Chính sách đối với tăng sĩ thời Minh Mạng

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI

TĂNG SĨ THỜI MINH MẠNG

Tóm tắt: Để quản lý Phật giáo, Minh Mạng đã có những chính

sách cụ thể đối với đội ngũ tăng sĩ, lực lượng có vai trò quyết định

trong truyền bá và phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Bài viết làm rõ

ứng xử của Minh Mạng đối với tu sĩ Phật giáo, cả mặt ưu điểm lẫn

mặt hạn chế. Đây là những điểm tham chiếu cần thiết cho công tác

quản lý tu sĩ Phật giáo Việt Nam hiện nay.

pdf 12 trang phuongnguyen 2000
Bạn đang xem tài liệu "Chính sách đối với tăng sĩ thời Minh Mạng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chính sách đối với tăng sĩ thời Minh Mạng

Chính sách đối với tăng sĩ thời Minh Mạng
50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
NGUYỄN DUY PHƯƠNG* 
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI 
TĂNG SĨ THỜI MINH MẠNG 
Tóm tắt: Để quản lý Phật giáo, Minh Mạng đã có những chính 
sách cụ thể đối với đội ngũ tăng sĩ, lực lượng có vai trò quyết định 
trong truyền bá và phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Bài viết làm rõ 
ứng xử của Minh Mạng đối với tu sĩ Phật giáo, cả mặt ưu điểm lẫn 
mặt hạn chế. Đây là những điểm tham chiếu cần thiết cho công tác 
quản lý tu sĩ Phật giáo Việt Nam hiện nay. 
Từ khóa: Chính sách, Minh Mạng, Phật giáo, tăng sĩ. 
1. Đặt vấn đề 
Tăng sĩ là lực lượng có vai trò quyết định trong truyền bá và phát triển 
Phật giáo. Do vậy, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp cầm quyền 
cũng quản lý và khai thác đội ngũ này theo hướng có lợi nhất thông qua 
các quy định của Nhà nước. Với mong muốn phát triển Phật giáo, Minh 
Mạng đã rất quan tâm đến giới tăng sĩ với nhiều chính sách tích cực. Đây 
được xem là khuôn mẫu cho thái độ ứng xử của cả triều Nguyễn trong 
suốt thế kỷ XIX đối với tầng lớp xã hội đặc biệt này. 
2. Ứng xử của Minh Mạng đối với tu sĩ Phật giáo 
2.1. Việc phân bổ, điều chuyển tăng sĩ 
Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, nhân sự của các tự viện đều do 
sơn môn, trụ trì, ban hộ tự quyết định. Nhưng dưới thời Minh Mạng, từ 
chức sắc cho đến tăng chúng, phục dịch của hầu hết tự viện lớn, đặc biệt là 
quốc tự, đều chịu sự quản lý, điều phối của triều đình. Điều này đúng như 
nhận định của A. Sallet: “Cách phân phối các thầy tu đến với các chùa 
không lệ thuộc vào ý muốn riêng tư mà vào quy tắc trong các sắc lệnh của 
triều đình. Cấp bậc và danh hiệu của các thầy tu cũng như vậy”1. 
Nhân sự một số chùa lớn được triều đình bổ dụng như sau: “Chùa 
Thiên Mụ 1 tăng cang, 30 tăng chúng; chùa Long Quang 1 trụ trì 10 tăng 
chúng; chùa Thánh Duyên 1 trụ trì, 9 tăng chúng, 2 đạo đồng; chùa Linh 
*
 ThS., Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. 
Nguyễn Duy Phương. Chính sách đối với Tăng sĩ 51 
Hựu 1 trụ trì, 10 tăng chúng; chùa Giác Hoàng 1 trụ trì, 15 tăng chúng; 
chùa Diệu Đế 1 tăng cang, 1 trụ trì, 20 tăng chúng; chùa Khải Tường 1 
trụ trì, 10 tăng chúng”2. 
Tăng sĩ giữa các chùa cũng thường xuyên được triều đình phân bổ, 
luân chuyển không chỉ trong phạm vi một địa phương, mà còn ở những 
vùng miền rất xa, chẳng hạn từ Miền Nam ra Miền Trung và ngược lại. 
Sách Ngũ Hành Sơn lục có chép về việc triều đình lựa chọn và cắt đặt các 
vị danh tăng ở kinh đô về làm trụ trì và làm tăng chúng các chùa Tam 
Thai và Ứng Chân ở Quảng Nam: “Minh Mạng năm thứ 7, khâm phụng 
chỉ chuẩn cho hai vị đại sư là Trần Văn Trừng (Viên Trừng) Nguyễn Văn 
Như (Chân Như) và bốn tăng chúng là Nguyễn Văn Khánh, Kiều Văn Bảo, 
Vũ Văn Niên, Phan Văn Định ở hai chùa Thiên Mụ, Long Quang ở kinh 
thành, cấp bằng về Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam. Ngự chế hai vị đại sư 
làm trụ trì hai chùa Tam Thai, Ứng Chân, đặt 4 vị tăng chúng làm 4 đại sư ở 
các chùa”3. Hoặc: “Năm thứ 20, sắc chuẩn cho nhà sư ở chùa Ấn Tôn là 
Nguyễn Văn Nghĩa nay bổ về trụ trì chùa Thiên Mụ”4. 
