Mối liên hệ giữa trường Đại học Tây Bắc và các cơ sở sử dụng giáo viên trong đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm -Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở sử dụng giáo viên trong

thực tập sư phạm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sư phạm là nhu cầu tất yếu khách quan

của nhà trường đào tạo giáo viên nói chung và Trường Đại học Tây Bắc nói riêng. Trong quá trình

đào tạo, Trường Đại học Tây Bắc cần tiếp cận các xu hướng đổi mới và nhìn nhận vai trò của mình

để có những giải pháp tích cực, hợp lí góp phần thay đổi căn bản chất lượng nguồn nhân lực sư

phạ

pdf 6 trang phuongnguyen 1620
Bạn đang xem tài liệu "Mối liên hệ giữa trường Đại học Tây Bắc và các cơ sở sử dụng giáo viên trong đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm -Thực trạng và giải pháp", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Mối liên hệ giữa trường Đại học Tây Bắc và các cơ sở sử dụng giáo viên trong đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm -Thực trạng và giải pháp

Mối liên hệ giữa trường Đại học Tây Bắc và các cơ sở sử dụng giáo viên trong đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm -Thực trạng và giải pháp
NATIONAL ACADEMY OF EDUCATION MANAGEMENT
Journal of Education Management, 2018, Vol. 10, No. 1, pp. 90-95
This paper is available online at 
MỐI LIÊN HỆ GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC VÀ CÁC CƠ SỞ
SỬ DỤNG GIÁO VIÊN TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC
NGÀNH SƯ PHẠM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Bùi Thị Nguyệt Quỳnh1, Nguyễn Thị Hương2
Tóm tắt. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo giáo viên và các cơ sở sử dụng giáo viên trong
thực tập sư phạm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sư phạm là nhu cầu tất yếu khách quan
của nhà trường đào tạo giáo viên nói chung và Trường Đại học Tây Bắc nói riêng. Trong quá trình
đào tạo, Trường Đại học Tây Bắc cần tiếp cận các xu hướng đổi mới và nhìn nhận vai trò của mình
để có những giải pháp tích cực, hợp lí góp phần thay đổi căn bản chất lượng nguồn nhân lực sư
phạm.
Từ khóa: Đào tạo giáo viên, sử dụng giáo viên, Trường Đại học Tây Bắc.
1. Đặt vấn đề
Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giáo viên sư phạm chất lượng luôn được xem là vấn
đề quan trọng bậc nhất trong công cuộc đổi mới giáo dục của nước ta hiện nay. Trong những năm
qua công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được chú trọng, đầu tư tuy nhiên trên thực tế vẫn còn
nhiều bất cập ảnh hưởng lớn đến đến chất lượng đào tạo. Một trong những yếu tố đó là sự thiếu
chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả phối hợp giữa trường sư phạm và trường phổ thông, mầm non. Tình
hình này cần có giải pháp kịp thời để khắc phục, để nâng cao được chất lượng giáo viên đáp ứng
yêu cầu của công cuộc cải cách giáo dục. Trong khuôn khổ nội dung bài báo tác giả trình bày thực
trạng đào tạo nguồn nhân lực sư phạm của Trường Đại học Tây Bắc trong mối quan hệ giữa cơ sở
đào tạo giáo viên (Trường Đại học Tây Bắc) và Các cơ sở sử dụng giáo viên (các trường phổ thông,
mầm non). Từ thực trạng nhằm đánh giá và đề xuất những giải pháp cho một số vấn đề còn bất cập
của công tác đào tạo giáo viên của Trường Đại học Tây Bắc hiện nay.
2. Thực trạng đào tạo giáo viên tại Trường Đại học Tây Bắc
2.1. Vài nét về Trường Đại học Tây Bắc
Trường Đại học Tây Bắc được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm theo Quyết định
số 39/2001/QĐ - TTg ngày 23/03/2001 của Thủ tướng Chính phủ [6]. Trường Đại học Tây Bắc là
trường đại học vùng đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường có
Ngày nhận bài: 15/12/2017. Ngày nhận đăng: 10/01/2018.
1Khoa Sử - Địa, Trường Đại học Tây Bắc; e-mail: buinguyetquynhhn@gmail.com
2Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Tây Bắc.
