Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong những năm 1964-1965 qua tài liệu của chính quyền Việt Nam cộng hòa

Tóm tẳt: Những năm 1964-1965, trong bối cảnh chế độ Sài Gòn có nhiều bất ổn chính trị, tại Khánh Hòa phong trào đấu tranh chống dư Đảng Cần lao, chống Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương diễn ra rất mạnh mẽ với sự tham gia của đông đảo quần chúng, trong đó chủ lực là học sinh, Tăng Ni, Phật tử và bằng nhiều hình thức quyết liệt, góp phần làm cho cuộc khủng hoảng của chế độ Sài Gòn càng thêm trầm trọng.

Điều đáng nhấn mạnh là, ĐTCT ở Khánh Hòa những năm 1964-1965 không chỉ được phản ánh trong tài liệu của phía cách mạng mà còn được mô tả chi tiết qua các văn bản như tờ trình, công văn, công điện, báo cáo,. của chính quyền VNCH ở địa phương gửi cấp trên, hiện vẫn được lưu trữ đầy đủ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh), đặc biệt là tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Khánh Hòa.

 

doc 6 trang phuongnguyen 10400
Bạn đang xem tài liệu "Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong những năm 1964-1965 qua tài liệu của chính quyền Việt Nam cộng hòa", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong những năm 1964-1965 qua tài liệu của chính quyền Việt Nam cộng hòa

Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong những năm 1964-1965 qua tài liệu của chính quyền Việt Nam cộng hòa
ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TRONG NHỮNG NÃM' 1964-1965
QUA TÀI LIỆU CỦA CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM CỘNG HÒA
Nguyễn Trung Triều
Trường CĐSP Trung ương - Nha Trang
Tóm tẳt: Những năm 1964-1965, trong bối cảnh chế độ Sài Gòn có nhiều bất ổn chính trị, tại Khánh Hòa phong trào đấu tranh chống dư Đảng Cần lao, chống Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương diễn ra rất mạnh mẽ với sự tham gia của đông đảo quần chúng, trong đó chủ lực là học sinh, Tăng Ni, Phật tử và bằng nhiều hình thức quyết liệt, góp phần làm cho cuộc khủng hoảng của chế độ Sài Gòn càng thêm trầm trọng.
Điều đáng nhấn mạnh là, ĐTCT ở Khánh Hòa những năm 1964-1965 không chỉ được phản ánh trong tài liệu của phía cách mạng mà còn được mô tả chi tiết qua các văn bản như tờ trình, công văn, công điện, báo cáo,... của chính quyền VNCH ở địa phương gửi cấp trên, hiện vẫn được lưu trữ đầy đủ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh), đặc biệt là tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Khánh Hòa.
Từ khóa: Đấu tranh chính trị, Khánh Hòa, 1964-1965
Đặt vấn đề
Những năm 1964-1965 là khoảng thời gian chế độ Sài Gòn lâm vào khủng hoảng trầm trọng bởi các cuộc đảo chính liên tiếp, cùng với đó là phong trào đấu tranh chính trị (ĐTCT) của quần chúng chống dư Đảng Cần lao, chống Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương diễn ra rầm rộ trên khắp miền Nam, trong đó có Khánh Hòa.
Nội dung
1. Đấu tranh chống dư Đảng Cần lao, chống Nguyễn Khánh
Ngày 1/11/1963, một số tưởng lĩnh quân đội Sài Gòn tiến hành đảo chính, chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm sụp đổ, cùng với đó, Đảng Cần lao Nhân vị do Ngô Đình Nhu đứng đầu - đảng có nhiều đảng viên giữ chức vụ chủ chốt trong các cơ quan chính quyền, đặc biệt là các cơ quan an ninh và quân đội - tan rã.
