Một số đặc điểm diễn thế thứ sinh thảm thực vật nhiệt đới gió mùa miền Trung Việt Nam

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Diễn thế là đặc trưng cơ bản của thảm thực vật. Quá trình diễn thế biểu hiện rõ

nét bằng sự thay đổi cấu trúc, thành phần thực vật của quần xã trên một khu vực

nhất định [4, 10] hoặc là những biểu hiện về sự suy thoái, biến động quần xã dưới

các mức độ tác động khác nhau của con người [4, 7, 10]. Với tính đa dạng cao ở cấp

độ loài, quần thể và hệ sinh thái cùng sự phân hóa sâu sắc của điều kiện địa lý và

sinh thái phát sinh làm cho diễn thế thảm thực vật rừng Việt Nam trải qua nhiều giai

đoạn với sự phân hóa phức tạp về cấu trúc và thành phần loài [6, 9].

pdf 10 trang phuongnguyen 1620
Bạn đang xem tài liệu "Một số đặc điểm diễn thế thứ sinh thảm thực vật nhiệt đới gió mùa miền Trung Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số đặc điểm diễn thế thứ sinh thảm thực vật nhiệt đới gió mùa miền Trung Việt Nam

Một số đặc điểm diễn thế thứ sinh thảm thực vật nhiệt đới gió mùa miền Trung Việt Nam
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 26
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DIỄN THẾ THỨ SINH THẢM THỰC VẬT 
NHIỆT ĐỚI GIÓ MÙA MIỀN TRUNG VIỆT NAM 
NGUYỄN ĐĂNG HỘI, KUZNETSOV A.N., KUZNETSOVA S.V. 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
Diễn thế là đặc trưng cơ bản của thảm thực vật. Quá trình diễn thế biểu hiện rõ 
nét bằng sự thay đổi cấu trúc, thành phần thực vật của quần xã trên một khu vực 
nhất định [4, 10] hoặc là những biểu hiện về sự suy thoái, biến động quần xã dưới 
các mức độ tác động khác nhau của con người [4, 7, 10]. Với tính đa dạng cao ở cấp 
độ loài, quần thể và hệ sinh thái cùng sự phân hóa sâu sắc của điều kiện địa lý và 
sinh thái phát sinh làm cho diễn thế thảm thực vật rừng Việt Nam trải qua nhiều giai 
đoạn với sự phân hóa phức tạp về cấu trúc và thành phần loài [6, 9]. 
Dưới tác động của các yếu tố nhân sinh, trong đó có khai thác rừng ở quy mô 
công nghiệp, chiến tranh hóa học đã và đang tạo nên chuỗi diễn thế thứ sinh nhân 
tác rất đặc trưng cho thảm thực vật rừng nhiệt đới Việt Nam. Do nhu cầu khai thác 
tài nguyên, sử dụng lãnh thổ, những tác động nhân sinh lên thảm thực vật tự nhiên ở 
nước ta ngày càng mạnh mẽ với quy mô và cường độ không ngừng tăng đã làm cho 
quá trình hình thành và phát triển của chúng có đặc điểm thay đổi mạnh mẽ, thậm 
chí khác rất nhiều so với quy luật tự nhiên vốn có của chúng [2]. Những tác động 
của con người nhiều khi quyết định đến sự biến đổi, xu hướng quá trình diễn thế của 
thực vật trên những quy mô, không gian khác nhau [5, 12]. 
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu về diễn thế thứ sinh của thảm thực vật 
nhiệt đới dưới tác động tự nhiên, nhân sinh; làm rõ đặc điểm, cơ chế và xu hướng 
biến đổi của chúng trong chuỗi diễn thế sau khai thác, phá hủy rừng ở các quy mô 
khác nhau, bao gồm chiến tranh hóa học do Mỹ thực hiện ở miền Trung Việt Nam; 
phân tích các hợp phần, yếu tố tự nhiên - nhân sinh ảnh hưởng đến diễn thế thảm 
thực vật trong quá khứ, hiện tại và triển vọng trong tương lai. 
2. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, PHƯƠNG PHÁP 
2.1. Đối tượng 
Các quần xã thực vật rừng, quần xã trảng cỏ cây bụi tại các khu vực điển hình 
ở miền Trung Việt Nam. Chú trọng các quần xã thực vật cây gỗ thân cao hình thành 
trên đồng bằng, bình nguyên, cao nguyên; trảng cỏ cây bụi trên các dạng địa hình gò 
đồi, núi thấp. 
