Lế hội Yên Tử cuộc hành hương về cõi phật

Tóm tắt: Những năm gần đây, lễ hội Yên Tử đang thu hút khách hành

hương từ khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế. Yên Tử luôn là

điểm đến lý tưởng của du khách không chỉ riêng vào mùa lễ hội, mà

còn trong thời gian suốt cả năm. Bởi vì, Yên Tử vừa là một khu di tích

nổi tiếng, vừa là một vùng sinh thái lý tưởng đối với con người hiện

đại. Sau lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử đang là lễ hội hành hương

lớn thứ hai vào mùa xuân ở nước ta với cả quy mô lẫn thời gian trẩy

hội. Bài viết này tập trung phân tích những tiềm năng để lễ hội Yên

Tử trở thành một lễ hội trọng điểm trong đời sống văn hóa tâm linh

của người Việt Nam trong thời gian tới.

pdf 6 trang phuongnguyen 4420
Bạn đang xem tài liệu "Lế hội Yên Tử cuộc hành hương về cõi phật", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Lế hội Yên Tử cuộc hành hương về cõi phật

Lế hội Yên Tử cuộc hành hương về cõi phật
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 – 2014 41 
LÊ HỒNG LÝ(*) 
LẾ HỘI YÊN TỬ 
CUỘC HÀNH HƯƠNG VỀ CÕI PHẬT 
Tóm tắt: Những năm gần đây, lễ hội Yên Tử đang thu hút khách hành 
hương từ khắp mọi miền đất nước và du khách quốc tế. Yên Tử luôn là 
điểm đến lý tưởng của du khách không chỉ riêng vào mùa lễ hội, mà 
còn trong thời gian suốt cả năm. Bởi vì, Yên Tử vừa là một khu di tích 
nổi tiếng, vừa là một vùng sinh thái lý tưởng đối với con người hiện 
đại. Sau lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử đang là lễ hội hành hương 
lớn thứ hai vào mùa xuân ở nước ta với cả quy mô lẫn thời gian trẩy 
hội. Bài viết này tập trung phân tích những tiềm năng để lễ hội Yên 
Tử trở thành một lễ hội trọng điểm trong đời sống văn hóa tâm linh 
của người Việt Nam trong thời gian tới. 
Từ khóa: Lễ hội Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm, Trần Nhân Tông, du 
lịch tâm linh. 
1. Một vài dữ liệu về khu di tích Yên Tử 
Khu di tích Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh 
Quảng Ninh là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước. Danh 
thắng này gắn liền với tên tuổi của vua Trần Nhân Tông khi ông nhường 
ngai vàng đến đây tu hành và lập ra một dòng Phật giáo riêng của nước ta 
đó là Phật giáo Trúc Lâm. Sau này, ông được coi là vị tổ đầu tiên của 
dòng Phật giáo này với tên gọi Điều Ngự Giác Hoàng. Khi đến tu hành 
tại đây, ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình gồm chùa, am, tháp... 
làm nơi tu tập và truyền giảng. Sử sách đã ghi nhận, trong thời gian 19 
năm tu hành của ông, khoảng 800 chùa, am, tháp đã được xây dựng trong 
cả nước, đó là một công việc hết sức đồ sộ. Riêng tại khu vực Yên Tử, 
nổi tiếng nhất là Chùa Đồng được dựng trên đỉnh núi Yên Tử cao 1.068 
mét nằm trong dãy núi Đông Triều. Từ đây, vào những ngày trời quang 
mây tạnh, du khách có thể quan sát cả một vùng Đông Bắc rộng lớn và 
hùng vĩ của đất nước, đặc biệt là ngắm toàn cảnh vịnh Hạ Long từ trên 
cao với cảm giác kì thú. Hơn nữa, đứng trên đỉnh Yên Tử bên Chùa 
*. GS. TS., Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 42 
