Chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tộc người Cống và người Si La
Tóm tắt: Y học cổ truyền có tiềm năng to lớn đối với cộng đồng tộc người thiểu số nói chung, hai
tộc người Cống và Si La nói riêng. Ở cộng đồng người Cống và người Si La, nhiều bài thuốc, vị
thuốc cho hiệu quả tốt trong việc phòng và chữa bệnh. Y học cổ truyền tham gia rất tốt vào việc
phòng, chống các bệnh như cúm, sốt xuất huyết, thuỷ đậu. Các cây thuốc nam tiện lợi, sẵn có, dễ
sử dụng, rẻ tiền, ít độc hại, phù hợp với môi trường sống, với hoàn cảnh kinh tế của đồng bào dân
tộc thiểu số. Y học cổ truyền đã đóng góp rất lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ (cho trẻ em, người
già, phụ nữ, đặc biệt là cho người lao động). Hơn nữa, y học cổ truyền đóng vai trò rất lớn trong
việc giao lưu giữa người Cống và Si La với các cộng đồng tộc người khác.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tộc người Cống và người Si La
97 Chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tộc người Cống và người Si La Lê Thị Mùi1 1 Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: lehuongmui@gmail.com Nhận ngày 14 tháng 11 năm 2018. Chấp nhận đăng ngày 10 tháng 12 năm 2018. Tóm tắt: Y học cổ truyền có tiềm năng to lớn đối với cộng đồng tộc người thiểu số nói chung, hai tộc người Cống và Si La nói riêng. Ở cộng đồng người Cống và người Si La, nhiều bài thuốc, vị thuốc cho hiệu quả tốt trong việc phòng và chữa bệnh. Y học cổ truyền tham gia rất tốt vào việc phòng, chống các bệnh như cúm, sốt xuất huyết, thuỷ đậu... Các cây thuốc nam tiện lợi, sẵn có, dễ sử dụng, rẻ tiền, ít độc hại, phù hợp với môi trường sống, với hoàn cảnh kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Y học cổ truyền đã đóng góp rất lớn trong việc chăm sóc sức khoẻ (cho trẻ em, người già, phụ nữ, đặc biệt là cho người lao động). Hơn nữa, y học cổ truyền đóng vai trò rất lớn trong việc giao lưu giữa người Cống và Si La với các cộng đồng tộc người khác. Từ khóa: Tộc người, chăm sóc sức khỏe, người Cống, người Si La. Phân loại ngành: Dân tộc học Abstract: Traditional medicine bears great potential for ethnic minorities in general, and the Cong and the Si La in particular. The two communities possess various medicines which have proven effective in illness prevention and treatment. Specifically, the traditional medicine has been well used in the prevention and control of diseases such as influenza, dengue fever, and chickenpox... The local medicinal plants are convenient to find, easy to use, inexpensive, having fewer side effects, and suitable with the ethnic groups’ living environment and economic situation. The traditional medicine has made great contributions to healthcare for the local people - the children, the elderly, women, and, especially, those who work. Moreover, it has also been playing a very important role in the exchange between the Cong, the Si La and other ethnic communities. Keywords: Ethnicity, healthcare, the Cong, the Si La. Subject classification: Ethnology Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 98 1. Mở đầu Ở Việt Nam, hai tộc người Cống và Si La có dân số ít nhất cả nước, sinh sống chủ yếu ở 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Tỉnh Lai Châu có 20 tộc người sinh sống, trong đó 5 tộc người có dân số rất ít là La Hủ, Lự, Mảng, Cống và Si La, với dân số chỉ hơn 20.000 người mỗi dân tộc, (5 tộc người này chiếm khoảng 5% dân