Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản: thực trạng và định hướng phát triển
Tóm tắt
Trên cơ sở phân tích hiện trạng nguồn nhân lực, bối cảnh, hiện trạng phát triển đào tạo nguồn
nhân lực trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, bài báo đưa ra một số định hướng và giải pháp phát
triển đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới. Cụ thể, hiện trạng về nguồn nhân lực trong lĩnh vực
này là sự hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đào tạo nhân lực trình độ đại học thì đang trong bối
cảnh chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các ngành nghề khác, tính hấp dẫn nghề nghiệp hạn chế, vị thế
của các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn chưa cao. Với một số thực trạng trong đào tạo là:
đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, hàn lâm, cơ sở
vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu hạn chế, khó theo kịp tốc độ phát triển của thực
tiễn sản xuất. Định hướng và giải pháp đề ra là: đổi mới chương trình và nội dung đào tạo thích ứng
với tình hình mới; phát triển các hình thức đào tạo phù hợp hơn với thực tế; áp dụng các biện pháp,
chính sách quản lý nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển; hợp tác toàn diện giữa cơ sở
đào tạo và doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tăng cường truyền thông, quảng bá, thay đổi
nhận thức xã hội, thu hút người học.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản: thực trạng và định hướng phát triển
89 ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN: THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN PGS.TS Lý Tuấn Trường Trường Đại học Lâm nghiệp Tóm tắt Trên cơ sở phân tích hiện trạng nguồn nhân lực, bối cảnh, hiện trạng phát triển đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, bài báo đưa ra một số định hướng và giải pháp phát triển đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới. Cụ thể, hiện trạng về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là sự hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đào tạo nhân lực trình độ đại học thì đang trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các ngành nghề khác, tính hấp dẫn nghề nghiệp hạn chế, vị thế của các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn chưa cao... Với một số thực trạng trong đào tạo là: đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, hàn lâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu hạn chế, khó theo kịp tốc độ phát triển của thực tiễn sản xuất... Định hướng và giải pháp đề ra là: đổi mới chương trình và nội dung đào tạo thích ứng với tình hình mới; phát triển các hình thức đào tạo phù hợp hơn với thực tế; áp dụng các biện pháp, chính sách quản lý nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển; hợp tác toàn diện giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tăng cường truyền thông, quảng bá, thay đổi nhận thức xã hội, thu hút người học. Từ khóa: Nguồn nhân lực; Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; Đào tạo nhân lực; Thực trạng nguồn nhân lực; Định hướng và giải pháp. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong những năm gần đây, ngành chế biến gỗ và lâm sản nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã trở thành ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2018. Năm 2019 xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm 2018, riêng với nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 18%. Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam hiện được xác định là ngành có nhiều tiềm năng để phát triển với nhiều những ưu thế. Từ nội tại, chúng ta đang có những lợi thế về lịch sử làm nghề, về nguyên liệu cùng với sự nhạy bén của các doanh nghiệp, thêm nữa, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025, theo đó, nhiều thỏa thuận song phương và đa phương với các quốc gia và khu vực trên thế giới đã được xúc tiến, thiết lập, nhiều chính sách thúc đẩy, quy hoạch phát triển đã được chú trọng triển khai. Từ bên ngoài, sự biến động thị trường bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng đã đem lại những thuận lợi nhất định cho sản xuất trong nước Bên cạnh những thuận lợi đó, chúng ta cũng còn phải đối mặt với không ít những khó khăn thách thức. Theo “ The Leader “ tổng hợp, ba thách thức lớn nhất đối 90 với ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ hiện nay là: nguồn nhân lực khan hiếm; quỹ đất cho phát triển sản xuất khó khăn; và áp lực chuyển đổi số hóa công nghệ để theo kịp với công nghiệp 4.0. Trong 3 thách thức này thì có tới 2 thách thức đến từ vấn đề nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Lao động có trình độ, có tay nghề cao, được đào tạo bài bản thì càng khan hiếm. Tại doanh nghiệp, nhân lực có tay nghề, có trình độ khan hiếm là vậy, song tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp, cao đẳng nghề đến các trường đại học đều vắng bóng người theo học những ngành nghề này. Cung không đủ cầu, nhưng vẫn không có người học, hầu hết các doanh nghiệp phải tự đào tạo tại chỗ, một số phải đào tạo chuyển đổi chuyên môn để sử dụng, nhưng vẫn không có đủ nhân lực. Một số nhân lực đào tạo từ các trường, do điều kiện tiếp cận thực tế về những thiết bị hiện đại, tiên tiến chưa nhiều nên hầu hết cũng phải đào tạo lại một thời gian mới có thể sử dụng. Để trong thời gian ngắn nhất có thể bổ sung được lượng nhân lực tương ứng cho mục tiêu phát triển trong tương lai gần của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, chúng ta cần phải có những định hướng, giải pháp phát triển đào tạo nhân lực một cách đồng bộ, thích ứng cho từng giai đoạn phát tiển, phục vụ cho mục tiêu trước mắt và lâu dài. 2. THỰC TRẠNG VỀ NGUỒN NHÂN LỰC TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN 2.1. Về số lượng Việt Nam chúng ta hiện có khoảng trên 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, với khoảng 500.000 lao động. Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 18% mỗi năm (bỏ qua sự ảnh hưởng của những sự cố bất thường như đợt dịch COVID-19 vừa qua) thì hàng năm chúng ta cần có thêm 90.000 - 100.000 lao động. Cơ cấu về trình độ nhân lực cũng cần dịch chuyển, lượng lao động có trình độ, có tay nghề ngày càng đông hơn để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ. Hiện nay, trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, lao động chất lượng cao, có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 1,5 - 3%, nhân lực được đào tạo chính ngành, bài bản về chế biến gỗ cũng chỉ chiếm khoảng một nửa trong số đó. Lượng lao động có tay nghề chiếm khoảng 70%, nhưng số này cũng chỉ có khoảng chưa đến 1/3 là được đào tạo bài bản tại các cơ sở đào tạo, còn lại là được đào tạo tại chỗ. Số lao động phổ thông vẫn chiếm khoảng trên 26%. Với cơ cấu nhân lực như vậy, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của nước ta khó có thể bứt phá trong thời gian tới. Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu lao động trong lĩnh vực này đến năm 2020 cần khoảng 64.000 người có trình độ đại học và trên đại học, khoảng 266.860 91 công nhân kỹ thuật có tay nghề. Đến năm 2025 cần khoảng 106.800 người có trình độ đại học và trên đại học cùng 445.200 công nhân kỹ thuật. 2.2. Về chất lượng So về số lượng là vậy, về chất lượng còn đáng lo ngại hơn. Theo đánh giá của các đơn vị sử dụng lao động, hầu hết lao động tuyển về đều phải đào tạo lại. Những lao động có trình độ, bằng cấp thì thường là thiếu kỹ năng thực tiễn, các công nhân được đào tạo tại các trường thì chưa vận hành ngay được những trang thiết bị hiện đại tiên tiến, khả năng quản lý, kỹ năng mềm, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc hạn chế Tuy nhiên do thiếu nhân lực, các doanh nghiệp vẫn buộc phải đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi để sử dụng nhân lực hiệu quả hơn. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản rõ ràng là rất hạn chế. Sở dĩ có những hạn chế này không chỉ do công tác đào tạo của chúng ta còn bất cập mà còn do sức hút của ngành nghề đối với xã hội kém, người tài giỏi theo ngành nghề này ngày càng ít. Trước đây, để vào học đại học ngành chế biến lâm sản, thí sinh cần có điểm tuyển đầu vào rất cao, không thua kém so với các trường tốp đầu, nhưng hiện nay, hầu hết những học sinh có sức học trung bình khi trượt các nguyện vọng khác mới tìm đến học. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nhân lực đào tạo ra. Ở bậc đào tạo nghề cũng chung tình cảnh như vậy, hầu hết người lao động lựa chọn những ngành nghề có thu nhập cao để học. Thực chất, chính do năng suất lao động của người lao động trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản chưa cao nên mức thu nhập mà họ cũng bị hạn chế. 3. THỰC TRẠNG VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN 3.1. Bối cảnh Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản nước ta hiện đang phát triển trong bối cảnh: Thứ nhất, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của chúng ta đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi những ngành nghề khác. Do thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có trình độ, có tay nghề, nhiều ngành nghề đã và đang phát triển hết sức mạnh mẽ như điện tử viễn thông, công nghệ thông tin,.. hay các ngành dịch vụ khác như du lịch, kinh doanh , thu hút không ít lao động trong xã hội. Một số ngành nghề, lĩnh vực chỉ cần đào tạo trong thời gian ngắn, cơ hội việc làm hấp dẫn, thu nhập cao đã tạo ra sức ép rất lớn trong cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản. Thứ hai, lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản mới chỉ thực sự được nhắc đến nhiều trong vài năm trở lại đây, khi mà ngành này liên tục đạt được những bước bứt phá kỷ lục trong phát triển về kim ngạch xuất khẩu. Trước đây, truyền thông trong lĩnh vực này khá là hạn chế, tính hấp dẫn nghề nghiệp đối với xã hội chưa cao. Nghề chế biến 92 gỗ đã được ăn sâu vào tiềm thức người dân là nghề vất vả, không vẻ vang, thu nhập thấp Thứ ba, lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản được đào tạo trong khối các trường nông lâm, một trong những khối trường có tính hấp dẫn xã hội không cao, ưu thế cạnh tranh về danh tiếng của các trường còn hạn chế. Hệ quả của những vấn đề này là đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đang phải đối mặt với một nghịch lý: đào tạo cung không đủ cầu nhưng vẫn không thu hút được người học. 3.2. Đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng đào tạo Hiện nay, đào tạo ở bậc đại học ngành Chế biến lâm sản, cả nước chỉ có 4 trường gồm : Đại học Lâm nghiệp ; Đại học Nông Lâm Huế ; Đại học Nông Lâm Thủ Đức; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, với năng lực đào tạo có thể đáp ứng hàng ngàn kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên do khó khăn trong tuyển sinh, số lượng đào tạo thực tế chỉ là 200 - 300 kỹ sư mỗi năm. Các trường đào tạo ngành thiết kế nội thất ở bậc đại học nhiều hơn so với ngành chế biến lâm sản, cả nước hiện có 27 trường đào tạo ngành học này. Tuy nhiên đào tạo theo định hướng chuyên sâu về thiết kế đồ gỗ nội thất (vừa thiết kế tạo dáng, vừa thiết kế kỹ thuật, công nghệ gia công sản phẩm) thì chỉ có rất ít trường đào tạo. Bởi vậy số lượng kỹ sư về lĩnh vực này cũng rất hạn chế. Qua đánh giá của một số nhà tuyển dụng trong lĩnh vực chế biến gỗ và thiết kế đồ gỗ, phần lớn sinh viên ra trường chưa thể tiếp cận ngay với công việc thực tế, các kiến thức được trang bị quá hàn lâm, thiếu thực tế, thiếu các kỹ năng cơ bản về đọc bản vẽ, triển khai kỹ thuật Cụ thể, một số yếu điểm của sinh viên ra trường được đánh giá như sau: - Kỹ năng thực hành của kỹ sư mới ra trường còn hạn chế, kỹ sư thiết kế thiếu kỹ năng thực hành chuyên sâu trên các phần mềm chuyên dụng, nên còn hạn chế trong việc thể hiện ý tưởng sáng tạo. Hầu hết sinh viên sau khi ra trường, do chưa