Đồng, du khách thực sự như đang đứng trong mây, hay như Nguyễn Trãi 
viết: “Nói cười ở giữa mây xanh”. Đó cũng là một cảm giác thú vị khác 
của Yên Tử mà ít nơi có được. 
Cùng với Chùa Đồng, tại khu di tích Yên Tử còn cả chục ngôi chùa 
khác và hàng trăm tháp, am nằm rải rác trong một không gian rộng lớn 
của núi rừng hùng vĩ. Ngoài ngọn tháp cổ cao ba tầng bằng đá và rừng 
tháp gắn liền với biết bao huyền thoại về vua Trần Nhân Tông, một điều 
hấp dẫn khách hành hương là những chùa, am, tháp ấy cứ ẩn hiện trong 
rừng núi làm người ta khi leo núi vừa đến lúc mệt mỏi bỗng lại hiện ra 
một di tích, vậy là mọi mệt mỏi lại tiêu tan bởi sự háo hức khám phá bất 
ngờ. Mỗi di tích đều kèm theo nhiều giai thoại hay những câu chuyện 
lịch sử có thật càng làm cho du khách thêm tò mò, thích thú. Những điểm 
nhấn chính của khu di tích Yên Tử là suối Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa 
Vân Tiên và điểm cuối cùng là Chùa Đồng. Trên trục chính ấy, du khách 
còn gặp những Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng Yên Kỳ 
Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, Thác Vàng, Thác Bạc, Thiền viện Trúc 
Lâm và nhiều am, tháp, thắng cảnh khác. 
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm và 
cũng kéo dài suốt mùa xuân. Ca dao xưa có câu: “Trăm năm tích đức tu 
hành/ Chưa đi Yên tử, chưa thành quả tu”. 
Giống như lễ hội Chùa Hương, đi lễ hội Yên Tử xưa kia là một hành 
trình vất vả, có lẽ vì thế mà đến được đến những nơi thiêng liêng như vậy 
trong cuộc đời một con người quả thực là một niềm mơ ước lớn. Vả lại, 
nếu đi lễ ở những nơi khác, khách hành hương chỉ có thể được chiêm 
ngưỡng một vài di tích, thì đến đây là cả một quần thể danh thắng, đó là 
chưa nói đến sự linh thiêng và giá trị lịch sử của nó. Vì vậy, để đi được 
Yên Tử, với một Phật tử bình thường trước đây là cả một mong ước và 
khi có điều kiện cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Bởi vì, chỉ đi bộ từ chân 
núi đến được Chùa Đồng chiều dài đã là hơn 6.000 mét rồi. Cho nên, đi 
lễ hội Yên Tử xưa thực sự là một cuộc hành hương về đất Phật. Đến đây, 
du khách được thưởng thức danh lam thắng cảnh, được lễ Phật và nghe 
giảng kinh, được thanh thản tâm hồn sau những ngày lao động vất vả. 
2. Tiềm năng của lễ hội Yên Tử trong thời hiện đại 
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, lễ hội Yên Tử thực sự có tiềm năng 
phát triển mạnh mẽ bởi khá nhiều lý do. Ở đây, chúng tôi chỉ dừng lại ở 
một vài lý do trong số đó. 
Lê Hồng Lý. Lễ hội Yên Tử 43 
 43 
Trước tiên là một trải nghiệm cá nhân khi hành hương đến khu danh 
thắng Yên Tử nổi tiếng. Đó là dịp lễ hội mùa xuân năm 2006, khi chúng 
tôi lên Chùa Đồng thấy có khá nhiều cụ già trên 60 tuổi. Tò mò, chúng 
tôi đã bắt chuyện với một số cụ trong đó để tìm hiểu. Với nét mặt tươi 
cười hết sức mãn nguyện, hai cụ bà từ Hà Tây nói với chúng tôi rằng, lúc 
mới trèo lên, các cụ cũng lo không biết có lên tới nơi không, nhưng 
không hiểu sao càng đi càng thấy dẻo dai như có người nâng bước. Các 
cụ cho đó là do Phật phù hộ và giúp sức. Sự sung sướng thể hiện trên nét 
