Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực và gợi ý cho Việt Nam

Tóm tắt:

Trong những năm qua, du lịch ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu, đóng góp

đáng kể vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp đó là chưa tương xứng với tiềm năng và thế

mạnh của du lịch. Trong bài viết này, tác giả khái quát kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về phát triển du

lịch như, chú trọng chính sách phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng phục

vụ du lịch, đẩy mạnh quảng bá và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Từ đó gợi mở những bài học quý giá nhằm

khai thác tốt hơn tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển du lịch Việt Nam mạnh mẽ và bền vững hơn trong

thời gian tới.

pdf 5 trang phuongnguyen 8240
Bạn đang xem tài liệu "Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực và gợi ý cho Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực và gợi ý cho Việt Nam

Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực và gợi ý cho Việt Nam
12
Khoa học Xã hội và Nhân văn
61(4) 4.2019
Đặt vấn đề
Thời đại ngày nay, du lịch là “món ăn” không thể thiếu 
trong đời sống xã hội của con người. Việt Nam là quốc gia 
có rất nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi cho phát triển 
du lịch. Trong những qua, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh 
phát triển du lịch toàn diện, từng bước đưa ngành du lịch trở 
thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng cao cho 
nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể du lịch Việt 
Nam đang còn những hạn chế nhất định, phát triển chưa 
tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa tạo thành thương 
hiệu đặc trưng của Việt Nam, chưa thu hút mạnh mẽ, có hiệu 
quả khách du lịch quốc tế. Trong khi đó, các nước trong khu 
vực châu Á và lận cận Việt Nam như: Thái Lan, Nhật Bản, 
Trung Quốc, Singapore, Malaysia mặc dù điều kiện cơ bản 
giống Việt Nam nhưng họ rất thành công trong phát triển du 
lịch. Do vậy, bài viết nghiên cứu những kinh nghiệm phát 
triển du lịch của các quốc gia này, từ đó rút ra bài học cho 
Việt Nam tham khảo trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch 
hiện nay.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Bài viết nghiên cứu cụ thể những kinh nghiệm phát 
triển du lịch của các nước trong khu vực Đông Á và Đông 
Nam Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, 
Malaysia. Từ những kinh nghiệm thực hiện thành công của 
các nước, rút ra những bài học tham khảo cho Việt Nam 
trong phát triển du lịch.
Đây là một nghiên cứu định tính, được tiếp cận từ việc 
kế thừa, chọn lọc, phân tích, đánh giá những thông tin, dữ 
liệu thứ cấp (các đề tài khoa học, các báo cáo, sách tham 
khảo, các bài báo khoa học) và cùng với trải nghiệm của bản 
thân tác giả về lĩnh vực này.
Nội dung nghiên cứu
Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về phát 
triển du lịch
Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, 
Malaysia có một bề dày trong phát triển du lịch, qua nghiên 
cứu, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Chú trọng chính sách phát triển du lịch:
Thái Lan là nước rất coi trọng chính sách phát triển du 
lịch. Ngay từ rất sớm, Chính phủ Thái Lan nhận thức rằng, 
để đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn 
thì phải đặt nó trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của 
quốc gia. Để phát triển du lịch phải thông qua một hệ thống 
cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm huy động sức mạnh tổng 
hợp cho sự phát triển. Thái Lan đã đưa ra hệ thống cơ chế, 
chính sách phù hợp với đặc trưng của ngành du lịch mang 
tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, mang tính toàn cầu 
hóa cao. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển du lịch 
của Thái Lan luôn thích ứng với điều kiện lịch sử, tận dụng 
được thời cơ, thế mạnh của đất nước. Đối với Thái Lan, điều 
không thể không nhắc đến đó là chính sách xuất nhập cảnh 
và chính sách thuế để thu hút khách du lịch quốc tế. Để thu 
Kinh nghiệm phát triển du lịch của một số nước trong khu vực 
và gợi ý cho Việt Nam
Lê Văn Phục*
Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh 
Ngày nhận bài 20/2/2019; ngày chuyển phản biện 28/2/2019; ngày nhận phản biện 26/3/2019; ngày chấp nhận đăng 4/4/2019
Tóm tắt:
Trong những năm qua, du lịch ở Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu, đóng góp 
đáng kể vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển và đóng góp đó là chưa tương xứng với tiềm năng và thế 
mạnh của du lịch. Trong bài viết này, tác giả khái quát kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về phát triển du 
lịch như, chú trọng chính sách phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng phục 
vụ du lịch, đẩy mạnh quảng bá và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Từ đó gợi mở những bài học quý giá nhằm 
khai thác tốt hơn tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển du lịch Việt Nam mạnh mẽ và bền vững hơn trong 
thời gian tới.