số toàn tỉnh). Hai tộc người Cống và Si La là những cư dân cư trú lâu đời ở hai xã Nậm Khao và Can Hồ của huyện Mường Tè. Cuộc sống của họ chủ yếu gắn liền với sản xuất nông nghiệp và khai thác các sản vật tự nhiên. Các tộc người này có trình độ sản xuất còn khá thấp, đời sống còn phụ thuộc ít nhiều vào điều kiện tự nhiên; trình độ học vấn và khả năng tiếp thu các yếu tố khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc thay đổi điều kiện và môi trường sống khi chuyển sang vùng tái định cư thủy điện Lai Châu đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề lớn đối với cuộc sống của người Cống và Si La, trong đó nổi bật lên là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Do phong tục tập quán và địa hình cư trú xa trung tâm, nên việc chăm sóc sức khỏe của hai tộc người này gặp nhiều khó khăn. Với ý thức truyền thống coi rừng cũng như vườn nhà, khi mắc bệnh, người dân và các thầy lang thường vào rừng lấy cây thuốc về chữa cho bản thân, cho người nhà và người trong dòng họ, cùng những người khác trong cộng đồng cư trú. Trải qua quá trình lâu dài, cây thuốc nam đã ăn sâu vào trí nhớ của không ít người. Ngày nay, do nguồn thuốc trên rừng ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, do quá trình khai thác bừa bãi, nhổ tận gốc, nên nhiều cây thuốc quý hiếm không còn. Thêm vào đó, do địa bàn cư trú là vùng sâu, vùng xa, nên việc tiếp cận với các cơ sở y tế và cơ hội chăm sóc sức khỏe của họ vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết này xem xét thực trạng chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở hai tộc người Cống và Si La sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 2. Chữa bệnh bằng cây thuốc nam Từ xa xưa, đồng bào Cống và Si La đều sinh sống ở vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa. Do nơi đây ít phát triển về y tế, nên y học cổ truyền luôn giữ vai trò chủ đạo và chủ động trong bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Phần lớn các gia đình người Cống và Si La ngày nay đều có thể tự lo chữa trị các bệnh thông thường bằng những cây thuốc nam. Mỗi làng dù to hay nhỏ đều có một số người giỏi nghề thuốc dân gian trực tiếp chữa bệnh cho người dân. Kinh nghiệm từ cuộc sống gắn với rừng, chữa bệnh bằng vỏ cây, lá cây hoặc rễ cây và hoa, quả là kinh nghiệm quý giá có từ lâu đời của các tộc người thiểu số, trong đó có hai tộc người Cống và Si La. Các vị thuốc chữa bệnh khá phong phú, gồm nhiều loại cây từ trong rừng, cạnh sông suối hoặc bên khe nước, thậm chí ở trong vườn nhà (một số những loại thuốc quý hiếm mà không kén đất đã được các thầy lang đem về trồng tại vườn nhà và nhân giống phát triển). Ngoài các vị thuốc bằng vỏ cây, rễ, lá, củ, hoa, quả, người Cống và Si La còn biết sử dụng một số bộ phận có tác dụng chữa bệnh của các loại động vật săn bắt được (như mật rắn, mật và mỡ gấu, mỡ trăn rừng, lưỡi cóc hoặc ếch nhái, mật và lưỡi rái cá, dạ dày nhím hoặc don rừng...). Rết rừng hay ong đất cũng được đem ngâm rượu để uống bồi bổ sức khỏe. Tuy có nhiều vị hoặc nhiều loại thuốc bằng rễ lá cây, củ quả khác nhau, nhưng về mặt công Lê Thị Mùi 99 dụng, có 2 nhóm chính là thuốc bổ dưỡng để phòng bệnh hoặc làm cho sức khỏe chóng hồi phục sau khi bệnh khỏi (dùng cho người già, trẻ em, sản phụ) và thuốc chữa bệnh. Hai tộc người Cống và Si La đều tin tưởng vào tác dụng của thuốc nam. Theo đó, nếu bị các bệnh nhẹ thì có thể tự chữa trị tại nhà được, nhờ người già trong