Miền Đông Nam Bộ-Tổng quan về cơ cấu hành chính qua các thời kỳ lịch sử
Tóm tắt
Địa bàn miền Đông Nam Bộ ngày nay chính thức được cư dân người Việt khai phá từ
cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, khi vùng đất "từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại,
Cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng mấy ngàn dặm" như Lê Quý Đôn đã ghi nhận trong
Phủ biên tạp lục(1). Trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, miền Đông Nam Bộ có nhiều
thay đổi địa danh và cơ cấu hành chính cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ.
Trong bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát quá trình biến đổi cơ cấu hành chính ở miền
Đông Nam Bộ tương ứng với một số mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của vùng
đất này. Đó là, miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính phủ Gia Định (1698 - 1808), miền
Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thành Gia Định (1808 - 1936), miền Đông Nam Bộ
trong cơ cấu hành chính Nam Kỳ lục tỉnh (1836 - 1859), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành
chính thời Pháp thuộc (1959 - 1945), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thời kỳ
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành
chính từ sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất đến nay. Với việc trình bày
những biến đổi cơ cấu hành chính ở miền Đông Nam Bộ bài viết này sẽ góp phần hệ thống các
giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của một vùng đất, góp thêm tư liệu cho việc nghiên
cứu đặc điểm lịch sử, văn hóa của vùng Đông Nam Bộ.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Miền Đông Nam Bộ-Tổng quan về cơ cấu hành chính qua các thời kỳ lịch sử
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 3 MIỀN ĐÔNG NAM BỘ – TỔNG QUAN VỀ CƠ CẤU HÀNH CHÍNH QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ Nguyễn Văn Hiệp(1), Phạm Văn Thịnh(1) (1)Trường Đại học Thủ Dầu Một Ngày nhận 22/12/2016; Chấp nhận đăng 23/01/2017; Email:thinhpv@tdmu.edu.vn Tóm tắt Địa bàn miền Đông Nam Bộ ngày nay chính thức được cư dân người Việt khai phá từ cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, khi vùng đất "từ các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào toàn là rừng rậm hàng mấy ngàn dặm" như Lê Quý Đôn đã ghi nhận trong Phủ biên tạp lục(1). Trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, miền Đông Nam Bộ có nhiều thay đổi địa danh và cơ cấu hành chính cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày khái quát quá trình biến đổi cơ cấu hành chính ở miền Đông Nam Bộ tương ứng với một số mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của vùng đất này. Đó là, miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính phủ Gia Định (1698 - 1808), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thành Gia Định (1808 - 1936), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính Nam Kỳ lục tỉnh (1836 - 1859), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thời Pháp thuộc (1959 - 1945), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975), miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính từ sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất đến nay. Với việc trình bày những biến đổi cơ cấu hành chính ở miền Đông Nam Bộ bài viết này sẽ góp phần hệ thống các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của một vùng đất, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu đặc điểm lịch sử, văn hóa của vùng Đông Nam Bộ. Từ khóa: cơ cấu, hành chính, lịch sử, Đông Nam Bộ Abstract SOUTHERN REGION – OVERVIEW OF ADMINISTRATIVE STRUCTURES THROUGH HISTORICAL PERIODS The southeastern area today were officially reclaimed by Viet people from the late 16th century to early 17th century, when the land “from water gates of Can Gio, Loi Lap, Cua Đai, Cua Tieu inwards were totally thick forests ranging over thousands of miles” as noted by Le Quy Don in Phu bien tap luc [Records of soothing people in border regions]. Over three centuries of foundation and