Ảnh hưởng của Islam giáo tới việc giáo dục tiếng Chăm ở Nam Bộ

Tóm tắt: Dựa vào kết quả khảo sát năm 2012 tại An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết phân tích đặc điếm của người Chăm và tiếng Chăm ở Nam Bộ dưới ảnh hưởng của Islam giáo, đồng thời đánh giá thực trạng sử dụng tiếng Chăm trong giáo dục ở Nam Bộ; đưa ra một sổ lưu ý khi thực thi chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu sổ ở Nam Bộ.

doc 12 trang phuongnguyen 3520
Bạn đang xem tài liệu "Ảnh hưởng của Islam giáo tới việc giáo dục tiếng Chăm ở Nam Bộ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Ảnh hưởng của Islam giáo tới việc giáo dục tiếng Chăm ở Nam Bộ

Ảnh hưởng của Islam giáo tới việc giáo dục tiếng Chăm ở Nam Bộ
ưLlEĨKL
Tôn giáo SÔ12 (126), 2013,87-98 TRẦN PHƯƠNG NGUYÊNThS., Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
)
ẢNH HƯỞNG CỦA ISLAM GIÁO
TỚI VIỆC GIÁO DỤC TIẾNG CHĂM Ở NAM Bộ
Tóm tắt: Dựa vào kết quả khảo sát năm 2012 tại An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh, bài viết phân tích đặc điếm của người Chăm và tiếng Chăm ở Nam Bộ dưới ảnh hưởng của Islam giáo, đồng thời đánh giá thực trạng sử dụng tiếng Chăm trong giáo dục ở Nam Bộ; đưa ra một sổ lưu ý khi thực thi chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu sổ ở Nam Bộ.
Từ khóa: Islam giáo, người Chăm, giáo dục tiếng Chăm, Nam Bộ.
Ngôn ngữ là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi văn hóa là do các thiết chế văn hóa hội nhập và ảnh hưởng lẫn nhau. Người Chăm Islam ở Nam Bộ đã tiếp thu hệ thống ngôn ngữ Arab trên một cơ chế nền tảng là giáo luật Islam giáo và văn hóa Islam giáo. Những đặc thù về tôn giáo, văn hóa của người Chăm ở các vùng miền khác nhau đã tạo nên sự khác biệt về tiếng nói và chữ viết. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học tiếng Chăm của người Chăm. Cùng với yếu tố tôn giáo, nhu cầu và khuynh hướng ngôn ngữ của người Chăm ở Nam Bộ cũng có sự khác biệt so với cộng đồng tộc người này ở Miền Trung, và có những bất cập về chính sách ngôn ngữ đối với cộng đồng người Chăm nơi đây.
Đặc điếm tôn giáo của người Chăm ở Nam Bộ
Mặc dù ra đời muộn hơn các tôn giáo khác, nhưng Islam giáo lại phát triển nhanh nhất và trở thành một trong những tôn giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Islam giáo không chỉ là vấn đề tôn giáo đơn thuần, mà còn chứa đựng trong đó một hệ thống giáo luật chi phối các vấn đề chính trị, văn hóa, đạo đức,... tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, trong đó có ngôn ngữ, yếu tố được cho là quan trọng bậc nhất. Bởi vì, ngoài vai trò là công cụ giao tiếp và tư duy của con người, ngôn ngữ còn có chức năng điều hành và phát triển xã hội, là phương tiện cố kết cộng đồng và hình thành, lưu truyền các hình thái trong đời sống văn hóa tinh thần của một dân tộc.
Ở Nam Bộ, người Chăm theo Islam giáo tụ cư thành từng paley (làng) và có ít nhất một ngôi thánh đường là đơn vị hành lễ, đồng thời là đơn vị tổ chức xã hội cổ truyền của người Chăm. Thánh đường không đơn thuần chỉ là nơi cầu nguyện, mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống, phản ánh tính xã hội rộng rãi của cộng đồng Islam giáo. Điều đó được thể hiện ở các lễ cưới, lễ tang và các buổi sinh hoạt của cộng đồng Islam giáo tại thánh đường. Nói cách khác, thánh đường là nơi sinh hoạt tinh thần của các thành viên trong cùng một Jammaah. Trong khuôn viên hoặc bên cạnh thánh đường của mỗi Jammaah đều có các lớp học để phổ biến và học giáo lý Islam giáo. Ở đây, người Chăm Islam giáo được học và được dạy chữ Arab để đọc Kinh Qur'an, học giáo lý để hiểu giáo luật Islam giáo và cầu nguyện (Salat). Nhìn một cách tổng quát, thánh đường của người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ giống như một “trường học” để duy trì và phổ biến tiếng Chăm của cộng đồng, nhất là chữ Chăm chú giải Kinh Qur'an.