2.2. Thời gian 
Thời gian nghiên cứu được tiến hành trong giai đoạn khoảng 20 năm, từ năm 
1997 trong khuôn khổ thực hiện các đề tài hướng Sinh thái nhiệt đới tại Trung tâm 
Nhiệt đới Việt - Nga. 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 27
2.3. Phương pháp 
* Phương pháp khảo sát thực địa: Nghiên cứu, điều tra theo các tuyến và điểm 
tại các khu vực rừng, trảng cỏ, cây bụi trên địa bàn các tỉnh miền Trung (Quảng Trị, 
Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng) và một số điểm nghiên cứu so sánh tại Đồng Nai 
và Bình Phước. Xác định đặc điểm thành phần loài, trạng thái, hệ rễ của thực vật; 
Phỏng vấn cư dân và cán bộ quản lý địa phương để hồi cứu các loại thảm thực vật 
cũng như các hoạt động khai thác, phá hủy (bao gồm chiến tranh hóa học) và bảo 
tồn tại những khu vực được lựa chọn. Phương pháp thực địa được lặp lại theo các 
mùa, các năm khác nhau. 
* Phương pháp nghiên cứu địa thực vật: Nghiên cứu địa thực vật được tiến hành 
theo các tuyến và tại các ô tiêu chuẩn với kích thước khác nhau, phù hợp với đặc trưng 
thảm thực vật. Định danh loài thực vật theo tài liệu của Phạm Hoàng Hộ [1]. Tên gọi 
họ và chi của thực vật có hoa theo hệ thống phân loại của A. Takhtajan [15]. 
* Phương pháp nghiên cứu khí hậu rừng: Sử dụng các thiết bị nhiệt, ẩm ký Sigma 
II Japan kết hợp với thiết bị tự ghi hạt nhiệt - ẩm Dallas, USA dạng Data Loger. 
* Phương pháp biểu đồ: Mô tả cấu trúc thực vật bằng các biểu đồ trắc diện 
với thành phần loài tạo tầng tán, thực vật ngoại tầng tại các ô tiêu chuẩn. Xây dựng 
các sơ đồ, biểu đồ minh họa cho các chu kỳ, quá trình chuỗi diễn thế. 
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 
3.1. Diễn thế thứ sinh “cửa sổ rừng” và khu vực tương tự của sổ rừng 
Kết quả nghiên cứu tại các hệ sinh thái rừng đặc dụng cho thấy, các hệ sinh 
thái rừng nhiệt đới nguyên sinh hoặc bị tác động yếu ở miền Trung Việt Nam đạt tới 
cực đỉnh khí hậu và đang ở trạng thái cân bằng động [6, 9, 12]. Trong các hệ sinh 
thái đó, thảm thực vật rừng nhiều nơi đang trong quá trình phục hồi hoặc rối loạn từ 
bên trong cũng như bên ngoài có tính đặc trưng về diễn thế của chúng. 
Một trong những dạng hoạt động gây biến đổi tầng tán rừng có tính chất cục 
bộ là “cửa sổ” rừng, được hình thành do những yếu tố do cây tầng trên bị gãy, đổ [6] 
hoặc do tai biến của quá trình địa mạo như trượt lở, sạt lở trọng lực Diện tích cửa 
sổ rừng thường dao động từ 10 đến 500 m2 đối với dạng có nguồn gốc cây gãy, đổ tự 
nhiên, hoặc 1.000÷3.000 m với dạng nguồn gốc trượt lở trọng lực. Trên địa hình núi 
còn ghi nhận những hiện tượng rối loạn do cây trên vách núi bị đổ ngã. Hiện tượng 
này đặc trưng cho những khối núi bị sạt lở trọng lực tầng đất mềm hoặc lớp vỏ 
phong hóa do ngấm nước mưa lâu ngày [6, 12]. Những hiện tượng nhiễu loạn cấu 
trúc nói trên dẫn đến: i) thay đổi cấu trúc và thành phần loài quần xã thực vật trên 
một khu vực nhất định - cửa sổ rừng, tính chất của đất không có nhiều thay đổi; 
ii) thay đổi cấu trúc, thành phần loài của quần xã thực vật và tính chất đất, đặc biêt 
ở nơi bị trượt lở trọng lực. 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 28
Hiện tượng sạt lở đất do bão là đặc điểm khá phổ biến ở vùng núi, đặc biệt là 
những khu vực có độ cao trên 1.000 m. Theo Pendlton, những cơn bão mạnh làm đổ 
gãy cây trong rừng nguyên sinh được ghi nhận vào năm 1864 tại Thái Lan, và tiếp 
theo đó là sự chặt phá của người dân bản địa đã làm cho diện tích rừng diễn thế qua 
giai đoạn trảng cỏ [13]. Tại các khu vực nghiên cứu ở miền Trung Việt Nam, gió của 
những cơn bão có sức tàn phá lớn không xảy ra thường xuyên, song mưa trong và 
sau bão, áp thấp nhiệt đới gây ra sạt lở ở nhiều nơi. Cơn bão số 9 năm 2009 đã làm 
sạt lở nghiêm trọng diện tích rừng tự nhiên tại hầu hết các huyện của Kon Tum như 
Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Đắk Tô, Kon Plong. Tại huyện Tu Mơ Rông, kết quả 
nghiên cứu năm 2013 cho thấy các khu vực rừng bị mất đi do sạt lở hiện chỉ là trảng 
cỏ thưa với sự xuất hiện của một số loài cây gỗ tiên phong thuộc họ Du Ulmaceae, 
họ Sim Myrtaceae. Nghiên cứu so sánh ở rừng đồng bằng thuộc KBT Bình Châu - 
Phước Bửu cho thấy, gió bão năm 2006 chủ yếu gây đổ cây tạo cửa sổ rừng tại các 
khu vực đã bị con người chặt tỉa trước đó, khu vực rừng nguyên sinh thậm chí cây 
non vẫn sinh trưởng, phát triển bình thường [6]. 