development, the Southeast has undergone many changes in place- names and administrative structures in accordance with the historical context of each period. In this article, we would hope to present an overview of the process of changing the administrative structures in the Southeast corresponding to some important historical milestones in the development of this land. That was, the southeastern region in the administrative structures of Gia Dinh District (1698-1808), the southeastern region in the administrative structures of Gia Dinh Citadel (1808-1836), the southeastern region in the administrative structures of Basse-Cochinchine (1836-1859), the southeastern region in the administrative structures in French Colonial period (1859-1945), the southeastern region in Nguyễn Văn Hiệp... Miền Đông Nam Bộ - Tổng quan về cơ cấu hành chính... 4 the administrative structures during the Resistance against French Colonists and American (1945-1975), the southeastern region in the administrative structures after the South liberation, country reunion, still now. With the presentation of changes in the administrative structures in the Southeastern region, this article would contribute to systematize the land’s historical stages of formation and development, providing one more source of information for further studies of the characteristics of historical and cultural figures of the Southeastern region. 1. Miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính phủ Gia Định (1698 - 1808) Cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, lớp cư dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung, thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, không chịu đựng nỗi cơ cực lầm than chốn quê nhà, đã xiêu tán về vùng Đông Nam Bộ tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Những địa bàn như Mô Xoài (Bà Rịa), Cù Lao Phố (Đồng Nai), Bến Nghé (thành phố Hồ Chí Minh), Ba Giồng, Vũng Gù (Long An)... là những nơi dừng chân sớm nhất của đoàn quân di cư người Việt (2). Từ thế kỷ XVII, dân cư ở Đông Nam Bộ đã phát triển nhanh hơn. Cùng với người Việt, cộng đồng người Hoa cũng di cư đến định cư ở các khu vực Đồng Nai, Bến Nghé, Thủ Dầu Một... Cuối thế kỷ XVII, khi làng xóm ngày càng đông, triều đình nhà Nguyễn đã bắt đầu thiết lập nền hành chính để cai quản. Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), Lê Hy Tông (chúa Minh)(3), sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lý. Nguyễn Hữu Cảnh đã "lấy Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, đặt xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt ra các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục để quản trị; nha thuộc thì có hai ty Xá sai và Tướng thần để làm việc; quân binh thì có tinh binh, thuộc binh thủy bộ gồm các cơ, đội, thuyền để bảo vệ "mở đất đai nghìn dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ dân lưu tán ở châu Bố Chính trở vào để ở cho đầy, đặt các xã thôn, phường ấp, chia cắt địa phận, trưng chiếm ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, làm ra sổ đinh, số điền", con cháu người người Trung Quốc ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương, đều biên vào sổ hộ khẩu(4). Theo cách chia cắt địa phận như trên, phủ Gia Định rộng khắp miền Đông Nam Bộ, được chia làm 2 huyện. Huyện Tân Bình trải rộng từ hữu ngạn sông Sài Gòn đến tả ngạn sông Tiền (gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang ngày nay), chia làm 2 tổng. Tổng Tân Long trải rộng từ vùng Chợ Lớn (quận 5 thành phố Hồ Chí Minh) đến sông Tiền. Tổng Bình Dương trải rộng từ Cần Giờ qua Tây Ninh đến biên giới Campuchia (bao gồm phần lớn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và một phần tỉnh Bình Dương (huyện Dầu Tiếng) ngày nay). Huyện Phước Long bao gồm 4 tổng: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An. Địa bàn huyện Phước Long bao gồm toàn bộ tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Bình Phước và phần lớn tỉnh Bình Dương ngày nay. Năm 1714, Mạc Cửu xin dâng chúa Nguyễn cho xứ Hà Tiên nhập bản đồ Việt Nam, được nhà