Mô hình canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại tỉnh Kon Tum: Một phân tích ma trận SWOT
Tóm tắt: Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, kết hợp phân tích số liệu thống
kê, bài viết đánh giá thực trạng mô hình canh tác sâm dưới tán rừng của các nông hộ ở tỉnh
Kon Tum. Sử dụng phân tích SWOT, bài viết đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội
và nguy cơ của các nông hộ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở tỉnh Kon Tum. Trên
cơ sở đó, bài viết đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm phát triển nông hộ sản xuất sâm Ngọc
Linh tỉnh Kon Tum.
Bạn đang xem tài liệu "Mô hình canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại tỉnh Kon Tum: Một phân tích ma trận SWOT", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Mô hình canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại tỉnh Kon Tum: Một phân tích ma trận SWOT
62 Bùi Đức Hùng, Phan Thị Hoàn Mô hình canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại tỉnh Kon Tum: Một phân tích ma trận SWOT Bùi Đức Hùng Phan Thị Hoàn Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ Email liên hệ: duchungkhxh@gmail.com Tóm tắt: Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, kết hợp phân tích số liệu thống kê, bài viết đánh giá thực trạng mô hình canh tác sâm dưới tán rừng của các nông hộ ở tỉnh Kon Tum. Sử dụng phân tích SWOT, bài viết đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ của các nông hộ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm phát triển nông hộ sản xuất sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum. Từ khóa: Mô hình, Canh tác, Sâm Ngọc Linh, Nông hộ, Tỉnh Kon Tum. Model of Ngoc Linh ginseng cultivation under a forest canopy in Kon Tum province: A SWOT analysis Abstract: Based mainly on qualitative research method, combined with statistical analysis, the article assesses the current status of ginseng cultivation under the forest canopy by households in Kon Tum province. The article also analyses the strengths (S), weaknesses (W), opportunities (O) and threats (T) that farmers are facing in cultivating Ngoc Linh ginseng under natural forest canopy in Kon Tum province. Based on that, the article proposes a number of policy suggestions to promote Ngoc Linh ginseng production for the households, contributing to the goal of sustainable livelihood development for the local residents. Keywords: Model, Cultivation, Ngoc Linh ginseng, Households, Kon Tum province. Ngày nhận bài: 05/02/2020 Ngày duyệt đăng: 10/05/2020 1. Đặt vấn đề Trên thế giới, sâm là loại dược liệu quý, được người châu Á canh tác và sử dụng sớm, nhất là ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau này, sâm châu Mỹ (chủ yếu ở Bắc Mỹ thuộc Hoa Kỳ và Canada) và gần đây là sâm Ngọc Linh Việt Nam (Panax Vietnamensis). Từ loài cây trong tự nhiên, được chứng minh về giá trị dinh dưỡng, dược liệu trong y học, sâm đã trở thành loại cây được đưa vào canh tác và là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, cây sâm Ngọc Linh, từ lâu đời đã là một loại cây thuốc đối với đồng bào Xê-đăng cư trú trong vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Sau đó, sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học chứng minh là loại dược liệu quý hiếm từ năm 1973. Và gần đây, sâm Ngọc Linh đã trở thành một trong những “sản phẩm chủ lực” của tỉnh Kon Tum (UBND tỉnh Kon Tum, 2011) và được xác định là nông sản hàng hóa mang “thương hiệu quốc gia” (Văn phòng Chính phủ, 2018). Đồng thời, sâm Ngọc Linh cũng được định hướng phát Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 03 (65) - 2020 63 triển thành loại cây “quốc kế dân sinh”, góp phần thực hiện sinh kế bền vững cho người dân địa phương vùng sâm Ngọc Linh. Nhìn chung, các nghiên cứu về sâm Ngọc Linh đã công bố chủ yếu tập trung trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Đó