Fintech - Làn sóng công nghệ làm thay đổi tài chính thế giới
Tại Việt Nam, FinTech là một lĩnh vực tương đối mới, nhưng đã thu hút được sự chú ý của
Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhờ những tác động tích cực của FinTech tới
xã hội và đời sống nhân dân, cũng như tiềm năng phát triển mạnh của FinTech trong tương
lai. Với mong muốn giúp bạn đọc có một cách nhìn toàn diện về FinTech, làn sóng công nghệ
mới đầy hứa hẹn, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ biên soạn Tổng
luận “FINTECH - LÀN SÓNG CÔNG NGHỆ LÀM THAY ĐỔI TÀI CHÍNH THẾ GIỚI”.
Tổng luận sẽ cung cấp những khái niệm tổng quát về FinTech, các đổi mới công nghệ làm
nền tảng của FinTech, phát triển FinTech trên thế giới, Đông Nam Á và Việt Nam.
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Fintech - Làn sóng công nghệ làm thay đổi tài chính thế giới", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Fintech - Làn sóng công nghệ làm thay đổi tài chính thế giới

1 Tổng luận tháng 9/2018 FINTECH - LÀN SÓNG CÔNG NGHỆ LÀM THAY ĐỔI TÀI CHÍNH THẾ GIỚI 2 Lời giới thiệu Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ và tạo ra những biến chuyển trên nhiều lĩnh vực xã hội. Đối với lĩnh vực tài chính, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rõ rệt, thể hiện ở sự xuất hiện của FinTech- Công nghệ tài chính. FinTech đã và đang làm thay đổi cách thức, địa điểm và thời gian người tiêu dùng thực hiện thanh toán, cũng như tạo thuận lợi để người tiêu dùng có thể tiếp cận tới nhiều loại hình dịch vụ tài chính, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội. Một điểm đặc biệt ở FinTech, đó là những nơi còn thiếu sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng, những nơi người dân vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tới các dịch vụ tài chính, lại chính là những “mảnh đất màu mỡ” để FinTech phát triển. Hay nói cách khác, FinTech không chỉ đơn thuần làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng tài chính truyền thống, mà hơn thế, FinTech còn giữ vai trò quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện tới người dân, qua đó thúc đẩy phát triển và nâng cao công bằng xã hội. Tại Việt Nam, FinTech là một lĩnh vực tương đối mới, nhưng đã thu hút được sự chú ý của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhờ những tác động tích cực của FinTech tới xã hội và đời sống nhân dân, cũng như tiềm năng phát triển mạnh của FinTech trong tương lai. Với mong muốn giúp bạn đọc có một cách nhìn toàn diện về FinTech, làn sóng công nghệ mới đầy hứa hẹn, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ biên soạn Tổng luận “FINTECH - LÀN SÓNG CÔNG NGHỆ LÀM THAY ĐỔI TÀI CHÍNH THẾ GIỚI”. Tổng luận sẽ cung cấp những khái niệm tổng quát về FinTech, các đổi mới công nghệ làm nền tảng của FinTech, phát triển FinTech trên thế giới, Đông Nam Á và Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu. 3 Tóm tắt nội dung Thập niên 1990, những tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi bộ mặt của lĩnh vực dịch vụ tài chính, với sự ra đời của thương mại điện tử. Thương mại điện tử cho phép cá nhân hoặc doanh nghiệp truy cập tài khoản, thực hiện chuyển khoản và thu thập thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tài chính mà không phải liên hệ trực tiếp với các công ty tài chính. Nhiều mô hình kinh doanh E-finance đã xuất hiện trong những năm 1990, bao gồm ngân hàng trực tuyến (banking online), dịch vụ môi giới trực tuyến, thanh toán di động và ngân hàng di động. Từ giữa những năm 2000, số người dùng điện thoại di động/điện thoại thông minh tăng vọt, làm thúc đẩy sự phát triển tài chính lưu động, ví dụ như thanh toán di động và ngân hàng di động, một hình thức mở rộng của thương mại điện tử. Đổi mới FinTech xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới diễn ra vào năm 2008, bằng cách kết hợp thương mại điện tử, các công nghệ internet, các dịch vụ mạng xã hội, truyền thông xã