. 
2. Một số nguyên nhân cơ bản của sự xuất hiện Islamism hiện nay 
2.1. Nguyên nhân kinh tế và chính trị 
2.1.1. Nguyên nhân đầu tiên xuất hiện Islamism là do đói nghèo và lạc 
hậu. Bởi vì, trong một thời gian dài, các đế quốc Phương Tây đã xâm 
lược và bóc lột các nước Islam giáo, khiến các quốc gia này rơi vào tình 
trạng kiệt quệ và bần cùng. 
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự tan rã của Đế chế Ottoman, sự 
bành trướng của thực dân Phương Tây lên các quốc gia Islam giáo, đã 
khiến thế giới Islam giáo rơi vào khủng hoảng sâu sắc trên ba phương 
diện cơ bản: Một là, việc mất địa vị thống trị của Islam giáo trước sức 
mạnh của Nga và Phương Tây. Hai là, sự phá hoại uy quyền của Islam 
giáo trong chính đất nước của họ, thông qua cuộc xâm lược của các hệ tư 
tưởng ngoại bang kết hợp với việc truyền bá lối sống không phù hợp với 
văn hóa Islam giáo bản địa. Ba là, sự thách thức vị thế làm chủ của Islam 
giáo trên chính mảnh đất của Allah. 
Trong bối cảnh này, Islamism nổi lên như một liều thuốc kháng thể 
với Phương Tây và là một động lực quan trọng cho công cuộc đấu tranh 
giành độc lập dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân. Như vậy, ở thời kỳ 
đầu, Islamism không chỉ là công cụ để giải phóng dân tộc, mà còn là 
phương cách để khẳng định bản sắc Islam giáo và chống lại cường quyền 
áp đặt từ Phương Tây. 
Những năm gần đây, tham vọng bá chủ thế giới của Hoa Kỳ là một 
trong những nhân tố dẫn đến việc gia tăng Islamism. Lo sợ Islam giáo sẽ 
tiếm quyền Phương Tây như tôn giáo này đã làm trong thời kỳ Trung cổ, 
Hoa Kỳ đã ngăn chặn điều đó bằng mọi cách có thể. 
18 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
John Perkins, một chuyên gia tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ đã thú 
nhận, toàn cầu hóa dường như đem lại thời cơ cho Hoa Kỳ thực hiện giấc 
mộng bá vương và đi kèm là những thủ đoạn tinh vi nhất đã được sử 
dụng với thế giới Islam giáo2. 
Khu vực Trung Đông là một trong những tâm điểm chú ý của Hoa Kỳ 
với hai lý do: Thứ nhất, đây là nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. 
Thứ hai, trong những thập niên đầu thế kỷ XX, sự hồi sinh của Islam giáo 
khiến Hoa Kỳ lo sợ vị trí thống trị thế giới của mình bị đe dọa. Vì thế, 
dưới chiêu bài hỗ trợ các nước thứ ba về kinh tế, khoa học, công nghệ và 
cho vay những khoản ưu đãi khổng lồ vượt quá khả năng chi trả, Hoa Kỳ 
đã buộc các nước Islam giáo trở thành con nợ. 
Từ đây, quá trình xâm thực về văn hóa, nô dịch về chính trị, xói mòn 
về hệ tư tưởng bắt đầu. Cấu trúc xã hội các nước Islam giáo bị phá vỡ, 
kéo theo tình trạng xung đột nội bộ, chính quyền độc tài lên cầm quyền, 
tham nhũng và cực đoan khiến thế giới Islam giáo nổi loạn. Khi đó, Hoa 
Kỳ nhân danh nước lớn, bảo vệ công lý, dân chủ, nhân quyền, can thiệp 
thô bạo và có chủ đích đến các nước Islam giáo, khiến cho cực đoan và 
bạo lực ngày càng gia tăng. Cuối cùng, Hoa Kỳ sẽ là “ngư ông đắc lợi” 
trên bán đảo Ảrập và các nước Islam giáo. 
 Vì vậy, phản ứng của Islamism đối với Hoa Kỳ trong hai thập niên 
gần đây có thể lý giải được. Cho nên, có thể nói, trong sự kiện 11/9/2001, 
Hoa Kỳ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. 
2.1.2. Toàn cầu hóa dẫn đến sự xâm thực về chính trị và pháp lý Islam 
giáo bởi chính trị và pháp lý Phương Tây. Do vậy, cấu trúc tôn giáo đặc 
biệt của Islam giáo đã và đang đứng trước nguy cơ bị phân mảnh, đe dọa 
vai trò thống trị của tôn giáo này trên tất cả các lĩnh vực cơ bản của đời 
sống xã hội. 