là các nghiên cứu về hình thái cấu trúc gen, đặc điểm sinh học, khả năng nhân giống vô tính, hệ thống tế bào của cây sâm (Nguyễn Ngọc Dung, 1992; Dương Tấn Nhựt và cộng sự, 2009; Dương Tấn Nhựt và cộng sự, 2015; Vũ Thị Hiền và cộng sự, 2015; Nguyễn Nhật Linh và cộng sự, 2015); về công dụng trong y dược của sâm Ngọc Linh (Nguyễn Thị Thu Hương, 2002; Vũ Đức Vượng & cộng sự, 2014); về khả năng di thực cây sâm Ngọc Linh sang những vùng địa lý có điều kiện tự nhiên tương tự (Dương Tấn Nhựt & cộng sự, 2013) hay ở các điểm như Sa Pa, Lâm Đồng (Nguyễn Thị Bình & cộng sự, 2016) Tuy nhiên, các nghiên cứu về phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh dưới góc độ xã hội còn rất ít, đặc biệt là tiếp cận từ góc độ chủ thể sản xuất là nông hộ. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng mô hình canh tác sâm dưới tán rừng của nông hộ - đối tượng quan trọng mà chính sách phát triển sâm Ngọc Linh hướng đến. Áp dụng công cụ phân tích SWOT, bài viết phân tích và đánh giá những điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weakness), cơ hội (Opportunies) và nguy cơ (Threats) của các nông hộ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm phát triển các nông hộ sản xuất sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum. 2. Tổng quan mô hình canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng của các nông hộ tỉnh Kon Tum Về diện tích và số lượng cây trồng: Hiện nay, chưa có số liệu thống kê chính thức ở cấp xã hay huyện về quy mô, diện tích canh tác sâm Ngọc Linh của mỗi hộ hoặc của các hộ trong xã, do phần lớn các nông hộ vẫn tự canh tác “bí mật”. Thông tin từ phỏng vấn sâu và phỏng vấn bảng hỏi ở xã Măng Ri cho thấy, bản thân nông hộ cũng không đo chính xác diện tích canh tác. Nguyên nhân là do người dân trồng xen kẽ dưới tán rừng, và người Xê Đăng chưa có thói quen sử dụng thang đo quy chuẩn để tính toán chính xác mà chỉ ước lượng diện tích dựa vào số lượng và khoảng cách đo bằng tay giữa các cây trồng. Mặc dù vậy, kết quả từ phỏng vấn các nông hộ cho thấy, diện tích và số lượng cây trồng giữa các hộ không đồng đều, nhưng phần lớn quy mô nhỏ với những con số mang nhiều tính ước đoán như khoảng 0,1ha hay 1-3 sào, từ 5-6 gốc, 15, 20, 30 gốc hay thậm chí có 1.000 gốc. Nhìn chung, quy mô canh tác của nông hộ cũng như của nhóm nông hộ là rất nhỏ, chủ yếu tính theo số gốc hoặc diện tích dưới 1ha, phụ thuộc vào điều kiện sinh thái cụ thể. Về lao động và tổ chức lao động: Đối với các hộ canh tác sâm quy mô nhỏ và rải rác trong rừng thì lực lượng tham gia canh tác sâm chủ yếu vẫn là các lao động chính trong gia đình (thường từ 1-2 người). Bên cạnh đó, đã xuất hiện sự liên kết trồng sâm giữa các nông hộ, được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, vừa tự phát vừa có tổ chức. Các hộ là anh em, họ hàng cùng nhau đầu tư canh tác sâm tại một khu vực nhất định. Hoặc các hộ là hàng xóm láng giềng, dưới sự tổ chức của cán bộ xã đã cùng đầu tư canh tác phát triển sâm. Đặc điểm chung của mối liên kết này xuất phát từ sự quen biết, tin tưởng, hỗ trợ, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm lẫn nhau giữa các nông hộ trong mạng lưới xã hội được xây dựng dựa trên các quan hệ huyết thống, hôn nhân, hàng xóm hay bạn bè. Liên kết giữa các nông hộ là một xu thế đang được tích cực đẩy mạnh tại các xã Xốp, Mường Hoong và Ngọc Linh, khi gần đây ba xã này đã được công nhận thuộc vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) thông qua theo Quyết định số 2465/QĐ-SHTT ngày 30/07/2018 (Trần Hà, 2019). 