Từ khóa: du lịch, kinh nghiệm, phát triển, Thái Lan, Việt Nam.
Chỉ số phân loại: 5.2
*Email: lephuccnxh@yahoo.com 
13
Khoa học Xã hội và Nhân văn
61(4) 4.2019
hút khách quốc tế, họ đã thực hiện chính sách “Bầu trời mở” 
để đơn giản hóa thủ tục visa cho khách quốc tế vào du lịch. 
Hiện nay, có khoảng 55 quốc gia và vùng lãnh thổ không 
cần visa vào Thái Lan với mục đích du lịch trong vòng 30 
ngày [1]. Thái Lan cũng rất chú trọng đến chính sách miễn 
giảm thuế trong việc mua bán các mặt hàng phục vụ du lịch. 
Du khách đến Thái Lan du lịch sẽ được hoàn lại 7% thuế 
giá trị gia tăng, các điểm bán hàng thủ công địa phương, các 
hãng lữ hành cũng được miễn thuế VAT [1].
Ở Trung Quốc, Chính phủ luôn đóng vai trò trụ cột 
trong dẫn dắt phát triển du lịch. Trong quá trình chuyển đổi 
cơ chế từ kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang cơ chế thị 
trường, nền kinh tế Trung Quốc nói chung và kinh tế du 
lịch nói riêng đều mang đậm dấu ấn của lãnh đạo nhà nước. 
Trung Quốc xây dựng mô hình phát triển du lịch từ thấp đến 
cao, từ thuần túy mang ý nghĩa phục vụ chính trị sang kinh 
doanh theo nhu cầu thị trường, từ đơn giản, thô ráp sang tinh 
tế và ngày càng chuyên nghiệp. Những bước tiến rõ rệt qua 
từng giai đoạn là kết quả của việc cải thiện môi trường chính 
sách, tháo bỏ rào cản, giải phóng sức sản xuất và trả lại tự 
do kinh doanh cho xã hội. Chính phủ Trung Quốc luôn tạo 
điều kiện tài chính cho đầu tư cơ sở vật chất - hạ tầng, cũng 
như cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch, nhằm hiện đại 
hóa ngành du lịch, đảm bảo được những điều kiện vật chất 
nhất định phục vụ tốt nhất cho du khách, giữ chân du khách 
lưu trú dài hơn.
Ngay từ những năm 1960, Nhật Bản đã trở thành điểm 
đến du lịch nổi tiếng và hấp dẫn trên thế giới. Nhiều năm 
gần đây, Nhật Bản liên tục đứng đầu châu Á về tăng trưởng 
du lịch bền vững [2]. Có được điều đó là nhờ Chính phủ 
Nhật Bản rất coi trọng chiến lược, kế hoạch và các chính 
sách thúc đẩy phát triển du lịch. Các nhà hoạch định chính 
sách của Nhật Bản đều nhận thức rằng, muốn phát triển du 
lịch trở thành một trong những ngành kinh tế hàng đầu thì 
phải đặt nó trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của 
quốc gia. Chính phủ Nhật Bản rất chú trọng đầu tư vốn để 
xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đầu tư cho khoa học và 
công nghệ để phát triển du lịch. Chính phủ giúp ngành du 
lịch tháo gở những vướng mắc, những rào cản trong phát 
triển du lịch: quảng bá kém, chi phí đắt đỏ, bất đồng ngôn 
ngữ Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản luôn có những 
chính sách ưu đãi cho phát triển du lịch, nhất là đối với 
khách quốc tế đến Nhật Bản.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch:
Các nước trong khu vực đều chú trọng phát triển nhân lực 
cho du lịch. Chính nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, 
chất lượng cao là một trong những yếu tố giúp nâng tầm vị 
thế và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch. 