Tuy nhiên, sau “cuộc chỉnh lý” ngày 30/1/1964, lật đổ “Hội đồng Quân nhân cách mạng”, Nguyễn Khánh lên nắm quyền đã dung túng và đưa trở lại chính trường nhiều dư Đảng Cần lao vốn là tay chân của chế độ Ngô Đình Diệm. Tại Khánh Hòa, việc này diễn ra khá phổ biến, làm cho “dân chúng có dư luận nghi ngờ thiện chí của chính quyền cách mạng (chỉ chính quyền VNCH sau đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm - TG), nhất là trong
ĐTCT của nhân dân Khánh Hòa những năm 1964-1965 đã được lịch sử cách mạng nhìn nhận và đánh giá, tuy nhiên để có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, bài viết sau đây tập trung khai thác tài liệu liên quan đến vấn đề này từ phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
giới Phật tử, sinh viên và học sinh” [9]. Không những thế, Khánh Hòa còn là nơi “chứa chấp những tên đã sát hại dân, đang bị lùng bắt ở những vùng mà họ đã gây nên tội ác” [11]. Đây là nguyên nhân làm dấy lên phong trào truy quét dư Đảng Cần lao trên khắp miền Nam, trong đó Khánh Hòa là một điểm nóng.
Đấu tranh chính trị chống dư Đảng Cần lao về cơ bản có 2 dạng. Dạng thứ nhất, đấu tranh để loại bỏ những đảng viên Cần lao tiếp tục tham gia chính quyền Sài Gòn (CQSG) sau ngày 1/11/1963. Biện pháp phổ biến nhất cho dạng đấu tranh này là làm đơn tố cáo hành vi và tội trạng của đảng viên Cần lao. Chẳng hạn, đơn của 15 công dân Nha Trang tố cáo Hoàng Đình Giang - Phó Tỉnh trưởng, “đàn áp Phật giáo đồ và sinh viên, học sinh; tay sai đắc lực của chế độ Ngô Đình Diệm ”; tâm thư của một nhóm thanh niên Nha Trang tố cáo Man Đức Thiện - Thủ lĩnh Thanh niên Cộng hòa thị xã Nha Trang, “không mang lại cho người thanh niên một hướng đi lý tưởng, trái lại biến thanh niên thành công cụ của
chính quyền họ Ngô ”; đơn của nhân dân ấp Phước Lộc, xã Ninh Quang, quận Ninh Hòa tố cáo Huỳnh Tú - Trưởng ấp, Nguyễn Ta - Phụ tá an ninh, “cậy quyền thế hà hiếp nhân dân ”; đơn của nông dân xã Ninh Đông, quận Ninh Hòa tố cáo Hội đồng xã “võ trang Thanh niên chiến đấu bao vây chùa Thiên Ân, lấy tiền viện trợ xây dựng Ấp chiến lược chi tiêu cho gia đình”; đơn của một nhóm công dân quận Ninh Hòa tố cáo Nguyễn Hữu Hào - cán bộ quận, “có hành vi tham nhũng”; đơn của đồng bào Diên Điền tố cáo Hội đồng xã “có đa số nhân viên làm nhiều điều mờ ám, độc đoán, bất công ”; đơn của các Hiệu trưởng và giáo viên Khánh Hòa tố cáo Nguyễn Đình Thoan - Trưởng ty Tiểu học, “mạt sát cuộc đấu tranh chống chế độ cũ của học sinh, sinh viên”;... Đến ngày 12/5/1964, CQSG tại Khánh Hòa thống kê có 29 vụ tố cáo điển hình [9].
Dạng thứ hai, đấu tranh đòi CQSG phải điều tra, công bố tội trạng và xử lý những đảng viên Cần lao gây nhiều tội ác đối với đồng bào Khánh Hòa. Đó là Trương Đình Cát - nguyên Phó Tỉnh trưởng Tài chính kiêm Bí thư Đảng bộ Cần lao Khánh Hòa; Hồ Tình - nguyên Trưởng Ty CSQG kiêm Phó Bí thư Đảng bộ Cần lao Khánh Hòa; Ngô Thanh Nhàn - nguyên Phó Tỉnh trưởng Nội an; Võ Sĩ - nguyên Chủ tịch Hội đồng hàng tỉnh; Từ Tôn Dũng và Nguyễn Bá Tín - tay chân thân cận kinh tài cho Ngô Đình Cẩn. Phục vụ cho dạng đấu tranh thứ hai, ngoài đơn thư tố cáo, còn có các cuộc mít tinh, biểu tình của đông đảo học sinh, sinh viên, công chức, Phật tử, nhân dân lao động.