64 Bùi Đức Hùng, Phan Thị Hoàn Kỹ thuật canh tác: Với mô hình phát triển sâm dưới tán rừng tự nhiên, quy trình canh tác từ khâu giống cho tới khâu thu hoạch chủ yếu được thực hiện theo kỹ thuật truyền thống. Về phương thức nhân giống, cây được đưa ra trồng đại trà dưới tán rừng đều được ươm từ hạt. Với nông hộ, nguồn giống canh tác rất đa dạng, do họ tự ươm hoặc tìm kiếm trong rừng, do đi mua lại từ người dân trong địa bàn (huyện) hay từ những nơi mà việc trồng sâm đã có từ sớm và phổ biến hơn như từ thương lái người Quảng Nam hoặc từ người quen (bạn bè, họ hàng, thông gia) ở Quảng Nam. Trong đó, phần lớn là họ tự mua từ người dân ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) - nơi người dân có kinh nghiệm lâu năm hơn trong việc canh tác sâm. Ngoài những hộ có vốn để mua giống sâm thì cũng có hộ sử dụng hình thức tự nhân, ươm giống theo truyền thống, đó là trồng đầu mầm từ cây trưởng thành và sử dụng hạt để ươm khi họ tìm được sâm mọc tự nhiên. Quy trình dọn đất để canh tác sâm cơ bản giống với phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống trên đất dốc của người Xê Đăng: phát - cốt - đốt - trỉa. Nhưng ở đây, thay vì đốt thì cây được dồn lại tới lúc phân hủy thành mùn rồi đem bón cho sâm. Sau công đoạn chuẩn bị đất từ tháng 1-3, sang tháng 4 khi mưa nhiều sẽ là công đoạn trồng cây. Sang năm thứ hai, khi cây đã sinh trưởng ổn định, người canh tác tập trung vào việc làm cỏ, bón mùn và điều chỉnh độ ẩm, lượng nước phù hợp với cây tùy theo điều kiện thời tiết. Hiện nay, việc canh tác sâm Ngọc Linh đang trở nên phổ biến và quen thuộc hơn với nhiều nông hộ, nhưng đó chỉ là một trong số các hoạt động sinh kế của họ. Trong số những hộ được phỏng vấn đang trồng sâm, đa số các hộ đều có các hoạt động sinh kế nông nghiệp khác như: trồng lúa, cà phê, hoặc trồng cây dược liệu như sâm dây và cây lâu năm như bời lời. So với các hoạt động nông nghiệp này, canh tác sâm là hoạt động sinh kế mới được người dân địa phương học hỏi và tích hợp thêm vào các sinh kế nông nghiệp truyền thống. Điều đó cho thấy tính chủ động tích cực đa dạng hóa sinh kế của cư dân địa phương. 3. Mô hình canh tác sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên: Phân tích SWOT 3.1. Điểm mạnh Canh tác sâm dưới tán rừng tự nhiên là một điểm mạnh đối với các hộ là người địa phương tại chỗ ở phương diện quen thuộc với môi trường tự nhiên. Là những cư dân sinh sống lâu đời ở vùng rừng núi Ngọc Linh, họ có hiểu biết về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và có tri thức thực tiễn trong canh tác nông nghiệp trên đất dốc. Chính vì thế, họ có vốn tri thức bản địa và kinh nghiệm trong việc lựa chọn địa điểm thích hợp để trồng sâm như: chọn nơi đất mùn đen - nơi có nhiều cây cối to lâu năm nhưng không quá rậm rạp (rừng già), có độ dốc vừa phải, cách xa khu vực thường xảy ra sạt lở hay lũ quét. Đặc biệt vị trí đó không được cách quá xa nguồn nước và phải thấp hơn nước nguồn. Tri thức kinh nghiệm của người dân địa phương trong việc tìm kiếm cây sâm tự nhiên, ươm gieo hạt giống theo phương thức truyền thống cũng được phát huy, nhất là trong thời kỳ đầu tỉnh Kon Tum thực hiện dự án bảo tồn sâm dựa vào cộng đồng. Một số kỹ sư có kinh nghiệm từng tham gia dự án cho biết, họ theo người dân địa phương vào rừng sâu để tìm những cây sinh trưởng trong tự nhiên đem về trồng và tiếp tục ươm nhân giống cây. Bởi vì rừng là không gian thực hành sinh kế truyền thống của người Xê Đăng, nên họ biết những nơi cây sâm thường mọc. Họ cũng đã chủ động gieo ươm và nhân rộng giống cây trồng cho gia đình, vốn tri thức đó đã thúc đẩy các hộ khác trong cộng đồng học theo để bảo tồn và phát triển sâm. Việc bảo tồn sâm từ cộng đồng cũng xuất phát chính từ vốn xã hội này và hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 03 (65) - 2020 65 với giá trị kinh tế rất cao của cây sâm, nhiều hộ gia đình đã tích cực, chủ động canh tác, phát triển sâm theo phương thức lan truyền, học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên khác. Bối cảnh sản xuất sâm đang có sức hút như hiện nay đã phát huy đáng kể tính chủ động của các nông hộ. Điều đó được thể hiện trong sự hình thành các mối liên kết sản xuất dựa trên quan hệ thân thích để giảm