được tiếp cận nhiều với môi trường làm việc thực tế, chưa được tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại nên thường bị hạn chế về kỹ năng thực hành, vận hành thiết bị hiện đại, kỹ năng tiếp cận và khai thác các tài nguyên trong thiết kế. - Chưa vận dụng được những kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Các kiến thức sinh viên học được từ nhà trường hầu hết là những kiến thức cơ bản, kiến thức chung, không tập trung vào đối tượng cụ thể, bởi vậy, sinh viên sau khi ra trường đều cần có một thời gian nhất định để bắt nhập với thực tế. - Chưa theo kịp tiến độ công việc do kỹ năng phối hợp làm việc nhóm hạn chế, chưa nắm được các công việc cần thiết trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, tổ 93 chức thiết kế. Thực tế, sinh viên sau khi ra trường còn rất hạn chế về năng lực làm việc nhóm, những kỹ năng này không phải ngày một ngày hai mà có được. - Chưa nắm được các kiến thức về hồ sơ dự án trong thực tế, nên vào việc gặp nhiều bỡ ngỡ. Sinh viên chia sẻ là chỉ biết hồ sơ gồm các hệ thống bản vẽ mà không rõ các loại giấy tờ liên quan đi kèm. - Chưa tự tin trong trình bày, bảo vệ ý tưởng thiết kế trước hội đồng phản biện, chủ đầu tư, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc hạn chế Sở dĩ như vậy, một phần là do sinh viên mới ra trường còn ít được cọ sát, rèn luện kỹ năng mềm, phần lớn là do những sự thiếu thốn những kiến thức thực tế nên hầu hết sinh viên mới ra trường đều kém tự tin khi trình bày báo cáo, hay bảo vệ các phương án thiết kế trước hội đồng thẩm định. Về đào tạo nghề trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản, cả nước có 7 cơ sở đào tạo nghề liên quan thì cũng do sự sụt giảm tuyển sinh đầu vào, chỉ có khoảng 500 - 600 học viên mỗi năm. Số lượng này thực sự như muối bỏ bể so với nhu cầu phát triển thực tế. Chất lượng đào tạo nghề được đánh giá ổn định hơn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều hài lòng về tay nghề công nhân tuyển dụng từ các trường đào tạo, tuy nhiên việc tiếp cận các trang thiết bị mới, hiện đại của đội ngũ này còn rất hạn chế. 3.3. Chương trình và nội dung đào tạo còn nặng kiến thức hàn lâm, lý thuyết, thiếu thực tiễn Thực tế cho thấy, mặc dù các trường đã rất nỗ lực trong cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản để thích ứng với tình hình mới, song quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, do khoa học kỹ thuật ngày một phát triển, công nghệ cao, công nghệ mới xâm nhập vào mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống của chúng ta. Các kiến thức cần thiết cho kỹ sư trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản không còn đơn thuần như trước mà biến đổi, bổ sung nhiều kiến thức mới, lĩnh vực khoa học mới. Lẽ tất yếu, chương trình đào tạo cũng cần phải đổi mới để thỏa mãn nhu cầu này. Kéo theo đó là chương trình đào tạo sau mỗi lần điều chỉnh không những không nhẹ bớt kiến thức lý thuyết mà còn nặng thêm vì cần bổ sung những kiến thức tổng hợp mà thực tế phát triển đòi hỏi. Thứ hai, thời lượng đào tạo kỹ sư của chúng ta không còn là 5 năm như trước. Để bắt kịp với nhu cầu lao động trong thời kỳ mới, hầu hết chương trình đào tạo đại học đã được rút ngắn về 4 năm. Chính điều này đã làm thời gian cho rèn luyện kỹ năng nghề đã ít nay càng ít hơn. Thứ ba, như mọi lĩnh vực khác, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản cũng không ngừng phát triển, nhiều hoạt động chuyên môn đòi hỏi kiến thức sâu hơn, rộng hơn. Nếu thuận lợi, chúng ta cần phải tách công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản thành các chuyên ngành, chuyên môn (ví dụ như: công nghệ vật liệu gỗ nhân tạo; công nghệ 94 sản xuất đồ gỗ; công nghệ chế biến hóa học gỗ) để đào tạo chuyên sâu hơn cho các lĩnh vực chuyên sâu như trước đây. Song, do thiếu người học, trình độ đầu vào của người học không cao nên chúng ta không thể tổ chức đào tạo theo nhiều chuyên ngành ngành sâu như vậy, mà gộp tất cả vào