Cần nhấn mạnh rằng, không chỉ khôi phục chức quyền cho dư Đảng Cần lao, Nguyễn Khánh còn thể hiện rõ sự độc tài, quân phiệt khi cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu” (16/8/1964), thâu tóm đồng thời 3 chức vụ: Chủ tịch Việt Nam Cộng hòa (VNCH), Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng quân lực. Cũng vì thế, từ thời điểm này, phong trào chống dư Đảng Cần lao, chống Nguyễn Khánh bùng phát rầm rộ hơn. Phong trào bắt đầu từ Huế, sau đó nhanh chóng lan ra nhiều đô thị khác. Điểm nổi bật của phong trào là sự thành lập “Hội đồng nhân dân cứu quốc” ở Huế (28/8/1964) - một tổ chức công khai đứng ra lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tập đoàn quân phiệt Nguyễn Khánh và tận diệt dư Đảng Cần lao.
Tại Khánh Hòa, phong trào đấu tranh chống dư Đảng Cần lao, chống độc tài, quân phiệt Nguyễn Khánh diễn ra mạnh mẽ từ ngày 12/9/1964. Sáng hôm đó, khoảng 700 thanh niên, học sinh tổ chức tuần hành từ Ty Thông tin với nhiều biểu ngữ, khẩu hiệu: “Phải có một chánh phủ cách mạng thật sự”, “Chánh phủ phải được sự tín nhiệm của toàn dân ”, “Quốc dân đại hội phải có đầy đủ thành phần cách mạng thật sự”, “Phải loại trừ ngay ra khỏi cơ cấu chánh quyền các phần tử phản cách mạng dư Đảng Cần lao và bọn bất hảo dù cũ hay mới ”, “Bãi khóa 62 để đòi chính quyền thắng tay trừng trị Cần lao ” [4]. Khi đến Tòa Hành chính Tỉnh, đoàn biểu tình nêu ba yêu sách: 1. Ngừng chức vụ Phó Tỉnh trưởng Nội an và trục xuất ngay lập tức khỏi Khánh Hòa đối với Đại úy Nguyễn Xuân Trường; 2. Trao ông Võ Sĩ cho “Lực lượng tranh đấu thanh niên, sinh viên, học sinh ” Khánh Hòa để giao lại cho Tòa án; 3. Được phát trên Đài Phát thanh Nha Trang tiếng nói của “Lực lượng tranh đấu thanh niên, sinh viên, học sinh ” Khánh Hòa mỗi ngày hai lần, mỗi lần nửa giờ. Sau khi Tỉnh trưởng Khánh Hòa tiếp xúc và hứa sẽ đề đạt nguyện vọng lên cấp trên, đoàn biểu tình tạm giải tán lúc 10 giờ [4].
Ngày 13/9/1964, cùng thời điểm đám tướng lĩnh Cần lao do Lâm Văn Phát đứng đầu làm đảo chính tại Sài Gòn, ngay từ sáng khoảng 400 học sinh tuần hành trên các đường phố kêu gọi đình công, bãi thị phản đối dư Đảng Cần lao. Tiếp đó, đoàn học sinh tập trung tại trụ sở Đài Phát thanh Nha Trang yêu cầu cho phát thanh trực tiếp nội dung các yêu sách mỗi ngày 2 lần, Quản đốc Đài không chịu giải quyết liền bị học sinh bắt lên xe tham gia tuần hành đến 12 giờ mới trả về. Buổi trưa, hàng ngàn học sinh tụ tập tại Trường Trung học Võ Tánh để nghe công bố danh sách Ban Chấp hành “Hội đồng nhân dân cứu quốc ” tỉnh Khánh Hòa gồm 13 thành viên, trong đó Bác sĩ Nguyễn Thạch - Chủ tịch, Thi sĩ Quách Tấn - Đệ nhất Phó Chủ tịch, Giáo sư Đỗ Trung Hiếu - Đệ nhị Phó Chủ tịch, Giáo sư Đào Trữ - Tổng Thư ký, Giáo sư Nguyễn Văn Dành - Thư ký và 8 Ủy viên khác [4].