Số lượng, nguồn gốc việc điều chuyển sái phu, cấm binh đến làm việc 
ở các chùa cũng được triều đình quy định rõ ràng. Những người này 
thường được lấy từ dân sở tại phục vụ chùa theo nghĩa vụ lao dịch, được 
miễn đi lính. Ngoài ra, một số chùa có hành cung của vua như chùa 
Thánh Duyên còn có binh lính của triều đình đến canh giữ. 
“Minh Mạng năm thứ nhất (1820), nghị được chuẩn: mộ lấy 30 dân 
ngoài bổ sung làm sái phu ở chùa Kim Cương thuộc Gia Định”. 
“Minh Mạng năm thứ hai (1821), nghị được chuẩn: mộ lấy 10 dân 
ngoài bổ sung làm sái phu chùa Pháp Vũ ở hạt ấy; lại nghị được chuẩn: 
vốn là dân tám xã canh giữ chùa Thiên Mụ (lệ 30 người) nay chiếu theo 
lệ cũ, chiêu mộ dân xã An Ninh ở gần đây sung vào giữ thay, còn dân 
tám xã thì rút về. 
Minh Mạng năm thứ tám (1827), nghị được chuẩn: điều cấp ba dân sở 
tại làm tự phu ở chùa Long Phước (Quảng Trị). 
Minh Mạng năm thứ 17 (1836), ban dụ rằng: Chùa Tháp núi Thúy 
Vân, xây dựng đã xong vậy cho phái 20 vũ lâm, cấm binh chia nhau coi 
giữ, mỗi tháng thay đổi một lần. Hằng năm, từ ngày mồng 1 tháng 2 đến 
cuối tháng 7 làm thêm hành dinh để phòng khi vua đến chơi, cho phái 
thêm một viên suất đội, 20 biền binh để coi giữ. 
52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
Minh Mạng năm thứ 18 (1837) nghị được chuẩn: tự phu ở chùa Khải 
Tường thuộc Gia Định nên trích lấy 10 người ở chùa Kim Cương sung 
vào. Còn chùa Kim Cương vẫn để 20 người. Tự phu của hai chùa Tam 
Thai, Châu Ứng ở Quảng Nam 31 người, sái phu của chùa Hoàng Ân ở 
Hà Nội 2 người, tự phu của chùa Linh Hựu ở Định Tường 15 người”5. 
2.2. Việc phong chức Tăng cang 
Thông thường, đứng đầu các chùa là vị trụ trì. Nhưng từ thời Minh 
Mạng, trong một số quốc tự, Tăng cang mới là chức sắc cao nhất. Nếu 
thời Gia Long, chỉ có sư Mật Hoằng được triều đình bổ nhiệm chức Tăng 
cang cai quản tăng chúng quốc tự Thiên Mụ, thì đến thời Minh Mạng, 
nhiều tăng sĩ đã nhận được vinh dự này: sư Hải Tịnh (chùa Thiên Mụ), sư 
Bổn Giác (chùa Thiên Mụ), sư Nhất Định (chùa/ quán Linh Hựu, chùa 
Giác Hoàng), sư Tánh Thông (chùa Bát Nhã, Phú Yên), sư Viên Thường 
(chùa Long Quang), sư Trọng Nghĩa (chùa Thiên Mụ), v.v Chính nhà 
vua tuyển chọn và bổ nhiệm Tăng cang cho các chùa với những tiêu 
chuẩn khắt khe về Phật học lẫn phẩm hạnh. Đoạn chỉ dụ sau đây phần 
nào phản ánh điều đó: “Minh Mạng năm thứ 16 (1835): lại dụ Bộ Lễ cấp 
cho hai người trụ trì chùa Thiên Mụ và quán Linh Hựu, mỗi người một 
văn bằng Tăng cang. Ngoài ra, nếu có sư nào đức hạnh thanh cao, đạo 
pháp linh diệu, cứu người chữa bệnh thì cũng cấp (văn bằng ấy) cho để 
coi quản tất cả tăng đồ và đạo lưu, bảo nhau làm điều thiện, không được 
vượt ngoài pháp chế mắc vào luật cấm Lại chỉ: trụ trì chùa Long 
Quang là Nguyễn Văn Thường, xuất gia từ tuổi nhỏ, giới luật giữ được 
tốt, chuẩn cho chiểu cấp một đạo Tăng cang văn bằng”6. 
 Các Tăng cang phải theo sự điều động của triều đình cư trú, tu tập và 
hành đạo tại quốc tự, dù trước đó, họ trụ trì một ngôi chùa nào đó rồi. 
Chẳng hạn, sư Bổn Giác đang trụ trì chùa Từ Ân (Gia Định). Nhưng sau 
khi sư Liên Hoa về Nam, Minh Mạng đã triệu sư Bổn Giác làm Tăng 
cang chùa Thiên Mụ, giao chức trụ trì chùa này lại cho sư Chánh Trực. 
