Bài giảng Lý thuyết Tài chính tiền tệ - Bài 1: Cấu trúc của lãi suất

Nội dung

Cấu trúc rủi ro của lãi suất liên quan tới khả năng vỡ nợ của người vay. Rủi ro vỡ nợ của

người vay càng cao thì lãi suất đối với khoản vay của họ càng lớn. Kỳ hạn cho vay càng

dài thì lãi suất đối với khoản vay hay chứng khoán càng cao. Có 3 lý thuyết được đưa ra

để giải thích về lãi suất ở những kỳ hạn khác nhau lại biến động cùng chiều với nhau và

lãi suất dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn.

pdf 9 trang phuongnguyen 860
Bạn đang xem tài liệu "Bài giảng Lý thuyết Tài chính tiền tệ - Bài 1: Cấu trúc của lãi suất", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Bài giảng Lý thuyết Tài chính tiền tệ - Bài 1: Cấu trúc của lãi suất

Bài giảng Lý thuyết Tài chính tiền tệ - Bài 1: Cấu trúc của lãi suất
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 1 
BÀI 1 
CẤU TRÚC CỦA LÃI SUẤT 
Hướng dẫn học 
Bài này giới thiệu các yếu tố bộ phận của lãi suất của các loại chứng khoán trên thị 
trường. Lãi suất bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của cung cầu vốn và cung cầu tiền như đã 
nghiên cứu trong phần 1, lãi suất còn chịu ảnh hưởng của rủi ro và kỳ hạn của chứng 
khoán. Sinh viên cần sử dụng lý thuyết về lượng cầu tài sản để giải thích tác động của rủi 
ro và kỳ hạn tới lãi suất như được phân tích trong bài học. Sinh viên cần hiểu rõ về giả 
thiết và kết luận của các lý thuyết khác nhau về cấu trúc kỳ hạn của lãi suất để phân biệt 
được sự khác nhau và ý nghĩa của các lý thuyết này. 
Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau: 
 Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia 
thảo luận trên diễn đàn. 
 Đọc tài liệu: 
1. Giáo trình Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, PGS. TS. Nguyễn Hữu Tài chủ biên, NXB 
Đại học KTQD. 
2. Tiền tệ, Ngân hàng và Thị trường tài chính, Frederic S. Mishkin, NXB Khoa học
Kỹ thuật, 2001. 
 Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc 
qua email. 
 Trang Web môn học. 
Nội dung 
Cấu trúc rủi ro của lãi suất liên quan tới khả năng vỡ nợ của người vay. Rủi ro vỡ nợ của 
người vay càng cao thì lãi suất đối với khoản vay của họ càng lớn. Kỳ hạn cho vay càng 
dài thì lãi suất đối với khoản vay hay chứng khoán càng cao. Có 3 lý thuyết được đưa ra 
để giải thích về lãi suất ở những kỳ hạn khác nhau lại biến động cùng chiều với nhau và 
lãi suất dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn. 
Mục tiêu 
Sau khi học xong bài này, sinh viên phải giải thích được: 
 Mức độ rủi ro của khoản vay, trái phiếu ảnh hưởng tới lãi suất của trái phiếu đó như 
thế nào. 
 Phân biệt được sự khác nhau về giả thiết và kết luận của 3 lý thuyết về cấu trúc kỳ hạn 
của lãi suất, từ đó giải thích vì sao lý thuyết về môi trường ưu tiên là lý thuyết có 
nhiều ưu điểm có thể giải thích được các đặc điểm của lãi suất trên thị trường. 
 Áp dụng các lý thuyết về cấu trúc rủi ro, cấu trúc kỳ hạn để tính toán lãi suất đối với 
một loại trái phiếu hoặc một loại chứng khoán cụ thể. 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
2 TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 
Tình huống dẫn nhập 
Công ty Vincom phát hành trái phiếu 
Tháng 5/2008, Công ty cổ phần Vincom thực hiện phát hành trái 
phiếu doanh nghiệp để phục vụ hoạt động kinh doanh của họ. 