thiểu chi phí đầu tư, gia tăng vốn nhân lực, chia sẻ công việc trong canh tác sâm. Sự liên kết này cũng tương tự với hình thức “vần công, đổi công” vốn rất phổ biến trong sản xuất nông nghiệp truyền thống vào những thời điểm cần nhiều lao động ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn miền núi. Tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, từ những năm 1990, 1991, đã có một số hộ tự trồng rải rác trong rừng; từ năm 2010 bắt đầu có những nhóm hộ liên kết với nhau trồng tập trung tại một khu vực. Họ thường là những người trong cùng một gia đình (anh em cùng cha cùng mẹ) hoặc là người trong họ hàng với nhau. Việc đầu tư cây sâm giống là do các hộ tự làm và liên kết tự nguyện với nhau để bảo vệ chung khu vực trồng sâm. Ở các xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, đã hình thành các nhóm hộ và tổ hợp hộ liên kết canh tác sâm, được vận hành trên cơ sở luân phiên chăm sóc và chia đều thành quả lao động từ số tiền lãi bán hạt giống hoặc lấy hạt giống để tiếp tục nhân giống, mở rộng diện tích canh tác (Trần Hà, 2019). 3.2. Điểm yếu Hiện nay, thiếu vốn và giống cây là hai hạn chế lớn nhất của các nông hộ (Bảng 1). Canh tác sâm cần nguồn vốn lớn để đầu tư mua giống cây trồng và cơ sở vật chất để chăm sóc, bảo vệ vườn sâm. Nguồn giống cây đang ngày càng khan hiếm trong tự nhiên, trong khi đó các cơ sở sản xuất giống được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn lại chưa có đủ số lượng giống để cung cấp ra thị trường. Việc nhân giống theo phương thức truyền thống mất nhiều thời gian. Phải tới năm thứ hai mới có thể lấy hạt làm giống, chưa kể cần đánh giá kiểm định chất lượng hạt giống để đảm bảo cây sâm sinh trưởng tốt trong thế hệ tiếp theo. Theo kinh nghiệm của người trồng sâm lâu năm, ở nơi đất tốt, trồng 4-5 năm có hạt, có thể lấy hoa, hạt (khoảng 6,7,10 hạt/cây), cây càng già càng có nhiều hạt (20 hạt là cây khoảng hơn 10 năm). Chính vì sự khan hiếm trong nguồn giống mà giá mua hạt, cây giống rất cao, tới 200-300 nghìn đồng/hạt, một lon giống có giá tới trăm triệu đồng, giá cây giống 100 nghìn đồng /cây. Do nguồn vốn hạn chế, nhiều hộ không đủ khả năng mở rộng quy mô canh tác, không dám tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Điều đó khiến cho nhiều hộ, đặc biệt là hộ nghèo gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng canh tác sâm. Bảng 1: Mức độ khó khăn mà nông hộ gặp phải trong sản xuất sâm Ngọc Linh Chỉ tiêu Số hộ gặp khó khăn chia theo 5 cấp độ (hộ) Rất thấp Thấp Trung bình Cao Rất cao KT/KB Thiếu đất 9 4 2 4 0 1/0 Thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật 2 3 1 6 8 0/0 Thiếu vốn 0 0 0 10 10 0/0 Thiếu giống 1 3 0 6 10 0/0 Thiếu các dịch vụ hỗ trợ canh tác/chế biến 2 5 1 6 5 1/0 Thiếu lao động 6 1 4 5 3 1/0 66 Bùi Đức Hùng, Phan Thị Hoàn Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước 7 2 2 3 4 2/0 Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài 5 1 3 3 4 2/2 Thiếu sự liên kết về canh tác/chế biến trong nước 4 2 6 6 0 0/2 Thiếu sự liên kết về canh tác/chế biến với nước ngoài 3 1 5 3 4 2/2 Thiếu sự liên kết về tiêu thụ sản phẩm trong nước 4 0 5 5 3 1/2 Thiếu sự liên kết về thiêu thụ sản phẩm với nước ngoài 4 0 6 2 4 2/2 Nguồn: Kết quả điều tra bảng hỏi 23 hộ trồng sâm, trong đó có 3 phiếu không có thông tin đầy đủ, 20 phiếu có giá trị thống kê. Khả năng tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật (giống đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật canh tác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) của hộ trồng sâm còn hạn chế. Phương thức canh tác và kiến thức kỹ thuật của nông hộ chỉ là tri thức bản địa được đúc rút từ trải nghiệm của cộng đồng trong quá trình trồng, chăm sóc sâm và học hỏi từ những người đi trước. Phần lớn nông hộ chưa được tập huấn kỹ thuật canh tác sâm một cách bài bản. Nguyên nhân là tỉnh Kon Tum đang trong quá trình xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn canh tác sâm Ngọc Linh, mà chưa công bố và tập huấn rộng rãi. Đồng thời, trình độ học vấn của nông hộ - phần lớn là người Xê Đăng còn thấp (đa phần mới học hết cấp 1), bởi vậy họ cũng không có nhiều kiến thức và năng lực để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Điều kiện sinh thái với diện tích đất canh tác còn hạn chế khiến việc canh tác sâm chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ, chưa có số lượng thành phẩm đủ lớn để chế biến, chưa được chứng nhận thương hiệu đối với sản phẩm sâm củ. Nông hộ thường bán củ tươi trực tiếp cho thương lái hay người thu mua nhỏ nên việc đánh giá chất lượng sâm còn mang tính chủ quan, theo kinh nghiệm. 3.3. Cơ hội Giá trị kinh tế cao của sâm củ và các sản phẩm chế biến từ sâm là cơ hội lớn cho phát triển canh tác sâm của nông hộ. Theo chia sẻ của một kỹ sư lâu năm trong doanh nghiệp đầu tư phát triển sâm, “giá sâm củ hiện nay được chia làm 3 loại, trong đó: loại 3 là 70 triệu/kg, loại 2 là 90 triệu/kg, loại 1 là 110 triệu/kg - sau điều chỉnh còn 100 triệu/kg. Việc phân loại sâm căn cứ vào trọng lượng củ - tỷ lệ thuận với tuổi sâm (năm)” (nam, 46t, huyện Đắk Glei). Giá trị dinh dưỡng, dược tính của loài cây này đã được các nghiên cứu khoa học chứng minh và công bố rộng rãi, cùng với sự khan hiếm [1] trong tự nhiên đã nâng tầm giá trị kinh tế của nó. Bởi vậy, cơ hội về thu được lợi ích kinh tế cao từ canh tác sâm là một trong những nguyên nhân quan trọng để nhiều nông hộ đang dần chuyển đổi sản xuất, từ canh tác các loại cây trồng truyền thống sang đầu tư canh tác sâm. Chủ trương, chính sách của Nhà nước khuyến khích người dân phát triển sản xuất sâm. Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch, phê duyệt và cấp phép giao rừng và cho thuê rừng. Với người dân tộc thiểu số tại chỗ như người Xê Đăng, họ có thể canh tác sâm dưới tán rừng thông qua các Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 03 (65) - 2020 67 chương trình giao khoán bảo vệ rừng. Theo ý kiến của nhiều hộ, đất đai không phải là vấn đề cấp bách đối với họ trong việc canh tác phát triển sâm (Bảng 1). Với mục tiêu đưa canh tác sâm trở thành sinh kế bền vững cho người dân địa phương, trước đây, tỉnh Kon Tum đã triển khai dự án bảo tồn có sự tham gia của cộng đồng. Trong những năm gần đây, tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có cam kết liên kết với người dân địa phương để canh tác sâm. Qua đó, một bộ phận cư dân địa phương cũng được hưởng lợi từ các dự án và từ đó họ tự tiến hành canh tác sâm theo quy mô hộ gia đình. Trong mối liên kết nông hộ - doanh nghiệp này, nông hộ không cần góp vốn tài chính mà cung cấp nhân lực, còn toàn bộ kinh phí đầu tư đầu vào cho canh tác sâm đều do doanh nghiệp bỏ vốn (giống cây; chi phí thuê đất, trả công lao động, xây dựng cơ sở vật chất cho việc canh tác và bảo vệ sâm; các vấn đề về kỹ thuật). Mức độ quyền lợi của người dân liên quan chặt chẽ với thời gian cam kết làm việc cho công ty. Với những cá nhân cam kết làm việc lâu dài (ít nhất 5 năm) thì sẽ được đóng bảo hiểm. Đặc biệt, với những nhân viên cố định trực thuộc công ty, họ được cấp 100 gốc cây giống/năm, trồng chung trong khu vực sâm của doanh nghiệp nhưng phân biệt rõ vị trí, diện tích riêng. Bên cạnh đó, với chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách ở vùng nông thôn, người dân cũng có thể vay vốn tối đa 50 triệu và trả dần trong thời hạn 10 năm với lãi suất thấp, để đầu tư trồng sâm trên quy mô hộ gia đình. Với những thuận lợi từ chính sách và dự án mang lại, các hộ gia đình trồng sâm có thể có cơ hội huy động vốn, tri thức khoa học kỹ thuật mới để phát triển vườn sâm của mình. Đầu tư sản xuất sâm còn có cơ hội rất lớn về thị trường tiêu thụ. Sử dụng sản phẩm từ sâm là thị hiếu của người Việt nói riêng, của người châu Á nói chung. FAO (2015) nghiên cứu hệ thống