Chuyện những chiếc cầu trên sông An Cựu ở khu vực Huế trước năm 1945

CHUYỆN NHỮNG CHIẾC CẦU TRÊN SÔNG AN CỰU

Ở KHU VỰC HUẾ TRƯỚC NĂM 1945

Nguyễn Quang Trung Tiến*

Ngày nay, khi dùng thuyền xuôi dòng trên sông An Cựu từ vị trí Cửa Khâu

giáp bờ nam Sông Hương, hoặc đi đường bộ từ Ga Huế men theo đường Phan Chu

Trinh ở bờ hữu ngạn hoặc đường Phan Đình Phùng ở bờ tả ngạn, đến giáp đường

Hùng Vương [Quốc lộ 1A], ta sẽ lần lượt bắt gặp 6 cây cầu theo thứ tự là cầu Ga,

cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam, cầu Kho Rèn và cầu An Cựu. Tất cả

những cây cầu này đều được sửa chữa hoặc xây dựng lại trên vị trí cũ trong những

năm sau này, tập trung chủ yếu vào những năm 2009-2012.

pdf 13 trang phuongnguyen 4760
Bạn đang xem tài liệu "Chuyện những chiếc cầu trên sông An Cựu ở khu vực Huế trước năm 1945", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chuyện những chiếc cầu trên sông An Cựu ở khu vực Huế trước năm 1945

Chuyện những chiếc cầu trên sông An Cựu ở khu vực Huế trước năm 1945
102 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
CHUYỆN NHỮNG CHIẾC CẦU TRÊN SÔNG AN CỰU 
Ở KHU VỰC HUẾ TRƯỚC NĂM 1945
Nguyễn Quang Trung Tiến*
Ngày nay, khi dùng thuyền xuôi dòng trên sông An Cựu từ vị trí Cửa Khâu 
giáp bờ nam Sông Hương, hoặc đi đường bộ từ Ga Huế men theo đường Phan Chu 
Trinh ở bờ hữu ngạn hoặc đường Phan Đình Phùng ở bờ tả ngạn, đến giáp đường 
Hùng Vương [Quốc lộ 1A], ta sẽ lần lượt bắt gặp 6 cây cầu theo thứ tự là cầu Ga, 
cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Phủ Cam, cầu Kho Rèn và cầu An Cựu. Tất cả 
những cây cầu này đều được sửa chữa hoặc xây dựng lại trên vị trí cũ trong những 
năm sau này, tập trung chủ yếu vào những năm 2009-2012.
Cầu thì mới, nhưng câu chuyện về chúng đã đi vào dĩ vãng xa xôi, đến mức 
ngay cả những người sinh sống lâu năm tại địa bàn này cũng không còn nhớ rõ 
nhiều tình tiết liên quan đến chúng cùng cảnh quan xưa ở đôi bờ trên đoạn sông chỉ 
chừng hơn hai cây số trong lòng nội đô Huế.
Lùi lại quá khứ, vào đầu thế kỷ XIX, đoạn sông này chỉ mới có một cây cầu 
duy nhất bắc qua sông, nằm trên đường Thiên Lý bắc-nam, đó là cầu An Cựu, để 
phục vụ con đường giao liên của triều đình từ Trạm Kinh (nằm trong cửa Thượng Tứ 
của Kinh Thành Huế) vào các trạm liên tiếp phía nam kinh đô là Thừa Nông, Thừa 
Hóa, Thừa Lưu, Thừa Phước [Thừa Phúc], Hải Vân Quan rồi vào các tỉnh phía nam.