Nguyên nhân này xuất phát từ thời thực dân Phương Tây đô hộ các 
nước Islam giáo. Hệ quả để lại cho các nước Islam giáo quá lớn. Các 
quốc gia này kiệt quệ về kinh tế, suy đồi về tinh thần, bản sắc cá nhân và 
xã hội bị tan biến. Nhưng trên hết, cấu trúc xã hội Islam giáo có nguy cơ 
bị phá vỡ. Những bất ổn về chính trị, gian lận, tham nhũng, bạo lực, độc 
tài,... đã được nhận diện rõ nét ở các quốc gia Trung Đông hôm nay. 
Pháp lý Shariah dần bị thay thế bởi pháp lý Phương Tây. Cấu trúc xã 
hội Islam giáo dần bị phá vỡ do chính những nhà cầm quyền được 
Lương Thị Thu Hường. Nguyên nhân sự xuất hiện 19 
19 
Phương Tây dựng lên. Đời sống tôn giáo và đời sống xã hội Islam giáo 
trước kia hòa làm một, thì giờ đây tôn giáo đang mất dần vị thế trong xã 
hội. Điều này diễn ra tương tự ở các nước Islam giáo bị đế quốc Phương 
Tây đô hộ. 
Thêm nữa, sự hiện diện của Liên Xô ở Afghanistan khiến hình ảnh 
quốc gia này không còn là nơi tin cậy cho người Islam giáo về một hình 
mẫu chủ nghĩa xã hội. Sự sa lầy của Liên Xô ở Afghanistan dẫn đến 
phong trào phản kháng của chủ nghĩa dân tộc Islam giáo. Thế lực hậu 
thuẫn đắc lực cho phong trào này không ai khác là Hoa Kỳ. Sự đối đầu 
giữa Liên Xô và Hoa Kỳ khiến Afghanistan rơi vào vòng xoáy của tham 
vọng quyền lực kinh tế và chính trị. Đến nay, Afghanistan trở thành bãi 
chiến trường với những bài toán về xã hội chưa có hồi kết. 
Ở Saudi Arabia, giới tinh hoa lãnh đạo và nhà đầu tư lại từ chối đứng 
lên chống đế quốc Mỹ. Sự yếu kém về kinh tế, sự bạc nhược về chính trị 
của giai cấp cầm quyền đã dẫn đến trạng thái đổ vỡ trong đời sống tinh 
thần của mỗi tín đồ Islam giáo. 
Đặc biệt, sự đầu tư của Hoa Kỳ về tiền bạc, vũ khí, huấn luyện kỹ 
thuật và chiến thuật cho quân nổi dậy Islam giáo ở Trung Đông (Saudi 
Arabia, Ai Cập, Algeria,) để chống lại sự bành trướng của Liên Xô và 
bảo vệ lợi ích của mình ở bán đảo Ảrập, vô hình trung đã trở thành con 
dao hai lưỡi. Ở giai đoạn đầu, liều thuốc tăng lực của Hoa Kỳ cho phe nổi 
dậy Islam giáo ở Afghanistan và các nước trong khu vực dường như có 
hiệu quả khi đẩy lùi được sự xâm chiếm của Liên Xô. Tuy nhiên, sau khi 
rút đi, sự chia rẽ nội bộ, sự suy thoái trên tất cả các lĩnh vực khiến cho 
quốc gia này không thể tìm ra lối thoát. 
Đó cũng chính là lý do thay vì căm ghét Liên Xô, những người 
Afghanistan trước kia mang ơn Hoa Kỳ, nay quay trở lại thù hận các chính 
sách và văn hóa Mỹ. Thật trớ trêu, con dao mà Hoa Kỳ trước đây đưa vào 
tay những người Islam giáo nổi dậy chống lại Liên Xô, thì ngày nay đang 
quay trở lại đâm thấu tim chủ nhân của nó. Bởi vì, sự thật là, Hoa Kỳ đã 
ngăn chặn tiến trình hòa bình ở Trung Đông trong suốt 20 năm qua. Người 
Mỹ là thủ lĩnh trong phe phủ quyết, không phải là người Ảrập hoặc bất kỳ 
người nào khác. Hoa Kỳ ủng hộ chính sách mà Henry Kissinger gọi là 
“không tiến không lui”3. Do đó, mọi động thái được xem là trò chơi chính trị 
ghê sợ nhất cũng được Hoa Kỳ sử dụng cho các quốc gia Islam giáo hôm 
nay như Iraq, Lybia, Ai Cập, Saudi Arabia, Lebanon, Palestine, Syria, 
20 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
Jordan, nhằm mục đích củng cố quyền lực của Hoa Kỳ4. 