Nhưng có một trường hợp đặc biệt, sư Giác Ngộ (chùa Bát Nhã, Phú 
Yên) được phong Tăng cang từ chối sự phân bổ của triều đình, vẫn được 
ở lại tự viện của mình: “Ngày 18 tháng 10 năm Minh Mạng 21 (1840), 
thần Phan Huy Thực, thần Phan Bá Đa phụng thượng dụ: Lần này về 
kinh có Nguyễn Giác Ngộ, trụ trì chùa Long Sơn Bát Nhã là người tĩnh 
tâm tu luyện, tịch cố đã hơn 40 năm, khổ hạnh cao phong như thế thật là 
quý hóa. Truyền cấp cho một văn bằng Tăng cang và gia ân thưởng cho 
Nguyễn Duy Phương. Chính sách đối với Tăng sĩ 53 
20 lạng bạc, trang phục, áo quần vải màu mỗi thứ 5 bộ, cho trạm dịch đưa 
về chùa cũ trụ trì. Trên lộ trình đi qua các hạt phải phái người hộ tống để 
đường đi được an toàn tốt đẹp”7. 
Tăng cang có nhiệm vụ cai quản tăng chúng, tổ chức các hoạt động 
Phật sự, thực hiện các nghi lễ, giảng đạo cho vua và hoàng tộc. Mọi việc 
xây dựng, sửa chữa chùa chiền, đúc chuông, tô tượng trong quốc tự đều 
do triều đình quyết định. Họ cũng không được truyền chùa cho đệ tử và 
không được xây tháp mộ. Do vậy, các quốc tự Linh Hựu, Giác Hoàng, 
Thiên Mụ ở kinh đô Huế không hề có tháp mộ8. Sỡ dĩ như vậy là vì, Tăng 
cang là chức vụ mà triều đình giao phó, đơn thuần là một chức quan nhà 
nước được trả lương. Sau thời gian làm Tăng cang tại các chùa do triều 
đình chỉ định, họ thường về lại chùa nơi mình từng xuất gia, sinh hoạt và 
chọn mảnh đất yên nghỉ cho thế giới bên kia tại đây. 
2.3. Việc sát hạch tăng sĩ và cấp độ điệp 
Độ điệp là giấy chứng minh do triều đình cấp cho tu sĩ Phật giáo ở 
Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam thời xưa. Ở Trung Quốc, thời Bắc 
Ngụy đã có quy chế này. Năm 729, đời Đường, vua xuống chiếu cho 
Tăng ni trong nước, 3 năm làm sổ một lần. Năm 747, vua xuống chiếu 
cho Tăng ni trong nước lệ thuộc vào Lưỡng Nhai Công Đức Sứ do Ty 
Thượng Thư Tỉnh Từ Bộ cấp phát giấy tờ, gọi là Từ Độ Điệp. Tăng ni có 
độ điệp được miễn sưu dịch. Tại Việt Nam, độ điệp bắt đầu từ thời vua 
Trần Anh Tông, là chứng thư của triều đình dùng làm thông hành cho 
tăng sĩ. Pháp Loa là tăng sĩ đầu tiên được vua Trần cấp độ điệp. Tăng sĩ 
có độ điệp được hưởng những điều kiện dễ dàng trong thời gian du hành, 
khảo cứu, tham bái các nơi, đến chùa nào của môn phái cũng được tiếp 
đón9. Tuy nhiên, chỉ đến thời Lê, tăng sĩ mới phải tham gia cuộc thi do 
triều đình tổ chức để được cấp độ điệp. Đại Việt sử ký toàn thư chép: 
“Mùa hạ, tháng 6, mồng 10, ra lệnh chỉ cho các tăng đạo, người nào 
thông kinh điển, trong sạch, giữ tiết hạnh, hẹn đến ngày 20 tháng này tới 
sảnh đường trình diện, để xét duyệt cho thi, ai đỗ thì cho làm tăng đạo, ai 
không đỗ thì bắt hoàn tục”10. 
Lệ cấp độ điệp cho tăng sĩ tiếp tục được duy trì dưới triều Nguyễn. Để 
quản lý chặt chẽ hơn đội ngũ tăng sĩ, Gia Long quy định rõ trong Hoàng 
Việt luật lệ: “Nếu tăng đạo không được cấp độ điệp, tự ý cạo tóc thì phạt 
100 trượng, nếu do gia trưởng thì gia trưởng phải chịu tội, nếu do trụ trì ở 
tự quán và thầy dạy riêng độ thì đồng tội, buộc hồi tục, vào sổ đương 
54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
sai”11. Tuy nhiên, lúc này triều đình chưa tổ chức sát hạch tăng sĩ. Đến 
thời Minh Mạng, điều luật trên vẫn được thực hiện. Nhưng muốn được 
cấp độ điệp, tăng sĩ phải vân tập đến kinh đô, được Bộ Lễ sát hạch và ghi 
nhận là bậc chân tu, giữ gìn giới luật, am hiểu Phật pháp. Sau khi nhận 
được độ điệp, tăng sĩ được tự do hành đạo, được miễn các thứ thuế và lao 
dịch, cử làm Tăng cang, trụ trì. Nhưng nếu tăng sĩ không chuyên tâm trì 
giới, phạm tội sẽ bị triều đình tịch thu độ điệp đã cấp, buộc phải hoàn tục. 