Không có nhiều tư liệu thể hiện rõ nét lịch sử xây dựng và kiểu thức, quy mô 
của nó; nhưng có một số chi tiết từ nguồn sử liệu cho thấy rằng cầu An Cựu được 
khởi công xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 [1808], với tên gọi là cầu Hương 
Thủy(1) và được trùng tu, bảo dưỡng liên tục dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, 
Tự Đức... Đặc biệt, năm Minh Mạng thứ 19 [1838], cầu được điều chỉnh thiết kế 
bằng việc nâng cao khoảng giữa của cầu “để tiện cho thuyền bè đi lại”, do Thống 
chế Nguyễn Tiến Lâm “đổng lý công việc”.(2) Vật liệu chính dùng làm cầu đều 
bằng gỗ, chủ yếu là hạng thiết mộc, “cầu dài 7 trượng”,(3) tương đương gần 30 mét 
tây [29,75m].(4)
Cầu Hương Thủy là tên nhà Nguyễn đặt đầu thời Gia Long, mang ý nghĩa 
từ kinh sư đi về vùng đất thuộc huyện Hương Thủy [lúc ấy cầu nằm ở xã An Cựu 
thuộc huyện Hương Thủy]. Nhưng có lẽ do cầu bắc qua sông An Cựu, lại nằm trên 
địa phận xã An Cựu, đặc biệt là sau khi khơi vét sông này từ năm 1814, nên đầu 
* Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
103Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
thời Minh Mạng, triều Nguyễn đã chuyển sang dùng tên cầu An Cựu. Văn bản của 
Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã ghi sự kiện “đặt Nam Trường đình ở phía nam cầu 
An Cựu bờ nam sông Hương” vào tháng 5 năm Ất Mùi [1835],(5) cho thấy tên cầu 
đã thay đổi. Vả lại, trong dân gian, từ lâu đã không còn ký ức tên cầu Hương Thủy, 
mà chỉ gọi là cầu An Cựu, nên những người nước ngoài khi đến Huế vào thế kỷ 
XIX cũng dùng tên này. Chẳng hạn, viên thuyền trưởng tàu Scorpion người Pháp 
là Dutreuil de Rhins khi đến Huế năm 1876 để lái tàu thuê cho triều Nguyễn đã gọi 
đây là “cây cầu gỗ An Cựu” [nguyên văn: le pont de bois d’Ane-keuou].(6)
Tên cầu An Cựu được phổ biến và gần như chỉ còn là cái tên duy nhất mà cả 
nhà nước và dân gian sử dụng gần suốt thế kỷ XIX; nên sang thời thuộc địa, trong các 
văn bản chính thức của chính quyền Pháp ở Huế cũng đều ghi là cầu An Cựu [nguyên 
văn: Pont d’An-cuu].(7) Ta có thể hình dung kiểu thức và quy mô của cây cầu An Cựu 
cũ bằng gỗ cùng khu chợ An Cựu với những lều tranh còn lụp xụp ở cuối thế kỷ XIX 
được lưu lại qua hình ảnh do Khâm sứ Trung Kỳ Brière cung cấp (Ảnh 1).
Ảnh 1: Cầu gỗ An Cựu và chợ An Cựu cuối thế kỷ XIX nhìn từ bờ hữu ngạn, phía đường Phan 
Chu Trinh hiện nay (Nguồn: Brière, “Images du passé”, BAVH, Nos 3-4, juillet-décembre 1939, 
p. 271, planche LV).
Từ năm 1897, cùng với việc xúc tiến chương trình khai thác kinh tế quy mô 
lớn toàn Việt Nam và Đông Dương, thì ở Huế, cầu Trường Tiền [lúc đầu mang tên 
Thành Thái] bắc qua Sông Hương được khởi công xây dựng [đến năm 1899 hoàn 
tất]; còn cây cầu gỗ An Cựu được thay thế bằng một cây cầu sắt vững chắc hơn 
để bảo đảm sự lưu thông cho tuyến đường Thuộc Địa số 1 [Quốc lộ 1A hiện nay, 
đoạn mang tên đường Hùng Vương] qua địa phận Huế. Sang đầu thế kỷ XX, trong 
chương trình chỉnh trang đô thị Huế năm 1910, cầu sắt An Cựu được tháo dỡ và 
104 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
xây lại bằng xi-măng, cùng với đó là chợ cùng khu nhà đối diện chợ An Cựu được 
xây dựng lại đã có phần khang trang hơn trước (Ảnh 2).
Ảnh 2: Cầu An Cựu và khu nhà đối diện chợ An Cựu đầu thế kỷ XX nhìn từ bờ hữu ngạn, 
phía đường Hải Triều hiện nay (Nguồn: historicvietnam.com).
Năm cây cầu còn lại trên sông An Cựu ở khu vực Huế đều được xây dựng 
muộn hơn cầu An Cựu rất lâu, diễn ra vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX 
đến giữa thập niên 1920. 
Cây cầu được bắc tiếp theo trên dòng sông An Cựu là cầu Nam Giao, trên 
đường Điện Biên Phủ hiện nay. Con đường này nối từ đường Jules Ferry [nguyên 
văn: Rue Jules Ferry, nay là đường Lê Lợi] vượt qua cầu rồi chạy thẳng tắp đến 
tận đàn Nam Giao, được khởi công xây dựng từ năm 1897; đến ngày 15/10/1897, 
Khâm sứ Trung Kỳ mở thêm khoản tín dụng 800,00 đồng Đông Dương để tiếp 
tục thi công tuyến đường và hoàn thành vào năm 1898.(8) Lúc mới làm, đường có 
tên Nam Giao tân lộ [để phân biệt với Nam Giao cựu lộ là đường Phan Bội Châu 
hiện nay]. Người Pháp gọi con đường đó là đại lộ Nam Giao [nguyên văn: Avenue 
Nam-Giao], còn cây cầu bắc qua sông trên tuyến đường này là cầu Nam Giao 
[nguyên văn: Pont du Nam-Giao].(9)
Nền đường đại lộ Nam Giao lúc đầu được đắp bằng đất đỏ. Mãi đến năm 
1935, công việc mở rộng nền đường, giải tỏa mặt bằng để nâng cấp đường mới 
được thực hiện. Ngân sách của tỉnh do Công sứ Thừa Thiên phê duyệt bố trí cho 
việc rải đá và trải nhựa trên đại lộ Nam Giao trong năm 1936 với chiều dài 2km là 
5.780,00 đồng Đông Dương.(10)
Đến năm 1938, cầu Nam Giao cũng được sửa chữa lớn với số tiền từ ngân 
sách thành phố Huế là 1.500,00 đồng Đông Dương.(11) Sang năm 1939, Hội đồng 
105Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
thành phố Huế tiếp tục phê duyệt ngân sách dùng để sửa chữa chân cầu Nam Giao 
với việc thay thế các trụ hỗn hợp và dầm cầu chính bằng những trụ bê tông cốt thép 
với kinh phí khá lớn là 7.500,00 đồng Đông Dương.(12)
Tiếp sau cầu Nam Giao là sự xuất hiện cầu Bến Ngự, nối con đường Phủ Cam 
[nguyên văn: Rue Phu-Cam, nay là một phần của đường Phan Bội Châu], bắt đầu 
từ đường Jules Ferry đến bờ tả ngạn của sông An Cựu đối diện bến Dương Xuân, 
với trục đường từ bến Dương Xuân ở hữu ngạn sông An Cựu đi lên đàn Nam Giao 
[nay cả hai con đường và cầu bắc qua sông đều là đường Phan Bội Châu]. 