Công ty đã phát hành 2.000 tỷ trái phiếu ghi sổ, kỳ hạn 5 năm 
không có tài sản đảm bảo với mức lãi suất trả hàng năm bằng lãi 
suất tiền gửi tiết kiệm trả sau kỳ hạn 1 năm bình quân của Hội sở 
chính 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV, ngân hàng 
Công Thương cộng thêm tối đa 4%/năm. Lãi suất trái phiếu chính 
phủ kỳ hạn 5 năm phát hành cũng tại thời điểm Vincom phát 
hành trái phiếu công ty có lãi suất 15%/năm, lãi suất huy động 
bình quân của các ngân hàng thương mại là 16%/năm. 
1. Vì sao Vincom lại phải trả một mức lãi suất cao hơn so với lãi suất huy động 
của các NHTM? 
2. Rủi ro và kỳ hạn vay nợ của Vincom tác động tới lãi suất trái phiếu của công 
ty như thế nào? 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 3 
1.1. Các thực tế về lãi suất thị trường 
Trong phần trước khi nghiên cứu các yếu tố tác động 
tới lãi suất chúng ta mới chỉ nghiên cứu một loại lãi 
suất, đó là lãi suất đối với trái phiếu chính phủ. Nhưng 
quan sát trên thực tế thì thấy rằng có một số lượng rất 
lớn các loại trái phiếu và lãi suất của các trái phiếu đó 
rất khác nhau, lãi suất của các trái phiếu khác nhau 
biến động cùng chiều với nhau, và lãi suất của trái 
phiếu dài hạn thường cao hơn lãi suất của trái phiếu 
ngắn hạn. 
Khi xem xét hai trái phiếu có cùng kỳ hạn thanh toán nhưng lại có lãi suất khác nhau, 
người ta thường đề so sánh mức độ rủi ro của trái phiếu đó, và sự khác nhau này được 
gọi là cấu trúc rủi ro của lãi suất. Còn khi xem xét cùng một loại trái phiếu nhưng lại 
có kỳ hạn khác nhau, thì lãi suất của trái phiếu ở những kỳ hạn khác nhau được gọi là 
cấu trúc kỳ hạn của lãi suất. 
1.2. Cấu trúc rủi ro 
Khi phân tích lãi suất của các trái phiếu có cùng kỳ hạn, người ta thường nhận thấy có 
sự khác biệt rõ ràng giữa các loại lãi suất này. Ví dụ trái phiếu công ty thường cao hơn 
lãi suất của trái phiếu chính phủ. Vì sao lại xảy ra hiện tượng này? 
1.2.1. Rủi ro vỡ nợ 
Một thuộc tính của trái phiếu ảnh hưởng tới lãi suất của trái phiếu đó là rủi ro vỡ nợ: 
là khả năng người phát hành trái phiếu không thực hiện được việc thanh toán lãi hoặc 
nợ gốc cho người nắm giữ trái phiếu khi đến thời hạn thanh toán. Các công ty đều có 
thể rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ, do vậy đều có rủi ro vỡ nợ, mặc dù ở các 
mức độ khác nhau. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, hoạt động của các công ty sẽ rơi 
vào tình trạng khó khăn và rủi ro vỡ nợ sẽ cao. Còn đối với trái phiếu chính phủ thì 
không có rủi ro vỡ nợ bởi vì chính phủ có thể tăng thuế thậm chí in tiền để trả các 
khoản nợ của họ. Do vậy các trái phiếu chính phủ được xem là những trái phiếu không 
có rủi ro vỡ nợ. Khoảng cách giữa lãi suất của trái phiếu có rủi ro vỡ nợ với trái phiếu 
chính phủ có cùng kỳ hạn được gọi là mức bù rủi ro. Sử dụng lý thuyết về lượng cầu 
tài sản để giải thích vì sao một trái phiếu có rủi ro vỡ nợ lại có lãi suất cao hơn, và 
mức rủi ro càng lớn thì lãi suất của trái phiếu đó càng cao. Phân tích này thể hiện mối 
quan hệ quan trọng trong tài chính đó là một mức rủi ro cao hơn phải được bù đắp 
bằng một mức lãi suất cao hơn. Đây chính là mối quan hệ giữa rủi ro và lãi suất. 