Thái Lan rất quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ hướng 
dẫn viên du lịch về trình độ chuyên môn theo lĩnh vực, về 
kỹ năng nghề nghiệp, đặc biệt, họ chú trọng đến việc đào 
tạo ngoại ngữ một cách bài bản. Yêu cầu đối với hướng dẫn 
viên du lịch Thái Lan là phải biết 3 ngoại ngữ, phục vụ tốt 
du khách quốc tế đến từ các nước khác nhau về visa, vé 
máy bay, thuê xe, đăng ký khách sạn [1]. Thái Lan cũng 
chú trọng phát triển hướng dẫn viên du lịch ở địa phương để 
hướng dẫn du khách trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu cho du 
khách văn hóa bản địa.
Ở Singapore, để được trở thành hướng dẫn viên chuyên 
nghiệp, được cấp thẻ, đòi hỏi phải học rất vất vả và trải qua 
quá trình thi cử khó khăn [3]. Các trường đào tạo chuyên 
ngành du lịch tại đây thực hiện đào tạo cho học viên, sinh 
viên theo học các khóa nghiệp vụ từ thấp đến cao, chú trọng 
đào tạo các kỹ năng, đặc biệt đối với đội ngũ hướng dẫn 
The experiences of tourism 
development in some countries 
in the region and suggestions 
for Vietnam
Van Phuc Le*
Academy of Politics Region III, 
Ho Chi Minh National Political Academy
Received 20 February 2019; accepted 4 April 2019
Abstract:
Over the past years, tourism in Vietnam has developed 
rapidly and gained remarkable achievements, 
contributing significantly to the development of the 
country. However, the development and contribution 
is not commensurate with the potential and strength of 
Vietnamese tourism. In this article, we summarize the 
experiences of some countries in the region on tourism 
development such as focus on tourism development 
policy, development of tourism human resources, 
development of infrastructure in service of tourism, 
promote tourism propagation, and diversification of 
tourist products. These experiences suggest Vietnam 
valuable lessons in order to better exploit the potential 
and strengths to develop Vietnam’s tourism more 
strongly and sustainably in the coming time.
Keywords: development, experience, Thailand, tourism, 
Vietnam.
Classification number: 5.2
14
Khoa học Xã hội và Nhân văn
61(4) 4.2019
viên du lịch. Chính vì thế, cho đến nay quốc gia này đã có 
được đội ngũ hướng dẫn viên rất chuyên nghiệp. Hơn thế, 
đội ngũ này rất có kỹ năng trong thu hút du khách đến những 
nơi giải trí, những nơi bán hàng tại những cơ sở kinh doanh 
đi kèm với du lịch, góp phần làm giàu thêm cho đất nước 
mình. Ở Singapore, những người điều hành du lịch đều làm 
việc rất chăm chỉ, bất kể thời gian. Bất cứ khi nào có trường 
hợp cần giải quyết, bất cứ phát sinh nào xảy ra, ngay lập tức 
họ đến gặp đoàn khách và giải quyết nhanh chóng.
Trung Quốc cũng rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực 
chuyên nghiệp, quốc gia này đã thiết lập được mạng lưới 
các cơ sở đào tạo du lịch rộng khắp cả nước, chương trình 
đào tạo đa dạng, phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp 
với nền tảng cơ sở hạ tầng chất lượng phù hợp với thực tế 
là minh chứng rõ nét nhất về vấn đề này. Nguồn nhân lực 
được đào tạo bài bản đã đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế, 
thực hiện các chương trình xúc tiến du lịch hiệu quả [3]. Từ 
đó góp phần lớn cho kinh tế du lịch Trung Quốc chuyển đổi 
mang tính đột phá qua 4 giai đoạn và hiện đang tham gia 
vào quá trình hội nhập du lịch toàn cầu với sức bật mạnh 
mẽ.
Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch:
Để góp phần phát triển du lịch, Thái Lan chú trọng phát 
triển đường giao thông hiện đại. Thái Lan từ lâu đã tìm cách 
khai thác lợi thế của mình như là cửa ngõ vào khu vực sông 
Mê Công để phát triển giao thông. Chính hệ thống giao 
thông tốt đã làm cho thời gian di chuyển giữa các điểm du 
lịch được rút ngắn, từ đó du khách có nhiều thời gian hơn 
để tham quan, mua sắm và tiêu tiền. Đường giao thông tốt, 
phương tiện giao thông tốt làm cho du khách không thấy 
mệt mỏi khi di chuyển, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng 
đến Thái Lan tham quan, du lịch. Đặc biệt là giao thông 
đường hàng không, ngoài hệ thống hàng không ở thủ đô 
Bangkok, Thái Lan còn có 2 hệ thống trung tâm hàng không 
lớn ở Chiang Mai và Phuket. Các hệ thống giao thông hàng 
không này mức chi phí rất thấp, nên thu hút lượng lớn du 
khách.
Malaysia cũng rất chú trọng đến việc hoàn thiện cơ sở 
hạ tầng cho du lịch. Chính phủ đã hoàn thiện hệ thống giao 
thông, thông tin liên lạc, các trung tâm du lịch, siêu thị mua 
sắm nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách. Sự kết nối giữa 
các điểm du lịch ở Malaysia bằng phương tiện giao thông 
rất thuận lợi. Từ Kuala Lumpur có thể đi đến các địa điểm 
khác bằng phương tiên giao thông đường bộ một cách dễ 
dàng. 
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, nhưng nhờ chú 
trọng phát triển hệ thống giao thông mà việc đi lại của 
khách du lịch rất thuận lợi. Ở Trung Quốc có thể đi lại dễ 
dàng bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, 
đường hàng không, tầu điện ngầm. Hiện nay, Trung Quốc 
đang có mạng lưới đường sắt cao tốc (HSR) dài nhất thế 
giới với 25.000 km (chiếm hơn 65% độ dài toàn hệ thống 
trên thế giới) [4], vừa phục vụ nhu cầu dân sinh vừa phục 
vụ nhu cầu khách du lịch. Còn Singapore nổi tiếng với các 
điểm du lịch hấp dẫn với cơ sở hạ tầng hiện đại. Thực ra, 
thiên nhiên không phải là điều kiện thuận lợi cho Singapore 
phát triển du lịch, mà các điểm du lịch nổi tiếng ở đây đều 
do con người sáng tạo xây dựng nên, như: Vịnh Marina, 
Vườn thú Singapore, Đường Orchard, River Safar
Đẩy mạnh quảng bá du lịch:
Một trong những yếu tố làm cho ngành du lịch Singapore 
phát triển mạnh mẽ đó là nhờ chú trọng đến công tác quảng 
bá du lịch, quảng bá về hình ảnh đất nước. Tổng cục Du 
lịch thông qua các trung tâm xúc tiến du lịch đã hỗ trợ đắc 
lực cho các công ty quảng bá du lịch, xuất khẩu các sản 
phẩm du lịch đặc trưng của mình. Trong quảng bá du lịch, 
Singapore luôn có sự kết nối, đầu tư các hoạt động quảng 
bá gắn liền với các ngành khác, chẳng hạn như kết hợp với: 
dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch vụ biểu diễn nghệ 
thuật, dịch vụ bán lẻ tạo nên một chuỗi liên kết trong cung 
cấp dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch Singapore 
còn chú trọng xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ, hiện 
đại, sang trọng nhằm tạo nên sự chú ý và thu hút khách du 
lịch ở mọi nơi.