Con đường từ bến Dương Xuân đi lên đàn Nam Giao được hình thành từ đầu 
thời vua Gia Long ở thế kỷ XIX, phục vụ cho việc đi tế lễ hàng năm ở đàn Nam 
Giao của triều Nguyễn. Lúc đầu, mỗi dịp đi tế lễ, đoàn ngự giá khi băng qua sông 
An Cựu đều cho bắc cầu phao, xong lễ lại tháo đi. Đến tháng 2 năm Bính Thân 
[1836], vua Minh Mạng thấy bất tiện nên sai Thống chế Hồ Văn Khuê đem quân 
khơi vét cửa sông An Cựu đoạn giáp Sông Hương ở Cửa Khâu, xây bậc thềm đá 
ở bờ nam tại bến Dương Xuân, để dùng thuyền từ Sông Hương vào đó rồi lên bộ, 
theo con đường này lên đàn Nam Giao.(13) Bến đò Dương Xuân bên hữu ngạn sông 
An Cựu trở nên khang trang từ đó, đồng thời tên gọi Bến Ngự cũng được dân gian 
sử dụng phổ biến dần thay cho tên gọi bến đò Dương Xuân. Năm 1897, khi Nam 
Giao tân lộ được khởi công, con đường này được gọi là Nam Giao cựu lộ, còn người 
Pháp gọi là đường Song Hành Đông [nguyên văn: Parallèle Est] để phân biệt với 
Nam Giao tân lộ được gọi là đường Song Hành Tây [nguyên văn: Parallèle Ouest]. 
Bên bờ tả ngạn cạnh mép trái cầu Bến Ngự vốn đã có khu chợ xép nhỏ. Đến 
đầu thế kỷ XX, một ngôi chợ được dựng lên tại đó. Người Pháp gọi tên cầu là Bến 
Ngự [nguyên văn: Pont de Bên-Ngu],(14) nhưng ngôi chợ ở cạnh cầu thì gọi là chợ 
Phủ Cam [nguyên văn: Marché de Phu-Cam];(15) song dân gian ở Huế quen gọi là 
chợ Bến Ngự. Tên chợ Bến Ngự trở thành chính thức sau thời Pháp thuộc. Liên 
quan đến ngôi chợ bên cầu, sự kiểm soát việc giết mổ gia súc và vấn đề vệ sinh dịch 
tễ, an toàn thực phẩm tại chợ Bến Ngự cùng các chợ ở Huế được thực hiện ngay từ 
sớm. Ngày 25/10/1907, Giám đốc Hành chính tỉnh Thừa Thiên ban hành quyết định 
của Khâm sứ Trung Kỳ, trong đó quy định: “Tất cả các loại thịt giết mổ: thịt bò, 
thịt bê, thịt heo, thịt cừu, thịt dê, thịt chó, v.v... được bày bán ở hai chợ An Cựu và 
Phủ Cam [Bến Ngự] phải được lấy từ những động vật giết mổ tại lò mổ [abattoir] 
và trước đó phải nộp bản kiểm tra của bác sĩ thú y chịu trách nhiệm giám sát lò mổ 
ở thành phố Huế (Điều 1). Bất kỳ sự vi phạm nào về các quy định này sẽ trở thành 
đối tượng của việc khởi kiện và sẽ bị truy tố tư pháp; thịt sẽ bị tịch thu và chôn ngay 
lập tức với chi phí của người phạm tội (Điều 3).(16) Năm 1928, thể theo nguyện vọng 
của nhân dân quanh vùng, Viện Đại biểu Nhân dân Trung Kỳ đã yêu cầu trích từ 
106 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
Ảnh 4: Trên một đoạn sông An Cựu, đằng xa là cầu Bến Ngự khoảng thập niên 1920. 