gia đình và dòng họ lấy thuốc cho hoặc do thầy lang bốc thuốc. Chỉ khi mắc các bệnh nặng không rõ nguyên nhân, nhất là lúc cần cấp cứu, họ mới đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc trạm y tế xã để điều trị bằng thuốc tây y. Chữa bệnh bằng thuốc nam là hình thức chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện từ lâu đời, được thực hiện từ ngay trong gia đình và dòng họ mỗi khi có người bị ốm đau. Những người già trong nhà và trong dòng họ chí ít cũng đều biết sử dụng các cây thuốc phổ biến để chữa trị những bệnh thông thường hay gặp trong cuộc sống như đứt tay chân, bị bỏng nhẹ, đau răng, đau bụng đi ngoài hoặc đau bụng khan, dị ứng ở da, trẻ bị cảm sốt hoặc ho khan, người già hoặc người phụ nữ cần bồi bổ sức khỏe sau sinh nở. Nếu người trong nhà bị bệnh mà không ai biết cây thuốc, thì chủ gia đình đó phải trực tiếp đi hỏi người già trong dòng họ, thậm chí hỏi người hàng xóm thân thiết để cứu chữa. Trong những trường hợp bất khả kháng (tức người trong gia đình và trong dòng họ không thể cứu chữa được, hoặc chữa mãi bệnh vẫn không khỏi hẳn), thì họ mới tìm đến thầy lang có tiếng tăm trong bản hoặc trong vùng. Các thầy lang đó, với danh nghĩa gia truyền và có kinh nghiệm chữa trị một số loại bệnh mà ít người biết cách chữa, nhất là các bệnh mạn tính, bệnh người cao tuổi hoặc trẻ em, hay những chấn thương nặng mà nhiều người ở miền núi do lao động hoặc đi rừng mắc phải. Người Cống và người Si La hiện nay thường phân biệt thầy lang (biết cắt thuốc nam chữa trị bệnh) với cán bộ y tế, do họ dùng hai loại thuốc khác nhau - đông y và tây y. Ngoài hình thức sử dụng thuốc lá, rễ cây hoặc củ quả để đắp trực tiếp vào chỗ bị đau, (hoặc sử dụng thuốc đun sôi với nước để uống chữa bệnh), người dân và các thầy lang còn lấy một số loại cây thuốc đun với nước để tắm rửa, ngâm kết hợp xoa vào chỗ đau, thậm chí xông hơi (để chữa các bệnh ngoài da, cảm cúm, đau nhức đầu, giải tỏa cơ thể đang mệt mỏi sau một ngày lao động...). Người Cống và người Si La rất ít áp dụng các hình thức tác động trực tiếp bằng ngoại lực vào cơ thể con người để cứu chữa bệnh (chẳng hạn như việc bấm huyệt, xoa bóp không dùng thuốc, châm cứu). Một số loại bệnh (nhất là bệnh không rõ nguyên nhân) vẫn được người Cống và Si La chữa trị bằng cách cúng bái, do xuất phát từ quan niệm cho rằng con người ốm đau là do các loại ma đói, ma rừng, ma sông suối hoặc ma tổ tiên gây ra. Việc cúng bái chữa bệnh hiện nay vẫn đang tồn tại ở cả hai tộc người này, mặc dù đã không còn nhiều so với trước kia. Không ít thầy cúng, có uy tín trong dòng họ hoặc cộng đồng làng bản, vẫn có “đất dụng võ”. Một số bệnh chữa trị bằng thuốc nam thường được thầy lang bốc thuốc chữa khỏi (như: đau dạ dày, sỏi thận, xương khớp, gút, gan, phổi, phụ nữ thiếu máu, hậu sản, người mệt mỏi ốm yếu, sốt dịch). Ngoài ra, các thầy lang còn có thể lấy được các loại lá hoặc rễ cây để chữa ung nhọt, gãy chân hoặc tay, bong gân, chấn thương do dao hoặc búa chém, gãy xương, giập xương, rắn cắn, hạch nách, dị ứng cây sơn. Để chữa những bệnh mạn tính hoặc bệnh nặng, các thầy lang kết hợp một số loại cây thuốc nam với nhau thành một bài thuốc nhất định với liều lượng thích hợp và phải sử dụng trong một thời gian nhất định (đây Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 100 chính là bí quyết của mỗi thầy lang). Bí quyết này thường được họ giữ kín, không cho người khác biết, kể cả người trong gia đình và trong