Giáo trình Ngữ âm Tiếng Việt (Phần 1)
1. Âm thanh ngôn ngữ (phonetic)
1.1. Âm thanh và âm thanh ngôn ngữ
Xét về mặt âm học, âm thanh của ngôn ngữ cũng giống như tất cả các âm thanh
khác trong tự nhiên, vốn là những sự chấn động của các phần tử không khí bắt
nguồn từ sự chấn động của một vật thể đàn hồi nào đấy hoặc từ sự chấn động của
luồng không khí chứa đựng trong một cái khoang rỗng. Nhưng khác với các âm
thanh khác, âm thanh ngôn ngữ chỉ có thể là những sự chấn động mà bộ máy thính
giác của con người có thể cảm thụ được.
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Ngữ âm Tiếng Việt (Phần 1)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo trình Ngữ âm Tiếng Việt (Phần 1)
ĐẠI HỌC VINH KHOA SƯ PHẠM NGỮ VĂN GIÁO TRÌNH NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT (Dành cho sinh viên các ngành chuyên ngữ) Chương 1. ĐẠI CƯƠNG VỀ NGỮ ÂM Bài 1. NGỮ ÂM VÀ NGỮ ÂM HỌC Phân phối thời gian 1. Học trên lớp: lí thuyết: 3 tiết; thảo luận, bài tập: 2 tiết 2. Tự học: 7 tiết. 1. Âm thanh ngôn ngữ (phonetic) 1.1. Âm thanh và âm thanh ngôn ngữ Xét về mặt âm học, âm thanh của ngôn ngữ cũng giống như tất cả các âm thanh khác trong tự nhiên, vốn là những sự chấn động của các phần tử không khí bắt nguồn từ sự chấn động của một vật thể đàn hồi nào đấy hoặc từ sự chấn động của luồng không khí chứa đựng trong một cái khoang rỗng. Nhưng khác với các âm thanh khác, âm thanh ngôn ngữ chỉ có thể là những sự chấn động mà bộ máy thính giác của con người có thể cảm thụ được. Cơ chế cấu tạo của một âm thanh có thể phát ra từ một vật thể rắn (tương đối đơn giản), có thể được hình thành trong các thứ ống như ống sáo, ống có lưỡi gà (phức tạp hơn). Bộ máy phát ra âm thanh của con người cũng là một thứ ống như các thứ ống có lưỡi gà. Còn việc truyền âm thanh qua môi trường không khí được thực hiện nhờ hiện tượng dồn ép và phân tán của không khí, tức là do sự thay đổi áp lực phát sinh từ những sự chấn động của vật thể phát âm. Sự dồn ép và sự phân tán tiếp theo sau làm thành một làn sóng âm và chuyển từ lớp không khí gần nhất đến các lớp không khí xa hơn trong một không gian lệ thuộc trước hết vào cường độ của âm thanh và sau nữa, lệ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của không khí, chiều gió, v.v.. Ngôn ngữ là một hệ thống âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống văn hóa - lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cái ngôn ngữ dùng để giao tiếp và truyền đạt tư tưởng ấy, ngay từ đầu đã là ngôn ngữ thành tiếng, ngôn ngữ âm thanh. Các nhà khoa học gọi mặt âm thanh của ngôn ngữ là ngữ âm. Mặt âm thanh làm nên tính chất hiện thực của ngôn ngữ, nhờ có nó ngôn ngữ mới được xác lập, tồn tại và phát triển, mới có thể được lưu giữ và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ có cái vỏ vật chất là âm thanh nên trẻ em mới hấp thụ được ngôn ngữ. Cái gọi là quá trình học nói ở trẻ em là sự nhấn mạnh một cách chính đáng tính chất âm thanh của ngôn ngữ. Mặt âm thanh là một thuộc tính không thể tách rời của tất cả các sinh ngữ hiện đang tồn tại. Trước đây, một số nhà ngôn ngữ học đã từng cho rằng âm thanh là một thuộc tính không quan trọng của ngôn ngữ; ngôn ngữ có thể tồn tại dưới bất kì hình thức nào cũng được. N.Y.Marr khẳng định, trước khi có ngôn ngữ bằng âm thanh đã có một ngôn ngữ bằng tay, ngôn ngữ bằng động tác. Ngay cả F.de Saussure cũng cho rằng: Ngôn ngữ là một sự ước định và bản chất phù hiệu ước định thì thế nào cũng được. Cho nên vấn đề bộ máy phát âm là một vấn đề thứ yếu trong các vấn đề ngôn ngữ [7,35]. Quan điểm của F.de Saussure được các nhà kết cấu luận hiện đại tán đồng; họ cho rằng ngôn ngữ không hề có một cơ sở vật chất nào hết, rằng trong ngôn ngữ chỉ có những sự khu biệt mà thôi. Nhưng ở một chỗ khác, trong Giáo trình, F.de Saussure tự mâu thuẩn