Đình hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường (1805-1853): bậc danh thần trứ nghiệp triều Nguyễn

1. Lời dẫn

Tộc Nguyễn Cửu - Vân Dương (Thừa Thiên Huế) là một trong những cự tộc

đóng góp vai trò và công lao không nhỏ cho quá trình dựng xây và vun bồi nghiệp

lớn của triều đại chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Công nghiệp phò tá đầy huân lao

của dòng họ Nguyễn Cửu đã được tưởng thưởng vinh danh và khắc ghi vào sử sách.

Dòng tộc này có nhiều danh nhân trải suốt gần 400 năm, từ thuở Nghĩa quận

công Nguyễn Cửu Kiều vượt Sông Gianh vào Nam lập nghiệp (1623). Dẫu vậy,

người đời biết đến công trạng của các vị công thần thời chúa Nguyễn cho đến

đầu triều Gia Long như Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Cửu Thế, Nguyễn Cửu Vân,

Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật ; và do đó, sự nghiệp

khuông phò chính thống của họ Nguyễn Cửu gắn liền với võ nghiệp. Truyền thống

võ công đã tạo dựng huân danh của dòng tộc ấy, song văn tài trứ nghiệp cũng chính

là một nét nổi bật đáng được ghi nhận.

pdf 19 trang phuongnguyen 4020
Bạn đang xem tài liệu "Đình hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường (1805-1853): bậc danh thần trứ nghiệp triều Nguyễn", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đình hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường (1805-1853): bậc danh thần trứ nghiệp triều Nguyễn