Lúc 16 giờ ngày 14/9/1964, độ 300 học sinh và một số đồng bào mít tinh trước Ty Thông tin để ra mắt Ban Chấp hành “Hội đồng nhân dân cứu quốc” tỉnh Khánh Hòa. Tại cuộc mít tinh, bác sĩ Nguyễn Thạch bày tỏ lập trường của Hội đồng, yêu cầu phải có một chính quyền dân cử và khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi đạt mục đích.
8 giờ sáng 15/9/1964, hơn 500 học sinh Trường Trung học Võ Tánh, Trường Nữ trung học Nha Trang và Trường Trung học Tân Phước tổ chức tuần hành qua các đường phố, cổ động cho cuộc mít tinh lớn dự kiến diễn ra vào buổi chiều. Cùng thời điểm, tiểu thương ở chợ Đầm và trên các tuyến phố trong thị xã Nha Trang đồng loạt đóng cửa.
Đúng như kế hoạch, lúc 17 giờ 30 ngày 15/9/1964, trên 2.000 thanh niên, học sinh và dân chúng mít tinh trước Ty Thông tin để ủng hộ “Hội đồng nhân dân cứu quốc ” tỉnh Khánh Hòa công bố yêu sách bốn điểm: “1. Yêu cầu chánh quyền không gây cản trở cho dân chúng và công chức, quân nhân tham gia ‘Hội đồng nhân dân cứu quốc ’; 2. Yêu cầu công bố tài sản và tội trạng của bốn cựu đảng viên Cần lao gồm Võ Sĩ, Trương Đình Cát, Từ Tôn Dũng, Nguyễn Bá Tín; 3. Yêu cầu công bố tài sản tịch thu của Ngô Đình Cẩn, Phong trào cách mạng quốc gia
và Phụ nữ Liên đới Khánh Hòa; 4. Yêu cầu thanh lọc hàng ngũ cán bộ chính quyền từ tỉnh đến xã, ấp ” [4].
Trước áp lực mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh, Tỉnh trưởng Khánh Hòa buộc phải có mặt để giải trình. về yêu sách thứ 2, Tỉnh trưởng Nguyễn Thọ Lập khẳng định: “Tất cả các thành phần thối nát dưới chế độ Ngô triều, chính quyền tỉnh đã lập hồ sơ và tùy theo tội trạng, bằng chứng để có những biện pháp thích nghi, Người xét có tội, nếu là công chức ngoài việc truy tố ra Tòa án còn áp dụng kỷ luật về mặt hành chánh, nếu là tư nhân thì đưa ra Tòa án xét xử” [4].
Sau mít tinh, biểu tình đòi trừng trị những tên đầu sỏ, “Hội đồng nhân dân cứu quốc ” Khánh Hòa ra thông báo yêu cầu những dư Đảng Cần lao khác ra trình diện trong thời hạn: Từ ngày 27/9 đến ngày 1/10/1964 đối với những người ở Nha Trang; từ ngày 27/9 đến ngày 6/10/1964 đối với những người ở các quận còn lại. Đồng thời, để đẩy mạnh truy quét Cần lao trong toàn tỉnh, “Hội đồng nhân dân cứu quốc” Khánh Hòa quyết định thành lập cơ sở ở các quận. Theo đó, vào các ngày 3, 6 và 8/10/1964, “Hội đồng nhân dân cứu quốc” Ninh Hòa, Cam Lâm, Vạn Ninh lần lượt ra đời.