(Nguồn: collection.efeo.fr).
Ảnh 3: Dưới chân cầu Nam Giao, đằng xa là một phần cầu Ga Huế khoảng thập niên 1920. 
(Nguồn: flickr.com).
Ngân sách Đông Dương một khoản kinh phí khá lớn là 5.000,00 đồng Đông Dương 
để mở rộng và nâng cấp chợ Phủ Cam [Bến Ngự] vào năm tài khóa 1929.(17)
Cầu Bến Ngự được duy tu, bảo dưỡng khá thường xuyên, như vào các năm 
1932, 1938,(18) 1939,(19) kinh phí mỗi đợt chừng vài trăm đồng Đông Dương trích 
từ ngân sách thành phố Huế hoặc tỉnh Thừa Thiên.
107Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
Sau hai cầu Nam Giao và Bến Ngự là cầu Ga Huế, cây cầu thứ tư bắc qua 
sông An Cựu ở khu vực Huế. Cây cầu này nối đường Jules Ferry dọc bờ nam Sông 
Hương với Ga Huế. Nhà ga này nằm trên tuyến đường sắt nối Đông Hà - Đà Nẵng, 
được khởi công xây dựng từ năm 1902, đến năm 1908 hoàn thành. Lúc bấy giờ 
tuyến đường sắt Đông Hà - Vinh và Đà Nẵng - Nha Trang chưa xây dựng. Mãi đến 
năm 1915, mới thi công tuyến đường sắt Vinh - Đông Hà, năm 1928 làm tuyến Đà 
Nẵng - Nha Trang, đến năm 1936 mới ráp nối xong toàn bộ hệ thống đường xe lửa 
xuyên Việt. 
Ảnh 5: Cầu Ga và Ga Huế khoảng thập niên 1910, còn thắp đèn đường chứ chưa có điện. 
(Nguồn: flickr.com).
Ga Huế được thi công năm 1908, đến năm 1909 hoàn chỉnh, lúc đầu mang tên 
Ga Trường Súng, do nằm cạnh xưởng đúc súng của triều Nguyễn. Thời gian đầu, 
cầu vào ga được người Pháp gọi là cầu đường Jules Ferry nối dài [nguyên văn: le 
pont-route prolongeant la rue Jules Ferry].(20) Phải từ thập niên 1930, tên cầu Ga 
[nguyên văn: Pont de la Gare] mới được dùng phổ biến và trở thành tên gọi chính 
thức ở Huế.(21)
Cầu Ga được duy tu, bảo dưỡng nhiều lần vào các năm 1932, 1938,(22) 1939,(23) 
kinh phí mỗi đợt chừng vài trăm đồng Đông Dương trích từ ngân sách thành phố 
Huế hoặc tỉnh Thừa Thiên.
Nằm gần phía cầu An Cựu nhất là cầu Kho Rèn, ban đầu được làm bằng sắt, 
nối đường Jean Baptiste Chaigneau [nguyên văn: Rue J. B. Chaigneau, nay là Lý 
Thường Kiệt] và đoạn đường từ cầu lên khu nghĩa địa người Âu phía sau lưng 
nhà thờ Phủ Cam. Ngày 03/9/1932, đoạn đường từ cầu Kho Rèn lên khu nghĩa địa 
người Âu ở phía sau nhà thờ Phủ Cam được Hội đồng thành phố đặt tên là đường 
Nghĩa Địa [nguyên văn: Route du Cimetière,(24) nay là một phần đường Trần Phú]. 
108 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
Đầu thế kỷ XX, cầu Kho Rèn được dân gian ở Huế gọi là cầu sắt Dương 
Phẩm, do vị trí cầu nằm trên đất làng Dương Phẩm xưa bên bờ sông An Cựu. Cùng 
với sự xuất hiện của nhiều công trình phủ đệ như của Tùng Thiện Vương Miên 
Thẩm, Kiên Thái Vương Hồng Cai, An Hóa công Bửu Tủng, Bái Ân công chúa 
Nguyễn Phúc Lương Trinh, đền thờ Đức Thánh Trần, cung An Định, nhà máy điện, 
Trường Kỹ nghệ - Thực hành... từ thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc đoạn Phủ Cam 
- An Cựu, và cả việc hình thành hai con đường ven sông An Cựu; nên dân làng 
Dương Phẩm bị giải tỏa, phải di trú dần về phía nam và đông nam, thuộc địa phận 
phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy hiện nay. Tại vùng đất làng Dương Phẩm 
xưa, về sau chỉ còn lại ngôi đình làng, nằm ven đường Phan Đình Phùng hiện tại, 
ngày càng hoang tàn đổ nát vì bị lấn chiếm và không có người chăm sóc. 