Đặc điểm của người Chăm ở Việt Nam là sự khác biệt giữa các vùng, trong đó người Chăm Islam giáo có mối quan hệ thường xuyên với Islam giáo thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ đó ngoài yếu tố tôn giáo còn có mối quan hệ thân tộc. Cụ thể, người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ có quan hệ thường xuyên với người nói ngôn ngữ Melayu ở các quốc gia vùng Đông Nam Á, nên nhiều trí thức Islam giáo ở Nam Bộ đã học tiếng Melayu. Sự tác động này đã làm cho những trí thức Islam giáo ở Nam Bộ dùng chữ Jawi, một loại chữ Arab nhưng được người Melayu ở Malaysia và Indonesia dùng xây dựng chữ viết (sử dụng trước năm 1945) để xây dựng chữ Chăm ở Nam Bộ theo truyền thống Melayu. Hiện nay, loại chữ này rất thông dụng đối với người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ. Vì thế, có rất nhiều người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ có thể đọc được Kinh Qur'an, đọc được chữ Jawi của người Malaysia, Indonesia để hiểu thêm về Islam giáo. Đây là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến cảnh huống sử dụng ngôn ngữ của người Chăm ở Nam Bộ.
Như vậy, khi nghiên cứu những vấn đề về ngôn ngữ liên quan đến đời sống xã hội của người Chăm ở Nam Bộ không thể không chú ý đến đời sống tôn giáo. Trong quá trình liên kết (Integration) và cố kết (Cosilidation) cộng đồng, vai trò của các tôn giáo không giống nhau. Chính sự khác biệt đã làm suy yếu quá trình liên kết và cố kết nội bộ tộc người. Điều này phù hợp với việc người Chăm theo các tôn giáo khác nhau (Ấn Độ giáo và Islam giáo). Người Chăm ở Nam Bộ do quy định của giáo luật Islam giáo, nên những yếu tố văn hóa mang tính truyền thống trước đây đã bị thay thế bởi những yếu tố mới. Quá trình tiếp xúc không thường xuyên với các cộng đồng đồng tộc cùng với điều kiện môi trường sinh sống khác nhau đã làm cho quá trình liên kết và cố kết của tộc người này không bền vững. Cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ trước đây đã tiếp nhận Islam giáo trong hoàn cảnh sống cách xa những người đồng tộc, thường xuyên tiếp xúc với những người Islam giáo là nhân tố tác động bền bỉ đến việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ Arab là điều tất yếu.
Lấy thánh đường (nơi sinh hoạt tôn giáo) làm trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và gắn bó với nhau về mặt tinh thần bằng Kinh Qur’an, người Chăm ở Nam Bộ sống không chỉ tập trung quây quần bên nhau, mà có phần khép kín trong từng đơn vị cư trú và trong nội bộ cộng đồng. Vì thánh đường là nơi thụ giáo của người Chăm ở Nam Bộ và ngôn ngữ tôn giáo là Kinh Qur’an, nên mọi sinh hoạt về đời sống tinh thần đều diễn ra ở đây. Điều này cũng lý giải vì sao trong cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ, các lớp học chữ Chăm gắn chặt với thánh đường. Nói cách khác, ngôn ngữ trong Kinh Qur’an giữ vai trò tác động quan trọng trong đời sống xã hội của cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ.
Cũng vì lý do Kinh Qur’an chi phối xã hội, nên người Chăm ở Nam Bộ chỉ chú trọng đến “chữ Chăm của Kinh Thánh”. Đây cũng là nguyên nhân các trường học phổ thông ở vùng người Chăm ở Nam Bộ khi thực hiện chủ trương học tiếng dân tộc thiểu số của Nhà nước đều từ chối học sách tiếng Chăm do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, với bộ chữ được biên soạn dựa theo tiếng và chữ Chăm tại Ninh Thuận, loại chữ khác với chữ viết trong Kinh Qur’an. Theo đó, nhiều lớp học tiếng Chăm ở Nam Bộ được hình thành trong không gian thánh đường, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư, còn ở trong trường phổ thông, nơi lẽ ra phải thực hiện chủ trương của Nhà nước cũng chỉ là những “lớp thí điểm”. Như vậy, đời sống tôn giáo của cộng đồng cư dân đã tác động mạnh mẽ vào nhu cầu, và cùng với nhu cầu, thái độ ngôn ngữ của người Chăm ở Nam Bộ đối với việc học tiếng Chăm cũng có sự thay đổi và vấn đề tiếp theo là sự lựa chọn.