Độ điệp mà Bộ Lễ cấp cho sư Nhất Định ghi rõ: “Lâu nay tăng sĩ đến 
kinh đô, Bộ phải xét ai là người chân tu, giữ đúng giới luật, am tường 
khoa phạm, thời cấp một độ điệp để được yên tâm tu trì, hầu chứng đạo 
thiền, còn như binh nhiêu, thuế thân hết thảy đều tha hết. Nếu sau khi 
nhận điệp rồi mà nợ trần chưa dứt sạch, nghiệp chướng vẫn còn, có tỳ 
tích xấu, các quan lại hay dân quân ta bắt được, giải ngay cho quan địa 
phương chiếu luật trừng trị, bắt phải về tục, thu lại độ điệp để Bộ tiêu 
hủy”12. Cùng với việc được cấp độ điệp, các tăng sĩ còn được triều đình 
ban giới đao. Đó là “con dao nhỏ hình bán nguyệt dùng để cắt áo, cạo 
tóc, cắt móng tay, là 1 trong 18 vật thường dùng của Tỳ kheo”13. Ngoài 
ra, giới đao còn có hàm ý là để cắt hết mọi dục vọng mà an tâm trì giáo. 
Cuộc sát hạch tăng sĩ được tổ chức lần đầu tiên dưới thời Minh Mạng 
là năm 1830. Nhân dịp tứ tuần khánh thọ của Hoàng Thái hậu, nhà vua đã 
ra chỉ vân tập tất cả tăng sĩ trong nước về chùa Báo Quốc để dự cuộc sát 
hạch về giới luật. Trong dịp này có 53 tăng sĩ trong cả nước được cấp độ 
điệp. Các sư Hoằng Tông (chùa Vạn Đức, Hội An), Bảo Tạng (chùa 
Phước Lâm, Quảng Nam), Nhất Định (chùa Báo Quốc, Huế), Trí Giác 
(chùa Kim Cang, Phú Yên), Nhứt Chơn (chùa Tường Vân, Huế) là 5 
trong số 50 tăng sĩ được cấp độ điệp. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 
chép lại việc này như sau: “Minh Mạng năm thứ 11 (1830) chỉ dụ: Lần 
này sư ở chùa các hạt gọi đến kinh gồm 53 người, đã qua Bộ Lễ sát hạch 
dựng thành danh sách tâu lên, nay chuẩn thưởng cấp. Cho 12 người vào 
hạng xảo thông đều cấp 5 lạng bạc; 38 người vào hạng hơi thông đều cấp 
3 lạng bạc, lại ban tiệc chay ở chùa Thiên Mụ 1 lần, chuẩn đều cấp độ 
điệp giới đao, còn 3 người không thông, không chuẩn cho thưởng cấp để 
tỏ ra có phạt, điều khiển cho về”14. 
 Lần thứ hai, năm Minh Mạng thứ 16 (1835), sau khi tổ chức trai đàn 
tại chùa Thiên Mụ, triều đình tổ chức sát hạch và cấp giới đao, độ điệp 
cho tăng sĩ: “Lại chỉ: trụ trì chùa Long Quang là Nguyễn Văn Thường, 
xuất gia từ tuổi nhỏ, giới luật giữ được tốt, chuẩn cho chiểu cấp 1 đạo 
Nguyễn Duy Phương. Chính sách đối với Tăng sĩ 55 
Tăng cang văn bằng, còn những người hoặc dự vào hạng tinh 36 người, 
hạng thô 71 người, chuẩn theo lệ trước, chuẩn hạng cấp cho bạc lạng và 
khoản đãi tiệc chay một lần, ai đáng cấp độ điệp giới đao, tức sắc cho tề 
tập cả ở trước chùa Thiên Mụ để bái lĩnh”15. Lần này, số lượng tăng sĩ 
được cấp độ điệp nhiều gấp đôi lần trước, trong đó có nhiều vị đến từ các 
chùa Miền Bắc16. 
Lần sát hạch thứ ba diễn ra vào năm 1840. Chính sử triều Nguyễn 
không thấy ghi chép về lần sát hạch này, nhưng sách Đại Nam thiền uyển 
truyền đăng tập lục đề cập việc năm 1840, sư Hải Lượng được triều đình 
ban cấp giới đao độ điệp sau khi vào kinh ứng thí thành công: “Năm Minh 
Mạng thứ 21 (1840), sư đắc chỉ vào kinh ứng thí, được ban giới đao độ 
điệp với hiệu Hải Lượng17 hòa thượng”. Điều này trùng hợp với sự kiện 
được Đại Nam thực lục ghi lại: “Vua sai các địa phương từ Quảng Bình trở 
vào Nam hỏi kỹ trong hạt, có nhà sư nào đắc đạo, thông hiểu đạo thì tỉnh 
cấp bằng cho đến kinh, kịp tuần tháng tư tụng kinh ở chùa Giác Hoàng 21 
ngày đêm, ở Thủy Đàn 7 ngày đêm; ở quán Linh Hựu 7 ngày đêm”18. Năm 
1840, vua Minh Mạng tổ chức nhiều hoạt động mừng thọ 40 tuổi của mình. 
Ngoài ở kinh đô, nhà vua còn lập đại trai đàn tại chùa Phật Tích (Sơn Tây). 