dòng họ. Chỉ người được thầy lang tin tưởng và có ý định truyền nghề cho thì mới biết do dần dần được thầy lang mách bảo (theo từng giai đoạn, để xem người học trò đó có khả năng theo nghề không, đặc biệt là có phản lại người thầy lang hay không). Tiếp cận những bài thuốc có giá trị hoặc có nguy cơ thất truyền của các thầy lang hai tộc người này (đặc biệt là thầy lang người Cống), bảo tồn những cây thuốc quý hiếm cũng như cách sử dụng và kết hợp các cây thuốc đó thành một bài thuốc chữa trị bệnh tật, là vấn đề khó. Nhìn chung, nhiều cây thuốc nam khá phổ biến đối với đồng bào Cống và Si La (không nhất thiết chỉ thầy lang mới biết, mà phần lớn người chủ gia đình và người già trong thôn bản đều biết sử dụng để tự cứu chữa kịp thời khi trong nhà hoặc trong dòng họ có người bị ốm đau). Cùng một loại bệnh, chẳng hạn như bị đau bụng, bị chảy máu khi chấn thương, đau nhức xương, đều có thể có không ít loại cây thuốc để chữa trị. Do đó, có người không biết cây này thì lại biết cây khác để cứu chữa bệnh cùng loại. Riêng thầy lang chuyên về cây thuốc thì biết những cây thuốc quý và hiếm, đồng thời có kinh nghiệm cứu chữa những bệnh mạn tính đã được gia đình hoặc dòng họ, thậm chí được bệnh viện chữa trị, nhưng không khỏi hẳn. Vì vậy, trong các bản làng của người Cống và Si La đều có không ít người từ dưới xuôi lên mua một số cây thuốc (trong đó phổ biến là cây máu chó). Với cây máu chó, một người mỗi lần đi vào rừng có thể lấy được khoảng từ 2-3kg loại khô, (họ thông thường lấy tiền làm lý thôi, 1kg có thể được 200.000 đồng, có lúc được 300.000 đồng, cũng có lúc được 500.000 đồng). Thân cây máu chó bằng dây mà người dân ở đây đi kiếm về bán cho doanh nghiệp có giá bình quân 200.000 đồng/kg. Mỗi ngày mỗi người cũng chỉ có thể tìm kiếm được khoảng 1kg cây thuốc này. 3. Thầy lang chữa bệnh Ngày nay, hệ thống y tế đã xuống tận thôn bản, do vậy, tộc người Cống và Si La cũng như những dân tộc thiểu số khác được hưởng chế độ bảo hiểm y tế của Nhà nước. Đặc biệt là, hai tộc người này có dân số ít, nằm trong số các tộc người được khám và chữa bệnh miễn phí, nên đối với những bệnh nặng hoặc phải cấp cứu thì người dân chủ yếu tới các trạm y tế để khám chữa bệnh và chữa trị bằng thuốc tân dược. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nam chữa bệnh vẫn được người dân duy trì, nhất là đối với những bệnh mà họ cho rằng chữa bằng thuốc tây y sẽ không khỏi, hoặc lâu khỏi hơn so với chữa bằng thuốc nam (chẳng hạn như các bệnh mạn tính: bệnh gan, thận, dạ dày, phong thấp). Việc sử dụng thuốc nam chữa bệnh của người Cống và Si La tuy chưa phổ biến như người Thái và một số tộc người thiểu số khác trong vùng, nhưng cũng có những nét riêng mang đậm bản sắc của hai tộc người này. Theo đó, ở các địa bàn xa trung tâm y tế xã hoặc bệnh viện huyện thì vai trò của các thầy lang, các lương y cứu chữa bệnh gia truyền là một thế mạnh, có nhiều tiện lợi đối với mọi người dân. Với quan hệ tình làng nghĩa xóm, những năm trước đây, thầy lang người Cống hoặc người Si La chữa bệnh cứu người chủ yếu mang ý nghĩa nhân đạo và làm phúc, giá trị thu về không đáng kể so với công sức đã bỏ ra. Các thầy lang về y học cổ truyền đều khám chữa bệnh cho người bệnh một cách chân tình và thường Lê Thị Mùi 101 không lấy tiền, chỉ khi nào khỏi bệnh, nếu có tình cảm người bệnh mới mang đồ lễ đến cám ơn (đồ lễ thường là một con gà, chai rượu, một miếng vải của người Thái và tiền khoảng vài chục