ĐTCT chống dư Đảng Cần lao ở Khánh Hòa đạt được kết quả khá rõ nét. Đối với dạng đấu tranh thứ nhất, một số dư Đảng Cần lao bị loại khỏi chính quyền như Nguyễn Hạng và Phạm Ngự Sử - cán bộ hành chính quận Diên Khánh, bị bắt ngày 21/1/1964; Huỳnh Xước - Đại diện xã Diên Điền, bị cách chức ngày 25/3/1964; Nguyễn Hữu Hào - cán bộ quận Ninh Hòa, “bị cảnh cáo và nếu tái phạm ngoài việc truy tố ra tòa sẽ bị sa thải khỏi hàng ngũ công chức. Ngoài ra, không được tăng lương quá 2.800đ trong thời hạn 3 năm; không được giữ một phần hành gì có dính líu đến tiền bạc hoặc liên lạc với các nhà buôn” [3]. Những đối tượng khác, tuy không bị loại bỏ nhưng đơn thư tố cáo của quần chúng đã “góp phần gây chia rẽ nội bộ và làm suy giảm phần nào hoạt động của nhân viên CQSG” [3].
Với dạng đấu tranh thứ hai, CQSG buộc phải tiến hành điều tra và công khai tội trạng 6 tên Cần lao cầm đầu ở Khánh Hòa. Cụ thể, “Ủy ban Điều tra tội ác và tài sản tỉnh Khánh Hòa” kết luận: Ngô Thanh Nhàn phạm tội “tích cực đàn áp Phật giáo đồ bằng nhiều hình thức có thể gây thiệt mạng cho một số người, gây căm phẫn trong dân chúng ”; Trương Đình Cát phạm tội “kinh tài cho Ngô Đình Cẩn”; Hồ Tình phạm tội “ra lệnh cho thuộc hạ bắt bớ, giam cầm, đánh đập học sinh, giáo sư, sinh viên, Tăng Ni, Phật tử”; Võ Sĩ phạm tội “dựa vào thế lực của chế độ cũ hà hiếp nhân chúng”; Từ Tôn Dũng và Nguyễn Bá Tín phạm tội “kinh tài cho Ngô Đình Cẩn, gây sức ép lãnh thầu xây cất ở Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn ” [7].
Đến ngày 25/10/1964, không thể tiếp tục đương đầu với sự phản ứng quyết liệt của quần chúng nhân dân miền Nam, trong đó có Khánh Hòa, Nguyễn Khánh buộc phải rời bỏ chức vụ Thủ tướng.
2. Đấu tranh chống Trần Văn Hương
Chưa đầy một tuần sau đó, ngày 31/10/1964, Trần Văn Hương lên làm Thủ tướng thay Nguyễn Khánh. Vừa nhậm chức, Trần Văn Hương đã chủ trương tách chính trị ra khỏi học đường, tách chính trị ra ngoài tôn giáo, đưa tôn giáo ra ngoài chính trị. Chủ trương này thực chất là nhằm hạn chế tự do, dân chủ, tiến tới bóp chết phong trào Phật giáo, phong trào sinh viên, học sinh. Do vậy, chính phủ dân sự Trần Văn Hương chỉ là “bình mới rượu cũ”, và tất nhiên nó vấp phải sự phản ứng của nhân dân miền Nam. Đấu tranh chống chính phủ Trần Văn Hương diễn ra ngay từ cuối năm 1964, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa là một mũi tiến công của phong trào.
Mở đầu, sáng 8/1/1965, gần 500 học sinh các trường Bồ đề Nha Trang, Trung học Võ Tánh, Nữ Trung học Nha Trang tổ chức bãi khóa, xuống đường biểu tình với khẩu hiệu: “Phản đối hành động đàn áp dã man của Chính phủ Trần Văn Hương”, “Phản đối âm mưu chia rẽ dân tộc của Chính phủ Trần Văn Hương ”, “Yêu cầu Thủ tướng Trần Văn Hương rút khỏi chính quyền”. Sau khi tuần hành qua nhiều đường phố, đoàn biểu tình tập trung tại Công trường Cộng hòa, bao vây Ty Thông tin. Cùng vào thời điểm, một số người tiến hành phát truyền đơn kêu gọi nhân dân đình công, bãi thị trong ngày 9 và 10/1/1965.