mặt họ thật khó có lời nào tả hết được. Những gương mặt ấy, chúng ta có 
thể thấy rất rõ trong nhiều khách hành hương cao tuổi đến Yên Tử. 
Một người bạn của chúng tôi là người Miền Bắc sống tại Thành phố 
Hồ Chí Minh bị ung thư vú giai đoạn cuối. Dịp đó, chị muốn người 
chồng và gia đình cho ra Hà Nội như một lần từ biệt cuối cùng. Dù rất lo 
lắng, nhưng chiều ý vợ, người chồng và gia đình đã đồng ý. Ra đến Miền 
Bắc, chị đòi đi Yên Tử. Đương nhiên, không thành viên nào trong gia 
đình đồng ý với ý định này vì sợ tình trạng sức khỏe của chị không an 
toàn. Tuy nhiên, đáp ứng ước muốn của chị, gia đình vẫn quyết định tổ 
chức chuyến đi Yên Tử. Điều ngạc nhiên là, sau khi đi cáp treo lên chùa 
Hoa Yên, lần lần từng ít một, chị đã leo lên đến Chùa Đồng. Ngạc nhiên 
hơn nữa là, từ lúc lên đến đó, thái độ của chị tỏ ra khác hẳn, vui vẻ, hoạt 
bát, sảng khoái, nhanh nhẹn, cứ như không có bệnh tật gì. Sự sảng khoái 
đó kéo dài cho đến hết cuộc hành trình trở về Hà Nội như một phép lạ. 
Những lo nghĩ, buồn chán như bị tan biến, chị tỏ ra thanh thản hơn nhiều 
so với trước đó. Cuối cùng, chị đã ra đi trong sự thanh thản ấy sau vài 
tháng. Dù vô cùng thương tiếc, nhưng gia đình cũng cảm thấy được an ủi 
phần nào về điều đã làm được cho chị. 
Vấn đề ở đây không phải là phép thần thông gì, mà là tâm lý của con 
người khi tiếp xúc với tôn giáo. Tôn giáo đã đem đến cho con người sự 
thanh thản và giải tỏa nhiều lo lắng, bức xúc trong cuộc sống. Đó chính là 
tiềm năng to lớn nhất mà lễ hội Yên Tử có thể đem lại cho con người 
hôm nay. Đặc biệt, trong tình hình xã hội hiện đại như bây giờ, con người 
đang phải chịu nhiều áp lực do cuộc sống đem lại như cường độ công 
việc, nỗi lo lắng của công ăn việc làm, ô nhiễm môi trường, những bất 
trắc của cuộc sống,... 
Môi trường sinh thái Yên Tử là tiềm năng thứ hai làm cho lễ hội Phật 
giáo ở khu di tích này duy trì và phát triển. Đương nhiên, mỗi lễ hội hay 
44 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 44 
danh lam thắng cảnh đều có tiềm năng riêng của nó. Song, quy mô lễ hội 
ở Yên Tử khác hẳn. Bởi vì, Yên Tử không chỉ đẹp về cảnh quan, mà còn 
hấp dẫn bởi môi trường sinh thái với những rừng trúc, rừng thông, cây 
tùng cổ thụ xen kẽ trong các di tích tôn giáo... Tất cả tạo nên sự u tịch, 
tĩnh lặng và trong lành, vừa thiêng liêng vừa hoang sơ làm nao lòng du 
khách. Đến đây, con người như trút được phiền muộn, lo lắng, bon chen 
của cuộc sống trần tục để thả hồn vào thiên nhiên để lấy lại sức lực cho 
những thách thức mới phía trước. Sự thanh thản ấy, cùng với sự hỗ trợ về 
tâm linh, là liều thuốc vô cùng quý giá làm tăng thêm sự tự tin và sức 
mạnh cho mỗi người. 
Gần đây, điều kiện kinh tế càng ngày càng cho phép du khách đến 
Yên Tử đông hơn, thường xuyên hơn không chỉ vào dịp lễ hội chính mà 
còn trong suốt cả năm. Ngày nay, do giao thông thuận lợi, với khoảng 
cách 125 km, từ Hà Nội đến Yên Tử, du khách có thể sáng đi tối về. 
Ngày khai hội Yên Tử năm 2008 đã có tới 17.000 người tham dự. Chỉ 
trong 10 ngày đầu lễ hội Yên Tử năm 2008 đã có tới 100.000 người hành 