trong quan điểm của mình khi ông viết: Thiên nhiên gần như buộc ta phải dùng đến cái khí quan đó [7,32]. Lí luận của chủ nghĩa Mác khẳng định sự phát sinh của ngôn ngữ phụ thuộc vào sự phát triển của bộ máy phát âm của người nguyên thuỷ; nguồn gốc của ngôn ngữ gắn liền với sự phát triển của khả năng cấu tạo những âm thanh tách bạch ở con người. Luận điểm này được chứng tỏ bằng học thuyết về hệ thống tín hiệu thứ hai của I.P.Pavlov: Nếu các cảm giác và hiện tượng của chúng ta về thế giới ở xung quanh đối với ta là hệ thống tín hiệu thứ nhất của hiện thực, những tín hiệu cụ thể, là lời nói, đặc biệt trước hết là những sự kích thích động học từ các khí quan phát âm đi vào vỏ não, là những tín hiệu thứ hai, tín hiệu của những tín hiệu /Pavlov, dẫn theo Zinder, [10]/. Như vậy, về mặt sinh lí học, những sự kích thích động học đi từ các khí quan phát âm là những sự kích thích phát sinh do những vị trí khác nhau của các khí quan này. Chính sự chuyển động của các khí quan phát âm khi cấu tạo các âm thanh là điều kiện thiết yếu để cho ngôn ngữ được xác lập, tồn tại và phát triển. Do đó, không thể có một ngôn ngữ nào đó mà không dùng âm thanh, không lấy âm thanh làm hình thức thể hiện. Những điều trình bày trên đây khẳng định rằng âm thanh ngôn ngữ là do khí quan của con người phát ra trong quá trình giao tiếp và truyền đạt tư tưởng. Cố nhiên, không phải bất kì âm thanh nào do con người phát ra đều là âm thanh ngôn ngữ. Âm thanh ngôn ngữ khác với tiếng ho, tiếng rên, tiếng nấc, v.v.. Những âm thanh này được phát ra do nhu cầu sinh lí, nghĩa là không có giá trị biểu đạt, không phải là phương tiện biểu đạt của ngôn ngữ. Như vậy, âm thanh ngôn ngữ (còn gọi là ngữ âm) là toàn bộ các âm, các thanh, các kết hợp âm thanh và ngôn điệu mang những ý nghĩa nhất định, tạo thành cấu trúc ngữ âm của một ngôn ngữ. Các âm thanh và ngôn điệu kết hợp với nhau theo những quy tắc, quy luật nhất định. Hình thức biểu đạt bằng âm thanh của các từ trong ngôn ngữ không chỉ là âm thanh vật chất đơn thuần. Khi ta đọc thầm, nhẩm và suy nghĩ thì hình thức âm thanh của các từ và câu vẫn xuất hiện nhưng ở dạng ấn tượng âm thanh hay còn gọi là hình ảnh âm thanh. Như vậy, khi có người nói, người nghe ta có âm thanh cụ thể, thực tế. Còn khi đọc thầm, nhẩm và suy nghĩ thì âm thanh tồn tại trong tiềm thức. Mặt khác, âm thanh ngôn ngữ, đặc biệt là các các âm tố lời nói dường như tách riêng ra khỏi từ, được trừu tượng hoá, bởi lẽ, một âm tố nào đó không chỉ xuất hiện trong một từ mà có thể xuất hiện trong nhiều từ khác nhau của một ngôn ngữ. Nó xuất hiện trong từ này, cũng có thể xuất hiện trong nhiều từ khác. Mấy vạn từ làm thành từ vựng của một ngôn ngữ, về mặt âm thanh vốn là những kết hợp khác nhau của mấy chục âm tố lời nói (âm vị) mà thôi. Các âm thanh trong một ngôn ngữ có quan hệ đồng nhất và đối lập với nhau về mặt giá trị và lập thành hệ thống. Đó là hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ nhất định. Bởi vậy, về một phương diện nào đó, mặt âm thanh của ngôn ngữ có thể tách riêng ra, nhờ đó, nó trở thành đối tượng nghiên cứu của một ngành học riêng trong ngôn ngữ học: ngữ âm học (Phonetics). 1.2. Vai trò của âm thanh ngôn ngữ Âm thanh tự nó không tạo nên ngôn ngữ nhưng là chất liệu tất yếu của ngôn ngữ, làm nên tính hiện thực của ngôn ngữ. Về mặt lí thuyết, tất cả các giác quan của con người đều có thể dùng để thu phát tin. Nhưng thính giác có những ưu thế riêng, có thể khắc phục các hạn chế của các giác quan khác. Và thế là, bộ máy phát âm của con người được lựa chọn để tạo ra âm thanh ngôn ngữ. Âm thanh ngôn ngữ có ưu thế là có tính phân tiết cao, nghĩa là người ta có thể kết hợp một số lượng hữu hạn các yếu tố để mã hoá một khối lượng vô hạn các thông tin. Mặt khác, âm thanh do bộ máy phát âm của con người tạo ra nên hết sức