Trong hồ sơ chính thức của Pháp từ thập niên 1920, tên cầu được dùng là cầu 
Nhà Máy Điện [nguyên văn: Pont Usine électrique],(25) còn dân gian có khi gọi là 
cầu Nhà Đèn. Nhưng do trong quá trình thi công xây dựng nhà máy điện ở tả ngạn 
sông An Cựu nằm sát bên cầu [hoàn thành năm 1920], thợ cơ khí với phần lớn từ 
làng rèn Hiền Lương tham gia đã dựng một lò rèn cạnh cầu để làm việc, đồng thời 
cũng lấy nơi đó làm kho chứa vật tư, thiết bị dùng cho việc xây cất nhà máy điện; 
nên dân gian từ đó hay gọi là cầu Lò Rèn, hay cầu Kho Rèn, dùng riết cũng quen 
và cầu Kho Rèn trở thành tên chính thức trong văn bản sau thời Pháp thuộc. Trước 
năm 1945, cầu Nhà Máy Điện [tức cầu Kho Rèn] được xây lại bằng xi-măng và 
duy tu, bảo dưỡng nhiều lần vào các năm 1932, 1938,(26) 1939,(27) kinh phí mỗi đợt 
bảo dưỡng chừng vài trăm đồng Đông Dương, trích từ ngân sách thành phố Huế 
hoặc tỉnh Thừa Thiên.
Ảnh 6: Một khu dân cư bên sông An Cựu, đằng xa là cầu sắt Dương Phẩm vào đầu thế kỷ XX, 
sau gọi là cầu Kho Rèn (Nguồn: skyscrapercity.com).
109Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
Cây cầu xuất hiện muộn nhất trên sông An Cựu ở khu vực Huế là cầu Phủ 
Cam. Ngày 09/8/1923, Công sứ Thừa Thiên ra quyết định và được Giám đốc Hành 
chính sự vụ Tòa Công sứ Thừa Thiên ban hành vào ngày 17/8/1923, quy định về 
việc “mở hai tuyến đường ở trên cả hai bờ sông Phủ Cam [sông An Cựu], nằm giữa 
cầu đường Jules Ferry kéo dài [cầu Ga] và cầu An Cựu. Không gian cần đủ để thiết 
lập hai con đường đều rộng 25 mét trên cả hai bờ, ngoại trừ bờ tả ngạn, đoạn đi qua 
trước cung An Định, là tài sản của vua Khải Định và gia đình”.(28)
Tuy nhiên, do chiều rộng cả hai con đường đều bất khả thi trên thực tế địa 
hình và cảnh quan đôi bờ, nên đến 25/3/1924, Công sứ Thừa Thiên lại ra quyết 
định sửa đổi quyết định của ngày 09/8/1923. Theo đó, hai con đường “được mở 
trên cả hai bờ sông Phủ Cam, nằm giữa cầu đường Jules Ferry kéo dài [cầu Ga] và 
cầu An Cựu. Không gian cần thiết cho việc thiết lập hai con đường đều rộng 15 mét 
trên cả hai bên bờ sông, tính từ giới hạn của mực nước thấp nhất”.(29)
Cùng với việc mở rộng đường hai bên bờ sông, cây cầu bắc qua sông ở đoạn 
lên nhà thờ Phủ Cam được xây dựng. Văn bản của người Pháp gọi đây là cầu Phủ 
Cam [nguyên văn: Pont de Phu-cam],(30) nhưng trong nhiều văn bản khác, người 
Pháp còn gọi cây cầu này là cầu Nhà Thờ Chánh Tòa [nguyên văn: Pont de la 
Cathédrale].(31) Cầu Phủ Cam được xây dựng vào năm 1924 bằng bê tông cốt thép, 
dài 46,30m,(32) với tổng kinh phí hoàn thành là 14.000 đồng Đông Dương.(33)
Sau khi bắc xong cầu, ngày 07/9/1925, thêm 11.000 đồng Đông Dương được 
trích ra từ Quỹ dự trữ Trung Kỳ để dùng vào việc mở và hoàn thành một con 
đường đi lên cầu Phủ Cam.(34) Con đường mới mở này được đặt tên là đại lộ Giám 
Mục d’Adran [nguyên văn: Avenue Monseigneur d’Adran, nay là một phần đường 
Nguyễn Trường Tộ]. Ngày 03/9/1932, đoạn đường từ cầu Phủ Cam chạy qua trước 
mặt nhà thờ Phủ Cam lên khu nghĩa địa người Âu ở phía sau được Hội đồng thành 
phố đặt tên là đường Cha de Rhodes [nguyên văn: Rue du Père de Rhodes, nay là 
đoạn đường Nguyễn Trường Tộ còn lại và đường Đoàn Hữu Trưng].(35)
Cũng vào ngày 03/9/1932, hai con đường ven sông An Cựu được Hội đồng 
thành phố Huế tiến hành đặt tên. Bên bờ tả ngạn, từ đại lộ Nam Giao đến đường J. 