Nguyễn chấp thuận và cử ông làm Thống binh trấn Hà Tiên. Năm 1732, chúa Nguyễn cho "đặt châu Định Viễn và đặt dinh Long Hồ". Châu Định Viễn bao gồm toàn bộ vùng đất Hà Tiên và các đạo Đồng Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu, Châu Đốc (Hậu Giang), Kiên Giang (Rạch Giá), Long Xuyên (Cà Mau)(5). Từ đó, phủ Gia Định bao gồm bao gồm cả vùng Nam Bộ rộng lớn. 2. Miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thành Gia Định (1808 - 1832) Năm 1808, vua Gia Long đổi trấn Gia Định làm thành Gia Định(6). Thành Gia Định là cấp hành chính lớn nhất ở Nam Bộ. Các dinh được đổi làm trấn. Cả Nam Bộ được chia thành 6 trấn: Phiên An, Định Tường, Biên Hòa, Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Bình Thuận. Miền Đông Nam Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 5 Bộ gồm 3 trấn: Phiên An, Định Tường, Biên Hòa. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi chép rất cụ thể về cơ cấu hành chính của các trấn. Trấn Phiên An – Phủ Tân Bình là một vùng đất rộng lớn phía bắc giáp trấn Biên Hòa trải ra đến Biển Đông, phía Tây đến Campuchia, phía Nam giáp Định Tường (bao gồm toàn bộ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương ngày nay). Trấn Phiên An – Phủ Tân Bình có 4 huyện, 8 tổng, 460 thôn phường, xóm ấp. Huyện Bình Dương có 2 tổng là Bình Trị và Dương Hòa. Tổng Bình Trị 76 thôn phường, xóm ấp; tổng Dương Hòa 74 thôn phường, xóm ấp. Huyện Tân Long có 2 tổng: Tân Phong và Long Hưng. Tổng Tân Phong có 76 thôn, phường, xóm ấp. Tổng Long Hưng có 74 thôn phường, xóm ấp. Huyện Phước Lộc có 2 tổng là Phước Điền và Lộc Thành. Tổng Phước Điền có 48 thôn phường, xóm ấp. Tổng Lộc Thành có 47 thôn phường, xóm ấp. Huyện Thuận An có 2 tổng là Thuận Đạo và Bình Cách. Tổng Thuận Đạo có 32 thôn phường, xóm ấp. Tổng Bình Cách có 33 thôn phường, xóm ấp. Trấn Biên Hòa – Phủ Phước Long bao trùm toàn bộ vùng đất phía đông và đông bắc của miền Đông Nam Bộ. Trịnh Hoài Đức mô tả trấn Biên Hòa: "sau lưng là núi, trước mặt là sông", "chuẩn định phía đông giáp núi Thần Mẫu, đặt trạm Thuận Biên, kéo dài sang phía bắc đều là động sách người man núi, phía nam giáp trấn Phiên An, trên từ suối Băng Bọt qua sông Đức Giang đến sông Bình Giang, vòng quanh về ngã ba Nhà Bè, thẳng xuống cửa Cần Giờ, qua Vũng Tàu ra núi Ghềnh Rái, lấy một dải sông dài làm giới hạn, phàm ở bờ bắc sông ấy là địa giới trấn Biên Hòa, phía đông giáp bể, phía tây đến đất man núi, từ đông sang tây cách 542 dặm rưỡi, từ nam sang bắc cách 287 dặm rưỡi, từ nam lên thành 55 dặm rưỡi"(7). Theo mô tả của Trịnh Hoài Đức, địa phận trấn Biên Hòa tương ứng với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương (trừ huyện Dầu Tiếng thuộc Phiên An) và huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) ngày nay. Trấn Biên Hòa - Phủ Phước Long gồm 4 huyện, 8 tổng, 310 xã thôn. Huyện Phước Chính có 2 tổng, 85 thôn phường, xóm ấp. Tổng Phước Vĩnh có 46 thôn phường, xóm ấp. Tổng Chánh Mỹ có 39 thôn phường, xóm ấp. Huyện Bình An có 2 tổng, 119 thôn phường, xóm ấp. Tổng Bình Chánh có thôn phường, xóm ấp. Tổng An Thủy có 69 thôn phường, xóm ấp. Huyện Long Thành có 2 tổng, 63 thôn phường, xóm ấp. Tổng Long Vĩnh có 34 thôn phường, xóm ấp. Tổng Thành Tuy có 29 thôn phường, xóm ấp. Huyện Phước An có 2 tổng, 43 thôn phường, xóm ấp. Tổng An Phú có 21 thôn phường, xóm ấp. Tổng Phúc Hưng có 22 thôn phường, xóm ấp. Trấn Định Tường – Phủ Kiến An là dải đất nối liền Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long. Trịnh Hoài Đức mô tả trấn Định Tường là "xứ ấy ruộng đất phì nhiêu, thủy bộ tiếp nhau, phía đông giáp biển, phía tây giáp nước Cao Miên... chuyển quanh sang phía bắc qua sông Hưng Hòa xuống sông Trà Giang, theo phía đông ra cửa biển Soi Rạp, một dải sông dài bờ phía nam sông ấy là địa phận trấn Định Tường; phía nam từ đồn Hưng Ngự đạo Tân Châu theo sông Tiền Giang kéo xiên về phía bắc vòng quanh sang phía đông, qua sông Hàm Luông, thẳng ra cửa biển Ba Lai, bờ phía bắc sông ấy là địa phận của trấn"(8). Căn cứ mô tả này, ta có thể xác định địa phận của trấn Định Tường thuộc địa phận Tiền Giang hiện nay. Trấn Định Tường - Phủ Kiến An gồm 3 huyện, 6 tổng, thôn phường, xóm ấp. Huyện Kiến Đăng gồm 2 tổng, 87 thôn phường, xóm ấp. Tổng Kiến Chế 44 thôn phường, xóm ấp. Tổng Kiến Phong 43 thôn phường, xóm ấp. Huyện Kiến Hùng có 2 tổng, 76 thôn phường, xóm ấp. Tổng Kiến Thuận 39 thôn phường, xóm ấp. Tổng Hưng Xương có 37 thôn phường, xóm ấp. Huyện Kiến Hòa có 2 tổng, 151 thôn phường, xóm ấp. Tổng Kiến Thịnh có 65 thôn phường, xóm ấp. Tổng Hòa Bình có 86 thôn phường, xóm ấp. Nguyễn Văn Hiệp... Miền Đông Nam Bộ - Tổng quan về cơ cấu hành chính... 