ngàn đồng). Ngày nay dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường, thầy lang của hầu hết các tộc người, trong đó có hai tộc người Cống và Si La, đều đã lấy tiền khi bệnh nhân đến lấy thuốc chữa bệnh. Do vậy, nguồn thu từ việc lấy thuốc nam chữa bệnh chí ít cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, nguồn thu đó chưa nhiều so với nguồn thu của thầy lang ở một số tộc người khác (do chưa phát triển việc buôn bán các loại thuốc nam tìm kiếm được). Tùy theo từng loại bệnh khác nhau mà mỗi thang thuốc do các thầy lang người Cống và Si La tìm kiếm được cũng có giá cả tăng dần từ 30.000 - 200.000 đồng vào thời điểm năm 2017-2018. Thông thường, khi có bệnh nhân đến khám chữa bệnh, thầy lang chỉ cắt đủ 3 thang thuốc nam, với giá 50.000 đồng/bát hoặc từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/3 thang cho cả lộ trình điều trị. Trường hợp gần khỏi bệnh, nếu thấy cần chữa trị thêm cho ổn định thì bệnh nhân sẽ quay lại gặp thầy lang cắt tiếp hoặc gửi tiền cho thầy lang chuyển thuốc cho, trường hợp không khỏi thì không cần quay lại gặp thầy lang nữa. Có thể nói, cây thuốc nam và việc chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền ở vùng người Cống và Si La hiện nay đã từng bước trở thành hàng hóa, tạo ra thu nhập thêm cho gia đình thầy lang. Một số thầy lang đã gửi thuốc nam cho một số bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành phố dưới xuôi, với giá cả do hai bên thỏa thuận. Ngoài các loại thuốc nam dùng để điều trị bệnh, các thầy lang còn sử dụng những bài thuốc bằng lá, rễ cây hoặc những bộ phận của động vật để bồi bổ sức khoẻ cho những người bị suy nhược cơ thể hoặc phục hồi thể chất cho phụ nữ sau khi sinh nở. Những bài thuốc đó nhiều khi rất hiệu nghiệm. Tăng cường phát triển mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho người dân ở cộng đồng thôn bản hoặc kết hợp với các cơ sở y tế tuyến xã chắc chắn sẽ góp phần giảm được sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, đồng thời góp phần khám chữa bệnh cho người nghèo và giảm viện phí cho đồng bào. Theo người Cống và Si La thì những cây thuốc quý và hiếm thường mọc trong các khu rừng già, nơi có đất phù hợp, có núi đá, ven rìa khe suối nước chảy, hoặc trên các cây to cao. Những loại cây thuốc này dù có mang về trồng trong vườn nhà cũng khó sống được do không hợp điều kiện đất đai, môi trường khí hậu. Mỗi lần đi lấy thuốc trên rừng, người Cống và Si La thường mất cả ngày, đi từ rất sớm, về muộn, do phải đi xa nhà, có khi đi tới hàng chục km. Dụng cụ mang theo mỗi khi đi vào rừng lấy cây thuốc thường là dao quắm, thuổng, cuốc, bao dứa to, túi sung to, một số đồ vật khác để làm lý khi lấy cây thuốc. Cây thuốc tùy theo từng loại mà có thể được lấy toàn bộ hoặc chỉ lấy một số bộ phận (như thân, lá, rễ, vỏ). Khi mang cây thuốc về đến nhà, họ rửa qua nước lã, rồi sử dụng chữa bệnh ngay khi thuốc còn tươi, hoặc sơ chế để bảo quản dùng dần. Việc đi lấy cây thuốc cần phải tuân thủ cách làm lý tại chỗ, cũng như tuân thủ một số điều kiêng kỵ (về thời gian đi, mùa khai thác, hoặc phải giữ kín không để cho ai biết). Theo lời kể của một số thầy lang hai tộc người Cống và Si La, chỉ khi nào có người quen biết gọi qua điện thoại hoặc người bệnh trực tiếp đến nhờ lấy thuốc nam, thì họ mới đi vào rừng tìm kiếm thuốc. Họ thường đi vào khoảng từ tờ mờ sáng và từ 2 giờ chiều, tránh mặt trời lúc đi lên rừng, và lấy cây thuốc vào lúc mặt trời