Tại những “cửa sổ” rừng được tạo ra do sự biến động cấu trúc đứng của rừng 
đã diễn ra sự thay đổi điều kiện vi khí hậu theo hướng tăng bức xạ mặt trời, tăng nền 
nhiệt trong môi trường không khí và trong lớp đất bề mặt. Số liệu quan trắc tại rừng 
cây họ Dầu thân cao VQG Bù Gia Mập (địa điểm nghiên cứu so sánh) vào tháng 4 
năm 2009 cho thấy, dưới tán rừng nhiệt độ buổi sáng là 23oC, buổi trưa tăng lên tối 
đa là 30oC, trong khi tại các “cửa sổ”, nhiệt độ tối đa đạt 36oC. Độ ẩm không khí 
dưới tán rừng dao động giữa buổi sáng và trưa ở mức 22,8%, trong khi tại “cửa sổ” 
rừng mức dao động này là 43,7%. Độ chiếu sáng tăng mạnh ở khu vực “cửa sổ” 
rừng. Dưới tán rừng, cường độ ánh sáng đo được trung bình là là 200÷400 lx, tại 
“cửa sổ” là 1.000÷1.500 lx. Chế độ vi khí hậu này tạo điều kiện tốt cho sự sinh 
trưởng, phát triển của các loài cỏ, dây leo và cây gỗ tiên phong. 
Diễn thế thực vật ở những khu vực bị phá hủy là do khả năng thích nghi của thảm 
cây gỗ theo hướng phục hồi, đồng thời phát triển thân nhánh mới, với sự tham gia tối 
thiểu của cây tiên phong [6, 9]. Diễn thế thảm thực vật tiếp diễn để sau 30 - 50 năm khôi 
phục lại được cấu trúc gần như trước với sự tham gia của các loài bản địa. Hiện tượng 
này cũng đã được ghi nhận tại VQG Bạch Mã ở độ cao 1.300m trên những con đường 
giao thông bị bỏ hoang. Quá trình diễn thế này hoàn toàn phù hợp với đề xuất của 
Razumovxki S. M. về diễn thế phục hồi đối với rừng ở Bắc bán cầu (hình 1A) [15]. 
Con người gây ra những rối loạn trong chuỗi diễn thế thứ sinh cho rừng nhiệt 
đới với quy mô còn lớn hơn nhiều so với các rối loạn tự nhiên. Với loại hình canh 
tác “du canh”, sự can thiệp của con người chỉ ở mức độ khai thác những diện tích từ 1 
đến 4 ha đất rừng để làm nương rẫy (gieo lúa, ngô hoặc sắn). Người dân bản địa ở Tây 
Nguyên sử dụng khu vực khai phá trong khoảng thời gian ngắn (3 đến 7 năm), sau đó 
bỏ hoang để diễn ra quá trình phục hồi dần dần cây rừng thông qua mầm, chồi cây và 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 29
dây leo. Trong trường hợp người dân không quay trở lại để tiếp tục canh tác trên diện 
tích bỏ hoang thì diễn thế thực vật ở đây tương tự như ở “cửa sổ” rừng, nhưng khác so 
với “cửa sổ” rừng là ở chỗ có sự tham gia của thực vật tiên phong (cây gỗ và cỏ) [6]. 