Tổng cục Du lịch Thái Lan đặc biệt coi trọng hoạt động 
xúc tiến, quảng bá thông qua hàng loạt chiến dịch với nguồn 
kinh phí trung bình hàng năm từ 80 đến 150 triệu USD. 
Hiện nay, với 36 văn phòng đại diện trong nước và 21 văn 
phòng đại diện ở nước ngoài [3], Tổng cục Du lịch Thái Lan 
đã tích cực xúc tiến, quảng bá du lịch ở cả trong và ngoài 
nước. Một nét nổi bật trong chính sách du lịch của Thái Lan 
là Chính phủ trực tiếp “xắn tay áo” làm tiếp thị du lịch. Các 
quan chức Thái Lan luôn đặt mục tiêu tìm kiếm khách du 
lịch cho nước nhà. Các phái đoàn cấp cao của Chính phủ 
Thái Lan thường xuyên tiếp xúc với các công ty nước ngoài 
để thảo luận các cơ hội kinh doanh về du lịch. Đặc biệt, 
trong hoạt động quảng bá du lịch, Thái Lan chú trọng việc 
quảng bá ẩm thực Thái ra nước ngoài và xem đây là giải 
pháp có tầm quan trọng trong phát triển du lịch quốc tế. Thái 
Lan đã thực hiện hàng loạt chiến dịch quảng bá thương hiệu 
quốc gia như: Bangkok Fashion City, Health Hub of Asia 
và một trong những chiến dịch này là tập trung quảng bá ẩm 
thực Thái Lan mang tên Thái Lan - Kitchen to the World. 
Nhờ coi trọng đầu tư cho chiến lược xúc tiến, quảng bá du 
lịch mà Thái Lan đã rất thành công trong việc thu hút khách 
quốc tế, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao.
Malaysia cũng đặc biệt chú trọng công tác quảng bá du 
lịch đến nhiều quốc gia trên thế giới bằng cách quảng bá 
hình ảnh du lịch trên các đài truyền hình quốc tế lớn với 
câu: “Malaysia - Truly Asia”. Chính phủ tích cực phối hợp 
15
Khoa học Xã hội và Nhân văn
61(4) 4.2019
với các doanh nghiệp xây dựng nhiều chương trình du lịch 
tạo thành thương hiệu mà khi nhắc đến hầu như mọi người 
đều biết như: “Viếng thăm Malaysia”, “Lễ kỷ niệm vàng”, 
“Lễ hội đại hạ giá”, “Lễ hội âm nhạc quốc tế”, “Lễ hội pháo 
hoa”.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch:
Singapore chú trọng phát triển sản phẩm “du lịch xanh” 
và xây dựng thương hiệu với những yếu tố hấp dẫn khác 
biệt. Ấn tượng đầu tiên của du khách với đất nước Singapore 
là cảnh quan và môi trường rất sạch. Chính điều này đã làm 
nên một Singapore khác biệt với các quốc gia khác. Đặc 
trưng nhất của sản phẩm du lịch là chương trình du lịch, 
Singapore cung cấp cho thị trường quốc tế nhiều chương 
trình du lịch, trong đó có sản phẩm Casino (tại Marina Bay 
Sands) phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của nhiều du khách. Họ 
phân mảng thị trường khách du lịch quốc tế và đưa ra những 
chương trình phù hợp cho từng thị trường. Các chương trình 
cho du khách châu Âu khác chương trình cho du khách 
châu Á và châu Úc, châu Mỹ Ngay cả trong cùng một thị 
trường thì cũng có các chương trình phục vụ riêng cho từng 
nước khác nhau, tùy theo nhu cầu và khả năng chi trả của 
du khách. Đặc biệt, ngành du lịch Singapore cho ra đời sản 
phẩm du lịch rất độc đáo, đó là thu hút du khách thông qua 
cung cấp công nghệ du lịch BTMICE (Business Traveller, 
Meetings, Incentives, Conventions and Exhibitions - du lịch 
thương mại, gặp gỡ, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) [5]. 
Từ cơ sở hạ tầng đến các dịch vụ luôn có sự thay đổi để có 
thêm sự lựa chọn mới cho khách du lịch. 