hương về đây. 
Nâng cấp cơ sở hạ tầng và việc tu bổ di tích mạnh mẽ thời gian qua 
cũng đóng góp vào sự tấp nập của lễ hội Yên Tử. Đó là việc nâng cấp và 
mở rộng Quốc lộ 18; việc tu sửa bãi đỗ xe rộng ở khu di tích Yên Tử có 
thể chứa được vài trăm xe khách cỡ lớn. Hệ thống cáp treo lên gần chùa 
Hoa Yên được xây dựng năm 2002 và hệ thống cáp treo tiếp theo khánh 
thành năm 2008 đã giúp du khách thuận tiện cho việc thăm viếng Yên 
Tử. Đặc biệt là sự kiện khánh thành Chùa Đồng mới được đúc lại bằng 
60 tấn đồng nguyên chất cao 3 mét, rộng 12 mét vuông vào đầu năm 
2007 làm nhiều Phật tử và nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi. Cùng 
với Chùa Đồng, các di tích và thắng cảnh của quần thể này đang được tu 
bổ, tôn tạo ngày một khang trang hơn để đáp ứng lòng mong mỏi của du 
khách. Nhân sự kiện “700 năm ngày giỗ của Phật hoàng Trần Nhân Tông 
(1/11/1308 - 1/11/2008) dựng tượng Trần Nhân Tông trên đỉnh non 
thiêng Yên Tử; tôn tạo chùa Suối Tắm, chùa Bảo Sái; hoàn thành việc lập 
dự án phát triển mở rộng Yên Tử trình Chính phủ phê duyệt...”(1) 
Một điểm chú ý khác là xu thế du lịch hành hương/du lịch tâm linh đang 
ngày càng phát triển ở nước ta. Bên cạnh niềm tin tôn giáo, giá trị lịch sử của 
khu di tích Yên Tử như một bài học đối với tất cả người Việt Nam trong 
nước và ngoài nước về triều Trần oanh liệt, về Phật giáo Trúc Lâm đặc sắc. 
Lê Hồng Lý. Lễ hội Yên Tử 45 
 45 
Đến đây, du khách được thấy tận mắt những bằng chứng sống động của một 
giai đoạn lịch sử, nhất là giai thoại và câu chuyện gắn liền với các hiện vật 
còn lưu lại khiến cho bài học lịch sử càng sâu sắc thêm. 
Cùng với du lịch tâm linh là những tour du lịch kết nối giữa các điểm 
hành hương và thắng cảnh cũng có lễ hội trong khu vực Đông Bắc như 
Côn Sơn - Kiếp Bạc - Hạ Long - Bạch Đằng... Đây là một tiềm năng lớn 
mà ngành du lịch Việt Nam đã và đang khai thác triệt để. 
Những tiềm năng khác của khu di tích Yên Tử như các nghi lễ và sinh 
hoạt văn hóa cũng đang dần được khôi phục và phát triển. Chẳng hạn, 
ngày khai hội Yên Tử năm 2008 đã vang lên “tiếng nhạc long âm cùng 
tiếng trống khai hội vang vọng khắp núi rừng cùng lễ dâng hương, lễ cầu 
quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng lưu niệm Chùa Đồng...(2). Đặc biệt 
hơn, trong lễ khai hội năm 2008, “để tạo thêm sắc thái mới, Ban Tổ chức 
lễ hội Yên Tử đã mang đến cho du khách một tiết mục rất đặc sắc, đó là 
“múa bài bông” - một điệu múa cổ tương truyền có từ thời Trần, thường 
được trình diễn tại các đại lễ của triều đình - do 20 diễn viên đến từ Hà 
Nội thể hiện”(3). 
Bên cạnh những tiềm năng nêu trên, cần lưu ý đến một số bất cập của 
lễ hội Yên Tử thời gian gần đây. Đó là việc tổ chức luồng giao thông 
trong dịp lễ hội tránh ùn tắc và tai nạn. Điều này đã, đang và sẽ là vấn đề 
nan giải. Vấn đề quy hoạch và quản lý khu vực lễ hội dù chính quyền thị 
xã Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh đã có không ít cố gắng, song vẫn còn 
nhiều việc phải làm. Tình trạng du khách chen chúc nhau xếp hàng lên 
cáp treo có lẽ là nỗi bức xúc nhất năm nào cũng diễn ra. 