1.2.2. Tính thanh khoản 
Một thuộc tính khác của trái phiếu có ảnh hưởng tới lãi suất của nó là tính thanh 
khoản. Một tài sản có tính thanh khoản càng cao thì nó càng được ưa thích, do vậy cầu 
đối với tài sản này sẽ tăng lên. Các trái phiếu chính phủ là những tài sản có tính thanh 
khoản rất cao vì đặc tính an toàn, do vậy được nhiều tổ chức tài chính nắm giữ. Trái 
phiếu do các công ty phát hành có tính thanh khoản thấp hơn. Từ việc phân tích cung 
cầu vốn tương tự như ở mục trên ta thấy một trái phiếu có tính thanh khoản thấp hơn 
thì sẽ có lãi suất cao hơn so với những trái phiếu có tính thanh khoản cao hơn, và do vậy 
làm gia tăng khoảng cách về lãi suất giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty. 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
4 TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 
1.2.3. Sự khác biệt về chính sách thuế thu nhập 
Một yếu tố khác nữa tác động tới lãi suất của trái phiếu là tình trạng thuế thu nhập của 
trái phiếu đó. Nếu một trái phiếu có thu nhập từ tiền lãi được miễn thuế thu nhập, nó 
sẽ trở nên hấp dẫn hơn một trái phiếu có mức độ rủi ro tương đương nhưng thu nhập 
từ lãi lại phải chịu thuế thu nhập. Do vậy, trái phiếu có lãi phải nộp thuế thu nhập sẽ 
phải có lãi suất cao hơn so với trái phiếu có thu nhập được miễn thuế để đảm bảo rằng 
sau khi đã nộp thuế thì tiễn lãi thu được từ hai trái phiếu sẽ là ngang nhau. 
1.3. Cấu trúc kỳ hạn 
Những trái phiếu có cùng đặc tính về rủi ro, tính thanh khoản và chính sách thuế có lãi 
suất khác nhau vì kỳ hạn của các trái phiếu khác nhau. Ba lý thuyết được đưa ra để 
giải thích cho sự khác biệt về lãi suất của trái phiếu ở những kỳ hạn khác nhau. Hai lý 
thuyết đầu tiên đều giải thích được một khía cạnh của của lãi suất trên thực tế từ đó 
dẫn tới lý thuyết thứ 3 về môi trường ưu tiên giải thích được đầy đủ các đặc điểm của 
lãi suất trên thực tế. 
1.3.1. Lý thuyết về dự tính 
Lý thuyết về dự tính đưa ra một kết luận chung sau 
đây: lãi suất của trái phiếu dài hạn bằng bình quân lãi 
suất ngắn hạn dự tính trong thời gian tồn tại của trái 
phiếu đó. Ví dụ, nếu các nhà đầu tư kỳ vọng rằng lãi 
suất ngắn hạn trung bình trong 5 năm tới là 10%/năm 
thì lãi suất của trái phiếu có kỳ hạn 5 năm cũng sẽ là 
10%/năm. 
Một giả thiết cơ bản của lý thuyết này là người nắm 
giữ trái phiếu không ưu tiên nắm giữ trái phiếu của 
một kỳ hạn nào đó, mà quan tâm tới lãi suất của trái phiếu. Do vậy họ sẽ nắm giữ loại 
trái phiếu có lãi suất cao hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trái phiếu ở kỳ 
hạn khác nhau có thể thay thế hoàn hảo cho nhau. 
Để minh họa cho việc giả thiết thay thế hoàn hảo dẫn tới lý thuyết về dự tính như thế 
nào, ta nghiên cứu tình huống sau đây. Giả sử nhà đầu tư có 1 tỷ đồng và muốn đầu tư 
số tiền đó với thời gian là 2 năm. Như vậy ông ta sẽ có 2 phương án: 
a. Mua trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Khi trái phiếu đáo hạn dùng toàn bộ số tiền thu 
được mua tiếp trái phiếu có kỳ hạn 1 năm. 
b. Mua trái phiếu kỳ hạn 2 năm và nắm giữ cho tới ngày đáo hạn. 