Do vậy, nhận định triều đình tổ chức sát hạch tăng sĩ vào năm này hoàn 
toàn hợp lý. Tuy nhiên, số lượng tăng sĩ tham gia cũng như kết quả của lần 
sát hạch này cho đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin. 
Trong 20 năm với ba lần triều đình tổ chức sát hạch, chắc chắn số 
lượng tăng sĩ được cấp độ điệp với số lượng tăng sĩ thực tế còn khá 
khiêm tốn. Điều đó cho thấy, điều luật người xuất gia phải có độ điệp của 
Hoàng Việt luật lệ khó lòng thực hiện được triệt để. Nhưng dù sao, nó 
cũng cho thấy nỗ lực của nhà nước phong kiến trong việc quản lý đội ngũ 
tăng sĩ. Vua Minh Mạng dù sùng Nho giáo, nhưng vẫn tôn trọng Phật 
giáo. Nhà nước đề cao việc thông hiểu Phật pháp của tăng sĩ, nên việc 
kiểm tra trình độ nhằm tìm người tài giỏi, chấn chỉnh tư cách tăng sĩ, loại 
trừ những người “trốn việc quan đi ở chùa”, quy củ lại việc tu tập, nâng 
cao trình độ của giới xuất gia là việc làm cần thiết, tác động tích cực đến 
sinh hoạt Phật giáo lúc bấy giờ. 
2.4. Việc quy định về đạo đức, lối sống của tăng sĩ 
Triều Minh Mạng rất chú ý đến đạo đức, lối sống của tu sĩ Phật giáo. 
Trong Hoàng Việt luật lệ có hẳn những điều luật quy định nghiêm ngặt 
về lối sống của các tăng sĩ. Những điều luật này tuy được ban hành dưới 
56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
thời vua Gia Long, nhưng vẫn được thực hiện đối với các triều vua sau. 
Theo đó, y phục của tăng sĩ “chỉ cho phép dùng lụa thô, vải, không được 
dùng lụa là thứ láng mịn đẹp, thêu bông hoa. Ai trái lệnh phạt 50 roi, 
buộc hồi tục, y phục gom về nhà quan. Cà sa, đạo phục thì không ở trong 
luật lệ này”19. 
Luật pháp xử phạt nặng tăng sĩ có vợ con, hoặc đoạn tuyệt với cha mẹ: 
“Phàm tăng, đạo cưới thê thiếp thì phạt 80 trượng, hồi tục Trụ trì chùa 
chiền biết mà không báo lên thì cùng tội, liên lụy vì người, không buộc 
hồi tục”20; “Tăng ni, đạo sĩ, nữ quan đều ra lệnh họ phải cúng tế cha mẹ, 
tổ tiên và thứ lớp để tang làm giống như bao nhiêu người. Ai trái lệnh, 
phạt 100 trượng, buộc hồi tục”21. Đối với trường hợp “Tăng đạo quan, 
tăng nhân, đạo sĩ phạm vào kỹ nữ, rượu thịt thì đều phạt trăm trượng, trả 
về làm dân”22. 
Khi tăng sĩ phạm tội, triều đình xử tội nặng hơn dân thường. Hoàng 
Việt luật lệ quy định: “Phàm để tang cha mẹ và chồng chết, nếu tăng sĩ, 
đạo sĩ, nữ quan phạm gian thì tăng hai bậc tội người thường phạm gian, 
xử tội ấy theo người thường phạm gian”23. Khi một tăng sĩ phạm tội bị 
hình phạt thì sư trưởng của chùa ấy cũng bị liên đới trách nhiệm. Trường 
hợp sư Nguyễn Văn Huấn ở chùa Thiên Mụ là một ví dụ tiêu biểu: “Sư 
chùa Thiên Mụ tên là Nguyễn Văn Huấn vì ghen ghét người, Bộ Hình và 
Viện Đô Sát xét hỏi qua một năm không khám phá ra manh mối. Đến 
nay, khoa đạo là Nguyễn Sĩ Đăng, Lê Tập bí mật dò xét tìm được tình 
trạng, đều thưởng cho mỗi người 10 lạng bạc và gia một cấp. Khi án giao 
xuống đình thần xét, Huấn bị xử trảm hậu, sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan 
bị cách chức trụ trì chuẩn bắt phải làm việc nặng nhọc tại chùa ấy”24. 
Những quy định nêu trên thể hiện rõ yêu cầu của triều Minh Mạng đối 
với tu sĩ Phật giáo. Họ không chỉ thông hiểu Phật pháp, mà còn phải là 
những người có phẩm hạnh hơn người, có lối sống thanh bạch, giản dị, 
chấp nhận từ bỏ những ham muốn trần tục để làm gương cho người đời, 
mới cảm hóa được giáo chúng. 