Trên những diện tích canh tác nông nghiệp bị bỏ hoang, cho đến khi cây rừng phát 
triển cành, chồi, phục hồi tán lá và tạo tầng tán dày với độ cao 2÷4 m, thì lúc đó cây 
gỗ và cỏ tiên phong bị loại trừ [3]. Như vậy, việc con người sử dụng những diện tích 
không lớn với hình thức đốt nương làm rẫy có thể được xem như là yếu tố tác động từ 
bên ngoài, gây ra quá trình diễn thế phục hồi. Quá trình này diễn ra cho đến khi khôi 
phục lại quần xã thực vật bản địa (hình 1B). 
 Hình 1. Diễn thế phục hồi trong rừng nhiệt đới gió mùa [6] 
Trong đó: A - Cửa sổ rừng: 1 - rừng cây gỗ thân cao; 2 - hình thành của sổ rừng; 3, 4 - diễn 
thế phục hồi cửa sổ rừng. B - khai phá diện tích nhỏ bên trong rừng: 1 - rừng cây gỗ thân 
cao; 2 - chặt phá thảm thực vật; 3 - trồng cây nông nghiệp; 4 - diễn thế phục hồi của cây 
gỗ, dây leo và những loài cỏ tiên phong; 5- hình thành tán cây gỗ rừng cùng với sự biến mất 
của các loài thực vật tiên phong. 
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kết quả nghiên cứu tại Tây Nguyên cho 
thấy, người dân thường sau 3÷7 năm quay lại để phát quang, đốt trảng cỏ cây bụi 
mới được phụ hồi để canh tác 2÷3 vụ cây lương thực rồi lại bỏ hoang. Chu kỳ cứ lặp 
lại nhiều lần, tạo nên chuỗi diễn thế đặc trưng cho nhiều khu vực ở Tây Nguyên và 
các tỉnh miền Trung Việt Nam [2, 3, 5]. 
3.2. Diễn thế thứ sinh sau khai thác rừng ở quy mô công nghiệp và chiến 
tranh hóa học 
Như đã đề cập, con người gây ra những biến động rất lớn trong chuỗi diễn 
thế thứ sinh cho rừng nhiệt đới, trong đó đặc biệt là việc khai thác gỗ rừng ở quy 
mô công nghiệp và việc sử dụng chất diệt cỏ và bom cháy napal của quân đội Mỹ 
trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 1961÷1971 [5, 8, 11]. 
Trên nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đệm ở các khu rừng 
đặc dụng hoặc vùng chuyển tiếp của các khu dự trữ sinh quyển, nhiều diện tích rừng 
nguyên sinh đã được thay thế bằng trảng cỏ, cây bụi. Trong điều kiện bị chặt đốn 
toàn bộ hoặc khai tác tập trung để lấy gỗ ở quy mô công nghiệp, diện tích rừng bị 
tàn phá lên tới hàng chục héc ta. Cùng với đó là việc sử dụng phương tiện cơ giới, 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 30
làm đường, lán trại Kết quả làm hư hại và chết thực vật rừng, kể cả cây non mà 
sau này sẽ kiến tạo thành tầng tán rừng. Đến cuối mùa mưa đầu tiên sau khi rừng bị 
chặt hạ, tại khu vực khai thác xuất hiện thực vật tiên phong [6]. Hạt của các cây này 
do gió hoặc chim mang tới. Trong điều kiện bị mất tấm chắn - tán cây, và lớp phủ - 
thảm lá rụng, dưới tác động của ánh sáng trực xạ và mưa rào trong mùa mưa, tính 
chất lý-hoá của đất mặt bị tác động và thay đổi (đất bị nung đốt, nén chặt). Quá trình 
xói mòn bề mặt tăng mạnh, thực vật hòa thảo chiếm ưu thế trên những khu vực trước 
kia từng là rừng. Giai đoạn diễn thế của trảng cỏ cây bụi tồn tại nhiều chục năm và 
còn tiếp diễn trên những khu vực rộng lớn (hình 2). Ở đó, việc phục hồi thảm thực 
vật rừng khó diễn ra do sự duy trì của các yếu tố “tới hạn”, trong đó có nhiệt độ, độ 
ẩm, mầm giống và tác động tiêu cực của con người [4, 6]. 
Hình 2. Chuỗi diễn thế thực vật dưới tác động của chiến tranh hóa học và 
khai thác rừng quy mô công nghiệp [4, 6] 
Trong đó: 1- rừng cây gỗ thân cao; 2- khai thác quy mô công nghiệp; 
3- rừng bị phun rải nhiều lần chất diệt cỏ; 4- sử dụng bom cháy na pan; 
5- sự phát triển quần xã thực vật với ưu thế là các loài cỏ tiên phong. 