canh tác và sản xuất sâm Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam là một trong ba thị trường chính (bên cạnh Hồng Kông và Đài Loan) tiêu thụ nhân sâm Hàn Quốc. Chính vì thế, chưa tính đến thị trường quốc tế, riêng thị trường nội địa Việt Nam cũng là cơ hội rất lớn dành cho sâm củ và các sản phẩm chế biến từ sâm. Sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, là cơ hội rất lớn để ứng dụng các thành tựu đó vào phát triển sản xuất sâm. Tại tỉnh Kon Tum, các ngành, địa phương đã tích cực tranh thủ các sự kiện lớn của tỉnh để kết nối làm việc, giới thiệu và kêu gọi đầu tư đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc về định hướng và hợp tác trong lĩnh vực dược liệu, trọng tâm là việc trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất và chất lượng dược liệu. 3.4. Thách thức Tuy cơ hội để nông hộ có thể phát triển sản xuất sâm dưới tán rừng tự nhiên ở tỉnh Kon Tum là rất lớn, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Để tiếp tục mở rộng mô hình canh tác sâm dưới tán rừng tự nhiên, điều thiết yếu là phải duy trì và phát triển diện tích rừng tự nhiên cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là cải thiện chất lượng rừng - yếu tố quan trọng đặc biệt cho sự tồn tại và phát triển sâm Ngọc Linh. Mặc dù diện tích rừng tự nhiên và độ che phủ rừng ở tỉnh Kon Tum vẫn cao so với nhiều tỉnh khác trong cả nước (năm 2018 tỷ lệ cge phủ rừng là 62,25%), song tỉnh đang đối mặt với chiều hướng suy giảm diện tích rừng tự nhiên. Năm 1999, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Kon Tum là 602.530 ha, thì con số đó tương ứng các năm 2005, 2015 và 2018 là: 597.662ha, 546.914ha và 545.782ha (Cục Kiểm lâm, 1999, 2005, 2015, 2018). Như vậy sau gần 20 năm, diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh đã giảm 56.748 ha. Hơn nữa, trong số diện tích rừng tự nhiên 68 Bùi Đức Hùng, Phan Thị Hoàn còn lại, không phải mọi vị trí đều có thể canh tác được sâm. Người dân canh tác quy mô nhỏ thường phải vào rừng sâu tìm những nơi có địa hình, độ che phủ thích hợp nhưng xa nơi ở, bất tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ sâm. Thiên tai, dịch bệnh là những thách thức lớn trong canh tác sâm dưới tán rừng tự nhiên. Sự thay đổi của thời tiết, biến đổi khí hậu dẫn tới tình trạng hạn hán hoặc mưa, lũ thất thường, gây thiệt hại cho sâm. Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho cây dễ bị chết, chẳng hạn như đang nắng nóng kéo dài sau đó có mưa dài ngày sẽ làm cho sâm bị thối. Loại cây này cũng dễ bị bệnh lá khô vàng rồi dần dần chết mà người dân không biết nguyên nhân. Với quy mô nhỏ, nguồn lực kinh tế hạn hẹp, kiến thức khoa học kỹ thuật còn hạn chế, người dân ứng phó với những tình huống trên cũng hết sức đơn giản và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để tìm địa điểm canh tác sâm thích hợp. Công tác bảo vệ sâm cũng là khó khăn rất lớn khi mà các hộ trồng sâm đang phải đối mặt trước nguy cơ trộm cắp. Bởi sâm có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư lớn, nên việc bảo vệ sâm tránh bị mất cắp rất được các hộ dân chú trọng. Các nông hộ thường tự liên kết để có nhân lực thay nhau bảo vệ vườn sâm, hoặc tiếp tục phương thức canh tác “giấu” - trồng bí mật ở những khu vực rừng sâu. 4. Kết luận và hàm ý chính sách Mặc dù không phải là chủ thể chủ lực trong đầu tư phát triển sản xuất sâm hiện nay ở tỉnh Kon Tum, nhưng vai trò và tầm quan trọng của những người dân địa phương trong chuỗi giá trị sản phẩm sâm Ngọc Linh là rất đáng kể. Do vậy, phát triển sâm Ngọc Linh - sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, cần được gắn kết với các mục tiêu cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cộng đồng cư dân địa phương, trong trường hợp này chính là cộng đồng người Xê Đăng sinh sống lâu đời ở vùng núi Ngọc Linh. Từ phân tích thực trạng mô hình canh tác sâm dưới tán rừng của