Cho đến đầu thế kỷ XXI, Trung Đông vẫn là trung tâm của những khủng 
hoảng chính trị, xã hội và tôn giáo. Tất cả như bị dồn nén để tạo nên “Mùa 
xuân Ảrập”. Nhưng ngay sau đó, thế giới đang phải chứng kiến một “Mùa 
đông Ảrập”, với sự ảm đạm bao trùm lên mảnh đất của Nhà Tiên Tri, mà có 
lẽ phải rất lâu nữa, bình minh mới lại về trên bán đảo này. 
Trước tác động của toàn cầu hóa hiện nay, xu thế tất yếu của chính trị 
là thế quyền tách khỏi thần quyền, dân chủ và thế tục đối lập với bảo thủ 
và độc tài. Islamism đã chọn phản ứng thứ hai làm mục tiêu, đó là thần 
quyền, bảo thủ và cực đoan trong tư tưởng và hành động. Trong bối cảnh 
đó, Hoa Kỳ là nhân tố không thể thiếu vắng để tạo thêm sức mạnh cho 
con quái vật Frankenstein Islamism trỗi dậy. 
2.2. Nguyên nhân tôn giáo và triết học 
2.2.1. Cơ sở thần học của Islamism bắt nguồn từ lý luận về bản thể 
của vũ trụ và con người, trong đó Allah là tuyệt đối, tối cao, sáng tạo ra 
vũ trụ và con người. Vì vậy, các thuộc tính bản chất của thế giới và con 
người là tiền định, không thay đổi, dù ở giai đoạn lịch sử hay hoàn cảnh 
chính trị nào. 
Điểm đầu tiên để phân biệt Islam giáo với Do Thái giáo và Kitô giáo 
là tính tuyệt đối không chia sẻ quyền lực của Allah. Điều này dẫn đến 
điểm thứ hai liên quan đến sự tồn tại của con người là tiền định hay tự do 
ý chí. 
Đây chính là vấn đề thần học được đặt ra nhiều nhất đối với Islam 
giáo. Nếu Allah sáng tạo ra và ban cho con người quyền năng thay Ngài 
cai quản mặt đất, thì ý chí tự do tuyệt đối - khát vọng ngàn đời của con 
người đã bị giới hạn. Con người không thể làm gì để chống lại ý chỉ của 
Allah. Muốn lên Thiên Đường, họ phải làm theo chỉ dụ đã được ban 
xuống, làm ngược lại, Hỏa Ngục đời đời sẽ chờ đón họ. Vì vậy, Allah 
định đặt mọi thứ trong cuộc sống hiện tại và tương lai của mỗi tín đồ 
Islam giáo. 
Mặc dù nhiều đoạn trong kinh Qur’an nói đến tự do của con người, 
nhưng nếu đặt nó trong toàn bộ hệ thống Thiên Kinh và nhất là đặt cạnh 
những danh xưng và chức năng của Allah, sẽ nhận thấy sự không đồng 
nhất trong mối quan hệ và vị trí của Allah và con người. 
Mâu thuẫn đầu tiên, nếu Allah là tuyệt đối, tối cao và không thể chia 
Lương Thị Thu Hường. Nguyên nhân sự xuất hiện 21 
21 
sẻ quyền năng sáng tạo cho bất cứ ai khác, thì con người và ý chí của họ 
chỉ là hữu hạn và sao chép lại những răn dạy của Allah. Chỉ có hai con 
đường cho con người lựa chọn: tự do trong khuôn khổ của Allah và mất 
tự do khi ra khỏi vòng cương tỏa đó. Con người không thể hoán vị quyền 
năng sáng tạo này, bởi vì Allah tồn tại với tư cách là “vật tự nó” (thuật 
ngữ của E. Kant). 
Mâu thuẫn thứ hai, con người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về 
những việc làm và cuộc sống của họ. Nhưng dù có tự chịu trách nhiệm đi 
chăng nữa, con người vẫn không thoát khỏi tấm lưới mà Allah đã giăng 
mắc khắp nơi. 
Điều này mâu thuẫn với lý tính tự do và sáng tạo của con người. Con 
người sáng tạo ra tôn giáo, tạo nên các nền văn minh, nhưng lại bị giam 
hãm trong chính nền văn minh, tôn giáo đó. Đây là nghịch lý của tư duy. 
Khi con người tin rằng, Thượng Đế là tối cao, không thể được sáng tạo 
bởi ai, thì con người lại nhận ra, chính nhờ ngôn từ của con người, Chúa 
được hiển lộ. 