Việc sử dụng chất diệt cỏ làm cho cây gỗ rừng và dây leo bị rụng lá. Tuy vậy, 
sau khi rừng bị phun rải lần đầu thì phần lớn cây gỗ rừng đều có khả năng phát triển 
lá mới. Nếu rừng bị phun rải nhiều lần sẽ dẫn đến cây gỗ và các loài thực vật khác bị 
chết và sau đó bom napal được sử dụng để huỷ diệt hoàn toàn thảm thực vật rừng [3, 
6, 12]. Trên những khu vực bị mất đi thảm thực vật rừng, hạt của các loài thực vật 
tiên phong được gió đem tới, mà chủ yếu là các loài cỏ với đại diện của chi Imperata, 
Pennisetum, Themeda (Poaceae) và Eupatorium (Asteraceae). Sau một mùa mưa, các 
loài cỏ này phát triển đạt chiều cao tới 2m, hình thành các bụi cỏ, ra hoa và cho hạt 
rất nhiều. Như vậy, sau thời gian ngắn, các khu vực trống đã bị những loài cỏ thân 
cứng xâm chiếm, tạo chuỗi diễn thế rừng cây gỗ thân cao → trảng cỏ, cây bụi. 
Trong điều kiện tự nhiên, những loài cây gỗ tạo rừng phục hồi được trên đất 
dốc bằng diễn thế “màn rừng - cửa sổ”. Cây rừng không có cơ chế tự phát tán hạt ra 
cự ly xa. Hạt và quả của một số loài cây chỉ có thể phát tán đi xa nhờ gió. Đối với 
nhiều loài chim - chủ thể gieo hạt thì chúng cần phải có chỗ đậu, nhưng ở trảng cỏ 
thì không có điều kiện này. Tuy vậy, điều cơ bản là cây gỗ rừng nhiệt đới không có 
khả năng phát triển trên những khu vực trống là do đặc điểm sinh học của chúng. 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 31
Cho đến nay, sau gần 50 năm chiến tranh hóa học đã đi qua, các trảng cỏ trên 
vùng Gio Linh không hề bị thay đổi theo hướng thay thế bằng cây rừng hoặc cây bụi. 
Tổng diện tích dạng savan trên nền đất bị bào mòn vào khoảng 120 km2. 
Tại vùng Sa Thầy - Ngọc Hồi, kết quả nghiên cứu cho thấy, trảng cỏ cây bụi, 
rừng hỗn giao gỗ - tre nứa trên địa hình tương đối bằng dọc quốc lộ 14C là kết quả 
trong chuỗi diễn thế sau chiến tranh hóa học - một dạng diễn thế thứ sinh rất đặc thù 
không chỉ riêng ở Tây Nguyên Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu: Diễn thế rừng 
ưu thế cây họ Dầu nhiệt đới gió mùa cao nguyên dưới tác động của chiến tranh hóa 
học. Chất diệt cỏ đã phá hủy gần như hoàn toàn thảm thực vật rừng tự nhiên với ưu 
thế cây họ Dầu - kiểu thảm hiện nay còn sót lại một số khoảnh hoặc thành phần cây 
họ Dầu trong rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, rừng hơi khô nửa rụng lá. Sau thời gian bị 
phun chất diệt cỏ và bom cháy napal (khoảng 50 năm), trảng cỏ được hình thành và 
duy trì nhiều chục năm sau. 
Hình 3. Chuỗi diễn thế thực vật thung lũng Sa Thầy sau chiến tranh hóa học 
Diễn thế của thực vật chuyển theo các hướng khác nhau: Hướng thứ nhất là 
diễn thế trong các thung lũng ven sông, suối, sau khoảng 25÷30 năm đã dần hình 
thành thực vật nhiệt đới hơi khô nửa rụng lá với ưu thế của các loài thực vật ưa khô, 
chịu hạn của họ Lythraceae, Dipterocarpacea, Myrtaceae (hình 3a). Hướng thứ hai 
hình thành các thảm cây nông nghiệp, rừng nhân sinh với sự biến đổi mạnh mẽ của 
thảm thực vật theo thời vụ (cây nông nghiệp hàng năm), hoặc chu kỳ 5÷10 năm đối 
với cây nguyên liệu, cây hương liệu, hoặc cây công nghiệp lâu năm với chu kỳ dài 
hơn (hình 3b); Hướng thứ ba là việc tiếp tục của trảng cỏ, cây bụi thường bị cháy 
vào mùa khô do bị đốt (chủ ý hoặc vô ý) (hình 3c) giống như nhiều khu vực khác ở 
miền Nam như ở Gio Linh, Cam Lộ 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 32
Kết quả quan trắc cho thấy trong tháng 7 - tháng nóng nhất trong mùa mưa - 
nhiệt độ ban ngày dưới tán rừng (ở độ cao 120cm) là 33oC, ở trảng cỏ là 43oC. Nhiệt 
độ cao nhất trên mặt đất dưới tán rừng và ngoài trảng cỏ tương ứng là 28oC và 36oC. 