Trước sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh, ngay trong chiều 8/1/1965, Nguyễn Hữu Có - Tư lệnh Quân đoàn II VNCH, đích thân đến Khánh Hòa thuyết phục Đại đức Thích Đức Minh - Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, các giáo sư trường trung học chấm dứt biểu tình, bãi khóa “vì có ảnh hưởng không tốt đến đồng bào địa phương cũng như ảnh hưởng đến tiềm lực chiến đấu của quân đội tại chiến trường” [10]. Đồng thời, lệnh thiết quân luật được CQSG áp dụng từ 20 giờ ngày 8/1/1965 trên toàn địa phận Khánh Hòa.
Mặc dù vậy, từ sáng 9/1/1965, nhiều nhóm học sinh tụ tập tại các ngã tư, cửa ngõ ra vào thị xã Nha Trang chặn xe cộ không cho đi lại. Quân đội, cảnh sát Sài Gòn thi hành lệnh thiết quân luật đã bắt giữ 42 người. Hành động này khiến phong trào đấu tranh của quần chúng càng lên cao. Lúc 11 giờ cùng ngày, tại Công trường Cộng hòa, với khẩu hiệu “Phản đối hành động phản dân chủ của chính quyền ”, “Phải trả tự do cho những học sinh bị bắt”, Tăng Ni, Phật tử, phụ nữ, trẻ em độ 100 người bắt đầu tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực càng lúc càng đông, đến 14 giờ có hơn 700 người và số hưởng ứng khoảng 1.000 người [10].
Trước tình thế đó, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có và Trung tá Lê Quang Liêm - Tỉnh trưởng Khánh Hòa, buộc phải gặp mặt đại diện Phật giáo, giáo sư, học sinh tại Hội trường Tiểu khu để lắng nghe kiến nghị; đồng thời thả tất cả học sinh, Phật tử bị bắt [18].
Tiến thêm một bước mới trong chính sách kì thị Phật giáo, ngày 23/1/1965, Trần Văn Hương ra “Lời hiệu triệu quốc dân” kêu gọi mọi người lãnh trách nhiệm với tình thế, tránh gây sách động, lên án “lũ lưu manh cạo đầu rồi mặc trang phục Tăng Ni ”, gọi cuộc đấu tranh của Phật giáo là “những trò khỉ”. “Lời hiệu triệu ” đã xúc phạm mạnh và gây phẫn nộ đối với Tăng Ni, tín đồ Phật giáo.
Tại Nha Trang, ngay trong ngày hôm đó, hơn 500 người tiến hành tuyệt thực với khí thế quyết liệt: “Nguyện hy sinh đến cùng để buộc Chánh phủ Trần Văn Hương từ chức ”, “Xiết chặt hàng ngũ để đấu tranh bảo vệ đạo Phật dù phải hy sinh”. Đến 16 giờ 30 ngày 25/1/1965, Hồ Kim Tuấn - Học tăng Phật học viện Trung Phần Nha Trang, cắt tay lấy máu viết huyết thư với nội dung: “Tôi Hồ Kim Tuấn, tự Thích Phước Tú lấy máu yêu cầu Quốc trưởng chấm dứt ngay chức vụ Thủ tướng của ông Trần Văn Hương” [8]. Sau đó, đoàn di chuyển đến công viên trước Tòa Hành chính Tỉnh. Tại đây, Đại đức Thích Đức Minh đọc điện văn yêu cầu “Quốc trưởng bắt buộc ông Trần Văn Hương phải từ chức ngay”; khẳng định: “Toàn thể Phật giáo đồ Khánh Hòa cương quyết không lùi bước trước một sự đàn áp nào và chống đối đến cùng nếu Chính phủ ông Trần Văn Hương còn tại chức mặc dầu phải đổ máu ” [5].
Cùng thời gian này, Ni cô Lê Thị Thứ (chùa Linh Sơn, Vĩnh Nguyên, Nha Trang) dự định tự thiêu tại nghĩa trang Thanh Hải (Đồng Đế, Vĩnh Hải, Vĩnh Xương) nhưng đã bị CQSG ngăn chặn. Theo lời sư bà chùa Linh Sơn, Ni cô Lê Thị Thứ và 3 Ni cô khác đã có lời xin nguyện tự thiêu trong vụ đấu tranh nhằm lật đổ Chính phủ Trần Văn Hương [2].