một ngành đào tạo chung, phát triển chương trình đào tạo theo chiều rộng. Chính điều này đã làm cho chương trình đào tạo của chúng ta luôn được đánh giá là rất nặng và không sát với thực tế. Thứ tư, mặc dù chương trình đào tạo được đánh giá là nặng, nhưng do chúng ta đã chọn phát triển chương trình theo chiều ngang cho phù hợp với tình hình không có nhiều người học, trình độ đầu vào thấp, nên các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Kết quả là đa số sinh viên mới ra trường chưa thể bắt nhập ngay với công việc mà cần phải đào tạo lại tại doanh nghiệp một thời gian nhất định mới có thể sử dụng được. Cuối cùng, do tính hấp dẫn nghề nghiệp không cao, chất lượng đầu vào thấp, nhiều nội dung đào tạo đưa vào cần phải điều chỉnh cho phù hợp với trình độ người học, kéo theo chuẩn đầu ra cũng không thể đòi hỏi ở người học quá cao. 3.4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, thực tập đầu tư cho đào tạo không theo kịp với thực tế đòi hỏi Trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, thực tập là một trong những yếu tố có tính quyết định sống còn đối với một cơ sở đào tạo lĩnh vực kỹ thuật. Trong nhiều năm qua, mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho các trường đại học những trang thiết bị thí nghiệm, nhiều dự án hỗ trợ đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm đã được triển khai, song số lượng đầu tư cho thực hành, thí nghiệm lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản còn rất hạn chế, hầu như không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản là một trong những lĩnh vực phát triển rất nhanh trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới đã được cập nhật, ứng dụng trong lĩnh vực này. Thêm nữa, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực, dường như xô đổ mọi rào cản kỹ thuật để tạo ra một sự bùng phát chưa từng có về công nghệ mới. Tốc độ phát triển này đã đem lại không ít cơ hội cho các cơ sở đào tạo, đồng thời cũng đưa ra không ít những thách thức có tính tồn vong cho các cơ sở đào tạo này. Các cơ sở đào tạo có nguồn lực không đủ mạnh, không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, hầu như không thể theo kịp sự biến đổi, phát triển của các doanh nghiệp. Một khó khăn khác, từ thực tế cho thấy, cơ chế tự chủ đã đẩy các trường đào tạo lĩnh vực có tính hấp dẫn tự nhiên kéo vào một vòng luẩn quẩn khó khăn dường như không lối thoát. Không có người học thì không có nguồn thu, không có nguồn thu thì không thể đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại, không có trang thiết bị hiện đại 95 đồng nghĩa với việc đào tạo không đáp ứng được thực tiễn phát triển, không thể hấp dẫn người học Với những lý do kể trên thì nguy cơ tụt hậu của các cơ sở đào tạo lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản là nhãn tiền nếu như không có giải pháp tháo gỡ phù hợp. Không có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hành, thí nghiệm, đặc biệt là những trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, các cơ sở đào tạo khó có thể tiếp cận, cập nhật công nghệ mới hiện đại, và chắc chắn sẽ không thực hiện nổi sứ mạng dẫn đường, đi trước, tư vấn cho doanh nghiệp trong phát triển khoa học công nghệ. 4. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN 4.1. Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo thích ứng với tình hình mới Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo không chỉ là để bắt nhập kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà còn là để thích ứng với những phương thức đào tạo mới, những điều kiện đặc thù của từng giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn này, chúng ta cần tập trung một số hướng đổi mới như sau: - Đổi mới chương trình đào tạo, tập trung vào các kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp hơn, xây dựng chuẩn đầu ra theo vị trí việc làm thực tế. Bám sát thực tiễn, xác định rõ các trọng tâm kiến thức kỹ năng cần cho doanh nghiệp, xác định