Nhiệt độ cao nhất của đất ở độ sâu 5cm dưới tán rừng và ngoài trảng cỏ tương ứng là 
27oC và 32oC. Độ ẩm không khí dưới tán rừng dao động trong khoảng 85%÷100%, 
còn ngoài trảng cỏ 55%÷95%. Như vậy, sự xuất hiện những khu vực trống không 
còn rừng dẫn đến thay đổi chế độ khí hậu, chế độ thuỷ văn và tính chất lý - hoá của 
đất trong điều kiện bị xói mòn bề mặt. 
3.2. Diễn thế thứ sinh “đới chuyển tiếp” 
Khác với các loài cây gỗ rừng, các loài cây thuộc nhóm tiên phong phát triển rất 
tốt trong điều kiện nhiệt độ, ánh sang gần với điều kiện ở khu vực trống trải. Kết quả 
nghiên cứu ở huyện Gio Linh, Cam Lộ tỉnh Quảng Trị; huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, 
tỉnh Kon Tum và nhiều khu vực khác ở Việt Nam cho thấy, những loài thực vật tiên 
phong xuất hiện đồng thời ở những khu vực tương tự “cửa sổ” rừng và khu vực trống 
trải do khai thác quy mô công nghiệp, hình thành sau chiến tranh hóa học. Kết quả 
thống kê cho thấy, đó là loài Đơn châu chấu Aralia armata thuộc họ Araliaceae; Sòi 
tía Sapium discolor, Sòi trắng S. sebiferum; 14 loài thuộc chi Macaranga, trong đó ở 
miền Nam có loài đặc trưng Ba soi lông sao M. trichocarpa và 30 loài thuộc chi 
Mallotus thuộc họ Euphorbiaceae; Màng tang Litsea cubeba thuộc họ Lauraceae; 14 
loài thuộc chi Melastoma, trong đó ở miền Nam có loài Muôi an bích M. osbeckoides 
thuộc họ Melastomataceae; Hu đay lông Trema orientalis, Hu đay T. velutina thuộc 
họ Ulmaceae; Gáo tàu Anthocephalus chinensis thuộc họ Rubiaceae; Ba chạc Euodia 
lepta, Cóc hôi Zanthoxylum rhetsa thuộc họ Rutaceae; Khổ sâm nam Brucea javanica 
thuộc họ Simaroubaceae và nhiều loài thuộc chi Callicarpa, họ Verbenaceae. 
Hình 4. Diễn thế thực vật “đới chuyển tiếp” [6] 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 33
Các loài tiên phong có vòng đời từ 10 đến 15 năm. Hàng năm, các cây tiên 
phong đều ra hoa và kết quả. Tuy vậy, không thấy những cây con tái sinh dưới tán 
cây mẹ. Trên những khu vực có sự đan xen rừng cây gỗ thân cao và trảng cỏ, vốn 
phổ biến ở tất cả các đới và đai độ cao ở Việt Nam, cây gỗ tiên phong mọc bao bọc 
lấy rừng cây thân cao, hình thành một dải đệm được gọi là “đới chuyển tiếp” giữa 
rừng nguyên sinh và các quần xã cỏ dạng savan (hình 4). Chiều rộng của đới chuyển 
tiếp dao động phổ biến trong khoảng 3 đến 7 m. Các cây tiên phong ở đới chuyển 
tiếp với tốc độ sinh trưởng nhanh, có vai trò quan trọng là bảo vệ bề mặt của đất 
tránh bị bức xạ mặt trời và tránh bị nước mưa xói mòn, góp phần khôi phục những 
tham số vi khí hậu ở sát mặt đất (lớp không khí từ 0 đến 20 cm). 