Tại công viên trước Tòa Hành chính tỉnh Khánh Hòa, lúc 11 giờ 35 ngày 26/1/1965, Phật tử Nguyễn Thị Ngọc rạch tay lấy máu viết huyết thư yêu cầu Trần Văn Hương từ chức. Đặc biệt, sau đó 3 giờ đồng hồ, Phật tử Đào Thị Yến Phi tự thiêu, để lại ba bức thư. Thư gửi cho mẹ, có đoạn viết: “Con tin rằng việc làm của con ngày hôm nay giúp ít nhiều cho Đạo pháp, Mẹ đừng vì con mà tiếc thương bi lụy. Con không mất và sẽ còn mãi mãi với dân tộc... ”; thư gửi quí Thượng tọa, Đại đức và Phật giáo đồ, Yến Phi viết: “Con xin phát nguyện thiêu đốt nhục thân để cúng dường Tam bảo, để cầu nguyện quốc thái dân an, cầu cho quí Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni pháp thể khương an, cầu nguyện cho Phật giáo đồ dư sức, thừa nghị lực để tranh đấu ”; thư gửi Trần Văn Hương nhắc nhở: “Ông nhớ giùm như dân tộc Việt Nam đã nhớ: Đất nước Việt của người Việt, không phải của người Mỹ hay của Đại sứ Taylor”, và mong “chính quyền sớm giác tỉnh và giải quyết các nguyện vọng của Phật giáo ” [8].
Cái chết của Đào Thị Yến Phi có ý nghĩa lớn lao trong việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào đấu tranh. Công điện của Tỉnh trưởng Khánh Hòa cho biết: “Dân chúng đổ về điểm tuyệt thực ngày càng đông, có 30 người vì quá xúc động bị ngất xỉu. Từ 17 giờ ngày 26 đến 6 giờ sáng 27/1/1965, số người tụ tập tại chùa Tỉnh hội tụng niệm và dự lễ nhập liệm nữ Phật tử tự thiêu quá đông đảo, có trên 10.000 người. Tỉnh tôi theo sát tình hình nhận thấy tâm trạng Phật giáo đồ rất kích động, ít ra cũng có đến 5 người phát nguyện xin tự thiêu nếu tình hình không được giải quyết” [6]. Lúc 14 giờ ngày 29/1/1965, lễ an táng Đào Thị Yến Phi được cử hành tại chùa Phật giáo tỉnh Khánh Hòa với hơn 5.000 người tham gia, trong đó có đại diện Gia đình Phật tử các tỉnh Phú Yên, Tuyên Đức, Ninh Thuận, Bình Thuận và đại diện Sinh viên Phật tử Sài Gòn.
Cùng với phong trào đấu tranh tại các địa phương khác, phong trào ĐTCT ở Khánh Hòa đầu năm 1965 mà đỉnh cao là cuộc tự thiêu của Đào Thị Yến Phi đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của chính phủ Trần Văn Hương (27/1/1965) - một chính phủ vốn có nhiều chủ trương hạn chế tự do và dân chủ.
Kết luận
Tóm lại, những năm 1964-1965, trong bối cảnh chế độ Sài Gòn có nhiều bất ổn chính trị, tại Khánh Hòa phong trào đấu tranh chống dư Đảng Cần lao, chống Nguyễn Khánh và Trần Văn Hương diễn ra rất mạnh mẽ với sự tham gia của đông đảo quần chúng, trong đó chủ lực là học sinh, Tăng Ni, Phật tử và bằng nhiều hình thức quyết liệt, góp phần làm cho cuộc khủng hoảng của chế độ Sài Gòn càng thêm trầm trọng.
Điều đáng nhấn mạnh là, ĐTCT ở Khánh Hòa những năm 1964-1965 không chỉ được phản ánh trong tài liệu của phía cách mạng mà còn được mô tả chi tiết qua các văn bản như tờ trình, công văn, công điện, báo cáo,... của chính quyền VNCH ở địa phương gửi cấp trên, hiện vẫn được lưu trữ đầy đủ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh), đặc biệt là tại Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh Khánh Hòa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nha Tổng giám đốc CSQG, Công điện số 738/L6/B, ngày 25/1/1965, gửi Bộ Nội vụ, Trung tâm LTQG II, Ký hiệu: PTTg 29547.