rõ điểm yếu cần khắc phục, cải tiến để xây dựng chương trình. Điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn với yêu cầu thực tế xã hội bằng việc tham vấn lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp về các tiêu chuẩn đầu ra của người học, xây dựng chuẩn đầu ra trên cơ sở tham chiếu chuẩn đầu vào của doanh nghiệp. Một số vị trí công việc mà nhu cầu thực tế đang rất quan tâm là: thiết kế sản phẩm; tổ chức và quản lý sản xuất; thương mại, cung ứng; vận hành và duy trì sản xuất; KCS... - Phân định lại các khối kiến thức, kỹ năng cho rõ ràng để có thể vận dụng phương thức đào tạo một cách linh hoạt. Phần kiến thức chuyên ngành cần được xây dựng và tổ chức đào tạo theo hướng chuyên môn hóa để sinh viên sau khi ra trường có được những kiến thức và kỹ năng đủ chín để thực hiện công việc. - Tăng cường thời lượng cho các kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành, quản lý và vận hành máy, thiết bị hiện đại, các kỹ năng xử lý tình huống công việc được rút ra từ thực tế. Bổ sung các nội dung rèn nghề tại cơ sở thực tế với thời lượng thích hợp vào chương trình đào tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho người học tiếp cận môi trường lao động thực tế, giúp người học có cơ hội cọ sát, rèn luyện các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm cho người học. - Chú trọng cập nhật công nghệ hiện đại, những vấn đề có giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất: Trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, gia công chính xác, hiệu năng 96 cao, bảo vệ môi trường, các kiến thức về quản lý nhà nước, hội nhập và thương mại quốc tế trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản. 4.2. Phát triển các hình thức đào tạo phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn Triển khai các mô hình đào tạo, nghiên cứu tại doanh nghiệp, học đi đôi với hành (theo học kỳ doanh nghiệp). Đưa sinh viên về các nhà máy học tập, một mặt tăng được kỹ năng của sinh viên, một mặt tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với môi trường thực tiễn, tiếp xúc với những trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng được trang bị. Xây dựng và phát triển mô hình đào tạo trong sản xuất và sản xuất trong đào tạo để nhanh chóng có được số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phù hợp. Cụ thể, đào tạo trong sản xuất là doanh nghiệp có thể nâng cấp đội ngũ tại chỗ của mình bằng cách liên kết với cơ sở đào tạo, triển khai các hoạt động đào tạo tại doanh nghiệp. Sản xuất trong đào tạo là hình thức mà người học trong quá trình học tập, thực hành dưới hình thức rèn nghề có thể tham gia sản xuất cùng doanh nghiệp ở một số vị trí việc làm nhất định. Đối với một số nội dung, chúng ta cũng có thể xem xét tới hình thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia giảng dạy và học tập. Khi vận các phương thức đào tạo này, chúng ta cần hết sức lưu ý phát triển hệ thống đánh giá, đảm bảo chất lượng cho phù hợp. 4.3. Áp dụng các biện pháp, chính sách quản lý nhà nước, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản Như chúng ta đều biết, đối với một số ngành nghề có sức hút kém trong khối nông lâm, nếu chúng ta không có những chính sách vĩ mô để can thiệp, điều chỉnh, cứ thả nổi theo cơ chế thị trường thì rất dễ dẫn đến những hậu quản khôn lường. Nhẹ thì thiếu hụt nhân lực cục bộ, nghiêm trọng hơn là dẫn đến trình độ kém phát triển của toàn ngành hay lĩnh vực đó do tính chọn lọc xã hội tạo ra. Nghiêm trọng hơn nữa khi ta bỏ ngỏ, cho phát triển tự do, đến một mức độ nào đó, một số ngành nghề của chúng ta sẽ bị triệt tiêu, mất tính đa dạng ngành nghề, có nguy cơ mất khả năng ứng phó biến cố trong phát triển vĩ mô của Đất nước. Chúng ta cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp, chính sách phù hợp để hỗ trợ, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển. Các biện pháp có thể là: hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền quảng