Do đó, trong nhiều giải thích khác nhau về tính tuyệt đối của Allah, có 
ý kiến cho rằng, Thượng Đế tồn tại tự thân, tuyệt đối, còn những ngôn từ 
chẳng qua chỉ là phương tiện mà Thượng Đế muốn con người hiểu Ngài 
hơn. Vì vậy, với tôn giáo, đức tin là đủ. 
Để giải quyết mâu thuẫn trên, những nhà thần học lỗi lạc của Islam 
giáo đã đi đến thống nhất đưa ra bốn nguồn tham chiếu (Fiqh5) để tạo nên 
luật Islam giáo. Bốn nguồn tham chiếu này đã phần nào giải quyết được 
hai mâu thuẫn nêu trên: mang lại tính tự nó cho Allah và sự linh hoạt, dân 
chủ cho người Muslim trong đời sống hiện thực. 
Tuy nhiên, Islam giáo là tôn giáo không có tổ chức thống nhất. Cho 
nên, khi xã hội Islam giáo rơi vào trạng thái khủng hoảng cuối thế kỷ 
XIX, đầu thế kỷ XX, thì việc kêu gọi sự thống nhất trong cộng đồng 
Ummah để đạt mục tiêu chung là điều không hề dễ dàng. 
Hơn nữa, theo luật Islam giáo, mỗi tín đồ có quyền tự diễn giải kinh 
Qur’an hoặc nghe theo bất kỳ giải thích nào được cho là đúng đắn. 
Islamism đã lợi dụng điều đó để giải thích sai lạc giáo lý Islam giáo. 
Đây chính là nguyên nhân dẫn tới trạng thái hỗn độn của đời sống Islam 
giáo, điều mà trước đây, các xã hội Islam giáo chưa bao giờ như vậy. 
Islamism đã không căn cứ vào bốn nguồn tham chiếu nêu trên mà lại 
22 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
chẻ chữ làm nên thứ Islam giáo bảo thủ và cực đoan ngày hôm nay. Điểm 
tham chiếu duy nhất của họ là giải thích kinh Qur’an bám chặt vào lời 
chỉ dạy của Allah mà không đặt chúng trong hoàn cảnh cụ thể. Hơn nữa, 
họ cũng chỉ trích dẫn những nội dung nào mà họ muốn hoặc liên quan 
đến động cơ của họ. Từ các nhà thần học Islam giáo đến học giả Muslim 
đều mắc phải lỗi diễn giải này. Đây là căn cứ thần học dẫn đến sự xuất 
hiện của Islamism. 
Như vậy, Islam giáo đã bị trục lợi để làm trụ đỡ cho những tham vọng 
đầy toan tính của Islamism. Điều này cũng cho thấy, Islamism không 
những được chỉ đạo bởi giáo lý và giáo luật của Islam giáo, mà còn bị lợi 
dụng cho mục đích chính trị. Bởi vì, nếu không có trụ đỡ tôn giáo như 
vậy, những âm mưu và thủ đoạn của Islamism trong hiện thực sẽ không 
thể có cơ hội tung tác. 
2.2.2. Sự xuất hiện của Islamism là kết quả của sự lo sợ về căn tính 
Islam giáo (Islamic Identity) sẽ bị mai một, hay bị lai ghép bởi một văn 
hóa, tôn giáo khác6. Vì vậy, Islamism muốn trở về với những nguyên tắc 
căn bản truyền thống của Islam giáo như một sự kháng cự với hiện đại 
hóa và thế tục hóa. 
Nguồn gốc triết học của Islamism chủ yếu là kết quả của nỗ lực có ý 
thức làm hồi sinh và khẳng định lại giá trị lý thuyết Islam giáo trong thế 
giới hiện đại, thể hiện trong các tác phẩm của ba nhà tư tưởng Islamism 
thế kỷ XX gồm: Sayyid Qutb, Ayatollah Ruhollah al - Khomeini và Abu 
al - Maududi. Trong đó, Sayyid Qutb là người cung cấp một cách mạch 
lạc lý thuyết chính trị của Islamism như một hệ thống triết học. 
Theo đó, ngay từ buổi bình minh của lịch sử loài người đã là một chiến 
trường giữa niềm tin và không niềm tin, giữa đúng và sai, giữa niềm tin tôn 
giáo và tôn thờ ngẫu tượng. Vì thế, tất cả hệ thống tư tưởng khác với Islam 
giáo đều là ngoại giáo (Jahiliyya). Theo Sayyid Qutb, ngoại giáo được coi 
là bất cứ nơi nào trái tim của ai đó không có một học thuyết thần linh chi 
phối suy nghĩ và để pháp luật quy định cuộc sống của họ. 