B. Chaigneau [nay là đường Lý Thường Kiệt] mang tên là đường Bờ Sông Susse 
[nguyên văn: Quai de la Susse, nay là một phần đường Phan Đình Phùng]; từ 
đường J. B. Chaigneau đến giáp chợ An Cựu mang tên là đường Bờ Sông An 
Định [nguyên văn: Quai An-Dinh, nay là phần đường Phan Đình Phùng còn lại]. 
Trên đường Bờ Sông Susse này đã từng hiện diện ngôi nhà của gia đình J. B. 
Chaigneau, một công thần người Pháp của vua Gia Long, cư trú trong khoảng thời 
gian 1802-1819, nằm ở vị trí ven sông gần cầu Bến Ngự, phía đối diện với chợ 
Bến Ngự hiện nay.(36)
110 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
Ảnh 7: Bên cầu Phủ Cam bắc qua sông An Cựu những năm 1924-1929 (Nguồn: flickr.com).
Ảnh 8: Bản đồ đoạn sông An Cựu ở Huế năm 1932 đã có đủ 6 cây cầu bắc qua.
(Nguồn: gallica.bnf.fr).
Ở bờ hữu ngạn, đoạn từ cầu Ga đến cầu Kho Rèn được Hội đồng thành phố 
Huế đặt tên là đường Bờ Sông Forçant [nguyên văn: Quai Forçant, nay là một phần 
đường Phan Chu Trinh]; đoạn từ cầu Kho Rèn đến giáp đường Thuộc Địa số 1 [nay 
là đoạn đường Hùng Vương phía nam cầu An Cựu] mang tên đường Bờ Sông An 
Cựu [nguyên văn: Quai An-Cuu, nay là phần đường Phan Chu Trinh còn lại].(37)
111Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
Dọc theo đôi bờ sông An Cựu từ Huế về các huyện Hương Thủy, Phú Vang, 
thời Gia Long và đầu thời Minh Mạng đã xây dựng 24 cầu gỗ có quy mô nhỏ hơn bắc 
qua những ngòi lạch chảy ra sông An Cựu, để phục vụ việc đi lại của nhân dân vùng 
hai bên sông. Đến tháng 10 năm Canh Dần [1830], vua Minh Mạng đã cho thay thế 
đồng loạt những cây cầu gỗ này bằng 24 cống đá mang tính bền vững hơn.(38)
Tại khu vực Huế, những cầu cống bằng gạch, đá trên hai con đường ven sông 
An Cựu bị ảnh hưởng khá nhiều do quá trình đô thị hóa từ cuối thế kỷ XIX trở đi. 
Việc mở đường ven bờ kéo theo việc thiết kế cống ngầm thoát nước đổ ra sông phù 
hợp hơn, nên số lượng cầu cống nổi ven đôi bờ tại đây chỉ còn lại rất ít.
Những cây cầu bắc qua sông An Cựu và những cầu, cống nhỏ ven sông cùng 
cảnh quan của đoạn sông An Cựu ở khu vực Huế trước năm 1945 đã có rất nhiều 
biến đổi theo thời đại. Âu đó cũng là sự hợp lý trong quá trình kiến thiết và chỉnh 
trang đô thị, mà những ai mang tâm trạng hoài cổ, dù không khỏi có chút luyến 
tiếc, cũng đành phải thích nghi với chuyện vật đổi sao dời.
Và nếu bài viết này chưa thể hiện hết những thông tin về chúng như người 
đọc mong đợi, thì đó cũng là lẽ tất nhiên; bởi khôi phục lại diện mạo của một 
không gian đã trôi vào dĩ vãng xa xưa chưa bao giờ là một việc dễ làm...
 N Q T T
Ảnh 9: Một cây cầu nhỏ ở đường Bờ Sông Forçant bắt qua lạch nước đổ ra sông An Cựu năm 
1922, nay là đoạn đường Phan Chu Trinh, từ cầu Ga Huế đến cầu Kho Rèn theo minh họa của 
M. T. Ordion (Nguồn: H. Délétie, “Ponts, pagodes et pagodons”, BAVH, No2, 1922, p. 135).
112 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
CHÚ THÍCH
(1) Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 13, Bản dịch của Viện 
Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 519. 
(2) Nội Các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 13, đã dẫn, tr 522.
(3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử 
học, Tái bản lần thứ hai, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr 222. Bản dịch trong sách tái bản này in 
nhầm từ cầu dài 7 trượng thành 7 thước, tức chỉ còn khoảng gần 3 mét tây.
(4) Ở đây chúng tôi tạm quy đổi về lý thuyết từ đơn vị thước đo thời Nguyễn sang đơn vị mét 
tây để độc giả dễ hình dung. Đơn vị thước đo thời Nguyễn có rất nhiều loại, trong đó có 3 
loại liên quan phần này đã được các nhà chuyên môn đúc kết là:
 - Thước đo ruộng và đất đai: 1 thước = 47cm; 1 trượng = 4,70m.