Một số vấn đề về tiếng nói, chữ viết của người Chăm ử Nam Bộ
2.1. Đặc điểm tiếng Chăm ở Nam Bộ
Dựa vào sự khác biệt địa lý và lịch sử văn hóa, trong đó yếu tố tôn giáo được chú trọng, các nhà nghiên cứu gọi tên ba vùng nói tiếng Chăm ở Việt Nam là Chăm Hroi, Chăm Panduranga và Chăm Nam Bộ. Dù nhìn ở góc độ nào và ứng với tên gọi như thế nào, tiếng Chăm ở Nam Bộ vẫn là một trong ba bộ phận của tiếng Chăm ở Việt Nam. Trên toàn quốc, dân tộc này có số dân là 161.729 người, trong đó người Chăm ở Nam Bộ là 32.382 người, chiếm 19,8%, cư trú chủ yếu tại 10 tỉnh, thành phố thuộc Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Họ vốn là những người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận sau cuộc di chuyển đến một số nước ở Đông Nam Á và trở về lập nghiệp ở vùng đất này.
Tiếng Chăm chia làm hai phương ngữ chính mà tiếng Chăm Nam Bộ là một trong số những phương ngữ đó. Theo cách gọi ước lệ như trên, tiếng Chăm Nam Bộ còn được gọi là “tiếng Chăm Miền Tây”, nhằm phân biệt với “tiếng Chăm Miền Đông” của hai vùng Ninh Thuận - Bình Thuận và Bình Định - Phú Yên. Theo cách nói của cộng đồng người Chăm, tiếng Chăm Nam Bộ gọi là “sắp Châu Đốc”, nhằm phân biệt với “sắp Phan Rang - Phan Rí” (trong tiếng Chăm, sắp có nghĩa là “tiếng”. Cho nên, “sắp Phan Rang - Phan Rí” có thể dịch là “tiếng Chăm ở Phan Rang - Phan Rí”, thủ phủ vùng Ninh Thuận và Bình Thuận; còn “sắp Châu Đốc” là “tiếng Chăm ở Châu Đốc”, nơi người Chăm cư trú đông nhất vùng Nam Bộ. Tiếng Chăm thuộc họ (family) ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian), nhánh (branch) Tây Nam Đảo, nhóm (group) Tây Indonesian, tiểu nhóm (sub - group) lục địa(1). Về loại hình, tiếng Chăm thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, đa tiết, không thanh điệu khá điển hình.
Giữa hai phương ngữ Chăm này có một số đặc điểm sau đây:
Về ngữ âm, nếu như tiếng Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận đã và đang có xu hướng đơn tiết hóa các từ đa tiết nguyên gốc, thì tiếng Chăm ở vùng Nam Bộ vẫn đang lưu giữ khá tốt hiện tượng đa tiết(2). Quá trình biến đổi của tiếng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận diễn ra ở phần đầu các từ song tiết, đó là quá trình nhược hóa các âm tiết yếu để hình thành các tổ phụ âm đầu của các âm tiết mạnh và giảm hóa thành các phụ âm đơn. Quá trình biến đổi của tiếng Chăm ở Nam Bộ diễn ra ở phần cuối âm tiết, xu hướng rụng dần các âm vang và cuối âm tắc, khi phát âm tiếng Chăm ở vùng Nam Bộ là đóng, tiếng Chăm vùng Ninh Thuận và Bình Thuận là mở. Như vậy, sự khác biệt thể hiện “tính phương ngữ” giữa những vùng này là sự khác biệt về tính “đa tiết/đơn tiết” tiếng Chăm.
Ngoài ra, căn cứ vào “giọng phát âm”, nếu giọng nói của người Chăm ở Miền Trung có vẻ hơi dồn dập, mạnh mẽ thì giọng nói của người Chăm ở Nam Bộ chậm rãi, đôi khi hơi kéo dài âm điệu(3).
về từ vựng, ở tiếng Chăm ở Nam Bộ có nhiều từ chung với Mã Lai, trong đó bao gồm cả từ có nguồn gốc Arab mới du nhập. Xét về mặt lịch sử, người Chăm ở Nam Bộ trong quá khứ và cả hiện tại đều có những quan hệ và liên hệ nhất định với người nói tiếng Melayu ở Malaysia, Indonesia... Vì thế, trong tiếng Chăm ở Nam Bộ có nhiều từ Melayu, mà tiếng Chăm ở những vùng khác Nam Bộ không có(4).