Sayyid Qutb cho rằng, cộng đồng Islam giáo đã bị tuyệt chủng trong 
vài thế kỷ trở lại đây và đang trở lại tình trạng như thời kỳ tiền Islam 
giáo, nghĩa là xã hội không có chỉ dẫn của Thiên Chúa. Bởi vì, những 
người tự gọi mình là Islam giáo không thực hiện luật của Thiên Chúa 
cũng như luật Shariah7. Shariah không chỉ là một bộ luật của tôn giáo, mà 
Lương Thị Thu Hường. Nguyên nhân sự xuất hiện 23 
23 
còn là phương cách sống để trình trước Thiên Chúa. Là luật của Thiên 
Chúa, vì vậy Shariah sẽ được coi như quy luật tự nhiên, đem lại sự hài 
hòa cho cuộc sống của con người và nhân loại. 
Theo trào lưu Islam giáo chính thống, bản chất tự nhiên của con người 
là tôn giáo, vô thần là một lầm lạc. Vì vậy, trong lịch sử xã hội loài người 
chỉ có hai phương pháp tổ chức cuộc sống: theo những tiết lộ của Thiên 
Chúa, vì Ngài là tuyệt đối, tối cao, vĩnh hằng, nguồn gốc của pháp luật; 
hoặc từ chối Thiên Chúa với địa vị Chúa Tể của vũ trụ, đó là kẻ ngoại 
đạo, hoặc chế độ độc tài, chủ nghĩa tư bản hay chính trị thần quyền. 
Cũng theo trào lưu Islam giáo chính thống, toàn bộ lịch sử nhân loại 
và đời sống con người là sự tuân theo ý muốn Thiên Chúa. Các xã hội 
Islam giáo hiện nay rơi vào tình trạng hỗn loạn như thời kỳ tiền Islam 
giáo phải chăng do làm sai ý chỉ của Thiên Chúa? Phải chăng những 
người mà Islam giáo cho là ngoại đạo kia đang làm nhơ bẩn vùng đất linh 
thiêng của Thiên Chúa đặc ân cho con cháu của Ngài? 
Do vậy, theo Sayyid Qutb, những ai và những gì không theo Islam 
giáo sẽ chỉ là Jahiliyya, là tội lỗi và thối nát và sự tồn tại của nó ở bất cứ 
nơi nào cũng không thể chấp nhận được, dù là một nửa Islam giáo, một 
nửa Jahiliyya8. Theo tinh thần đó, ông tuyên bố: sự pha trộn và cùng tồn 
tại của sự thật và dối trá là không thể; và sẽ không bao giờ thay đổi giá trị 
và các khái niệm, dù là nhiều hay ít9. 
Sayyid Qutb cho rằng, Jihad không chỉ đơn thuần dùng để tự vệ, mà 
còn phải được dùng để tấn công với mục tiêu là Islam giáo phải đến với 
toàn thể nhân loại. 
Với tác phẩm Ma’alim fi al-Tariq (Những chặng đường), Sayyid Qutb 
đã tạo nên một sự hồi sinh Islam giáo mạnh mẽ. Rất nhiều người Islam 
giáo ca ngợi ông là nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Islam giáo hiện đại; so 
sánh ông với chính trị gia và triết gia John Locke. Tuy nhiên, Ma’alim fi 
al-Tariq cũng bị chỉ trích bởi người Islam giáo và cả không theo Islam 
giáo, rằng nó đưa lại xung đột nội bộ Islam giáo và là nguồn gốc của chủ 
nghĩa khủng bố Islam giáo trong những năm gần đây. 
Bởi vì, khi cho rằng bản chất con người là tôn giáo (ở đây là Islam 
giáo), Sayyid Qutb đã vô tình phủ nhận những thuộc tính khác của con 
người, hoặc đem gộp lại trong một thuộc tính tôn giáo. Con người của 
ông và của tôn giáo khác cũng như Islam giáo là con người không chỉ 
24 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
thuộc về Thượng Đế, mà còn là sản phẩm của thời đại, của lịch sử và của 
các quan hệ xã hội khác. 
Thứ nữa, khi khẳng định Allah là tuyệt đối, nằm ngoài hiểu biết của 
con người, là nguồn gốc của mọi sáng tạo, con người chỉ có thể hoặc thừa 
nhận, hoặc phủ nhận Allah. Điều này cũng có nghĩa phủ nhận mọi quyền 
tự do và quyền được lựa chọn của con người. 