Nghiên cứu tại huyện Gio Linh, Sa Thầy cho thấy, dưới tán những cây gỗ tiên 
phong, theo thời gian (3÷4 năm), mầm của những loài cây phát tán từ phía rừng phát 
triển tốt. Trong đới chuyển tiếp, đã phát hiện mầm và cây non của các loài Thành 
ngạnh đẹp Cratoxylum formosanum (Guttiferae), Kơ nia Irvingia malayana 
(Irvingiaceae), Sao đen Hopea odorata, Sến cát Shorea roxburghii (Ditperocarpaceae) 
và Cám Parinari annamense (Chrysobalanaceae). Quá trình này diễn ra từ khi 
những cành thấp nhất của tán cây tiên phong đạt tới độ cao 1,5÷2 m cách mặt đất. 
Với sự lớn lên của các loài cây gỗ rừng, tán che do cây tiên phong tạo ra trong đới 
chuyển tiếp bị chia cắt. Dải bóng râm do cây gỗ rừng tạo ra cũng như các cây trong 
đới chuyển tiếp dần đẩy lui ranh giới của quần xã cỏ và tạo điều kiện mở rộng diện 
tích. Sự biến đổi dần dần điều kiện vi khí hậu dưới tán cây theo hướng tiếp cận với 
các tham số vi khí hậu rừng, cùng sự xuất hiện gần khu vực trảng cỏ những cây đến 
tuổi trưởng thành thuộc lớp trên cùng của tán rừng, ra hoa kết quả làm thúc đẩy quá 
trình khôi phục rừng cây nhiệt đới bản địa. Quá trình diễn thế phục hồi này tạo nên 
cấu trúc và thành phần gần như trước đây trong thời gian dài, khoảng từ 50 đến 80 
năm [6, 12]. Trong điều kiện thực tại mối quan hệ “con người - rừng nhiệt đới”, quá 
trình diễn thế như vậy đã diễn ra ở nhiều nơi với tốc độ rất chậm, song đã và sẽ không 
diễn ra ở vùng gò đồi huyện Gio Linh vì con người không ngừng gây ra áp lực lên 
thảm thực vật thông qua việc chặt hạ cây gỗ thân cao và tàn phá các thế hệ cây con. 
4. KẾT LUẬN 
1. Diễn thế thứ sinh thảm thực vật nhiệt đới gió mùa miền Trung Việt Nam 
chịu sự chi phối của các yếu tố tự nhiên và nhân sinh, trong đó yếu tố nhân sinh 
đóng vai trò chủ đạo. Đây là nguyên nhân làm cho diễn thế có tính phức tạp, trải qua 
nhiều giai đoạn với chu kỳ và đặc điểm rất khác nhau. 
2. Diễn thế “của sổ” rừng và khu vực tương tự cửa sổ rừng diễn ra với đặc điểm 
của quá trình phục hồi cấu trúc và thành phần loài bản địa, trong đó diễn thế cửa sổ 
rừng không trải qua giai đoạn phục hồi bởi các loài cây gỗ tiên phong nên chu kỳ 
thường ngắn hơn so với những khu vực khai thác diện tích nhỏ, tương tự cửa sổ rừng. 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 34
3. Diễn thế thứ sinh thảm thực vật sau khai thác, phá hủy rừng ở quy mô công 
nghiệp và chiến tranh hóa học diễn ra phức tạp, nhiều yếu tố sinh thái bị biến đổi, 
phá hủy, hình thành nên các yếu tố “tới hạn” như nhiệt độ, độ ẩm. Đây là nguyên 
nhân cơ bản làm cho nhiều diện tích rừng bị phá hủy ở nước ta đến nay không có 
khả năng phục hồi tự nhiên thảm thực vật rừng, thay vào đó là trảng cỏ cây bụi, rừng 
trồng hoặc cây nông nghiệp. 
4. Diễn thế “đới chuyển tiếp” xuất hiện tại khu vực tiếp giáp giữa trảng cỏ với 
rừng cây gỗ thân cao. Tại đây hình thành thảm cây gỗ với các tham số khí hậu - thổ 
nhưỡng được cải thiện, là cơ sở để phục hồi tự nhiên thảm thực vật rừng theo xu thế 
“lấn dần”. Tuy vậy, nhiều khu vực, trong đó điển hình là huyện Gio Linh, tỉnh 
Quảng Trị, sự phục hồi, mở rộng thảm thực vật rừng cây bản địa hầu như không 
diễn ra do những tác động tiêu cực, thường xuyên từ phía con người. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, Tập 1, 2, 3, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh,1999. 
2. Nguyễn Đăng Hội, Nguyễn Cao Huần, Đăng Văn Bào, Biến đổi và diễn thế 
nhân tác của cảnh quan nhân sinh lãnh thổ Kon Tum, Kỷ yếu Hội nghị Khoa 
học Địa lý toàn quốc lần II, Hà Nội, 2006, tr 301- 307. 