lên đến khi Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 102 mặt trời lặn. Do đường sá xa xôi, từ nhà đến rừng dù có lấy một loại thuốc điều trị một loại bệnh thì vẫn phải đi hết thời gian khoảng một ngày. Thời gian đi ra khỏi nhà phải từ sáng sớm (để khi lên đến rừng cũng là lúc mặt trời lên mà bắt đầu tìm kiếm và lấy cây thuốc) và phải lấy xong trước khi mặt trời lặn. Khi vào rừng, gặp cây thuốc đầu tiên, họ phải có lễ làm lý để xin lấy cây thuốc về chữa trị bệnh cho chóng khỏi. Lễ vật gồm có 1 sợi chỉ và 2 hào bạc trắng cùng 1 mảnh vải nhỏ gấp vào. Thầy lang để 3 thứ này dưới gốc cây thuốc để cầu xin thần cây cối, thần đất, thần quản lý quả đồi, thần sông suối nơi có cây thuốc. Trong trường hợp cây thuốc mọc ở gần nhà, bệnh nhân ở cùng bản hoặc ở gần, thì thầy lang không cần phải lấy thuốc để dự phòng trước, tức có thể dùng thuốc tươi mà không phải trải qua chế biến khô. Họ chỉ lấy thuốc dự phòng khi cần loại cây thuốc mọc ở xa nhà và người bệnh cũng ở xa, vì người bệnh cần lấy thuốc đã được chế biến qua các khâu làm sạch, chặt nhỏ, phơi khô, sấy khô trên gác bếp để dùng dần. Khi lấy thuốc các thầy lang thường chặt lấy một đoạn thân cây khoảng 20cm tính từ mặt đất lên. Các cây thuốc khác được lấy sau đó có cả rễ. Ít người quan tâm đến việc đâm lại thân cây thuốc xuống đất hoặc để một vài rễ gốc cho cây thuốc mọc lại. Chính vì cách khai thác như vậy nên nguồn cây thuốc quý khó được tái tạo, nhanh chóng bị cạn kiệt. Một số cây thuốc phải lấy theo mùa vì chúng chỉ mọc và phát triển vào mùa xuân hoặc mùa đông. Khi đi lấy thuốc nam, họ có tập quán kiêng kỵ. Chẳng hạn, họ không cho người ngoài đi theo, chỉ đi một mình, đi một cách chủ động và dứt khoát; nếu trên đường đi lấy thuốc mà gặp đàn bà bất kể già trẻ, (nhất là gặp đàn bà đang mang thai) thì phải quay về nhà ngay, nhất thiết không đi lấy thuốc nữa. Bên cạnh đó, khi đi vào rừng lấy thuốc cũng phải tuyệt đối không cho ai biết, không được nói chuyện với ai. Ví dụ, đang trên đường đi lấy thuốc mà có người hỏi mình đi đâu thì tuyệt đối không được trả lời, không được đáp lại, giả vờ không hay biết mà cứ lẳng lặng bước đi, nếu trả lời hay đáp lại thì không đi lấy thuốc nữa, bởi vì họ tin rằng nếu có lấy được thuốc chữa bệnh thì chữa sẽ không hiệu nghiệm. Ngoài ra, đề phòng trường hợp người bệnh nhân nào đó được chữa khỏi bệnh mà phản chủ, tức tự ý tìm lấy hoặc mách cho người khác áp dụng loại thuốc đó để chữa trị cho người bệnh, thì người chủ cây thuốc và bài thuốc phải chặt lấy ngọn của loại cây thuốc ấy cắm xuống đất, nhằm làm cho bài thuốc mà bị bệnh nhân ăn cắp hoặc mách cho người khác dùng sẽ mất tác dụng, không hiệu nghiệm. 4. Kết luận Thuốc nam rất hữu ích đối với người dân ở miền núi nói chung, đối với người Cống và người Si La ở Lai Châu nói riêng, bởi lẽ thuốc nam là loại dễ kiếm, giá thành rẻ và hầu hết các gia đình đều biết sử dụng những cây thuốc thông thường để chữa trị các loại bệnh nhẹ. Nếu người ở làng trên xóm dưới cần tìm kiếm thuốc nam cho nhau thì họ không lấy tiền, chủ yếu là trợ giúp và làm phúc chứ không thu tiền, dù đi xa bao nhiêu cây số họ vẫn đi lấy giúp nhau. Hiện nay, nếu cần thuốc nam thường phải có tiền để mua, song cũng không tốn kém lắm (chỉ mất vài ba chục nghìn đồng cho một thang, liều dùng đối với một đợt chữa trị thường hết khoảng 200 nghìn đồng). Đối với những cây thuốc dùng để chữa bệnh thông thường thì khi đi rừng hầu hết mọi người đều chú ý hái lấy