Thái Lan cũng rất chú trọng phát triển đa dạng các sản 
phẩm du lịch. Hiện nay, Thái Lan phát triển các loại hình 
du lịch như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch chữa 
bệnh, du lịch nông nghiệp, du lịch mua sắm. Du lịch văn 
hóa là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn, thu hút 
du khách đến Thái Lan. Khách đến Thái Lan để tham quan 
các đền, chùa, bảo tàng, các di tích lịch sử Khách du lịch 
không chỉ được tận mắt chứng kiến nét độc đáo của công 
trình văn hóa đó mà còn được “đắm mình”, được thưởng 
thức và trải nghiệm. Với du lịch sinh thái, Thái Lan hiện 
nay có 79 vườn quốc gia cùng với nhiều khu bảo tồn thiên 
nhiên, trong các vườn quốc gia có đa dạng các loại động 
vật quý hiếm [1]. Thái Lan đã kết hợp du lịch sinh thái và 
du lịch mạo hiểm, tạo nên sản phẩm độc đáo phục vụ du 
khách. Về du lịch chữa bệnh, ở Đông Nam Á, Thái Lan 
cùng với Singapore là hai nước chiếm 90% thị trường du 
lịch chữa bệnh. Các dịch vụ chữa bệnh ở Thái Lan bao gồm 
phẫu thuật tim phức tạp, phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc 
răng miệng, đông y, yoga... Về du lịch mua sắm, nhắc đến 
Thái Lan thì nghĩ ngay đến Bangkok - thiên đường mua 
sắm, là nơi nổi tiếng với nhiều hàng hóa đẹp, rẻ. Mua sắm ở 
Bangkok không giới hạn địa điểm mà hiện diện ở khắp mọi 
nơi trong thành phố, từ các trung tâm mua sắm hiện đại, đến 
các cửa hàng bách hóa thanh lịch, các chợ truyền thống 
Du lịch nông nghiệp, bao gồm các hoạt động liên quan đến 
nông nghiệp mà khách du lịch có thể tham gia như: trồng 
lúa, trồng hoa, rau quả và chăn nuôi. Thái Lan thường kết 
hợp du lịch nông nghiệp với du lịch “homestay”. Khách du 
lịch sống với những người nông dân, quan sát và tham gia 
vào các công việc hàng ngày của họ. 
Trung Quốc cũng tạo sự khác biệt về sản phẩm du lịch 
trên nền tảng giá trị văn hóa, trên cơ sở khai thác các giá trị 
văn hóa - lịch sử để cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm 
du lịch độc đáo, khác biệt, ấn tượng. Du khách có thể đi đến 
nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc để tìm hiểu các giá trị 
văn hóa lịch sử của đất nước được xem là cái nôi của văn 
minh châu Á, như Thủ đô Bắc Kinh, Vạn lý Trường thành, 
Tây An, Côn Minh, Hồ Động Đình, Núi Nhạc Lộc Với 
sản phẩm du lịch này đã tạo cho du lịch Trung Quốc có nét 
độc đáo riêng so với các nước khác và cũng chính từ đây đã 
thu hút một lượng khách du lịch quốc tế khá đông đến Trung 
Quốc hàng năm.