6 3. Miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính Nam Kỳ lục tỉnh (1832 - 1859) Năm 1832, vua Minh Mạng cho giải thể cấp hành chính thành Gia Định, cấp hành chính trấn được đổi gọi thành tỉnh. Toàn Nam Kỳ được chia thành 6 tỉnh, ba tỉnh miền Đông là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường và 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Năm 1836, tỉnh Phiên An đổi tên thành tỉnh Gia Định. Từ đó, trong cơ cấu hành chính Nam Kỳ lục tỉnh, miền Đông Nam Bộ gồm 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Cơ cấu hành chính này ổn định cho đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi chép rất cụ thể về cương vực của mỗi tỉnh. Tỉnh Biên Hòa "phía đông giáp biển cả, phía tây đến sơn man, phía nam giáp tỉnh Gia Định, phía bắc giáp Bình Thuận"(9). Cơ cấu hành chính của tỉnh Biên Hòa gồm 2 phủ, 4 huyện và 3 huyện tinh nhiếp. Phủ Phước Long gồm 4 huyện: Phước Chánh, Bình An, Phước Bình, Nghĩa An. Huyện Phước Chánh có 5 tổng, 89 thôn phường, xóm ấp và 2 bang người Hoa. Huyện Bình An có 6 tổng, 56 thôn phường, xóm ấp, 2 bang người Hoa và 2 huyện tinh nhiếp. Huyện Phước Bình gồm 5 tổng, 60 thôn phường, xóm ấp. Huyện Nghĩa An có 5 tổng, 51 thôn phường, xóm ấp. Phủ Phước Tuy gồm 3 huyện: Phước An, Long Thành, Long Khánh. Huyện Phước An có 4 tổng, 42 thôn phường, xóm ấp. Huyện Long Thành có 4 tổng, 61 thôn phường, xóm ấp. Huyện Long Khánh có 6 tổng, 47 thôn phường, xóm ấp. Biên Hòa, Gia Định và Định Tường trong cơ cấu hành chính Nam Kỳ lục tỉnh vào đầu thời nhà Nguyễn cho đến trước năm 1841 (nguồn https://vi.wikipedia.org) Tỉnh Gia Định "phía nam đến sông Ngưu Chữ (Bến Nghé), giáp địa giới tỉnh Biên Hòa chừng 2 dặm, phía tây đến sông Cù Áo (Vũng Gù), giáp địa giới tỉnh Định Tường 99 dặm linh, phía bắc đến địa giới tỉnh Biên Hòa 182 dặm, phía đông nam đến biển, giáp địa giới tỉnh Định Tường 85 dặm, phía tây nam đến địa giới tỉnh Định Tường 80 dặm, phía tây bắc đến địa giới tỉnh Biên Hòa 89 dặm", "dựa núi, ba mặt đều có sông rộng, vũng lớn, một mặt đường bộ thẳng đến đất Man"(10). Tỉnh Gia Định được chia làm 3 phủ, 9 huyện. Phủ Tân Bình có 3 huyện, 16 Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 7 tổng, 288 xã thôn phường ấp. Phủ Tân Bình có 3 huyện: Bình Dương, Tân Long, Bình Long. Huyện Bình Dương có 6 tổng, 105 xã thôn phường ấp. Huyện Tân Long có 6 tổng 109 xã thôn phường ấp. Huyện Bình Long có 4 tổng, 74 xã thôn phường ấp. Phủ Tân An có 4 huyện: Cửu An, Phúc Lộc, Tân Hòa, Tân Thịnh. Huyện Cửu An có 4 tổng, 53 xã thôn phường ấp. Huyện Phước Lộc có 6 tổng, 94 xã thôn phường ấp. Huyện Tân Hòa có 4 tổng, 35 xã thôn phường ấp. Huyện Tân Thịnh có 4 tổng, 32 xã thôn phường ấp. Phủ Tây Ninh có 2 huyện: Tân Ninh và Quang Hóa. Huyện Tân Ninh có 2 tổng, 24 xã thôn. Huyện Quang Hóa có 4 tổng, 32 xã thôn. Tỉnh Định Tường, phía bắc và đông bắc giáp tỉnh Gia Định, phía nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây và tây nam giáp An Giang và Cao Miên (Campuchia), phía nam và đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long và An Giang, "bốn mặt đều là đồng bằng, sông ngòi tụ họp"(11). Thời Nam Kỳ lục tỉnh, tỉnh Định Tường có 2 phủ, 4 huyện. Phủ Kiến An có 2 huyện, 10 tổng, 157 thôn. Huyện Kiến Hưng có 5 tổng, 75 thôn. Huyện Kiến Hòa có 5 tổng, 82 thôn. Phủ Kiến Tường có 2 huyện, 9 tổng, 89 thôn. Huyện Kiến Phong có 4 tổng, 36 thôn. Huyện Kiến Đăng có 5 tổng, 51 thôn. 4. Miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thời Pháp thuộc (1859 - 