2.5. Việc hậu đãi tăng sĩ 
Bên cạnh những đòi hỏi khắt khe dành cho giới tu sĩ Phật giáo, triều 
Minh Mạng cũng ban cho đội ngũ này nhiều hậu đãi. Chức sắc Phật giáo 
và tăng chúng các chùa công đều được cấp lương bổng, pháp phục và 
lương thực hằng tháng để chi dùng. Theo từng cấp bậc tăng sĩ mà sự phân 
chia nhiều ít khác nhau. Tăng sĩ trong mỗi chùa được phân cấp thành ba 
Nguyễn Duy Phương. Chính sách đối với Tăng sĩ 57 
bậc: sư trưởng (tăng cang, trụ trì) là cao nhất, tiếp đến là Tăng ni (đã thọ 
Tỳ Kheo giới), nhỏ nhất là tiểu điệu (người mới vào chùa). Lệ phân cấp 
cụ thể như sau: “Phàm tăng cang ở đền chùa của nhà nước, mỗi người 
tháng cấp cho 3 quan tiền, 1 phương gạo trắng, tăng chúng mỗi người 1 
quan tiền, 1 phương gạo trắng, đạo đồng mỗi người 6 tiền, 1 phương 
gạo”25. Bộ Hộ tùy theo số lượng tăng sĩ mỗi chùa mà cấp phát số tiền bạc 
và lương thực tương ứng. 
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Minh Mạng năm thứ ba 
(1822), có chỉ rằng, các sư ở chùa Thiên Mụ mỗi tháng cấp cho tiền 60 
quan, gạo 55 phương, gạo trắng 5 phương, muối 6 thưng. Lại có chỉ rằng, 
chùa Long Quang mỗi tháng cấp tiền 15 quan, gạo 21 phương. 
Năm thứ 15 (1835), chuẩn y lời tâu đến chùa Linh Hựu, một sư trưởng 
cấp cho mỗi tháng tiền 2 quan, gạo trắng 1 phương. Các sư khác mỗi 
người mỗi tháng tiền 1 quan, gạo 1 phương. 
Năm thứ 17 (1836), có chỉ rằng, sư trưởng chùa Thánh Duyên mỗi 
tháng cấp cho tiền 2 quan, gạo trắng 1 phương. Các sư nam và sư nữ, mỗi 
người mỗi tháng tiền 1 quan, gạo 1 phương. Chú tiểu mỗi tháng tiền 5 
tiền, gạo 15 đấu. 
Năm thứ 20 (1839), có chỉ rằng, sư trưởng chùa Giác Hoàng mỗi 
tháng cấp tiền 3 quan, gạo trắng 1 phương. Các sư mỗi tháng mỗi người 
tiền 1 quan, gạo 1 phương”26. 
Một số tăng sĩ tài giỏi được triều đình quan tâm sửa sang chùa chiền, 
tạo điều kiện thuận lợi cho tu hành. Trường hợp sư Giác Ngộ ở chùa Bát 
Nhã (Phú Yên) là một ví dụ: “Ngày 18 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 
21, Lại truyền cho viên tỉnh Phú Yên xuất tiền công mua sắm vật liệu, 
thuê dân phu sửa sang chùa chiền nơi Nguyễn Giác Ngộ đang trụ trì cho 
được quan chiêm. Số dân phu thuê bao nhiêu người, truyền cấp cho mỗi 
người mỗi tháng 4 quan tiền và một phương gạo để chúng vui vẻ làm, 
sớm hoàn thành công việc. Sau khi xong việc cứ thật khai tiêu”27. 
3. Một vài nhận xét 
3.1. Có thể thấy, triều vua Minh Mạng can thiệp khá sâu vào hoạt 
động của Phật giáo thông qua điều phối, quản lý nhân sự các chùa, cấp độ 
điệp, sát hạch tăng sĩ, phong Tăng cang, bổ nhiệm trụ trì, v.v... Việc làm 
này thể hiện ý muốn kiểm soát Phật giáo của triều đình, đặc biệt là hoạt 
động của các quốc tự tại kinh đô Huế. Điều này không phải đến thời 
58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
Minh Mạng mới thực hiện, mà hầu như giai cấp cầm quyền nào cũng 
muốn nắm được tôn giáo, nhất là Phật giáo, chỉ có khác là cách làm của 
vua Minh Mạng mềm dẻo mà hiệu quả hơn mà thôi. Không có một lệnh 
cấm đoán nghiêm khắc nào, nhưng bằng việc nắm được đội ngũ tăng sĩ, 
vua Minh Mạng đã hoàn toàn quản lý và chi phối được Phật giáo theo 
hướng có lợi cho công cuộc trị nước của mình mà không vấp phải một sự 
chống đối nào. Các tăng sĩ nhận chức Tăng cang, trụ trì do triều đình 
phong cấp, hưởng ân điển của nhà vua chắc chắn không chỉ phụng sự đạo 
pháp, mà còn trở thành một viên quan nhà nước phục vụ đắc lực cho lợi 
ích của vương quyền. 
3.2. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đối với tăng sĩ, nhất là việc tổ 
chức sát hạch và cấp độ điệp, của triều vua Minh Mạng nói riêng và nhà 
Nguyễn nói chung là biện pháp hạn chế sự phát triển của Phật giáo. 