bá lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; hỗ trợ học bổng nhà nước cho người học; ưu tiên đầu tư trang thiết bị thực hành thí nghiệm hiện đại cho các cơ sở đào tạo; khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nguồn nhân lực... 97 4.4. Hợp tác toàn diện gữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tăng cường truyền thông, quảng bá, thay đổi nhận thức xã hội, thu hút người học Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần có sự hợp tác toàn diện để triển khai các nội dung đào tạo. Doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào quá trình đào tạo này, từ xây dựng chương trình, xây dựng chuẩn đầu ra đến trực tiếp tham gia quá trình giảng dạy, hướng dẫn tốt nghiệp, kiểm tra đánh giá quá trình học tập của sinh viên... Các doanh nghiệp là đơn vị sử dụng lao động một mặt hỗ trợ cơ sở đào tạo trong vấn đề địa bàn thực hành, thực tập, một mặt thường xuyên giữ liên lạc thông tin tới cơ sở đào tạo những vấn đề mới mà thực tế phát sinh để các cơ sở đào tạo này kịp thời điều chỉnh nội dung và phương thức đào tạo cho phù hợp với thực tế đòi hỏi. Doanh nghiệp có thể cùng cơ sở đào tạo, tham gia tuyên truyền, quảng bá tuyển sinh, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, hình ảnh nhà trường, cải thiện hình ảnh, nâng cao uy tín và vị thế doanh nghiệp và cơ sở đào tạo lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản trong xã hội. Tăng cường tổ chức các diễn đàn, thể hiện rõ hơn nữa vai trò của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản với sự phát triển chung của xã hội, đồng thời để toàn thể người dân nắm được tình hình phát triển thực tiễn, nhu cầu về nhân lực và cơ hội phát triển trong lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản. Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học. Cơ sở đào tạo cần thể hiện rõ vai trò của đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và xã hội. 5. KẾT LUẬN Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản là lĩnh vực đã và đang phát triển rất mạnh trong những năm gần đây. Nhiều thành tựu, kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã được ghi nhận, ngành công nghiệp chế biến gỗ và nội thất đã được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Một trong những thách thức lớn mà chúng ta cần khắc phục trong trước mắt và lâu dài, đó chính là vấn đề nhân lực hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đào tạo nhân lực chất lượng cao thì đang trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các ngành nghề khác, tính hấp dẫn nghề nghiệp hạn chế, vị thế của các trường cơ sở đào tạo trong lĩnh vực chuyên môn chưa cao... Với một số thực trạng là: đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, hàn lâm, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu hạn chế, khó theo kịp tốc độ phát triển của thực tiễn sản xuất... 98 Để khắc phục những khó khăn kể trên, chúng ta cần định hướng và thực hiện đồng bộ các giải pháp: đổi mới chương trình và nội dung đào tạo thích ứng với tình hình mới; phát triển các hình thức đào tạo phù hợp hơn với thực tế; áp dụng các biện pháp, chính sách quản lý nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển; hợp tác toàn diện giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, tăng cường truyền thông, quảng bá, thay đổi nhận thức xã hội, thu hút người học. Tóm lại, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, đồng thời tiến hành trên nhiều lĩnh vực với sự hợp tác tương hỗ của nhiều thành phần tham gia. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị Số 08/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2019 Về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Công báo số 377+378 ngày 07 tháng 4 năm 2019. 2. The Leader: Ba thách thức lớn với ngành chế biến gỗ và nội thất. 05/2/2020. 3. Xuân Anh: Đột phá tăng trưởng ngành gỗ. TTXVN. 25/2/2020.
File đính kèm:
- dao_tao_nguon_nhan_luc_linh_vuc_cong_nghiep_che_bien_go_va_l.pdf