Gợi ý cho Việt Nam trong phát triển du lịch hiện nay
Từ những kinh nghiệm của các nước trong khu vực về 
phát triển du lịch, có thể rút ra một số gợi mở cho phát triển 
du lịch ở Việt Nam hiện nay:
Một là, định hướng chính sách phát triển du lịch. Để 
phát triển du lịch Việt Nam, Chính phủ cần có sự hoạch 
định các chính sách, xây dựng các kế hoạch, đề án để phát 
triển du lịch cho từng gian đoạn, từng khu vực, từng vùng, 
từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt đối với những nơi có tiềm 
năng phát triển du lịch. Trong xây dựng chính sách cần chú 
ý hoạch định chính sách tổng thể, từ chính sách đầu tư xây 
dựng cơ sở hạ tầng, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, 
chính sách phát triển sản phẩm du lịch, chính sách thu hút 
khách du lịch, chính sách về thuế nhập khẩu phương tiện 
vận chuyển, trang thiết bị cơ sở lưu trú tất cả đó phải tạo 
nên những đặc trưng riêng biệt của Việt Nam. Một trong 
những điểm yếu hiện nay trong phát triển du lịch của Việt 
Nam là chưa tạo nên được sự liên kết bền chặt giữa các 
ngành, các lĩnh vực, giữa nhà nước với doanh nghiệp, chưa 
thu hút được sức mạnh cộng đồng tham gia vào phát triển 
du lịch. Do vậy, trong thời gian đến Việt Nam cần chú trọng 
xây dựng chính sách để tạo nên sự liên kết bền chặt giữa các 
chủ thể này, các nước trong khu vực rất thành công trong 
phát triển du lịch là nhờ chính sách này.
Hai là, đầu tư mạnh mẽ phát triển cơ sở hạ tầng phục 
vụ du lịch. Một trong những yếu tố mang đến thành công 
trong phát triển du lịch ở Thái Lan, Malaysia, Singapore là 
họ chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch. 
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển du 
lịch đa dạng, nhưng một trong những điểm yếu hiện nay của 
chúng ta là hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống 
16
Khoa học Xã hội và Nhân văn
61(4) 4.2019
cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch nói riêng còn 
nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du 
lịch, nhu cầu của du khách. Trong 5 yếu tố tạo nên sự thành 
công của ngành du lịch (phương tiện giao thông; cơ sở tiện 
nghi; điểm thắng cảnh; các dịch vụ hổ trợ và điều hành của 
chính phủ), việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng được 3 
trong 5 yêu cầu trên. Do vậy, trong thời gian đến, Việt Nam 
cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch 
theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Chính phủ cần có sự 
ưu tiên đầu tư vốn cho du lịch để phát triển hệ thống giao 
thông, các hệ thống vui chơi, giải trí, hệ thống nhà hàng, 
khách sạn hiện đại để thu hút và đáp ứng yêu cầu của du 
khách trong và ngoài nước. Chú trọng lồng ghép đầu tư hạ 
tầng phục vụ du lịch với các chương trình, đề án phát triển 
kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn trước mắt, cần chú trọng 
đầu tư vào các khu, điểm du lịch quốc gia để tạo đà bứt phá 
cho du lịch Việt Nam.
Ba là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho du lịch. 
Ở Việt Nam hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch 
vừa thiếu, vừa yếu trên tất cả các lĩnh vực, từ quản lý du lịch 
đến nhân viên, hướng dẫn viên du lịch. Hiện nay, nhân lực 
có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 4%, nhân lực thông 
thạo ngoại ngữ chỉ chiếm 1/2, đội ngũ hướng dẫn viên thiếu 
hụt, hạn chế về năng lực ngoại ngữ [6] Đây là rào cản lớn 
kìm hảm sự phát triển của du lịch Việt Nam. Do vậy, trong 
thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân 
lực du lịch. Chú trọng phát triển cơ cấu, số lượng hợp lý, 
đồng thời từng bước nâng cao chất lượng, phát triển nguồn 
nhân lực chất lượng cao cả về trình độ chuyên môn, nghiệp 
vụ và kỹ năng. Kinh nghiệm của một số nước chỉ ra rằng, để 
phát triển du lịch nhanh, mạnh và bền vững thì cần có đội 
ngũ nhân lực chất lượng cao, số lượng đủ, cơ cấu hợp lý. 
Bốn là, tăng cường công tác quảng bá du lịch. Hiện nay, 
hình ảnh du lịch của Việt Nam được du khách biết đến còn 
hạn chế, đây là lý do khiến nhiều khách quốc tế chưa tìm 
đến Việt Nam. Do vậy, trong thời gian đến Việt Nam cần 
tăng cường công tác quảng bá hình ảnh du lịch ra bên ngoài. 