Nhưng theo chúng tôi, việc làm này không hề làm cho Phật giáo suy 
giảm, mà ngược lại. Chính sự quản lý của triều đình đã giúp khôi phục 
được một đội ngũ tăng sĩ có tổ chức, trình độ Phật pháp và đức độ, hạn 
chế những kẻ trốn tránh lao dịch, lợi dụng cửa thiền làm nơi chống đối 
triều đình, góp phần đưa sinh hoạt Phật giáo đi vào nền nếp. Đây là việc 
làm hữu ích đối với Phật giáo, giúp cho tôn giáo này ngày càng phát triển 
vững chắc hơn. Trần Hồng Liên khẳng định: “Trong một bối cảnh xã hội 
đầy rẫy phức tạp, đạo đức suy đồi, tăng chúng sa sút về giáo lý, một số 
người trốn bắt lính, trốn lao dịch mà vào chùa Nắm lại số chân tu, tạo 
điều kiện cho số này, dù ít ỏi, tiếp tục con đường đạo pháp là việc làm 
hợp lý và điều đó phần nào làm sáng tỏ chánh pháp nhà Phật, chứ không 
phải là hành động bài xích”28. 
3.3. Việc triều vua Minh Mạng dành khá nhiều công sức để triệu mời 
danh tăng ở các địa phương ra làm Tăng cang, trụ trì quốc tự ở kinh đô, 
ban cấp cho họ nhiều hậu đãi cho thấy mối quan tâm đặc biệt của triều 
đình đối với quốc tự nói riêng, Phật giáo nói chung. Ngoài mối thiện cảm 
cá nhân của vua Minh Mạng và triều thần đối với Phật giáo, thì sự quan 
tâm của triều đình đối với quốc tự còn xuất phát từ mục đích củng cố 
vương quyền, ổn định tâm linh của dân chúng. Quốc tự là trung tâm 
hoằng dương Phật pháp của đất nước, có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối 
với tín đồ Phật giáo. Hơn nữa, các ngôi chùa này phần lớn được xây dựng 
ở quanh kinh đô Huế, nơi đa phần dân chúng là tín đồ Phật giáo. Vì vậy, 
việc chăm lo quốc tự là một cách quan tâm đến đời sống tâm linh của 
Nguyễn Duy Phương. Chính sách đối với Tăng sĩ 59 
nhân dân. Từ đó, triều đình có thể thu phục được lòng dân, tạo được lòng 
tin và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần ổn định đất nước. 
3.4. Bên cạnh tác dụng tích cực, chính sách đối với tăng sĩ của triều 
Minh Mạng cũng bộc lộ một số hạn chế. Việc tổ chức sát hạch và cấp độ 
điệp cho tăng sĩ tập trung tại một điểm ở kinh đô với thời gian không cố 
định gây khó khăn về kinh phí, điều kiện di chuyển và cư trú cho tăng sĩ 
các địa phương về kinh ứng thí, gây nhiều tốn kém trong khâu tổ chức. 
Số lượng tăng sĩ được cấp độ điệp còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Hơn 
nữa, việc tổ chức sát hạch tăng sĩ do Bộ Lễ chủ trì theo lối từ chương của 
Nho giáo cũng chỉ những người hay chữ mới được công nhận là tu hành 
chân chính, còn những người khác, dù mộ đạo và tâm thành đến mấy mà 
không diễn tả được niềm tin tôn giáo và kiến thức Phật học bằng văn 
chương thì không phải tu hành chân chính. Điều này khiến cho khá nhiều 
tăng sĩ tài đức khó lòng được triều đình công nhận. 
Những hậu đãi mà triều đình dành cho chức sắc Phật giáo tại quốc tự 
cũng gây xáo trộn và chia rẽ trong hàng ngũ tăng sĩ. Không ít tăng sĩ 
chưa bỏ được lòng tham tìm cách chạy theo chức vị, danh tước để được 
hưởng bổng lộc của triều đình mà quên đi cốt cách của người xuất gia. 
Thực tế này được Thích Mật Thể phản ánh trong Việt Nam Phật giáo sử 
lược như sau: “Đến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an 
trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa. Phần 
đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dù ông thầy 
ấy thiếu học thiếu tu Phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng chức 
tước, xin bằng Tăng cang, Trú trì, Sắc tứ”29. 
Dù tồn tại một số hạn chế, nhưng chính sách đối với tăng sĩ của triều 
vua Minh Mạng không chỉ giúp triều đình quản lý Phật giáo, ổn định xã 
hội, mà còn tạo điều kiện cho tôn giáo này phát triển và phụng sự đất 
nước. Đây là những tham chiếu cần thiết cho công tác quản lý tăng sĩ nói 
riêng và Phật giáo nói chung của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay./. 
CHÚ THÍCH: 
1 A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, Những người bạn cố đô 
Huế (BAVH), tập XI, 1924: 126. 
2 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 361. 
3 Ấn Lan - Tổ Huệ - Từ Trí (1916), Ngũ Hành Sơn lục, bản chữ Hán chép tay, lưu 
tại chùa Tam Thai, Đà Nẵng. 
60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 
4 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 4, sđd: 362. 
5 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 512. 
6 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 4, sđd: 362. 
7 Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn: Tư liệu Phật giáo, Nxb. Văn hóa 
Thông tin, Hà Nội: 80. 