các nông hộ ở tỉnh Kon Tum, cùng các kết quả phân tích SWOT, bài viết đề xuất một số hàm ý chính sách sau: Thứ nhất, xây dựng các chính sách hỗ trợ người nông dân phát huy điểm mạnh, tận dụng cơ hội để phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh. Bởi lẽ, người dân tại chỗ chính là lực lượng lao động chính, là nòng cốt trong việc gìn giữ và bảo vệ rừng trên địa bàn, vì rừng gắn bó với họ từ nhiều thế hệ qua các thực hành sinh kế và nghi lễ văn hóa; họ có vốn tri thức tộc người về thổ nhưỡng, đặc điểm tự nhiên, về các khu vực cụ thể trong rừng. Cần thúc đẩy và hỗ trợ họ hình thành các hợp tác xã sâm quy mô cấp thôn, xã. Bởi vì chỉ liên kết mới có thể mở rộng quy mô canh tác, đáp ứng được những đòi hỏi về ứng dụng công nghệ, đầu tư lớn về giống, lao động, canh phòng bảo vệ sâm, Và xa hơn nữa là thực hiện song song kết hợp giữa bảo tồn, phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh với bảo vệ và phát triển rừng dựa vào cộng đồng trong vùng sâm có chỉ dẫn địa lý. Thứ hai, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân khắc phục những điểm yếu, giúp họ vượt qua những nguy cơ, thách thức. Để có thể làm được điều đó, trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, cần phải trao truyền những tri thức mới trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi giá trị nông sản hàng hóa cho các hộ nông dân, giúp họ hiểu được vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình trong chuỗi giá trị đó. Theo đó, người dân cần được tập huấn, tiếp thu quy trình kỹ thuật chuẩn từ khâu nhân ươm giống cho tới khâu thu hoạch, bảo quản và có chứng nhận kiểm nghiệm chất lượng sâm cho nhóm chủ thể này. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn theo phương thức “cầm tay, chỉ việc” thì cũng cần thúc đẩy các kênh Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 03 (65) - 2020 69 truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và kiến thức về phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh tới đông đảo người dân. Chú thích [1]. Loài cây này càng trở nên khan hiếm trong tự nhiên do tình trạng khai thác quá mức trong những năm 1990-2000, khiến nó được liệt vào “Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “đang nguy cấp” (E) và Danh mục Thực vật rừng, Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ để hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại” - Theo Tra cứu thực vật rừng Việt Nam, net/chitiet.php?page=1&loai=2&ID=3151, truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2019. Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020; Đề tài TN18/X06 “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên trong bối cảnh liên kết vùng và hội nhập quốc tế mới”. Tài liệu tham khảo Baeg, I.H., So, S.H. (2013). The world ginseng market and the ginseng (Korea). Journal of Ginseng Research, 37 (1), 1-7. Truy xuất từ ngày 24/4/2020. Beyfuss, Robert L. (1999). Economics and Marketing of Ginseng, Agroforestry Notes (USDA- NAC). 14. Truy xuất từ https://digitalcommons.unl.edu/agroforestnotes/14, ngày 24/4/2020. Dương Tấn Nhựt và các cộng sự. (2009). Một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh khối cuả cây sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamensis Ha et Grushv.) nuôi cấy In Vitro và bước đầu phân tích hàm lượng Saponin. Tạp chí Công nghệ Sinh học, 3, 357 - 370. Dương Tấn Nhựt, Lê Quang Thọ, Nguyễn Đình Thành. (2013). Kết quả bước đầu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở Bình Định. Khoa học & Công nghệ Bình Định, 6, 6 - 8. Dương Tuấn Nhựt và các cộng sự. (2015). Đánh giá tác dụng tăng lực của saponin trong rễ tơ chuyển gen sâm Ngọc Linh. Tạp chí Công nghệ Sinh học, 1, 75 -82. FAO. (2015). Korean Ginseng-Agriculture System. Truy xuất từ bp826e.pdf, ngày 15/4/2020. Helms, M. M., & Nixon, J. (2010). Exploring SWOT analysis - where are we now? Journal of Strategy and Management, 3(3), 215 - 251. Truy xuất từ doi:10.1108/17554251011064837, ngày 28/3/2020. Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum. (2011). Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND Về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020. Kon Tum ngày ngày 5/8/2011. Li, T.S.C. (1995). Asian and American Ginseng - a review. HortTechnology, 1, 27 - 34. Truy xuất từ https://doi.org/10.21273/HORTTECH.5.1.27, ngày 24/4/2020. Ministry of the Environment, Conservation and Parks. (2019), American Ginseng (Panax quinquefolius) in Ontario - Ontario Recovery Strategy Series. Truy xuất từ https://www.ontario. ca/page/american-ginseng-recovery-strategy, ngày 23/4/2020. Nguyễn Ngọc Dung. (1992). Tái sinh cây sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamensis Ha et Grushv-ho Araliaceae) từ callus. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 4, 16 - 21. Nguyễn Nhật Linh và các cộng sự. (2015). Tăng cường khả năng hình thành và phát triển 70 Bùi Đức Hùng, Phan Thị Hoàn rễ thứ cấp từ rễ bất định sâm ngọc linh (panax vietnamensis) nuôi cấy in vitro. Tạp chí Công nghệ Sinh học, 2, 221 - 230. Nguyễn Thị Bình và các cộng sự. (2016). Bước đầu đánh giá khả năng di thực sâm ngọc linh tại một số vùng có điều kiện sinh thái tương tự núi Ngọc Linh. Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, kỳ 1+2, tháng 2/2016, 102 - 108. Nguyễn Thị Thu Hương. (2002). Tác dụng giải lo âu và chống trầm cảm của Majonosid-R2, hoạt chất chính trong sâm Việt Nam. Tạp chí Dược liệu, 5, 148 - 152. Ortiz, A.A. (2018). Economic Analysis of Production of American Ginseng in the Southeastern Region. ETD Collection for Tennessee State University. Paper AAI10786751. Truy xuất từ https://digitalscholarship.tnstate.edu/dissertations/AAI10786751, ngày 23/4/2020. Thủ tướng Chính phủ. (2017). Quyết định số 787/QÐ-TTg 2017 Về việc phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Hà Nội ngày 5/6/2017. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. (2004). Quyết định số 1824/QĐ-UB về việc Phê duyệt Dự án đầu tư: Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng. Kon Tum ngày 23/12/2004. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. (2007). Quyết định số 1480/QĐ-UBND Phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư: Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng. Kon Tum ngày 26/12/2007. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. (2011). Đề án Xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020. Kon Tum ngày 26/9/2011. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. (2013). Quyết định số 269/QĐ-UBND Về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Kon Tum ngày 17/4/2013. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum. (2018). Thực trạng, tiềm năng, định hướng và chính sách phát riển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác. Thành phố Kon Tum, tháng 9 năm 2018. Văn phòng Chính phủ. (2018). Thông báo số 369/TB-VPCP: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tại tỉnh Kon Tum, Hà Nội ngày 24/9/2018. Vũ Đức Vượng, Phan Văn Mạnh, Nguyễn Tùng Linh, Nguyễn Minh Phương. (2014). Tác dụng của viên nang sâm Ngọc Linh đến một số chỉ số chức năng tim mạch và thần kinh trung ương ở bộ đội hải quân. Tạp chí Sinh lý học Việt Nam, 2, 33 - 38. Vũ Thị Hiền và các cộng sự. (2015). Sử dụng kỹ thuật nuôi cấy lớp tế bào trong nghiên cứu quá trình phát sinh hình thái của cây sâm ngọc linh (Panax vietnamensis Ha et Grshv.) in vitro. Tạp chí Khoa học và phát triển, 4, 657 - 664. Website: Cục Kiểm lâm, bien-rung-hang-nam/. Website: https://www.journals.elsevier.com/journal-of-ginseng-research. Truy cập ngày 23/4/2020. Xu, W.; Choi, H.-K.; Huang, L. (2017). State of Panax ginseng Research: A Global Analysis. Molecules, 22, 1518.
File đính kèm:
- mo_hinh_canh_tac_sam_ngoc_linh_duoi_tan_rung_tai_tinh_kon_tu.pdf