1945) Tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp hiệp định Nhâm Tuất nhượng đứt cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Dựa trên cơ sở hiệp định Nhâm Tuất, thực dân Pháp đã tiến hành xếp đặt việc cai trị theo phong cách và luật lệ Pháp. Ngày 1/7/1863, Pháp ban hành sắc lệnh về cai trị và chi thu; đến 29/6/1864, Pháp quyết định tổng quát việc hành chính và cai trị bản xứ. Từ đây cơ cấu hành chính ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ có nhiều thay đổi. Khởi đầu, thực dân Pháp thiết lập thành phố Sài Gòn với quy mô dự kiến 2.500ha, dân số 500 - 600 ngàn người. Sau nhiều lần thay đổi, đến năm 1865, Pháp ban hành nghị định lập quy chế thành phố Sài Gòn và đặt ranh giới thành phố trong phạm vi địa phận ... đô thị Chợ Lớn (khu vực quận 5, quận 6 và quận 11 thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Ngoài hai đô thị Sài Gòn và Chợ Lớn, cơ cấu hành chính 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vẫn giữ nguyên như thời nhà Nguyễn. Tỉnh Gia định gồm ba phủ: Tân Bình, Tây Ninh, Tân An. Tỉnh Biên Hòa có 2 phủ Phước Long và Phước Tuy. Tỉnh Định Tường có 2 phủ Kiến An và Kiến Tường. Năm 1867, sau khi chiếm xong 3 tỉnh miền Tây và thiết lập bộ máy cai trị toàn Nam Kỳ, ngày 5/6/1867, Pháp ra nghị định phân chia hành chính 6 tỉnh Nam Kỳ thành 24 khu tham biện(12). Theo nghị định này, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ được chia thành 16 khu tham biện. Tỉnh Gia Định được chia thành 7 khu tham biện. Khu tham biện Sài Gòn, bao gồm châu thành (lỵ sở) Sài Gòn, 2 huyện Bình Dương và Bình Long. Khu Tham biện Chợ Lớn có châu thành Chợ Lớn và huyện Tân Long. Khu tham biện Tân Hòa bao gồm châu thành Gò Công và huyện Tân Hòa. Khu tham biện Phước Lộc có châu thành Cần Giuộc và huyện Phước Lộc. Khu tham biện Tân An có châu thành Bình Lập, huyện Tân Thạnh, huyện Cửu An. Khu tham biện Tây Ninh có châu thành Tây Ninh và huyện Tây Ninh. Khu tham biện Quang Hóa có châu thành Trảng Bàng, hai huyện Quang Hóa và Tân Ninh. Tỉnh Biên Hòa có 5 khu tham biện. Khu tham biện Biên Hòa, có châu thành Biên Hòa, huyện Phước Chánh. Khu tham biện Bà Rịa có châu thành Bà Rịa và huyện Phước An. Khu Nguyễn Văn Hiệp... Miền Đông Nam Bộ - Tổng quan về cơ cấu hành chính... 8 tham biện Long Thành có châu thành Long Thành và huyện Long Thành. Khu tham biện Bình An có châu thành Thủ Dầu Một và huyện Bình An. Khu tham biện Nghĩa An, châu thành Thủ Đức và huyện Nghĩa An(13). Tỉnh Định Tường có 4 khu tham biện. Khu tham biện Kiến An (hay Kiến Hưng) địa bàn Phủ Kiến An và kiêm lý huyện Kiến Hưng. Khu tham biện Kiến Hòa (huyện Kiến Hòa). Khu tham biện Kiến Đăng (sau đổi thành Cai Lậy). Khu tham biện Kiến Tường gồm Phủ Kiến Tường và kiêm lý huyện Kiến Phong. Từ năm 1867 đến năm 1900, thực dân Pháp có một vài thay đổi, thêm bớt hoặc tách nhập các khu tham biện. Ở Gia Định, đổi khu tham biện Sài Gòn thành khu tham biện Gia Định, giải thể khu tham biện Phước Lộc nhập vào khu tham biện Chợ Lớn. Ở Định Tường, khu tham biện Kiến An dời về Mỹ Tho và đổi thành khu tham biện Mỹ Tho. Khu tham biện Kiến Hòa dời về Chợ Gạo và đổi thành khu tham biện Chợ Gạo. Thành lập thêm khu tham biện Gò Công...(14). Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định đổi các khu tham biện thành tỉnh. Toàn Nam Kỳ có 21 tỉnh. Theo đó, miền Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công và hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn. Đến năm 1931, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn nhập chung khu Sài Gòn Chợ Lớn. Cơ cấu hành chính này ổn định đến năm 1945. 5. Miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975) Ngay sau cách mạng tháng tám thành công, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Đặc điểm tình hình giai đoạn này về mặt quản lý hành chính là có hai chính quyền song song tồn tại. Một là chính quyền thực dân do Pháp dựng lên với tên gọi Chính quyền quốc gia Việt Nam, chủ yếu kiểm soát các đô thị và các vùng nằm trên các trục giao thông chính. Hai là chính quyền cách mạng (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), cụ thể là Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và các cấp ủy ban kháng chiến từ tỉnh đến huyện, xã có nhiệm vụ tổ chức nhân dân kháng chiến và quản lý xã hội. Ở Nam Bộ, về quân sự, thực dân Pháp có thành lập một số quân khu nhưng về hành chính thì vẫn duy trì tổ chức 22 tỉnh cũ ở Nam Bộ như trước. Miền Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn với hệ thống hành chính 4 cấp là: tỉnh, quận, tổng, làng. Về phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau cách mạng tháng tám, các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ vẫn giữ nguyên tên gọi và ranh giới cũ. Riêng thành phố Sài Gòn Chợ Lớn được gọi là đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ lấy 4 xã của Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn) lập ra khu Đông Thành (năm 1948 giải thể). Năm 1951, để đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ đã điều chỉnh lại cơ cấu hành chính các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ. Theo đó, một số xã của tỉnh Tân An nhập với tỉnh Gò Công và Mỹ Tho thành tỉnh mới là Tân Mỹ Gò. Một phần đất của tỉnh Tân An sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp (khác với tỉnh Đồng Tháp ngày nay). Một phần đất của Tân An và Chợ Lớn nhập với tỉnh Bà Rịa thành tỉnh Bà Chợ. Một phần đất của Chợ Lớn nhập với tỉnh Gia Định và Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh. Hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa nhập thành tỉnh Thủ Biên. Cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp địa giới hành chính miền Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Thủ Biên, Gia Định Ninh, Bà Chợ, Mỹ Tân Gò, Đồng Tháp và đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn. Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 9 Sau Hiệp định Giơnevơ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn giữ nguyên gianh giới hành chính các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Năm 1955, Khu Sài Gòn Chợ Lớn được đổi thành đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và năm 1956 đổi thành đô thành Sài Gòn. Cũng từ năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập một số tỉnh mới. Sắc lệnh 21 (17/2/1956) tách quận Mộc Hóa của tỉnh Tân An thành lập tỉnh Mộc Hóa (tháng 10/1956 đổi tên thành tỉnh Kiến Tường). Phần đất của tỉnh Tân An còn lại nhập chung với một phần tỉnh Chợ Lớn cũ thành tỉnh Long An. Tháng mười năm 1956 chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một nhập chung với một phần tỉnh Biên Hòa để thành lập các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long (sắc lệnh 143-NV, ngày 22/ 10/1956). Cùng thời điểm này, một phần tỉnh Biên Hòa được tách ra thành lập tỉnh Long Khánh. Một phần của tỉnh Biên Hòa sáp nhập với một phần tỉnh Bình Thuận để thành lập tỉnh Bình Tuy. Tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu nhập lại thành tỉnh Phước Tuy (sau thêm quần đảo Trường Sa). Từ năm 1957, dưới thời Đệ nhất cộng hòa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa định danh rõ tên gọi khu vực là Đông Nam Bộ là một khu vực hành chính với tên gọi Miền Đông Nam phần, đại diện bởi Tòa Đại biểu Chính phủ cho tỉnh thành: Đô thành Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Long An. Năm 1959, cắt một phần đất của 2 tỉnh Biên Hòa và tỉnh Phước Long lập ra tỉnh Phước Thành (tỉnh này tồn tại đến năm 1965 thì giải thể). Năm 1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tách một phần của các tỉnh Long An, Gia Định và Tây Ninh thành lập tỉnh Hậu Nghĩa (sắc lệnh số 124-NV, ngày 15/10/1963). Tháng 11/1963 Đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ và đơn vị Miền Đông Nam phần bị xóa bỏ tuy danh từ này vẫn thông dụng, chỉ định khu vực địa lý. Từ năm 1966- 1975 thời Đệ nhị Cộng hòa, Miền Đông Nam phần bao gồm 12 tỉnh thành: Đô thành Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Hậu Nghĩa, Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Long An. Về phía cách mạng, từ năm 1954 đến năm 1969 là giai đoạn chưa có chính quyền, chức năng lãnh đạo lực