Về bình diện tiếp xúc ngôn ngữ, dường như khi nói đến tiếng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, người Chăm thường nghĩ đó là tiếng Chăm cổ (tiếng Chăm thuần, tiếng Chăm nguyên gốc) của cộng đồng người Chăm. Còn khi nói đến tiếng Chăm biến thể (tức là đã có sự biến đổi so với tiếng Chăm gốc vùng Ninh Thuận và Bình Thuận), tiếng Chăm lai, tiếng Chăm pha, người ta nghĩ đến tiếng Chăm ở Nam Bộ, tuy nó vẫn thuộc khái niệm tiếng Chăm.
Tùy theo phạm vi giao tiếp của từng cộng đồng Chăm mà tiếng Chăm giữa các vùng đã có sự thay đổi. Do tiếp xúc với tiếng Việt, nên tiếng Chăm hiện đại đã bị ảnh hưởng ở các bình diện ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng (xu hướng mất dần các phụ tố, đơn tiết hóa, báo hiệu sự xuất hiện của thanh điệu, hòa nhập các phụ âm để tạo các âm chung, xuất hiện nhiều hệ thống từ tiếng Việt trong hệ thống từ vựng tiếng Chăm).
2.2. Đặc điểm chữ viết của người Chăm ở Nam Bộ
Chữ viết của người Chăm ở Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Ở mỗi vùng khác nhau, người Chăm sử dụng các loại chữ khác nhau. Các tác giả Phú Văn Hẳn(5), Nguyễn Văn Khang(6) đã thống kê có hơn 10 loại chữ viết của người Chăm ở Việt Nam. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một số loại chữ viết phổ biến ở các vùng để thấy sự khác nhau trong cách lựa chọn tiếng nói, chữ viết của mỗi vùng Chăm.
Akhar Thrah là loại chữ thông dụng của người Chăm. Ngoài văn bia, loại chữ này còn được ghi trong các văn bản chép tay, đó là văn tự ngữ âm - âm tiết. Loại chữ này được dùng để giảng dạy học sinh người Chăm ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận. Năm 1978, ban tổ chức biên soạn sách chữ Chăm theo mẫu tự Thrah được thành lập. Bộ chữ Chăm này được Bộ Giáo dục và Đào tạo dùng để soạn sách tiếng Chăm với tư cách là môn học trong các trường phổ thông.
Tuy nhiên, cộng đồng người Chăm ở Bình Định và Phú Yên lại không đón nhận loại chữ viết này. Họ cảm thấy xa lạ với với loại chữ Chăm theo mẫu tự Thrah, mà muốn có hệ thống chữ viết Chăm theo theo mẫu tự Latinh. Năm 2000, Ksor Nut dựa vào cách ghi âm của SIL (Viện Ngôn ngữ học mùa hè), trên nền của tiếng Chăm H’roi để xây dựng một hệ thống cách ghi bằng chữ Latinh bao gồm 33 chữ cái (14 chữ cái phụ âm, hai bán nguyên âm và 17 nguyên âm).
Người Chăm Islam giáo ở Nam Bộ dùng loại chữ Jawi (loại chữ Arab nhưng được người Melayu ở Malaysia và Indonesia dùng xây dựng chữ viết và sử dụng trước 1945) để xây dựng chữ Chăm ở Nam Bộ theo truyền thống Melayu. Hiện nay, loại chữ này rất thông dụng đối với người Chăm Islam ở Nam Bộ và người Chăm Islam giáo ở Miền Trung. Cộng đồng người Chăm ở Campuchia và một số cộng đồng người Chăm khác ở những nước láng giềng cũng sử dụng loại chữ Jawi này. Như vậy, có cơ sở để nghĩ rằng, chữ Jawi là loại chữ tương đối phổ biến trong cộng đồng người nói ngôn ngữ Nam Đảo ở khu vực Đông Nam Á.
Tình hình sử dụng tiếng Chăm trong giáo dục ở Nam Bộ
Do đặc điểm hệ thống và sự đa dạng chữ viết các dân tộc thiểu số nên vấn đề giáo dục ngôn ngữ cũng có những đặc điểm khác nhau về việc dạy và học tiếng mẹ đẻ. Tiếng Chăm nằm trong nhóm ngôn ngữ có bộ chữ viết cổ truyền, ảnh hưởng lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên hình thức dạy học thường được đưa vào các trường phổ thông công lập, các trường học của tôn giáo. Tại các cơ sở giáo dục thường xuyên của các địa phương, tiếng Chăm được dạy cho cán bộ và công chức đang công tác trên địa bàn. Tuy nhiên, do những đặc điểm kinh tế xã hội của mỗi vùng miền khác nhau nên việc dạy và học có những nét đặc thù riêng.
Ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, việc học chữ Chăm được triển khai ở hầu hết các trường tiểu học và một số trường dân tộc nội trú có học sinh là người Chăm. Tuy nhiên, ở Nam Bộ, vấn đề học chữ Chăm còn nhiều trở ngại vì tình hình sử dụng chữ viết không đồng nhất. Các tỉnh Tây Ninh, An Giang đã tổ chức học chữ Chăm Jawi, loại chữ Chăm có nguồn gốc Arab nhưng cũng mới triển khai thí điểm ở Trường Tiểu học Phú Hiệp A (huyện Phú Tân) và Trường Tiểu học Khánh Hòa D (huyện Châu Phú). Như vậy, có thể thấy sự không đồng đều về việc dạy và học tiếng Chăm. Vậy những nguyên nhân nào đã đưa đến sự khác biệt này?
Theo chúng tôi, nguyên nhân thứ nhất của sự khác biệt trong việc dạy và học tiếng Chăm là do nguồn tài liệu dạy tiếng Chăm. Sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy tiếng Chăm theo Quyết định số 30/2006/QĐ của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 4/7/2006 chưa được cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ đón nhận. Bởi vì, tài liệu này biên soạn dựa trên tiếng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, không phù hợp với tiếng nói và chữ viết của người Chăm ở Nam Bộ. Sự khác biệt về tiếng nói, chữ viết này bắt nguồn từ yếu tố tôn giáo. Người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận theo Bà La Môn giáo, nên chữ viết ở vùng này dựa trên hệ thống chữ Phạn. Còn người Chăm ở Nam Bộ theo Islam giáo, nên chữ Chăm ở đây dựa theo chữ Arab. Đây là hai phương ngữ, và trên thực tế, mức độ hiểu của người Chăm ở Nam Bộ khi nghe tiếng Chăm ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận là rất ít. Khi đề cập vấn đề nghe và viết tiếng Chăm ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, hầu hết người Chăm ở An Giang nói không hiểu, một vài người nói “hiểu chút chút”. Điều này còn được thể hiện trên văn bản của một số cơ quan ban ngành của địa phương như báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho rằng: “Người Chăm An Giang bao gồm cả người Chăm Tây Ninh không sử dụng bộ chữ Chăm cổ truyền Akhar Thrah như người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận”.
Khi phỏng vấn đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Long Xuyên cũng như Ban Tôn giáo tỉnh An Giang, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là do chữ viết và tiếng nói không đồng nhất nên không thể sử dụng chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khi nghiên cứu trường hợp tại ấp Hà Bao, xã Đa Phước, huyện An Phú, kết quả phỏng vấn của chúng tôi cho thấy, người dân ở đây rất xa lạ với kiểu chữ Chăm trong sách giáo khoa.
Năm 1997, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành bước đầu việc biên soạn sách Tiếng Việt - Chăm Nam Bộ. Bộ chữ Chăm này gồm 31 phụ âm và 10 ký hiệu nguyên âm. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã sử dụng bộ chữ này để dịch bộ sách Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Tiếng Việt 3 sang tiếng Chăm làm tài liệu dạy học cho học sinh người Chăm ở đây. Như vậy, thay vì sử dụng sách giáo khoa tiếng Chăm cho cả cộng đồng người Chăm do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, tỉnh Tây Ninh đã làm theo cách riêng của mình, và cho rằng, như thế sẽ “phù hợp” với truyền thống dùng chữ Chăm của người Chăm ở Tây Ninh nói riêng và người Chăm ở Nam Bộ nói chung. Về mặt pháp lý, cho đến nay, bộ sách này vẫn chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép sử dụng. Vì thế, các tỉnh có người Chăm cư trú ở Nam Bộ vẫn chưa triển khai việc dạy tiếng Chăm ở bậc tiểu học một cách đồng bộ, mà chỉ dừng lại thí điểm ở vài trường trong một tỉnh.
Cho đến nay, cả tỉnh An Giang, nơi được coi là “thủ phủ của người Chăm” ở Nam Bộ, mới chỉ có hai trường tiểu học đã nêu ở trên được thí điểm đưa tiếng Chăm vào giảng dạy, với khoảng 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ở độ tuổi từ 7 đến 11. Đây quả là một số lượng học sinh khiêm tốn đối với một địa phương tập trung đông người Chăm nhất ở Nam Bộ như An Giang.