 - Thước đo độ dài đồ vật và khoảng cách (thước mộc hoặc thước ta): 1 thước = 42,4/42,5cm; 
1 trượng = 4,24/4,25m.
 - Thước Lỗ Ban thiên về thuật phong thủy nêu phức tạp hơn, trong đó có 3 loại phổ biến: đo 
thông thủy (kích thước rỗng như cửa, cửa sổ, ô cửa, chiều cao tĩnh không nhà...) thì 1 thước 
= 52,2cm; đo dương trạch (kích thước đặc của khối xây dựng như bệ, bậc, chiều dài hoặc 
chiều rộng của nhà và cổng...) thì 1 thước = 42,9cm; đo âm phần (như mồ mả, bàn thờ, tủ, 
giường/phản/sập...) thì 1 thước = 38,8cm.
 Ở Bắc Kỳ, vào ngày 02/6/1897, Toàn quyền Đông Dương ra sắc lệnh quy định, kể từ ngày 
01/01/1898, trên địa bàn Bắc Kỳ thống nhất tất cả các loại thước đo thành một, quy đổi 
tương đương 1 thước = 40cm, 1 trượng = 4,0m; nhưng ở Trung Kỳ thì vẫn giữ như thời 
Nguyễn trong một thời gian dài.
(5) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập IV, Tái bản lần thứ hai, Nxb Giáo 
dục, Hà Nội, tr 650.
(6) Jules Léon Dutreuil de Rhins (1889), Le royaume d’Annam et les Annamites: journal de 
voyage, Librairie Plon, Paris, p. 126.
(7) Bulletin officiel de l’Annam et du Tonkin, No 4, avril 1896, Saïgon, p. 516.
(8) Bulletin officiel de l’Annam et du Tonkin, No10, 1897, Saïgon, p. 1520.
(9) Commune de Hué, Budget primitif del’exercice 1939, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1939, p. 41.
(10) Province de Thua-Thien, Budget provincial pour l’exercice, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 
1936, p. 50.
(11) Commune de Hué, Budget primitif del’exercice 1938, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1938, p. 49.
(12) Commune de Hué, Budget primitif del’exercice 1939, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1939, p. 41, 59.
(13) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập IV, đã dẫn, tr 884.
(14) Ville de Hué, Budget municipal pour l’exercice, Impr. de Bui Huy Tin, Hué, 1938, p. 47.
(15) Michel Gabriel, Code judiciaire de l’Indo-Chine, Impr. d’Extrême-Orient, Hanoï-Haïphong, 
1904-1913, p. 670.
(16) Michel Gabriel, Code judiciaire de l’Indo-Chine, Impr. d’Extrême-Orient, Hanoï-Haïphong, 
1904-1913, p. 670.
(17) Chambre des représentants du peuple en Annam, Procès verbaux des séances, Bui-Huy-
Tin & Cie, Hué, 1928, p. 45.
113Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
(18) Commune de Hué, Budget Primitif del’exercice 1938, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1938, p. 62.
(19) Commune de Hué, Budget Primitif del’Exercice 1939, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1939, p. 59.
(20) Bulletin administratif de l’Annam, No11, 01 juin 1924, Hué, p. 697.
(21) Bulletin administratif de l’Annam, No17, 30 septembre 1932, Hué, p. 1234.
(22) Commune de Hué, Budget Primitif del’exercice 1938, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1938, p. 62.
(23) Commune de Hué, Budget Primitif del’Exercice 1939, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1939, p. 59.
(24) Bulletin administratif de l’Annam, No17, Hué, 30 septembre 1932, p. 1234.
(25) France coloniale moderne, Les Annales coloniales, No9, 19 janvier 1922, Paris, p. 2.
(26) Commune de Hué, Budget Primitif del’exercice 1938, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1938, p. 62.
(27) Commune de Hué, Budget Primitif del’Exercice 1939, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1939, p. 59.
(28) Bulletin Administratif de l’Annam, No11, 01 juin 1924, Hué, p. 697.
(29) Bulletin Administratif de l’Annam, No11, 01 juin 1924, Hué, p. 697.
(30) Bulletin Économique de l’Indo-Chine, No177, Hanoi, 1926,p. 214.
(31) Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 30 septembre 1932, Hué, p. 1234.
(32) Bulletin Administratif de l’Annam, No2, 15 janvier 1924, Hué, p. 125.
(33) Indochine française, Compte administratif, Impr. d’Extrême-Orient, Hanoï-Haïphong, 1924, p. 92.
(34) Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 01 septembre 1925, Hué, p. 1042.
(35) Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 30 septembre 1932, Hué, p. 1234.
(36) Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 30 septembre 1932, Hué, p. 1234.
(37) Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 30 septembre 1932, Hué, p. 1234.
(38) Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập III, đã dẫn, tr 105.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Brière, “Images du passé”, BAVH, Nos 3-4, juillet-décembre 1939.
- Paul Boudet - André Masson (1931), Iconographie historique de l’Indochine française, Les 
Éditions G. Van Oest, Paris.