hội, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn. FinTech đã mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp những “ngách” kinh doanh mới, cũng như mở ra cơ hội để người tiêu dùng có thể tiếp cận tới dịch vụ tài chính tốt hơn. Phần I của Tổng luận đi sâu vào cung cấp những khái niệm cơ bản về FinTech, các phân khúc và phân đoạn, hệ sinh thái FinTech, các lĩnh vực ứng dụng FinTech và các thách thức mà công ty FinTech phải đối mặt. Phần II trình bày chi tiết các đổi mới công nghệ được áp dụng vào lĩnh vực tài chính để làm nền tảng của FinTech. Đó là những đổi mới trong lĩnh vực thanh toán (thanh toán tiêu dùng, thanh toán công ty), điển hình như ví di động, thanh toán ngang hàng, tiền kỹ thuật số; các loại hình mới như cho vay phi truyền thống, insurtech (công nghệ bảo hiểm), regtech (công nghệ quản lý), ro-bo advisors (nhà tư vấn tự động) Phần III khái quát bức tranh sơ lược về phát triển FinTech trên thế giới với việc đi sâu vào khía cạnh thị trường và giới thiệu một số thị trường cụ thể như Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam. Phần này chú trọng vào tình hình phát triển FinTech tại Việt Nam và đề xuất khuyến nghị. 4 I. CÁC KHÁI NIỆM VỀ FINTECH 1.1. Định nghĩa về FinTech Thị trường tài chính trên toàn thế giới bị tác động sâu sắc bởi cuộc cách mạng internet vào đầu những năm 1990, với một trong những hiệu ứng chính là làm giảm chi phí giao dịch tài chính. Những tiến bộ công nghệ được internet thúc đẩy đã làm thay đổi bộ mặt của ngành dịch vụ tài chính và dẫn đến sự phát triển của tài chính điện tử (e-finance). E-finance đề cập đến tất cả các hình thức dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và giao dịch chứng khoán được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử, bao gồm internet và World Wide Web. E- finance cho phép cá nhân hoặc doanh nghiệp truy cập tài khoản, thực hiện chuyển khoản và thu thập thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tài chính mà không phải liên hệ trực tiếp với các công ty tài chính. Nhiều mô hình kinh doanh E-finance đã xuất hiện trong những năm 1990, bao gồm ngân hàng trực tuyến (banking online), dịch vụ môi giới trực tuyến, thanh toán di động và ngân hàng di động. Với thương mại điện tử, những hình thức đổi mới này đã dẫn đến làm giảm quy mô và số lượng các trụ sở ngân hàng. Tác động của công nghệ internet được biểu hiện rõ trong ngành ngân hàng. Với bản chất nhạy về thời gian, chuyên sâu về thông tin, rõ ràng hầu như mọi thành phần của chuỗi giá trị trong hoạt động của ngân hàng đều được hưởng lợi từ việc sử dụng sáng tạo các công nghệ web. Từ góc độ của ngân hàng, lợi ích tiềm năng của ngân hàng trực tuyến bao gồm chi phí hoạt động thấp hơn, thời gian giao dịch ngắn hơn, thông tin quản lý theo thời gian thực tế, liên lạc liền mạch trong khắp hệ thống ngân hàng, tương tác thuận tiện hơn với khách hàng hiện tại cũng như tương lai và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng ví dụ như tiếp cận tới kho kiến thức chuyên môn trong quản lý tài chính. Giao dịch cổ phiếu trực tuyến là một ví dụ nữa của e-finance. Hình thức này làm giảm thiểu chi phí hoạt động bằng cách xử lý trực tuyến mọi giao dịch cổ phiếu. Hình thức này cũng đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách cung cấp các dịch vụ chuyên biệt ở mức phí giao dịch thấp nhất có thể. Một số công ty môi giới chứng khoán trực tuyến còn cho phép khách hàng truy cập miễn phí vào các báo cáo nghiên cứu chất lượng cao của các tổ chức nghiên cứu tài chính uy tín. Số người dùng điện thoại thông minh tăng mạnh trong giữa những năm 2000 đã tạo điều kiện để phát triển tài chính lưu động, ví dụ như thanh toán di động và ngân hàng di động, vốn là sự mở rộng của e-finance. Các cơ quan tài chính cho phép khách hàng của họ không chỉ truy cập vào thông tin tài khoản ngân hàng, mà còn thực hiện giao dịch, chẳng hạn như thanh toán hóa đơn và chuyển tiền, thông qua điện thoại di động của họ. Với những tiến bộ trong lĩnh vực e-finance và