Tổng cục Du lịch cần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, 
quảng bá, cung cấp thông tin du lịch Việt Nam tới du khách 
quốc tế thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi. Nhà nước và các 
doanh nghiệp cần kết hợp chặt chẽ trong việc quảng bá hình 
ảnh du lịch, chú trọng quảng bá du lịch thông qua nhiều hoạt 
động, hình thức khác nhau. Trong quá trình quảng bá, cần 
tìm hiểu nhu cầu thị trường bên ngoài, thị hiếu, nhu cầu về 
sản phẩm du lịch của khách du lịch từng nước để từ đó có 
cách quảng bá phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Năm là, đa dạng hóa các sản phẩm gắn liền với lợi thế, tiềm 
năng của Việt Nam. Nhiều người cho rằng, Việt Nam là đất 
nước trời phú cho điều kiện để phát triển du lịch, có thể phát 
triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khác nhau, tuy nhiên 
hiện nay chúng ta chưa khai thác hết những thế mạnh và 
tiềm năng đó. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú 
trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đã đến lúc chúng 
ta cần mạnh dạn đầu tư, thu hút đầu tư từ bên ngoài vào xây 
dựng các khu du lịch, vui chơi giải trí có danh tiếng. Việt 
Nam cần có những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, 
mang dấu ấn riêng, tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách với 
những giá trị vật chất và tinh thần trên nền tảng lợi thế và 
bản sắc vốn có của Việt Nam.
kết luận
Trong thời đại ngày nay, du lịch ngày càng đóng vai 
trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã 
hội đất nước. Các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, 
Singapore, Malaysia đã sớm chú trọng chính sách phát triển 
du lịch, chú trong phát triển nguồn nhân lực du lịch, chú 
trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy mạnh 
quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Với 
những cách làm hay, sáng tạo, triệt để khai thác tiềm năng, 
lợi thế vốn có của mình, đã tạo cho ngành du lịch phát triển 
mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp ngày 
càng nhiều cho sự phát triển đất nước. Trong những năm 
gần đây, mặc dù rất được chú trọng nhưng nhìn chung du 
lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, 
còn nhiều hạn chế, bất cập vì thiếu kinh nghiệm trong phát 
triển. Do vậy, nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước 
trong khu vực về phát triển du lịch, từ đó rút ra những bài 
học cho Việt Nam vận dụng để phát triển là rất cần thiết. 
Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng, cần chú ý đến tính đặc 
thù của Việt Nam để đề ra những chủ trương, chính sách 
phát triển phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.
Tài liệu Tham khảo
[1] Nguyễn Xuân Thiên, Hà Minh Tuấn (2016), “Kinh nghiệm 
phát triển du lịch của Thái Lan và một số gợi ý đối với Việt Nam”, Tạp 
chí Cộng sản, Số 113, tr 89-90.
[2] Nguyễn Thị Thúy Hạnh (2017). “Kinh nghiệm phát triển du 
lịch ở Nhật Bản và một số gợi ý cho ngành Du lịch Việt Nam”, Tạp 
chí Thông tin khoa học xã hội, Số 12, tr 97.
[3] Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Kim Anh (2016), “Kinh nghiệm 
phát triển kinh tế du lịch ở một số nước và gợi ý cho Việt Nam”, Tạp 
chí Thông tin khoa học xã hội, Số 12, tr 40.
[4] Giải mã sự phát triển thần kỳ của đường sắt cao tốc Trung 
Quốc, 
[5] Thông tin tham khảo (2011), “Kinh nghiệm phát triển du lịch 
ở một số quốc gia khu vực ASEAN”, Những vấn đề kinh tế chính trị 
thế giới, Số 3(179), tr 78.
[6] Hà Văn Hội (2011). “Chính sách phát triển du lịch của Thái 
Lan: Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Những vấn đề kinh 
tế chính trị thế giới, Số 3(179), tr 58.

File đính kèm:

  • pdfkinh_nghiem_phat_trien_du_lich_cua_mot_so_nuoc_trong_khu_vuc.pdf