90
THỰC TIỄN JEM., Vol. 10 (2018), No. 1.
nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng, đồng thời nghiên cứu, chuyển giao
khoa học - công nghệ cho 7 tỉnh Tây Bắc Việt Nam và các tỉnh lân cận, góp phần triển khai thực
hiện phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trường Đại học Tây Bắc đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo 21 ngành đại học,
18 ngành cao đẳng. Trong số các ngành đào tạo trình độ đại học có 13 ngành đào tạo giáo viên, 01
ngành Công nghệ thông tin, 05 chuyên ngành Nông - Lâm, 02 chuyên ngành Kinh tế [7]. Ngoài
ra, Trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng chuyên
môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thiết bị dạy học ở trường phổ thông và nhiệm vụ bồi dưỡng
nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
Nhằm thực hiện mục tiêu “Mỗi trường đại học sư phạm phải có ít nhất một trường thực hành
sư phạm có quy mô phù hợp với yêu cầu thực hành sư phạm” [1]. Trường có một trường thực hành
được tổ chức và hoạt động theo điều lệ trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và
trường phổ thông nhiều cấp học; theo Quy chế trường thực hành sư phạm, Quy chế tổ chức và hoạt
động Trường Đại học Tây Bắc và là nơi thực hành đối với sinh viên thuộc ngành sư phạm.
Trường tuyển sinh rộng khắp trong cả nước, trong thực tế đối tượng tuyển sinh của Trường chủ
yếu là con em các dân tộc vùng Tây Bắc và con em vùng nông thôn các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.
Các chương trình đào tạo của Trường được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ
Giáo dục và Đào tạo đã ban hành và tham khảo các chương trình tiên tiến của các trường đại học
lớn, cập nhật những kiến thức mới, và đặc biệt đã được bổ sung những kiến thức gắn với điều kiện
tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng Tây Bắc.
2.2. Vài nét cơ bản về đào tạo giáo viên của Trường Đại học Tây Bắc
Công tác đào tạo giáo viên của trường Đại học Tây Bắc có một số điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, mô hình đào tạo của Trường Đại học Tây Bắc là một trường đào tạo đa ngành. Đa
hệ: hệ chính quy, hệ không chính quy (chuyên tu, tại chức), hệ đào tao từ xa (dù hiện tai chưa có
hệ đào tạo này). Đa cấp: đào tạo các bậc từ cử nhân, thạc sĩ. Tuy nhiên, chuyên ngành sư phạm:
đào tạo giáo viên các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và ngoại ngữ cho nhà trường phổ thông và
cả đại học là chủ yếu.
Thứ hai, trong khung chương trình các ngành cử nhân sư phạm theo hình thức tín chỉ, khối
kiến thức giáo dục nghề nghiệp gồm các môn học Tâm lý học, Giáo dục học, các môn học của
chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn và thực tập sư phạm, trong đó, các môn
học Tâm lý học, Giáo dục học, thực tập sư phạm là những học phần bắt buộc, còn các môn học
của chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn gồm những môn học bắt buộc và môn
học tự chọn.
Thứ ba, thời gian cho việc học nghiệp vụ sư phạm tại Trường Đại học Tây Bắc thường kéo dài
trong khoảng từ 1-2 năm, bắt đầu học các học phần liên quan đến phương pháp dạy học từ năm
thứ 3 của đại học, tùy theo khả năng hoàn thành khối lượng học tập và thực tập của từng sinh viên.
Thông thường, sinh viên sẽ trải qua hai giai đoạn học nghiệp vụ.