Nguyên nhân thứ hai của sự khác biệt trong việc dạy và học tiếng Chăm là do đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Chăm. Ngoài việc bất cập về tài liệu giảng dạy, một lý do nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học tiếng Chăm ở Nam Bộ là thiếu đội ngũ giáo viên người Chăm. Giáo viên giảng dạy không được đào tạo để dạy tiếng Chăm. Họ chỉ là người gốc Chăm, công tác giảng dạy tiếng Chăm cũng chỉ là kiêm nhiệm. Hiện nay, ở các trường chưa có giáo viên dạy tiếng Chăm, vì chương trình dạy tiếng Chăm ở bậc tiểu học cũng mới chỉ ở dạng thí điểm, nên số học sinh cũng hạn chế, mặc dù qua phỏng vấn định tính, hầu hết các em đều trả lời rất thích học tiếng Chăm trong nhà trường. Các bậc phụ huynh đều cho đó là cần thiết, nhưng ngoài hai trường dạy thí điểm với số lớp khiêm tốn, hệ thống giáo dục của tỉnh An Giang không có chương trình dạy tiếng Chăm cho học sinh vùng Chăm ở bậc tiểu học như ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận(7).
Ở Tây Ninh, nơi biên soạn và xuất bản bộ sách Tiếng Việt lớp 1, 2, 3 như đã đề cập cũng không thể triển khai việc giảng dạy tiếng Chăm trong nhà trường cho học sinh bậc tiểu học, vì bộ sách này không được cấp phép lưu hành chính thức. Toàn tỉnh Tây Ninh chỉ có một trường tiểu học Tân Hưng A, huyện Tân Châu dạy thí điểm từ lớp 2 đến lớp 5 với 60 học sinh và chỉ có 1 giáo viên duy nhất không qua đào tạo sư phạm mà chỉ là biết tiếng Chăm. Cũng chính vì bộ sách giáo khoa chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, nên môn học này không được coi là môn học chính thức trong nhà trường của hệ thống giáo dục ở Nam Bộ. Điều này đồng thời kéo theo những bất cập về chính sách cho giáo viên. Cụ thể là giáo viên dạy tiếng Chăm không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc 0,3 so với mức lương tối thiểu theo Nghị định 82/2010NĐ-CP ngày 15/7/2010 cho giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Hằng năm, họ không được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Đây là một thiệt thòi cho đội ngũ làm công tác giảng dạy tiếng Chăm ở Nam Bộ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dạy và học tiếng Chăm ở các trường tiểu học cũng tương tự như ở An Giang và Tây Ninh. Các lớp học tiếng Chăm hầu như chỉ diễn ra trong thánh đường và là tiếng Chăm Arab. Giáo viên ngoài sự đóng góp của các bậc phụ huynh còn được Nhà nước hỗ trợ với mức 300.000 đ/tháng trước đây, hiện nay tăng lên 500.000 đ/tháng. Ngoài lớp học này, một nhóm trí thức Chăm tự tổ chức lớp học tiếng cho con em người Chăm có nhu cầu học tiếng Chăm cổ (tiếng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận). Đối tượng học ngày càng được mở rộng đến sinh viên, học sinh, những nhà nghiên cứu, những người yêu thích tiếng Chăm. Đây là lớp học mang tính tự phát của một nhóm trí thức người Chăm, bắt nguồn từ tâm huyết của họ đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa Chăm. Trước đây, kinh phí cho việc dạy và học này là do các mạnh thường quân tài trợ và những người học tự đóng góp. Hiện nay, Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 500.000 đ/tháng cho các giáo viên để động viên họ có thêm thu nhập ổn định và gắn bó lâu dài với lớp học.
So sánh việc dạy và học tiếng Chăm giữa khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận với An Giang trong hệ thống giáo dục của nhà trường, chúng ta thấy có sự chênh lệch khá lớn. Nếu như chương trình tiếng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận được bắt đầu từ năm 1978 cho hai lớp 1 ở hai trường khác nhau, sau đó tăng dần lên các lớp lớn hơn, thì đến năm 1995, chương trình mở rộng đến tất cả trường tiểu học vùng người Chăm của Ninh Thuận và Bình Thuận với số lượng lên đến 10.000 học sinh và 300 giáo viên. Tiếng Chăm được dạy 3 giờ mỗi tuần từ lớp 1 đến lớp 5 như là một môn học chính khóa nhằm giúp các em đọc thông, viết thạo tiếng mẹ đẻ để chuyển tiếp vào tiếng Việt tốt hơn và tiếp tục ở những lớp cao hơn. Việc dạy học tiếng Chăm trong hệ thống giáo dục ở nhà trường tại Nam Bộ vẫn ở dạng thí điểm.