3. Nguyễn Đăng Hội, Cảnh quan nương rẫy và việc sử dụng hợp lý chúng trên lãnh 
thổ Kon Tum, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007, 5:133-137. 
4. Nguyễn Đăng Hội, Kuznetsov A.N., Kuznetsova S.P., Hiện trạng và diễn thế thực 
vật trong các hệ sinh thái nhân sinh huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị hình thành sau 
tác động của chất diệt cỏ trong chiến tranh, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học về Sinh thái 
và TNSV toàn quốc lần V, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 2013, tr.1363-1371. 
5. Nguyễn Đăng Hội, Nguyễn Cao Huần, Ngô Trung Dũng, Diễn thế nhân sinh 
cảnh quan vùng ngã ba Đông Dương các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia 
H’Drai, tỉnh Kon Tum, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần 9, 
Nxb. Khoa học tự nhiên và công nghệ, 2016, Hà Nội, tr.11-20. 
6. Kuznetsov A.N., Kuznetsova S.P., Nguyễn Đăng Hội, Biến động quần xã thực 
vật rừng nhiệt đới qua ví dụ rừng cây gỗ thân cao ở Việt Nam, Tạp chí Sinh 
học, 2011, 1:37-45. 
7. Trần Văn Thụy, Đoàn Hoàng Giang, Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Thu Hà, 
Nguyễn Minh Quốc, Nghiên cứu diễn thế thảm thực vật vùng Mã Đà (tỉnh 
Bình Phước, Đồng Nai) và định hướng phục hồi, Tạp chí Khoa học 
ĐHQGHN, 2016, 1S:377-383. 
8. Bethel J.S., Turnbull, American forester, 1975, 81(1):26-30. 
9. Kuznetsov, A.N., Preliminary results of the botanical research - Vegetation 
Types of the Cat Loc area, Results of Complex Zoologico-Botanical expedition 
of the Cat Loc area, South Vietnam, Report. WWF., 2002, Hanoi, p.9-25. 
10. Manuel R. Guariguata, Rebecca Ostertag, Neotropical secondary forest 
succession: changes in structural and functional characteristics, Journal of 
Forest Ecology and management, 2001, 148:185-206. 
 Nghiên cứu khoa học công nghệ 
Tạp chí Khoa học và Công nghệ nhiệt đới, Số 14, 11 - 2017 35
11. Westing A.N., Ecological consequences of the Second Indochina War, Sipri 
Stockholm, Sweden, 1976, 119 p. 
12. Кузнецов А.Н., Тропический диптерокарповый лес на примере 
сомкнутого высокоствольного влажного равнинного диптерокарпового 
массива Ма Да, южный Вьетнам, М.: ГЕОС, 2003, 140 с. 
13. Пендлтон Р.Л., География Таиланда, М.: Прогресс, 1996, c.10-15. 
14. Разумовский С.М., Избранные труды. М.: КМК, 1999, 560 с. 
15. Тахтаджян А.Л. Флористические области земли. Л. Наука, 1978, 247 с. 
SUMMARY 
SOME CHARACTERISTICS IN SECONDARY SUCCESSION OF 
MONSOON TROPICAL VEGETATION IN CENTRAL VIETNAM 
The secondary succession is a basic feature of the process of originating and 
developing the monsoon tropical vegetation in Central Vietnam. The high diversity 
of forest trees and also high variety of ecological conditions make the secondary 
succession of vegetation have undergone several stages with complexity in structure 
and species composition. 
Succession in forest gaps takes place without participation of pioneer plants. 
Secondary successions in forest territories were devastated by logging and chemical 
effects during the war, as well as changes in environment factors, thus appearing the 
“critical” ecological factors with complicated features. There are the main reasons, 
which make it impossible to restore many of these destroyed forest areas in Central 
Vietnam up to natural forest vegetation. 
Succession in "buffer zone" appears between the grassland area and tall forest 
trees, forming a band with wide of 3÷7 m. The formation of medium trees contributed 
to the improvement in climatic and soil parameters, that is a basis of natural 
regeneration of forest vegetation following a "gradual encroach" trend. However, the 
restoration and expansion of native forest vegetation hardly occurs in many areas 
because of the frequent negative effects of human. 
Keywords: Secondary succession, Gio Linh, Sa Thay, pioneer plants, restore. 
Nhận bài ngày 24 tháng 8 năm 2017 
Hoàn thiện ngày 18 tháng 10 năm 2017 
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_dac_diem_dien_the_thu_sinh_tham_thuc_vat_nhiet_doi_gi.pdf