- Bulletin Administratif de l’Annam, No2, 15 janvier 1924, Hué.
- Bulletin Administratif de l’Annam, No11, 01 juin 1924, Hué.
- Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 01 septembre 1925, Hué.
- Bulletin Administratif de l’Annam, No17, 30 septembre 1932, Hué.
- Bulletin Économique de l’Indo-Chine, No177, Hanoi, 1926.
- Bulletin Officiel de l’Annam et du Tonkin, No 4, avril 1896, Saïgon.
- Bulletin Officiel de l’Annam et du Tonkin, No10, 1897, Saïgon.
- Chambre des représentants du peuple en Annam, Procès verbaux des séances, Bui-Huy-
Tin & Cie, Hué, 1928.
- Commune de Hué, Budget primitif de l’exercice 1938, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1938.
- Commune de Hué, Budget primitif de l’exercice 1939, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1939.
- H. Délétie, “Ponts, pagodes et pagodons”, BAVH, No2, 1922.
- France coloniale moderne, Les Annales coloniales, No9, 19 janvier 1922, Paris.
- Michel Gabriel, Code judiciaire de l’Indo-Chine, Impr. d’Extrême-Orient, Hanoï-Haïphong, 
1904-1913.
114 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018
- Valérien Groffier, Héros trop oubliés de notre épopée coloniale, Desclée - De Brouwer, Lille, 1908.
- Indochine française, Compte administratif, Impr. d’Extrême-Orient, Hanoï-Haïphong, 1924.
- Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 13, Bản dịch của Viện 
Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Province de Thua-Thien, Budget provincial pour l’exercice, Imprimerie Phuc-Long, Hué, 1936.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Bản dịch của Viện Sử 
học, Tái bản lần thứ hai, Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập III, Tái bản lần thứ hai, Nxb Giáo 
dục, Hà Nội.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập IV, Tái bản lần thứ hai, Nxb Giáo 
dục, Hà Nội.
- Jules Léon Dutreuil de Rhins (1889), Le royaume d’Annam et les Annamites: journal de 
voyage, Librairie Plon, Paris.
- Ville de Hué, Budget municipal pour l’exercice, Impr. de Bui Huy Tin, Hué, 1938.
TÓM TẮT
Trên dòng sông An Cựu ở khu vực nội đô Huế có 6 chiếc cầu bắt qua sông, lần lượt theo 
thứ tự thời gian là cầu An Cựu, cầu Nam Giao, cầu Bến Ngự, cầu Ga, cầu Kho Rèn và cầu Phủ 
Cam. Trừ cầu An Cựu được xây dựng vào năm 1808 dưới thời vua Gia Long, 5 chiếc cầu còn 
lại đều được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, trong khoảng thời gian từ 1897 đến 1924. Tất cả 
những chiếc cầu này đều được sửa chữa hoặc xây dựng lại trên vị trí cũ trong những năm sau 
này, tập trung chủ yếu vào những năm 2009-2012. Cầu mới xây chỉ khoảng trăm năm, và chúng 
đều gắn bó mật thiết với người dân Huế, nhưng hầu như không mấy ai hiểu rõ về lịch sử của 
những chiếc cầu này, ngay cả những thông tin từ sử liệu cũng rất phiến diện và hiếm hoi.
Từ những thông tin rời rạc và tản mạn trong các nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu của người 
Pháp, tác giả bài viết cố gắng phác thảo lịch sử xây dựng 6 chiếc cầu trên sông An Cựu cùng 
những tình tiết liên quan đến cảnh quan đôi bờ trên một đoạn sông chỉ chừng 3 cây số trong lòng 
nội đô Huế, mới chỉ khoảng trăm năm mà tưởng như đã chìm vào dĩ vãng xa xôi.
ABSTRACT
A STORY ABOUT THE BRIDGES OVER AN CỰU RIVER IN THE AREA OF HUE BEFORE 1945
In the inner city of Huế, there are 6 bridges crossing An Cựu River, in the order of time: An 
Cựu, Nam Giao, Bến Ngự, Ga, Kho Rèn and Phủ Cam bridges. Except for An Cựu Bridge, which 
was built in 1808 under the reign of King Gia Long, the remaining five bridges were built under 
French colonial rule, from 1897 to 1924. Those 6 bridges were repaired or rebuilt right at the old 
place in later years, mainly from 2009 to 2012. Those bridges were built for about a hundred 
years, and they are closely attached to Huế’s inhabitants, but hardly anyone knows about their 
history, even the information in historical documents is very ambiguous and rare.
From scattered information in documentary sources, especially the documents of the 
French, the author outline the history of building six bridges on An Cựu River and the details 
related to the landscape along the banks of the 3km - long river, which seems to be far away in 
the past though only 100 years have passed, in the heart of the inner city of Huế.

File đính kèm:

  • pdfchuyen_nhung_chiec_cau_tren_song_an_cuu_o_khu_vuc_hue_truoc.pdf