Đình hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường (1805-1853): bậc danh thần trứ nghiệp triều Nguyễn
ĐÌNH HỘI LƯỠNG NGUYÊN 
NGUYỄN CỬU TRƯỜNG (1805-1853): 
BẬC DANH THẦN TRỨ NGHIỆP TRIỀU NGUYỄN
 Võ Vinh Quang*
1. Lời dẫn
Tộc Nguyễn Cửu - Vân Dương (Thừa Thiên Huế) là một trong những cự tộc 
đóng góp vai trò và công lao không nhỏ cho quá trình dựng xây và vun bồi nghiệp 
lớn của triều đại chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Công nghiệp phò tá đầy huân lao 
của dòng họ Nguyễn Cửu đã được tưởng thưởng vinh danh và khắc ghi vào sử sách. 
Dòng tộc này có nhiều danh nhân trải suốt gần 400 năm, từ thuở Nghĩa quận 
công Nguyễn Cửu Kiều vượt Sông Gianh vào Nam lập nghiệp (1623). Dẫu vậy, 
người đời biết đến công trạng của các vị công thần thời chúa Nguyễn cho đến 
đầu triều Gia Long như Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Cửu Thế, Nguyễn Cửu Vân, 
Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật; và do đó, sự nghiệp 
khuông phò chính thống của họ Nguyễn Cửu gắn liền với võ nghiệp. Truyền thống 
võ công đã tạo dựng huân danh của dòng tộc ấy, song văn tài trứ nghiệp cũng chính 
là một nét nổi bật đáng được ghi nhận. 
Một trong những văn tài nổi bật của tộc Nguyễn Cửu, bảng vàng vinh danh, 
sử sách ghi chép chính là Đình Hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường. Ông không 
chỉ xuất sắc về văn học, làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, 
dần nắm giữ nhiều chức vụ cao trong triều ngoài trấn, được nhân dân mến mộ 
thương yêu, mà còn góp công sức, tâm huyết, hết lòng thu thập, ghi chép, biên tập 
và hệ thống hóa tư liệu gia tộc, tấu trình lên triều đình xin được ân điển vinh phong 
cho đại tộc Nguyễn Cửu, góp phần xiển dương dòng tộc được rạng rỡ truyền đời.
Là người khai khoa đầu tiên của tộc Nguyễn Cửu, song vì trải qua nhiều biến 
động của thời cuộc, nên sự nghiệp của Nguyễn Cửu Trường gần như chưa được 
ai, kể cả đa phần người trong tộc Nguyễn Cửu hiện nay biết đến. Vì thế, ở bài viết 
dưới đây, chúng tôi xin góp chút tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, với 
mong muốn sẽ phần nào đó đem lại một cách nhìn tương đối đầy đủ về vị danh thần 
triều Nguyễn này. Đồng thời, qua đấy giúp cho tộc Nguyễn Cửu nhìn nhận chính 
xác, toàn vẹn hơn đối với một trong những hậu duệ đầy huân lao với dòng tộc.
* Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
ĐẤT NƯỚC - NHÂN VẬT
126 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
127Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
2. Đình Hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường: cuộc đời và sự nghiệp
2.1. Nguồn gốc xuất thân
Họ Nguyễn Cửu, là một trong những cự tộc đời đời huân danh, luôn nắm giữ 
trọng trách trấn nhậm các vùng biên viễn. 
Ở miền Nam thì chi phái Nguyễn Cửu Vân(1) (tên húy trong gia phả là Hành 
行, tước Vân Tường hầu 雲祥侯) cùng các con Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu 
Đàm có công lao rất lớn trong việc giữ vững biên thùy, mở mang lãnh thổ toàn 
vùng Nam Bộ. 
Ở biên giới phía Bắc (tức vùng Nam Bố Chính, lấy Sông Gianh làm giới 
tuyến Nam [chúa Nguyễn] - Bắc [triều Lê - Trịnh]), kế nghiệp sơ tổ Nguyễn Cửu 
Kiều là chi của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp (thuộc đời thứ 4, phái III, chi 4 
họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương).(2) Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên ghi nhận: 
“Nguyễn Cửu Pháp: là con thứ tư của Cửu Thế. Pháp lấy công chúa thứ tư của 
Túc Tông Hoàng đế là Ngọc Doãn, làm quan đến Phò mã, Cai cơ. Đời Hy Tông 
Hoàng đế, Pháp ra làm Trấn thủ Quảng Bình, rồi được triệu về, thăng Ngoại hữu 
Chưởng doanh, kiêm quản hai Bộ Lễ, Hình, cai quản Nhà đồ, tước Hoán quận 
công, cùng với hai anh là Quý - Nội hữu Chưởng doanh và Thông - Nội tả Chưởng 
cơ, cùng phụ chính.”.(3)
Kế tục sự nghiệp trấn thủ Quảng Bình của Hoán quận công Nguyễn Cửu 
Pháp là người con trai Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương, thuộc đời thứ 5, phái 
III, chi 4. 
Theo Vân Dương kinh phổ, Nguyễn Cửu Khương 阮久康 làm quan từ đời Thế 
Tông Hiếu Vũ Hoàng đế (Nguyễn Phúc Khoát) và Duệ Tông Hiếu Định Hoàng 
đế (Nguyễn Phúc Thuần), làm đến chức Cai cơ Phó tướng trấn thủ dinh Bố Chính 
(tên nôm là Dinh Ngói 營𤬪), tước Tiệp Tài hầu 捷才侯. Ông cưới bà Thái Thị Bảo, 
chính thức lập nên một chi phái Nguyễn Cửu ở Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị 
ngày nay. 
Năm Giáp Ngọ (1774) quân Lê Trịnh đánh chiếm Nam Hà, ông cùng chư 
tướng trấn giữ Quảng Bình mặc dù đã rất nỗ lực kháng cự, nhưng vì địch quân 