các công nghệ di động ở các công ty tài chính, đổi mới FinTech xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới diễn ra vào năm 2008, bằng cách kết hợp e-finance, các công nghệ internet, các dịch vụ mạng xã hội, truyền thông xã hội, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn. Các công ty khởi nghiệp FinTech khác với các công ty tài chính truyền thống ở việc cung cấp các dịch vụ “ngách” được cá thể hóa, các giải pháp dựa trên dữ liệu, một nền văn hóa sáng tạo, và một cơ cấu doanh nghiệp năng động. Mặc dù FinTech thường được coi là một mối đe dọa cho các định chế tài chính truyền thống, nhưng FinTech cũng đồng thời mang lại 5 những cơ hội đạt được lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ cho những định chế này. Phần lớn các định chế tài chính lớn bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu FinTech và phát triển chiến lược để cạnh tranh, cùng tồn tại và cộng tác với các start-up FinTech. Vậy FinTech là gì? Hiện tại, chưa có một định nghĩa thống nhất trên toàn cầu cho “FinTech”. Tuy nhiên, thuật ngữ "FinTech", là dạng viết tắt của cụm từ “financial technology” (công nghệ tài chính), thường biểu thị các công ty hoặc đại diện các công ty kết hợp các dịch vụ tài chính với các công nghệ hiện đại, sáng tạo. Như một quy ước, những công ty mới gia nhập vào thị trường sẽ cung cấp các sản phẩm dựa trên Internet theo hướng ứng dụng. Các công ty FinTech thường hướng tới thu hút khách hàng bằng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với người dùng, hiệu quả hơn, minh bạch hơn và tự động hơn so với những sản phẩm và dịch vụ đã có. Ngoài cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, FinTech còn phân phối bảo hiểm và các công cụ tài chính khác hoặc cung cấp các dịch vụ bên thứ ba. Theo nghĩa rộng của thuật ngữ, "FinTech" còn có thể bao gồm các công ty cung cấp công nghệ (ví dụ như các giải pháp phần mềm) cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Tuy vậy, không thể định nghĩa thuật ngữ "FinTech" dựa trên cơ sở ứng dụng của nó trong các văn bản pháp luật. Các công ty FinTech là đối tượng của nhiều loại nghĩa vụ pháp lý và pháp luật khác nhau do có các mô hình kinh doanh khác nhau cũng như các sản phẩm hay dịch vụ đa dạng mà họ cung cấp. Ví dụ, các công ty trong ngành công nghiệp huy động vốn cộng đồng (crowdinvesting) cung cấp các khoản vay hợp vốn (profit-participating loan), quyền hợp vốn không đảm bảo hoặc quan hệ đối tác im lặng (silent partnership) để đảm bảo tài chính doanh nghiệp thì thuộc phạm vi của Luật Đầu tư của Đức. Tuy nhiên, các tổ chức phát hành thẻ thanh toán trên cùng các nền tảng crowdinvesting này sẽ phải tuân theo Luật Giao dịch Chứng khoán của Đức nếu cổ phiếu được bán cho công chúng. Cuối cùng, không thể xây dựng một định nghĩa hạn hẹp về “FinTech" để áp dụng cho tất cả các thực thể thường được liên kết với thuật ngữ “FinTech”. Mặc dù hầu hêt các công ty trong ngành công nghiệp FinTech có một số tính năng chung nhất định, vẫn sẽ luôn có những ngoại lệ để khiến cho không thể tạo ra một định nghĩa chung. Ví dụ, rất nhiều công ty FinTech mới đang trong giai đoạn khởi nghiệp.Tuy nhiên, vì không phải tất cả các công ty FinTech đều là các công ty khởi nghiệp, nên việc phân loại này không thể đóng góp vào định nghĩa FinTech. Tương tự như vậy là hai yếu tố: sự tham gia của số lượng lớn các nhà đầu tư vào một cơ hội huy động vốn ("đám đông") hay việc sử dụng các thành phần truyền thông xã hội. Mặc dù hai tính năng này không thể thiếu trong hoạt động của nhiều phân đoạn ngành công nghiệp FinTech, chẳng hạn như ở gọi vốn đám đông hoặc giao dịch xã hội (social trading), vẫn có những phân đoạn khác, ví dụ như các dịch vụ thanh toán sáng tạo, nơi hai tính năng này không quan trọng chút nào. Vì lý do này, thay vì cố gắng đưa ra một định nghĩa hạn hẹp hay theo khía cạnh pháp lý, thì việc phác họa ra các phân khúc của ngành công nghiệp FinTech có thể sẽ mang lại hình dung tốt nhất về FinTech. 