tiện lợi, không gây cản trở gì hết, luôn luôn đi theo người sử dụng, khi cần là sử dụng được ngay. Người nói có thể đồng thời dùng tai để kiểm tra âm thanh phát ra và dùng mắt để theo dõi phản ứng của người nghe; nhờ vậy, hoạt động giao tiếp diễn ra dễ dàng, thông suốt trong mọi trường hợp. Với những lí do trên, có thể khẳng định rằng, âm thanh ngôn ngữ là hình thức biểu đạt tất yếu của ngôn ngữ, là cái vỏ vật chất tiện lợi nhất của ngôn ngữ. Dĩ nhiên, âm thanh ngôn ngữ chỉ là hình thức tồn tại tất yếu của các từ và các phương tiện ngữ pháp. Do đó, về một phương diện nào đó, nếu coi ngôn ngữ bao gồm hai mặt: mặt biểu hiện và mặt được biểu hiện thì cũng có thể coi ngữ âm là mặt biểu hiện còn từ vựng và ngữ pháp là mặt được biểu hiện của ngôn ngữ. Bởi vậy, nghiên cứu ngữ âm là công việc đầu tiên và tất yếu đối với việc nghiên cứu bất cứ ngôn ngữ nào. Trong nhà trường, những tri thức về ngữ âm là chỗ dựa để dạy học có hiệu quả các phân môn của tiếng Việt như dạy phát âm theo đúng âm tiêu chuẩn, vấn đề chữ viết và chính tả, cách đọc diễn cảm, v.v.. Những hiểu biết về ngữ âm giúp ta biết cách phân tích giá trị biểu cảm, tính thẩm mĩ của các phương tiện ngữ âm trong tác phẩm văn chương, đặc biệt trong thơ. 2. Cơ sở của ngữ âm Âm thanh ngôn ngữ được xác lập từ cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội. 2.1. Cơ sở tự nhiên Âm thanh ngôn ngữ có thể tiến hành nghiên cứu về bản chất âm học (cảm thụ - vật lí) và những phương thức cấu âm (nguồn gốc - sinh lí), tức là cơ sở tự nhiên. Hai hướng nghiên cứu này tuy có một tính chất độc lập nhất định nhưng không loại trừ nhau, bởi lẽ, một đặc trưng âm học nào đó chính là kết quả của một phương thức cấu âm nhất định. Cơ sở tự nhiên của ngữ âm gồm mặt vật lí và mặt sinh lí. 2.1.1. Mặt vật lí (cảm thụ - âm học) Cũng như các âm thanh khác trong tự nhiên, âm thanh ngôn ngữ được tạo thành do sự chấn động của dây thanh và sự hoạt động của các khí quan khác thuộc bộ máy phát âm của con người. Còn nữa, âm thanh ngôn ngữ chỉ là những chấn động tạo sóng âm mà bộ máy thính giác của con người có thể cảm thụ được. Do đó, người ta có thể miêu tả âm thanh của ngôn ngữ bằng những đặc trưng âm học như độ cao, độ mạnh, độ dài, âm sắc, v.v.. - Độ cao (pitch: cao độ) Độ cao là độ cao / thấp của các đơn vị âm thanh. Độ cao của âm thanh tuỳ thuộc vào sự chấn động nhanh hay chậm của các phần tử không khí trong một đơn vị thời gian. Hay nói cách khác, độ cao được xác định bằng tần số dao động của các sóng âm. Tần số dao động của sóng âm được xác lập từ đặc trưng của vật liệu cấu tạo nên vật thể về các mặt: 1/ Trọng lượng của vật thể (nó tỉ lệ nghịch với trọng lượng của vật thể; vật thể nặng thường dao động chậm hơn vật thể nhẹ); 2/ Mức độ đàn hồi của chất liệu cấu tạo nên vật thể (nó tỉ lệ thuận với mức độ đàn hồi của vật thể, nghĩa là, khả năng đàn hồi của vật thể càng yếu thì số lượng dao động của vật thể đó trong một đơn vị thời gian nhất định càng ít nên âm thanh phát ra càng thấp, ngược lại, sức đàn hồi càng mạnh thì số chấn động càng nhiều, âm thanh phát ra càng cao); 3/ Âm lượng (độ vang) phát ra do tác động giữa vật thể với môi trường (tức là hiện tượng cộng hưởng); 4/ Hình dáng, kích cỡ của vật thể (vật thể có kích cỡ lớn thì âm lượng của nó càng nhỏ và được truyền chậm hơn so với vật thể bé hơn). Tần số dao động càng lớn (nghĩa là càng nhanh, càng nhiều) thì âm càng cao và ngược lại. Đơn vị đo độ cao là hertz, viết tắt là Hz (Hz là đơn vị đo tần số, bằng một lần dao động đôi trong một giây. Dao động đôi gồm những động tác ngả về cả hai phía hai bên điểm trung hoà rồi trở về điểm đó). Tai người có thể phân biệt độ cao từ 16 đến 20.000 Hz. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, các nguyên âm [i] (i/y), [u] (u), [ɯ] (ư) có độ cao cao hơn các nguyên âm [e] (ê), [o] (ô), [a] (a). - Độ mạnh (intensitu: cường độ) Độ mạnh là độ mạnh / yếu của các đơn vị âm thanh, tuỳ thuộc vào năng lượng được phát ra. Hay nói cách khác, độ mạnh phụ thuộc vào biên độ dao động của các sóng âm trong không gian (tức khoảng cách từ điểm cao nhất và điểm thấp nhất của sóng âm). Biên độ (độ lan toả) càng lớn thì âm càng mạnh (to) và ngược lại. Đồng thời, độ mạnh cũng lệ thuộc vào những điều kiện khí tượng: đại lượng của áp lực không khí, độ ẩm và nhiệt độ của không khí. Trong những điều kiện bình thường, độ mạnh của âm thanh tỉ lệ thuận với bình phương biên độ (chẳng hạn, một sợi dây đàn, nếu biên độ chấn động của dây càng rộng thì độ mạnh âm thanh từ dây phát ra càng lớn). Độ mạnh của âm thanh còn lệ thuộc vào diện tích của vật thể phát ra âm thanh (diện tích càng rộng thì âm thanh càng mạnh, tuy cùng một biên độ chấn động như cũ). Đơn vị đo độ mạnh là decibel, viết tắt dB. Trong các ngôn ngữ, phụ âm phát ra bao giờ cũng mạnh hơn nguyên âm. Đối với ngôn ngữ, độ mạnh âm thanh có một ý nghĩa khá quan trọng. Trước hết, nó đảm bảo sự minh xác trong việc truyền đạt và tiếp thu lời nói, đó là điều có tính chất quyết định đối với ngôn ngữ với tư cách là phương tiện giao tiếp. Thêm nữa, độ mạnh của âm thanh là cơ sở để tạo nên các loại trọng âm khác nhau. - Độ dài (quantity: trường độ) Độ dài là độ dài / ngắn của các đơn vị âm thanh. Độ dài của âm thanh do thời gian chấn động của các phần tử không khí phát ra lâu hay mau quyết định. Độ dài của âm thanh tạo nên sự tương phản giữa các bộ phận của lời nói. Nó còn là yếu tố tạo nên trọng âm, tạo nên sự đối lập giữa nguyên âm này với nguyên âm khác trong một số ngôn ngữ.Chẳng hạn, trong tiếng Việt, [a] (a) trong cao dài hơn [ă] (a) trong cau, [ɤ] (ơ) trong cơm dài hơn [ɤ] (â) trong câm. - Âm sắc (timbre) Âm sắc là vẻ riêng của các đơn vị âm thanh. Âm sắc được xác định bởi ba yếu tố: vật thể phát âm, phương pháp phát âm và hộp cộng hưởng. Vật thể phát âm khác nhau ta có các âm khác nhau. Chẳng hạn: đàn ghi ta và đàn đá, dây đàn bằng tơ và bằng thép, v.v.. Phương pháp phát âm làm cho vật thể chấn động khác nhau nên âm phát ra cũng khác nhau. Chẳng hạn, dùng phím nhựa gẩy (gẩy ghi ta) và dùng dây cung kéo trên dây (kéo nhị). Tính chất phức hợp của âm thanh còn do hiện tượng cộng minh gây nên. Trong sự hình thành của một âm sắc, đóng vai trò quyết định là hiện tượng cộng minh. Hiện tượng cộng minh là khi vật chấn động sẽ có khả năng hấp thụ sự chấn động của các khoảng rỗng, tức là các hộp cộng hưởng (các khoảng rỗng này tự nó vốn không phát ra âm thanh mà chỉ vang lên do hiện tượng cộng minh), nhờ vậy, chính các hộp cộng hưởng cũng góp phần tạo nên âm thanh. Bầu đàn (ghi ta), ống sáo, thanh hầu, khoang miệng, khoang mũi đều là những hộp cộng hưởng để xác định âm sắc. Trong ngôn ngữ, sắc thái đặc thù của mỗi âm thanh được tạo nên bởi các hộp cộng hưởng mũi, miệng, thanh hầu. Chẳng hạn, các nguyên âm có tiếng thanh, còn các phụ âm thường có nhiều tiếng ồn (tiếng động). Sự khác nhau về âm sắc chính là cơ sở của sự khác nhau giữa các nguyên âm. 2.1.2. Mặt sinh lí (nguồn gốc - cấu âm) Âm thanh ngôn ngữ do bộ máy phát âm của con người cùng với hoạt động của nó tạo nên. Bộ máy phát âm là những bộ phận của cơ thể được dùng với chức năng thứ hai là tạo ra các âm của ngôn ngữ. Bộ máy phát âm gồm có cơ quan hô hấp, thanh hầu và các khoang (khoang mũi, khoang miệng, khoang yết hầu) - Cơ quan hô hấp (initiator) Cơ quan hô hấp không trực tiếp tham gia vào việc cấu tạo âm thanh mà chỉ cung cấp vật liệu không khí, tức là cái khởi phát luồng hơi. Muốn tạo ra một âm, trước hết phải có luồng hơi. Trong phần lớn các ngôn ngữ, luồng hơi được tạo ra từ cơ quan hô hấp (Luồng hơi cũng có thể được tạo ra từ nguồn và hướng khác. Chẳng hạn, tiếng Sindhi - một ngôn ngữ ở Ấn Độ và Pakistan đã dùng hơi từ họng đẩy thanh quản xuống làm cho luồng hơi bị hút vào miệng và như thế các âm khép được tạo ra). Cơ quan hô hấp gồm có phổi, hai lá phổi và khí quản. Phổi là bộ phận gồm vô số những cái bọng hơi rất nhỏ, xung quanh có một màng lưới ti vi huyết quản. Hai lá phổi h ... hưng lại liên hệ khăng khít với nhau. Tuy nhiên, nếu triệt để đi theo nguyên tắc này ta phải tính đến một tình huống, trong một ngôn ngữ nào đó, không phải các âm tố (âm vị) mà là các âm tiết nguyên vẹn mới có khả năng liên hệ với các yếu tố ý nghĩa thì thay vào các ấn tượng âm tố, trong cảm thức của người bản ngữ sẽ nổi lên các ấn tượng âm tiết riêng biệt. Điều này đã được E.D.Polivanov chứng minh trên tài liệu tiếng Hán. Để ghi âm tố, theo quy ước chung, ta đặt kí hiệu ngữ âm vào trong hai móc vuông, chẳng hạn: [a], [u], [b], [d], v.v.. 1.2.2. Các loại âm tố - Nguyên âm (vocalic) và phụ âm (consonant) Nguyên âm và phụ âm là hai loại âm tố cơ bản trong các ngôn ngữ. Nguyên âm và phụ âm khác nhauở những điểm chính sau đây: 1/ Nguyên âm là âm tố được cấu tạo bằng một động tác cấu âm luồng hơi đi ra tự do, còn phụ âm được cấu tạo bằng một động tác cấu âm có sự xuất hiện chướng ngại làm cho luồng hơi bị cản trở; 2/ Nguyên âm chủ yếu được cấu tạo bằng tiếng thanh, nghĩa là luồng hơi đi ra làm dây thanh rung đều, có chu kì và tần số dao động của các sóng âm xác định, còn phụ âm chủ yếu bằng tiếng động, nghĩa là dây thanh rung ít hoặc không rung, không xác định được tần số và chu kì dao động của các sóng âm; 3/ Khi phát ra nguyên âm, luồng hơi đi ra yếu, còn khi phát âm phụ âm, luồng hơi đi ra mạnh; 4/ Khi phát âm nguyên âm, các bộ phận tham gia cấu âm ở những vị trí khác nhau (không cần tập trung về một điểm), còn đối với phụ âm, khi phát âm, các bộ phận tham gia cấu âm phải tập trung về một điểm, tạo nên cái gọi là tiêu điểm cấu âm. Có thể nhận diện và phân biệt các nguyên âm dựa trên cơ sở cấu âm hoặc âm học. Dựa trên cơ sở cấu âm, các nguyên âm được phân biệt theo ba tiêu chí: định vị, khai độ và dáng môi. Theo tiêu chí định vị, khi lưỡi đưa ra phía trước, mặt lười nâng lên phía ngạc, ta có các nguyên âm hàng trước [i], [e], [ɛ]; khi lưỡi lùi về phía sau, gốc lưỡi đưa lên phía mạc, ta có các nguyên âm hàng sau [u], [o], [ɔ], v.v.; khi lưỡi ở giữa (khoang miệng), ta có nguyên âm hàng giữa [Ы] (trong tiếng Nga). Theo tiêu chí khai độ (độ mở), tuỳ theo độ mở của miệng hẹp hay rộng mà ta có các nguyên âm khác nhau: nguyên âm hẹp [i], [ɯ], [u], nguyên âm rộng [a], [ă], nguyên âm hơi hẹp [e], [o], nguyên âm hơi rộng [ɛ], [ɔ]. Theo tiêu chí dáng môi, khi môi chúm lại (tròn môi), ta có các nguyên âm tròn môi [u], [o], [ɔ]; còn khi môi dẹt (không chúm lại), ta có các nguyên âm dẹt (không tròn môi) [i], [e], [a], v.v.. Dựa trên cơ sở âm học, các nguyên âm được phân biệt theo các tiêu chí âm sắc và âm lượng. Theo tiêu chí âm sắc, ta có các nguyên âm bổng (cao) [i], [e], [ɛ] và các nguyên âm trầm [u], [o], [ɔ]. Theo tiêu chí âm lượng (độ vang), ta có các nguyên âm âm lượng lớn [a], [ă] và các nguyên âm âm lượng bé [i], [u]. Đối với phụ âm, dựa vào cơ sở cấu âm, ta có thể phân biệt theo hai tiêu chí: bộ ví cấu âm và phương thức phát âm. Theo tiêu chí bộ vị cấu âm, tức là bộ phận tham gia cấu âm và vị trí xuất hiện chướng ngại, ta có các phụ âm môi [b], [m], [v]; các âm đầu lưỡi [t], [t'], [d], [n]; các âm mặt lưỡi [c], [ɲ]; các âm cuối lưỡi [k], [η], [x]; các âm họng [h]. Theo tiêu chí phương thức phát âm, ta có các phụ âm tắc (luồng hơi đi ra bị bịt kín sau đó phá vỡ chướng ngại để thoát ra ngoài) [b], [t], [d], [k]; các phụ âm xát (luồng hơi đi ra cọ xát vào một bộ phận nào đó do phải lách qua khe hẹp để thoát ra ngoài ) [f], [v], [s], [x], [h]. Ngoài hai loại phụ âm tắc và xát, ở một số ngôn ngữ còn có phụ âm tắc xát như [ts] trong tiếng Hán, phụ âm rung [r] trong tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v.. Dựa vào âm học, có thể theo tiêu chí độ vang, ta có các phụ âm vang (tỉ lệ tiếng thanh cao hơn tiếng động) như [m], [n], [l], [r],... và các phụ âm ồn (tỉ lệ tiếng động nhiều hơn tiếng thanh) như [b], [t], [d], [h], [x], [k], v.v.; trong các phụ âm ồn còn có thể phân biệt các phụ âm hữu thanh (có sự tham gia của dây thanh) như [b], [d], v.v. và các phụ âm vô thanh (dây thanh bỏ ngõ) như [t], [x], [k], v.v.. - Bán âm (semi-vocalic, semi-consonant) Ngoài nguyên âm và phụ âm, trong một số ngôn ngữ còn có âm tố bán âm, vừa có tính chất nguyên âm vừa có tính chất phụ âm. Về mặt cấu âm, bán âm giống nguyên âm nhưng trong cấu trúc âm tiết, bán âm không bao giờ xuất hiện ở đỉnh âm tiết, mà chỉ xuất hiện ở đầu hay cuối âm tiết, nghĩa là nó có chức năng như phụ âm. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, hai bán âm [j] và [w] (tương ứng với hai nguyên âm [i] và [u]) chỉ xuất hiện trong các trường hợp như [tăj1] (tay), [dăw1] (đau), [lwăj1 hwăj1] (loay hoay),... 1.3. Âm vị (phoneme) 1.3.1. Khái niệm âm vị Khái niệm âm vị (phoneme) - vấn đề trung tâm của các lí thuyết âm vị học được các nhà ngôn ngữ học xác lập bằng nhiều cách hiểu, nhiều cách định nghĩa khác nhau. Người đầu tiên đưa ra cách hiểu về âm vị, đặt nền móng cho sự ra đời bộ môn âm vị học sau này là Baudouin de Courtenay. Theo ông, có thể gọi âm vị là những yếu tố sống động của ngôn ngữ, được thể hiện ra trên phương diện phát âm vốn là đơn giản nhất không thể chia cắt được nữa trong ngôn ngữ. Đó là những đơn vị âm - tâm lí khác với âm tố, chỉ đơn giản là những đơn vị âm thanh không phụ thuộc vào ý thức ngôn ngữ. Theo Baudouin de Courtenay, âm vị là những đơn vị ngữ âm nhỏ nhất của một hệ thống ngôn ngữ nhất định mà người bản ngữ có thể phân định và nhận diện được. N.S.Trubetskoy (1939) cho ta hai cách lập thức: 1/ Các đơn vị âm vị học mà xét trên quan điểm của thứ tiếng đang xét không thể cắt ra thành những đơn vị kế tiếp ngắn hơn, 2/ Các tập hợp gồm những nét đặc trưng quan yếu của một âm thanh. R.Jakobson định nghĩa: Một bộ gồm những nét khu biệt cùng xuất hiện.... Các nét khu biệt được xếp thành từng chùm đồng thời xuất hiện gọi là âm vị; các âm vị được ghép lại với nhau thành những chuỗi kế tiếp (R.Jakobson và Halle, 1956). A.Matinet (1940) định nghĩa âm vị như Một chùm nét khu biệt được thực hiện đồng thời. Còn trường phái Praha định nghĩa âm vị: Âm vị là đơn vị khu biệt âm thanh nhỏ nhất có tham gia vào thế đối lập âm vị học về trật tự thời gian. Âm vị là đơn vị âm vị học tuyến tính nhỏ nhất. Tác giả Đoàn Thiện Thuật cho rằng: Đơn vị nhỏ nhất của hệ thống biểu đạt thành tiếng của một ngôn ngữ, được quan niệm như một tổng thể của những nét khu biệt được thể hiện đồng thời [8,49]. Cao Xuân Hạo tổng kết: Trong các lí thuyết không vật lí luận của âm vị học hiện đại, đơn vị âm vị học cơ bản của ngôn ngữ - âm vị - được định nghĩa bằng những định tính thuộc hai bình diện khác nhau: bình diện chức năng (khu biệt), tức một bình diện ngôn ngữ học, hay hình thức; và bình diện thời gian, tức một bình diện thể chất hay vật lí. Âm vị một là được định nghĩa như một đơn vị âm vị học (nghĩa là có tác dụng khu biệt) không thể phân tích thành những đơn vị nhỏ hơn kế tiếp nhau theo thời gian, hai là được định nghĩa như một tâph hợp (một bộ, một chùm) nét khu biệt được thực hiện đồng thời - thật ra đó là hai cách trình bày khác nhau của chính hai cái định tính ấy mà thôi [2,28-29]. Theo Cao Xuân Hạo, khái niệm âm vị được định tính bằng các biểu thức tính đồng thời và tính kế tiếp là chứa đầy những sự nhầm lẫn, là một ảo giác khi hình dung về tính chiết đoạn của ngữ lưu mà chỉ dựa vào những dữ kiện vất lí khách quan. Khái niệm âm vị theo các nhà ngôn ngữ học chức năng luận (N.S.Trubetskoy, A.Matinet, R.Jakobson) là thiếu minh xác, chưa xác định bằng những định tính thực sự ngôn ngữ học. Theo tác giả, cách duy nhất để làm việc đó là thay những định tính hư ảo như tính đồng thời, tính kế tiếp đang hiện diện hay hàm ẩn trong các định nghĩa trên bằng các biểu thức hiển ngôn hoá: Một tập hợp gồm những nét khu biệt có tham gia thế đối lập về trật tự thời gian bên trong các đơn vị ở cấp cao hơn mà nó khu biệt; hay diễn đạt một cách ngắn gọn hơn: Đơn vị âm vị học nhỏ nhất mà sự hoán vị có tác dụng khu biệt [2,45]. Tác giả còn giải thích thêm: Khi một đơn vị ngôn ngữ tham gia vào thế đối lập về trật tự thời gian, nghĩa là trong một ngôn ngữ mà sự khác nhau giữa hai tổ hợp ab và ba là quan yếu, thì tổ hợp ấy được phân xuất ra một cách tự phát trong cảm thức của người bản ngữ, và hai thành phần của nó được tri giác như hai âm đoạn kế tiếp nhau trên tuyến thời gian. Sở dĩ người bản ngữ của các thứ tiếng châu Âu tách từ âm tiết ra thành hai hay nhiều âm tố và tri giác các âm tố ấy như những chiết đoạn âm thanh kế tiếp nhau chính vì lẽ ấy. So sánh, trong tiếng Nga: kot (con mèo), kto (ai) và tok (dòng), ta thấy trật tự trước sau của các âm tố có tác dụng khu biệt nghĩa của các hình vị, do vậy, phân xuất được các âm vị /k/, /t/, /o/. 1.3.2. Biến thể âm vị (allophone) Âm vị có thể có kích thước tương ứng với âm tố. Tuy nhiên, các âm vị trong bất cứ ngôn ngữ nào khi được thể hiện trong lời nói cũng kèm theo một vài đặc điểm không khu biệt ở các chu cảnh ngữ âm hoặc ở những người nói. Những sự khác biệt không ảnh hưởng đến chức năng của âm vị gọi là biến thể của âm vị. Dựa vào các yếu tố chi phối biến thể âm vị, người ta chia ra hai loại biến thể: - Biến thể tự do (facultative variant) Biến thể tự do bao gồm biến thể địa phương và biến thể cá nhân. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, âm /z/, có vùng đị phương phát âm [z], có vùng phát âm [r]. Âm /ţ /, các địa phương Bắc Bộ phát âm thành [c] hoặc [t]; cách phát âm làm dáng của các thiếu nữ Hà Nội lại thành âm tắc xát [ts]... Nhìn chung, biến thể cá nhân là hết sức đa dạng, bởi vì, bộ máy cấu âm của các cá nhân có những đặc điểm khác nhau, muôn màu muôn vẻ. Hơn nữa, ngay một cá nhân cũng có những biến dạng âm thanh khi có sự thay đổi về sức khoẻ, tuổi tác, trạng thái tâm lí,... - Biến thể kết hợp (combinatorial variant) Nếu như biến thể tự do phần nào tuỳ tiện thì biến thể kết hợp là những biến thể tất yếu do những kết hợp âm thanh chi phối. Trong ngữ lưu, các âm vị dứng cạnh nhau sẽ ảnh hưởng lẫn nhau làm cho chúng biến dạng ít nhiều.Chẳng hạn, trong tiếng Việt, âm /t/ trong các âm tiết ta và tu có hai biến dạng phát âm khác nhau: một âm [t] không tròn môi và một âm [to] tròn môi. Trong âm tiết tu, âm [t] có thêm cấu âm tròn môi là do kết hợp với nguyên âm [u] đi sau ([u] là âm tròn môi). 2. Các đơn vị ngôn điệu Trong âm vị học, ngoài các đơn vị đoạn tính còn có các đơn vị siêu đoạn tính hay ngôn điệu. Các đơn vị âm đoạn tính gồm âm tiết, âm tố, âm vị; còn các đơn vị siêu âm đoạn tính gồm trọng âm, thanh điệu và ngữ điệu. Các đơn vị ngôn điệu đóng vai trò là phương thức muôn màu muôn vẻ để tổ chức các đơn vị âm đoạn tính thành những thể thống nhất lớn hơn cũng như để phân biệt các kí hiệu ngôn ngữ. 2.1. Trọng âm (stress; tonic accent) Trọng âm là hiện tượng tách biệt một yếu tố nào đó nằm trong một chuỗi các yếu tố cùng loại của lời nói bằng cách nhấn giọng, kéo giọng, lên/xuống giọng. Tuỳ thuộc vào các đơn vị đoạn tính đóng vai trò, chức năng gì mà trọng âm được phân chia thành trọng âm từ, trọng âm câu. Trọng âm từ là sự tách biệt một trong các âm tiết trong thành phần của một từ đa tiết bằng các phương tiện ngữ âm nào đó. Trong các ngôn ngữ như tiếng Nga, việc nhấn giọng (trọng âm) một âm tiết nào đó