Đợt một: Thực tế sư phạm - Kiến tập sư phạm - Mục tiêu: Sinh viên làm quen với thực tế công
tác giảng dạy ở trường phổ thông nhằm phục vụ cho việc hiểu rõ hơn những vấn đề lý luận trong
Giáo dục học đại cương, Lý luận dạy học... cũng như chuẩn bị những hiểu biết cần thiết cho việc
làm quen với bộ môn Phương pháp giảng dạy môn học. - Thời gian: 2 đến 3 tuần - Thời điểm: Học
91
Bùi Thị Nguyệt Quỳnh, Nguyễn Thị Hương JEM., Vol. 10 (2018), No. 1.
kỳ 3 hoặc học kỳ 4 của năm thứ ba (lệch với đợt thực tập của sinh viên năm 4 - Người tổ chức,
thực hiện: Mỗi khoa tự tổ chức thông qua sự cố vấn của nhà trường. - Hình thức thực tập: bán tập
trung - Nội dung cần đạt: sinh viên hình dung và nắm được cấu trúc của một giáo án, các phương
pháp mà giáo viên đã sử dụng và đưa ra một số nhận xét bước đầu. Quan sát, nhìn nhận và rút kinh
nghiệm trong công tác giáo dục học sinh (công tác chủ nhiệm, công tác tổ chức hoạt động ngoại
khóa- nếu có...) - Đánh giá: thông qua tình hình chuyên cần, thái độ và bài viết (hoặc tiểu luận
kiến tập với các câu hỏi- yêu cầu cụ thể)...
Đợt hai: Thực tập sư phạm lần hai - Mục tiêu: Thực tập công tác giảng dạy bộ môn và công
tác giáo viên chủ nhiệm trên học sinh phổ thông. - Thời gian: 8 đến 10 tuần - Thời điểm: Tháng 3
hàng năm (năm thứ tư); - Người tổ chức và người hướng dẫn: Nhà trường tổ chức thành đợt thực
tập tập trung. - Hình thức thực tập: Thực tập sư phạm tập trung - Nội dung: Soạn giáo án chủ
nhiệm, thực hành giáo án chủ nhiệm. Mô tả tiết dạy được dự giờ và rút ra những kinh nghiệm cho
bản thân (mỗi sinh viên dự giờ ít nhất 2 đến 4 tiết dạy của giáo viên phổ thông). Soạn giáo án (tiết
đơn) theo phân phối chương trình và thực hành bài giảng đã soạn, tham gia họp tổ chuyên môn và
ghi biên bản; thực hành một số công việc cơ bản của người giáo viên như: chấm bài thi theo đáp
án mẫu, coi thi,... - Đánh giá: Đánh giá theo hệ số cụ thể gồm các phần việc đã thực tập trong đó
hệ số ưu tiên nhất là cho việc thực tập thực hành kế hoạch bài giảng.
Thứ ba, giảng viên đại học (giảng viên phương pháp dạy học ) chịu trách nhiệm rèn luyện
nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên tại trường sư phạm, hàng năm trường tổ chức các đợt thi nghiệp
vụ sư phạm cấp khoa, cấp trường. Còn khi đi thực tập tại các trường phổ thông việc chấm điểm
thực tập của sinh viên hoàn toàn giao cho giáo viên các trường phổ thông chấm.
2.3. Mối quan hệ giữa Trường Đại học Tây Bắc và các cơ sở sử dụng giáo viên
Mối quan hệ giữa Trường Đại học Tây Bắc và cơ sở sử dụng giáo viên (trường phổ thông, mầm
non) chưa thật sự chặt chẽ. Phần lớn các Trường đại học Tây Bắc đều giao việc thực tập nghề cho
trường phổ thông, cho giáo viên hướng dẫn và sinh viên sau khi đã làm xong công tác liên hệ, tiền
trạm, thậm chí để sinh viên tự liên hệ thực tập tại địa phương. Sự quan tâm, nếu có, chỉ là những
lời hỏi thăm, những đoàn kiểm tra có tính kỳ cuộc, thoáng qua với tính chất nắm bắt các thông tin
chung chung chứ không có những kế hoạch cụ thể, với những con người, công việc cụ thể có tính
thường xuyên. Nguyên nhân ở đây là do thiếu một cơ chế, chính sách liên kết, cần phải có quy định
văn bản rõ ràng để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo với Trường Đại học
Tây Bắc. Do vậy, cần bắt buộc gắn với trách nhiệm: trách nhiệm của phía đào tạo và trách nhiệm
của bên sử dụng giáo viên.