1.2. Phân khúc ngành công nghiệp FinTech Các công ty trong ngành công nghiệp FinTech có thể được chia thành bốn phân khúc 6 chính dựa theo các mô hình kinh doanh đặc thù của họ. Giống với các lĩnh vực giá trị gia tăng truyền thống của một ngân hàng toàn cầu, FinTech có thể chia thành các phân khúc: huy động vốn (financing); quản lý tài sản; thanh toán; và các loại hình FinTech khác. Hình 1: Bốn phân khúc chính và các phân đoạn nhỏ Phân khúc huy động vốn của FinTech là lĩnh vực giúp huy động vốn cho các cá thể tư nhân lẫn doanh nghiệp. Phân khúc này có thể được chia thêm thành các phân đoạn nhỏ hơn như: - huy động vốn cộng đồng (crowdfunding): có số lượng lớn các nhà góp vốn - tín dụng và bao thanh toán (credit & factoring): tín dụng và các dịch vụ bao thanh toán mà không có sự tham gia của đám đông Huy động vốn cộng đồng: mô tả một hình thức huy động vốn trong đó một số lượng lớn “người ủng hộ” sẽ cung cấp các nguồn lực tài chính để đạt được một mục tiêu chung. Thay cho một ngân hàng truyền thống, một cổng cộng đồng huy động vốn sẽ giữ vai trò là trung gian. Các cổng huy động vốn cộng đồng còn có thể được chia thành 4 phân đoạn nhỏ hơn nữa trên cơ sở loại hình đối ứng (consideration) được trả cho nhà đầu tư cho các khoản đầu tư của họ. Ví dụ, trong khi các nhà đầu tư tham gia vào huy động vốn cộng đồng trên cơ sở quyên tặng (donation-based crowdfunding) không nhận được khoản lợi nhuận nào cho những khoản đóng góp của họ (mặc dù họ có thể thu được lợi ích cá nhân gián tiếp thông qua hành động quyên góp), thì ở huy động vốn cộng đồng trên cơ sở hưởng lợi nhuận (reward-based 7 crowdfunding) họ nhận được một số hình thức thưởng đối ứng dưới dạng phi tiền tệ. Những khoản thưởng đối ứng này có thể dưới dạng có quyền đặt trước sản phẩm hoặc một số hình thức làm tăng uy tín khác ví dụ như nhà đầu tư có tên trong danh sách tham gia của đoàn làm phim được nhận tài trợ. Nói chung, trong các phân đoạn huy động vốn cộng đồng dựa trên hưởng lợi nhuận và quyên góp, sẽ không có chi phí cho các cá nhân để thực hiện các dự án. Một số cổng huy động tính phí từ 5% đến 11% tổng số tiền huy động được trong trường hợp chiến dịch thành công. Các cổng huy động khác kiếm doanh thu thông qua các khoản đóng góp tự nguyện từ các nhà đầu tư và người khởi xướng các dự án. Ở phân đoạn thứ ba, đầu tư vốn cộng đồng (crowdinvesting), các nhà đầu tư nhận được một phần vốn chủ sở hữu, nợ hoặc quyền sở hữu lai ghép. Các hợp đồng được sử dụng trong crowdinvesting thường mô phỏng các khía cạnh nhất định của việc tham gia góp vốn bằng cách sử dụng một công cụ trung gian. Theo quy định, các cổng crowdinvesting thu lợi nhuận từ các khoản phí mà họ nhận được từ các công ty được cấp tài trợ thành công. Ở Đức, khoản phí này trung bình là 8% số tiền đầu tư. Gần đây, các cổng crowdinvesting cũng có thu nhập trích từ thành công trong tương lai của các công ty được cấp vốn bằng cách yêu cầu các nhà đầu tư khấu trừ một phần nhất định lợi nhuận tiềm năng của một công ty, giá trị doanh nghiệp và lợi nhuận tích lũy (carried interest). Nói chung, các cổng xử lý các khoản tiền đầu tư tương đối nhỏ trong các chiến dịch đầu tư cộng đồng. Ví dụ tại Đức, giữa năm 2015 đã thu được khoản tiền hơn 1 triệu EUR từ 5 trong số 174 chiến dịch đầu tư cộng đồng thành công. Tuy nhiên, năm chiến dịch thành công này cũng chỉ tương ứng với 29% tổng lượng tiền huy động được từ tất cả các chiến dịch thành công. Phân đoạn thứ tư, cho vay cộng đồng (crowdlending), chứa những nền tảng cho phép các cá thể tư nhân và doanh nghiệp có thể vay từ đám đông. Đổi lại việc cho vay, các nhà đầu tư đám đông sẽ nhận được lãi suất được định trước. Tại Đức, các công ty lãnh đạo thị trường trong ngành công nghiệp cho vay cộng đồng lấy kinh phí từ hai loại phí. Thứ nhất, người vay chịu một khoản phí phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ và thời hạn của khoản vay. Thứ hai, người cho vay phải trả một tỷ lệ phần trăm nhất định của số tiền đầu tư (thường