Mặc dù tình hình dạy và học tiếng Chăm trong nhà trường ở An Giang còn hạn chế, nhưng việc dạy và học chữ Chăm Arab ở ngoài xã hội lại rất sôi động. Tất cả cộng đồng người Chăm ở An Giang đều mở các lớp học tiếng Chăm tại thánh đường. Việc mở lớp học tiếng Chăm ở đây cũng có nhiều vấn đề cần được xem xét, bởi vì hiện nay, các cộng đồng người Chăm ở An Giang còn rất ít giáo viên dạy tiếng Chăm, chủ yếu là dạy tiếng Arab để đọc Kinh Qur'an. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Chăm ở thánh đường là những thành viên của cộng đồng người Chăm địa phương. Thời gian dạy tiếng Chăm thường khoảng từ 5 giờ chiều. Khảo sát của chúng tôi tại ấp Hà Bao, xã Đa Phước, huyện An Phú cho thấy, một số giáo viên tiếng Chăm ở đây chưa thông thạo tiếng Việt và tiếng Chăm truyền thống, mà chỉ biết tiếng Arab. Sau khi học hết phổ thông, những người này được đưa sang đào tạo ở Malaysia thông qua các tổ chức tôn giáo. Sau khi được đào tạo, họ trở về dạy chữ Arab cho con em người Chăm với mục đích để đọc Kinh Qur'an. Ngoài nguồn đóng góp của các bậc phụ huynh, giáo viên còn được hưởng lương từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Khi hỏi các giáo viên này tại sao không dạy tiếng Chăm gốc mà lại dạy tiếng Arab, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là “ngoài lý do tôn giáo, còn có lý do kinh tế”.
Như vậy, nếu như tiếng Chăm ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận được dạy một cách phổ biến trong nhà trường, thì ở An Giang mới chỉ dừng lại ở việc thí điểm. Việc đưa tiếng Chăm trở thành môn học trong nhà trường ở An Giang hiện nay gặp nhiều khó khăn, vì chưa được sự quan tâm của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn. Lý do đưa ra giải thích chủ yếu là do đặc thù ngôn ngữ.
Chúng tôi cho rằng, đây là một vấn đề thuộc về cảnh huống ngôn ngữ. Người Chăm ở Nam Bộ có một loại chữ riêng, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tôn giáo, không đồng nhất với chữ viết cổ truyền của cả tộc người này. Chính vì vậy, việc thống nhất chữ viết Chăm là một trở ngại khó vượt qua. Khi xây dựng và thực thi chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, ngôn ngữ của người Chăm ở Nam Bộ phải chú ý đến thực tế này một cách đúng mức.
Kết luận
Dưới tác động của hàng loạt các nhân tố ngôn ngữ - xã hội đã hình thành nên các phương ngữ Chăm với những đặc điểm riêng. Sự khác nhau giữa các vùng phương ngữ đã đặt ra nhiều vấn đề về tiếng nói, chữ viết của người Chăm ở Việt Nam. Làm thế nào để có một giải pháp đồng bộ cho tiếng Chăm, tránh tình trạng cát cứ, phân hóa tiếng Chăm đang là vấn đề cần được quan tâm.
Việc sử dụng tiếng Chăm gốc sẽ phục hồi và giữ gìn tiếng Chăm không bị mai một, tạo nên sự thống nhất cơ bản về âm đọc. Điều này được thực hiện trong sách giáo khoa tiếng Chăm, với âm/giọng đọc trên sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng Chăm từ Trung ương đến địa phương (Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận).
Trong một tình hình như thế, theo chúng tôi, việc duy trì tính thống nhất của tiếng Chăm trong sự khác biệt địa phương là một yêu cầu thực tế đối với việc xây dựng chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Tiếp theo, cần có những hình thức, biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy vai trò của tiếng Chăm. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong giáo dục, khi thực hiện việc duy trì và phổ biến tiếng Chăm, cần chú trọng tới tiếng Chăm của ba vùng phương ngữ. Các hoạt động trên sẽ là cầu nối quan trọng gắn kết người Chăm ở các vùng miền, tránh tình trạng cát cứ địa phương như đã nói ở trên.