công kích quá mạnh, phòng tuyến Quảng Bình bị vỡ, ông đành phải rút lui, về ẩn 
cư ở xã Huỳnh Công Nam, huyện Lệ Thủy (nay là thôn Nam Hùng, xã Vĩnh Nam, 
huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), một lòng thà chết vì non sông chứ không hàng 
“giặc”. Theo Vân Dương kinh phổ (tờ 38a): 甲寅年九月二十四日,疾甚,大呼
兄引兵船過江,弟即接至攻賊,數聲而卒。蓋忠憤之積也(4) (nghĩa là: ngày 24 
tháng 9 năm Giáp Dần [1794], ông bị ốm nặng, song vẫn gọi người anh [không rõ 
tên] dẫn binh thuyền qua sông, người em [không rõ tên] tức thì nối tiếp tấn công 
128 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
giặc. Bấy giờ, ông hô mạnh được vài lời rồi mất, ấy là thể hiện sự chất chứa lòng 
trung trinh và nỗi căm phẫn giặc lâu nay vậy).
Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương sinh ra Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan 
(1771-1823). Ông Nguyễn Cửu Hoan thuộc đời thứ 6, phái III, chi 4 họ Nguyễn 
Cửu, và là cha của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường (1805-1853). 
Như thế, Nguyễn Cửu Trường sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ 
nghiệp, nhiều đời giữ vai trò trấn thủ vùng biên viễn. Từ đời sơ tổ Nguyễn Cửu 
Kiều cho đến đời ông nội (phần nào đó là đời cha) đều hun đúc tinh thần, khí tiết 
trung trinh, bảo vệ non sông gấm vóc mà cha ông đã giữ gìn qua nhiều triều đại. 
Hẳn nhiên, vào giai đoạn biến động dữ dội của lịch sử ở cuối thế kỷ XVIII - đầu 
thế kỷ XIX, với các cuộc chiến Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn thì vấn đề thất bại trong 
quá trình chống giữ của Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương – ông nội của Nguyễn 
Cửu Trường là không thể tránh khỏi. 
Cũng từ đó, việc ông Cửu Khương quay về ẩn cư và sinh sống tại quê vợ (bà 
Thái Thị Bảo), chuyên nghề nông, tự cung tự cấp, lập nên chi phái Nguyễn Cửu ở 
Vĩnh Nam - Vĩnh Linh - Quảng Trị cũng là một “mốc giới” quan trọng góp phần 
hình thành nên bản tính, tài năng của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường. 
2.2. Hành trạng 
Hộ Bộ Hữu Thị lang Sung biện Nội Các sự vụ Nguyễn Cửu Trường 阮久長, 
là hậu duệ đời thứ 7, phái III, chi 4 tộc Nguyễn Cửu. Ông tên húy là Công 功, tự là 
Thường Phủ 常甫, con trai đầu của Ngũ trưởng Nguyễn Cửu Hoan 伍長阮久歡,(5) 
sinh vào khắc Thân, ngày 11 tháng 9 năm Gia Long thứ 4 (Ất Sửu - 1805). 
Nguyễn Cửu Trường từ thuở thiếu thời sống ở xã Huỳnh Công Nam, huyện 
Lệ Thủy, Quảng Bình (nay là thôn Nam Hùng, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, 
tỉnh Quảng Trị). Năm Tân Mão (1831), ông thi Hương đỗ Cống sinh. Năm Bính 
Thân (1836), Cửu Trường vào học ở trường Quốc Tử Giám. Đến năm Mậu Tuất 
niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838), ông thi Hội đỗ đầu (đệ nhất danh) và thi Đình 
tiếp tục đỗ đầu, tức đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, được vinh danh bảng vàng và 
khắc vào bia Tiến sĩ.
Cụ thể, văn bia Tiến sĩ năm Mậu Tuất (1838) ghi: “Nguyễn Cửu Trường (阮
久長): Giám sinh, Hội nguyên, người ở Gia Miêu Ngoại Trang tổng Thượng Bạn 
huyện Tống Sơn, trú quán xã Hoàng [Huỳnh] Công, tổng Thủy Liên, huyện Lệ 
Thủy, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình”. Văn bia này hiện vẫn còn ở Văn Miếu 
Huế, chính là văn bản tư liệu giá trị để khẳng định tài năng Nguyễn Cửu Trường 
và niềm tự hào vinh danh dòng tộc Nguyễn Cửu.
129Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
Ở tộc Nguyễn Cửu, người tiên phong và xuất sắc đỗ đầu liên tiếp trong hai 
kỳ thi Hội - thi Đình (Đình Hội lưỡng nguyên 廷會兩元) bắt đầu từ ông. Theo 
Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTLCB), đệ nhị kỷ: Thực lục về Thánh Tổ Nhân 
Hoàng đế: “[Mậu Tuất, Minh Mệnh năm thứ 19 [1838], mùa hạ, tháng 4 nhuận] 
Cho Nguyễn Cửu Trường, Phạm Văn Nghị Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; Đinh 
Viết Thận, Phạm Chân, Nguyễn Văn Tùng, Lê Duy Trung, Trần Tiễn Thành, Hoàng 
Trọng Từ, Lê Thiện Trị, Doãn Khuê Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Vua hỏi 
Hà Quyền rằng: Nguyễn Cửu Trường đỗ đầu, thế nào? Thưa rằng: văn của Cửu 
Trường rất có kiến thức. Vua bảo rằng: Trẫm xem văn, được thể thi Đình, còn 
Phạm Văn Nghị thì thuộc điển cũ mà thôi”.(6) 
Ảnh 1: Thác bản Văn bia Tiến sĩ năm Mậu 
Tuất (1838), Nguyễn Cửu Trường đỗ đầu 
(đóng khung).
Ông làm quan trải 3 triều vua (Minh 
Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), thăng đến 
chức Hữu Thị lang Bộ Hộ kiêm lo việc 
ở Nội Các. Năm 1848, Nguyễn Cửu 
Trường được sung làm Kinh Diên nhật 
giảng quan (giảng quan hàng ngày cho 