lượng chính trị, vũ trang và phát động tổ chức đấu tranh do các cấp ủy Đảng đảm nhiệm. Để thuận lợi cho việc chỉ đạo, ứng phó kịp thời với chủ trương, âm mưu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chính quyền cách mạng giữ nguyên cơ cấu hành chính cấp tỉnh, thành, đồng thời, ở từng thời điểm cho thành lập các khu, phân khu để chỉ đạo cách mạng. Năm 1961, miền Đông Nam Bộ thành lập 2 khu: Khu Sài Gòn Gia Định và Khu 7 (gồm các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, Phước Thành, Phước Long, Tây Ninh). Riêng Kiến Tường và Long An chuyển sang khu 8. Tháng 12/1962, thành lập Khu 10 gồm các tỉnh Phước Long, Bình Long, Quảng Đức, Lâm Đồng. Cuối năm 1963 giải thể Khu 10 và năm 1966 thành lập lại gồm các tỉnh Phước Long, Bình Long, Quảng Đức. Năm 1967, các khu được giải thể để thành lập 6 phân khu. Phân khu nội đô Sài Gòn. Phân khu 1 gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp (tỉnh Gia Định), Bến Cát, Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Phân Khu 2 gồm các huyện Tân Bình, Bắc Bình Chánh, các quận 3, 5, 6 Sài Gòn, các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Thủ (tỉnh Long An). Phân khu 3 gồm các huyện Nhà Bè, Nam Bình Chánh, các quận 2, 4, 7, 8 (Sài Gòn) và các huyện Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An). Phân khu 4 gồm các quận 1, 9, 10 (Sài Gòn), các huyện Thủ Đức, Cần Giờ (Gia Định), Long Thành, Nhơn Trạch, Bình Sơn (Biên Hòa). Phân khu 5 gồm Phú Nhuận, Bắc Thủ Đức (Sài Gòn), các huyện Tân Uyên, Độc Lập (Biên Hòa), các huyện Phú Giáo, Lái Thiêu, Châu Thành, Dĩ An, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ngoài 6 phân khu trên, các tỉnh Bà Rịa, Biên Nguyễn Văn Hiệp... Miền Đông Nam Bộ - Tổng quan về cơ cấu hành chính... 10 Hòa, Tây Ninh và Khu 10 được giữ nguyên. Tháng 3/1968, khu 7 được tái lập gồm địa bàn Phân khu 4, tỉnh Bà Rịa, Long Khánh và Biên Hòa. Năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chuyển giao chức năng nhà nước cho chính phủ Cách mạng lâm thời. Từ đây, hệ thống chính quyền cách mạng với hệ thống Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp hình thành. Ở miền Đông Nam Bộ, Ủy ban nhân dân cách mạng hình thành theo các cấp: phân khu, tỉnh, quận, xã theo tổ chức chiến trường như trình bày trên. Năm 1970 thành lập phân khu 23 Long An (bao gồm phân khu 2 và phân khu 3. Năm 1971 giải thể khu 10, thành lập phân khu Bình Phước gồm 2 tỉnh Bình Phước và Phước Long. Năm 1971 giải thể khu 7, thành lập hai phân khu mới: phân khu Bà Biên (gồm Bà Rịa, Long Khánh và phân khu 4) và phân khu Thủ Biên (gồm Biên Hòa và phân khu 5). Năm 1972 giải thể các phân khu và thành lập lại khu 7 (khu Miền Đông) và khu Sài Gòn. Năm 1974 khu miền Đông thống nhất tên gọi là Khu 7. Đầu năm 1975 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước tách khỏi Khu 7 trực thuộc Trung ương Cục Miền Nam và Bộ Chỉ huy miền. Hệ thống tổ chức hành chính này tồn tại đến ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975)(15). 6. Miền Đông Nam Bộ trong cơ cấu hành chính từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay (1975 - 2016) Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định giải thể các khu, phân khu và hợp nhất một số tỉnh thành. Ở miền Đông Nam Bộ, đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Hậu Nghĩa, một phần tỉnh Bình Dương (quận Phú Hòa), một phần tỉnh Biên Hòa (Quảng Xuyên và Cần Giờ) hợp nhất thành thành phố Hồ Chí Minh. Sáp nhập các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long thành tỉnh Sông Bé. Sáp nhập một phần tỉnh Hậu Nghĩa cùng với Long An và Kiến Tường thành lập tỉnh Long An mới. Sáp nhập Biên Hòa với Bà Rịa (kể cả Vũng Tàu) (tức tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng hòa) và Long Khánh thành tỉnh Đồng Nai. Sáp nhập một phần tỉnh Hậu Nghĩa về tỉnh Tây Ninh (quận Trảng Bàng). Sáp nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang. Năm 1979, lập Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo. Năm 1991, lập tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo và 3 huyện thuộc tỉnh