Có thể nói, thế giới Islam giáo nói chung, Islam giáo ở khu vực Trung 
Đông nói riêng khá phức tạp. Do không có tổ chức thống nhất, trong khi 
Islam giáo vừa là tôn giáo, vừa là toàn bộ phương cách sống của tín đồ, 
nên khi toàn cầu hóa gõ cửa, dường như mọi vấn đề căn bản của đời sống 
xã hội tôn giáo này được dịp bùng nổ. Vấn đề đặt ra ở đây là vẫn những lời 
răn dạy của Thiên Chúa, vẫn những “con đường” (luật Shariah) mà người 
Islam giáo từng đi mải miết hơn mười hai thế kỷ qua, tại sao giờ đây họ 
dường như bị Thiên Chúa bỏ rơi? Lỗi do họ đã đi xa so với giáo lý Islam 
giáo thời kỳ đầu của Nhà Tiên Tri Mohammad? Tại sao những gì trước kia 
thuộc về họ như phát triển về kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học, 
y học, giáo dục thì nay đã và đang làm cho họ liên tưởng đến thời kỳ 
hỗn loạn trên bán đảo Ảrập khi chưa có lá cờ Islam giáo dẫn đường. 
Phương Tây hôm nay đã bỏ họ lại đằng sau. Người Islam giáo phải trả lời 
câu hỏi gắn liền với số mệnh hàng nghìn năm của họ. 
Có một sự thật mà người Islam giáo chính thống phải đối mặt, đó là 
quy luật của sự phát triển sẽ đào thải những gì không còn tương thích. 
Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu. Xu thế này làm gia tăng sự va chạm 
trên các phương diện của đời sống cá thể lẫn cộng đồng xã hội. Thời gian 
càng dài, không gian càng rộng, càng chứng minh cho quy luật tương 
thích và đào thải của toàn cầu hóa là rõ nét. 
Sự giao thoa và hội nhập sẽ cuốn vào những gì tương thích và hất văng 
những vật cản trên trục quay của nó một cách không thương tiếc. Do đó, 
theo thời gian, như các nền văn minh và các trào lưu tôn giáo khác, 
Islamism sẽ phải chịu sự tác động của quy luật tương thích và đào thải. 
Tóm lại, toàn cầu hóa là một trong những chất xúc tác góp phần đẩy 
mâu thuẫn trong lòng thế giới Islam giáo đến giới hạn tột cùng. Trong 
quá trình va đập ấy, sự ra đời của Islamism được xem như là một giải 
pháp chính trị - tôn giáo cho một bộ phận tín đồ tôn giáo này. Thêm nữa, 
nhóm phái Islam giáo nào cũng muốn nắm giữ quyền thống trị chính trị 
Lương Thị Thu Hường. Nguyên nhân sự xuất hiện 25 
25 
và tinh thần Islam giáo. Điều này đã dẫn đến sự chia rẽ tộc người và tôn 
giáo trong xã hội Islam giáo. Do đó, kết hợp với nguyên nhân thần học, 
dễ hiểu tại sao Islamism có mục tiêu chính trị nhưng lại gắn chặt với tôn 
giáo đến thế. 
2.3. Nguyên nhân văn hóa và tư tưởng 
Islamism xuất hiện không chỉ là động lực trong công cuộc giải phóng 
dân tộc, mà còn nhằm giữ lại những “tinh truyền” của Islam giáo, góp 
phần phục hưng một số truyền thống của tôn giáo này đang có nguy cơ bị 
mai một. 
Một trong những nguyên nhân khiến cho cấu trúc tôn giáo Islam giáo 
đứng trước nhiều thách thức là toàn cầu hóa. Nghịch lý của toàn cầu hóa 
khiến cho cấu trúc tôn giáo - xã hội Islam giáo bị phân tách giữa phát 
triển kinh tế xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa. Dưới sự tác động của hiện 
đại hóa và thế tục hóa, các tôn giáo đều gặp phải mâu thuẫn và xung đột 
giữa truyền thống và hiện đại, bảo thủ và cách tân. Giờ đây, toàn cầu hóa 
khiến mâu thuẫn và xung đột ấy trở nên sâu sắc hơn nhiều so với trước 
kia. Vì thế, Islam giáo không phải là nền văn minh duy nhất đứng trước 
nguy cơ này. 
Do vậy, sự xuất hiện của Islamism, nhất là trào lưu chính thống 
(Fundamentalism) được xem là sự phản ứng với văn hóa hiện đại, với 
mục tiêu là bảo vệ những nền tảng chân lý của Islam giáo. 
Thực chất, trào lưu chính thống có nguồn gốc trong Tin lành giáo ở 
thế kỷ XX. Trào lưu này ra đời do sự khủng hoảng của mô hình xã hội 
truyền thống. Do đó, họ mong muốn giữ gìn những “tinh truyền” mà con 
người đã sáng tạo ra. 
Song, về phương diện văn hóa, tư tưởng này lại mâu thuẫn với khát 
vọng sáng tạo lý tính con người. Một mặt, con người không thể chối bỏ 
được truyền thống. Mặt khác, con người luôn mong muốn hay buộc phải 
thúc đẩy tìm kiếm những chuẩn thức văn hóa mới. Các tôn giáo nói 
chung đều phải trải qua những xung đột tự thân như vậy để trưởng thành 
và xác lập vị thế. Tuy nhiên, với Islam giáo, sự thích nghi và đào thải trên 
phương diện văn hóa lại không diễn ra êm ả. 
Trong điều kiện toàn cầu hóa, người Muslim bảo thủ hoặc phải sống ở 
những nước nghèo đói, hoặc bị đẩy ra bên lề xã hội, hoặc khát vọng về 
thời kỳ vàng son trong quá khứ. Vì vậy, họ muốn khôi phục lại những 
26 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
nguyên lý của Islam giáo, với mong muốn tạo ra một xã hội thuần khiết 
Islam giáo, dù phải sử dụng bạo lực để đạt được điều đó. Đây là một 
nguyên nhân nữa dẫn đến sự ra đời của Islamism. 
Hơn nữa, sự truyền bá văn hóa Phương Tây với lối sống chạy theo các 
giá trị vật chất và nền chính trị thế tục đã và đang tác động mạnh mẽ đến 
đời sống của người Muslim. Đặc biệt, “lối sống Mỹ”, “giá trị Mỹ” đi 
ngược lại với giá trị Islam giáo và lời răn trong kinh Qur’an đang tác 
động mạnh mẽ và làm thay đổi đời sống xã hội Islam giáo. 
Những điều trên đã khiến cho nhiều người Islam giáo thất vọng đặt ra 
câu hỏi, phải chăng do đi sai đường mà Allah đã chỉ, nên bây giờ họ đang 
phải đứng ở ngã ba đường của sự phát triển? Với họ, mọi ánh hào quang 
của quá khứ đã vụt tắt, mọi sự kỳ vọng vào một chế độ cầm quyền trong 
sạch và bản lĩnh đã bị thất bại. Cảm giác chung của họ là dường như mọi 
thứ đang bị đảo lộn, thậm chí đi ngược lại với những “tiết lộ” của Allah. 
Islamism đã không bỏ lỡ cơ hội này để kêu gọi sự gia nhập của những 
người Muslim đang bất mãn với xã hội và mất hết niềm tin vào cuộc 
sống. Điều này cho thấy, việc phục hồi tinh thần dân tộc tất yếu dẫn đến 
tinh thần chính thống (Fundamental). 
Như vậy, cảm giác đổ vỡ, thất vọng của người Muslim được thay thế 
bằng hy vọng, trở về với nguyên thủy Islam giáo. Nếu làm như vậy, họ 
hy vọng sẽ lại được Allah thương yêu mà tha thứ, che chở, trở lại như 
thời kỳ vàng son trước kia. Để đạt được mục tiêu này, họ sẽ làm bằng 
mọi biện pháp và không loại trừ khủng bố. 
Tuy nhiên, trào lưu Islam giáo chính thống có tính hai mặt. Một mặt, 
nó căn cứ vào giáo lý để thanh lọc những gì thuộc về hiện đại hóa và thế 
tục hóa. Mặt khác, nó không hẳn là trở về với giáo lý nguyên thủy mà 
mong muốn đạt tới lý tưởng của một xã hội mới, như mô hình nhà nước 
thần quyền Iran. 
Islamism thực chất là hệ tư tưởng về văn hóa - xã hội với mục tiêu 
thống trị các khía cạnh của cuộc sống và ngăn chặn các hệ tư tưởng khác. 
Mục tiêu của Islamism (nhất là các nhóm cực đoan) là chinh phục thế 
giới bằng mọi cách có thể, kể cả việc phủ nhận quyền tự do của con 
người. Vì vậy, nó tìm mọi cách quay ngược bánh xe lịch sử để thiết lập 
chế độ độc tài thần quyền. Đại diện tiêu biểu cho trào lưu Islam giáo cực 
đoan là các tổ chức Wahhabi, Salafi, Hamas, Taliban, v.v 
Lương Thị Thu Hường. Nguyên nhân sự xuất hiện 27 
27 
Do vậy, Islam giáo cực đoan không thể có nguyên nhân trực tiếp từ 
trong giáo lý tôn giáo này. Mà nó là hệ tư tưởng bảo thủ, là sự phản 
kháng hiện đại hóa và thế tục hóa một cách cực đoan. 