vua ở điện Kinh Diên). 
Trong các nguồn tư liệu khảo thuật 
hành trạng Hoàng giáp Nguyễn Cửu 
Trường thì sách Đại Nam chính biên 
liệt truyện (ĐNCBLT), nhị tập, quyển 
33 ghi chép khá bao quát, điểm xuyết 
những cột mốc chính trong hành trạng, 
sự nghiệp của ông.(7) Do vậy, dưới đây, 
chúng tôi xin trích dẫn toàn bộ nội dung 
về Nguyễn Cửu Trường được thể hiện 
trong ĐNCBLT, nhị tập, cùng đó là một 
số phân tích, đính chính:(8)
Hán văn: 
阮久長:其先清化貴鄉人,後遷廣平麗
水縣家焉。久長初充貢補入國子監。
明命十九年擢進士第歷授修撰,補建
昌 知 府 , 內 轉 員 外 郎 , 充 機 密 院 行
走。紹治初以侍讀學士參辦內閣事務。累加太僕寺卿,充辦閣務如故。尋以譴
從如東,效勞。四年復以侍講學士充辦閣務。六年除河內布政使,還授吏部右
侍郎,復充辦閣務。嗣德元年充經筵日講官。帝以久長勤謹承旨精祥,準食二
品俸。久長以文學侍從,前後在內閣閱十有餘年。蒙累朝眷遇。五年授邊和巡
130 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
撫,陛辭,御製詩以寵之云: 黃閣曾簪筆。青藩又建旌。春風揚惠澤。甘雨潤
邊氓。報國真忘病。臨民要自清。惟期安衽席。早晚復登瀛。六年以目病,準
假回,卒于家。
Dịch nghĩa: 
Nguyễn Cửu Trường: Tiên tổ người Quý hương, Thanh Hóa, sau dời nhà ở 
huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Cửu Trường trước sung cống sinh, bổ vào Quốc Tử 
Giám. Niên hiệu (năm) Minh Mạng thứ 19 (1838) ông đỗ Tiến sĩ, trải thăng các 
chức: [Hàn Lâm Viện] Tu soạn; bổ chức Tri phủ Kiến Xương, rồi chuyển làm Viên 
ngoại lang, sung Cơ Mật Viện Hành tẩu. Thiệu Trị năm đầu (1841), lấy làm Thị độc 
Học sĩ Tham biện Nội Các sự vụ, thăng thêm Thái bộc Tự khanh, sung biện Nội 
Các sự vụ như cũ. Rồi, vì có lỗi, bèn theo đi sứ Quảng Đông,(9) dốc sức hết lòng [vì 
việc công]. Năm [Thiệu Trị] thứ 4 (1844), [Cửu Trường] được bổ nhiệm chức Thị 
giảng Học sĩ sung biện Nội Các sự vụ. Năm [Thiệu Trị] thứ 6 (1846), ông được bổ 
nhiệm chức mới là Bố chính sứ Hà Nội, rồi trở về, được trao chức Hữu Thị lang 
Bộ Lại, trở lại sung biện Nội Các sự vụ. Tự Đức năm đầu (1848), ông được sung 
chức Kinh Diên nhật giảng quan. 
Hoàng đế [Tự Đức] lấy việc Cửu Trường siêng năng, cẩn trọng, thừa hành 
thánh chỉ tinh tế rõ ràng, bèn chuẩn cho ăn (lương) bổng [ở hàm] Nhị phẩm. Cửu 
Trường lấy văn học để phò tá [triều đình], ở Nội Các trước sau trải hơn 10 năm, 
được các triều vua [Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức] quý yêu đãi ngộ. Năm [Tự 
Đức] thứ 5 (1852), ông được trao chức Tuần phủ Biên Hòa, lúc ở bệ rồng từ biệt, 
vua cho bài thơ ngự chế để tỏ niềm ân sủng, như sau:
Phiên âm Dịch nghĩa
Hoàng các (10) tằng trâm bút, 
Thanh phiên (11) hựu kiến tinh. 
Xuân phong dương huệ trạch, 
Cam vũ nhuận biên manh. 
Báo quốc chân vong bệnh, 
Lâm dân yếu tự thanh. 
Duy kỳ an nhẫm tịch, 
Tảo vãn phục đăng doanh.
Tài bút nơi Hoàng các, 
Dựng cờ chốn thanh phiên. 
Gió xuân tràn ơn huệ, 
Mưa ngọt nhuận dân biên. 
Quên ốm lòng báo quốc, 
Trong sạch, vì dân yên.
Giữ gìn an chiếu gối, 
Sớm tối lại thành tiên.
Năm [Tự Đức] thứ 6 (1853) vì ông đau mắt, chuẩn tạm cho về, mất ở quê nhà.
Thực tế cho thấy các thông tin từ ĐNCBLT, nhị tập (đã dẫn) ở trên rất giá trị, 
góp phần cung cấp những nét chính trong hành trạng của Hoàng giáp Nguyễn 
Cửu Trường. 
131Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
Tuy vậy, có lẽ do phần nội dung ở ĐNCBLT nhị tập khá tóm lược, nên chưa 
thể hiện rõ nguồn gốc xuất thân của vị Đình Hội lưỡng nguyên này. Bởi lẽ, nếu chỉ 
xem qua dòng sơ thuật khởi đầu “Nguyễn Cửu Trường: Tiên tổ người Quý hương, 
Thanh Hóa, sau dời nhà ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình” ở ĐNCBLT nhị tập, độc 
giả sẽ không thể lưu tâm rằng: tổ tiên xa đời của Nguyễn Cửu Trường ở Quý hương 
(Thanh Hóa), đến đời sơ tổ ở Nam Hà là Nguyễn Cửu Kiều vượt Sông Gianh vào 
phò tá chúa Nguyễn và lập nên họ tộc Nguyễn Cửu ở làng Vân Dương. Sau đó, vì 
lãnh trách nhiệm trấn giữ biên cương nên chi 4 phái III của Hoàng giáp Nguyễn 
Cửu Trường mới dựng nghiệp tại vùng đất Hoàng Công (hiện thuộc Vĩnh Nam, 
Vĩnh Linh, Quảng Trị). 
Do vậy, qua bài viết này, chúng tôi mong muốn làm rõ nguồn gốc xuất thân và 
hành trạng của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường, để sự nối kết được thuận lợi về sau.
Một thông tin được sử quan nhà Nguyễn chép trong ĐNCBLT nhị tập, mục 
Nguyễn Cửu Trường (đã dẫn) có phần nhầm lẫn, đó là phần thuật lược: “Năm 
[Thiệu Trị] thứ 6 (1846), ông được bổ nhiệm chức mới là Bố chính sứ Hà Nội, rồi 
trở về, được trao chức Hữu Thị lang Bộ Lại, trở lại sung biện Nội Các sự vụ”. 
Sau khi đối chiếu phần ghi chép về Nguyễn Cửu Trường ở ĐNTLCB, Ngự 
chế cổ kim thể cách thi pháp tập, gia phả họ Nguyễn Cửu chúng tôi thấy ông 
giữ chức Hữu Thị lang Bộ Hộ (戶部右侍郎) chứ không phải Hữu Thị lang Bộ 
Lại. Sách ĐNTLCB, đệ tam kỷ: Thực lục về Hiến Tổ Chương Hoàng đế ghi rằng: 
“[Đinh Mùi, Thiệu Trị năm thứ 7 [1847], mùa hạ, tháng 6] Cho: Bố chính tỉnh Hà 