Mối quan hệ giữa Giảng viên Đại học Tây Bắc - Sinh viên thực tập - Giáo viên hướng dẫn
ở trường phổ thông khá lỏng lẻo, nhất là mối quan hệ giữa giảng viên đại học và giáo viên phổ
thông. Hầu như không có bất cứ một sự liên hệ, làm việc, thống nhất nào giữa hai chủ thể giáo dục
đại diện cho hai cơ sở đào tạo và sử dụng giáo viên này. Trong suốt quá trình sinh viên thực tập
tại phổ thông, những giảng viên đại học này không có mặt, không có bất cứ một sự trao đổi nào
về chuyên môn, về cách thức đánh giá sinh viên thực tập. Kết quả thực tập của sinh viên ở trường
hiện nay chỉ là điểm đánh giá của giáo viên hướng dẫn về chuyên môn giảng dạy và công tác giáo
viên chủ nhiệm. Và đó cũng là điểm cuối cùng. Nguyên nhân của thực trạng này có lẽ bắt nguồn
từ việc thiếu một cơ chế phối hợp và giám sát bắt buộc giữa giảng viên đại học và giáo viên phổ
92
THỰC TIỄN JEM., Vol. 10 (2018), No. 1.
thông. Cơ chế ấy phải do các trường đào tạo giáo viên và các cơ sở sử dụng giáo viên phối hợp xây
dựng và thống nhất chỉ đạo thực hiện.
Thời gian thực tập sư phạm, thực hành nghề dạy học tại các trường phổ thông của sinh viên còn
ít. Hiện nay, Trường Đại học Tây Bắc chỉ dành khoảng 10 tín chỉ cho thực tập sư phạm. Và theo sự
thống nhất giữa trường đại học và trường phổ thông, thời gian thực tập sư phạm sẽ tập trung theo
từng đợt chứ không trải đều cả năm. Hiện nay, dù đã chuyển sang mô hình tín chỉ nhưng chương
trình vẫn nặng về kiến thức hàn lâm, khoa học cơ bản mà thiếu tính chuyên sâu về các năng lực
nghề nghiệp. Mặt khác, do cách thức tổ chức thực tập sư phạm của trường chưa thật khoa học, bài
bản; do ý thức của sinh viên; do những áp lực về thành tích; do e ngại sự xáo trộn trong công tác
giáo dục của nhà trường... nên các trường phổ thông còn e dè trong việc chấp thuận một thời gian
lưu trú và bán lưu trú của sinh viên thực tập kéo dài trong suốt một học kỳ và cả năm học. Đó là
chưa kể các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn kinh phí để các trường phổ thông, giáo viên phổ
thông tham gia sâu hơn vào công tác hướng dẫn sinh viên thực tập. Trường đại học Tây Bắc đã
thành lập trường thực hành trường Tiểu học, Trung học phổ thông Chu Văn An, tuy nhiên chưa
phát huy được vai trò là trường thực hành cho sinh viên sư phạm.
Về phía các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh và các trường phổ thông, họ vẫn phối hợp với
Trường Đại học Tây Bắc trong công tác đào tạo nghề cho sinh viên sư phạm trong một phạm vi
vừa phải và với một trách nhiệm xã hội nhất định.
3. Đề xuất một số giải pháp
Trường Sư Phạm là trường dạy nghề dạy học; cho nên, ngoài thực tập, luyện tập thường xuyên
tại trường Sư phạm, phải thật sự coi trọng công tác thực tập. Những năm qua, trường đại họcTây
Bắc chưa thật sự coi trọng chất lượng đích thực của công tác thực tập, mà chỉ chú ý đến tính phong
trào, hình thức và bệnh “thành tích”, nên tỷ lệ đạt loại giỏi rất cao, một số ít là loại khá, không
có loại trung bình và yếu kém. Lại có tình trạng “gửi thẳng” sinh viên, giao cho các trường phổ
thông quản lý hoàn toàn. Vì vậy, tình trạng xin điểm, mua điểm của sinh viên là rất phổ biến. Để
đạt được chất lượng tốt hơn trong đào tạo giáo viên cũng như tăng cường mối quan hệ giữa Trường
Đại học Tây Bắc với các cơ sở sử dụng giáo viên, cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Trường Đại học Tây Bắc cần phát huy được vai trò của trường thực hành Chu Văn An coi đây
là “Giảng đường thứ hai” của sinh viên các khoa sư phạm. Ở đây sinh viên có thể củng cố, bổ sung
và nâng cao kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp mà mình đã được lĩnh hội trực tiếp từ các thầy, cô ở
giảng đường thứ nhất (giảng đường đại học). Đồng thời, sinh viên có thể thông qua các hoạt động
cụ thể ở trường thực hành sư phạm mà: “Tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục của trường
THPT; quan sát, tìm hiểu hoạt động giáo dục ở các khối lớp. . . ; tìm hiểu và thực hành các khâu
chuẩn bị dạy học, các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chuyên môn
nghiệp vụ của giáo viên... dự một số hoạt động mẫu về dạy học và giáo dục của giáo viên THPT;
tập dượt một số các hoạt động có chọn lọc về dạy học và giáo dục; dự một số giờ thực hành về
nghiệp vụ do các giảng viên trường đại học hoặc các giáo viên trường trung học phổ thông thực
hiện tại trường thực hành” [1].