An ninh trật tự trên địa bàn Yên Tử rộng lớn cũng là một vấn đề đáng 
quan tâm. Việc bắt chẹt du khách vẫn diễn ra bất chấp sự cố gắng của 
Ban Tổ chức lễ hội Yên Tử. Vách núi thăm thẳm ngay cạnh Chùa Đồng 
hết sức nguy hiểm đối với người hành hương, nhất là người già và học 
sinh, nên cần có những biện pháp cảnh báo và bảo vệ. Đặc biệt là vấn đề 
ô nhiễm môi trường rác thải của hàng triệu lượt người trẩy hội. Dù đã có 
các thùng rác, có người dọn vệ sinh, nhưng ý thức của du khách vẫn còn 
nhiều điều đáng trách, nên chăng phải có những quy định xử phạt nghiêm 
ngặt hơn. Đáng buồn nhất là ở vách núi bên cạnh Chùa Đồng, những vỏ 
bao hương, túi nilon, giấy báo... được người ta xả xuống một cách vô ý 
thức làm mất cảnh quan môi trường và gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tình 
trạng này cũng thấy ở nhiều nơi trong khu di tích Yên Tử. 
46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 
 46 
Tóm lại, triết lý Phật giáo qua trí tuệ mẫn tiệp của Phật hoàng Trần 
Nhân Tông anh minh làm xuất hiện dòng Phật giáo riêng của Việt Nam - 
Phật giáo Trúc Lâm, đã và đang tồn tại mạnh mẽ trong đời sống tâm linh 
của dân tộc. Từ triết lý Phật giáo đó, các di tích và sinh hoạt văn hóa xuất 
hiện vừa bổ trợ vừa làm cho dòng Phật giáo ấy phong phú thêm, góp 
phần tích cực vào đời sống tín ngưỡng và văn hóa của người dân đất 
Việt. Trải qua gần một thế kỷ, nó đã và đang được các thế hệ người Việt 
vun đắp và phát triển thêm vừa để gìn giữ truyền thống của tổ tiên, vừa 
làm sinh động cho cuộc sống hiện tại. Xin kính cẩn nghiêng mình với 
lòng biết ơn vô hạn của con cháu trước anh linh của Phật hoàng Trần 
Nhân Tông cùng các vị tiền bối của dân tộc./. 
CHÚ THÍCH 
1. Đoàn Minh Huệ - Thành Duy, “Cõi thiêng Yên Tử ngày khai hội”, Báo Tiền 
phong online, Chủ nhật, ngày 17/2/2008. 
2. Đoàn Minh Huệ - Thành Duy, “Cõi thiêng Yên Tử ngày khai hội”, bài đã dẫn. 
3. V. Phúc, “Khai hội Yên Tử (Quảng Ninh): trời lạnh, hơn 1,7 vạn du khách vẫn 
kéo về trẩy hội”, Báo Sài Gòn giải phóng online, ngày 17/2/2008. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Đoàn Minh Huệ - Thành Duy, “Cõi thiêng Yên Tử ngày khai hội”, Báo Tiền 
phong online, Chủ nhật, ngày 17/2/2008. 
2. V. Phúc, “Khai hội Yên Tử (Quảng Ninh): trời lạnh, hơn 1,7 vạn du khách vẫn 
kéo về trẩy hội”, Báo Sài Gòn giải phóng online, ngày 17/2/2008. 
Abstract 
YÊN TỬ FESTIVAL 
- A PILGRIMAGE TO BUDDAHOOD 
In recent years, Yên Tử festival has attracted many pilgrims at home and 
abroad. Yên Tử is an ideal destination for travelers not only in festival but 
also during the year. Yên Tử is both a famous relic and an ideal ecological 
place for people. After Hương Pagoda festival, Yên Tử festival is one of the 
greatest festivals in spring. This article pays attention to analyze to 
potentialities of Yên Tử festival so that it can become the important festival 
in Vietnamese cultural and spiritual life in future. 
Key words: Yên Tử festival, Trúc Lâm Buddhism, Trần Nhân 
Tông, spiritual tourism. 

File đính kèm:

  • pdfle_hoi_yen_tu_cuoc_hanh_huong_ve_coi_phat.pdf