Nội Nguyễn Cửu Trường bổ Hữu Thị lang Bộ Hộ sung biện Sự vụ Nội Các”.(12)
Dĩ nhiên, trong quá khứ, ông từng đảm nhiệm các chức vụ ở Bộ Lại, nhưng như 
đã nói, ông chưa hề giữ chức Hữu Thị lang Bộ Lại như ĐNCBLT nhị tập ghi chép.
Chẳng hạn, sách ĐNTLCB từng ghi nhận: “[Bính Ngọ, Thiệu Trị năm thứ 
6 [1846], mùa hạ tháng 5] Thái bộc Tự khanh sung làm việc Nội Các là Nguyễn 
Ảnh 2: ĐNCBLT, nhị tập, quyển 33: mục Nguyễn Cửu Trường.
132 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
Cửu Trường thăng quyền [thự] Tả Thị lang Bộ Lại”(13) hay như đoạn “[Đinh Mùi, 
Thiệu Trị năm thứ 7 [1847], mùa xuân, tháng Giêng] Lấy thự Tả Thị lang Bộ Lại 
sung biện việc Nội Các là Nguyễn Cửu Trường làm Bố chính Hà Nội”.(14) Như thế, 
Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường từng tạm được bổ chức quyền/thự Tả Thị lang 
Bộ Lại trong khoảng 8 tháng (từ tháng 5 năm Bính Ngọ (1846) đến tháng Giêng 
năm Đinh Mùi (1847)) chứ không hề được thực thụ bổ chức Hữu Thị lang Bộ Lại!
Ảnh 3: Văn bản Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập của vua Thiệu Trị, được khắc in ngày 09 
tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), phần ghi người phụng biên tập, chép rõ rằng (trong khung): 
“Hộ Bộ Hữu Thị lang sung biện Nội Các sự vụ, gia nhất cấp, thần: Nguyễn Cửu Trường”.
Do đó, chúng tôi xin đính chính rằng: chức vụ chính thức của Nguyễn Cửu 
Trường là Hữu Thị lang Bộ Hộ, chức vụ này được triều đình bổ nhiệm từ tháng 6 
năm Đinh Mùi (1847) chứ không phải là Hữu Thị lang Bộ Lại như phần ghi của 
ĐNCBLT nhị tập.
2.3. Những dấu ấn trong sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường 
Từ sau khi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) năm 1838, Nguyễn 
Cửu Trường đã đảm nhiệm nhiều chức vụ trong triều ngoài trấn, thăng trầm cùng 
sự nghiệp quan trường và có những đóng góp không nhỏ cho triều chính nhà 
Nguyễn. Bên cạnh phần lược thuật của ĐNCBLT nhị tập, sách ĐNTLCB có nhiều 
ghi nhận về dấu ấn của vị Đình Hội lưỡng nguyên này trong cuộc đời làm quan ở 
triều đình nhà Nguyễn. 
133Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
2.3.1. Nghiệp quan trường nhiều thăng trầm, biến động
Từ sau ngày đỗ Hoàng giáp [1838], Nguyễn Cửu Trường đảm nhiệm chức Viên 
ngoại lang ở Bộ Lại triều vua Minh Mạng. Đến mùa xuân năm Tân Sửu ... ước tác 
ấy cũng phần nào thể hiện, phác họa được một số nét trong sự nghiệp, trong tài 
năng và đức hạnh của Nguyễn Cửu Trường. Hy vọng trong tương lai, giới nghiên 
cứu sẽ tiếp tục công bố các tư liệu có dấu ấn văn nghiệp của vị Đình Hội lưỡng 
nguyên này.
Tóm lại, thông qua hành trạng, sự nghiệp của Nguyễn Cửu Trường được sử 
sách (ĐNTLCB, ĐNCBLT nhị tập) và tư liệu thực tế (văn bia, châu bản, mộc bản, 
bản giấy) lưu dấu, ta thấy dẫu ở cương vị nào trong triều, ngoài trấn, vị Đình Hội 
lưỡng nguyên này vẫn gắng gỏi hết lòng, hết sức để hoàn thành công vụ. Đấy là 
một trong những phẩm chất đáng quý giúp ông luôn được vua, quan và dân chúng 
đương thời trân trọng, quý yêu. 
2.3.4. Công đức của Nguyễn Cửu Trường với tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương
Ảnh 4: Tờ cuối lời đề tựa cuốn Nguyễn Cửu tộc phổ do Nguyễn Cửu Trường biên tập.
Bên cạnh đóng góp cho triều đình, Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường còn là một 
trong những hậu duệ tâm huyết và có công lao không nhỏ trong việc vun bồi và cố 
kết, xiển dương công đức của dòng tộc, để họ Nguyễn Cửu được đời đời lưu danh. 
139Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
Hiện nay, tại hệ thống tư liệu Hán Nôm của tộc Nguyễn Cửu có khá nhiều văn 
bản hiện hữu tên tuổi và dấu ấn của Nguyễn Cửu Trường. Trong đó, nguồn văn bản 
có giá trị nhất là bộ Nguyễn Cửu tộc phổ 阮久族譜 của họ Nguyễn Cửu làng Vân 
Dương gồm 4 quyển.(37) Đây là bộ gia phả ghi chép chỉn chu, đầy đủ, cụ thể rõ ràng 
và trọn vẹn nhất lúc bấy giờ về lịch sử và hành trạng các vị tiền nhân tộc Nguyễn 
Cửu (cho đến đầu triều Tự Đức), được hậu duệ Nguyễn Cửu Trường chủ trì biên 
tập và viết lời đề tựa vào ngày tốt tháng 6 năm Canh Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 3 
[1850]. Cụ thể, phần cuối lời đề tựa cuốn gia phổ này có đoạn: 
Hán văn:
嗣德三年庚戌六月吉日。第三派欽賜第二甲進士出身,現授嘉議大夫戶
部右侍郎充辨內閣事務充經筵日講官,黃崖誠堂阮久長,子常頓首拜書于戶部
侍郎公署(38)
Dịch nghĩa: Ngày tốt tháng 6 năm Canh Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 3 [1850]. 
[Hậu duệ] phái III, được ân điển ban Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, hiện giữ chức 
Gia Nghị Đại phu, Hộ Bộ Hữu Thị lang sung biện Nội Các sự vụ, sung Kinh Diên 