là 1%) hoặc một điểm phần trăm lãi suất. Ngoài ra còn có phân đoạn tín dụng và bao thanh toán (credit and factoring). Doanh nghiệp FinTech ở phân đoạn này, thường hợp tác với ngân hàng đối tác (hoặc một số ngân hàng đối tác), mở rộng tín dụng tới các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân mà không cần phải nhờ tới đám đông. Các khoản vay đô ... ng đổi mới FinTech đang được áp dụng rộng rãi vào lĩnh vực dịch vụ tài chính của các nước ASEAN, trong đó Singapo là quốc gia đi đầu. Nhu cầu về các giải pháp FinTech trong ASEAN được thúc đẩy bởi khả năng áp dụng công nghệ nhanh chóng, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao mức phổ cập Internet rộng, mức độ đô thị hóa cao, dân số trẻ và có học, cũng như một phân khúc người tiêu dùng và các SME không được hỗ trợ bởi các giải pháp ngân hàng truyền thống. Những yếu tố này và tiềm năng kinh tế của ASEAN đã thu hút một số lượng lớn các nhà đầu tư đến khu vực. ASEAN cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt của FinTech. Trong năm 2016, đầu tư vào thị trường FinTech Đông Nam Á tăng lên 252 triệu USD, so với 190 triệu USD trong năm 2015, tăng 33%. Tổng mức đầu tư đến tháng 9 năm 2017 đã vượt quá năm 2016 đạt 338 triệu USD. Hầu hết các nguồn tài trợ trong khu vực là từ các nhà đầu tư hạt giống và thiên thần. Về phân bổ các công ty FinTech, dữ liệu từ Tracxn (Công ty chuyên tư vấn Công nghệ và Dữ liệu Vốn mạo hiểm) cho thấy Singapo là quê hương của nhiều công ty FinTech lớn mạnh ở ASEAN, với tỷ lệ 39%. Cơ sở hạ tầng tài chính phát triển và các chính sách quản lý mang tính hỗ trợ của Singapo đã giúp cho quốc đảo này có thể cạnh tranh với các trung tâm tài chính toàn cầu khác, ví dụ như Hồng Kông và Luân Đôn. Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan đang theo sát nút Singapo với vai trò là những điểm đến ưa thích của các công ty FinTech, nhờ được hỗ trợ bởi tỷ lệ sử dụng điện thoại di động cao, mức phổ cập Internet rộng và lượng dân số trẻ, nhiều kiến thức và ngày càng đô thị hóa. Điều này đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư và các công ty FinTech dành sự chú ý của họ vào khu vực. 31 (Tổng số công ty FinTech là 1228 ở 6 nước) Hầu hết các nước ASEAN đều xác định FinTech là một khu vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh và đã thực hiện các bước để thúc đẩy môi trường hỗ trợ cho các công ty FinTech phát triển. Singapo là nước dẫn đầu với Cơ quan tiền tệ Singapo (MAS) thực hiện một số bước để thúc đẩy FinTech. Tại Việt Nam, Ban Chỉ đạo FinTech trực thuộc Ngân hang Nhà nước Việt Nam có chức năng thúc đẩy phát triển lĩnh vực FinTech và hoàn thiện chính sách thực hiện Mạng lưới thanh toán quốc gia đến năm 2020. Lĩnh vực thanh toán ở khu vực ASEAN chịu tác động mạnh mẽ nhất của đổi mới FinTech. Các start-up kỹ thuật số đang làm thay đổi cách thức, thời gian và nơi thực hiện thanh toán. Thanh toán trực tuyến và ví di động (thanh toán kỹ thuật số) chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp FinTech ASEAN. Nhân tố chính tạo nên bùng nổ đổi mới thanh toán là phạm vi truy cập internet rộng, kết hợp với lượng người sở hữu điện thoại thông minh tăng lên, cho phép truy cập theo thời gian thực và làm tăng mạnh số người tiêu dùng trẻ tuổi, am hiểu công nghệ cao. Theo khảo sát của Visa, 36% dân số ở Đông Nam Á là người sử dụng internet tích cực với 70% mua bán trực tuyến ít nhất một lần mỗi tháng. Hơn nữa, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều đang kỳ vọng vào sự bùng nổ thương mại điện tử. Tiện lợi và an toàn là hai lý do chính để tăng cường áp dụng các phương thức thanh toán điện tử trong khu vực ASEAN. 