Ta có các ký hiệu sau đây: 
it là lãi suất kỳ hạn 1 năm ở thời điểm hiện tại; 
iet+1 là lãi suất kỳ hạn 1 năm ở thời điểm t+1 (sau 1 năm); 
i2t là lãi suất kỳ hạn 2 năm ở thời điểm hiện tại. 
Tổng số tiền thu được sau 2 năm của phương án a là: 
 1 (1 + it ) (1 + iet+1 ) = 1 + it + iet+1 + it iet+1 (1.1) 
Vì it.iet+1 là rất nhỏ nên ta có thể viết lại kết quả trên là 
 1 + it + iet+1 (1.2) 
Tổng số tiền thu được sau 2 năm của phương án b là: 
 1 (1 + i2t)2 = 1 + 2 i2t + i22t (1.3) 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 5 
Vì i22t là rất nhỏ nên kết quả (1.3) có thể được viết gọn thành: 
 1 + 2 i2t (1.4) 
Để cho thị trường là cân bằng, một số nhà đầu tư sẽ cho vay ngắn hạn 1 năm và một 
số nhà đầu tư cho vay dài hạn 2 năm, thì kết quả thu được từ chiến lược đầu tư a phải 
bằng với chiến lược đầu tư b. Tức là ta phải có: 
 1 + 2 i2t = 1 + it + iet+1 
Hay là 
e
t t 1
2t
i ii
2
Điều này có nghĩa là lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm bằng bình quân lãi suất ngắn 
hạn một năm trong thời gian trái phiếu tồn tại. Bằng cách lập luận tương tự, ta có thể 
xác định lãi suất của trái phiếu kỳ hạn n năm như sau: 
e e e
t t 1 t 2 t n 1
nt
i i i ... ii
n
Lý thuyết về dự tính giải thích được vì sao các lãi suất của trái phiếu kỳ hạn khác nhau 
lại thay đổi cùng chiều với nhau. Nếu có sự tăng lên trong dự tính về lãi suất ngắn hạn 
trong tương lai, nó sẽ làm các lãi suất dài hạn liên quan tăng lên theo do các lãi suất 
dài hạn là bình quân của lãi suất ngắn hạn. 
Lý thuyết về dự tính là một lý thuyết đơn giản giải thích được sự biến động của lãi 
suất ở những kỳ hạn khác nhau. Tuy vậy, lý thuyết này có hạn chế cơ bản là lý thuyết 
này không giải thích được tại sao đường lãi suất hoàn vốn thường đi lên tức là lãi suất 
dài hạn thường cao hơn lãi suất ngắn hạn. Còn theo lý thuyết dự tính, khi khả năng lãi 
suất trong tương lai tăng lên và giảm xuống là như nhau, thì lãi suất dài hạn sẽ bằng 
với mức lãi suất ngắn hạn hiện tại. 
1.3.2. Lý thuyết thị trường phân đoạn 
Lý thuyết thị trường phân đoạn xem xét lãi suất của 
trái phiếu ở những kỳ hạn khác nhau được hình thành 
từ những thị trường có kỳ hạn khác nhau và tách biệt 
với nhau, lãi suất của kỳ hạn này không ảnh hưởng tới 
lãi suất của kỳ hạn khác. 
Lý thuyết này bắt đầu từ một giả thiết quan sát được 
trên thị trường của các nhà đầu tư. Để hạn chế rủi ro, 
các nhà đầu tư sẽ chỉ nắm giữ các trái phiếu có kỳ hạn 
thanh toán trùng với kỳ hạn đầu tư của họ, và do vậy 
họ sẽ nhận được một khoản lãi chắc chắn từ việc nắm giữ trái phiếu. Ví dụ, các nhà 
đầu tư có khoản tiền nhàn rỗi trong 1 năm sẽ chỉ mua trái phiếu kỳ hạn 1 năm, còn các 
nhà đầu tư muốn đầu tư 3 năm thì sẽ nắm giữ trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Giả thiết này 
làm cho trái phiếu ở những kỳ hạn khác nhau là những hàng hóa không thay thế được 
cho nhau. Mặt khác, các nhà đầu tư thường ưu tiên nắm giữ các trái phiếu ngắn hạn so 
với trái phiếu dài hạn, điều này làm cho lãi suất của trái phiếu ngắn hạn thấp hơn lãi 
suất của trái phiếu dài hạn. 