- Đổi mới công tác thực tập sư phạm bao gồm [2]:
+ Tăng thời gian kiến tập.
93
Bùi Thị Nguyệt Quỳnh, Nguyễn Thị Hương JEM., Vol. 10 (2018), No. 1.
+ Tăng thời gian thực tập tập trung.
+ Tăng số tiết sinh viên phải lên lớp thực tập giảng dạy (để giáo viên hướng dẫn đánh giá , cho
điểm).
+ Tổ chức thực tập phải có giáo viên trường sư phạm trực tiếp làm trưởng đoàn và có từ 2 đến
3 giáo viên sư phạm khác (dạy các bộ môn có sinh viên đi thực tập) tham gia. Các giáo viên
sư phạm này phối hợp với giáo viên hướng dẫn ở các trường phổ thông để cho điểm sinh
viên về công tác chủ nhiệm lớp và thực tập giảng dạy. Phải nghiêm túc trong việc đánh giá,
cho điểm sinh viên về chất lượng thực tập và cả về ý thức tổ chức, kỷ luật.
+ Các trường phổ thông nhận sinh viên về thực tập phải là các trường tiên tiến.
+ Không dùng hình thức” gửi thẳng”.
- Giáo viên phụ trách phần nghiệp vụ sư phạm phải là giáo viên có uy tín chuyên môn, đã từng
kinh qua giảng dạy một hoặc hai học phần chuyên môn trở lên của trường đại hoc sư phạm hoặc là
giáo viên giỏi ở trường phổ thông nhiều năm. Yêu cầu và tạo điều kiện để các giảng viên dạy các
môn nghiệp vụ sư phạm gắn kết chặt chẽ hơn nữa với công tác thực hành của sinh viên thực tập tại
trường phổ thông. Việc xuống trường phổ thông để bàn bạc, trao đổi với giáo viên hướng dẫn, để
kiểm tra, đánh giá sinh viên của giảng viên đại học cũng cần đưa vào quỹ thời gian làm việc chính
thức, bắt buộc và có chế độ thanh toán về số tiết làm việc cho họ.
- Tăng cường liên hệ với Sở giáo dục và Đào tạo địa phương lân cận, thành lập hệ thống các
trường để gửi sinh viên kiến tập, thực tập. Những trường này là trường có chất lượng chuyên môn
cao, có bề dày truyền thống trong việc dạy và học có chất lượng cao. Giáo viên phổ thông hướng
dẫn thực tập phải là giáo viên dạy khá giỏi của trường và ngành. Tránh tình trạng có kiểu “xin
cho”, hiệu trưởng phổ thông tự ý cho giáo viên mà mình ưu ái được hướng dẫn thực tập và Khoa
hoặc trường vì mối thân tình nào đó với một trường phổ thông mà hợp đồng cho sinh viên mình
thực tập mà không tuân theo tiêu chuẩn cho phép. Hệ thống trường phổ thông và giáo viên hướng
dẫn thực tập phải được Sở giáo dục và Đào tạo địa phương duyệt.
- Cần có một cơ chế phối hợp thống nhất và có trách nhiệm cao từ phía các cơ sở đào tạo và sử
dụng giáo viên trong việc tổ chức thực tập sư phạm cho sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có
những văn bản chỉ đạo cụ thể để các Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia tích cực và có kết quả hơn
nữa vào việc này.
- Cần xây dựng một bộ tiêu chí và thống nhất đánh giá giữa giảng viên - giáo viên phổ thông
- sinh viên thực tập để mỗi đối tượng tiến hành việc đánh giá và tự đánh giá. Đồng thời cần sớm
xây dựng các tổ chức kiểm định độc lập để đánh giá một cách công bằng, khách quan, đúng đắn
những sinh viên đã tham gia kỳ thực tập và lấy đó làm căn cứ quyết định việc tốt nghiệp hay chưa
được tốt nghiệp của sinh viên.
- Hiện nay nhiều trường đào tạo giáo viên trên thế giới bắt buộc sinh viên “quay băng giờ dạy
thực tập” [3] của mình tại trường phổ thông. Với điều kiện như hiện nay, Trường Đại học Tây Bắc
hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này, yêu cầu sinh viên quay lại băng và đưa lên trang wed
nhà trường, việc làm này có hiệu quả vô cùng lớn có thể giúp sinh viên thực tập coi lại giờ dạy và
đối chiếu với những tiêu chí đánh giá để tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Giáo viên hướng dẫn có
thể xem lại giờ dạy để đánh giá sinh viên một cách chính xác hơn. Giảng viên đại học nghiên cứu
lại băng hình để đưa ra những nhận xét cho chuẩn xác đồng thời điều chỉnh lại giáo án, cách thức
94
THỰC TIỄN JEM., Vol. 10 (2018), No. 1.
giảng dạy cho phù hợp với thực tế ở trường phổ thông. Những video clip này cũng được dùng làm
tư liệu để giảng viên đại học giảng dạy cho những khóa sinh viên sau.
4. Kết luận
Trong đào tạo nhân lực cho ngành sư phạm, thực hành nghề nghiệp là một khâu không thể
thiếu, việc đổi mới phương pháp, tăng cường mối liên hệ giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng giáo
là một yêu cầu khách quan, xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội. Trường Đại học Tây Bắc
là trường trọng điểm, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho khu vực Tây Bắc
và cả nước. Trong những năm qua, trường đã không ngừng thực hiện đổi mới phương pháp giảng
dạy, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, công tác thực tập sư phạm,
đặc biệt là mối liên hệ với các trường phổ thông, mầm non vẫn chưa thực sự chặt chẽ, trường cần
có những giải pháp tích cực, hợp lí hơn trong vấn đề này, như vậy mới có thể thực hiện tốt vai trò
trọng điểm của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] A. Palinscar & A. Brown (1984), Cognitive and Instruction. https://doi.org/10.1207/
[2] A. Palinscar & A. Brown (1987), Intelligence and exceptionality: New directions in theory,
assessment and instructional practices, Norwood: Ablex.
[3] K. Meyer (2010), Diving into reading: Revisiting Reciprocal Teaching in the Middle Years,
New York: Longman.
[4] W.Rivers (1981), Teaching Foreign Language Skills, Chicago: The University of Chicago
Press.
[5] L. Vygosky (1978), Mind in society: The Development of Higher Psychological Processes,
Cambridge: The Havard University Press.
[6] M. Salehi & S.Vafakhal (2013), A comparative study of Reciprocal Teaching only (RTO)
and Explicit Teaching of Strategies before Reciprocal Teaching (ET-RT) on Reading
Comprehension of EFL Learners, Australian Journal of Basis and Applied Sciences 7 (2),
148-145.
ABSTRACT
The relationship between the Tay Bac University and the users of the teachers
in the training of human resources industry - the situation and solutions
Establishing a close link between teacher training institutions and teacher employment
facilities in pedagogic practice, to improve the quality of pedagogical human resources is an
indispensable objective of teacher education schools in general and Tay Bac University in
particular. In the process of training, Tay Bac University needs to approach innovation trends
and recognize its role to have positive and reasonable solutions that contribute to fundamentally
change the quality of pedagogical human resources.
Keywords: Teacher training, using teacher, Tay Bac University.
95

File đính kèm:

  • pdfmoi_lien_he_giua_truong_dai_hoc_tay_bac_va_cac_co_so_su_dung.pdf