nhật giảng quan là Nguyễn Cửu Trường, [tên tự] Tử Thường ở nhà Hoàng Nhai 
Thành, cúi đầu kính thư tại sảnh công vụ của Hộ Bộ Thị lang.
Như thế, ta thấy mặc dầu ông rất bận rộn việc công của triều đình, song vẫn 
hết lòng vì gia tộc. Nhờ quá trình thu thập, xâu chuỗi, biên tập lại một cách hệ 
thống gia phả của đại tộc Nguyễn Cửu, mà đến nay con cháu nối đời ở các chi phái 
có đủ cơ sở để kết nối và tự hào với truyền thống của tổ tiên dòng họ mình. 
Công đức của Nguyễn Cửu Trường đối với họ tộc còn được thể hiện rõ ở lời đề 
tựa tại cuốn Quý hương Nguyễn Cửu tộc gia phổ(39) biên soạn vào ngày 16 tháng 11 
năm Canh Thân, niên hiệu Khải Định thứ 5 (1920). Cụ thể, lời đề tựa có đoạn viết: 
Hán văn:
於嗣德二年欽蒙翼尊英皇帝旨準我族別建貴鄉阮久族簿,聽保置族長派
長祀丁官給牙篆,併抽回子孫。於是始免社民差扒。此後,我族樂得一堂舒
聚。寔賴第三派第四支伯堂巡撫阮大人孝義嘉誠,施最大功德於我族,久遠之
力,尤為卓越焉。此次承府部會同議準我祖先為一門忠義萬古勳名()(40)
Dịch: Vào năm Tự Đức thứ 2 (1849), kính vâng chỉ của Dực Tông Anh Hoàng 
đế (vua Tự Đức) chuẩn cho tộc ta đặc biệt tạo dựng sổ sách của Quý hương Nguyễn 
Cửu tộc, thuận cho cất đặt chức tộc trưởng, phái trưởng để lo thờ phụng, dân đinh 
quan viên, cấp cho triện ngà, gồm việc kết nối con cháu quay về [đất tổ]. Bấy giờ, 
[tộc ta] bắt đầu được miễn sai bắt [đi lính, phu] như dân trong xã. Từ đó về sau, tộc 
ta vui sướng được một nhà thư thái đoàn tụ. [Có được điều đó] Thực sự được cậy 
nhờ ngài bá đường (bác họ) ở chi 4, phái III là Tuần phủ Nguyễn đại nhân [Cửu 
140 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
Trường] hiếu nghĩa chân thành, thi hành công đức vô cùng cho tộc ta, dốc sức dốc 
lòng nhất mực, tấm lòng ấy rất mênh mông cao cả lắm thay! Rồi tiếp đó, tộc ta lần 
lượt được các hội đồng Phủ - Bộ nghị bàn, chuẩn cho tổ tiên ta là “Nhất môn trung 
nghĩa” (Một dòng tộc trung nghĩa), vạn cổ danh thơm
Ảnh 5: Quý hương Nguyễn Cửu tộc gia phổ, phần vinh danh công đức Nguyễn Cửu Trường.
Qua hai tư liệu tiêu biểu trên, chúng tôi thấy rằng Hoàng giáp Nguyễn Cửu 
Trường là người trung hiếu vẹn toàn, công lao và đức hạnh xứng đáng được tôn 
vinh trên nhiều phương diện. Ông không chỉ hết lòng trung trinh với nước, mà còn 
trọn hiếu với tiên tổ ông cha và đóng góp công đức to lớn cho dòng tộc. 
3. Lời tạm kết
Có thể nói, Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường là một danh hiền nổi bật của họ 
Nguyễn Cửu gốc làng Vân Dương. Xuyên suốt sự nghiệp quan trường, ông đảm 
nhiệm rất nhiều chức vụ cao cấp trong triều ngoài trấn, từng là “thầy dạy” của vua 
(tức giảng quan hằng ngày ở điện Kinh Diên), nắm quyền ở Nội Các hơn 10 năm 
ròng Và, dẫu ở cương vị nào, ông cũng dốc hết sức để cố gắng nỗ lực đem lại 
những điều tốt đẹp cho dân cho nước. 
141Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
Bên cạnh đó, Nguyễn Cửu Trường còn là một hậu duệ “có tâm có tầm”, 
đóng góp công đức rất lớn cho sự hiển đạt nối đời của dòng họ Nguyễn Cửu làng 
Vân Dương.
Với hành trạng và công lao nổi bật như thế, chúng tôi nghĩ rằng Hộ Bộ Hữu 
Thị lang sung biện Nội Các sự vụ, sung Kinh Diên nhật giảng quan Nguyễn Cửu 
Trường rất xứng đáng được hậu thế ghi nhận, xứng đáng được người trong dòng 
tộc Nguyễn Cửu tôn kính và vinh danh, và cũng xứng đáng được tôn vinh là một 
trong những trí thức tiêu biểu của vùng đất Phú Xuân - Thuận Hóa.
 Bài viết của chúng tôi mặc dù chưa thể gọi là trọn vẹn, thể hiện đầy đủ 
những đóng góp và dấu ấn trong sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường, 
song đấy là những nỗ lực và tích lũy tư liệu, tri thức trong nhiều năm, từ khi biết 
đến tên tuổi của ông. Mong rằng, những phần gợi mở ở bài viết này sẽ góp phần 
nhỏ bé giúp cho dòng tộc nói riêng và mọi người nói chung có cái nhìn tổng quan 
nhất về vị danh hiền họ Nguyễn Cửu này. Cũng qua đây, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp 
tục có thêm các phần nghiên cứu sâu hơn về ông, để ngày càng đủ cơ sở khẳng định 
tài năng, đức nghiệp của vị Đình Hội lưỡng nguyên này.
 Huế, ngày 31/8/2018
 V V Q
CHÚ THÍCH
(1) Sử triều Nguyễn ghi tên ông là Nguyễn Cửu Vân 阮久雲, song gia phả họ Nguyễn Cửu làng 
Vân Dương thì ghi tên húy của ông là Hành 行, tước Vân Tường hầu 雲祥侯. Như vậy, theo 
chúng tôi, ông có tên húy là Hành 行, còn tên Vân 雲 thì hoặc lấy tên tự của ông, hoặc lấy 
chữ đầu tiên trong tên tước Vân Tường 雲祥 để đặt. Ông Nguyễn Cửu Hành (Vân) thuộc 
đời thứ 3 họ Nguyễn Cửu - Nam Hà, là con trai của Trấn thủ Chưởng dinh Dực Đức hầu 
Nguyễn Phúc/Cửu Kế (ông Kế là con thứ 4 của sơ tổ Nguyễn Cửu Kiều, thuộc đời thứ 2 của 
họ Nguyễn Cửu. Vì vậy, ông Nguyễn Cửu Kế được biệt xuất ra phái IV của họ Nguyễn Cửu 
làng Vân Dương).