Lý thuyết thị trường phân đoạn giải thích được vì sao trái phiếu dài hạn có lãi suất cao 
hơn lãi suất của trái phiếu ngắn hạn nhưng lại không giải thích được tại sao lãi suất ở 
những kỳ hạn khác nhau lại biến động cùng với nhau. Vì theo giả thiết của thị trường 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
6 TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 
phân đoạn, các thị trường là độc lập với nhau, biến động của lãi suất trên thị trường 
này thì không ảnh hưởng tới lãi suất của thị trường có kỳ hạn khác. 
Hai lý thuyết vừa phân tích chỉ giải thích được một vấn đề của lãi suất trên thực tế, do 
vậy một việc làm hợp lý là kết hợp cả hai lý thuyết để đi đến lý thuyết về môi trường 
ưu tiên. 
1.3.3. Lý thuyết môi trường ưu tiên 
Lý thuyết môi trường ưu tiên phát biểu rằng lãi suất của trái phiếu dài hạn bằng bình 
quân lãi suất ngắn hạn dự tính trong thời gian tồn tại của trái phiếu đó cộng với một 
mức bù kỳ hạn, mức bù kỳ hạn này phụ thuộc vào tương quan cung cầu vốn ở các kỳ 
hạn khác nhau. 
Lý thuyết này xuất phát từ giả thiết cho rằng nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ các trái phiếu 
có kỳ hạn thanh toán trùng với kỳ hạn đầu tư của họ, nhưng vẫn quan tâm tới trái 
phiếu ở những kỳ hạn khác và sẽ nắm giữ các trái phiếu đó nếu lãi suất ở các kỳ hạn 
khác là hấp dẫn. Điều này có nghĩa là trái phiếu ở những kỳ hạn khác nhau là những 
tài sản có thể thay thế cho nhau. Và do các nhà đầu tư ưa thích nắm giữ các trái phiếu 
ngắn hạn, người vay dài hạn hơn sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn để các nhà đầu tư 
sẵn lòng nắm giữ trái phiếu dài hạn. Do vậy, lãi suất của trái phiếu dài hạn sẽ được 
xác định như sau: 
e e e
t t 1 t 2 t n 1
nt nt
i i i ... ii k
n
Với knt là mức bù kỳ hạn cho trái phiếu kỳ hạn n năm ở thời điểm t. 
Lý thuyết môi trường ưu tiên có thể giải thích được đầy đủ các đặc điểm của lãi suất 
trên thực tế: các lãi suất thay đổi cùng chiều với nhau vì nếu 1 lãi suất ngắn hạn trong 
tương lai tăng lên thì cũng làm các mức lãi suất dài hạn liên quan tăng lên; lý thuyết 
này cũng giải thích được tại sao lãi suất dài hạn thường cao hơn lãi suất ngắn hạn vì 
có một mức bù kỳ hạn dương đối với các trái phiếu dài hạn. 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 7 
Tóm lược cuối bài 
 Các trái phiếu có cùng kỳ hạn nhưng lại có lãi suất hoàn vốn khác nhau là do 3 nguyên nhân: 
rủi ro vỡ nợ, tính thanh khoản, và chính sách về thuế thu nhập. Mối liên hệ giữa lãi suất và 3 
yếu tố này được gọi là cấu trúc rủi ro của lãi suất. 