32 Theo dữ liệu của Tracxn, có 367 start-up FinTech trong lĩnh vực thanh toán tại ASEAN tính tới 9/10/2017. Về kinh phí đầu tư, thanh toán là phân đoạn FinTech được đầu tư nhiều nhất. Các start-up FinTech thanh toán tại ASEAN nhận được khối lượng lớn tài trợ trong ba năm qua, tăng gấp 10 lần từ 8 triệu USD lên 83 triệu USD vào năm 2015. Tính đến tháng 9 năm 2017, 117 triệu USD đã được đầu tư vào các start-up FinTech thanh toán tại ASEAN. Trong lĩnh vực thanh toán, ví điện tử được các nhà đầu tư tài trợ mạnh nhất, tiếp theo là các công ty FinTech chuyển tiền và các cổng thanh toán. Ba danh mục hàng đầu này là các khối kiến tạo để thúc đẩy tài chính toàn diện cho cộng đồng. Hai công ty được tài trợ nhiều nhất trong lĩnh vực này cho tới nay là Momo, công ty thanh toán di động đầu tiên tại Việt Nam với 33,8 triệu USD và MatchMove Wallet công ty xử lý thanh toán di động / thương mại điện tử tại Singapo với 30 triệu USD. 102 78 68 39 33 31 12 4 0 20 40 60 80 100 120 Singapo Malaixia Thái Lan Myanmar Hình 5: Số lượng các công ty FinTech trong lĩnh vực thanh toán ở ASEAN theo quốc gia (tới 2017) Singapo là thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trưởng thành nhất với mức bao phủ 33 của ví điện tử cao nhất là 23,3%, tiếp theo là Philipin, Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia và Thái Lan. Mức bao phủ rộng rãi của điện thoại thông minh ở các nước ASEAN dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng ví kỹ thuật số trong tương lai. Ngoài ra thanh toán kỹ thuật số còn có tiềm năng thâm nhập vào các lĩnh vực như thanh toán tiền lương (71% hiện nhận bằng tiền mặt), chuyển tiền của chính phủ (69% nhận bằng tiền mặt) và hóa đơn tiện ích (89% trả bằng tiền mặt). Trong năm năm tới, thanh toán kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) trên khắp các quốc gia, với dự kiến mức tăng trưởn CAGR của Việt Nam là 17,2% từ 2017 tới 2021 (Nguồn: Statisca, 10/2017). Phân khúc cho vay ngang hàng (P2P) đã phát triển nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 2005. Cơ quan Allied Market Research dự đoán thị trường P2P sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 51,5% (2016-2022), đạt 460,3 tỷ USD vào năm 2022.Phân khúc cho vay ngang hàng dự kiến sẽ có cú bùng nổ ở ASEAN, nơi cho vay P2P vẫn còn ở giai đoạn “sơ sinh” (chưa tới 0,1% tất cả các khoản vay có nguồn gốc từ các công ty cho vay ngang hàng). Theo dữ liệu của Tracxn, có 54 công ty cho vay P2P hàng đầu trong khu vực ASEAN, chiếm 8% thị trường FinTech Các nước ASEAN đã hạn chế mức cấp tín dụng cho các công ty vừa nhỏ và rất nhỏ (MSME). MSME (các công ty có dưới 100 công nhân) tạo ra 74% tổng việc làm và khoảng 41% GDP của kinh tế ASEAN. Hơn nữa, các nguồn tài trợ thay thế như vốn mạo hiểm và thiên thần, quỹ cổ phần tư nhân v.v. không phát triển đầy đủ để đáp ứng cho nhu cầu ngày càng tăng của các MSME trong ASEAN. Những công ty cho vay P2P đang tận dụng những tiến bộ công nghệ để thu hẹp khoảng cách tín dụng này và mang lại khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng trong phân khúc. Kết quả là, cho vay P2P có tiềm năng phát triển rất lớn trên toàn ASEAN, đặc biệt là đối với phân khúc MSME. 34 Ngành công nghiệp quản lý tiết kiệm và đầu tư tiêu dùng đang chứng kiến một giai đoạn thay đổi nhân khẩu học mạnh mẽ khi các tài sản đang dần được chuyển giao sang cho những người thừa kế thuộc thế hệ Millenia. Các start-up FinTech cung cấp dịch vụ đầu tư kỹ thuật số đang trở nên phổ biến với thế hệ Millenia, những người trẻ tuổi, hiểu biết về công nghệ cao, tin tưởng vào cách tiếp cận tự làm chủ. Với 50% dân số ASEAN dưới tuổi 30 và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có, không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty FinTech trong lĩnh vực tiết kiệm và đầu tư đang chiếm chỗ đứng trong khu vực. Theo số liệu của Tracxn, có 92 công ty FinTech tiết kiệm và đầu tư trong khu vực ASEAN. 35 Thế hệ Millenia, cùng với việc gia tăng các nhóm người tiêu dùng có thu nhập trung bình (thông thường không có các nhà quản lý tài sản), đã kích thích phát triển lĩnh vực Tư vấn robo (Robo-advisor) tại ASEAN. Tư vấn robo hoạt động với vai trò là một phương thức bổ sung, chứ không phải để thay thế các cố vấn tài chính hiện có, những người chuyên phục vụ người giàu ở ASEAN. 