để dùng dần. Lê Thị Mùi 103 Phần nhiều các thuốc nam không phải để chữa trị bệnh khỏi dứt điểm, mà chỉ để bổ trợ, nhất là để bồi bổ sức khỏe, để tăng sức đề kháng. Một số bệnh có thể nhờ chữa trị bằng thuốc nam mà khỏi là các bệnh do chấn thương, bệnh dạ dày, thận, xương khớp, da liễu. Bảo tồn cây thuốc nam và những bài thuốc nam là điều cần thiết. Bởi vì ở người Cống và người Si La, không phải ai cũng được truyền nghề thuốc nam, mà thầy lang thường xem ai có tâm thì mới truyền cho. Có gia đình, người mẹ rất có kinh nghiệm lấy thuốc nam chữa bệnh, nhưng con cái chẳng ai học được. Nhiều người dân và thầy thuốc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, thuốc nam của các tộc người thiểu số ở miền núi, nhất là nơi vùng sâu vùng xa, có những ưu điểm không thể phủ nhận (như rẻ tiền, ít độc hại, chữa bệnh cũng có hiệu quả rất tốt, đặc biệt là khi được những thầy lang có uy tín và kinh nghiệm trực tiếp sử dụng và cứu chữa cho người bệnh). Việc chữa bệnh bằng thuốc nam đã và đang góp phần làm giảm chi phí trong việc chữa bệnh, giúp giảm tải và giảm thời gian nằm điều trị tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển cây thuốc nam còn góp phần tạo ra công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho một số người dân, góp phần huy động các nguồn lực cho việc phòng chống và khám chữa bệnh. Ngoài ra, việc khai thác cây thuốc nam không ảnh hưởng đến môi trường rừng, bởi vì các cây thuốc sống ở những chỗ ẩm thấp trong rừng, những cây được lấy cả rễ thường nhỏ, còn những cây lấy vỏ hoặc thân thì lại khá to, sau khi chặt lấy các bộ phận để làm thuốc vẫn có thể tiếp tục phát triển. Nếu các cây thuốc bị hết mất, thì điều đó là do rừng bị tàn phá và bị thu hẹp, không còn rừng già, chứ không phải là do bà con lấy nhiều thuốc. Không ít cây thuốc nam sau khi bị chặt thì lại hồi sinh từ rễ. Trái cây rụng xuống cũng nảy nở sinh cây mới. Hiện nay, mỗi khi có người ốm đau cần chữa bệnh, đồng bào Cống và Si La vẫn thường kết hợp cả đông tây y và cúng lễ. Theo họ, cúng bái là giải quyết về vấn đề tâm linh, vấn đề tinh thần và tâm lý chứ không phải cúng để khỏi bệnh. Những người biết nhiều loại thuốc nam thường là những người làm phúc nên theo suy nghĩ của đồng bào, họ hay được phúc. Họ không phải là gia đình giàu nhưng cũng không quá nghèo. Họ bốc thuốc nam chữa bệnh không phải với mục đích chính là kiếm tiền, mà chủ yếu để làm phúc cho người khác. Do vậy, họ ít quan tâm đến việc nhân rộng và phát triển các cây thuốc. Để phát huy vai trò của việc chữa bệnh bằng thuốc nam, cần khuyến khích các thầy lang ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn các cây thuốc nam quý hiếm trong vùng; trước mắt, cần động viên và hỗ trợ các thầy lang để nâng cao nhận thức của họ về vấn đề này, vì có những cây chỉ sống trong những khu rừng già, tức không phải chỗ nào cũng trồng được. Mỗi xã thuộc vùng hai tộc người Cống và Si La sinh sống nên có dự án hoặc thành lập hội những người bảo tồn các cây thuốc quý hiếm và những bài thuốc nam dân gian (do hội đông y hoặc trạm y tế xã đảm nhiệm). Các cây thuốc quý ở mỗi địa phương cần được bảo tồn một cách có hiệu quả. Phải ghi chép rõ đó là những cây thuốc gì, chữa được bệnh gì, cách chữa như thế nào, nếu không thì những tri thức đó sẽ bị mai một, do các thầy lang có kinh nghiệm và uy tín hiện nay đã lớn tuổi. Y học cổ truyền ở vùng các tộc người thiểu số nói chung, ở vùng đồng bào Cống và Si La tỉnh Lai