8 Tháp là nơi chứa nhục thân của các vị cao tăng, trụ trì. Thường thì các vị trụ trì, 
tăng chúng sinh hoạt tại chùa nào, khi qua đời tùy theo chức vụ phận sự sẽ được 
xây tháp ở chùa đó. Có một trường hợp đặc biệt là tháp mộ của Hòa thượng 
Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ. Hòa thượng trụ trì chùa này sau khi chế độ 
phong kiến sụp đổ năm 1945. Thiên Mụ khi ấy không còn chức năng của một 
quốc tự, mà chỉ là một chùa bình thường. Vì vậy, Hòa thượng được phép chọn 
nơi an nghỉ ngay tại quốc tự vốn trước kia là mảnh đất không ai được phép sử 
dụng vào việc riêng. Tháp mộ của Hòa thượng được xây vào năm 1992. Xem: 
Đặng Vinh Dự (2011), “Chuyện quốc tự ở Huế”, Huế Xưa & Nay, số 103: 105. 
9 Thích Minh Cảnh (2003), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb. Tổng hợp 
Thành phố Hồ Chí Minh: 1713. 
10 Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên (Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch, 1976), Đại Việt 
sử ký toàn thư, bản Kỷ, quyển X, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 367. 
11 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 2, Nxb. 
Văn hóa Thông tin, Hà Nội: 276. 
12 Nguyễn Hiền Đức (1999), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập 1, Nxb. Thành 
phố Hồ Chí Minh: 243. 
13 Thích Minh Cảnh (2003), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, sđd: 1713. 
14 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 4, sđd: 361. 
15 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 4, sđd: 362. 
16 Đó là các sư: Sinh Liên (chùa Trấn Bắc, Hà Nội), Tịch Tính (chùa Tam Huyền), 
Chiếu Thường (Chùa Đọi), Từ Tế (chùa Đại Bi), Minh Chính (chùa Bích Động, 
Ninh Bình), Chiếu Trường (chùa Khánh Quang, Hải Dương), Thanh Uyên (chùa 
Quỳnh Lâm), Phúc Điền (chùa Bồ Sơn, Bắc Ninh), Thông Duệ (chùa Phúc Long, 
Bắc Ninh), Thanh Quang (chùa Quế Hương), Chiếu Lượng (chùa Bổ Đà), Lương 
Duyên (chùa Báo Quốc, Huế), Quán Thông (chùa Phước Lâm, Quảng Nam), 
Bảo Ấn (chùa Thiên Ấn, Quảng Ngãi), Hải Tịnh (chùa Thiên Mụ, Huế), Bảo 
Tịnh (chùa Thiên Ân, Ninh Hòa), Hải Thanh (chùa Lữ Sơn, Nghệ An), Hải Viện 
(chùa Thiên Tượng, Hà Tĩnh). 
17 Sư Hải Lượng là người làng Kim Bôi, Hoàn An, Hà Nội. Xem: Hòa thượng Phúc 
Điền (1859), Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, bản khắc in chữ Hán, lưu 
tại Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu Vhv.9, tờ 45. 
18 Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, Nxb. 
Giáo dục, Hà Nội: 643. 
19 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 3, sđd: 443. 
20 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 3, sđd: 340. 
21 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 3, sđd: 443. 
Nguyễn Duy Phương. Chính sách đối với Tăng sĩ 61 
22 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 4, sđd: 915. 
23 Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu (1994), Hoàng Việt luật lệ, tập 5, sđd: 914. 
24 Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, sđd: 
616. 
25 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 4, sđd: 361. 
26 Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, tập 3, sđd: 452. 
27 Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn: Tư liệu Phật giáo, sđd: 82. 
28 Trần Hồng Liên (1992), “Vài nét về Phật giáo thời Nguyễn”, trong Những vấn đề 
văn hóa xã hội thời Nguyễn, Nxb. Khoa học xã hội: 162. 
29 Thích Mật Thể (1961), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng: 230. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. Thích Minh Cảnh (2003), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2, Nxb. Tổng hợp 
Thành phố Hồ Chí Minh. 
2. Đặng Vinh Dự (2011), “Chuyện quốc tự ở Huế”, Huế Xưa & Nay, số 103. 
3. Hòa thượng Phúc Điền (1859), Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục, bản 
khắc in chữ Hán, lưu tại Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu Vhv.9, tờ 45. 
4. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn: Tư liệu Phật giáo, Nxb. Văn hóa 
Thông tin, Hà Nội. 
5. Trần Hồng Liên (1992), “Vài nét về Phật giáo thời Nguyễn”, trong Những vấn đề 
văn hóa xã hội thời Nguyễn, Nxb. Khoa học xã hội. 
6. Nội các triều Nguyễn (Viện Sử học dịch, 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự 
lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 3, 4, 5, 
Nxb. Giáo dục, Hà Nội. 
8. Từ Trí (1916), Ngũ Hành Sơn lục, lưu tại chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, Đà 
Nẵng. 
9. Thích Mật Thể (1961), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Minh Đức, Đà Nẵng. 
Abstract 
POLICIES ON BUDDHIST CLERGY DURING THE REIGN 
OF KING MINH MẠNG 
In order to manage Buddhism, the reign of King Minh Mạng had 
specific policies on Buddhist clergy who played an important role in 
propagating and expanding Buddhism in Vietnam. This article clarifies 
the comportment with the Buddhist clergy in the reign of King Minh 
Mạng in both advanced and limited points. It is a reference to the 
management of the Buddhist clergy in Vietnam at present. 
Keywords: Buddhism, Buddhist clergy, policy, Minh Mạng. 

File đính kèm:

  • pdfchinh_sach_doi_voi_tang_si_thoi_minh_mang.pdf