Đồng Nai vốn thuộc tỉnh Bà Rịa trước kia (Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc). Năm 1997 tách Sông Bé thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước. Năm 1998, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 1999 – 2010 gồm bốn tỉnh, thành (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh) với mục tiêu xây dựng vùng kinh tế có tốc độ phát triển cao hơn so với các vùng khác trong nước, đi đầu trong một số lĩnh vực quan trọng, tạo động lực cho quá trình phát triển của Nam Bộ và góp phần thúc đẩy nền kinh tế cả nước. Tiếp đó, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng, bổ sung 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Long An. Năm 2005, Chính phủ quyết định đưa Tiền Giang vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thành một vùng kinh tế liên kết bao gồm tám tỉnh, thành (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang). Như vậy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn toàn nằm trong địa giới hành chính của khu vực Miền Đông Nam Bộ xưa. Bảng thống kê sau đây cho biết một số thông tin về cơ cấu hành chính của các tỉnh Đông Nam Bộ - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay: Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(33)-2017 11 STT Tỉnh / thành phố Thành phố Quận Thị xã Huyện Diện tích (km 2 ) Dân số (2014) 1. TP. Hồ Chí Minh 19 5 2.095,0 8.244.400 2. Bình Dương 1 4 4 2.695,5 1.802.500 3. Đồng Nai 1 1 9 5.907,2 2.872.700 4. Bà Rịa Vũng Tàu 2 6 1.982,2 1.059.800 5. Bình Phước 3 8 6.857,3 905.300 6. Tây Ninh 1 8 4.029,6 1.104.237 7. Long An 1 1 13 4.491,9 1.469.900 8. Tiền Giang 1 2 8 2.508,6 1.716.086 Tổng cộng 30.567,3 18.278.676 CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO (1) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Viện Sử học và NXB Văn hóa Thông tin, 2006, trang 442. (2) Dấu ấn những địa danh người Việt khai phá sớm ở miền Đông Nam Bộ được ghi lại trong nhiều tư liệu lịch sử, có thể tham khảo các tác phẩm như: Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục (1998), Đại Nam nhất thống chí, Viện Sử học và NXB Thuận Hóa (1992), Chu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, NXB Thế giới (2006), Phan Quang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học (2001). (3) Lê Hy Tông (1675 - 1716), được người đời ca ngợi là vị vua anh minh đức độ bậc nhất thời Lê Trung Hưng. Đời Hy Tông đặt hai niên hiệu là: Vĩnh Trị (1/1676 đến 9/1680) và Chính Hòa (10/1680 đến 3/1705). Xem Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2001), Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên. (4), (5) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục (1998), trang 77, 78. (6) Gia Long năm thứ 7, ngày 12 tháng giêng. Xem Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục (1998), trang 82. (7) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục (1998), trang 86. Sông Bình Giang nay là sông Sài Gòn. Sông Đức Giang là một phần sông Sài Gòn (đoạn gần Thủ Đức). (8) Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, NXB Giáo dục (1998), trang 104. (9) (10) (11) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Viện Sử học dịch, NXB Thuận Hóa, 2006, trang 45, 232, 242, 105. (12) Khu tham biện theo nguyên tiếng Pháp là các khu thanh tra (Inspection), do các viên thanh tra hành chính (Inspectuer) đảm nhiệm. Nhân dân ta ngày trước quen gọi là "Tòa tham biện" hay "Tòa bố", do viên tham biện hay quan bố đứng đầu. (13) Châu thành là trung tâm hành chính, sở lỵ. (14) Theo Địa chí Tiền Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam UNESCO, 2005. (15) Lâm Hiếu Trung (chủ biên), Lịch sử Đảng bộ Miền Đông Nam Bộ lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), NXB Chính trị Quốc gia, 2003. (16) Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, Địa chí Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia, 2010. (17) Thạch Phương - Lưu Quang Tuyến (chủ biên), Địa chí Long An, NXB Long An, NXB Khoa học Xã hội 1989.
File đính kèm:
- mien_dong_nam_bo_tong_quan_ve_co_cau_hanh_chinh_qua_cac_thoi.pdf