Cho đến thời điểm hiện nay, “cuộc hôn nhân giữa Saudi Arabia quyền 
lực và lời rao giảng Wahhabi”10 mang màu sắc chính trị và động cơ kinh tế 
rõ rệt, chứ không nhân danh Allah và cũng không đi đúng đường mà Allah 
đã tiết lộ. Vì vậy, Islamism không thể nào trở thành đại diện cho hơn một tỉ 
tín đồ có quyền định nghĩa tinh thần của Islam giáo. Điều này có thể chứng 
minh bằng tư tưởng và phương tiện thực hiện mục đích của hai trong số 
các nhóm Islam giáo cực đoan là Wahhabi và Salafi. 
Tóm lại, hiện nay, Islamism đang gia tăng các hình thức, phương 
pháp, mục tiêu, chiến thuật. Song, có thể nhận thấy, nguyên nhân gốc rễ 
của Islamism chính là nhận thức của tín đồ và cách giải thích kinh sách 
Islam giáo. Nói cách khác, sự xuất hiện của Islamism không chỉ từ sự sai 
lầm trong nhận thức, mà còn là kết quả của việc cố tình diễn giải sai lạc 
giáo lý Islam giáo của một bộ phận tín đồ tôn giáo này. 
3. Kết luận 
Islam giáo chính thống và Islam giáo cực đoan là hai trong số những 
trào lưu chính trị - tôn giáo của Islam giáo hiện nay. Điểm xuất phát chung 
của hai trào lưu này đều coi việc quay trở lại với Islam giáo sơ kỳ, bám sát 
việc giải thích kinh Qur’an theo đúng nghĩa đen và đưa luật Shariah vào 
chỉ đạo toàn bộ xã hội là giải pháp cho các vấn đề Islam giáo. Điểm khác 
biệt dễ nhận thấy của hai trào lưu này là, trong khi Islam giáo chính thống 
chủ yếu bảo thủ trên phương diện lý thuyết, thì Islam giáo cực đoan 
khuyến khích bạo lực và coi bạo lực là một phương pháp thúc đẩy động 
cơ. Islam giáo chính thống tin tưởng vào các hoạt động xã hội và việc 
truyền bá các tư tưởng ấy sâu rộng trong tín đồ sẽ thay đổi được cục diện. 
Islam giáo cực đoan lại không cho như vậy. Điều này dễ hiểu tại sao 
Islam giáo cực đoan lại gần với chủ nghĩa khủng bố đến vậy./. 
CHÚ THÍCH: 
1 Nguyễn Thanh Xuân (2005), Một số tôn giáo ở Việt Nam, sđd: 52. 
2 John Perkins (2013), Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, Nxb. Văn hóa Thông tin, 
Hà Nội. 
3 Noam Chomsky (2012), Nhận diện quyền lực, Nxb. Tri thức, Hà Nội: 189. 
4 Noam Chomsky (2012), Nhận diện quyền lực, sđd. 
28 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
5 Fiqh là nguyên tắc giải thích giáo luật Islam, căn cứ vào Qur’an và Sunna, sự 
đồng thuận giữa các học giả và suy diễn cá nhân (ijtihad). 
6  
7 ’alim_fi_al_Tariq. 
8 ’alim_fi_al_Tariq. 
9 ’alim_fi_al_Tariq. 
10 Bernard Lewis (2003), The Crisis of Islam: Holy War and Unholy Terror, The 
Mordern Library New York: 120. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Bernard Lewis (2003), The Crisis of Islam: Holy War and Unholy Terror, The 
Mordern Library New York. 
2. Noam Chomsky (2012), Nhận diện quyền lực, Nxb. Tri thức, Hà Nội. 
3. John Perkins (2013), Lời thú tội của một sát thủ kinh tế, Nxb. Văn hóa Thông tin, 
Hà Nội. 
4. Daniel Pipes (1998), "Islam and Islamism: Faith and Ideology", Feature Article, 
Policy, vol.18, N0. 1. 
5. ’alim_fi_al_Tariq. 
6. Amartya Sen (2012), Căn tính và Bạo lực: Huyễn tưởng về số mệnh, Nxb. Tri 
thức, Hà Nội. 
Abstract 
THE REASONS LEADING ISLAMIST MOVEMENT TODAY 
A thing or a phenomenon appeared due to various subjective and 
objective reasons. The emergence of Islamism in the world recently also 
was not an exception. So far, there were many different interpretations 
about the emergence of Islamism in general, Islamic Fundamentalism and 
Islamic Extremism in particular. This article continued to discuss more 
on the cause of the emergence of Islamism today on the basis of the 
conditional analysis of social life involving this movement, such as 
thought, culture, philosophy, religion, politics, and economy. 
Key words: Islamism, Islamic Fundamentalism, Islamic Extremism. 

File đính kèm:

  • pdfnguyen_nhan_xuat_hien_cua_islamism_hien_nay.pdf