36 InsurTech đang trở thành một từ thông dụng trên toàn cầu khi các công ty FinTech thiết kế nên những đổi mới kỹ thuật số trong lĩnh vực bảo hiểm. Xu hướng này dự kiến sẽ dẫn đến nhu cầu tăng về bảo hiểm dựa trên mức sử dụng và phí bảo hiểm được điều chỉnh linh hoạt. Năm nay, khu vực ASEAN đã chứng kiến nguồn tài trợ mạnh mẽ trị giá 75 triệu USD vào lĩnh vực InsurTech. Công ty được tài trợ nhiều nhất trong hạng mục này là Singapo Life (50 triệu USD). 37 25 17 9 14 7 1 Singapo Inđônêxia Malaixia Thái Lan Philipin Việt Nam Hình 10: Số lượng các công ty InsurTech theo quốc gia ASEAN (tháng 10/2017) FinTech tại Việt Nam Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance, thị trường FinTech của Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Trong một báo cáo mới được công bố có nhan đề "Mở khóa tiềm năng tăng trưởng FinTech của Việt Nam", Solidiance nhận định có nhiều yếu tố, bao gồm tỷ lệ bao phủ internet rộng và điện thoại thông minh được sử dụng phổ biến ở các trung tâm đô thị, mức phổ biến của ví điện tử, tăng thu nhập và tiêu dung, thương mại phát triển, đã góp phần thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của FinTech tại Việt Nam. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới môi trường thuận lợi để phát triển FinTech ở Việt Nam đó là chúng ta có số lượng các chương trình vườn ươm khởi nghiệp, xúc tiến khởi nghiệp và các chương trình thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp nhiều thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapo. Việt Nam hiện có câu lạc bộ chuyên biệt về FinTech (CLB VietFinTech) trực thuộc hiệp hội cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp trong ngành gặp gỡ, trao đổi, cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm và cùng xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực mới này. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững. Cùng với chủ trương hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp theo Quyết định 844/QĐ-TTg, từ 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao làm cơ quan dầu mối điều phối chung về tài chính toàn diện tại Việt Nam. NHNN đã cho phép thử nghiệm một số mô hình hợp tác giữa ngân hàng và các công ty FinTech. Tháng 3/2017, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về FinTech có chức năng đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái và khung pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp FinTech phát triển. 38 Hiện tại, có 78 công ty FinTech đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có nhiều công ty đang được các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước rót vốn. Số lượng các start-up FinTech của Việt Nam dự kiến sẽ còn tăng căn cứ vào đà phát triển của FinTech. Có khoảng 72% công ty FinTech lựa chọn hợp tác với ngân hàng để cùng kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Hợp tác giữa ngân hàng với FinTech sẽ là tiền đề để góp phần nâng cao dịch vụ tài chính-ngân hàng tại Việt Nam. Các lĩnh vực hoạt động của FinTech tại Việt Nam gồm có: 1) Thanh toán với các công cụ như Moca, Payoo, VinaPay, Momo hoặc cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS4 như Hottab, SoftPay; 2) Gọi vốn, các công ty cung cấp nền tảng gọi vốn như FundStart, Comicola, Betado hay FirstSetp; 3) Cho vay trực tuyến như LoanVi, Timal; 4) Quản lý tài chính cá nhân như BankGo, Moneylover, Mobivi; 5) Quản lý dữ liệu như Trusting, Social, Circle Bii; 6) Chuyển tiền như Matchmovie, Cash2vn; 7) Blockchain như Bitcoin Vietnam, VBTC Bitcoin. Theo số liệu ở các bảng về FinTech ASEAN, có thể thấy FinTech phát triển mạnh nhất ở Việt Nam là trong phân khúc thanh toán, đặc biệt là ở loại hình ví điện tử. MoMo hiện là công ty FinTech đang dẫn đầu thị trường FinTech tại Việt Nam. Được thành lập vào năm 2009, cho tới nay MoMo hiện đã thành lập được một mạng lưới 4000 đại lý trên toàn quốc, cho phép người dung không cần tới chi nhánh ngân hàng hoặc các cây ATM cũng như những người