(2) Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp 奐郡公阮久法, thuộc đời thứ 4, phái III, chi 4 họ Nguyễn 
Cửu làng Vân Dương. Ông là con thứ 4 của Trung Quốc công Nguyễn Cửu Thế (Phái III, 
đời 3). Ông Thế là con trai trưởng của Trấn quận công Nguyễn Cửu Ứng (Phái III, đời 2); 
ông Nguyễn Cửu Ứng, người lập nên phái III, là con trai thứ 3 của Nghĩa quận công Nguyễn 
Cửu Kiều, và là anh ruột của Dực Đức hầu Nguyễn Cửu Kế (Phái IV).
(3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt truyện, tập 1: Tiền biên (bản dịch Đỗ 
Mộng Khương), tái bản lần thứ 2, Viện Sử học - Nxb Thuận Hóa, tr. 138
(4) Phiên âm: Giáp Dần niên cửu nguyệt nhị thập tứ nhật, tật thậm, đại hô huynh dẫn binh 
thuyền quá giang, đệ tức tiếp chí công tặc. Sổ thanh nhi tốt, cái trung phẫn chi tích dã.
(5) Theo gia phả Nguyễn Cửu, ông Nguyễn Cửu Hoan cưới bà Trần Thị Niên 陳氏年 (1769-
1826, người phường Tứ Chính (Chiếng?) 四政坊, huyện Minh Linh 明靈縣, tỉnh Quảng Trị 
142 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
廣治省), sinh được 4 trai 4 gái (gồm: trưởng nam Nguyễn Cửu Trường 阮久長, trai thứ 2 
Nguyễn Cửu Hạnh 阮久幸, trai thứ 3 Nguyễn Cửu Quy 阮久歸, trai thứ 4 Nguyễn Cửu Tượng
阮久象; trưởng nữ Thị Thuận 氏順, thứ 2 Thị Hiếu 氏孝, thứ 3 Thị Trọng 氏重, thứ 4 Thị Thành
氏成).
(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), tập 5, Nxb Giáo 
dục, Hà Nội, tr. 328.
(7) Vì gia phả phái III, chi 4 (chi của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp) ở Vĩnh Nam đã bị hư 
hại do chiến tranh, nên hiện giờ, những ghi chép về Nguyễn Cửu Trường chỉ còn ở các tư 
liệu chính sử, cùng với một số thông tin tại gia phả Nguyễn Cửu làng Vân Dương.
(8) Sau khi đối chiếu nguyên tác Hán văn ở ĐNCBLT, nhị tập, quyển 33: mục Nguyễn Cửu 
Trường với bản dịch của Viện Sử học (Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt 
truyện, tập 4: Chính biên - nhị tập (Trương Văn Chinh, Nguyễn Danh Chiên dịch) tái bản lần 
thứ 2, Viện Sử học Việt Nam - Nxb Thuận Hóa, tr. 202-203), chúng tôi thấy có một số đoạn 
phiên dịch chưa chuẩn xác so với nguyên tác. Vì thế, ở bài viết này, chúng tôi xin cung cấp 
toàn văn chữ Hán và bản hiệu chỉnh của mình trên cơ sở bản dịch đã có, để phù hợp và 
chính xác hơn.
(9) Nguyên tác viết “tòng Như Đông” 從如東: theo đoàn sứ giả [triều Nguyễn] đi Quảng Đông 
(cũng chỉ việc đi sứ nhà Thanh). Một số bản dịch viết là “đi về phía Đông” là không chính 
xác. Thuật ngữ “Như Đông” 如東 chỉ việc đi sứ nhà Thanh (hoặc sứ Quảng Đông). Tại nhà 
thờ Đặng Huy Trứ còn tấm thẻ bài “Khâm phái Như Đông” 欽派如東 (nhận mệnh vua đi sứ 
Quảng Đông - sứ Thanh), còn “Như Tây” 如西 là đi sứ ở Tây phương (Pháp, Anh, Bồ Đào 
Nha), chẳng hạn như trường hợp của sứ thần Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ được 
sai phái đi sứ Tây phương, viết cuốn Như Tây nhật ký (còn có tên là Tây hành nhật ký).
(10) Hoàng các 黃閣: gác vàng. Ở triều Hán, dinh thự của bậc Tể tướng, Thái úy thì kiêng dùng 
cửa son, mà cửa sảnh thì tô màu vàng để khu biệt với Thiên tử; cho nên, sau dùng hoàng 
các chỉ dinh thự của Tể tướng. Tác giả Hàn Hoành 韓翃 đời Đường trong bài thơ Phụng tống 
Vương tướng công phó U châu tuần biên 奉送王相公赴幽州巡邊 có câu: “Hoàng các khai duy 
ác, đan trì thị miện lưu” 黃閣開帷幄,丹墀侍冕旒 (gác vàng [của Tể tướng], màn trướng mở; 
thềm son [thềm vua], mũ miện hầu). Bên cạnh đó, ở đời Đường thì Môn Hạ sảnh (một trong 
Tam sảnh: Trung Thư sảnh, Môn Hạ sảnh, Thượng Thư sảnh. Môn Hạ sảnh có chức năng 
thẩm nghị và phúc tấu các dự tính và quyết sách của triều đình) được gọi là Hoàng các 黃閣, 
hoặc Hoàng Môn sảnh 黃門省. Như vậy, dù ở nghĩa nào thì Hoàng các đều được sử dụng 
theo hàm ý là cơ quan cao cấp, cơ yếu của triều đình.
(11) Thanh phiên 青藩: Phên giậu (che chắn cho triều đình) màu xanh. Ý chỉ chốn trấn nhậm ở 
biên ải (trấn thủ) làm phên giậu cho triều đình, hoặc cũng để chỉ các vị quan Bố chánh (tức 
Phiên ty), trấn thủ ở vùng biên viễn.
(12) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.1035.
(13) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.861
(14) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.956
(15) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.125
143Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
(16) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.504-505
(17) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.583-584
(18) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.731-732
(19) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.861
(20) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.956
(21) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.1035