Yêu cầu sử dụng chữ Chăm trong giáo dục theo cách của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 4/7/2006) phải được cân nhắc thêm. Theo Quyết định này, chương trình dạy tiếng Chăm cho cán bộ, công chức ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi có ghi chú nội dung đang bàn thảo có thể tùy thuộc vào bộ chữ của từng địa phương, do mỗi vùng cư trú, người Chăm sử dụng các bộ chữ viết khác nhau. Trong tình hình hiện nay không nên cứng nhắc việc thống nhất một cách phát âm gọi là thuần Chăm hay Chăm gốc mà bỏ qua cách phát âm biến thể. Bởi vì, tiếng Chăm không phải là ngôn ngữ quốc gia, phạm vi giao tiếp chủ yếu trong nội bộ cộng đồng tộc người này. Vì vậy, việc tạo mặt bằng thống nhất về chuẩn mực chung là điều không thể.
Chấp nhận sự đa dạng hóa hình thức dạy tiếng Chăm nhưng đồng thời có sự theo dõi, quản lý, giúp đỡ công việc này. Việc dạy tiếng Chăm trong trường học phải tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời lượng dạy cần thống nhất với quy định dạy môn tiếng dân tộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc thống nhất bộ chữ viết trong dạy tiếng Chăm là một quá trình lâu dài và phải có những nghiên cứu hợp lý theo hướng vừa đáp ứng được nguyện vọng của người dân, vừa đảm bảo thuận lợi trong giáo dục phù hợp với tính khách quan./.
CHÚ THÍCH
Trần Trí Dõi (2009), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thieu so ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội: 141.
Trần Trí Dõi (2011), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ vùng dân tộc thieu so Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội: 10 - 86.
Dan theo Nguyễn Văn Khang (2009), Khảo sát nghiên cứu vai trò của tiếng nói chữ viết Chăm trong đời song xã hội của người Chăm hiện nay, Đe tài khoa học cấp Bộ, Viện Ngôn ngữ học: 58.
Phú Văn Hẳn (2003), So sánh tiếng Chăm Việt Nam và tiếng Melayu Malaysia về mặt ngữ âm và chữ viết, Luận án tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: 60.
Phú Văn Hẳn (1991), “Chữ viết của người Chăm ở Việt Nam”, Khoa học Xã hội, số 10.
Nguyễn Văn Khang (2012), “Một số vấn đề về đời sống tiếng Chăm hiện nay”, Ngôn ngữ, số 1: 5 - 9.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Trí Dõi (2009), Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thieu so ở Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Trần Trí Dõi (2011), Những vấn đề chính sách ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ vùng dân tộc thieu so Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 10-86.
Phú Văn Hẳn (1991), “Chữ viết của người Chăm ở Việt Nam”, Khoa học Xã hội, số 10.
Phú Văn Hẳn (2003), So sánh tiếng Chăm Việt Nam và tiếng Melayu Malaysia về mặt ngữ âm và chữ viết, Luận án tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Nguyễn Văn Khang (2012) “Một số vấn đề về đời sống tiếng Chăm hiện nay”, Ngôn ngữ, số 1.
Nguyễn Văn Khang (2009), Khảo sát, nghiên cứu vai trò của tiếng nói chữ viết Chăm trong đời sống xã hội của người Chăm hiện nay, Đe tài khoa học cấp Bộ, Viện Ngôn ngữ học.
Nguyễn Văn Lại (1999), “Các ngôn ngữ nguy cấp và việc bảo tồn sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam”, Ngôn ngữ, số 4.
Trần Phương Nguyên (2013), Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ đối với cộng đồng người Chăm trong sự phát triền bền vững vùng Nam Bộ, Đe tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Trần Phương Nguyên (2013), “Những nhân tố ảnh hưởng đến cảnh huống của người Chăm ở Nam Bộ”, Ngôn ngữ, số 2.
THE INFLUENCE OF ISLAM
ON TEACHING CHĂM LANGUAGE IN THE SOUTH
Basing on the result of the survey in An Giang and Hồ Chí Minh City in 2012, the writer analyzes the characters of the Cham people and the Cham language in the Southern Vietnam under the influence of Islam and evaluates reality of using the Cham language in education in the South at the same time. The writer brings forward some necessary matters when carrying out the language policy of ethnic minorities in the South.
Key words: Islam, the Cham people, teaching the Cham language, the Southern Vietnam.

File đính kèm:

  • docanh_huong_cua_islam_giao_toi_viec_giao_duc_tieng_cham_o_nam.doc
  • pdf22625_75569_1_pb_5982_567021.pdf