Châu nói riêng, đã chuyển mình dần sang cơ chế thị trường, theo đó thuốc nam đã phần nào trở thành hàng hóa Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 - 2019 104 có giá trị. Khi cắt thuốc chữa bệnh, thầy lang đã lấy tiền của những bệnh nhân không phải là người thân thiết để trang trải các chi phí và bù đắp công sức đi vào rừng tìm kiếm cây thuốc. Nhờ đó, họ có thêm chút tiền để phục vụ cuộc sống. Họ không phải và cũng không thể dựa vào cắt thuốc chữa bệnh để làm giàu. Sở dĩ như vậy một phần là do những năm gần đây, rừng bị tàn phá nặng nề, cây thuốc trên rừng bị khai thác bừa bãi, ngày càng trở nên khan hiếm. Mặt khác, giá thuốc nam hiện cũng đang tăng dần. Những cây thuốc nam (trong đó có các loại cây thuốc quý hiếm mà các thầy lang cũng như đại đa số người dân dùng để chữa trị bệnh, bồi bổ sức khỏe, phòng chống bệnh tật) của hai tộc người Cống và Si La ở tỉnh Lai Châu luôn mang nét đặc trưng văn hóa tộc người. Tuy nhiên, cho đến nay việc chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở hai tộc người này vẫn chưa được nghiên cứu bài bản. Địa phương vẫn chưa có những giải pháp cụ thể và phù hợp để phát huy vai trò của y học cổ truyền trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tài liệu tham khảo [1] Bùi Thế Cường (2002), “Sức khỏe và y tế ở vùng dân tộc thiểu số”, Phát triển bền vững miền núi Việt Nam: 10 năm nhìn lại và những vấn đề đặt ra, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. [2] Khổng Diễn (Chủ biên) (2001), Dân tộc Si La ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [3] Nguyễn Bảo Đồng (2008), Các giá trị y học cổ truyền của người Dao ở vùng Đông Bắc Việt Nam trong xã hội đương đại, Báo cáo đề tài cấp Viện năm 2007-2008, Viện Dân tộc học, Hà Nội. [4] Nguyễn Bảo Đồng (2010), “Y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe của người Thái vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (Qua nghiên cứu tại hai xã Chiềng Lao và Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La)”, Tạp chí Dân tộc học, số 1. [5] Phạm Huy (2008), Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân tộc Cống, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lai Châu, Lai Châu. [6] Đoàn Kim Thắng (2007), “Sức khỏe và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”, Tạp chí Dân tộc học, số 4. [7] Lý Hành Sơn (2018), “Đôi nét về quan niệm và thực hành chữa bệnh mang tính tín ngưỡng của người Cống và Si La ở tỉnh Lai Châu”, Tạp chí Dân tộc học, số 2. [8] Sở Y tế Lai Châu (2017), Báo cáo sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017, Lai Châu. [9] Trạm y tế xã Nậm Khao (2017), Báo cáo Tổng kết kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch hoạt động năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2018, Lai Châu. [10] Trung tâm y tế huyện Nậm Nhùn (2017), Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác y tế năm 2016, Lai Châu. [11] Trung tâm y tế Nậm Nhùn (2017), Báo cáo kết quả thực hiện dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2014-2017, Lai Châu. [12] Ủy ban nhân dân xã Nậm Khao (2017), Báo cáo Kết quả thực hiện các chương trình chính sách, theo Quyết định số 1672, Quyết định số 755/QĐ-TTg trên địa bàn xã Nậm Khao, Lai Châu. [13] Ủy ban nhân dân huyện Mường Tè (2017), Đề án Hỗ trợ, phát triển dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2025, Lai Châu.
File đính kèm:
- chua_benh_bang_y_hoc_co_truyen_o_toc_nguoi_cong_va_nguoi_si.pdf