(22) Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) mất ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), Dực 
Tông Anh Hoàng đế nối ngôi, nhưng không đổi niên hiệu ngay, mà phải đến đầu năm sau, 
tức ngày đầu tháng Giêng năm Mậu Thân (1848) mới dùng làm Tự Đức nguyên niên. Bởi 
thế, tháng Chạp năm Đinh Mùi vẫn ghi là niên hiệu Thiệu Trị thứ 7.
(23) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.49.
(24) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.175-176.
(25) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.252.
(26) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.434.
(27) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.163.
(28) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr.373.
(29) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.200.
(30) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.204.
(31) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr. 402.
(32) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr. 711.
(33) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr. 882.
(34) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr. 1051.
(35) Đại Nam thực lục, tập 6, sđd, tr. 1066.
(36) Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.63.
(37) Cụ thể, theo mục lục bao gồm: (1) Quyển thủ 卷首 gồm các phần lời Dẫn 引 (đề tựa), Phàm 
lệ 凡例, Tiết thứ biểu chương 節次表章, Tiết thứ tế văn 節次祭文 do Đệ nhị giáp Tiến sĩ 
Nguyễn Cửu Trường biên tập và viết lời đề tựa; (2) Quyển nhất 卷一: [Gia Miêu] Bắc phổ 北
譜; (3) Quyển nhị 卷二: [Vân Dương] Kinh phổ 京譜; (4) Quyển tam 卷三: Văn phổ lánh tu 文
譜另修 (biên chép các bản văn trong gia phổ đã được chỉnh sửa).
(38) Phiên âm: Tự Đức tam niên Canh Tuất lục nguyệt cát nhật. Đệ tam phái, khâm tứ Đệ nhị 
giáp Tiến sĩ xuất thân, hiện thụ Gia Nghị Đại phu Hộ Bộ Hữu Thị lang sung biện Nội Các sự 
vụ, sung Kinh Diên nhật giảng quan, Hoàng Nhai Thành đường Nguyễn Cửu Trường, Tử 
Thường đốn thủ bái thư vu Hộ Bộ Thị lang công thự.
(39) Quý hương Nguyễn Cửu tộc gia phổ là gia phả của phòng 1, chi 8, phái III họ Nguyễn Cửu, 
tức phòng của Tá Đức hầu Nguyễn Cửu Nhạc, con thứ 8 của Trung quốc công Nguyễn Cửu 
Thế. So với phái III, chi 4 của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp (cố nội của Hoàng giáp 
Nguyễn Cửu Trường) thì đây là chi thấp hơn, nên tác giả của bản Quý hương Nguyễn Cửu 
tộc gia phổ gọi Nguyễn Cửu Trường bằng bác.
144 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (148) . 2018
(40) Phiên âm: Ư Tự Đức nhị niên, khâm mông Dực Tông Anh Hoàng đế chỉ chuẩn ngã tộc biệt 
kiến Quý hương Nguyễn Cửu tộc bạ, thính bảo trí tộc trưởng, phái trưởng tự đinh quan cấp 
nha triện, tinh trừu hồi tử tôn. Ư thị thủy miễn xã dân sai bát. Thử hậu, ngã tộc lạc đắc nhất 
đường thư tụ. Thực lại đệ tam phái đệ tứ chi bá đường Tuần phủ Nguyễn đại nhân hiếu nghĩa 
gia thành, thi tối đại công đức ư ngã tộc, cửu viễn chi lực, vưu vi trác việt yên. Thử thứ thừa 
Phủ Bộ hội đồng nghị chuẩn ngã tổ tiên vi “Nhất môn trung nghĩa” vạn cổ huân danh
TÓM TẮT
Họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương sản sinh ra nhiều người con ưu tú, làm rạng danh cho 
dòng tộc, xứng đáng là gia tộc “nhất môn trung nghĩa, vạn cổ huân danh”. Bên cạnh truyền thống 
về võ công, cự tộc này còn xiển phát về mặt văn trị. Đại diện tiêu biểu nhất về tài năng văn học 
chính là Đình Hội lưỡng nguyên Nguyễn Cửu Trường (1805-1853). Ông không chỉ công danh 
hiển đạt, bảng vàng nêu gương, được lưu danh sử sách, mà còn có công lao rất lớn đối với dòng 
tộc Nguyễn Cửu. Bài viết này lược khảo về cuộc đời và sự nghiệp của vị trí thức tiêu biểu của tộc 
Nguyễn Cửu này, nhằm khắc họa chân dung Hoàng giáp Nguyễn Cửu Trường một cách tương 
đối toàn vẹn.
ABSTRACT
NGUYỄN CỬU TRƯỜNG (1805-1853): 
THE PROMINENT MANDARIN IN THE NGUYỄN DYNASTY
The Nguyễn Cửu Family in Vân Dương village is famous for having many distinguished 
members, deserving to be “the family of loyalty and illustriousness”. Not only gaining military 
merits but this family is also famous for literature. The most prominent representative of literary 
talent members was Nguyễn Cửu Trường (1805-1853) who came first in both the Hội and Đình 
examinations. He not only got credit which was named in history but also contributed a lots to 
the Nguyễn Cửu family. This article summarizes his life and career in order to depict the typical 
intellectual of the Nguyễn Cửu family in a relatively complete way.

File đính kèm:

  • pdfdinh_hoi_luong_nguyen_nguyen_cuu_truong_1805_1853_bac_danh_t.pdf