không có tài khoản ngân hàng có thể nạp tiền điện tử để sử dụng trong thanh toán di động và nhận tiền chuyển khoản. Những người không có điện thoại thông minh có thể nhờ đại lý sử dụng các thiết bị thanh toán di động của họ để chuyển khoản hoặc thay họ thanh toán các hóa đơn. Hiện tại, một nửa khách hàng của MoMo dùng dịch vụ thanh toán di động, còn một nửa dùng dịch vụ nhờ đại lý. Việc này phần nào phản ánh hiện trạng của nước ta, trong đó khách hàng cần các dịch vụ tài chính không thể được đáp ứng chỉ thông qua các thiết bị di động. MoMo thậm chí còn đưa ra dịch vụ cho phép người dung định vị các đại lý gần 39 nhất bằng cách sử dụng chức năng định vị GPS trên điện thoại thông minh của khách hàng. Ở những phân khúc khác, các công ty FinTech Việt Nam vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ, số lượng ít và đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nhưng điều đó cũng nói lên rằng, FinTech còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của FinTech sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng kèm theo đó là rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính. Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức đó là khuôn khổ pháp lý cho FinTech ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng trong lĩnh vực thanh toán, các phân khúc khác của FinTech chưa được pháp lý điều chỉnh. Bên cạnh đó, FinTech là lĩnh vực không ngừng đổi mới, sáng tạo nên xây dựng các quy định pháp lý thường sẽ chậm hơn với sự vận hành của thị trường. Ngoài ra, FinTech hoạt động trên nền tảng công nghệ nên luôn phải đương đầu với những rủi ro về khía cạnh công nghệ. Vì vậy, để FinTech phát triển lành mạnh góp phần phát triển kinh tế xã hội, việc quan trọng nhất là chúng ta cần sớm ban hành khung pháp lý để điều tiết sự phát triển của các phân khúc FinTech. Cần có những nghiên cứu đánh giá về các cơ hội và thách thức mà lĩnh vực FinTech sẽ mang lại, cũng như xây dựng một hệ sinh thái FinTech hiệu quả. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng nên xây dựng những chương trình, hoạt động mang tính định hướng giúp các công ty khởi nghiệp, các tổ chức tín dụng chủ động tìm hiểu về FinTech, những ứng dụng công nghệ mà FinTech sẽ mang lại để từ đó các tổ chức tín dụng có thể lựa chọn ra các start-up FinTech thích hợp để cộng tác, còn các start-up FinTech sẽ có hướng phát triển một cách hiệu quả nhất. Tóm lại, FinTech là một lĩnh vực mới, có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai nhờ vào nhu cầu phổ cập tài chính của mỗi một quốc gia. Sự bùng nổ của FinTech đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các định chế tài chính và cơ quan quản lý trên thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Với những tính năng ưu việt của mình, FinTech sẽ là một công cụ hữu hiệu để giúp đất nước ta tiến tới mục tiêu cung cấp tài chính toàn diện tới người dân, góp phần xây dựng đất nước. 40 Tài liệu tham khảo 1. FinTech: Ecosystem, business models, investment decisions and challenges. In Lee. Yong Jae Shin. Kelley school of Business. Indiana University. 2018. www.sciencedirect.com 2. FinTech as Financial Innovation - The Possibilities and Problems of Implementation. Svetlana Saksconova, Irina Kuzmina-Merlino. European Research Studies Journal. Volume XX, Issue 3A, 2017 3. Definition of FinTech and Description of the FinTech Industry. FinTech in Germany, Chapter 2. Dorflieitner G, et al. www.springer.com 4. The rise of FinTech in China - Redefining Financial Services. DBS and EY, 2016. 5. Innovation in Payments: The future is FinTech. BNY Mellon, 2015. 6. The next wave of FinTech. Stockholm School of Economics, 2017 7. FinTech in Emerging ASEAN- Trends and Prospects. BBVA, 2017 8. Global FinTech Report 2017. Pwc.com/FinTechreport 9. State of FinTech in ASEAN. UOB, 2017 10. Đón đầu xu thế, hoàn thiện khung pháp lý cho FinTech. Báo Đầu tư.
File đính kèm:
fintech_lan_song_cong_nghe_lam_thay_doi_tai_chinh_the_gioi.pdf