kéo theo hiện tượng nhược hoá cùng một lúc tất cả các âm tiết còn lại, có tác dụng đạt tới sự thống nhất về mặt ngữ âm của từ, tách biệt tương đối từ trong ngữ lưu, đôi khi kéo theo sự phân biệt ý nghĩa từ vựng của từ. Chẳng hạn: мyká (bột) và мýka (sự đau khổ). Trọng âm còn có trọng âm cú pháp và trọng âm logíc. Trọng âm cú pháp có tác dụng trong phạm vi ngữ đoạn, thường xuất hiện ở cuối ngữ đoạn. Còn trọng âm logic là sự tách biệt một từ nào đó trong câu bằng cách nhấn mạnh từ đó để nhấn mạnh ý nghĩa. Chẳng hạn, trong câu: Hôm nay nó về nhà, có thể nhấn mạnh Hôm nay (thời gian), có thể nhấn mạnh nó (chủ thể), có thể nhấn mạnh về nhà (điểm đến). 2.2. Thanh điệu (tone) Thanh điệu là dấu hiệu của toàn bộ âm tiết, là đặc trưng độ cao của âm tiết tạo nên các từ khác nhau. Mỗi thanh điệu được xác định bằng các tiêu chí khu biệt về âm vực (cao/thấp), về âm điệu (trầm/bổng), về đường nét (bằng phẳng/gãy). Cần phải phân biệt thanh điệu với trọng âm. Thanh điệu là đặc trưng mang tính chất âm điệu của mỗi âm tiết trong từ. Khi biết thanh điệu thuộc một âm tiết nào đó của từ thì nói chung là không xác định được thanh điệu của âm tiết khác. Còn trọng âm lại là đặc trưng của một âm tiết trong từ, khi biết vị trí của trọng âm và số lượng âm tiết thì có thể xác định được đặc trưng ngôn điệu của những âm tiết còn lại trong từ. Các thanh điệu dùng để phân biệt ý nghĩa của từ, còn đối với trọng âm thì việc phân biệt ý nghĩa từ vựng của từ chỉ là thứ yếu. 2.3. Ngữ điệu (intonation) Ngữ điệu là tổng hoà những sự diễn biến âm thanh bao gồm độ cao, độ mạnh và độ dài trong một câu nói, có chức năng thể hiện và phân biệt các câu nói. Trọng âm và thanh điệu chỉ có ở một số ngôn ngữ, còn ngữ điệu có ở tất cả các ngôn ngữ. Ngữ điệu bao gồm ba yếu tố: độ cao (âm điệu), độ manh (trọng âm) và độ dài (ngừng giọng). Yếu tố quan trọng nhất của ngữ điệu là độ cao (âm điệu), tức là sự chuyển động lên/xuống của thanh cơ bản của giọng nói. Cùng với độ dài (chỗ ngừng), độ cao là một phương tiện phân đoạn lời nói. HƯỚNG DẪN TỰ HỌC BÀI 2 * Những kiến thức cần nắm vững - Các khái niệm âm tiết, âm tố, âm vị (các đơn vị đoạn tính). - Phân biệt các âm tố nguyên âm và phụ âm, cách xác lập và phân biệt nguyên âm và phụ âm trong các ngôn ngữ. - Phân biệt âm tiết, âm tố, âm vị; nắm vững khái niệm âm vị và biến thể. - Nắm được các âm vị siêu đoạn tính gồm trọng âm, thanh điệu và ngữ điệu (chú ý phân biệt trọng âm và thanh điệu, thanh điệu và ngữ điệu). * Câu hỏi và bài tập 1. Âm tiết là gì? Nêu cách nhận diện âm tiết. 2. Phân biệt âm tố nguyên âm và phụ âm. Nêu các tiêu chí phân loại nguyên âm và phụ âm. 3. Tại sao nói các âm vị trong hệ thống vừa có mặt đồng nhất vừa có mặt đối lập? Nét khu biệt âm vị học là gì? 4. Lênin nói: Trong ngôn ngữ chỉ có cái khái quát mà thôi. Hãy chứng tỏ điều đó từ mặt âm thanh ngôn ngữ. 5. Vẽ sơ đồ hình sin, biểu diễn đỉnh âm tiết, ranh giới âm tiết của các âm tiết trong câu: Hoa quả bốn mùa nhiều vô kể. 6. Phát âm các âm [i], [u], [a], [t], [d], [ţ]; nhận xét sự chuyển dịch của lưỡi khi phát âm các âm tố ấy. * Tài liệu tham khảo 1. Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H. 2004, từ tr.18 - 64. 2. Vương Hữu Lễ, Hoàng Dũng, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, H. 1994, từ tr.29 - 70. 3. Nguyễn Hoài Nguyên, Ngữ âm tiếng Việt, Đại học Vinh, Vinh 2007, từ tr.10 - 21. Chương 2. NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT HIỆN ĐẠI Bài 1. ÂM TIẾT TIẾNG VIỆT Phân phối thời gian 1. Học trên lớp: lí thuyết: 3 tiết; thảo luận, bài tập: 2 tiết 2. Tự học: 7 tiết 1. Đặc điểm của âm tiết tiếng Việt Trong tiếng Việt, âm tiết có cương vị ngôn ngữ học khác với âm tiết trong các ngôn ngữ châu Âu. Âm tiết tiếng Việt có những đặc điểm sau đây:
File đính kèm:
- giao_trinh_ngu_am_tieng_viet_phan_1.pdf