 3 lý thuyết về kỳ hạn giải thích tại sao lãi suất của trái phiếu ở những kỳ hạn khác nhau liên 
hệ với nhau thế nào. Lý thuyết về dự tính giải thích được tại sao các lãi suất lại thay đổi cùng 
chiều với nhau. Lý thuyết thị trường phân đoạn giải thích được tại sao lãi suất dài hạn thường 
cao hơn lãi suất ngắn hạn. Lý thuyết môi trường ưu tiên kết hợp cả 2 lý thuyết trước và giải 
thích được đầy đủ các đặc điểm của lãi suất trái phiếu. 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
8 TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 
Câu hỏi ôn tập 
1. Sự khác biệt về giả thiết giữa lý thuyết dự tính và lý thuyết thị trường phân đoạn là gì? Từ đó 
dẫn tới các kết luận của các lý thuyết đó như thế nào? 
2. Mệnh đề sau đây là đúng hay sai hoặc không rõ ràng: “Nếu trái phiếu ở những kỳ hạn khác 
nhau là có thể thay thế cho nhau, lãi suất của các trái phiếu đó sẽ thay đổi cùng chiều với nhau”. 
3. Trái phiếu nào sẽ có mức bù rủi ro lớn hơn: trái phiếu của một ngân hàng so với trái phiếu 
của một công ty đang gặp khó khăn về tài chính? 
Bài 1: Cấu trúc của lãi suất 
TXNHLT02_Bai1_v1.0014106211 9 
Bài tập thực hành 
1. Tại sao lãi suất của tín phiếu kho bạc lại thấp hơn lãi suất trái phiếu công ty? 
2. Tại sao mức bù rủi ro của trái phiếu công ty thường thay đổi ngược với chu kỳ kinh doanh, 
tức là giảm xuống khi kinh tế tăng trưởng và tăng lên khi kinh tế suy thoái? 
3. Giả sử lãi suất ngắn hạn dự tính trong 5 năm lần lượt là 5%, 7%, 7%, 7%, 7%/năm. Hãy xác 
định lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 năm? 
4. Giả sử mức bù kỳ hạn từ 1 đến 5 năm lần lượt là 0%, 0.25%, 0.5%, 0.75% và 1%/năm, hãy 
tính lại lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 5 năm trong bài tập 3. 
5. Anh (Chị) dự báo lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào nếu như Chính 
phủ đứng ra bảo lãnh cho các trái phiếu đó? 
Gợi ý trả lời phần bài tập thực hành 
1. Tín phiếu kho bạc là loại tài sản không có rủi ro vỡ nợ trong khi đó trái phiếu công ty có rủi 
ro với nợ do vậy trái phiếu công ty sẽ phải có lãi suất cao hơn do rủi ro cao hơn. 
2. Trong giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ kinh doanh, các công ty hoạt động tốt và có 
lợi nhuận tốt, khả năng trả nợ tốt do vậy xác suất xảy ra vỡ nợ là thấp. Trong khi đó trong 
giai đoạn suy thoái, nhiều công ty gặp khó khăn trong kinh doanh, khả năng trả nợ giảm 
xuống tức là rủi ro vỡ nợ tăng lên. Do vậy rủi ro vỡ nợ cao hơn trong giai đoạn suy thoái 
làm mức bù rủi ro tăng lên, do vậy mức bù rủi ro thường biến động ngược chiều với chu kỳ 
kinh doanh. 
3. Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 1 năm là 5%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm là (5 + 7)/2 = 6%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 3 năm là (5 + 7 + 7)/3 = 6,33%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 4 năm là (5 + 7 + 7 + 7)/4 = 6,5%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là là (5 + 7 + 7 + 7 + 7)/5 = 6,6%/năm. 
4. Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 1 năm là 5% + 0% = 5%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm là (5 + 7)/2 + 0,25% = 6,25%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 3 năm là (5 + 7 + 7)/3 + 0,5% = 6,83%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 4 năm là (5 + 7 + 7 + 7)/4 + 0,75% = 7,25%/năm. 
Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là là (5 + 7 + 7 + 7 + 7)/5 + 1% = 7,6%/năm. 
5. Khi được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu của doanh nghiệp sẽ không có rủi ro vỡ nợ, do vậy 
lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm xuống. 

File đính kèm:

  • pdfbai_giang_ly_thuyet_tai_chinh_tien_te_bai_1_cau_truc_cua_lai.pdf