Quận truởng Vĩnh Xuơng, Công văn số 152/VP/M, ngày 26/1/1965, gửi Tỉnh trưởng Khánh Hòa, V/v việc một Ni cô dự định tự thiêu, Chi cục VTLT Khánh Hòa, Ký hiệu: Tòa Hành chính, H14, HS04.
Tỉnh truởng Khánh Hòa, Công văn số 1187/NA/NT/M, ngày 11/5/1964, gửi Bộ Nội vụ, Chi cục VTLT Khánh Hòa, Ký hiệu: Tòa Hành chính, H13, HS03.
Tỉnh truởng Khánh Hòa, Công văn số 3614/NA/CT/2M, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ,... Về tình hình tổng quát tại tỉnh Khánh Hòa quanh biến cố ngày 13/9/1964, Trung tâm LTQG II, Ký hiệu: PTTg 15651.
Tỉnh truởng Khánh Hòa, Công điện số 68/VP/M, ngày 26/1/1965, gửi Phủ Thủ tướng, Chi cục VTLT Khánh Hòa, Ký hiệu: Tòa Hành chính, H14, HS04.
Tỉnh truởng Khánh Hòa, Công điện số 029/VP/M, ngày 28/1/1965, gửi Phủ Thủ tướng, Chi cục VTLT Khánh Hòa, Ký hiệu: Tòa Hành chính, H14, HS04.
Ty CSQG Khánh Hòa, Công văn số 2244/ST.KH, ngày 2/3/1964, gửi Giám đốc Nha CSQG miền Nam TNTP, V/v phúc trình điều tra đơn của Nguyễn Văn Minh tố giác một số đảng viên Cần lao đầu sỏ, tàn ác tại Khánh Hòa, Chi cục VTLT Khánh Hòa, Ký hiệu: Tòa Hành chính, H13, HS03.
Ty CSQG Khánh Hòa, Tài liệu về diễn biến phong trào Phật giáo 1964-1965, gửi Tỉnh trưởng Khánh Hòa, Chi cục VTLT Khánh Hòa, Ký hiệu: Tòa Hành chính, H14, HS04.
Uy ban Điều tra tội ác và tài sản Khánh Hòa, Tờ trình gửi Tỉnh trưởng Khánh Hòa, Về việc tổng kết hồ sơ của Ủy ban Điều tra, Chi cục VTLT Khánh Hòa, H13, HS03.
Vùng II Chiến thuật, Công điện số 0111/51, ngày 9/1/1965, gửi Thủ tướng VNCH, Trung tâm LTQG II, Ký hiệu: PTTg 29547.
Nguyễn Đắc Xuân, Từ Phú Xuân đến Huế, Tự truyện, NXB Trẻ, 2012.
POLITICAL STRUGGLE IN KHANH HOA IN THE YEARS
1964-1965 VIA DOCUMENTS OF THE VIETNAMESE GOVERNMENT
Nguyen Trung Trieu
Nha Trang National College of Pedagogy
Summar: In the years of 1964-1965, in the context of the Saigon regime with many political uncertainties, in Khanh Hoa, the movement against the excess of Can lao Party, against Nguyen Khanh and Tran Van Huong took place very strongly with the participation of the masses, mainly students, monks and nuns, Buddhists and in many drastic ways, contributed to the crisis of the Saigon regime.
It is worth noting that the political struggle in Khanh Hoa in 1964-1965 was not only reflected in the revolutionary documents but also described in detail through documents such as reports, official dispatches, telegrams, and reports,... of the local government of the Republic of Vietnam to the superior, are still fully stored at the National Archives Center II (Ho Chi Minh City), especially at the Archives Department - Archive of Khanh Hoa province.
Key-words: Political struggle, Khanh Hoa, 1964-1965.

File đính kèm:

  • docdau_tranh_chinh_tri_o_khanh_hoa_trong_nhung_nam_1964_1965_qu.doc
  • pdfUnlock-47445_article_text_150086_1_10_20200417_2267_569381.pdf